Tiểu thuyết Việt Nam những năm đổi mới không chỉ đi sâu vào thân phận con người mà còn đề cập tới khát vọng sống, về hạnh phúc cá nhân, về tình yêu đôi lứa. Các tác giả đã khai thác con người tự nhiên trước nhu cầu của hạnh phúc đời thường, của cuộc sống riêng tư. Khi con người trở về với cuộc sống đời thường, trong hàng loạt tác phẩm của Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng đã thể hiện được sự gắn bó giữa sự nghiệp chung với hạnh phúc riêng, giữa con người cá nhân và con người xã hội.
11 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2569 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Bàn về tiểu thuyết hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA VĂN HỌC
---------------
ĐỀ TÀI
BÀN VỀ TIỂU THUYẾT HIỆN NAY
Bàn về tiểu thuyết hiện nay
Bộ môn : Tiểu thuyết Léptônxtôi
Giảng viên : PGS.TS Nguyễn Trường Lịch
Học viên thực hiện : Khổng Thị Huyền
Lớp : Cao học Văn K51
Hà Nội -2007
Tiểu thuyết là cái máy của văn học- Nhận xét ấy không cũ khi vận vào để soi rọi tình hình tiểu thuyết hôm nay, sẽ là không đầy đủ trong công việc nhận diện văn học nếu không nói đến tiểu thuyết. Ở thể loại này bao giờ cũng vậy, khúc xạ rõ nhất bộ mặt đời sống tinh thần và những thăng trầm xã hội đang diễn ra trong thực tế một sự biến động phức tạp, dữ dội và nhiều khi khó nắm bắt tâm hồn con người thời đại. Theo phép biện chứng, có thể nói đến một sự khủng hoảng - phát triển của đời sống xã hội, hay đời sống tinh thần. Sự khủng hoảng này là tất yếu không thể làm ngơ hoặc né tránh khi bàn về tiểu thuyết hôm nay. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trước hết và quan trọng hơn là tác động của thay đổi thiết chế xã hội về tinh thần tạo nên tiểu thuyết thế kỷ thứ XIX phát triển đến đỉnh cao, nhưng sự vận động của xã hội không mãnh liệt lắm. Đến thế kỷ thứ XX với bão táp của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tiểu thuyết. Đây là thời đại của nguyên tử, điện tử, đặc biệt từ năm 80 trở đi với sự nối mạng toàn cầu truyền hình và điện ảnh phát triển khá mạnh. Chính điều này đã gây một sự khủng hoảng về phía người đọc, văn hóa đọc hiện nay bị giảm sút nghiêm trọng.
Ở nước ta những năm gần đây chúng ta đã dịch nhiều công trình của các tác phẩm nước ngoài về tiểu thuyết và nghề viết tiểu thuyết khá bổ ích như: Số phận của tiểu thuyết (nhiều tác giả), Vì một nền tiểu thuyết mới của A.Grillet, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (M.Bakhơtin) v.v…. Dường như các nhà tiểu thuyết của ta ít đọc sách lí luận kể cả về nghề văn và tiểu thuyết, dường như người viết cứ viết với ý văn mình là hơn hết. Nhìn chung các cây bút trẻ ít chịu khó trau dồi và tích lũy vốn tiếng Việt khi sáng tác, thậm chí xảy ra tình trạng vay mượn tiếng nước ngoài làm cho câu văn rối loạn không phù hợp với người đọc Việt Nam (Cơ hội của Chúa). Sự khủng hoảng tiểu thuyết là nhân tố khách quan có thật do cuộc sống chi phối.
Vậy tiểu thuyết của chúng ta sẽ đi về đâu? Thật vậy nhịp điệu cuộc sống thay đổi kéo theo tâm lý của con người cũng thay đổi và thị hiếu thẩm mĩ của con người cũng không đứng yên mà vận động thay đổi. Nhưng tại sao lại có sự thay đổi trong quá trình phát triển của tiểu thuyết? Có rất nhiều tác giả đã bàn luận đánh giá về vấn đề này. Theo Sôlôkhốp “Câu hỏi còn hay không tiểu thuyết đối với các nhà văn Xô Viết cũng đơn giản như câu hỏi gieo hay không gieo lúa mì với người nông dân”. Hay theo R.Merleur: “Những bàn luận về tiểu thuyết mới là sự ngốc nghếch và sự khẳng định rằng tiểu thuyết truyền thống vẫn giữ vai trò hàng đầu như là một nhân tố của sự giao tiếp của con người”. Theo đánh giá của Hêghen (Nếu tiểu thuyết là một nghệ thuật chứ không phải một thể loại văn học thì chính bởi sự khám phá ra tính thông tục của cuộc sống là sứ mệnh có tính bản thân của nó mà không một thể loại nào khác có thể đảm đương được trọn vẹn). Và “tiểu thuyết khảo sát không phải hiện thực mà khảo sát cuộc sống - cuộc sống không phải là cái gì diễn ra mà đời sống là vùng các khả năng của con người tất cả những gì con người có thể trở nên, tất cả những gì cũng có thể … (nghệ thuật tiểu thuyết). Còn theo Carpeudour “tiểu thuyết tạo nên một vùng tiếp xúc tối đa với hiện tại trong một dạng giang dở chưa hoàn chỉnh. Tiểu thuyết là một dạng duy nhất đang hình thành, và còn chưa sẵn. Các lực lượng tạo thành thế lực ấy đang hoạt động trước mắt ta. Sự nẩy sinh và tiểu thuyết đang phát sinh dưới ánh sáng của lịch sử. Bộ xương còn chưa cứng cáp và chúng ta chưa có thể quyết định đúng hết mọi khả năng tạo dựng của nó”. Từ những nhận định trên về tiểu thuyết ta có thể khẳng định tiểu thuyết có tồn tại hay không? luôn có hai quan điểm trái ngược nhau: Quan điểm một cho rằng tiểu thuyết không chết, nó chỉ bị chôn, tiểu thuyết đang làm độc giả phải chạy dài. Theo quan điểm thứ hai tiểu thuyết đã chết, điều đó muốn ám chỉ rằng các nhà văn chuyên nghiệp hiện nay đều giống khuôn đúc sẵn về nhân vật và sự kiện, khuôn vào đó một số ngôn ngữ rẻ tiền.
Từ sau 1975 và nhất là sau 1986, đã có sự khởi sắc của văn xuôi, trong đó tiểu thuyết vẫn là thể loại chủ đạo, bộc lộ ưu thế của mình trong cách “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thất”, bao quát được những vấn đề cơ bản của đời sống xã hội và số phận con người trong sự vận động và phát triển, đáp ứng sự đòi hỏi bức xúc của công chúng đương đại: Thời xa Vắng (Lê Lựu), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Ngược dòng nước lũ (Ma Văn kháng), Gặp gỡ cuối năm (Nguyễn Khải) …
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới đã đứng trước nhu cầu “đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Điều này chứng tỏ sự nghiêm khắc nghề nghiệp và sự tâm đắc với thể loại của đội ngũ các nhà văn, các tiểu thuyết gia đương đại. Tiểu thuyết từ sau 1975 được đánh giá bằng hai mốc thời gian. Những năm tiền đổi mới (1975-1985), tiểu thuyết thường nghiêng về sự kiện, bao quát hiện thực trong một diện rộng, cảm hứng sử thi vẫn chiếm vị trí đáng kể trong tư duy nghệ thuật của nhà văn. Chỉ khi bước vào thời kì đổi mới, trong không khí dân chủ của đời sống văn học, tiểu thuyết mới bùng phát, thăng hoa, mới thực sự đổi mới ở tư duy nghệ thuật. Sự đổi mới ở tư duy nghệ thuật trong sáng tạo tiểu thuyết sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là thay đổi các yếu tố thuộc về cơ cấu của tiểu thuyết như: cấu trúc đề tài, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ. Trong những năm đổi mới, tiểu thuyết Việt Nam đã có một số thành tựu đáng ghi nhận nhìn từ thi pháp thể loại.
Về cấu trúc: Nếu quan niệm tiểu thuyết là máy cái của văn học thì chính cấu trúc của nó là phản ánh của cấu trúc xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Tìm ra được những nét mới trong cấu trúc từ sau 1980 là cơ sở để tìm thấy đặc trưng của các hiện tượng mới trong những mối liên hệ ngày càng trở nên phức tạp hơn của đời sống xã hội.
Dưới dạng tổng quát nhất, giả định một sơ đồ biến đổi cấu trúc thể loại tiểu thuyết Việt Nam từ 1945-1975 và từ sau 1975 là từ mô hình cấu trúc lịch sử - sự kiện đến cấu trúc lịch sử - tâm hồn. Nếu trước 1975 hình thức vĩ mô của cấu trúc tiểu thuyết nói tầm rộng của lịch sử - sự kiện đã tạo nên tính chất hoành tráng - sử thi của tác phẩm thì sau 1975 hình thức vi mô lại chú ý hướng tới cái thế giới bên trong phong phú và phức tạp của tâm hồn con người. Thế giới tinh thần của con người vốn linh diệu và có sức hấp dẫn đặc biệt người sáng tác và bạn đọc. Vì lẽ đó mà xuất hiện thuật ngữ văn xuôi thế sự, văn xuôi đời thường… Bắt đầu với sự thay đổi cấu trúc thể loại theo hướng này lịch sử được nhìn nhận qua tâm hồn con người và đồng thời qua tâm hồn con người dòng chảy lịch sử được tái hiện. Sự thay đổi cấu trúc tác phẩm đã dẫn đến sự thay đổi nhân vật từ đám đông đến cá nhân, từ nhiều đến ít tạo ra sự giảm thiểu nhân vật trong tiểu thuyết đương đại.
Tiểu thuyết Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu như là một bước đột phá của văn học và tiểu thuyết theo tinh thần đổi mới. Dù không gian và thời gian được mở rộng, dù có ý định bao quát thời đại tác giả vẫn không lầm lẫn nhiệm vụ nghệ thuật - tái tạo một lịch sử tâm hồn thế hệ như Giang Minh Sài và những đau đớn, vật vã kiếm tìm chân lý, để trở nên có chí lý hơn, tình cảm hơn. Anh hùng và đau thương, tin tưởng và lầm lẫn của một thời được khắc sâu vào hình tượng Giang Minh Sài. Vì lẽ đó mà người ta gọi Thời xa váng là tiểu thuyết trong nghĩa đầy đủ nhất của nó, cũng như không ai gọi Người thứ 41 Lavrênhep là tiểu thuyết về nội chiến ở Nga những năm hai mươi.
Về đề tài: Tiểu thuyết thời kì đổi mới đã chuyển dần từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết. Cảm hứng sáng tạo chuyển từ ngợi ca, khẳng định đến chiêm nghiệm, suy tư. Thay vì cách nhìn rạch ròi thiện - ác, bạn - thù là cách nhìn đa chiều, phức hợp về hiện thực và số phận con người. Đề tài chiến tranh và cách mạng, lịch sử và dân tộc dần dần nhường chỗ cho đề tài thế sự và đời tư. Cảm hứng sự thật về hiện thực và con người trở thành cảm hứng bao trùm trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn. Tiểu thuyết khai thác đề tài thế sự đời tư không chỉ bộc lộ những nếm trải, suy tư, nghiền ngẫm mà còn phơi bày, phanh phui các sự riêng trở thành mối quan tâm hàng đầu của người viết. Nhưng nhà văn không coi việc miêu tả hiện thực đời sống là mục đích của nghệ thuật mà coi trọng hơn đến hiện thực con người, với thân phận và cuộc đời của nó: Thời xa vắng, Thiên sứ, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Mỗi buồn chiến tranh, Ngược dòng nước lũ, Một ngày và một đời, Góc tăm tối cuối cung, Ăn mày dĩ vãng…
Trên phương diện đề tài, thể tài, tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới đã triển khai và đi sâu vào cái hiện thực hằng ngày, cái đời thường của đời sống cá nhân. Nhà văn dám nhìn thẳng vào những “mảnh vỡ”, những bi kịch nhân sinh, mổ xẻ, phơi bày nó bằng cái nhìn trung thực, táo bạo. Các đề tài truyền thống quen thuộc hay hiện đại, mới mẻ đều được đưa vào trường nhìn mới hướng tới hệ quy chiếu: số phận cá nhân, sự nhập cuộc của con người, thấm đẫm cảm hứng nhân văn.
Về cốt truyện: trong loại hình văn xuôi nghệ thuật, cốt truyện đóng vai trò quan trọng. Cốt truyện là hệ thống sự kiện làm nòng cốt cho sự diễn biến các mối quan hệ và phát triển của tính cách nhân vật. Trong cơ cấu nghệ thuật của tác phẩm cũng như những yếu tố khác, cốt truyện đã trải qua những chặng đường khác nhau trong tiến trình văn học. Nghiên cứu sự vận động của cốt truyện sẽ góp phần lí giải sự chuyển đổi của tiểu thuyết trong thời kì đổi mới. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn lịch sử, trong mỗi trào lưu, khuynh hướng, hoặc trong thi pháp sáng tạo của nhà văn, vai trò của cốt truyện trong tiểu thuyết nói riêng và trong thể tự sự nói chung có những cách thể hiện khác nhau.
Từ sau 1975, nhất là trong những năm đổi mới, thực tiễn văn học đã theo sự chi phối chung của quy luật thời bình, nghiêng về thể tài thế sự, đời tư. Trong tác phẩm văn học không phải cốt truyện nào cũng chứa đựng, những tình huống gay cấn với những xung đột gay gắt mà có những câu chuyện về những cái bình thường, nhỏ nhặt, gây cảm giác như là không có chuyện. Tiểu thuyết từ sau đổi mới đa dạng hơn trong nội dung phản ánh, phong phú hơn trong hình thức diễn đạt, tự do hơn ở cách thức dựng truyện. Bên cạnh những cốt truyện giàu kịch tính là những cốt truyện giàu tâm trạng. Có những kết cấu cốt truyện rõ ràng, mạch lạc, có mở đầu, có kết thúc, cũng có những tiểu thuyết cấu trúc lỏng lẻo, lắp ghép, kết thúc mở.
Cốt truyện tiểu thuyết từ những năm đổi mới đến nay, một mặt vẫn kế thừa và phát triển những đặc trưng của cốt truyện truyền thống, mặt khác đã tiếp cận với tiểu thuyết hiện đại thế giới ở những nét tinh túy. Nghệ thuật đồng hiện, kĩ thuật độc thoại nội tâm, dòng ý thức, lắp ghép, sử dụng huyền thoại, nghệ thuật gián cách, đa giọng điệu là những vấn đề còn mới mẻ trong văn xuôi Việt Nam đã được tiểu thuyết vận dụng, biến hóa một cách linh hoạt và uyển chuyển trên tinh thần dân tộc hiện đại.
Trong văn xuôi Việt Nam, tiểu thuyết viết theo thi pháp truyền thống vẫn tồn tại, vẫn có độc giả: Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đất lắm người nhiều mà (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng)… Ở những tiểu thuyết kể trên đều có cốt truyện, với mở đầu, diễn biến và kết thúc. Cốt truyện với những sự kiện, biến cố và tình huống trở thành cái khung chi phối phần lớn tính cách nhân vật.
Bên cạnh những cây bút viết theo thi pháp truyền thống, trong đội ngũ những người viết tiểu thuyết có không ít tác giả đã cố gắng đổi mới tư duy tiểu thuyết, tìm một hướng đi mới trong sáng tạo thể loại: Ma Văn Kháng, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Xuân Khánh, Khôi Vũ, Bảo Ninh… Những cây bút kể trên đã cố gắng cách tân trong sáng tạo với những tiểu thuyết có cốt truyện lỏng lẻo, mơ hồ, co giãn, khó tóm tắt, khó kể lại tiểu thuyết không tạo ra những tình huống kịch hoặc lối kể chuyện có trước, có sau. Các yếu tố sự kiện, tình tiết nhân vật được triển khai theo mạch vận động của cảm xúc, suy nghĩ. Tiểu thuyết vừa là tiếng nói của ý thức, vừa là tiếng nói của tiềm thức, của giấc mơ, thể hiện cái hiện tại đang vận động, biến chuyển không khép kín.
Ý thức cách tân nghệ thuật, đổi mới tư duy tiểu thuyết là nỗ lực sáng tạo đáng kể của các cây bút văn xuôi nhằm biểu đạt tâm hồn con người thời đại, tâm trạng nhân vật bao gồm cả ý thức lẫn vô thức sáng tạo dựa trên trực giác, linh cảm để ngòi bút phiêu lưu trong thế giới tâm linh của con người.
Về nhân vật: Nhân vật là yếu tố hàng đầu của tác phẩm văn học. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người. Tiểu thuyết ngoài khả năng tái hiện bức tranh toàn cảnh của đời sống xã hội còn có khả năng đi sâu khám phá số phận con người. Quan niệm nghệ thuật về con người là yếu tố chi phối các yếu tố khác của nghệ thuật biểu hiện. Quan niệm nghệ thuật về con người gắn với đời sống văn học của mỗi một giai đoạn lịch sử.
Văn học sau 1986 có sự chuyển biến từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự đời tư. Tiểu thuyết đã phát huy được khả năng tiếp cận và phản ánh hiện thực, con người trong giai đoạn mới một cách nhanh nhạy và sắc bén.
Trong giai đoạn đổi mới, vấn đề con người cá thể được đặt ra một cách bức xúc, mạnh mẽ trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn. Song con người cá thể trong văn học hiện nay không phải là con người của chủ nghĩa cá nhân, của cái tôi cực đoan phủ nhận kọi nền tảng đạo đức được thiết lập, không chịu sự tác động của xã hội. Mà ở đây số phận cá nhân được giải quyết thỏa đáng trong mối liên hệ mật thiết với cộng đồng, xã hội. Đằng sau mỗi cá thể là những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh của thời đại.
Các tác giả tiểu thuyết đã nhìn nhận con người như một cá thể bình thường trong những môi trường đời sống bình thường. Nhân vật trong tiểu thuyết là những con người với trăm ngàn mảnh đời khác nhau “đầy những vết dập xóa trên thân thể trong tâm hồn”. Các nhà văn đã thể hiện khá thành công bi kịch cá nhân của con người qua nhân vật Giang Minh Sài trong Thời xa vắng, Vạn trong Bến không chồng, Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh …
Tiểu thuyết Việt Nam những năm đổi mới không chỉ đi sâu vào thân phận con người mà còn đề cập tới khát vọng sống, về hạnh phúc cá nhân, về tình yêu đôi lứa. Các tác giả đã khai thác con người tự nhiên trước nhu cầu của hạnh phúc đời thường, của cuộc sống riêng tư. Khi con người trở về với cuộc sống đời thường, trong hàng loạt tác phẩm của Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng… đã thể hiện được sự gắn bó giữa sự nghiệp chung với hạnh phúc riêng, giữa con người cá nhân và con người xã hội.
Các cây bút tiểu thuyết những năm đổi mới đã có ý thức đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá sâu tâm linh nhằm nhận diện hình ảnh con người đích thực. Sự xuất hiện con người tâm linh biểu hiện sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học. Tiểu thuyết bắt đầu tiếp cận với thế giới đằng sau thế giới hiện thực, đó là thế giới tâm linh, vô thức, tiềm thức, giấc mơ, Các nhà văn đã cố gắng thoát ra khỏi kiểu “phản ánh hiện thực” được hiểu một cách thông tục của tiểu thuyết trước đây. Với quan niệm nghệ thuật mới, họ đã có ý thức thay đổi hình thức biểu đạt. Ngòi bút nhà văn khơi sâu vào cõi tâm linh, vô thức của con người, khai thác “con người ở bên trong con người” (Chim én bay) Nguyễn Trí Huân, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Thiên sứ Phạm Thị Hoài, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, …).
Ở giai đoạn lịch sử mới, người viết có những chuyển hướng trong nhận thức, duy về bản thể người. Các nhà tiểu thuyết Việt Nam đã phá vỡ cái nhìn đơn đến tĩnh tại để tạo ra một cái nhìn phức tạp hơn, đa diện hơn và vì thế sâu sắc hơn về con người.
Con người xuất hiện trong hàng loạt các tiểu thuyết là con người trần thế với tất cả chất người tự nhiên của nó: ánh sáng và bóng tối, cao cả và thấp hèn, ý thức và vô thức. Thế giới bên trong đầy bí ẩn và phức tạp của con người chịu sự chi phối của hai lực lượng vừa đối lập vừa hòa đồng, vừa chối bỏ lại vừa chung sống với nhau, bởi “Con người không bao giờ trùng khít với chính nó” (Bakhơtin). Con người gục ngã hay đứng dậy cũng chính từ trạng thái lưỡng hóa trong tính cách. Thực ra loại nhân vật này đã đạt đến đỉnh cao thành tựu với nhân vật Thứ trong tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao. Nhân vật của ông đã luôn sống trong sự giằng xé nội tâm, tự lên án, tự kết tội mình, là nhân vật tự nhận thức về mình. Những nằm gần đây, cảm hứng tự nhận thức với những nhân vật lưỡng hóa được khơi dậy mạnh mẽ trong nhiều cuốn tiểu thuyết. Đặc biệt với nhân vật Giang Minh Sài (Thời xa vắng của Lê Lựu), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh), Lão Khổ (Lão Khổ của Tạ Duy Anh), Tâm (Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà), … là những mẫu người đứng trước sự thử thách và lựa chọn trên các cuộc đối lập để nhận về mình thành công hay thất bại trong dòng chảy của cuộc đời.
Tiểu thuyết những năm đổi mới đã quan niệm con người cá nhân như “một nhân cách, một nhân cách kiểu mới”. Nhà văn đã nhận diện con người đích thực với nhiều kiểu dáng nhân vật, biểu hiện phong phú và đa dạng nhu cầu tự ý thức, tự hòa hợp giữa con người tự nhiên, con người tâm linh và con người xã hội.
Trên lĩnh vực tiểu thuyết, nhà văn đã khắc họa chân dung những con người vừa đời thường, trần thế vừa đẹp đẽ, thánh thiện, luôn khao khát cái đẹp hướng tới cái thiện. Đó là nét nổi bật mang đậm ý nghĩa nhân văn khi nhìn nhận con người, tạo nên tiếng nói đa thanh đầy “hòa âm” và “nghịch âm” trong tiểu thuyết .
Về ngôn ngữ: Ngôn ngữ là chất liệu, là phương diện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Ngôn ngữ từng thể loại mang sắc thái khác nhau. Ngôn ngữ sử thi dài dòng, lời nói nhân vật chưa được cá thể hóa. Ngôn ngữ tiểu thuyết là ngôn ngữ gần gũi tới mức tối đa với đời sống. Ngôn ngữ tiểu thuyết mang những đặc trưng của thể loại: tính văn xuôi, tính tổng hợp, tính đa thanh.
Tiểu thuyết thuộc loại hình tự sự nên nghệ thuật trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng trong phương thức biểu hiện, nó còn là yếu tố cơ bản thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn. Ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật tạo nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm tự sự thông qua đối thoại. Nhờ đối thoại mà các vấn đề trong tác phẩm đặt ra được xem xét dưới những điểm nhìn khác nhau. Ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm thường gây ra được những tình huống bất ngờ và tạo cảm giác thực của đời sống đã khúc xạ qua lăng kính nhà văn. Ngôn ngữ đối thoại vai trò đáng kể trong khắc họa tính cách nhân vật. Mỗi nhân vật được nhà văn quan niệm như một ý thức, một tiếng nói, một chủ thể độc lập. Nhà văn không còn ở vị trí đứng trên, lấn lướt nhân vật, mà hòa nhập, tham gia vào cuộc đối thoại của nhiều ý thức độc thoại, qua hệ thống hình tượng.
Ý thức đối thoại trong tiểu thuyết những năm đổi mới tiếp tục được triển khai và phát huy trong bối cảnh lịch sử mới, trong không khí dân chủ hóa của đời sống văn học. Dấu vết thời đại đã ảnh hưởng và quy định cách nói năng, đối đáp, nhiều lớp từ mới được hình thành, quan niệm về lời nói cũng được bổ sung, những sắc thái biểu cảm mới. Ngôn ngữ tiểu thuyết gần với ngôn ngữ đời thường, giàu khẩu ngữ (Thời xa vắng, Ngược dòng nước lũ, Ăn mày dĩ váng, Đôi bờ thương nhớ…) Ngôn ngữ trong tiểu thuyết biểu hiện sự cá tính hóa mạnh mẽ , tính cách nào lời lẽ ấy. Cách nói trần trụi dân dã của người lính (Ăn mày dĩ vãng), cách nói thẳng thắn bạo dạn của cánh nhà báo (Dấn thân, Một ngày và một đời), cách nói thâm trầm sâu sắc của người viết văn (Ngược dòng nước lũ)…
Bên cạnh đối thoại, độc thoại nội tâm cũng đóng vai trò chủ yếu trong hương thức trần thuật của tiểu thuyết thời kì đổi mới. Độc thoại nội tâm trở thành một thủ pháp nghệ thuật có hiệu quả trong quá trình tự ý thức của nhân vật, đi sâu vào thế giới nội tâm đầy bí ẩn của nhân vật.
Trong tiểu thuyết thời kì đổi mới, dường như các nhà văn đều sử dụng dạng tình huống những giấc mơ thông qua kĩ thuật dòng ý thức để biểu hiện độc thoại nội tâm. Việc vận dụng thủ pháp dòng ý thức giúp nhà văn khai thác và khám phá thế giới tâm linh của con người.
Từ sự thay đổi cơ cấu chúng ta có thể dự cảm về tiểu thuyết sau năm 2000.
Tiểu thuyết sau năm 2000 sẽ như thế nào? Nó còn có vị thế trong văn học và còn được bạn đọc yêu thích? Như đã khẳng định từ đầu, ở Việt Nam tiểu thuyết không rơi vào tình trạng đáng phải than vãn như có người từng nói. Cùng với kịch trong vòng vài chục năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết vẫn ngự trị văn đàn. (Năm 1999 Rừng trúc đã báo hiệu thể loại kịch đang phục sinh).
Về hình thức thể loại, chủ yếu sẽ xuất hiện kiểu tiểu thuyết ngắn chừng vài trăm trang được cấu trúc theo nguyên tắc của vi mạch - nghĩa là sức chứa, sự khái quát và khả năng nghệ thuật của nó là tỷ lệ nghịch với dung lượng, độ dài tác phẩm. Loại tiểu thuyết này phù hợp với quỹ thời gian, tâm lý người đọc hiện đại sống trong một thời kỳ nhịp độ sống khẩn trương, chói gắt và dễ bị căn bệnh nhàm chán của thời kỳ kỹ thuật. Lối viết tốc độ nhiều kịch tính như Chu Lai, đã viết chắc sẽ có người đọc. Tiểu thuyết - Trường thiên cả nghìn trang vẫn sẽ có người đọc nhưng bó hẹp trong giới nghiên cứu, sinh viên đại học chuyên ngành. Văn hóa nghe - nhìn cạnh tranh gay gắt với văn hóa đọc, có người nói văn học mà đặc biệt là tiểu thuyết không cần cạnh tranh với cái khác là chưa thỏa đáng, phải nói rõ hơn là cạnh tranh với chính nó, phải tự vượn lên chính mình.
Lối viết kết hợp ảo và thực sẽ phổ biến và đắc dụng hơn so với lối viết y như thật nghĩa là khi dân trí đã khác, tâm thế đã khác thì dĩ nhiên sự tiếp nhận văn học sẽ khác. Nhà tiểu thuyết phải biết điều chỉnh sáng tác của mình xét về một thủ pháp, phương thức còn nguyên tắc của văn học có thễ là không thay đổi. Bằng tình cảm tác động đến tình cảm con người để bảo vệ các giá trị nhân văn.
Nhưng họ viết gì và viết như thế nào? Xin mượn ý kiến của một nhà văn Trung Quốc đương đại để hình dung rõ hơn “Nguồn đề tài sáng tác của các nhà văn thế hệ mới đều lấy tự ngã làm tâm lõi, lấy cuộc sống quanh mình làm bán kính, sáng tác của họ tuy không phải là tiểu thuyết - tự sự nhưng họ chú trọng cái hình thức tự nhân hóa sáng tác; cuộc sống và tình cảm cá nhân đã đóng một vai trò chủ chốt trong sáng tác của họ, không quan tâm đến lịch sử mà chỉ chú mục vào hiện thực, không ngưỡng vọng tới tương lai mà chỉ dồn tâm cho đương thời. Không sáng tác với thân phận của người phát ngôn cho dân chúng mà chỉ viết với tư thế cá nhân hóa”. Ý tưởng này khá gần với suy nghĩ của các nhà tiểu thuyết trẻ ở ta hiện nay. “Xu hướng ngắn, thu hẹp bề ngang, vừa khoan sâu theo chiều dọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa ý nghĩa, bi kịch của thời đại được dồn nén trong một cuộc đời bình thường không áp đặt chân lý là những cái dễ thấy. Tiểu thuyết ít mô tả thế giới là tạo ra một thế giới theo cách của nó. Ở đó con người có thể chiêm ngưỡng mình từ nhiều chiều hơn là chỉ thấy cái bóng mình đổ dài xuống lịch sử”.
Sự chiếm lĩnh bạn đọc ở thế kỷ XXI vẫn là những tiểu thuyết nào đạt tới cổ điển đó là sự hài hòa, sự trang trọng, thanh nhã. Dĩ nhiên cái cổ điển ở thế kỷ XXI có thể khác ít nhiều thế kỷ XX và thế kỷ XIX vì tâm linh và trí tuệ sẽ là những giá trị hàng đầu mà văn học nghệ thuật hướng tới khám phá và sáng tạo.
Mượn cách diễn đạt của văn hòa M. Sôlôkhôp, có thể nói không nên đặt ra vấn đề tiểu thuyết có chết? Với nhà văn cũng như không ai đặt ra với người nông dân có nên gieo hạt? Vấn đề là làm thế nào để mùa màng bội thu cũng như làm thế nào để tiểu thuyết luôn có phía trước./.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bàn về tiểu thuyết hiện nay.doc