Với quan niệm như vậy về hiện thực, Pirone đã đưa ra cách giải quyết vấn đề
thứ hai:con người có quan hệ gì với sự vật. Theo ông, do không sở hữu một cái
gì đó đáng tin cậy và cũng không thể trông cậy vào một cái gì đó, nên chúng ta
không những không nên tin tưởng bất kỳ ý kiến, quyền uy, chuẩn tắc nào, mà
còn phải luôn kiềm chế phán đoán về một cái gì đó. Rằng, mọi học thuyết triết
học đều giống nhau và đều phiến diện ở chỗ cố gắng khẳng định một cái gì đó
và ngộ nhận nó là chân lý. Gọi chung các học thuyết đó là “dogmatique” (học
thuyết, quy định, giáo điều) và đem đối lập chúng với lậptrường hoài nghi chủ
nghĩa, Pirone cho rằng, chúng ta chỉ nên tin tưởng chắc chắn và nhất quán vào
một điều: Tất cả những gì con người có thể tư duy và có quan hệ với chúng đều
có thể là như vậy, cũng có thể là ngược lại và do vậy, cần kiềm chế phán đoán
(tiếng Hy Lạp là Epoche). Rằng, chỉ có như vậy, con người mới thoát ra khỏi
thế giới này, thu mình lại và không còn bị những thuộc tính của sự vật và
những quy định của xã hội chi phối.
7 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1898 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Pirone và chủ nghĩa hoài nghi cổ đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PIRONE VÀ CHỦ NGHĨA HOÀI NGHI CỔ ĐẠI
NGUYỄN VĂN KHƯƠNG (*)
Chủ nghĩa hoài nghi cổ đại không chỉ là một trong những hiện tượng thú vị và
độc đáo nhất trong lịch sử tư tưởng triết học cổ đại, mà còn đóng vai trò quan
trọng trong tiến trình lịch sử tư tưởng triết học phương Tây. Người sáng lập
chủ nghĩa hoài nghi cổ đại là nhà triết học Hy Lạp Cổ đại - Pirone (Pirông,
khoảng 365 - 275 trước công nguyên). Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và
luận giải những nội dung cơ bản của chủ nghĩa hoài nghi cổ đại; đồng thời đưa
ra những nhận xét sơ bộ về đóng góp của Pirone trong việc sáng lập và phát
triển chủ nghĩa hoài nghi cổ đại.
Chủ nghĩa hoài nghi được coi là một trong những hiện tượng thú vị và độc đáo
nhất trong lịch sử tư tưởng cổ đại; nó đóng một vai trò quan trọng trong tiến
trình lịch sử tư tưởng triết học phương Tây. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và
giới thiệu nó một cách có hệ thống luôn mang một ý nghĩa quan trọng trong
việc tiếp thu những thành tựu văn minh phương Tây trên bình diện triết học.
Có thể nói, tất cả các hệ thống triết học thời Cổ đại, cả ở thời tiền Socrates lẫn
thời cổ điển, đều là các học thuyết, tức là hệ thống những định đề và những
phán đoán có liên hệ với nhau, có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề thế giới quan
cơ bản. Song, chủ nghĩa hoài nghi lại tuyên bố một lập trường khác về nguyên
tắc. Nó phủ định khả năng khẳng định một điều gì đó một cách xác thực. Với
nó, không có cái gì là tuyệt đối và do không biết dựa vào cái gì, nên cần phải
kiềm chế phán đoán và không nên kỳ vọng có thể hiểu được chân lý, thực hiện
được cái thiện(1).
Nói đến chủ nghĩa hoài nghi cổ đại, chúng ta không thể không nhắc đến Pirone
(Pirông, khoảng 365 - 275 TCN.), bởi nhà triết học này được coi là đại diện tiêu
biểu nhất của nó. Không chỉ thế, nhà triết học này chính là người sáng lập ra
chủ nghĩa hoài nghi cổ đại (2). Ông sinh ở Elida (Êlít) - một vùng đất thuộc Hy
Lạp Cổ đại, nơi có đỉnh Olympia nổi tiếng. Thời trẻ, Pirone là một họa sĩ, sau
đó ông trở thành thính giả của nhiều nhà triết học và, ở độ tuổi 30, ông đã hộ
tống một nhà triết học là Anaxagoras trong cuộc chinh chiến của Alexandr
Makedonsky. Những ấn tượng về cuộc chinh chiến này đã làm thay đổi triệt để
nhân cách và lối suy nghĩ của Pirone. Những cuộc đối thoại với các nhà sư Ấn Độ
- những người vốn nổi danh với lối sống khắc kỷ, đã có một ý nghĩa đặc biệt đối
với Pirone.
Trở lại Hy Lạp, Pirone đã tích cực truyền bá thái độ tĩnh tâm đối với thế giới
xung quanh - thái độ mà theo ông, sẽ dẫn con người đến trạng thái hạnh phúc
nhất - sự thanh thản về tinh thần (atharaxie). Có một câu chuyện thú vị về sự
thực này. Một hôm, con tàu chở nhà triết học gặp cơn bão lớn, tất cả mọi hành
khách đều hoảng sợ, họ chạy lung tung khắp tàu, duy chỉ có một hành khách
vẫn bình tĩnh tiếp tục thưởng thức bữa ăn điểm tâm của mình, Pirone đã chỉ vào
hành khách ấy và nói: “Đây là nhà triết học đích thực”(3). Pirone không viết
sách, mà chỉ tác động đến những người xung quanh bằng lối sống của mình.
Sau này, những luận điểm của ông đã được các môn đệ, cụ thể là Timone de
Phlius, ghi chép lại.
Pirone được đông đảo dân chúng tôn trọng. Họ chọn ông là nhà tư tế tối cao và
do tôn trọng ông, họ đã quy định các nhà triết học không phải nộp thuế.
Tên gọi “chủ nghĩa hoài nghi” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “soi rọi”,
“nghiên cứu”. Soi rọi sự vật, hiện tượng, con người, người hoài nghi khám phá
ra sự vắng mặt của một cái gì đó tuyệt đối và xác thực. Khi khảo cứu bất cứ
một sự vật nào, người hoài nghi vẫn luôn đi đến kết luận: “sự vật đó vừa là cái
này, vừa là cái khác” và do vậy, không nên phán xét về nó một cách nhất quán
và cũng không nên tuân thủ một cái gì đó một cách tin tưởng. Nhưng, cái gì đã
dẫn họ đến khám phá ấy và kết luận rút ra từ đó? Đương nhiên, đó không phải
là sở thích nhận thức thuần túy. Nhìn nhận chủ nghĩa hoài nghi chỉ như vấn đề
tư duy và hơn nữa, coi đó là vấn đề nhận thức, có nghĩa là đã hạn chế nó ở lĩnh
vực có ý nghĩa thứ yếu đối với bản thân nó. Lĩnh vực đích thực của chủ nghĩa
hoài nghi là sự lựa chọn cuộc sống, còn vấn đề cơ bản của nó là “chúng ta có
thể tin tưởng vào cái gì?”. Do vậy, trên phương diện nhận thức luận, chủ nghĩa
hoài nghi đặt vấn đề: “chúng ta có thể đạt tới chân lý hay không?”(4). Nhưng,
đây cũng chỉ là một trong những phương diện của vấn đề - phương diện phụ
thuộc vào nội dung đạo đức thực tiễn của nó.
Pirone đã đặt ra ba vấn đề mang tính kinh điển đối với chủ nghĩa hoài nghi,
Trước hết là vấn đề hạnh phúc và cái phúc của con người. Chúng ta đều biết,
vấn đề cuộc sống hạnh phúc là vấn đề cơ bản mang tính quyết định đối với tất
cả các nhà triết học ở thời kỳ Hy Lạp hóa. Những luận điểm lý luận trừu tượng
mà họ đưa ra đều hướng đến việc giải quyết vấn đề này. Đi theo khuynh hướng
đó, Pirone cho rằng, mọi con đường nhận thức về hạnh phúc đòi hỏi phải giải
quyết ba vấn đề. Vấn đề thứ nhất: “Sự vật, về thực chất, là gì?”. Vấn đề thứ hai:
“Con người có quan hệ gì với sự vật?”. Và, vấn đề thứ ba: “Có thể rút ra kết
luận gì từ đó?”.
Vấn đề thứ nhất đã được Pirone giải quyết như sau: Chúng ta không thể xác
định được sự vật như nó tồn tại. Sự vật là cái không thể biểu thị được, không ổn
định, thường biến đổi và sinh ra những bất đồng. Cho dù chúng ta có phán xét
về cái gì đi chăng nữa, thì ở đâu cũng có thể có phán đoán khác ở bên cạnh một
phán đoán nào đó. Không có những đặc điểm, những quy luật, những quan hệ
tuyệt đối và bất di bất dịch của sự vật mà chúng ta có thể tin cậy. Do vậy,
không thể xác định khi nào thì phán đoán của chúng ta là đúng, khi nào chúng
ta bị lừa dối, khi nào chúng ta đã hành động vì cái thiện và khi nào chúng ta đã
làm điều ác. Với quan niệm này, Pirone đặt vấn đề: Trên thực tế, chúng ta có
thể tin tưởng vào cái gì trong thế giới này? Lẽ nào lại có một biểu tượng mà
không gì có thể làm thay đổi được nó? Lẽ nào lại có sự chỉ dẫn của những giác
quan mà không thể bị lừa dối? Đâu là những chuẩn mực và những nghĩa vụ mà
vạn vật đều phải tuân thủ một cách tự nguyện? Đâu là đạo luật không thể xâm
phạm? Đâu là sự đảm bảo không thể vi phạm? Nếu cố dựa vào những thuộc
tính của sự vật, thì chúng ta, tất yếu, sẽ vấp phải những thuộc tính khiến cho
chúng ta phải thất vọng. Tuân theo luật pháp và tập quán của nước mình, thì
đương nhiên, chúng ta sẽ nhận thấy chúng là khác nhau đối với người không có
thế lực và người cầm quyền, người nghèo và người giàu, và những quan hệ có
quyền uy tuyệt đối đối với chúng ta thì lại hoàn toàn bị dân tộc láng giềng coi
nhẹ, coi là vô lý và kỳ quặc đối với họ. Lẽ nào lại có người mà chúng ta có thể
tin tưởng vào sự cai trị chân thực của người đó? Lẽ nào thời gian và những
phong ba bão táp của cuộc đời lại không làm thay đổi tình yêu? Lẽ nào những
người có cùng dòng máu lại không trở nên xa lạ đối với nhau, thậm chí còn trở
thành kẻ thù của nhau?
Với quan niệm như vậy về hiện thực, Pirone đã đưa ra cách giải quyết vấn đề
thứ hai: con người có quan hệ gì với sự vật. Theo ông, do không sở hữu một cái
gì đó đáng tin cậy và cũng không thể trông cậy vào một cái gì đó, nên chúng ta
không những không nên tin tưởng bất kỳ ý kiến, quyền uy, chuẩn tắc nào, mà
còn phải luôn kiềm chế phán đoán về một cái gì đó. Rằng, mọi học thuyết triết
học đều giống nhau và đều phiến diện ở chỗ cố gắng khẳng định một cái gì đó
và ngộ nhận nó là chân lý. Gọi chung các học thuyết đó là “dogmatique” (học
thuyết, quy định, giáo điều) và đem đối lập chúng với lập trường hoài nghi chủ
nghĩa, Pirone cho rằng, chúng ta chỉ nên tin tưởng chắc chắn và nhất quán vào
một điều: Tất cả những gì con người có thể tư duy và có quan hệ với chúng đều
có thể là như vậy, cũng có thể là ngược lại và do vậy, cần kiềm chế phán đoán
(tiếng Hy Lạp là Epoche). Rằng, chỉ có như vậy, con người mới thoát ra khỏi
thế giới này, thu mình lại và không còn bị những thuộc tính của sự vật và
những quy định của xã hội chi phối.
“Epoche”, trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là kiềm chế phán đoán. Song, với
Pirone đó còn là cái biểu thị sự chạy trốn khỏi thế giới hiện thực. Và, theo ông,
“Epoche” không hẳn là kiềm chế phán đoán, mà chủ yếu là kiềm chế tuân thủ
những quan điểm, mục đích và lý tưởng sống, kiềm chế những khát vọng chính
trị, nghề nghiệp hay đạo đức. Nghĩa là, không hẳn phải khước từ một ý kiến nào
đó, mà chủ yếu là không tham gia vào đời sống thế giới và con người, không
tham dự vào cả những tìm tòi của lý tính lẫn vào những công việc của con
người.
Với quan niệm đó, khi giải quyết vấn đề thứ ba: có thể rút ra kết luận gì từ đó,
Pirone cho rằng, một khi con người đã không thể coi cái gì trong thế giới này là
cái của mình, thì tuân theo cái gì cũng là như nhau đối với họ và do vậy, cái chỉ
đạo duy nhất đối với họ là khát vọng thanh thản - tinh thần thanh thản không bị
quấy rầy bởi bất cứ ràng buộc, tình cảm hay hành động nào. Rằng, con người
chỉ thuộc về bản thân mình; tất cả những gì mà họ cần phải làm trên thế gian
này là trải nghiệm cuộc đời mà không tin tưởng vào bất cứ cái gì. Nếu giữ vững
lập trường này, con người sẽ trở nên thanh thản, hoàn toàn tĩnh tâm trước mọi
đau khổ, nguy hiểm. Do vậy, atharaxie (tinh thần thanh thản nhờ epoche) không
chỉ là trạng thái hạnh phúc nhất của con người, mà còn là mục đích sống của
họ.
Như vậy, có thể nói, với Pirone, thái độ không tin tưởng vào thế giới thể hiện ra
là cơ sở của thái độ đối với vạn vật. Con người phải kiềm chế phán đoán
(epoche) bởi họ không biết trông cậy vào cái gì và không thể lấy một tính xác
thực nào làm chỗ dựa. Nhờ kiềm chế phán đoán, con người có được sự thanh
thản về tinh thần. Và, cuối cùng, khi tinh thần được giải phóng, con người sẽ
được giải phóng. Tất cả những điều đó đều là hệ quả tất yếu của sự hoài nghi.
Song, không nên vì thế mà coi chủ nghĩa hoài nghi là một biến tướng của chủ
nghĩa hư vô. Bởi lẽ, khi con người được tự do và không bị trói buộc bởi những
thuộc tính của sự vật, cũng như không bị trói buộc bởi một sự lựa chọn nào đó,
họ mới có thể tự mình lựa chọn để tuân theo một cái gì đó. Với thái độ hoài
nghi, khi tiếp nhận một quan điểm, một lối sống, các chuẩn tắc ứng xử hay một
công việc nào đó, con người luôn ý thức được việc họ làm điều đó không phải
bởi tính chân thực của chúng - cái không thể xác định được, mà vì bởi ý chí của
họ đã mách bảo họ phải làm như thế. Với thái độ hoài nghi, con người có thể
chấp nhận nhiều thứ và tuân thủ nhiều thứ, nhưng không bao giờ họ giao phó
bản thân mình cho một cái gì đó. Thái độ hoài nghi này là bất biến ngay cả khi
có sự biến đổi của thế giới các sự vật bên ngoài(5).
Theo đó, còn có thể nói rằng, với Pirone, hoài nghi không có nghĩa là phủ định
và càng không có nghĩa là phủ định sạch trơn. Hoài nghi, với Pirone, chỉ có
nghĩa là sự kiềm chế. Với nhận thức của con người, thế giới các sự vật tự nó và
bản chất của nó luôn là một điều bí ẩn và do không thể có được những hiểu biết
xác thực về thế giới các sự vật đó, nên cách tốt nhất để tránh sai lầm là tự kiềm
chế để không có bất cứ phán đoán nào về các sự vật ấy. Khi có được sự tự kiềm
chế đó, con người sẽ đạt được sự yên tĩnh, sự thanh thản về tinh thần. Và, một
khi có được sự yên tĩnh, sự thanh thản này, sự tĩnh tâm, sự vô cảm theo cách
nói của Pirone, - con người sẽ đạt đến trạng thái hạnh phúc. Phương tiện để con
người đạt tới trạng thái hạnh phúc này là hoài nghi để tự kiềm chế phán đoán về
thế giới các sự vật tự nó - đó là kết luận mà Pirone – người sáng lập chủ nghĩa
hoài nghi cổ đại đã đưa ra./.
(*) Thạc sĩ triết học, Đại học Lâm nghiệp
(1) Xem: Chủ nghĩa hoài nghi. Trong: Tân bách khoa thư triết học, gồm 4 tập,
t.3, tr. 561-562.
(2) M.M. Rôdentan (Chủ biên). Từ điển triết học. Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva,
1975, tr. 466.
(3) 100 nhà tư tưởng vĩ đại ở phương Tây. Paris, 2006, tr. 116.
(4) Dẫn theo: Lịch sử siêu hình học. Mátxcơva, 2005, tr.64.
(5) Xem: Chủ nghĩa hoài nghi cổ đại. Mátxcơva, 2007, tr. 406.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_58__5843.pdf