Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi Văn 9 (Năm học 2011-2012)
- Xuất hiện vào chặng cuối của chiến tranh chống Mĩ cứu nước, từ khoảng 1972 trở đi, Nguyễn Duy đã trở thành một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Cho đến nay, Nguyễn Duy vẫn là một trong số không nhiều nhà thơ "thời ấy" còn sung sức và được bạn đọc yêu thích. Có thể thấy tài năng và con đường thơ của ông phát triển và khẳng định gắn chặt với những năm tháng đầy biến động của lịch sử dân tộc. Những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, với chùm thơ đăng trên báo Văn nghệ, 1972, Nguyễn Duy đã chiếm được lòng mến mộ của độc giả. Nhà phê bình Hoài Thanh có công phát hiện và giới thiệu Nguyễn Duy. Ông khẳng định ở thơ Nguyễn Duy có một vẻ đẹp "không gì so sánh được", "quen thuộc mà không nhàm chán", "Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những cuộc đời cần cù, gian khổ, không tuổi, không tên", chất thơ của Nguyễn Duy chính là "cái hiền hậu, một cái gì rất Việt Nam". Cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972-1973 tiếp tục khẳng định tài năng của nhà thơ trẻ này bằng việc trao Giải Nhất (đồng giải với Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm và Lâm Thị Mĩ Dạ) cho chùm thơ 4 bài của Nguyễn Duy (Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Giọt nước mắt và nụ cười, Bầu trời vuông). Năm 1973, tập thơ đầu tay của ông ra đời, tập Cát trắng. Tập thơ tuy không phải bài nào cũng đạt, nhưng người đọc đều thấy có nét đặc sắc riêng dễ nhận ra. Đó là sự dung dị, đằm thắm chất dân gian mà vẫn mới lạ, là cái chân chất, chắc bền sâu kín. Nguyễn Duy thường hướng nhiều về đất, ca ngợi cái sức mạnh âm thầm lặng lẽ, cái cần cù bền bỉ và chịu đựng hi sinh. Những bài như Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Giọt nớc mắt và nụ cười, Em bé lạc mẹ,. là những bài thơ như thế. Sau chiến thắng 1975, Nguyễn Duy vẫn say sưa và tiếp tục con đường thơ của mình. Tiếng thơ của ông ngày càng đậm đà, ổn định một phong cách, một giọng điệu quen thuộc, mà vẫn rất hấp dẫn đối với người đọc. Tập thơ nổi bật của Nguyễn Duy là tập ánh trăng (1984). Tập thơ được coi là một bước tiến trong thơ Nguyễn Duy, tập thơ đã đợc tặng giải A của Hội nhà văn Việt Nam 1984 (cùng tập thơ Hoa trên đá của Chế Lan Viên). ánh trăng tiếp tục viết về bộ đội, về công cuộc đời người lính sau chiến tranh với những vần thơ tha thiết và thấm thía những trăn trở băn khoăn (ánh trăng, Nghe tắc kè kêu trong thành phố.). Cũng ở tập thơ này Nguyễn Duy còn dành nhiều bài thơ viết về tuổi thơ, ruộng đồng, cây cỏ, những vùng quê với những con người thân thuộc bằng một tình cảm thiết tha, nặng tình, nặng nghĩa (Đò lèn, Tuổi thơ, Cầu Bố, ông già sông Hòng, Gửi Huế, Lời của cây, Sông Thao, Đà Lạt một lần trăng.). Vẫn tiếp tục chất giọng ca dao đậm đà, thân thuộc, nhiều bài trong ánh trăng viết theo thể lục bát hết sức nhuần nhị, ngọt ngào, nhiều khi khó mà biết phân biệt được những bài ca dao (Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường, NXB Đại học Sư phạm, 2004).
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tài liệu bồi dưỡng HSG văn 9 2011 - 2012.doc