Pháp luật về thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ ở Úc

Pháp luật về thanh toán công ty bị vỡ nợ ở Úc chủ yếu điều chỉnh hoạt động thanh toán tài sản của con nợ bị vỡ nợ mà không điều chỉnh giai đoạn doanh nghiệp tự tổ chức phục hồi lại hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định rằng trước khi thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ, công ty có thể được quản lý và điều hành bởi một người thứ ba độc lập và có chuyên môn trong việc điều hành hoạt động của công ty để khắc phục tình trạng khó khăn về tài chính của công ty. Người đứng đầu công ty sẽ quyết định lựa chọn hoặc là yêu cầu một người thứ ba (không phải là người có liên quan đến công ty như thành viên công ty, chủ nợ hay người kiểm toán của công ty) để điều hành hoạt động của công ty (người này thường là người đã đăng ký hoạt động với danh nghĩa là người phát mãi tài sản) hoặc là bắt đầu thủ tục thanh toán công ty. Qui định như vậy của pháp luật Úc là phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt của con nợ. Người điều hành doanh nghiệp chính là người biết rõ hơn ai hết về tình hình hoạt động của công ty và tình trạng tài chính của nó, nên ông ta chính là người phải quyết định sẽ phục hồi công ty dưới sự diều hành của người khác hay tiến hành thanh toán công ty càng nhanh càng tốt để đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ. Luật Công ty Úc có một qui định rất nghiêm ngặt đối với người đứng đầu công ty là nếu công ty nằm trong tình trạng không thanh toán được nợ hoặc nằm bên bờ vực của sự vỡ nợ, người đứng đầu công ty phải tiến hành một trong hai hành động trên, nếu không anh ta phải chịu trách nhiệm cá nhân trước các chủ nợ nếu tiếp tục gây thêm những tổn thất về tài sản cho họ [13]. Tòa án không tham gia vào việc tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì những lý do sau [14]:

doc9 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2191 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Pháp luật về thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ ở Úc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÁP LUẬT VỀ THANH TOÁN CÔNG TY VÌ LÝ DO VỠ NỢ Ở ÚC I. CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT VỀ THANH TOÁN CÔNG TY BỊ VỠ NỢ Ở ÚC Theo khoản XVII Điều 51 Hiến pháp Úc, pháp luật về giải quyết tình trạng vỡ nợ (insolvency) của công ty và tình trạng phá sản của thể nhân (bankruptcy) thuộc thẩm quyền ban hành của nhà nước liên bang, vì vậy mà pháp luật về phá sản của Úc được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Pháp luật phá sản của Úc được chia thành hai mảng lớn, pháp luật về phá sản cá nhân và pháp luật về thanh toán công ty trong trường hợp bị vỡ nợ. Việc phá sản cá nhân được điều chỉnh bởi Luật Phá sản (Bankruptcy Act 1966) và thủ tục thanh toán công ty trong trường hợp vỡ nợ được điều chỉnh bởi Luật Công ty (Corporations Law 1992). Mặc dù việc phá sản cá nhân hay thanh toán một công ty vì lý do vỡ nợ đều là thủ tục thanh toán tài sản của con nợ một cách công bằng cho các chủ nợ, việc phá sản cá nhân và việc thanh toán công ty về bản chất là có khác nhau nên pháp luật về phá sản cá nhân và thanh toán công ty có nhiều quy định không giống nhau. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ trình bày những nội dung cơ bản của thủ tục thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ mà không trình bày thủ tục phá sản cá nhân vì pháp luật về phá sản của Việt Nam hiện nay cũng chưa điều chỉnh đối tượng cá nhân tiêu dùng. 1. Thế nào là tình trạng vỡ nợ của một công ty? Theo quy định tại Điều 95A Luật Công ty (Úc), một người được coi là có khả năng trả nợ khi và chỉ khi họ có khả năng trả được các khoản nợ đến hạn phải trả, trường hợp ngược lại có nghĩa là người đó không có khả năng thanh toán nợ và lâm vào tình trạng bị vỡ nợ. Người yêu cầu thanh toán công ty với lý do công ty bị vỡ nợ phải cung cấp các chứng cứ có thể chấp nhận được hoặc đáp ứng các yêu cầu của luật. Theo khoản 2 Điều 459C Luật Công ty, để có thể yêu cầu tòa án ra quyết định bắt đầu thủ tục thanh toán tài sản của một công ty vì lý do vỡ nợ, công ty đó phải có một khoản nợ đến hạn ít nhất là 2000 đô la Úc và công ty không chứng minh được mình có khả năng trả được khoản nợ đến hạn đó. Ngoài ra công ty cũng bị xem là lâm vào tình trạng vỡ nợ khi công ty không thỏa mãn được những yêu cầu đòi nợ của chủ nợ đã được tòa án công nhận bằng một quyết định của tòa. Công ty cũng có thể bị yêu cầu bắt đầu thủ tục thanh toán tài sản khi có một yêu cầu bắt buộc phải trả nợ bằng cách chỉ định một viên chức quản lý tài sản được pháp luật giám sát. Để phản bác lại yêu cầu thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ, con nợ có nghĩa vụ chứng minh khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn đó. Điều này có nghĩa là theo luật về giải quyết tình trạng vỡ nợ công ty của Úc, nghĩa vụ chứng minh khả năng thanh toán thuộc về con nợ. 2. Cơ quan có quyền giải quyết phá sản và thủ tục phá sản Việc chấm dứt sự tồn tại của một công ty lâm vào tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra trong hai trường hợp. Một là phá sản bắt buộc theo quyết định của toà án, hai là các chủ nợ có thể tự mình quyết định và tiến hành việc phá sản công ty. Cần chú ý rằng việc phá sản một công ty trong trường hợp công ty lâm vào tình trạng vỡ nợ chỉ có thể được tiến hành ngoài tòa án (không phải thông qua một quyết định của tòa án) khi các chủ nợ làm như vậy một cách tự nguyện [1]. Trong trường hợp việc thanh toán công ty được tiến hành ngoài tòa án, trước hết các thành viên công ty phải tiến hành một cuộc họp các thành viên khi thấy công ty có dấu hiệu lâm vào tình trạng vỡ nợ để quyết định giải pháp cho tình trạng đó. Sau đó họ phải triệu tập hội nghị các chủ nợ. Thông báo về việc triệu tập hội nghị chủ nợ phải được gửi cho các chủ nợ trước ngày tiến hành hội nghị. Cùng với bản thông báo, công ty phải gửi cho các chủ nợ một bản báo cáo về tình trạng hoạt động kinh doanh của công ty, một bản phương pháp định giá các tài sản của công ty và danh sách các chủ nợ. Quyền chỉ định người phát mãi tài sản của công ty trong trường hợp này thuộc về các chủ nợ và quyết định của họ là quyết định cuối cùng, tuy nhiên nếu chủ nợ không thực hiện quyền này thì các thành viên công ty sẽ chỉ định người phát mãi tài sản của công ty. Trong thủ tục thanh toán công ty một cách tự nguyện bởi các chủ nợ, người phát mãi tài sản của công ty không cần thiết phải là viên chức phát mãi tài sản chính thức (official liquidator) mà chỉ cần là một người làm công việc phát mãi tài sản có đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (registered liquidator) là được. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký cho hoạt động của người phát mãi tài sản là Ủy ban quốc gia Úc về Chứng khoán và Đầu tư (Australian Securities and Investment Commission-ASIC) [2]. Người có kinh nghiệm, khả năng và trình độ cần thiết trong việc quản lý hoạt động và thanh toán tài sản của công ty mới được đăng ký hành nghề phát mãi tài sản của công ty [3]. Các chủ nợ sẽ quyết định số tiền công của người này trong quá trình thanh toán công ty. Cần lưu ý một điểm quan trọng là việc tiến hành phá sản công ty một cách tự nguyện bởi các chủ nợ không làm mất đi quyền của các chủ thể có quyền yêu cầu tòa án tiến hành thủ tục thanh toán công ty, tuy nhiên tòa án khi được yêu cầu sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể và quyết định xem thủ tục nào là có lợi hơn cho các chủ nợ [4]. Trong trường hợp việc tiến hành thanh toán công ty được tiến hành bởi tòa án, các tòa án sau đây có quyền tuyên bố thanh toán một công ty khi công ty lâm vào tình trạng vỡ nợ: Tòa án liên bang Úc (Federal Court), Tòa án Tối cao của một bang (Supreme Court) Việc thanh toán tài sản của công ty bị vỡ nợ được tiến hành bởi người chịu trách nhiệm phát mãi tài sản của công ty (Company liquidator). Trong trường hợp phá sản bắt buộc bằng một quyết định của tòa án, nhân viên phát mãi tài sản sẽ được chỉ định bởi tòa án và thi hành nhiệm vụ của mình với tư cách là nhân viên của Tòa án và hoạt động nhân danh tòa án [5]. Người được chỉ định là người phát mãi tài sản của công ty trong trường hợp này bắt buộc phải là nhân viên phát mãi tài sản chính thức. Người phát mãi tài sản của công ty có trách nhiệm và quyền hạn rất lớn trong việc quản lý và thanh toán tài sản của công ty bị phá sản. Khoản 1 Điều 477 Luật Công ty Úc quy định rằng người phát mãi tài sản của có quyền: - Quản lý hoạt động kinh doanh của công ty nếu nó cần thiết cho việc sắp xếp lại công ty hoặc thanh toán công ty. Lý do thường gặp cho việc tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh của công ty là để giúp cho người phát mãi tài sản của công ty có thể bán được tài sản của công ty với giá cao hơn để nâng cao giá trị tài sản thanh toán của công ty. - Phân chia các khoản nợ cho các chủ nợ theo trật tự quy định tại Điều 556 Luật Công ty. - Trung hòa hoặc sắp xếp các thỏa thuận với chủ nợ hoặc với những người cho rằng mình là chủ nợ. - Dàn xếp các yêu cầu, các khoản nợ và khả năng dẫn đến các khoản nợ hoặc bất kỳ khiếu nại nào tồn tại hoặc giả định tồn tại giữa công ty với các thành viên hoặc với các con nợ khác của công ty hay với những người có trách nhiệm với công ty. Khoản 2 Điều 477 Luật Công ty quy định người chịu trách nhiệm phát mãi tài sản còn có quyền là nguyên đơn hoặc bị đơn trước tòa án, và có quyền mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình trong quá trình phát mãi tài sản của công ty. Tuy nhiên Luật Công ty cũng có những quy định nghiêm ngặt đối với người phát mãi tài sản của công ty trong việc giữ gìn sổ sách kế toán, trong việc yêu cầu tòa án ra những quyết định khi cần thiết và quy định rất nghiêm ngặt trách nhiệm cá nhân của người phát mãi tài sản khi có những hành vi sai trái. Theo quy định của luật Công ty và các quy tắc của tòa án, người phát mãi tài sản có quyền giám sát hoạt động của những người đã từng lãnh đạo công ty, có quyền từ chối bằng chứng về khoản nợ của một chủ nợ nào đó. Một trong những việc quan trọng mà người phát mãi tài sản của công ty sẽ làm là kiểm tra sổ sách tài chính của công ty, kiểm tra lại các giao dịch của công ty trong phạm vi 6 tháng trở về trước kể từ ngày có quyết định của tòa án về việc thanh toán công ty. Người phát mãi tài sản của công ty có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định ngăn cản một nhân viên của công ty bị vỡ nợ ra khỏi nước Úc hay không cho phép mang tài sản của công ty ra khỏi công ty nếu thỏa mãn rằng nhân viên này phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động của công ty liên quan đến việc thanh toán các khoản nợ cho công ty và có chứng cứ rằng người này do lẩn tránh trách nhiệm của mình đã giấu giếm hoặc tẩu tán tài sản của công ty và có ý định rời khỏi nước Úc [6]. Người phát mãi tài sản của công ty hoặc Ủy ban quốc gia Úc về Chứng khoán và Đầu tư cũng có quyền yêu cầu tòa án ra lệnh bắt một người (không kể người này có phải nhân viên công ty hay không) nếu người này có ý định rời khỏi Úc để tránh việc phải trả một khoản nợ cho công ty bị vỡ nợ, tẩu tán tài sản của công ty hay có hành vi phá huỷ, giấu giếm hay tẩu tán sổ sách kế toán của công ty [7]. 3. Các chủ thể có quyền yêu cầu tòa án tiến hành thủ tục thanh toán công ty khi công ty lâm vào tình trạng vỡ nợ [8] - Chính công ty lâm vào tình trạng vỡ nợ hay đang bên bờ vực của sự vỡ nợ có thể yêu cầu thanh toán công ty. - Các chủ nợ kể cả chủ nợ có bảo đảm, những chủ nợ có điều kiện (là những chủ nợ mà khi có điều kiện nhất định nào đó xảy ra thì mới trở thành chủ nợ) hoặc những chủ nợ tương lai (là những chủ nợ có những khoản nợ chưa đến hạn) [9]. - Người được ủy thác của chủ nợ (Trustee creditor). - Các chủ nợ không bảo đảm. - Những thành viên của công ty có nghĩa vụ đóng góp vào tài sản của công ty khi công ty bị thanh toán, những thành viên này bao gồm cả những người đã từng là thành viên công ty (past shareholder) hoặc là người đã góp đủ phần vốn góp vào công ty đối với những công ty trách nhiệm vô hạn. Đối với những công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên phải chịu trách nhiệm này không bao gồm những người đã từng là thành viên công ty hoặc là người đã góp đủ phần vốn góp vào công ty mà chỉ là những thành viên chưa đóng đủ số vốn cam kết góp vào công ty. - Người đứng đầu công ty (director) có thể lựa chọn hoặc là yêu cầu các chủ nợ của công ty thanh toán công ty hoặc là yêu cầu Tòa án giải quyết việc thanh toán công ty vì nếu không làm như vậy người đứng đầu công ty có thể bị phạt và phải bồi thường thiệt hại cho các chủ nợ của công ty khi công ty không trả được nợ cho các chủ nợ hoặc gây thêm thiệt hại cho các chủ nợ [10]. - Người phát mãi tài sản của công ty cũng có quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ. Đây là trường hợp mà người phát mãi tài sản này đã được chỉ định là người phát mãi tài sản của công ty khi đang bị tiến hành thủ tục thanh toán công ty một cách tự nguyện bởi các chủ nợ nhưng trong quá trình thực hiện công việc của mình thì thấy rằng sẽ thích hợp hơn nếu việc thanh toán công ty được thực hiện bằng thủ tục do Tòa án tiến hành. - Ủy ban quốc gia Úc về Chứng khoán và Đầu tư (ASIC). - Một số cơ quan khác theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý rằng những chủ nợ có điều kiện hoặc những chủ nợ tương lai, thành viên công ty, người đứng đầu công ty và Ủy ban quốc gia Úc về Chứng khoán và Đầu tư chỉ được nộp đơn yêu cầu khi có sự cho phép của tòa án. 4. Trình tự, thủ tục thanh toán công ty khi vỡ nợ Trong trường hợp thủ tục thanh toán công ty bị vỡ nỡ được tiến hành một cách tự nguyện bởi các chủ nợ, các chủ nợ sẽ tự mình tiến hành các thủ tục cần thiết trong hội nghị chủ nợ để chỉ định người phát mãi tài sản của công ty. Trong trường hợp thủ tục thanh toán công ty được tiến hành bởi tòa án, những người có quyền yêu cầu thanh toán công ty thể hiện yêu cầu của mình bằng việc điền vào các giấy tờ cần thiết tại tòa án. Ngày mà người yêu cầu nộp đơn tại tòa án là mốc thời gian để xác định những giao dịch bị phủ nhận trước đó. Thời điểm bắt đầu thủ tục thanh toán công ty là thời điểm mà tòa án ra quyết định bắt đầu thủ tục thanh toán công ty [11]. Ngay sau khi tòa án ra quyết định bắt đầu thủ tục thanh toán công ty, tòa án phải chỉ định ngay người tạm thời quản lý tài sản của công ty. Người tạm thời quản lý tài sản của công ty sẽ thay người đứng đầu công ty điều hành hoạt động của công ty. Nếu người đứng đầu công ty muốn làm bất cứ việc gì nhân danh công ty khi người tạm thời quản lý tài sản của công ty đã được chỉ định, ông ta phải được người này đồng ý hoặc được tòa án cho phép. Khi tòa án đã bắt đầu thủ tục thanh toán công ty, tất cả các vụ kiện khác liên quan đến tài sản của công ty sẽ bị đình chỉ. Điều 471B Luật Công ty quy định rằng, một người phải cần sự cho phép của tòa án mới được bắt đầu hay tiếp tục khởi kiện chống lại công ty hay khởi kiện liên quan đến những tài sản của công ty. Tất cả những bản án liên quan đến tài sản của công ty sẽ không được bắt đầu hay tiếp tục thi hành. 5. Thứ tự ưu tiên trong việc phân chia các tài sản còn lại của công ty Việc phân chia tài sản của công ty có thể bắt đầu sau khi các tài sản của công ty đã được thu hồi và thời hiệu khiếu nại đã hết. Khi xác định tài sản còn lại của công ty để thanh toán cho các chủ nợ, người phát mãi tài sản của công ty có quyền yêu cầu những thành viên công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn của mình phải đóng góp khoản chưa đóng góp đó vào tài sản của công ty để phân chia cho các chủ nợ. Thành viên công ty trách nhiệm vô hạn cũng phải đóng góp thêm vào tài sản phá sản của công ty khi người phát mãi tài sản của công ty yêu cầu trong những trường hợp cần thiết. Nguyên tắc thanh toán tài sản của công ty khi vỡ nợ theo Luật Công ty là nếu tài sản còn lại đủ để thanh toán tất cả các khoản nợ thì các chủ nợ sẽ được thanh toán đủ, nếu tài sản còn lại không đủ để thanh toán hết các khoản nợ thì các chủ nợ được thanh toán theo tỷ lệ tài sản còn lại đó. Mặc dù Điều 555 của Luật Công ty quy định rằng tất cả các khoản nợ đã được chứng minh của công ty sẽ được đối xử một cách bình đẳng, Luật Công ty vẫn nhấn mạnh rằng vẫn có những thứ tự ưu tiên nhất định khi phân chia các khoản nợ của công ty. Thứ tự này cụ thể như sau: Các hoá đơn điện thoại và điện sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của công ty như thế chấp, ký quỹ hay cầm cố. Tiền bảo hiểm cho bên thứ ba. Các chủ nợ khác. Trong các chủ nợ này thì thứ tự ưu tiên được sắp xếp như sau: Chi phí cho việc thanh toán tài sản; Tiền công và các khoản nợ cho những người quản lý. Lương cho người lao động. Các khoản tiền bồi thường tai nạn cho người lao động. Tiền nghỉ hè và các khoản trợ cấp khác cho người lao động. Các chủ nợ không có bảo đảm. Những chủ nợ phát hiện sau giai đoạn kiểm toán (Deferred creditors). Tài sản phá sản của công ty sau khi phân chia cho các chủ nợ mà còn thừa thì phần này sẽ thuộc về các thành viên công ty tùy theo loại cổ phần mà họ sở hữu và tỷ lệ vốn góp của họ vào công ty. Mặc dù việc phân chia tài sản còn thừa này được tiến hành bởi người phát mãi tài sản, người này vẫn cần một quyết định của tòa án trước khi tiến hành phân chia trong trường hợp thủ tục thanh toán công ty được tiến hành bởi tòa án. Nếu thủ tục thanh toán công ty được tiến hành ngoài tòa án, người phát mãi tài sản của công ty sẽ tự mình quyết định việc phân chia này [12]. . Sau khi công ty đã thanh toán xong, người phát mãi tài sản của công ty sẽ đề nghị tòa án ra quyết định công nhận anh ta hết trách nhiệm và ra quyết định xoá tên công ty, việc tiến hành xoá tên công ty sẽ do Ủy ban quốc gia Úc về Chứng khoán và Đầu tư tiến hành. Trong trường hợp thanh toán công ty do các chủ nợ tự nguyện tiến hành, việc xóa tên công ty cũng sẽ do Ủy ban quốc gia Úc về Chứng khoán và Đầu tư thực hiện nhưng theo yêu cầu của người phát mãi tài sản mà thôi, không cần có lệnh của tòa án. II. NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT LỚN GIỮA PHÁP LUẬT VỀ THANH TOÁN CÔNG TY BỊ VỠ NỢ Ở ÚC VÀ LUẬT PHÁ SẢN VIỆT NAM VÀ Ý KIẾN CỦA TÁC GIẢ (So sánh với Luật Phá sản doanh nghiệp 1994 của VN) 1. Pháp luật về thanh toán công ty bị vỡ nợ ở Úc chủ yếu điều chỉnh hoạt động thanh toán tài sản của con nợ bị vỡ nợ mà không điều chỉnh giai đoạn doanh nghiệp tự tổ chức phục hồi lại hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định rằng trước khi thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ, công ty có thể được quản lý và điều hành bởi một người thứ ba độc lập và có chuyên môn trong việc điều hành hoạt động của công ty để khắc phục tình trạng khó khăn về tài chính của công ty. Người đứng đầu công ty sẽ quyết định lựa chọn hoặc là yêu cầu một người thứ ba (không phải là người có liên quan đến công ty như thành viên công ty, chủ nợ hay người kiểm toán của công ty) để điều hành hoạt động của công ty (người này thường là người đã đăng ký hoạt động với danh nghĩa là người phát mãi tài sản) hoặc là bắt đầu thủ tục thanh toán công ty. Qui định như vậy của pháp luật Úc là phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt của con nợ. Người điều hành doanh nghiệp chính là người biết rõ hơn ai hết về tình hình hoạt động của công ty và tình trạng tài chính của nó, nên ông ta chính là người phải quyết định sẽ phục hồi công ty dưới sự diều hành của người khác hay tiến hành thanh toán công ty càng nhanh càng tốt để đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ. Luật Công ty Úc có một qui định rất nghiêm ngặt đối với người đứng đầu công ty là nếu công ty nằm trong tình trạng không thanh toán được nợ hoặc nằm bên bờ vực của sự vỡ nợ, người đứng đầu công ty phải tiến hành một trong hai hành động trên, nếu không anh ta phải chịu trách nhiệm cá nhân trước các chủ nợ nếu tiếp tục gây thêm những tổn thất về tài sản cho họ [13]. Tòa án không tham gia vào việc tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì những lý do sau [14]: Tổ chức lại hoạt động của doanh nghiệp là công việc của chủ nợ và những người có quyền và lợi ích liên quan, tòa án không có quyền can thiệp. Tòa án không quan tâm về mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ trong việc dàn xếp tự nguyện các khoản nợ. Quan tòa chỉ là người có kinh nghiệm và khả năng về những vấn đề có tính chất pháp luật chứ không có kiến thức, kinh nghiệm trong kinh doanh nên không thể và không nên tham gia vào quá trình này. 2. Việc thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ có thể tiến hành trong hoặc ngoài tòa án. Việc tiến hành thủ tục thanh toán công ty ngoài tòa án chỉ có thể được tiến hành khi các chủ nợ thống nhất với nhau tự nguyện làm như vậy. Đây là cách thức mà theo tác giả là có nhiều điểm thuận lợi, vì hơn ai hết chủ nợ sẽ là người quan tâm nhất đến quyền lợi của mình khi con nợ bị phá sản, việc để chủ nợ tiến hành thủ tục thanh toán con nợ sẽ giảm gánh nặng cho tòa án quốc gia và ở mức độ nào đó sẽ thỏa mãn tốt nhất quyền lợi của các chủ nợ. Tuy nhiên pháp luật điều chỉnh thủ tục thanh toán con nợ một cách tự nguyện bởi các chủ nợ phải hết sức chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các chủ nợ, con nợ và lợi ích chung của xã hội. Luật pháp hiện hành của Úc cũng quy định rằng dù là thủ tục tự nguyện của các chủ nợ, việc thanh toán công ty bị vỡ nợ trong trường hợp này cũng phải được tiến hành bởi một người phát mãi tài sản có đầy đủ khả năng và đã đăng ký hành nghề tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Pháp luật về thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ cho phép sự chuyển đổi linh hoạt giữa thủ tục thanh toán công ty một cách tự nguyện bởi các chủ nợ và thủ tục thanh toán công ty được tiến hành bởi tòa án. Khi có yêu cầu của những chủ thể có quyền yêu cầu mở thủ tục thanh toán công ty tới tòa án, tòa án sẽ xem xét và ra quyết định thụ lý vụ việc hay không trên cơ sở cân nhắc quyền lợi của chủ nợ mà không căn cứ vào việc công ty này có đang bị tiến hành thủ tục thanh toán tự nguyện bởi các chủ nợ hay không. Ngoài ra trong trường hợp công ty đang bị tiến hành thủ tục thanh toán tự nguyện bởi các chủ nợ nhưng người phát mãi tài sản của công ty thấy rằng sẽ phù hợp hơn khi chuyển sang thủ tục thanh toán bắt buộc bởi tòa án thì họ có quyền đề nghị tòa án làm như vậy. 3. Việc thanh toán công ty bị vỡ nợ ở Úc dù theo thủ tục được tiến hành bởi tòa án hay do các chủ nợ tiến hành cũng đều phải thông qua người phát mãi tài sản hoạt động độc lập. Nếu thủ tục thanh toán công ty được tiến hành bởi tòa án, người phát mãi tài sản sẽ là nhân viên phát mãi tài sản chính thức hoạt động nhân danh tòa án và hoạt động theo lệnh của tòa án. Tuy nhiên trong các hoạt động có tính chất kinh doanh thì người phát mãi tài sản có quyền quyết định mà không cần tham khảo ý kiến của tòa. Nếu thủ tục thanh toán công ty được tiến hành bởi các chủ nợ, người phát mãi tài sản chỉ cần là người phát mãi tài sản có đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người này có thể chủ động hơn trong hoạt động của mình. Dù là nhân viên phát mãi tài sản chính thức hay người phát mãi tài sản theo đăng ký, thì trong hoạt động của mình họ cũng có những quyền tương tự như nhau. Hoạt động của người phát mãi tài sản mang tính độc lập cao và họ được giao nhiều quyền hành trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Chức năng, nhiệm vu, quyền hạn của người phát mãi tài sản ở Uc là rất rộng, vừa quản lý tài sản vừa tổ chức hoạt động kinh doanh và thanh toán tài sản của công ty bị vỡ nợ. Trong khi theo pháp luật phá sản nước ta, các nhiệm vụ này được tiến hành bởi hai tổ: tổ quản lý tài sản và tổ thanh toán tài sản. Theo tác giả, việc giao quyền quản lý tài sản và thanh toán tài sản của công ty bị vỡ nợ cho một đối tượng chuyên nghiệp có chuyên môn cao, có đăng ký hành nghề một cách hợp pháp và tự chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp như người phát mãi tài sản theo pháp luật về thanh toán công ty bị vỡ nợ ở Uc có ý nghĩa thực tiễn rất cao trong việc thanh toán tài sản của công ty bị vỡ nợ. Việc một người cùng thực hiện nhiều hoạt động trong quá trình tuyên bố phá sản con nợ sẽ tiết kiệm được chi phí và đặc biệt là thời gian cho việc giải quyết phá sản. Người phát mãi tài sản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước những người có liên quan trong hoạt động của mình và được nhận thù lao theo công việc được giao. Chính điều này đã khiến cho hoạt động thanh toán công ty được chuyên môn hóa cao và vì thế sẽ có hiệu quả hơn. 4. Việc xác định tài sản của công ty bị vỡ nợ để thanh toán công ty cũng đơn giản vì tại thời điểm tòa án ra quyết định thanh toán công ty, khối tài sản này được xác định. Công ty sẽ không có cơ hội phục hồi lại hoạt động của công ty sau giai đoạn này nên tài sản để thanh toán cho các chủ nợ không bị biến động lớn sau thời điểm có quyết định thanh toán công ty. Bắt đầu từ thời điểm này, trách nhiệm của người phát mãi tài sản của công ty là bảo quản tài sản của công ty, tìm cách bán với giá cao nhất có thể và thanh toán cho các chủ nợ. Về thứ tự ưu tiên trong việc thanh toán các khoản nợ thì theo tác giả cũng có vẻ công bằng hơn thứ tụ ưu tiên trong việc thanh toán tài sản phá sản của Luật Phá sản Việt Nam khi không tách các khoản nợ thuế ra khỏi các khoản nợ không có bảo đảm khác để ưu tiên thanh toán trước./. CHÚ THÍCH [1] H A J Fird et al, Ford’s Principles of Corporations Law, (Những nguyên tắc của Ford về Luật Công ty) (9th ed, Butterworths, Australia, 1999), p. 1172. [2] P Latimer, Australian Business Law, (Luật Kinh doanh Úc) (19th ed, CCH Australia Limited, Australia, 2000), p 716. [3] H A J Fird et al, sđd, p. 1122. [4] H A J Fird et al, sđd, p. 1238. [5] H A J Fird et al, sđd, p.1201. [6] Corporations Law, s 486A (Luật Công ty Uc, điều 486 A) [7] Corporations Law, s 486B (Luật Công ty Uc , điều 486 B) [8] H A J Fird et al, sđd, p. 1185. [9] H A J Fird et al, sđd, p. 1177. [10] Corporations Law, s 588G (Luật Công ty Úc, Điều 588 G) [11] Corporations Law, s513A . (Luật Công ty Úc, Điều 513 A). [12] H A J Fird et al, sđd, p. 1236. [13] Corporations Law, s 588G (Luật Công ty Úc, Điều 588 G). [14] Dương Đăng Huệ, Pháp luật phá sản Việt Nam và pháp luật phá sản của Úc: những điểm tương đồng và khác biệt, Tạp chí Luật học số 3/1995, tr. 27.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPháp luật về thanh toán công ty vì lý do vỡ nợ ở Úc.doc
Tài liệu liên quan