Với sựthành công của Dựán Hiện đại hóa Ngân hàng và Hệthống Thanh toán
do World Bank tài trợ, năng lực công nghệcủa các NHTM Việt Nam tiếp tục được nâng
cấp, thểhiện qua việc hệthống thanh toán không ngừng phát triển theo hướng hiện đại
hóa, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ởmột khía cạnh liên quan, sốlượng máy ATM và
POS được trang bịkhông ngừng tăng lên qua các năm đã tạo điều kiện giảm tải các giao
dịch tại các ngân hàng, nâng cao chất lượng phục vụcho khách hàng cá nhân và phát
triển dịch vụngân hàng bán lẻ.
12 trang |
Chia sẻ: leddyking34 | Lượt xem: 2431 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
194
NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÁC NGÂN HÀNG
THƯƠNG MẠI VIỆT NAM
IMPROVING THE COMPETITIVENESS OF VIETNAMESE
COMMERCIAL BANKS
Đặng Hữu Mẫn
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
TÓM TẮT
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là vấn đề luôn được các nhà khoa
học, giới quản trị và chính quyền các cấp quan tâm do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là
cốt lõi của năng lực cạnh tranh của một địa phương hay một quốc gia. Bài viết nhằm mục tiêu
đánh giá đúng thực trạng năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam dựa trên việc phân tích
các yếu tố cạnh tranh, như: năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ,
thị phần, hệ thống kênh phân phối, phát triển sản phẩm mới và công tác xây dựng và quảng bá
thương hiệu. Từ đó, bài viết trình bày một số kiến nghị và đề xuất nhằm nâng cao năng lực
cạnh tranh của các NHTM nội địa trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết đối
với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mở cửa hoàn toàn thị trường dịch vụ ngân hàng.
ABSTRACT
Improving organizational competitiveness has become an increasingly important topic,
and received significant attention by a large number of researchers, corporate managers, and
authorities at various levels, since company competitiveness is an essential element of
provincial competitiveness or national competitiveness. This article focuses on evaluating the
competitiveness of Vietnamese commercial banks based on the analysis of competitive factors
such as financial power, human resources quality, technological levels, market-share growth,
distribution systems, new product development and trademark building and propagation. On the
basis of such real situations, the paper discusses suggested solutions to the improvement of
competitiveness in domestic commercial banks in the context that Vietnam has been opening
up the banking sector completely and starting the WTO commitments.
1. Đặt vấn đề
Vấn đề nâng cao sức mạnh cho hệ thống tài chính Việt Nam nói chung và ngân
hàng thương mại (NHTM) Việt Nam nói riêng trong xu thế hội nhập quốc tế đã bắt đầu
được thảo luận từ làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài đến các quốc gia đang
phát triển nở rộ ở những thập niên nửa cuối thế kỷ 20. Sự thay đổi tư duy quản lý kinh
tế của Việt Nam tiếp tục góp phần cổ động mạnh mẽ xu thế lịch sử này. Việt Nam dần
thành lập được thị trường ngoại hối, rồi thị trường chứng khoán và các hình thái thị
trường tài chính thứ cấp khác tồn tại đan xen trong một nền kinh tế thị trường chưa định
hình rõ nét. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) tiếp tục là liều “thuốc
thử” mạnh hơn cho sức mạnh của hệ thống tài chính Việt Nam vốn còn quá non trẻ.
Thật vậy, với nguyên tắc Đãi Ngộ Tối Huệ Quốc và Đãi Ngộ Quốc Gia của WTO, các
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
195
định chế tài chính khổng lồ nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội hoạt động phong phú, đa
dạng tại Việt Nam và được đối xử ngang bằng với các ngân hàng nội địa. Thực tế này
đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho cả giới khoa học, những nhà quản trị ngân hàng và cơ
quan quản lý, hoạch định chính sách của Việt Nam: Nâng cao năng lực cạnh tranh của
hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Mục tiêu chính của bài báo là đánh giá đúng thực trạng năng lực cạnh tranh của
các NHTM Việt Nam; từ đó, trình bày một số kiến nghị và đề xuất nhằm nâng cao năng
lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn
toàn dịch vụ ngân hàng và thực hiện các cam kết mở cửa thị trường.
2. Thực trạng năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam
2.1 Năng lực tài chính
Theo số liệu được công bố, trong những năm qua các NHTM Việt Nam không
ngừng nâng cao sức mạnh tài chính của mình. Quy mô vốn điều lệ của những NHTM
(nhà nước và cổ phần) đã có sự tăng nhanh, đặc biệt là khối cổ phần (xem Bảng 1).
Bảng 1. Quy mô vốn điều lệ của một số NHTM Việt Nam
Năm 2007 Năm 2008
Ngân hàng Tỷ
VND
Triệu
USD1
Tỷ
VND
Triệu
USD
%
Agribank 10.464 596 10.543 601 0,75
BIDV 7.629 435 8.756 499 14,77
Vietinbank 7.608 434 7.717 440 1,43
Sacombank 4.448 253 5.116 292 15,02
VCB 4.429 252 4.429 252 0,00
Eximbank 2.800 160 7.220 411 157,86
ACB 2.630 150 6.355 362 141,63
Techcombank 2.521 144 3.642 208 44,47
VPB 2.000 114 2.117 121 5,85
SCB 1.970 112 2.180 124 10,66
DongAbank 1.600 91 2.880 164 80,00
MHB 744 42 810 46 8,87
(Nguồn: Tổng hợp từ các Báo cáo thường niên của các NHTM năm 2007, 2008)
1 Chúng tôi quy đổi theo tỷ giá bình quân giai đoạn 2007-2008 do NHNN Việt Nam báo cáo thường niên.
Theo đó, tỷ giá quy đổi USD/VND = 17.550
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
196
Mặc dù vậy, nếu so sánh với một số NHTM trong khu vực Đông Nam Á thì quy
mô vốn điều lệ của các NHTM Việt Nam là quá nhỏ bé (xem Bảng 2).
Bảng 2. Quy mô vốn chủ sở hữu của một số NHTM trong khu vực ASEAN năm 2009
ĐVT: triệu USD
Ngân hàng Quốc gia Vốn chủ sở hữu
Development Bank of Singapore Limited Singapore 18.649
Maybank Malaysia 7.917
Bangkok Bank Public Company Limited Thái Lan 6.263
Banco de Oro Unibank, Inc. Philippines 1.505
(Nguồn: Tổng hợp từ các Báo cáo thường niên của các NHTM năm 2009.
Các Báo cáo thường niên được lấy từ trang web của các NHTM kể trên)
Mặt khác, về phương diện mức độ an toàn vốn, với sự gia tăng vốn điều lệ, tỷ lệ
an toàn vốn tối thiếu (CAR) của đa số NHTM đều trên mức tối thiểu 8% theo yêu cầu
của Basel II, và vì vậy đảm bảo hoạt động an toàn của các NHTM (xem Bảng 3).2
Bảng 3. Tỷ lệ CAR của một số NHTM tiêu biểu qua các năm
ĐVT: %
Ngân hàng Năm 2005 Năm 2006 Năm 2007 Năm 2008
Agribank 0,41 4,97 7,2 -
BIDV 6,80 5,50 11,00 8,94
Vietinbank 6,07 5,18 11,62 -
Vietcombank 9,57 12,6 9,20 8,9
MHB 10,19 9,31 9,44 -
Techcombank 15,72 17,28 14,30 13,99
ACB 12,10 10,89 16,19 -
Sacombank 15,40 11,82 11,07 -
DongAbank 8,94 13,57 14,36 -
(Nguồn: Báo cáo phân tích ngành Ngân hàng do Công ty chứng khoán Bảo Việt thực hiện năm 2008)
Về chất lượng Tài Sản Có, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của những ngân hàng
2 Tuy vậy, theo Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 25/5/2010 của NHNN Việt Nam, kể từ ngày
1/10/2010 tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM tối thiểu phải là 9%. Điều này tiếp tục là một áp lực lớn cho
các NHTM Việt Nam.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
197
chiếm thị phần lớn ở Việt Nam có xu hướng tăng lên, mặc dù đều nằm trong giới hạn an
toàn cho phép3 (xem Bảng 4).
Bảng 4. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của một số NHTM
ĐVT: %
STT Ngân hàng 2004 2005 2006 2007 2008
1 Agribank 1,74 2,30 1,90 2,50 2,68
2 BIDV 14,56 11,64 11,9 4,80 2,75
3 Vietinbank 1,96 2,40 1,38 1,02 1,81
4 VCB - 3,64 2,65 2,66 4,61
5 MHB - - 0,40 -
6 Techcombank - - 3,10 1,40 -
7 ACB 0,43 0,30 0,20 0,08 0,90
8 Sacombank 1,07 0,55 0,72 0,24 0,62
9 DongAbank - - 0,80 0,40 -
10 Eximbank - 1,00 0,80 0,88 4,71
(Nguồn: Báo cáo phân tích ngành Ngân hàng do Công ty chứng khoán Bảo Việt thực hiện năm 2008)
Tuy vậy, sang năm 2009, tỷ lệ nợ xấu, trong đó nợ xấu ở các nhóm nợ có rủi ro
tín dụng cao (nhóm 3-5) lại có xu hướng tăng mạnh. Điều này là kết quả của sự gia tăng
tín dụng quá mức của các NHTM, đặc biệt là các NHTM khối nhà nước. Theo Trung
tâm Thông tin Tín dụng (CIC), tỷ trọng dư nợ nhóm 3, 4 và 5 của khối ngân hàng quốc
doanh trên tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng tính đến tháng 5/2009 lần lượt là 57,58%,
35,95% và 59,69%.
Cùng với sự gia tăng của tỷ lệ nợ xấu, mức độ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng
của các NHTM cũng vì thế mà tăng lên qua các năm.
Bảng 5. Tỷ lệ dự phòng rủi ro trên tổng dư nợ của một số NHTM
ĐVT: %
STT Ngân hàng Năm 2006 Năm 2007 Năm 2008
1 Agribank 1,14% 1,83% 1,90%
2 BIDV 1,50% 2,20% 2,55%
3 Vietcombank 2,20% 2,48% 2,66%
4 Vietinbank 0,07% 1,67% 1,78%
5 MHB 1,35% 1,24% 1,04%
6 Techcombank 1,31% 0,97% 2,30%
3 Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (NPL) có thể chấp nhận được là
từ 3%- 5%.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
198
7 EXimBank 0,40% 0,40% 1,77%
8 ACB 0,40% 0,40% 0,65%
9 Sacombank 0,60% 0,50% 0,72%
10 DongAbank 0,20% 0,40% 0,84%
(Nguồn: Báo cáo phân tích ngành Ngân hàng do Công ty chứng khoán Bảo Việt thực hiện năm 2008)
Cuối cùng, về phương diện khả năng sinh lời, theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà
nước, ROE trung bình năm 2008 của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt 16,42% và
khá ngang bằng so với mức trung bình trong khu vực là 16,47%. Biểu đồ 1 dưới đây chỉ
ra ROA và ROE năm 2008 của một số NHTM tiêu biểu. Theo đó, kết quả hoạt động của
các NHTM cổ phần khả quan hơn nhiều so với các NHTM nhà nước.
Biểu đồ 1. ROA và ROE năm 2008 của một số NHTM
ĐVT: %
(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo thường niên của các NHTM năm 2008)
2.2 Năng lực thị phần
Biểu đồ 2a, 2b chỉ ra thị phần huy động và thị phần cho vay của các NHTM năm
2008 với một đặc điểm rõ nét là sự vượt trội của các NHTM khối nhà nước. Theo đánh
giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ưu thế này sẽ ít có khả năng thay đổi trong
tương lai gần. Mặc dù vậy, cùng với sự năng động trong việc cung ứng các sản phẩm
dịch vụ mới, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, các NHTM khối cổ phần được
dự báo sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế và chiếm giữ thị phần ngày càng cao trên thị
trường.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
199
(Nguồn: Báo cáo phân tích ngành Ngân hàng do Công ty cổ phần chứng khoán MHBS thực hiện năm 2009)
2.3 Năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực
Theo VPC,4 chất lượng nguồn nhân lực tại các NHTM Việt Nam chưa cao, chưa
thật sự nhạy bén với những thay đổi của ngành, đặc biệt tại các NHTM khối nhà nước.
Do lực lượng lao động cũ còn nhiều, nên trình độ lao động của các NHTM Nhà nước
còn nhiều bất cập: nhiều cán bộ nâng cao trình độ dưới hình thức hoàn chỉnh đại học
làm cho số trình độ đại học tăng lên về lượng (xem Bảng 6) nhưng chưa thật sự nâng
cao trình độ về chất.
4 Tham khảo từ Website của Trung Tâm Năng suất Việt Nam (VPC):
Biểu đồ 2a. Thị phần huy động năm 2008
Biểu đồ 2b. Thị phần cho vay năm 2008
ĐVT: %
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
200
Bảng 6. Cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn của một số NHTM năm 2008
ĐVT: lao động / %
Ngân hàng
Tổng số
lao động
Trên
đại học
Đại học Cao đẳng, trung cấp
Trình độ
khác
Agribank 33.967 1,22% 71,63% 6,30% 20,85%
Vietinbank 13.000 1,77% 55,77% 6,37% 21,11%
BIDV 11.585 4,02% 74,43% 12,78% 8,77%
Vietcombank 6.478 3,44% 76,30% 10,59% 9,67%
MHB 2.848 71,00% 29,00%
Techcombank 4.224 82,00% 15,00% 3,00%
Eximbank 2.360 1,35% 62,07% 16,00% 20,58%
Sacombank 5.470 0,88% 58,94% 17,73% 22,45%
ACB 4.600 1,78% 85,41% 9,37% 3,44%
(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo thường niên của các NHTM năm 2008)
Mặc dù vậy vẫn phải khẳng định rằng trình độ lao động của các NHTM đã được
nâng lên đáng kể, tỷ lệ trên đại học và đại học trong cơ cấu lao động của các NHTM,
đặc biệt là khối cổ phần khá cao. Điều này chứng tỏ các NHTM cổ phần đang đẩy mạnh
vấn đề tìm kiếm, bổ sung thêm nguồn lực con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất
lượng cao, thậm chí xem đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh của
ngân hàng.
2.4 Năng lực cạnh tranh về công nghệ
Với sự thành công của Dự án Hiện đại hóa Ngân hàng và Hệ thống Thanh toán
do World Bank tài trợ, năng lực công nghệ của các NHTM Việt Nam tiếp tục được nâng
cấp, thể hiện qua việc hệ thống thanh toán không ngừng phát triển theo hướng hiện đại
hóa, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ở một khía cạnh liên quan, số lượng máy ATM và
POS được trang bị không ngừng tăng lên qua các năm đã tạo điều kiện giảm tải các giao
dịch tại các ngân hàng, nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng cá nhân và phát
triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
201
(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo thường niên của các NHTM năm 2008)
2.5 Năng lực cạnh tranh về hệ thống kênh phân phối
Biểu đồ 4 cho thấy số lượng chi nhánh, phòng và điểm giao dịch của các NHTM
đã có sự tăng trưởng đều đặn qua các năm, phản ánh sự năng động của các NHTM trong
việc củng cố, mở rộng và phát triển thị phần cũng như mạng lưới bán lẻ.
Biểu đồ 3a. Số lượng máy ATM năm 2008
Biểu đồ 3b. Số lượng máy POS năm 2008
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
202
Biểu đồ 4. Mạng lưới (chi nhánh, phòng và điểm giao dịch) của một số NHTM năm 2008
ĐVT: chi nhánh, phòng và điểm giao dịch
(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo thường niên của các NHTM qua các năm)
Tuy vậy, việc tăng cường hệ thống kênh phân phối trong thời gian qua, đặc biệt là
mạng lưới bán lẻ cũng đặt dấu hỏi về hiệu quả kinh doanh. Lấy ví dụ tại Đà Nẵng, hiện có
đến 54 chi nhánh ngân hàng cấp 1 và 192 phòng, điểm giao dịch,5 giành giật nhau ở một
thị trường chưa đầy 1 triệu dân (số liệu thống kê thời điểm 1/4/2009). Điều này đặt ra một
vấn đề trong phân bổ mạng lưới của các TCTD, vừa tạo ra những làn sóng cạnh tranh dữ
dội không cần thiết, vừa có thể gây lãng phí trong hoạt động ngân hàng.
2.6 Năng lực cạnh tranh về mở rộng và phát triển dịch vụ
Việc các NHTM Việt Nam chưa phát huy hết hiệu quả của mạng lưới rộng khắp
cũng như trình độ nhân lực ngân hàng có giới hạn đã hạn chế sự phát triển các sản phẩm
dịch vụ với những tiện ích mới và phong phú hơn; và vì thế gây lãng phí rất lớn đối với
không chỉ ngân hàng mà còn cho cả khách hàng. Thật vậy, trong một thời gian khá dài,
người dân kể cả các đối tượng có trình độ như cán bộ công nhân viên chức, nắm giữ các
loại thẻ ngân hàng chỉ để “rút tiền lương hàng tháng”. Tình hình này thời gian gần đây
có vẻ khả quan hơn khi một số ngân hàng đã cung cấp thêm các dịch vụ, tiện ích gia
tăng như thanh toán hoá đơn, thu hộ tiền bán hàng, thấu chi,v.v…
Biểu đồ 5. Xếp hạng của 5 loại dịch vụ tại một số NHTM tiêu biểu 6
5 Số liệu cập nhật đến tháng 8/2010.
6 Trích từ cuộc điều tra của Trung tâm Nghiên cứu người tiêu dùng và doanh nghiệp đã công bố năm
2008. Theo đó, có 7 mức xếp hạng theo thứ tự từ mức chất lượng cao nhất (mức 1) đến mức chất lượng
thấp nhất (mức 7).
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
203
Biểu đồ 5 cho thấy các NHTM cổ phần luôn dẫn đầu về tính đột phá khi cho ra
đời những dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng đặc biệt
là dòng sản phẩm thẻ, dịch vụ tài khoản, sản phẩm liên quan đến vàng và ngoại tệ, v.v…
2.7 Năng lực cạnh tranh về thương hiệu
Với sự nhận thức vai trò thiết yếu của thương hiệu trong môi trường cạnh tranh
khắc nghiệt, một số NHTM hàng đầu ở Việt Nam đã đẩy mạnh công tác xây dựng và
quảng bá thương hiệu, bước đầu tạo được thương hiệu riêng, đặc thù gắn với các sản
phẩm và thế mạnh riêng có. Chẳng hạn, Agribank với bề dày truyền thống hoạt động
trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; BIDV trong tín dụng phát triển cơ
sở hạ tầng và xây dựng cơ bản; VCB với những sản phẩm có chất lượng cao trong thanh
toán nội địa và quốc tế; Sacombank, ACB với các dịch vụ liên quan đến vàng và ngoại
tệ,v.v…
Tuy vậy, các NHTM Việt Nam vẫn chưa xây dựng được các thương hiệu mạnh,
có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Một số NHTM đã cố gắng
thiết lập các chi nhánh, đại lý tại một số nước phát triển nhưng mới chỉ dừng lại dưới
hình thức thu nhận, chuyển tiền kiều hối hoặc thăm dò thị trường là chính.
3. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam
3.1 Giải pháp đối với các NHTM
- Tăng cường năng lực tài chính theo hướng tăng quy mô vốn điều lệ, đảm bảo
mức an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế và tuân thủ pháp luật ngân hàng Việt Nam.7
Theo đó, các NHTM cần xác định một tỷ lệ hợp lý lợi nhuận ròng được sử dụng hằng
năm để tăng vốn điều lệ hoặc có thể tiến hành sáp nhập và mua lại (M&As) các ngân
hàng nhỏ để hình thành nên một ngân hàng có tiềm lực tài chính lớn hơn. Thật vậy, hoạt
động M&As là một trong những phương thức quan trọng để nâng cao năng lực cạnh
tranh của các NHTM nội địa Việt Nam thông qua việc gia tăng giá trị và nâng cao hiệu
quả quản trị rủi ro trước sự cạnh tranh khốc liệt của những tập đoàn tài chính khổng lồ
nước ngoài khi mà Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế và thực
hiện các cam kết mở cửa thị trường.
- Xây dựng được một đội ngũ nhân viên có trình độ nghiệp vụ cao, có tinh thần
trách nhiệm và phẩm chất đạo đức tốt. Tích cực đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nghiệp vụ
thường xuyên cho cán bộ nhân viên đối với các sản phẩm dịch vụ mới cung ứng. Đặc
biệt, các NHTM nên cân nhắc xây dựng và nâng cấp hệ thống E-Learning để đơn giản
hóa công tác tập huấn, đào tạo.
- Xây dựng và phát triển sản phẩm mới với những tiện tích mới và phong phú
hơn. Thật vậy, phát triển sản phẩm mới là một trong những yếu tố quyết định năng lực
cạnh tranh của NHTM bởi vì suy cho cùng các NHTM cạnh tranh lẫn nhau thông qua
7 Theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ, mức vốn pháp định của tất cả các NHTM đến năm
2010 là 3.000 tỷ VND, CAR tối thiểu là 8%, tỷ lệ nợ xấu dưới 5%.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
204
chuỗi các sản phẩm cung ứng của họ. Ngoài ra, sản phẩm dịch vụ ngân hàng không có
tính độc quyền, dễ bị sao chép, vì vậy các ngân hàng chỉ có thể tạo thế mạnh hay sự
khác biệt cho ngân hàng bằng cách sử dụng các dịch vụ cộng thêm. Để nâng cao năng
lực cạnh tranh của sản phẩm, NHTM cần xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm mới
và có sự đầu tư thỏa đáng trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
- Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện công nghệ, mở rộng các loại sản phẩm mới trên
cơ sở đảm bảo tính chính xác, kịp thời, bảo mật và an toàn.
- Rà soát lại hệ thống kênh phân phối, đầu tư có trọng điểm, có chiến lược dài
hạn, không chạy theo số lượng, tránh tình trạng dư thừa, gây khó khăn cho triển khai
đồng bộ, hiện đại hóa công nghệ, gây sự lãng phí trong giao dịch, chi phí cố định và
nhân sự.
- Xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu ngân hàng.
Thương hiệu của ngân hàng khẳng định vị thế của nó trên thị trường. Vị thế của
ngân hàng được thể hiện qua thị phần sản phẩm so với sản phẩm cùng loại, uy tín
thương hiệu sản phẩm đối với khách hàng, sự hoàn hảo của các dịch vụ và được đo
bằng thị phần của các sản phẩm dịch vụ đó trên thị trường. Theo đó, ngân hàng cần cố
gắng theo đuổi chiến lược phát triển thương hiệu riêng, đặc thù gắn với các sản phẩm và
thế mạnh riêng có.
3.2 Một số kiến nghị, đề xuất đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với tư cách cơ quan quản lý ngành,
hằng năm tổ chức đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh của các TCTD.
- NHNN cũng nên xem xét lại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN do Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 20/5/2010, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2010
[4]. Thực tế, theo chúng tôi, một vài điều trong Thông tư này là khá bất cập, và do đó có
thể làm giảm năng lực cạnh tranh (xét về phương diện vốn) của các NHTM. Chẳng hạn,
Thông tư 13 quy định, nguồn vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi
không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội và các tổ chức
khác. Quy định này là không hợp lý, vì tiền gửi không kỳ hạn của những đối tượng trên
thường chiếm tỷ lệ từ 15% - 20% trong tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín
dụng.8 Điều này sẽ làm cho phần nguồn vốn để đảm bảo khả năng thanh toán có thể lên
đến 35% trên tổng nguồn vốn huy động, và vì thế tỷ lệ này là quá cao, cản trở mạnh
hoạt động sử dụng vốn của NHTM; từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
- Ngoài ra, NHNN cần thành lập một số tổ chức hỗ trợ tư vấn cho các NHTM về
nhà cung cấp và cách thức chuyển giao công nghệ ngân hàng, tránh nhập khẩu bãi thải
công nghệ hoặc công nghệ kém cạnh tranh.
8 Tham khảo từ Website Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA):
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010
205
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (2008), Báo cáo phân tích ngành Ngân
hàng.
[2] Công ty cổ phần chứng khoán MHBS (2009), Báo cáo phân tích ngành Ngân hàng.
[3] NHNN, Báo cáo thường niên qua các năm.
[4] NHNN, Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 25/5/2010 của NHNN Việt Nam
[5] NHTM, Báo cáo thường niên qua các năm.
[6] Trung tâm Nghiên cứu người tiêu dùng và doanh nghiệp (2008), Xếp hạng của 5
loại dịch vụ tại một số NHTM năm 2008.
[7] Porter. Michael (1990); The Competitive Advantage of Nations. London
[8] Porter M.. On Competition. Harvard Business Review. Boston. 1998.
[9] Schmuck. Roland (2008); “Measuring Company Competitiveness”; Proceedings
Papers of Business Sciences: Symposium for Young Researchers (FIKUSZ) 2008.
pages 199-208 Budapest Tech. Keleti Faculty of Economics.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại việt nam.pdf