Theo chúng tôi, việc mang thai hộ là một thỏa thuận dân sự hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự do ý chí và bình đẳng vì vậy pháp luật cần thiết công nhận và bảo vệ sự thỏa thuận này. Thỏa thuận mang thai hộ được xác lập giữa bố mẹ đứa trẻ và người mang thai hộ, đồng thời làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Vì vậy, những vấn đề pháp lý liên quan đến thỏa thuận này phải được qui định cụ thể. Thiết nghĩ, thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và cần thiết phải có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước, cơ quan hộ tịch, bởi nó là cơ sở pháp lý duy nhất làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, trong đó có quyền của người nhờ mang thai hộ được mặc nhiên công nhận là bố mẹ của đứa trẻ khi đăng ký khai sinh và các giấy tờ hộ tịch khác, tránh những tranh chấp không cần thiết. Ví dụ trong trường hợp sau khi sinh người mang thai hộ từ chối việc giao đứa trẻ, hoặc trường hợp bên nhờ mang thai từ chối nhận đứa trẻ.
4 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2727 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề pháp lý về mang thai hộ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số vấn đề pháp lý về mang thai hộ
TRẦN THỊ HƯƠNG – Khoa Luật Dân sự – ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh
Mang thai hộ là trường hợp sau khi thụ thai trong ống nghiệm, nếu người mẹ vì lý do sức khỏe hay vì điều kiện nào đó không thể mang thai, phải nhờ đến người phụ nữ khác mang thai và sinh đẻ. Vậy, về mặt pháp lý thỏa thuận giữa người nhờ và người nhận mang thai hộ là loại thỏa thuận gì? Những thỏa thuận này có trái với quan niệm đạo đức truyền thống không? Biện pháp pháp lý ràng buộc các bên và chế tài pháp lý trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận? Đây là vấn đề còn bỏ ngỏ trong lý luận cũng như trong các văn bản pháp luật hiện hành. Bài viết này bàn về một số vấn đề liên quan nảy sinh trong quan hệ mang thai hộ dưới phương diện pháp lý.
Xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ:
Từ lâu, một trong những yếu tố để xác định cha mẹ con là huyết thống. Thành ngữ “cha sinh, mẹ đẻ” hoặc: “mang nặng, đẻ đau”… đã hình thành nên tư duy của con người khi nói đến quan hệ cha – mẹ – con. Người đàn bà sinh ra đứa trẻ nghiễm nhiên là mẹ của đứa trẻ. Hiện tượng tự nhiên này tồn tại trong ý niệm xã hội – đạo đức của con người và được khẳng định về mặt luật pháp. Song, hiện tượng mang thai hộ là mới mẻ, hoàn toàn không nằm trong khuôn mẫu tập quán, tình cảm, đạo đức truyền thống: người đàn bà không mang thai, không sinh đẻ vẫn có thể là mẹ do đứa trẻ được thụ tinh hình thành bằng chính trứng của mình, còn người phụ nữ mang thai, sinh đẻ thì không phải là mẹ. Người mang thai, sinh đẻ chỉ là người làm công việc trợ giúp theo thỏa thuận, có hoặc không có thù lao bồi hoàn.
Theo Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000 thì khái niệm gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau. Khái niệm “gia đình” không đồng nhất với “hộ gia đình” trong các ngành luật hành chính, đất đai… Khái niệm này tồn tại hầu hết trong pháp luật về gia đình các quốc gia trên thế giới.
Quan hệ huyết thống không chỉ là cơ sở để xác định cha mẹ con mà còn là cơ sở xác định nguồn gốc, dòng họ, gia phả với những giá trị văn hóa tinh thần, đạo đức và truyền thống của dòng họ. Trường hợp con sinh ra do bởi người mang thai hộ thì khái niệm huyết thống được hiểu theo nhiều hướng khác nhau.
Thứ nhất: quan hệ huyết thống mẹ – con trong trường hợp này là quan hệ giữa đứa con sinh ra và người phụ nữ có trứng thụ tinh. Tức người nào chủ sở hữu trứng thì đó là mẹ của đứa trẻ. Người phụ nữ này đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân với bố đứa trẻ được sinh ra.
Thứ hai: người phụ nữ nào trong cơ thể của mình phát triển hài nhi và sinh ra đứa trẻ thì đó là mẹ. Không thể gọi là mẹ của cái trứng đã được thụ tinh mà chỉ có thể là chủ sở hữu cái trứng đã thụ tinh vì giữa cái trứng đã thụ tinh và đứa trẻ là hoàn toàn khác nhau. Còn mẹ của một đứa trẻ với tư cách là một con người thực thụ, với tư cách là chủ thể pháp luật dưới ý nghĩa pháp lý cũng như ý nghĩa sinh học, chính là người phụ nữ sinh ra (tạo ra, cho ra đời) đứa bé(1 ).
Thứ ba: nên có khái niệm pháp lý “người mẹ thứ hai” (mẹ thế). Có nghĩa là bên cạnh một “người mẹ thứ nhất” (người mẹ mà đứa trẻ mang gien di truyền), còn tồn tại một “người mẹ thứ hai” tức người mang thai hộ. Đây là quan điểm dung hòa của hai quan điểm trên, không phủ nhận vai trò của người phụ nữ mang thai và sinh ra đứa trẻ, và cần thiết phải thiết lập một số quyền và nghĩa vụ nhất định giữa “người mẹ” này và đứa trẻ.
Theo chúng tôi, nếu đồng ý với quan điểm thứ hai, vô tình chúng ta đánh mất ý nghĩa, mục đích của thụ thai nhân tạo dưới hình thức mang thai hộ, tức là tước quyền làm mẹ của người phụ nữ không có khả năng mang thai.
Mặt khác, dưới phương diện sinh học thì trong trường hợp mang thai hộ, đứa bé ra đời từ mang thai hộ mang gien di truyền của người phụ nữ có trứng thụ tinh chứ không phải của người mang thai. Nếu hiểu khái niệm huyết thống đồng nhất với khái niệm gien di truyền (ADN) thì quan hệ huyết thống là quan hệ giữa người phụ nữ có trứng và đứa trẻ. Mang thai hộ có thể đồng nhất khái niệm “chăm sóc” tạo điều kiện cho thai phát triển nhưng là sự chăm sóc đặc biệt không bằng tay chân mà bằng chính cơ thể của mình. Nếu chúng ta chấp nhận việc nuôi trẻ bằng sữa của người phụ nữ khác khi người mẹ của đứa trẻ không có khả năng nuôi con bằng sữa của chính mình thì chúng ta cũng nên chấp nhận việc mang thai hộ. Hai hiện tượng này gần như đồng nhất với nhau, chỉ khác ở thời điểm là trước và sau khi sinh.
Ngoài ra, cần thiết phải xem xét đến yếu tố khởi điểm và mục đích của việc mang thai hộ. Khi người phụ nữ có trứng tham gia vào quan hệ mang thai hộ với mục đích mong muốn được làm mẹ, còn người phụ nữ mang thai chỉ với mục đích “hộ”, “giùm”, giúp đỡ, tất nhiên có hoặc không có bồi hoàn mà không với mục đích làm mẹ.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng: dưới phương diện pháp lý, người phụ nữ có trứng đã thụ tinh đang trong trong tình trạng có quan hệ hôn nhân với bố đứa trẻ, là người mẹ hợp pháp của đứa trẻ sinh ra trong trường hợp mang thai hộ, nếu giữa họ không có thỏa thuận khác. Theo tinh thần của Đ. 63 Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 09/6/2000, việc xác định cha mẹ con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ qui định. Song cho đến thời điểm hiện nay cũng chưa có một văn bản hướng dẫn chi tiết vấn đề này. Trong văn bản hướng dẫn này, thiết nghĩ, nên qui định như sau “Trường hợp hai vợ chồng thỏa thuận người phụ nữ khác mang thai hộ thì khi đăng ký khai sinh cho trẻ sẽ xác định cặp vợ chồng đó là cha mẹ của đứa trẻ”.
Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo phải được quyền biết sự thực về nguồn gốc của mình, đặc biệt trong trường hợp mang thai hộ, bởi đây là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Vì vậy, đối với trẻ sinh ra từ mang thai hộ cần phải có một mẫu giấy khai sinh riêng trong đó phải ghi rõ họ tên người mang thai hộ. Song, việc ghi tên người mang thai hộ vào giấy khai sinh không đồng nghĩa với việc công nhận người mang thai hộ là mẹ của đứa trẻ, điều này có nghĩa là tất cả những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ con như quyền mang họ, quyền thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện hợp pháp và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người thứ ba… giữa đứa trẻ và người mang thai hộ không phát sinh theo qui định pháp luật.
Dù sao, dưới phương diện đạo đức truyền thống, đứa trẻ ra đời không hoàn toàn từ một thỏa thuận sòng phẳng, ngang giá, mọi quan hệ đều chấm dứt sau khi thanh lý hợp đồng, giữa người mang thai hộ và đứa trẻ luôn tồn tại những tình cảm nhất định, vì vậy không nên phủ nhận hoàn toàn vai trò của người mang thai hộ dưới phương diện đạo đức.
Mặt khác, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Những trường hợp cấm kết hôn” cũng cần thiết qui định cụ thể khái niệm “người cùng dòng máu trực hệ”, “người có họ trong phạm vi ba đời”. Trường hợp kết hôn giữa hai người do cùng một người phụ nữ sinh ra, trong đó, một người là từ mang thai hộ và một người là con của người mang thai hộ có nằm trong phạm vi những trường hợp cấm kết hôn hay không. Theo chúng tôi, dưới phương diện khoa học, có thể sẽ không có hậu quả gì do hai người dù được sinh ra bởi một người phụ nữ nhưng mang hai gien di truyền khác nhau, tuy nhiên dưới phương diện đạo đức là khó có thể chấp nhận được. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp cấm kết hôn qui định trong K. 4, Đ.1: giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa những người từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, bố dượng với con riêng của vợ…
Bản chất pháp lý của thỏa thuận mang thai hộ
Theo chúng tôi, việc mang thai hộ là một thỏa thuận dân sự hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự do ý chí và bình đẳng vì vậy pháp luật cần thiết công nhận và bảo vệ sự thỏa thuận này. Thỏa thuận mang thai hộ được xác lập giữa bố mẹ đứa trẻ và người mang thai hộ, đồng thời làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Vì vậy, những vấn đề pháp lý liên quan đến thỏa thuận này phải được qui định cụ thể. Thiết nghĩ, thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và cần thiết phải có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước, cơ quan hộ tịch, bởi nó là cơ sở pháp lý duy nhất làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, trong đó có quyền của người nhờ mang thai hộ được mặc nhiên công nhận là bố mẹ của đứa trẻ khi đăng ký khai sinh và các giấy tờ hộ tịch khác, tránh những tranh chấp không cần thiết. Ví dụ trong trường hợp sau khi sinh người mang thai hộ từ chối việc giao đứa trẻ, hoặc trường hợp bên nhờ mang thai từ chối nhận đứa trẻ.
Mặt khác, pháp luật cũng cần thiết qui định cụ thể các điều kiện của bố mẹ (bên nhờ mang thai) và người mang thai hộ. Ví dụ đối với người mẹ đứa trẻ chỉ có thể yêu cầu người khác mang thai hộ trong trường hợp vì lý do sức khỏe không có khả năng mang thai và phải có kết luận chính thức của các cơ quan y tế. Qui định này sẽ loại bỏ quan điểm lệch lạc “có tiền mua tiên cũng được” lạm dụng việc mang thai hộ đi ngược lại các giá trị đạo đức truyền thống. Đối với người mang thai hộ cần thiết phải là người hội đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe theo kết luận của cơ quan y tế, phải có sự đồng ý của người chồng trong trường hợp người này trong tình trạng hôn nhân; số lần mang thai hộ tối đa để bảo vệ sức khỏe và không biến người mang thai hộ thành những máy đẻ, hay một nghề kiếm sống.
Một vấn đề khác cần thiết phải giải quyết là hình thức chế tài đối với các bên trong giao dịch này khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết. Xuất phát từ tính đặc thù của giao dịch, đối tượng của giao dịch không phải là một loại hàng hóa hoặc dịch vụ mà là một con người.
Vì vậy bên nhờ mang thai hộ không thể đặt ra các điều kiện về “chất lượng” như điều kiện về giới tính (đứa trẻ phải là trai hay gái), về trọng lượng, màu da, cũng như các điều kiện khác về tình trạng sức khỏe. Trong trường hợp bên mang thai hộ không thực hiện được các điều kiện trên không phải là lý do để bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì bên mang thai hộ có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình chứ không thể đơn thuần là không giao đứa trẻ.
Mang thai hộ là một thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học đã và đang là mối quan tâm của nhiều người trong xã hội. Song để hiện tượng này phát triển đúng hướng, đúng ý nghĩa xã hội, thì pháp luật cần phải điều chỉnh quan hệ này một cách kịp thời, cụ thể, tránh hiện tượng lạm dụng đi ngược lại bản chất xã hội của mang thai hộ và quan trọng nhất là tránh những tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ này.
(1) Báo Pháp luật TP HCM ngày 13-2-2001.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 4/20
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Một số vấn đề pháp lý về mang thai hộ.doc