MỤC LỤC
Lời mở đầu.1
Chương I: Những nét chung của luật thương mại quốc tế.2
1. Điều ước quốc tế.2
2. Luật quốc gia.3
3. Tập quán thương mại quốc tế.4
Chương II: Các điều khoản trong Incoterms 2000.6
I. Điều kiện “E”.6
II. Các điều kiện “F”.7
1. Điều kiện FCA: Giao cho người chuyên chở.7
2. Điều kiện FAS : Giao dọc man tầu.8
3. Điều kiện FOB: Giao hàng trên tầu.8
III. Các điều kiện “C”.9
1. Điều kiện CRF: Tiền hàng và cước phí.9
2. Điều kiện CIF: Tiền hàng, bảo hiểm và cước.9
3. Điều kiện CIT: Cước phí trả tới.9
4. Điều kiện CIP: Cước phí và bảo hiểm trả tới.10
IV. Các điều kiện “D”.10
1. Điều kiện DAF: Giao tại biên giới.10
2. Điều kiện DES: Giao tại tàu.11
3. Điều kiện DEQ: Giao tại cầu cảng.11
4. Điều kiện DDU: Giao chưa nộp thuế.12
5. Điều kiện DDP: Giao đã nộp thuế.12
Kết luận.13
Tài liệu tham khảo.14
15 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1786 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Các điều khoản trong Incoterms 2000, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu
Trong quá trình hội nhập và phát triển của một nền kinh tế thì luật pháp đóng một vai trò hết sức quan trọng. Luật pháp tri phối tất cả các hoạt động thương mại từ nội địa đến quốc tế. Trong hệ thống pháp luật Việt nam, luật Thương mại quốc tế là một bộ luật điều chỉnh các quan hệ mua bán, trao đổi hàng hoá, các dịch vụ xúc tiến thương mại có yếu tố nước ngoài .
Trong mua bán quốc tế, bên mua và bên bán phải có những thoả thuận cụ thể với nhau về nghĩa vụ của từng bên trong việc giao hàng và thanh toán theo các cam kết trong hợp đồng. Bên mua và bên bán là những cá nhân hay tổ chức thuộc các quốc tịch khác nhau hay cư trú ở các nước khác nhau. Người mua và người bán ngoài việc phải tuân thủ luật pháp nước mình, còn phải tôn trọng luật pháp của nước đối tác và làm theo pháp luật và các tập quán quốc tế, hay luật pháp của một nước khác nếu hai bên có thoả thuận.
Nền kinh tế toàn cầu mang đến những cơ hội cho các doanh nghiệp tìm được các thị trường ở khắp nơi. Hàng hoá được bán ra tại nhiều nơi hơn, với số lượng lớn và phong phú về chủng loại hơn. Để đáp ứng được các giao dịch ngày càng nhiều và phức tạp, Phòng Thương mại Quốc tế đã soạn thảo ra các “Điều kiện thương mại quốc tế” (International Commercial Terms, viết tắt là “Incoterms”) với mục đích giải thích các điều kiện thương mại, tránh khả năng dẫn đến hiểu nhầm và tranh chấp khi thực hiện hợp đồng.
Incoterms, soạn thảo lần đầu tiên năm 1936 và thường xuyên được cập nhật để đáp ứng kịp thời với nhịp độ phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế vào các năm 1953, 1967, 1976, 1980, 1990 và bản sửa đổi mới nhất là vào năm 2000 gồm 13 điều kiện thương mại quốc tế.
Sau quá trình học tập môn Luật Thương mại và tìm hiểu về Incoterms 2000 qua môn Ngoại thương em xin trình bày những kiến thức đã tiếp thu được về Luật Thương mại Quốc tế và Incoterms 2000.
Chương i
những nét chung của
luật thương mại quốc tế
Luật thương mại quốc tế chính là toàn bộ các qui phạm điêu chỉnh các quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hoá, các dịch vụ xúc tiến thương mại có yếu tố nước ngoài. Nội dung của pháp luật trong hoạt động thương mại quốc tế có mối liên hệ hết sức mật thiết với luật quốc tế và với các ngành luật khác của quốc gia như Luật kinh tế, Luật dân sự, Luật đầu tư nước ngoài...
Pháp luật trong trong hoạt động thương mại quốc tế được hình thành chủ yếu từ các nguồn sau: Điều kiện quốc tế mà nhà nước Việt Nam tham gia, ký kết hay thừa nhận; Hệ thống pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế; Các tập quán thương mại quốc tế.
Điều ước quốc tế:
Điều ước quốc tế là sự thoả thuận bàng văn bản được ký kết giữa nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, với tổ chức kinh tế hay với các chủ thể khác của luật pháp quốc tế không phụ thuộc vào tên gọi như hiệp định, hiệp ước, công ước,... trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện nhằm thiết lập những nguyên tắc pháp lý nhất định để xác lập, thay đổi hoặc huỷ bỏ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia điều ước và nó có giá trị bắt buộc đối với các bên tham gia, ký kết.
Theo quy định của pháp luật Việt nam hiện nay thì có hai phương thức áp dụng điều ước quốc tế về thương mại :
Đối với các diều ước quốc tế về thương mại mà Nhà nước đã tham gia, ký kết hoặc phê chuẩn, thì sẽ áp dụng điều ước quốc tế đó.
Đối với các điều ước quốc tế mà Nhà nước chưa tham gia, ký kết hay phê chuẩn thì có thể áp dụng các điều khoản không trái với pháp luật Viêt nam.
Luật quốc gia:
Luật quốc gia được áp dụng khi không có điều ước quốc tế điều chỉnh quan hệ buôn bán, trao đổi quốc tế hay trong điều ước quốc tế không quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động thương mại quốc tế, vì vậy các chủ thể phải dựa vào luật quốc gia nào đó để giải quyết các vấn đề liên quan đến các hoạt động thương mại quốc tế. Các chủ thể của hợp đồng có thể lựa chọn luật của nước người bán, luật của nước người mua, luật của nước thứ ba hay luật của bất kỳ nước nào khác có mối liên quan với hoạt động thương mại quốc tế. Việc lựa chọn luật áp dụng cho hoạt động mua bán ngoại thương do các bên thoả thuận và đưa thành một điều khoản trong hợp đồng, gọi là điều khoản về luật áp dụng.
Các ngành luật trong luật quốc gia có các điều khoản điều chỉnh tới các giao dịch thương mại quốc tế như:
Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một phần quan trọng hình thành nên luật thương mại quốc tế vì nó quy định những quy tắc liên quan đến lĩnh vực thương mại quốc tế: Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, nguyên tắc cùng có lợi, mở rộng quan hệ hợp tác, quan hệ kinh tế với nước ngoài.
Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 1995 cũng quy định các nguyên tắc của thương mại quốc tế như: Nguyên tắc áp dụng luật nước ngoài, xung đột về việc xác định năng lực pháp luật, năng lực pháp luật của cá nhân, pháp nhân nước ngoài.
Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 1990 cũng quy định các nguyên tắc áp dụng pháp luật nước ngoài trong lĩnh vực hành hải quốc tế, tập quán hàng hải quốc tế và điều ước quốc tế.
Luật hàng không dân dụng Việt Nam có nhiều quy định liên quan đến thương mại quốc tế như quy định về áp dụng Điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (có sửa đổi và bổ xung trong năm 2000) có nhiều quy định về việc bảo hộ quyền và nghĩa vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam v.v...
Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 có quy định riêng nhằm điều chỉnh các hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam như hình thức hoạt động, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, hợp đồng mua bán hàng hoá với đối tác nước ngoài, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài, gia công cho thương nhân nước ngoài.
Luật Hải quan năm 2001 và một số văn bản pháp luật khác cũng có những quy đinh nhằm điều chỉnh các quan hệ trong thương mại với đối tác có yếu tố nước ngoài.
Tập quán thương mại quốc tế:
Tập quán thương mại quốc tế là những thói quen thương mại được áp dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, được nhiều nước công nhận và áp dụng rộng rãi. Một tập quán thương mại luôn phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Là thói quen phổ biến và được áp dụng nhiều lần.
Là thói quen duy nhất về từng vấn đề ở địa phương quốc gia hay khu vực.
Thói quen này phải có nội dung rõ ràng để có thể dựa vào đó để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký kết hợp đồng. Tập quán thương mại chỉ được áp dụng khi các bên dẫn chiếu trong hợp đồng hoặc thoả thuận bàng một văn bản riêng sau khi ký kết hợp đồng, hay khi các điều ước quốc tế có liên quan qui định, hay khi luật thực chất do các bên thoả thuận lựa chọn không có hoặc có nhưng không đầy đủ về vấn đề liên quan đến hợp đồng. Theo bộ luật dân sự Việt Nam khi áp dụng tập quán thương mại quốc tế không trái với luật quốc gia.
Tập quán thương mại quốc tế có nhiều loại như: Tập quán có tính nguyên tắc, tập quán này được tồn tại trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và sự bình đẳng. Tập quán thương mại quốc tế chung là tập quán được nhiều nước công nhận và áp dụng, Incoterms là một điển hình. Incoterms không có giá trị bắt buộc đối với các chủ thể của hợp đồng mua bán ngoại thương, nó chỉ có giá trị cho các bên tham khảo và có thể thoả thuận thay đổi nội dung cụ thể để phù hợp với điều kiện của các bên. Khi áp dụng tập quán thương mại quốc tế các bên cần nêu rõ nội dung của các tập quán đó.
Chúng ta có thể nói pháp luật thương mại quốc tế của Việt Nam là toàn bộ các qui phạm pháp luật đưọc hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, luật quốc gia, tập quán thương mại quốc tế nhằm điều chỉnh các quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài.
Chương ii
Các điều khoản trong incoterms 2000
Trong Incoterms 2000 thì các kiện vẫn được chia thành 4 nhóm khác nhau, bao gồm 13 thuật ngữ là những điều kiện cơ sở giao hàng như sau:
Nhóm “E”: Giao hàng từ nơi sản xuất.
Nhóm “F”: Người bán sẽ giao hàng cho người chuyên chở do người mua chỉ định, cước phí vận chuyển do người mua chịu.
Nhóm “C”: Người bán phải có trách nhiệm ký hợp đồng vận tải vầ trả cước phí vận chuyển, nhưng không phải chịu rủi ro về sự mất mát hay hư hại của hàng hoá và các chi phí khác với các tình huống sảy ra sau khi hàng đã được đưa lên tàu và gửi đi.
Nhóm “D”: Người bán chịu mọi chi phí và rủi ro về việc đưa hàng tới nơi đến, chịu trách nhiệm và chi phí trong quá trình chuyển hàng tới địa điểm giao nhận ở nước nhập khẩu.
Điều kiện “E”
Khi nói đến điều kiện này trước tiên chúng ta hiểu đây là một điều kiện mà theo đó người bán có nghĩa vụ tối thiểu. Người bán không phải làm gì hàng hoá được chuyển quyền định đoạt cho người mua tại địa điểm quy định, thường là tại cơ sở sản xuất của người bán.
Điều kiện này được viết tắt là EXW từ thuật ngữ tiếng Anh “EX WORKS”.Hàng háo khi được giao theo điều kiện này chưa được làm các thủ tục hải quan và cũng chưa được bốc lên phương tiện chuyên chở.
Nhưng chúng ta cũng có thể thoả thuận về việc người bán chịu trách nhiệm về việc bốc hàng lên phương tiện chuyên chở tại điểm đi và chịu các phí tổn và rủi ro về việc bốc hàng bằng cách bổ xung cụ thể trong hợp đồng mua bán.
Như vậy ở điều kiện này người bán chỉ có nghĩa vụ cung cấp hàng hoá đúng theo hợp đồng và hoá đơn thương mại đồng thời cung cấp mọi bằng chứng về việc đó nếu có yêu câu trong hợp đồng và chi phí do người mua chịu. Người mua phải có nghĩa vụ thanh toán theo đúng hợp đồng và trả mọi chi phí phát sinh khi hàng hoá được chuyển quyền định đoạt cho người mua.
Các điều kiện “F”
Điều kiện FCA: Giao cho người chuyên chở
Điều kiện này được viết tắt từ thuật ngữ tiếng Anh “Free Carrier”, theo điều kiện này thì người bán sau khi làm xong các thủ tục thông quan xuất khẩu, giao hàng cho người chuyên chở do người mua chỉ định tại địa điểm quy định. Trong khi sử dụng điều khoản này cần biết rằng nếu điểm giao hàng là tại cơ sở của người bán thì người bán phải có nghĩa vụ bốc hàng, tuy nhiên nếu việc giao hàng diễn ra tại một địa điểm nào khác không phải là cơ sở của người bán thì người bán không có nghĩa vụ phải dỡ hàng. Người chuyên chở có thể là bất kỳ người nào do người mua chỉ định và người bán sẽ được coi là dã hoàn thành nghĩa vụ khi giao hàng cho người được chỉ định.
Cũng như ở điều khoản trước thì người mua phải có trách nhiệm giao hàng đúng theo hợp đồng và cung cấp các hoá đơn hoặc các phương tiện chứng thực về việc đó nếu hợp đồng có yêu cầu. Người bán cũng phải cung cấp cho người mua các thông điệp cần thiết để mua bảo hiểm cho hàng hoá nếu có yêu cầu. Đồng thời người mua cũng có nghĩa vụ thanh toán cho người bán theo hợp đồng và phải có chỉ dẫn thích hợp cho người bán nếu cần người bán giúp .
Người bán phải trả mọi chi phí liên quan đến hàng hoá cho đến thời điểm hàng hoá được giao như đã nói đến ở trên, các chi phí về thủ tục hải quan, thuế quan, thuế và các lệ phí khi xuất khẩu. Người mua phải chịu mọi chi phí kể từ khi hàng được giao theo quy định và mọi chi phí phát sinh do lỗi của người mua.
Điều kiên FAS: Giao dọc mạn tầu
FAS là viết tắt từ thuật ngữ “Free Alongside Ship”, điều kiện này cho biết điều kiện giao hàng là hàng hoá được đặt dọc theo mạn tàu tại cảng bốc hàng quy định. Tức là người mua phải chịu tất cả chi phí và rủi ro về mất mát hoặc hư hại đối với hàng hoá kể từ thời điểm đó. Điều kiện FAS trong Incoterms 2000 đòi hỏi người bán phải làm thủ tục hải quan xuất khẩu cho hàng hoá, điều này khác với điều kiện trong các Incoterms trước đây vốn quy định người mua phải làm thủ tục thong quan xuất khẩu.
Trong điều kiện này người bán phải chịu chi phí và rủi ro khi lấy giấy phép xuất khẩu hay các giấy tờ khác cho việc xuất khẩu hàng hoá của mình. Người mua phải chịu chi phí và rủi ro khi lấy các giấy phép liên quan đến việc nhập khẩu hàng hoá, mọi thủ tục hải quan đối với việc quá cảnh qua nước khác.
Điều kiện FOB: Giao hàng trên tầu
FOB được viết tắt từ thuật ngữ “Free On Board”, có nghĩa là người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng khi hàng đã qua lan can tàu tại cảng bốc hàng quy định. Điều kiện này đòi hỏi người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu cho hàng hoá.
Trong điều kiện này quy định việc giao hàng được hoàn thành khi quan lan can tàu hay thành tầu tức là người mua sẽ phải chịu toàn bộ các rủi ro về mất mát hay hư hại đối với hàng hoá từ thời điểm đó, hay từ ngày cuối cùng trong thời hạn quy định cho việc giao hàng mà người mua không thông báo cho người bán đầy đủ thông tin về tầu, điểm bốc hàng hay do tàu không đến dung hạn quy định. Người bán phải chịu mọi rủi ro với hàng hoá cho đến thời điểm hàng hoá đó qua lan can tàu tại cảng bốc hàng quy định.
các điều kiện “c”
Điều kiện CRF: Tiền hàng và cước phí
CRF được viết tắt từ thuật ngữ tiếng Anh “Cost and Freight” có nghĩa là “Tiền hàng và cước phí” tức là người bán giao hàng khi hàng đã qua lan can tại cảng gửi hàng. Người bản phải có trách nhiệm và chịu mọi phí tổn để lấy các giấy tờ và làm thủ tục cho việc thông quan xuất khẩu hàng hoá.
Theo quy định tại điều khoản này thì người bán trả các phí tổn và cước phí vận tải để đưa được hàng hoá đền cảng quy định. Nhưng điều khoản này quy định chuyển rủi ro về hàng hoá từ người bán sang người mua tại thời điểm hàng đã qua lan can tàu tại cảng đi, tức là người mua phải chịu mọi rủi ro về mất mát cũng như hư hại cũng như mọi chi phí phát sinh do các tình huống phát sinh đối với hàng hoá từ thời điểm đó. Điều kiện này chỉ dùng để sử dụng cho vận tải đường biển và đường thuỷ nội địa.
Điều kiện CIF: Tiền hàng, bảo hiểm và cước
CIF là thuật ngữ “Cost, Insurance and Freight” có nghĩa là “Tiền hàng, bảo hiểm và cước” điều kiện này cũng tương đương với điều kiện CFR là ngườ bán giao hàng khi hàng hoá qua lan can tàu tại cảng đi.
Như đã nêu trong trường hợp này hàng hoá cũng được chuyển rủi ro cho người mua như ở điều kiện CFR, nhưng có một điểm khác ở đây là người bán ngoài trách nhiệm trả các phí tổn và cước vận tải ra còn phải ký hợp đồng và trả tiền bảo hiểm hàng hải cho người mua về những rỉu ro về mất mát hoặc hư hại đối với hàng hoá trong quá trình vận chuyển. Điều kiện này cũng đòi hỏi người bán phải làm thủ tục thông quan xuất khẩu cho hàng hoá và điều kiện này chỉ sử dụng cho vận tải đường biển và đường thuỷ nội địa.
Điều kiện CIT: Cước phí trả tới
Điều kiện CIT là viết tắt của “Carriage Paid To” hay gọi là “Cước phí trả tới” theo quy định của điều khoản này thì người bán phải trả mọi chi phí cần thiết cho việc đưa hàng đến nơi đến quy định, hàng hoá được người bán giao cho người chuyên chở đầu tiên.
Trong trường hợp này rỉu ro về mất mát hay hư hại đối với hàng hoá được chuyển cho người chuyên chở đầu tiên trong trường hợp có nhiều người vận chuyển, tức là người mua phải chịu rủi ro về hàng hoá sau khi hàng đẫ được giao như đã nêu. Điều kiện này được áp dụng cho tất cá các phương thức vận chuyển. Theo quy định thì người bán sẽ phải làm thủ tục và chịu chi phí cho việc thông quan xuất khẩu cho hàng hoá.
Điều kiện CIP: Cước phí và bảo hiểm trả tới
Điều kiện CIP được viết tắt từ “Carriage and Insurance Paid To” được hiểu là “Cước phí và bảo hiểm trả tới” người bán giao hàng cho người vận chuyển, đồng thời chịu chi phi vận chuyển hàng hoá đến điểm đến quy định, tức là người mua tự chịu rủi ro về hàng hoá từ thời điểm đó.
Tuy nhiên theo điều kiện này người bán phải mua bảo hiểm cho hàng hoá, nhưng người mua cũng cần lưu ý là người bán chỉ mua bảo hiểm ở mức tối thiểu. Cũng tương tự như với điều khoản trước thì tại điều khoản này cũng quy định chuyển rủi ro tại thời điểm giao hàng cho người chuyên chở đầu tiên, và được áp dụng cho mọi phương thức vận tải. Điều kiện này cũng đòi hỏi người bán làm thủ tục thong quan xuất khẩu cho hàng hoá.
các điều kiện “d”
Điều kiện DAF: Giao tại biên giới
DAF được viết tắt từ “Delivered At Frontier” được dịch là giao tại biên giới, tức là theo điều kiện này thì hàng hoá được giao khi nó được đặt dưới quyền định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải chở đến (chưa dỡ hàng), đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu tại điểm quy định ở biên giới nhưng chưa qua biên giới.
DAF quy định thời điểm chuyển rỉu ro tại thời điểm như đã nêu trên, nhưng cũng có thể thoả thuận giữa người mua và người bán để nười bán chịu trách nhiệm dỡ hàng và chịu rủi ro trong việc dơ hàng nhưng phải ghi rõ ràng trong hợp đồng. Điều kiện này sử dụng được cho mọi phương thức vận tải khi giao hàng hoá tại biên giới trên đất liền.
Điều kiện DES: Giao tại tàu
Điều kiện DES - “Delivered Ex Ship” được dịch là giao tại tàu, tức là người bán giao hàng khi hàng được đặt dưới quyền định doạt của người mua trên boong tàu chưa làm thủ tục nhập khẩu tại cảng đích quy định.
Điều kiện này quy định người bán phải chịu phí tổn và rỉu ro khi chuyển hàng hoá đến cảng đích quy định trước khi dỡ hàng đồng thời phải chịu mọi chi phí liên quam đến thủ tục xuất khẩu hàng hoá. Điều kiện này chỉ áp dụng cho vận tải đường biển hoặc đường thuỷ nội địa hoặc bằng hình thức vận tải đa phương thức trên một tàu tại cảng đích.
Điều kiện DEQ: Giao tại cầu cảng
Được viết tắt từ thuật ngữ “Delivered Ex Quay”, DEQ có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng được dặt dưới quyền định đoạt của người mua chưa làm thủ tục nhập khẩu, trên cầu tàu tại cảng đến đã quy định. Người bán phải chị trách nhiệm và rỉu ro trong việc đưa hàng đến cảng quy định và dỡ hàng lên cầu tầu an toàn.
Điều kiện DEQ là điều kiện quy định ngược hẳn so với điều kiện này ở các bản Incoterms trước. Theo bản Incoterms 2000 thì người mua phải làm thủ tục nhập khẩu và chịu mọi phí tổn cho việc naỳ chứ không phải là người bán như quy định trong các Incoterms trước đây. Điều kiện này được sử dụng khi hàng hoá được giao bằng đường biển hay đường thuỷ nội địa hoặc vận tải đa phương khi dỡ khỏi tàu lên cầu tầu tại cảng đích quy định.
Điều kiện DDU: Giao chưa nộp thuế
DDU được viết tắt từ thuậy ngữ “Delivered Duty Unpaid” được dịch là “Giao chưa nộp thuế”, tức là vào thời điểm hàng hoá được người bán giao cho người mua thì hàng hoá đó chư đựoc làm thủ tục nhập khẩu và chưa được dỡ khỏi phương tiên vận chuyển tại nơi đến quy định.
Trong điều khoản này thì người bán chỉ phải chịu các chi phí để vận chuyển hàng hoá đến nơi quy định mà không phải làm bất cứ việc gì liên quan đến việc làm thủ tục hải quan cho số hàng hoá đó ở nước hàng đến. Trách nhiệm này do người mua đảm nhận và chịu rủi ro khi làm thủ tục nhập khẩu. Điều kiện này được sử dụng cho mọi phương thức vận tải.
Điều kiện DDP: Giao đã nộp thuế
DDP viết đầy đủ là “Delivered Duty Paid” được dịch là “Giao đã nộp thuế”, được hiểu là khi hàng hoá được người bán giao cho người mua thì đã được làm xong thủ tục nhập khẩu nhưng chưa dỡ khỏi phương tiện vân chuyển chở đến tại nơi đến quy định.
Theo quy định này thì người bán ngoài các phí tổn và rủi ro trong việc vận chuyển hàng đền nơi đến quy định còn phải chịu các phí tổn và rủi ro trong những việc liên quan đến thủ tục nhập khẩu hàmg hoá tại nước hàng đến. Đây là một điều kiện quy định nghĩa vụ tối đa với người bán. Điều kiện này có thể được sử dụng cho mọi phương thức vận tải.
Kết luận
Luật thương mại quốc tế là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt nam, bao gồm toàn bộ các quy phạm điều chỉnh các quan hệ mua bán, trao đổi hàng hoá, các dịch vụ xúc tiến thương mại có yếu tố nước ngoài. Luật thương mại quốc tế Việt Nam được hình thành từ ba nguồn chủ yếu sau:
Điều ước quốc tế mà nhà nước Việt Nam ký kết, tham gia, thừa nhận.
Hệ thống pháp luật có Việt nam liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế.
Tập quán thương mại quốc tế.
Trong quá trình hội nhập kinh tế việc tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế không thể tránh khỏi những vướng mắc cũng như tranh chấp trong các hợp đồng kinh tế, nhất là hợp đồng mua bán ngoại thương. Trong mua bán quốc tế bên mua và bên bán phải thoả thuận với nhau về nghĩa vụ của mỗi bên và phương thức thanh toán cũng như đồng tiền thanh toán. Trong hợp đồng thương mại quốc tế thì chủ thể tham gia có quốc tịch khác nhau, cư trú tại các nước khác nhau... Nên người mua và người bán ngoài việc tôn trọng pháp luật nước mình, còn phải tôn trọng luật pháp nước đối tác và làm theo luật pháp và tập quán quốc tế. Không chỉ có thế họ còn phải tôn trọng luật pháp của các nước có liên quan.
Incoterms là một tập quán thương mại chung được nhiều nước công nhận, trong pháp luật Việt Nam thì không bắt buộc áp dụng với các chủ thể tham gia vào hợp đồng ngoại thương, nhưng nó là một cơ sở quan trọng được pháp luật công nhận. Nó giúp cho các chủ thể khi tham gia hợp đồng ngoại thương bớt xẩy ra tranh chấp khi thực hiện hợp đồng. Vì vậy, bằng kiến thức đã học em đã phân tích phần nào về Incoterms 2000 nhằm thấy được tính chặt chẽ và cụ thể của nó khi sử dung trong giao dịch ngoại thương.
Tài liệu tham khảo
1. Giáo trình Luật kinh tế - Khoa luật.
Giáo trình thương mại - Khoa thương mại.
Incoterms 1990.
incoterms 2000.
Mục lục
Lời mở đầu............................................................................................1
Chương I: Những nét chung của luật thương mại quốc tế.....................2
Điều ước quốc tế...............................................................2
Luật quốc gia....................................................................3
Tập quán thương mại quốc tế...........................................4
Chương II: Các điều khoản trong Incoterms 2000................................6
Điều kiện “E”...................................................................6
Các điều kiện “F”.............................................................7
Điều kiện FCA: Giao cho người chuyên chở....................7
Điều kiện FAS : Giao dọc man tầu...................................8
Điều kiện FOB: Giao hàng trên tầu..................................8
Các điều kiện “C”.............................................................9
Điều kiện CRF: Tiền hàng và cước phí.............................9
Điều kiện CIF: Tiền hàng, bảo hiểm và cước...................9
Điều kiện CIT: Cước phí trả tới........................................9
Điều kiện CIP: Cước phí và bảo hiểm trả tới..................10
Các điều kiện “D”...........................................................10
Điều kiện DAF: Giao tại biên giới..................................10
Điều kiện DES: Giao tại tàu............................................11
Điều kiện DEQ: Giao tại cầu cảng.................................11
Điều kiện DDU: Giao chưa nộp thuế..............................12
Điều kiện DDP: Giao đã nộp thuế..................................12
Kết luận...............................................................................................13
Tài liệu tham khảo...............................................................................14
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 34628.doc