MỤC LỤC
A. PHẦN LÝ THUYẾT 1
I. Khái niệm quan hệ an sinh xã hội. 2
II. Đặc điểm quan hệ pháp luật an sinh xã hội 3
1. Thứ nhất, trong quan hệ pháp luật an sinh xã hội, thông thường có một bên tham gia là Nhà nước 3
2. Thứ hai, tham gia quan hệ pháp luật an sinh xã hội có thể là tất cả các thành viên trong xã hội không phân biệt theo bất cứ tiêu chí nào. 4
3. Thứ ba, chủ thể hưởng an sinh xã hội có quyền tham gia quan hệ pháp luật này ngay từ khi sinh ra. 5
4. Thứ tư, quan hệ pháp luật an sinh xã hội được thiết lập chủ yếu trên cơ sở nhu cầu quản lý rủi ro, tương trợ cộng đồng trong xã hội. 5
5. Thứ năm, quyền và nghĩa vụ chủ yếu của các chủ thể là trợ giúp và được trợ giúp vật chất, do Nhà nước đảm bảo thực hiện. 6
II. PHẦN BÀI TẬP 7
I. Tai nạn tình huống đưa ra là tai nạn lao động 8
1. Cơ sở pháp lý 8
2. Đối chiếu với tính huống 9
II. Các cơ quan tổ chức H có thể gửi đơn để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình 10
III. Giải quyết quyền lợi cho anh M theo quy định của pháp luật hiện hành 13
1. Các quyền lợi của anh H theo quy định của Bộ luật lao động 13
2. Các quyền lợi anh H được hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 13
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 16
18 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 8881 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích các nguyên tắc của bảo hiểm xã hội kèm bài tập tình huống, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HUYẾT
Phân tích các nguyên tắc của bảo hiểm xã hội
Ở Việt Nam, các quy định nhằm mục đích an sinh xã hội xuất hiện từ rất sớm nhưng lý luận lĩnh vực pháp luật này chỉ mới được chú trọng trong những năm gần đây. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, an sinh xã hội càng trở nên quan trọng. Để thực sự bảo đảm xây dựng, phát triển và thực hiện tốt hệ thống chính sách về an sinh xã hội trong giai đoạn mới thì việc cần phải nắm vức các kiến thức lý luận về quan hệ pháp luật an sinh càng trở nên cần thiết, đặc biệt là về các đặc điểm cơ bản của quan hệ pháp luật này. Trong phạm vi đề tài, tôi sẽ đưa những đặc điểm cơ bản nhất, qua đó mong muốn xây dựng một cái nhìn đúng đắn về quan hệ pháp luật an sinh xã hội
I. Khái niệm quan hệ an sinh xã hội.
Những quan hệ an sinh xã hội trong khuôn khổ các quy định của pháp luật, được gọi là các quan hệ pháp luật an sinh xã hội. Quan hệ pháp luật về an sinh xã hội là nhưng quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực nhà nước tổ chức thực hiện các hình thức bảo vệ, trợ giúp các thành viên xã hội trong những trường hợp cần thiết nhằm đảo bảo an toàn trong đời sống xã hội, được các quy phạm pháp luật an sinh xã hội điều chỉnh.
Từ đó, có thể thấy rằng các quan hệ xã hội hình thành với mục đích an sinh xã hội trên thực tế tồn tại dưới nhiều hình thức: do Nhà nước tổ chức và đảm bảo thực hiện hoặc do các bên tự do thiết lập cơ chế nhu cầu và lợi ích của mỗi bên hoặc hình thành trong đời sống các cộng đồng dân cư làng xã, họ tộc, tôn giáo, nghề nghiệp... Pháp luật chỉ điều chỉnh những quan hệ an sinh xã hội mang tính xã hội sâu sắc, được Nhà nước tổ chức và đảm bảo thực hiện trên phạm vi rộng lớn hoặc những quan hệ cần thiết phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Những quan hệ mang tính an sinh xã hội không do pháp lụât điều chỉnh và tồn tại và vận hành theo tập quán hoặc trên cơ sở tình cảm, quan niệm đạo đức của cộng đồng.
An sinh xã hội được hiểu theo hai nghĩa, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. An sinh xã hội theo nghĩa rộng bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, ưu đãi xã hội, dân số- kế hoạch hóa gia đình, việc làm- chống thất nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Còn An sinh xã hội theo nghĩa hẹp chỉ gồm bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội và ưu đãi xã hội
Trong phạm vi đề tài này, tôi xác định khái niệm về quan hệ pháp luật an sinh xã hội theo nghĩa hẹp- tuy nhiên có mở rộng thêm quan hệ bảo hiểm y tế, theo đó phạm vi quan hệ an sinh xã hội chỉ chỉ bao gồm các vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ưu đãi xã hội và bảo trợ xã hội. Khi được pháp luật điều chỉnh, các quan hệ đó trở thành các quan hệ pháp luật an sinh xã hội tương ứng: quan hệ pháp luật về bảo hiểm xã hội, quan hệ pháp luật về bảo hiểm y tế, quan hệ pháp luật về ưu đãi xã hội và quan hệ pháp luật về bảo trợ xã hội
II. Đặc điểm quan hệ pháp luật an sinh xã hội
Đặc điểm Những quan hệ pháp luật an sinh xã hội cụ thể có đối tượng chủ thể khác nhau, mang những tính chất khác nhau để thực hiện những mục đích đa dạng của vấn đề an sinh xã hội nhưng vẫn có những nét chung nhất định có thể phân biệt loại quan hệ này với các quan hệ khác trong hệ thống các quan hệ bảo đảm xã hội (quan hệ an sinh xã hội hiểu theo nghĩa rộng) và các quan hệ chia sẻ rủi ro khác như:
1. Thứ nhất, trong quan hệ pháp luật an sinh xã hội, thông thường có một bên tham gia là Nhà nước
Nhà nước tham gia quan hệ này thông qua các cơ quan do Nhà nước thành lập hoặc các tổ chức được Nhà nước thừa nhận và trao trách nhiệm. Các chủ thể đại diện cho Nhà nước thường tham gia quan hệ pháp luật an sinh xã hội với tư cách là người thực hiện các chế độ an sinh xã hội bằng nguồn lực của mình, ngân sách Nhà nước hoặc với tư cách là người tổ chức và huy động các nguồn lực xã hội để nhà nước bổ sung cho các chế độ an sinh cố định trong những trường hợp cần thiết. Như vậy, có thể hiểu Nhà nước vừa là người đảm bảo tối thiểu các nhu cầu an sinh xã hội trong phạm vi quốc gia vừa là người tạo phong trào thực hiện các họat động tương trợ cộng đồng để các thành viên trong xã hội, thông qua Nhà nước, bù đắp những khoảng trống mà pháp luật an sinh xã hội không thể đáp ứng được do tính nghiêm trọng của rủi ro cần chia sẻ trong những trường hợp cá biệt hoặc để mục đích an sinh xã hội đạt được ở mức độ cao hơn.
2. Thứ hai, tham gia quan hệ pháp luật an sinh xã hội có thể là tất cả các thành viên trong xã hội không phân biệt theo bất cứ tiêu chí nào.
Khác với quan hệ tương trợ cộng đồng khác có giới hạn trong những phạm vi nhất định dựa trên cơ sở địa bàn sinh sống, tôn giáo, họ tộc hoặc các điều kiện tham gia khác, quan hệ pháp luật an sinh xã hội được hình thành trong phạm vi rộng lớn của quốc gia. Do Nhà nước, chủ thể đại diện cho toàn xã hội, tham gia với tư cách là một bên của quan hệ này nên tất cả các thành viên của xã hội trong phạm vi quốc gia đều có thể được hưởng trợ giúp. Để hưởng được một chế độ cụ thể nào đó chỉ phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế đã được pháp luật xác định, không có bất kỳ một giới hạn hoặc một sự phân biệt nào khác. Thậm chí, nhiều trường hợp không có sự phân biệt về quốc tịch như phần lớn các quan hệ xã hội được pháp luật quốc gia điều chỉnh. Ví dụ, khi có thiên tai, hoạn nạn xảy ra, mọi cá nhân trong phạm vi ảnh hưởng đều được nhận sự trợ giúp, không có sự phân biệt đó là người Việt Nam hay người nước ngoài để xác định quyền hoặc mức độ đảm bảo quyền trợ giúp của xã hội đối với mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, các quan hệ pháp luật an sinh xã hội được thiết lập theo nhiều tầng nấc để tạo thành một hệ thống các quan hệ hỗ trợ, bổ sung cho nhau, đảm bảo an toàn ở những mức cần thiết trợ giúp cho tất cả các thành viên xã hội theo từng nhóm. Vì vậy, những nhóm quan hệ nhỏ trong hệ thống các quan hệ pháp luật an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, ưu đãi xã hội đã quy định những điều kiện nhất định đối với những người được thụ hưởng. Đó không phải là giới hạn phạm vi tham gia loại quan hệ pháp luật này mà chỉ để đảm bảo công bằng, trên cơ sở nhu cầu của đối tượng đó, phù hợp với trình độ quản lý rủi ro của nhà nước.
Mỗi thanh viên bất kỳ trong toàn xã hội đều có thể tham gia một hoặc một số quan hệ cụ thể thuộc hệ thống quan hệ pháp luật an sinh xã hội, phụ thuộc vào điều kiện thực tế của họ được pháp luật xác định. Tất cả các thành viên trong xã hội, nếu có công với nước sẽ được hưởng chế độ ưu đãi xã hội, nếu tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được đảm bảo thu nhập khi ốm đau, tai nạn... Ngay cả những người chưa được hưởng bất cứ một chế độ nào thì cũng không có nghĩa là họ không được chính sách an sinh xã hội bảo vệ.
3. Thứ ba, chủ thể hưởng an sinh xã hội có quyền tham gia quan hệ pháp luật này ngay từ khi sinh ra.
Đặc điểm này do an sinh xã hội là quyền của con người trong xã hội. Trước hết, nó là vấn đề đạo đức và nhân văn của xã hội loài người, không phụ thuộc vào sự phụ thuộc của pháp luật hay việc thực hiện nghĩa vụ của các cá nhân thành viên. Khi các nhà nước muốn khẳng định vị trí đại diện chính thức và quản lí toàn xã hội thì phải có trách nhiệm giải quyết, quản lý các vấn đề mà bản thân đời sống con người trong xã hội đề ra, trong đó những rủi ro cho cuộc sống của cá nhân thành viên hoặc của cả cộng đồng. Để đảm bảo quyền hưởng an toàn về đời sống cho các công dân và các thành viên khác trong cộng đồng xã hội. Nhà nước cho phép các cá nhân sinh sống trong phạm vi lãnh thổ mà mình quản lý được tham gia quan hệ pháp luật an sinh xã hội từ rất sớm, không phụ thuộc vào khả năng nhận thức hay sự đóng góp cho xã hội của họ. Nói cách khác, năng lực pháp luật hưởng an sinh xã hội của các công dân thường xuất hiện từ khi mới sinh ra, không phụ thuộc vào năng lực hành vi của họ. Đó cũng là đặc điểm rất riêng của quan hệ pháp luật an sinh xã hội so với nhiều quan hệ pháp luật khác.
4. Thứ tư, quan hệ pháp luật an sinh xã hội được thiết lập chủ yếu trên cơ sở nhu cầu quản lý rủi ro, tương trợ cộng đồng trong xã hội.
Như trên đã phân tích, có nhiều quan hệ được thiết lập để chia sẻ rủi ro trong đời sống con người. Trong đó, có những quan hệ hình thành trên cơ sở tình cảm, đạo đức hoặc sự tự nguyện vào lòng hảo tâm của cộng đồng xã hội; có những quan hệ kinh doanh, dịch vụ trên cơ sở đáp ứng nhu cầu chia sẻ rủi ro của các cá nhân trong xã hội. Riêng các quan hệ pháp luật an sinh xã hội hình thành trên cơ sở nhu cầu chung của xã hội, để quản lý và chia sẻ rủi ro cho cả cộng đồng, không phụ thuộc vào những quan hệ xã hội khác, không nhằm thực hiện mục đích khác. Trên cơ sở này, Nhà nước xác định những lọai quan hệ xã hội do pháp luật an sin xã hội điều chỉnh. Điều đó giải thích vì sao nhiều quan hệ mang tính chia sẻ rủi ro khác pháp luật an sinh xã hội không điều chỉnh song quan hệ bảo hiểm xã hội chủ yếu do người tham gia bảo hiểm đóng góp tài chính, có thực hiện cân đối thu chi lại vẫn thuộc hệ thống quan hệ pháp luật an sinh xã hội.
5. Thứ năm, quyền và nghĩa vụ chủ yếu của các chủ thể là trợ giúp và được trợ giúp vật chất, do Nhà nước đảm bảo thực hiện.
Do mục đích của quan hệ pháp luật an sinh xã hội là đảm bảo an toàn về đời sống dân sinh (theo nghĩa hẹp) cho con người nên nội dung chính của quan hệ này là vấn đề trợ giúp vật chất cho các thành viên xã hội trong những trường hợp cần thiết. Điều đó không có nghĩa là việc trợ giúp vật chất quan trọng hơn những lĩnh vực trợ giúp khác mà nó chỉ ra lĩnh vực đặc thù làm nên thuộc tính của quan hệ an sinh xã hội. Các lĩnh vực khác trong xã hội như giáo dục đào tạo, việc làm và thu nhập, đảm bảo điều kiện sống hòa bình cho người dân... cũng là những vấn đề rất quan trọng nhưng nó thuộc lĩnh vực bảo đảm xã hội nói chung. Đời sống của con người gắn liền với vấn đề: “cơm, áo, gạo, tiền”; nên khi gặp khó khăn về kiếm sống như tuổi già, tàn tật, mất nguồn nuôi dưỡng, mất phương tiện sinh sống do thiên tai...thì xã hội phải trợ giúp cho thành viên của mình nguồn vật chất để đáp ứng nhu cầu thiết thực nhất đó. Có thực mới vực được đạo; cũng là thực tế chung trong đời sống con người. Vì vậy quyền và nghĩa vụ chủ yếu nhất của các bên trong quan hệ pháp luật an sinh xã hội được Nhà nước đảm bảo thực hiện là trợ giúp vật chất cho người cần trợ giúp. Chế độ trợ cấp vật chất cho người có đủ điều kiện luật định là nội dung chính xuyên suốt các chế độ an sinh xã hội không chỉ ở pháp luật Việt Nam mà còn là nội dung pháp luật của tất cả các nước có điều chỉnh loại quan hệ này
II. PHẦN BÀI TẬP
H là kỹ sư của công ty X. Ngày 18/6/2007 mặc dù đã hết giờ làm việc nhưng anh và một số đồng nghiệp vẫn tiếp tục làm một số công việc chuẩn bị cho ngày mai đổ bê tông công trình. Không may giàn giáo bị sập khiến H và T (công nhân của công ty) bị thương phải vào viện điều trị. Sau 3 tháng điều trị H được xác định suy giảm 64% khả năng lao động. T bị thương nhẹ nên được ra viện sau 15 ngày điều trị, không giám định thương tật. Bảo hiểm xã hội quận Y đã không giải quyết chế độ tai nạn lao động cho H vì cho rằng đây là tai nạn rủi ro xảy ra ngoài giờ làm việc.
Tai nạn trên có phải là tai nạn lao động hay không? H có thể gửi đơn đến cơ qua, tổ chức nào để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình?
Nếu là tai nạn lao động thì H sẽ được hưởng quyền lợi BHXH như thế nào?
I. Tai nạn tình huống đưa ra là tai nạn lao động
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật lao động thì "Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động...".
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành và dữ liệu tình huống đưa ra, ta có thể xác định tình huống tai nạn này chính là tai nạn lao động theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể:
1. Cơ sở pháp lý
Thứ nhất, là điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 :
“Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a, Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b, Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c, Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.”
Thứ hai, Khoản 1 Điều 19 Nghị định 152/2006 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng quy định Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo khoản 1 Điều 39 và điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo khoản 1 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội như sau: “Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc”
Thứ ba, Thông tư 03/2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:
“1. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 19 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
a) Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc bao gồm:
- Tai nạn xảy ra trong lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ được phân công;
- Tai nạn trong thời gian ngừng việc giữa giờ do nhu cầu sinh hoạt đã được chế độ, nội quy quy định như vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
- Tai nạn trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, trong thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc.
b) Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động mà các công việc đó gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động được phân công.
c) Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường mà hằng ngày, người lao động vẫn thường xuyên đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại.”
2. Đối chiếu với tính huống
Theo tình huống nêu ra: H là kỹ sư của công ty X. Ngày 18/6/2007 mặc dù đã hết giờ làm việc nhưng anh và một số đồng nghiệp vẫn tiếp tục làm một số công việc chuẩn bị cho ngày mai đổ bê tông công trình. Không may giàn giáo bị sập khiến H và T (công nhân của công ty) bị thương phải vào viện điều trị. Sau 3 tháng điều trị H được xác định suy giảm 64% khả năng lao động
Qua dữ kiện của tình huống, ta có thể xác định anh H bị tai nạn lao động trong thời chuẩn bị công việc theo quy định tại thông tư Thông tư 03/2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP và Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006
Như vậy, qua việc phân tích tình huống đưa ra, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành về tai nạn lao động, ta có thể khẳng định anh H bị tai nạn lao động và có đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
II. Các cơ quan tổ chức H có thể gửi đơn để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình
Như đã xác định ở trên, H hoàn toàn có đủ điều kiện để hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật, vì vậy, việc Bảo hiểm xã hội quận Y đã không giải quyết chế độ tai nạn lao động cho H vì cho rằng đây là tai nạn rủi ro xảy ra ngoài giờ làm việc là không có căn cứ, vi phạm pháp luật. Và đây được xác định là một quyết định bảo hiểm xã hội, vì vậy thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ được thực hiện theo khoản 2 Điều 131 Luật Bảo hiểm xã hội 2006:
“2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo hiểm xã hội là người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại.
Trong trường hợp người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có thẩm quyền giải quyết;
b) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;
c) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án;
d) Thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”.
Theo quy định tại Điều 56 Nghị định 152/2006/NĐ-CP của Chính phủ Hướng dẫn một số điều Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm bắt buộc thì: thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội theo khoản 2 Điều 131 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
“1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội:
a) Người sử dụng lao động, thủ trưởng tổ chức bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của mình bị khiếu nại;
Trong trường hợp người sử dụng lao động có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết.
b) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội đối với quyết định giải quyết khiếu nại mà người sử dụng lao động, Thủ trưởng tổ chức bảo hiểm xã hội đã giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết và trong cùng thời gian đó người khiếu nại không khởi kiện tại toà án.
2. Trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo hiểm xã hội.
a) Khi phát hiện quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại gửi đơn đến người, tổ chức đã ban hành quyết định hoặc đã thực hiện hành vi đó;
b) Khi nhận được đơn khiếu nại lần đầu, người, tổ chức có quyết định hoặc hành vi bị khiếu nại phải xem xét thụ lý và giải quyết khiếu nại;
c) Thời hiệu khiếu nại, thủ tục khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại lần hai về bảo hiểm xã hội.
a) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện tại Toà án;
b) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khởi kiện tại Toà án;
c) Thời hiệu khiếu nại, thủ tục khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.”
Trong tình huống này, Bảo hiểm xã hội quận Y đã không giải quyết chế độ tai nạn lao động cho anh H, vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của mình, anh H cần phải gửi đơn đến Cơ quan Bảo hiểm xã hội quận Y- là tổ chức đã ban hành quyết định không giải quyết chế độ cho H theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 nghị định 152/2006/NĐ-CP của Chính phủ Hướng dẫn một số điều Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm bắt buộc: “a) Khi phát hiện quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại gửi đơn đến người, tổ chức đã ban hành quyết định hoặc đã thực hiện hành vi đó”
Trong trường hợp H không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Cơ quan Bảo hiểm xã hội quận Y, hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì H có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định
III. Giải quyết quyền lợi cho anh M theo quy định của pháp luật hiện hành
1. Các quyền lợi của anh H theo quy định của Bộ luật lao động
Trước hết, theo Khoản 2 Điều 107 BLLĐ thì “người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ Bảo hiểm xã hội.”theo đó, khi anh H bị tai nạn lao động thì toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong do Công ty X chi trả.
Anh H được trả lương trong thời gian nghỉ việc để điều trị vì tai nạn lao động. Theo Khoản 1 Điều 143 BLLĐ: “trong thời gian người lao động nghỉ việc để chữa trị vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải trả đủ lương và chi phí cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 107 của Bộ luật này”.
Sau khi điều trị, tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, người lao động được giám định và xếp hạng thương tật để hưởng trợ cấp một lần hoặc hàng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả
2. Các quyền lợi anh H được hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội
Trong tình huống này, anh H là kỹ sư xây dựng đang làm việc tại công ty X, xây dựng là một ngành nghề mang tính nguy hiểm cao nên ta có thể khẳng định anh H đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật. Do bị tai nạn lao động nên anh H bị suy giảm 64% khả năng lao động, anh H thuộc trường hợp được hưởng chế độ tai nạn lao động do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội thì NLĐ bị TNLĐ được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau: Sau khi thương tật đã được điều trị ổn định; hoặc sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định. Theo đề bài, anh H đã được xác định là bị thương suy giảm 64% khả năng lao động.
Theo quy định của Luật BHXH thì “người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng” (Khoản 1 Điều 43). Anh H bị suy giảm 64% khả năng lao động nên sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Điểm a Khoản 2 Điều 43 LBHXH quy định: “Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung”.
Anh H bị suy giảm 64% khả năng lao động, tức là ngoài 30% mức lương tối thiểu chung, anh còn được hưởng thêm (64% - 31%)x2% = 66% mức lương tối thiểu chung.
Vậy, anh H được hưởng trợ cấp hàng tháng là 30%+ 66%=96% mức lương tối thiểu chung.
Ngoài mức trợ cấp này,pháp luật còn quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 43 LBHXH là hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ 1năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện. Trường hợp thương tật tái phát, người lao động được đi giám định lại mức suy giảm khả năng lao động thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.
Thêm vào đó, nếu như anh H do tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật (Điều 45 LBHXH). Mặt khác, anh H còn được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật theo điều 48 LBHXH nếu tình trạng sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn. Cụ thể:
“Điều 48. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày.
2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.”
Như vậy, do bị tai nạn lao động dẫn đến suy giảm 64% khả năng lao động nên theo quy định của pháp luật hiện hành anh H được hưởng các quyền lợi theo quy định của Luật lao động và chế độ trợ cấp tai nạn lao động do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật an sinh xã hội, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
Nguyễn Hiền Phương, Pháp luật an sinh xã hội - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010.
Nguyễn Hiền Phương, Cơ sở lí luận và thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2008
* Văn bản quy phạm pháp luật
Luật BHXH năm 2006.
Nghị định của Chính phủ số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
Thông tư 03/2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
* Website
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích các nguyên tắc của bảo hiểm xã hội kèm bài tập tình huống (bt an sinh 9điểm).doc