Một số vấn đề về bầu cử thêm và bầu cử lại

Đối với bầu cử lại, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội qui định trong Điều 72 và Điều 73. Hai điều này qui định hai căn cứ khác nhau dẫn đến việc bầu cử lại. Do đó, chỉ có Điều 72 qui định nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu vẫn chưa quá nửa số cử tri ghi trong danh sách thì không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai. Theo cách hiểu của chúng tôi, trong trường hợp bầu cử lại theo căn cứ qui định tại Điều 73 (bầu cử lại khi kết quả bầu cử bị hủy do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng) mà vẫn tiếp tục xảy ra vi phạm nghiêm trọng pháp luật bầu cử thì vẫn có thể bầu cử lại lần nữa (bầu cử lần thứ ba). Cách tư duy vấn đề theo hướng như vậy, theo chúng tôi là hợp lý. Tuy nhiên, qui định như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hiện nay (vì Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cũng qui đinh tương tự) là chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Cách qui định như vậy dễ gây hiểu nhầm là trong tất cả các trường hợp (kể cả bầu cử lại theo qui định tại Điều 72 - khi số cử tri đi bầu vẫn chưa quá nửa số cử tri ghi trong danh sách, hoặc bầu cử lại theo qui định tại Điều 73 (bầu cử lại khi kết quả bầu cử bị hủy do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng) đều không tiến hành bầu cử lại lần thứ hai.

doc7 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2007 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề về bầu cử thêm và bầu cử lại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
eMỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẦU CỬ THÊM VÀ BẦU CỬ LẠI ThS. VŨ VĂN NHIÊM Đại học Luật TP. HCM ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL SỐ 3(34)/2006 Bầu cử tự do và công bằng là một trong những nền tảng cơ bản của nền dân chủ. Để đảm bảo dân chủ, công bằng thì cuộc bầu cử phải đáp ứng được những tiêu chí nhất định như phải tôn trọng luật pháp, khách quan, minh bạch, rõ ràng, chính xác, cụ thể. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà pháp luật bầu cử ở nước ta hiện nay đã đạt được, kể từ ngày Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 qui định thể lệ Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội, pháp luật bầu cử ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, rất cần sự cần nghiên cứu, trao đổi để từng bước hoàn thiện. Cũng như các lĩnh vực khác, pháp luật bầu cử nuớc ta, một mặt cần khẳng định những qui định mang tính nguyên tắc, nền tảng; kế thừa và phát huy những nội dung mang tính dân tộc, tính truyền thống hợp lý của nền lập pháp Việt Nam; mặt khác, cần chắt lọc, tiếp thu những những giá trị mang tính tiến bộ, phổ quát của pháp luật bầu cử của các nước để áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta. Với mục đích đó, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung vào việc phân tích đánh giá những qui định về bầu cử thêm và bầu cử lại trong pháp luật bầu cử ở nước ta hiện nay, chỉ ra một số bất cập và từ đó đưa ra một số kiến nghị. I. NHỮNG PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ, NHẬN ĐỊNH 1. Hủy kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử hay khu vực bỏ phiếu? Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) có qui định: “Hội đồng bầu cử tự mình hoặc theo đề nghị của Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban bầu cử huỷ bỏ kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu danh sách những người đã ứng cử lần đầu” (Điều 73); Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 cũng qui định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội hủy bỏ cuộc bầu cử ở đơn vị bầu cử có những vi phạm nghiêm trọng theo đề nghị của Chính phủ và quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó” (Điều 64). Rõ ràng, qui định tại Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 64 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân như nói ở trên nhằm đảm bảo tính khách quan của các cuộc bầu cử. Trong quá trình bầu cử, nếu có vi phạm nghiêm trong pháp luật bầu cử (mặc dù Luật Bầu cử không qui định rõ những hành vi vi phạm nào là vi phạm nghiêm trọng, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, đó là những vi phạm làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kiểm phiếu như thêm hoặc bớt phiếu bầu, vận động bầu cử trong phòng bỏ phiếu, không kiểm soát được việc cử tri bỏ phiếu...) thì theo qui định của pháp luật, kết quả bầu cử tại đơn vị bầu cử đó sẽ bị hủy (không được công nhận). Do vậy, sẽ phải tiến hành tổ chức bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó. Tuy nhiên, thực tiễn bầu cử ở nước ta trong thời gian vừa qua (chẳng hạn như bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân), chúng ta lại không thực hiện đúng theo qui định của pháp luật bầu cử như đã nói ở trên. Ví dụ, tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI (ngày 19/5/2002), Hội đồng bầu cử đã ra Nghị quyết số 205, ngày 21/5/2002 hủy bỏ kết quả bầu cử ở khu vực bỏ phiếu số 3 (thôn Dương Lôi, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn), thuộc đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Bắc Ninh, vì “do không làm đúng qui trình nên Tổ bầu cử đã không xác định được những ai đã thực hiện quyền bầu cử” [1]. Hoặc tại cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 (ngày 25/4/2004), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành tám Nghị quyết hủy bỏ kết quả bầu cử tại một số đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu do có vi phạm nghiêm trọng pháp luật bầu cử (các vi phạm phổ biến là đi bầu thay và số lượng phiếu bầu thu được nhiều hơn số phiếu phát ra). Cụ thể: hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã ở đơn vị bầu cử số 5 (xã Nam Hoa, Nam Trực, Nam Định); hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã ở đơn vị bầu cử số 1 (xã Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam); hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã ở khu vực bỏ phiếu số 7 (xã Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc); hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã ở ba khu vực bỏ phiếu số 3 (xã Nga Mỹ, Nga Sơn Thanh Hóa), số 4 ( xã Thuần Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa), số 8 (xã Lễ Tân, Nông Cống, Thanh Hóa); hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã ở các đơn vị bầu cử số 1, 2, 3, 5 (xã Cư Knia, Cư Jut, Đắc Lắc); hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ở khu vực bỏ phiếu số 9 (thôn Đông Giao, Lương Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương); hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ở khu vực bỏ phiếu số 1 (phường Nam Hải, Hải An, Hải Phòng) và khu vực bỏ phiếu số 8 (xã Lưu Kiếm, Thủy Nguyên, Hải Phòng); hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ở khu vực bỏ phiếu số 5 (xã Thạch Bàn, Thạch Hà, Hà Tĩnh); hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ở bốn khu vực bỏ phiếu số 1 (thị trấn Yên Cát, Như Xuân, Thanh Hóa), số 2 (xã Triệu Dương, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), số 3 (xã Cầu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa), số 8 (xã Quảng Trạch, Quảng Xương, Thanh Hóa) [2]. Như vậy, thực tiễn xử lý các sai phạm nghiêm trọng về pháp luật bầu cử là: sai phạm ở phạm vi nào thì xử lý ở phạm vi đó; nói cách khác, sai ở khu vực bỏ phiếu nào thì hủy kết quả và bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu đó, sai phạm ở đơn vị bầu cử nào thì hủy kết quả và bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó. Trong khi đó, như đã nói ở trên, pháp luật bầu cử ở nước ta hiện nay (kể cả Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) đều qui định trong các trường hợp này, phải hủy bỏ cuộc bầu cử ở cả đơn vị bầu cử (pháp luật bầu cử không qui định hủy bỏ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu). Nói một cách cụ thể hơn, tại một đơn vị bầu cử (có nhiều khu vực bỏ phiếu), mặc dù chỉ có sai phạm ở một hoặc một vài khu vực bỏ phiếu thì phải hủy kết quả ở cả đơn vị bầu cử đó và dĩ nhiên phải bầu cử lại ở cả đơn vị bầu cử đó (tức là bầu cử lại ở tất cả các khu vực bỏ phiếu trong cả đơn vị bầu cử đó). Rõ ràng cách xử lý các sai phạm của chúng ta như nói ở trên là không đúng theo qui định của pháp luật. Để đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa và tính thống nhất của pháp luật, hay nói cách khác là phải thượng tôn pháp luật, chúng ta phải chấn chỉnh cách thức xử lý và giải quyết theo pháp luật. Tức là, trong mọi trường hợp sai phạm như trên thì phải hủy bỏ kết quả bầu cử ở cả đơn vị bầu cử đó và tổ chức bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó. Tuy nhiên về lâu dài, theo chúng tôi, cần xem xét và đánh giá lại tính hợp lý của các qui định nói trên. Tại sao pháp luật bầu cử nước ta hiện nay lại qui định theo hướng như trên? Có lẽ nhà làm luật cho rằng: vì đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu theo đơn vị bầu cử nên pháp luật bầu cử khi qui định về việc bầu cử lại, bầu cử thêm, bầu cử bổ sung đều lấy đơn vị bầu cử làm căn cứ thực hiện. Theo chúng tôi, điều này là hợp lý khi áp dụng đối với bầu cử thêm và bầu cử bổ sung (và đối với hai trường hợp này phải thực hiện theo đơn vị bầu cử). Tuy nhiên, đối với bầu cử lại thì qui định như trên là cứng nhắc và không hợp lý, bởi hai lý do: Một là, một đơn vị bầu cử được chia thành nhiều khu vực bỏ phiếu, mặc dù phải tổng kết phiếu bầu của tất cả các khu vực bỏ phiếu (trong một đơn vị bầu cử) mới xác định được ai là người đắc cử (tại đơn vị bầu cử đó), nhưng số phiếu bầu cho từng ứng cử viên tại từng khu vực bỏ phiếu là độc lập với nhau. Giả sử trong trường hợp danh sách cử tri được lập tại một đơn vị bầu cử nhưng khi đi bầu, cử tri có thể đến bất kỳ khu vực bỏ phiếu nào (trong đơn vị bầu cử đó) để bỏ phiếu, nếu có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra ở bất kỳ khu vực bỏ phiếu nào, thì bắt buộc phải hủy bỏ cuộc bầu cử (tại đơn vị bầu cử đó) và phải bầu cử lại (ở cả đơn vị bầu cử đó). Tuy nhiên, pháp luật bầu cử nước ta hiện nay không qui định danh sách cử tri lập theo đơn vị bầu cử, mà danh sách cử tri được lập theo khu vực bỏ phiếu; điều đó có nghĩa là tính độc lập của từng khu vực bỏ phiếu được đảm bảo. Do vậy, tại sao chỉ một (hoặc một số) khu vực bỏ phiếu bị hủy bỏ, lại kéo theo việc hủy bỏ bầu cử tại cả đơn vị bầu cử đó? Hai là, ngoại trừ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phạm vi đơn vị bầu cử là tương đối nhỏ (có nghĩa là một đơn vị bầu cử được chia thành vài khu vực bỏ phiếu hoặc có thể chỉ có một khu vực bỏ phiếu), còn đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, số lượng các khu vực bỏ phiếu trong một đơn vị bầu cử đã lớn hơn nhiều so với cấp xã, cấp tỉnh lại lớn hơn cấp huyện, và đặc biệt, đối với bầu cử đại biểu Quốc hội thì một đơn vị bầu cử được chia thành rất nhiều các khu vực bỏ phiếu. Do vậy, tại sao chỉ một (hoặc một số) khu vực bỏ phiếu có sai phạm, lại kéo theo việc hủy bỏ bầu cử tại cả đơn vị bầu cử đó? Tóm lại, qui định của pháp luật bầu cử như hiện nay là không hợp lý. Thực tế giải quyết tuy không đúng theo qui định của pháp luật nhưng lại mang tính hợp lý. Do đó, cần sửa đổi pháp luật bầu cử theo hướng đã phân tích ở trên. 2. Có nên qui định trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người đã ứng cử lần đầu? Để đảm bảo tính đại diện, Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 1997, Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 đều qui định nếu trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử chưa đủ (hoặc chưa đủ 2/3) thì Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu những ứng cử viên đã ứng cử lần đầu nhưng không trúng cử. Chúng tôi cho rằng cần xem xét lại qui định này, bởi các lý do sau đây: Một là, cũng tương tự như trường hợp trên, pháp luật bầu cử ở nước ta hiện nay vẫn “đánh đồng” bầu cử thêm và bầu cử lại. Đúng là, nếu ở một đơn vị bầu cử nào đó phải bầu cử lại, thì việc qui định như trên là hợp lý, vì trường hợp này, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử đó bị hủy (không công nhận kết quả bầu cử, trong trường hợp phải bầu cử lại ở toàn bộ đơn vị bầu cử), nhưng đối với bầu cử thêm thì vấn đề lại hoàn toàn khác: bầu cử vẫn có kết quả, chỉ có điều số lượng người trúng cử chưa đủ so với số lượng ấn định cho đơn vị đó, nếu không bầu thêm thì tính đại diện không được bảo đảm; tức là tính chất của bầu cử thêm và bầu cử lại là hoàn toàn khác nhau. Hai là, trong cuộc bầu cử đầu tiên, cử tri đã cân nhắc, lựa chọn các ứng cử viên này (những ứng cử viên không trúng cử ở lần đầu) và họ không nhận được sự tín nhiệm cần thiết của cử tri để thắng cử. Cần lưu ý rằng trong một khoảng thời gian rất ngắn (chậm nhất là 15 ngày - đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, hoặc 20 ngày - đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phải bầu cử lại, kể từ cuộc bầu cử lần đầu), sự tín nhiệm của cử tri đối với các ứng cử viên này thường không có sự thay đổi lớn. Do đó, nếu không có thêm các ứng cử viên khác, thì việc bầu cử thêm hoặc kết quả mang tính khiên cưỡng (chẳng hạn như khi đi bỏ phiếu, có thể có một bộ phận cử tri xuất hiện tâm lý “bầu đại” một ứng cử viên nào đó, mặc dù mình không thật tín nhiệm - vì không còn ứng cử viên khác để lựa chọn) hoặc sẽ không được kết quả như mong muốn (tức là bầu thêm, nhưng cũng không có ứng cử viên nào trúng cử). Ba là, khi pháp luật bầu cử đã qui định về việc bầu cử thêm thì điều đó cũng có nghĩa là chúng ta thực sự mong muốn rằng người trúng cử phải thực sự là người được sự tín nhiệm của nhân dân. Do vậy, để đạt được mục đích mà chúng ta đề ra, cho dù phải tiến hành thêm một số công việc, cũng là việc nên làm. Qui định như pháp luật bầu cử hiện nay, theo chúng tôi, là mang tính “nửa vời”, không mang tính triệt để. Nếu chúng ta e ngại về việc bầu cử phải kéo dài về thời gian, hoặc e ngại phải thêm các công đoạn về hiệp thương phức tạp (nếu cho phép đề cử hoặc tự ứng cử thêm), thì có lẽ giải pháp lựa chọn thay thế tốt hơn là áp dụng kết quả bầu cử theo phương pháp đa số tương đối ngay từ lần bầu cử đầu tiên (tức là, ứng cử viên nào nhận được nhiều phiếu hơn thì trúng cử; không cần phải thêm điều kiện phải được quá nửa số phiếu hợp lệ như hiện nay). Nếu áp dụng như vậy thì không cần phải bầu cử thêm mà vẫn lấy đủ số lượng đại biểu trúng cử ấn định cho từng đơn vị bầu cử. Cũng cần lưu ý rằng, giai đoạn đầu khi mới thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, pháp luật bầu cử nước ta đã qui định “Những người không ra ứng cử lần đầu cũng được ra ứng cử lần thứ hai…” (Điều 61, Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 qui định thể lệ Tổng tuyển cử), Điều 28, Nghị định 161 ngày 29/12/1945 của bộ Nội vụ (về việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh xã, tỉnh, huyện, kỳ); Điều 53, Nghị định số 31 ngày 28/1/1946 của bộ Nội vụ (về việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính thành phố, thị xã và khu phố) cũng qui định theo hướng trên. Có thể trong những năm sau đó, do chiến tranh và một số điều kiện khác không thuận lợi hoặc không cho phép, cho nên chúng ta không tiếp tục thực hiện theo hướng này. Theo chúng tôi, trong điều kiện hiện nay, chúng ta nên nghiên cứu, tham khảo qui định trên và khôi phục lại qui định này. 3. Có nên qui định trong cuộc bầu cử thêm và bầu cử lại, kết quả bầu cử vẫn áp dụng như bầu cử lần đầu? Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đều qui định: “Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số đại biểu thì không tổ chức bầu thêm lần thứ hai”. Điều 72 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 63 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cũng qui định: “Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu vẫn chưa quá nửa số cử tri ghi trong danh sách thì không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai”. Mục đích của các qui định trên là nhằm lựa chọn ra những đại biểu thự sự nhận được sự tín nhiệm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nói một cách khác, với những qui định này, chúng ta không chấp nhận những người trúng cử nhận được số phiếu quá thấp so với tổng số cử tri trong đơn vị bầu cử đó. Mục đích của những qui định trên là tốt, nhưng theo chúng tôi là chưa triệt để. Nghiên cứu kỹ những qui định trên cũng như một số các qui định khác có liên quan, chúng tôi có mấy ý kiến sau đây: Một là, nếu bầu thêm mà vẫn không đủ số đại biểu (ấn định cho đơn vị bầu cử đó), hoặc bầu lại mà số cử tri đi bầu vẫn chưa quá nửa số cử tri ghi trong danh sách thì không tổ chức bầu cử thêm (hoặc lại) lần thứ hai. Trong các trường hợp này, đơn vị bầu cử đó không lấy đủ số lượng đại biểu theo phân bổ (đối với bầu cử thêm, hoặc đơn vị bầu cử đó hoàn toàn không có đại biểu nào (đối với bầu cử lại mà không có kết quả). Như vậy, mục đích đặt ra không đạt được. Chúng tôi cho rằng đây là điều không bình thường, đặc biệt là trong trường hợp bầu cử lại mà không có kết quả. Như vậy sau bầu cử, sẽ có những địa phương mà cử tri không có đại biểu của mình trong cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân hoặc cơ quan đại biểu của nhân dân địa phương. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất của pháp luật bầu cử ở nước ta hiện nay. Hai là, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của các nước[3] và kế thừa ngay chính kinh nghiệm lập pháp của nước ta về vấn đề này[4]. Việc áp dụng phương pháp đa số tuyệt đối trong bầu cử có ưu điểm là ứng cử viên (hoặc những ứng cử viên) trúng cử là những người nhận được sự tín nhiệm của đa số cử tri (hoặc cử tri có phiếu bầu hợp lệ) nhưng nếu chỉ áp dụng theo phương pháp đa số tuyệt đối, trong nhiều trường hợp bầu cử nhưng không đạt được kết quả (hoặc không đủ số lượng). Ngược lại, phương pháp đa số tương đối có ưu thế là đã bầu cử là có kết quả, nhưng áp dụng phương pháp đa số tương đối ngay từ vòng đầu, có thể dẫn đến trường hợp người không nhận được sự tín nhiệm của đa số cử tri nhung vẫn trúng cử [5]. Để khắc phục các hạn chế nói trên, nên kết hợp hai phương pháp, tức là áp dụng bầu cử hai vòng: vòng một áp dụng theo phương pháp đa số tuyệt đối, nếu không có ứng cử viên nào (hoặc số lượng người trúng cử chưa đủ) thì bầu cử vòng hai, và vòng này áp dụng phương pháp đa số tương đối. 4. Một số vấn đề khác Đối với bầu cử lại, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội qui định trong Điều 72 và Điều 73. Hai điều này qui định hai căn cứ khác nhau dẫn đến việc bầu cử lại. Do đó, chỉ có Điều 72 qui định nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu vẫn chưa quá nửa số cử tri ghi trong danh sách thì không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai. Theo cách hiểu của chúng tôi, trong trường hợp bầu cử lại theo căn cứ qui định tại Điều 73 (bầu cử lại khi kết quả bầu cử bị hủy do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng) mà vẫn tiếp tục xảy ra vi phạm nghiêm trọng pháp luật bầu cử thì vẫn có thể bầu cử lại lần nữa (bầu cử lần thứ ba). Cách tư duy vấn đề theo hướng như vậy, theo chúng tôi là hợp lý. Tuy nhiên, qui định như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hiện nay (vì Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cũng qui đinh tương tự) là chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Cách qui định như vậy dễ gây hiểu nhầm là trong tất cả các trường hợp (kể cả bầu cử lại theo qui định tại Điều 72 - khi số cử tri đi bầu vẫn chưa quá nửa số cử tri ghi trong danh sách, hoặc bầu cử lại theo qui định tại Điều 73 (bầu cử lại khi kết quả bầu cử bị hủy do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng) đều không tiến hành bầu cử lại lần thứ hai. Ngoài ra, Điều 74 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 65 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đều qui định việc bầu cử thêm và bầu cử lại vẫn căn cứ vào danh sách cử tri đã lập trong cuộc bầu cử đầu tiên và được tiến hành theo các qui định của Luật này (tức Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân). Cách hiểu thông thường cho rằng trong trường hợp này danh sách cử tri là danh sách đã lập trong cuộc bầu cử đầu tiên (không thêm, không bớt). Nếu một công dân trước đây có tên trong danh sách cử tri (lần đầu) nhưng sau đó (trong khoảng thời gian chuẩn bị bầu cử thêm hoặc bầu cử lại) bị chết hoặc mắc các bệnh làm mất năng lực hành vi dân sự (chẳng hạn bị điên) thì rõ ràng phải gạch tên họ đi trong danh sách cử tri. Chúng tôi hiểu rằng nhà làm luật không muốn thay đổi danh sách cử tri đã lập trong cuộc bầu cử lần đầu, không sửa đổi, bổ sung theo thời điểm bầu cử thêm, bầu cử lại nữa (không ghi thêm vào danh sách cử tri những người đến thời điểm bầu cử thêm, bầu cử lại đủ 18 tuổi, không gạch tên những nguời bị Tòa án tước quyền bầu cử sau cuộc bầu cử đầu tiên...). Tuy nhiên, đối với những sự kiện khách quan như đã nói ở trên thì không thể không có sự thay đổi. Như vậy, qui định này chưa dự liệu những sự kiện xảy ra trong thực tế nên chưa chặt chẽ. Cuối cùng, chúng tôi còn cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tách rõ thành hai điều như là hai loại căn cứ để tiến hành bầu cử lại, bởi tính chất của hai loại căn cứ này là hoàn toàn khác nhau. Nếu như cuộc bầu cử lại theo căn cứ tại Điều 72, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 63 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nguyên nhân là từ phía cử tri (trình độ, nhận thức, ý thức xây dựng chính quyền... của cử tri), thì cuộc bầu cử lại theo qui định tại Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 64 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, lý do hoàn toàn từ công tác tổ chức. Do vậy, chúng tôi cho rằng đối với bầu cử lại theo qui định tại Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 64 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (tức là bầu cử lại khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng), nếu số người trúng cử chưa đủ số đại biểu ấn định cho đơn vị bầu cử đó, thì vẫn phải tổ chức bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó (tức là sẽ có cuộc bầu cử thứ ba). Như vậy, Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân qui định như hiện nay rõ ràng không bao trùm được các trường hợp nói trên. Vì vậy , cần qui định rõ nội dung này trong Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 64 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ Từ những phân tích, đánh giá ở trên, để đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ cũng như tính hợp lý của các qui định của pháp luật bầu cử về bầu cử thêm và bầu cử lại, chúng tôi kiến nghị như sau: Thứ nhất, Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 1997, Điều 64 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 2003 sửa đổi theo hướng hủy bỏ kết quả bầu cử ở khu vực bỏ phiếu (chứ không phải là đơn vị bầu cử như hiện hành) có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định bầu cử lại ở những khu vực bỏ phiếu đó. Thứ hai, Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 1997, Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 2003 sửa đổi, bổ sung theo hướng những người không có tên trong danh ứng cử lần đầu được ra ứng cử trong cuộc bầu cử thêm (pháp luật hiện hành qui định trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người đã ứng cử lần đầu nhưng không trúng cử). Thứ ba, đối với bầu cử thêm (qui đinh tại Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) và đối với bầu cử lại (theo qui định tại Điều 72 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 63 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân), cần qui định phương pháp đa số tương đối, tức là ai nhiều phiếu hơn thì trúng cử (không áp dụng đối với bầu cử lại theo qui định tại Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 64 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân). Thứ tư, Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 64 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cần bổ sung theo hướng: cuộc bầu cử lại có tính chất như cuộc bầu cử lần đầu; do dó, vẫn áp dụng bầu cử thêm (theo Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) và bầu cử lại (theo Điều 72 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 63 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân). Thứ năm, Điều 74 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 65 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cần bổ sung theo hướng: việc bầu cử thêm, bầu cử lại vẫn căn cứ vào danh sách cử tri đã lập trong cuộc bầu cử đầu tiên, trừ những người đã chết hoặc những người mắc các bệnh làm mất năng lực hành vi dân sự./. =============================== [1] Theo động.com.vn, số 130, ngày 23/05/2002. [2] Theo thứ 4, 05/05/2004. [3] Chẳng hạn, pháp luật bầu cử (Tổng thống) của Nga, Pháp hiện nay qui định bầu cử hai vòng. Vòng một, nếu có ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu nhất và được đa số phiếu (>50%) thì trúng cử; nếu vòng một không có ứng cử viên nào trúng cử thì hai ứng cử được nhiều phiếu nhất sẽ vào vòng hai và ờ vòng này, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu hơn thì trúng cử. [4] Xem Điều 58 Sắc lệnh 51 ngày 17/10/1945 (về thể lệ tổng tuyển cử); Điều 29 Nghị định 161 ngày 29/12/1945 của Bộ Nội vụ (về việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh xã, tỉnh, huyện, kỳ); Điều 21, Nghị định số 31 ngày 28/1/1946 của Bộ Nội vụ (về việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính thành phố, thị xã và khu phố). [5] Có thể xem thêm bài “Một số vấn đề về cách thức xác định kết quả bầu cử trong pháp luật bầu cử của nước ta hiện nay” của Vũ Văn Nhiêm, Thông tin Khoa học pháp lý, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, số 2, năm 1999. __________________

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMột số vấn đề về bầu cử thêm và bầu cử lại.doc
Tài liệu liên quan