3.2.1 Theo luật Hồng Đức:
Khi không có di chúc và di chúc không hợp pháp, việc thừa kế được thực hiện theo quy định của luật pháp Nhà nước, cụ thể:
a) Trường hợp vợ chồng không có con mà một người chết trước, thì nảy sinh quan hệ thừa kế như sau (Điều 375)
- Nếu chồng chết trước:
Ruộng đất do nhà chồng đã cho (phụ gia điền sản) được chia làm hai phần bằng nhau: một nửa thuộc về người ăn thừa tự (bên nhà chồng) để giữ việc tế tự, nửa kia người vợ được hưởng suốt đời nhưng không được làm của riêng (không được bán), đến khi vợ chết hoặc đi tái giá thì phần thừa kế này thuộc về người thừa tự. Nếu cha mẹ hãy còn sống thì thuộc về cha mẹ cả.
Ruộng đất do hai vợ chồng tần tảo làm lụng mua được (tần tảo điền sản) được chia làm hai phần bằng nhau. Vợ nhận được một nửa làm của riêng nửa của người chồng chết được chia làm 3 phần, chia vợ 2 phần để hưởng suốt đời nhưng không được làm của riêng và khi vợ chết hay tái giá thì hai phần này để lại cho người kế tự của chồng, cho người thừa tự của chồng một phần để giữ việc tế tự. Phần về tế tự này, nếu cha mẹ chồng còn sống thì cha mẹ giữ, nếu cha mẹ chồng không còn thì mới giao cho người thừa tự giữ.
13 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 7550 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Chế định thừa kế trong pháp luật phong kiến Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHẾ ĐỊNH THỪA KẾ
TRONG PHÁP LUẬT PHONG KIẾN VIỆT NAM
I) MỘT VÀI NÉT VỀ PHÁP LUẬT PHONG KIẾN
Pháp luật ra đời, các vua chúa phong kiến có trong tay một phương tiện hữu hiệu trong việc điều hành và quản lý nhà nước. Vì vậy, các vua chúa phong kiến đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Pháp luật phong kiến được xây dựng và ban bố ở triều vua này nhưng lại tiếp tục được bổ sung và áp dụng ở những đời vua sau. Tuy nhiên, do tình hình chính trị xã hội ở từng triều đại và mỗi đời vua có những biến động nên hoạt động xây dựng pháp luật được quan tâm và phát triển ở các mức độ khác nhau. Nhưng nhìn chung, dưới giác độ pháp điển hoá, pháp luật phong kiến Đại việt về căn bản có những bộ luật cơ bản như Bộ hình thư thời nhà Lý; Bộ hình thư thời nhà Trần; Quốc triều hình luật và Quốc triều khám tụng điều lệ thuộc triều hậu Lê và Bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) của triều Nguyễn…
Song, pháp luật phong kiến mang đặc điểm chung là chưa được chia tách một cách rạch ròi các ngành luật. Mỗi triều đại thường chỉ ban hành một bộ luật tổng hợp và bộ luật đó có hiệu lực trong suốt thời kỳ tồn tại của triều đại đó. Đặc biệt những thành tựu lập pháp trong thời gian này tập trung nhất ở thời kỳ Lê sơ, đỉnh cao là thời kỳ vua Lê Thánh Tông đã trở thành mẫu mực. Trong gần 40 năm trị vì của mình, Lê Thánh Tông đã ban hành nhiều luật lệ và còn được lưu lại đến ngày nay. Không chỉ ban hành nhiều luật lệ (qua các chiếu, chỉ, đạo dụ, sắc phong...) mà hoạt động tập hợp hoá, pháp điển hoá pháp luật cũng được chú trọng thích đáng. Bộ Quốc triều hình luật là bộ luật tiêu biểu nhất trong hoạt động lập pháp trong lịch sử pháp luật phong kiến Việt Nam.
Trừ bộ Quốc triều khám tụng điều lệ là bộ luật về tố tụng, các bộ luật khác trong thời kỳ này đều có nội dung tổng hợp bao gồm nhiều quy phạm pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau. Bố cục của các bộ luật về cơ bản đều mô phỏng theo các bộ luật của Trung quốc, cách trình bày của các bản điều trong mọi lĩnh vực, hầu hết đều được trình bày dưới hình thức các quy phạm pháp luật hình sự. Các nhà làm luật phong kiến về cơ bản chưa có khái niệm phân chia pháp luật thành các ngành luật như thời cận hiện đại sau này. Tuy nhiên, các bộ luật thuộc các triều đại phong kiến Việt nam có phạm vi điều chỉnh rất rộng, nó tác động tới hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
II) chế định thừa kế trong pháp luật phong kiến Việt nam
Thừa kế là một trong những chế định được đề cập đến trong nhiều bộ luật và đặc biệt là khá chi tiết trong Quốc triều hình luật, quy định ở phần cuối của chương điền sản và phần luật hương hỏa. Có thể nói đây là một chế định mới mẻ và nổi bật nhất thể hiện những nét tiến bộ của luật pháp triều Lê. Nó là cơ sở để chúng ta kế thừa, phát triển và dần dần hoàn thiện trong Bộ luật Dân sự Việt nam ngày nay như: hình thức di chúc, hình thức thừa kế, một số quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thừa kế... Nội dung chế định thừa kế trong Quốc triều hình luật có nhiều quy định rất mới và lần đầu tiên có trong lịch sử lập pháp phong kiến với việc cho người vợ có quyền quản lí tài sản trong gia đình sau khi chồng mất, cho người phụ nữ được quyền thừa kế và phần của con gái bằng phần của con trai, cho thấy vị thế của người phụ nữ trong xã hội được nâng cao hơn. Như vậy, với quy định trên ít nhiều các nhà làm luật thời Lê đã có cái nhìn ưu ái và công bằng hơn đối với người phụ nữ.
Chế định luật thừa kế triều Nguyễn cũng như triều Lê chủ yếu điều chỉnh các vấn đề tài sản và gia đình. So với bộ luật Hồng Đức, luật Gia Long có điểm khác. Luật Gia Long đề cao vai trò của trưởng nam, thừa nhận quyền thừa kế của con trai, con gái chỉ có quyền khi một gia đình tuyệt tự. Bộ luật không quy định quyền thừa kế của người vợ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực gia đình và tài sản luật Gia long vẫn cho phép căn cứ vào “luật cũ” mà xử. Quy định này đã bổ khuyết cho pháp luật nhà Nguyễn về luật thừa kế.
Trong phạm vi chuyên đề này, xin được đề cập đến “chế định thừa kế trong pháp luật phong kiến Việt Nam” một cách cụ thể dưới triều Lê trong bộ Quốc Triều hình luật ( Luật Hồng Đức) và chế định thừa kế dưới triều Nguyễn trong bộ Hoàng Việt luật lệ ( Luật Gia Long).
1.Thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế
Quan hệ thừa kế là một quan hệ xã hội trong đó thể hiện quá trình dịch chuyển tài sản từ người đã chết sang những người còn sống khác. Theo quan điểm của chúng ta ngày nay, thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế là thời điểm mà người để lại tài sản chết. Nhưng, pháp luật phong kiến lại không quy định như vậy. Bởi, quan hệ hôn nhân gia đình phong kiến là duy trì và bảo vệ sự trường tồn của gia phụng tổ tiên. Do đó, nhà làm luật phong kiến coi thừa kế không chỉ là quyền lợi cá nhân mà quan trọng hơn là vì mục đích trên. Vì vậy thừa kế chỉ phát sinh khi trong gia đình xảy ra một trong hai trường hợp sau đây:
- Nếu vợ chồng không có con khi một trong hai người chết, quan hệ thừa kế phát sinh
- Nếu vợ chồng có con thì phải đến khi cả hai người đã chết mới phát sinh quan hệ thừa kế.
Rõ ràng việc quy định thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế theo quan điểm của các nhà làm luật phong kiến không phụ thuộc vào việc người để lại di sản thừa kế chết mà phụ thuộc vào việc họ có con hay không. Và, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế sớm hay muộn. Sở dĩ có qui định này là do điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và tư tưởng của các nhà làm luật lúc bấy giờ mang đậm tư tưởng Nho giáo. Mục đích lớn nhất của các nhà làm luật phong kiến là duy trì và bảo vệ sự trường tồn của gia đình phụ hệ. Việc họ quy định thời điểm phát sinh quan hệ kinh tế như trên là để ràng buộc trách nhiệm, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Quan điểm pháp luật trên xuât phát từ tư tưởng Nho giáo: đề cao ngũ thường; và trên ba cấp độ quốc gia, gia đình, xã hội thì Nho giáo đề cao ngũ luân, trật tự trên dưới trong từng quan hệ đó. Nho giáo rất chú trọng đến việc thiết lập một trật tự gia đình gia trưởng phong kiến trong đó con phục tùng cha, vợ phục tùng chồng... Vì thế, quy định thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế cũng là để thực hiện mục đích đó.
Chủ thể trong quan hệ thừa kế:
Chủ thể là một trong ba thành phần tạo nên quan hệ pháp luật thừa kế. Trong quan hệ pháp luật này, chủ thể gồm có: Người để lại di sản thừa kế và người thừa kế.
Người để lại di sản thừa kế:
Theo quy định trong pháp luật phong kiến, người để lại di sản thừa kế chỉ có thể là cá nhân sau khi chết có tài sản để lại cho người khác mà cụ thể là vợ hoặc chồng, (nếu không có con) hoặc cha mẹ. ở đây đã có sự giới hạn về chủ thể là người để lại di sản thừa kế. Xuất phát từ quan điểm phong kiến, trong gia đình con cái không bao giờ có quyền tài sản vì vậy con cái có chết cũng không bao giờ phát sinh quan hệ thừa kế. Xét trong thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ quy định này là hợp lý.
b) Người thừa kế:
Người thừa kế trong pháp luật phong kiến là người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong pháp luật phong kiến họ là cá nhân bao gồm: vợ, chồng, con, cha, mẹ, người ăn thừa tự... Giống như Bộ luật dân sự Việt Nam, việc quy định người thừa kế trong pháp luật phong kiến thời Lê đều dựa trên các quan hệ: huyết thống, hôn nhân và nuôi dưỡng. Đây là quy định hết sức tiến bộ, trải qua hàng mấy trăm năm lịch sử nó vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có sự khác biệt là trong Bộ luật dân sự Việt Nam, người thừa kế còn được mở rộng hơn ở tổ chức và cơ quan Nhà nước.
3.Hình thức và nội dung của thừa kế:
Ngay từ thời phong kiến, các nhà làm luật đã quy định có hai hình thức thừa kế là: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo luật.
Thừa kế theo di chúc:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Việc thừa nhận thừa kế theo di chúc là quan điểm tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể đồng thời bằng việc lập di chúc đã nêu bật được nguyên tắc bình đẳng trong pháp luật về thừa kế: ai là chủ sở hữu tài sản của mình đều có quyền để lại tài sản cho người khác. Dù rằng trong thời đại phong kiến trong gia đình quyền tự định đoạt phụ thuộc phần lớn vào người đàn ông (người chồng), nhưng ít nhiều việc thừa nhận này cũng thể hiện một cái nhìn mới mẻ của nhà làm luật lúc bấy giờ.
Khoản 2, Điều 388 - luật Hồng Đức quy định: nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư thì phải theo đúng, trái thì phải mất phần mình. Điều 345 - luật Hồng Đức quy định: người nào tranh giành nhà đất thì biếm 2 tư. Nếu đã có chúc thư mà còn cố tranh giành thì cũng xử biếm như thế và phải tước mất cả phần của mình nữa. Nếu cha mẹ không nhận làm con, trong chúc thư không có tên mà vẫn cố tranh thì phải biếm 3 tư, đòi lại số ruộng đất tranh cho người chủ. Nếu người trưởng họ đảm bảo sai thì phải biếm 1 tư. Qua các điều khoản trên, nhà làm luật đã đề cập một số yếu tố của sự thừa kế theo di chúc.
Luật Gia Long quy định “nếu ông bà, cha mẹ đã di chúc chia của thì tôn trưởng cũng không được đi thưa kiện”. Đồng thời luật cũng quy định rằng “ đang lúc còn để tang, cha mẹ mà anh, em tách hộ khẩu, chia hẳn gia sản thì phạt 80 trượng”. Căn cứ vào chế độ để tang gia đình chúng ta có thể thấy thời điểm phát sinh thừa kế theo luật Gia long là sau khi để tang cha me 3 năm và luật cũng quy định rằng sau 5 năm trở lên mới giải quyết thưa kiện về chia gia tài điền sản trừ trường hợp tài sản đó đã được chuyển quyền, mọi trường hợp thưa kiện đều không có giá trị (Điều 89 - điều lệ 1).
Về hình thức của di chúc, có di chúc miệng và di chúc viết (chúc thư). Theo tinh thần và nội dung của điều 366 - Bộ luật Hồng Đức, người làm chúc thư (cha, mẹ) phải tự viết lấy (nếu không biết chữ thì nhờ viên quan nào đó trong làng, xã viết giùm) và phải có sự chứng kiến cũng của viên quan chức trong làng thì chúc thư mới hợp pháp.
Nguyên tắc tự do lập di chúc của người gia trưởng được tôn trọng. Trong gia đình, cha mẹ là chủ tài sản nên chỉ có cha mẹ mới có quyền lập di chúc. ở di chúc, ngoài phần ruộng đất dành ra làm hương hỏa, phần còn lại được chia cho các con. Những con nào được hưởng thừa kế và được hưởng bao nhiêu đều do người lập di chúc quy định. Cha mẹ có thể truất quyền thừa kế của người con nào đó mà thường là người con bất hiếu, đó cũng là một dạng từ con. Quy định này chứng tỏ quyền tự định đoạt tài sản của người để lại di sản thừa kế được các nhà làm luật bảo đảm tuyệt đối. Điều này có sự khác biệt với quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam hiện đại. Theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam việc tôn trọng quyền định đoạt của người lập di chúc nhưng phải trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của một số người thừa kế theo luật: một người có tài sản thì có quyền định đoạt tài sản cho bất kỳ ai song phải định đoạt trong mối quan hệ với những người thân mà họ có nhiệm vụ nuôi dưỡng. Như vậy, nhà nước vừa tôn trọng quyền tự định đoạt tài sản nhưng đồng thời hạn chế quyền đó khi người để lại tài sản còn có những người cần bảo vệ quyền lợi chính đáng. Người lập di chúc chỉ có thể truất quyền thừa kế của những người được hưởng Di sản thừa kế khi họ ở vào các trường hợp cụ thể quy định tại Điều 676 Bộ luật di sản - Luật Hồng Đức.
3.2 Thừa kế không theo di chúc (thừa kế theo luật)
3.2.1 Theo luật Hồng Đức:
Khi không có di chúc và di chúc không hợp pháp, việc thừa kế được thực hiện theo quy định của luật pháp Nhà nước, cụ thể:
a) Trường hợp vợ chồng không có con mà một người chết trước, thì nảy sinh quan hệ thừa kế như sau (Điều 375)
- Nếu chồng chết trước:
Ruộng đất do nhà chồng đã cho (phụ gia điền sản) được chia làm hai phần bằng nhau: một nửa thuộc về người ăn thừa tự (bên nhà chồng) để giữ việc tế tự, nửa kia người vợ được hưởng suốt đời nhưng không được làm của riêng (không được bán), đến khi vợ chết hoặc đi tái giá thì phần thừa kế này thuộc về người thừa tự. Nếu cha mẹ hãy còn sống thì thuộc về cha mẹ cả.
Ruộng đất do hai vợ chồng tần tảo làm lụng mua được (tần tảo điền sản) được chia làm hai phần bằng nhau. Vợ nhận được một nửa làm của riêng nửa của người chồng chết được chia làm 3 phần, chia vợ 2 phần để hưởng suốt đời nhưng không được làm của riêng và khi vợ chết hay tái giá thì hai phần này để lại cho người kế tự của chồng, cho người thừa tự của chồng một phần để giữ việc tế tự. Phần về tế tự này, nếu cha mẹ chồng còn sống thì cha mẹ giữ, nếu cha mẹ chồng không còn thì mới giao cho người thừa tự giữ.
- Nếu vợ chết trước:
Việc phân chia tài sản cũng tương tự như trên, chỉ có khác là chồng đi lấy vợ khác vẫn được chiếm một đời. Như vậy, trong quan niệm của nhà làm luật ruộng đất của vợ chồng gồm có: các loại tần tảo điền sản, phụ gia điền sản, thê gia điền sản và có hai người được hưởng thừa kế là vợ (hoặc chồng) còn đang sống, cha mẹ chồng hoặc người thừa tự bên nhà chồng (nếu cha mẹ chồng chết).
b) Trường hợp vợ chồng có con, một người chết trước con lại chết theo thì nảy sinh quan hệ thừa kế như sau:
- Nếu vợ chết trước:
Nếu cha mẹ còn sống: thì thê gia điền sản được chia làm hai phần: cha mẹ vợ được hưởng một nửa và chồng được hưởng một nửa nhưng người chồng chỉ được sử dụng mà không được bán. Khi chồng chết, phần này phải hoàn về cho cha mẹ vợ hoặc cho người thừa tự. Nếu cha mẹ vợ đã chết: thê điền sản được chia làm 3 phần bằng nhau: để cho người chồng hai phần, người thừa tự một phần. Người chồng được toàn quyền sử dụng đối với 2/3 thê gia điền sản đó.
Từ sự chia thừa kế trên ta thấy Điều 376 và Điều 375 gồm có sự giống nhau ở điểm một trường hợp không có con và một trường hợp con chết song việc chia thê gia điền sản có sự khác nhau, Điều 376 dành cho người chồng nhiều quyền lợi hơn điều 375. Vì cuộc hôn nhân đã có con nên mối liên hệ giữa chồng với gia đình vợ mật thiết hơn.
- Nếu chồng chết trước:
Thì vợ cũng thế nhưng tái giá thì phải trả lại. Như vậy, ở Điều 376 người được hưởng thừa kế gồm chồng, (hoặc vợ đang còn sống), cho mẹ vợ, cha mẹ chồng hoặc cho người thừa tự.
c) Trường hợp vợ chồng có con, một người chết trước người còn lại đi lấy người khác nhưng không có con ở lần hôn nhân này thì sau khi chết nảy sinh quan hệ thừa kế như sau: (Điều 374)
- Nếu vợ chết trước, người chồng đi lấy vợ nhưng không có con với người vợ sau, khi người chồng chết thì tài sản sẽ được phân chia giữa các con (con của người vợ trước) với người vợ sau như sau:
Phụ gia điền sản: Người vợ sau được sử dụng 1/2 (nếu người vợ trước chỉ có một con) hoặc bằng phần của một người con (nếu vợ trước có từ hai con trở lên); còn bao nhiêu đều thuộc về con chồng. Nếu người vợ sau tái giá hoặc chết thì phần điền sản thuộc con của vợ trước.
Tài sản điền sản của chồng hoặc vợ trước được chia làm hai phần đều nhau: một nửa thuộc về các con và thực chất đây là phần của vợ trước, nửa còn lại (thực chất là phần của chồng) được chia cho vợ sau và con chồng theo tỷ lệ như trên.
Tài sản điền sản của chồng hoặc vợ sau cũng được chia đôi, một nửa thuộc về quyền sử dụng của người vợ sau, nửa còn lại cũng được chia cho người vợ sau và con chồng theo tỷ lệ như trên nhưng phần này của vợ chỉ có quyền sử dụng, còn nếu tái giá hoặc chết đi thì thuộc về con chồng.
Điều 374 không nêu ra cách giải quyết các thê điền sản. Có lẽ theo các nhà làm luật, thê gia điền sản của nhà vợ trước được giải quyết tương tự như quy định của Điều 377, thê gia điền sau của nhà vợ sau được giải quyết như Điều 375.
- Nếu chồng chết trước, người vợ đi lấy vợ thì vấn đề tài sản cũng được giải quyết tương tự như trường hợp vợ chết trước.
Như vậy, ở trường hợp Điều 374, người hưởng thừa kế gồm con riêng của chồng (hoặc con riêng của vợ), người vợ sau (hoặc người chồng sau).
Để bảo tồn tài sản cho con cái sau này thừa kế, nhà làm luật đã cấm người vợ đi tái giá hoặc người chồng sau khi vợ chết đi lấy vợ khác, bán ruộng đất cho gia đình của lần hôn nhân trước (theo Điều 377 và tinh thần của một số điều khoản khác).
d) Sự phân chia giữa các con với điền sản thừa kế của cha mẹ và việc thừa tự hương hỏa
- Sự phân chia giữa các con với điền sản thừa kế
Theo tinh thần và nội dung Điều 388, “khi cha mẹ mất cả, có ruộng đất nhưng không có di chúc mà anh chị em tự chia nhau thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hoả còn thì chia nhau”. Phần của con gái vợ cả bằng phần của con trai vợ cả, phần của con trai vợ cả, phần của con gái vợ lẽ bằng phần của con trai vợ lẽ, phần của con vợ lẽ kém phần con vợ cả. Việc quy định phần thừa kế của con trai con gái bằng nhau là quyết định rất tiến bộ, thể hiện sự bình đẳng giữa nam và nữ. Trải qua gần nghìn năm lịch sử quyết định này cho đến nay vẫn còn phù hợp bởi ý nghĩa lớn lao của nó. Sự bình đẳng này chỉ mang tính tương đối nhưng không phải xã hội nào cũng có được đặc biệt là xã hội phong kiến.
Đối với con nuôi trong gia đình cha mẹ nuôi, con nuôi chỉ được hưởng phần thừa kế nếu có văn tự nuôi và trong đó ghi rằng sẽ chia đều tài sản cho khi cha mẹ nuôi chết không có di chúc thì người con nuôi được hưởng phần bằng 1/2 phần của người con đẻ, nếu không có con đẻ người con nuôi cùng với cha mẹ nuôi từ bé thì được cả tài sản, thuở bé không ở cùng thì được tài sản gấp hai lần người thừa tự được hưởng.
Trong gia đình cha mẹ đẻ người đã đi làm con nuôi họ khác đã được hưởng tài sản ở gia đình cha mẹ nuôi thì được hưởng bằng một nửa phần của một người trong gia đình cha mẹ đẻ. Còn nếu không được cha mẹ nuôi chia điền sản thì không theo luật này. Nhưng nếu theo một văn bản pháp luật khác, một lệnh năm Quang Thuận thứ 5 (1464) thì trong trường hợp này được hưởng nhiều hơn, bằng 4/5 của mỗi người trong gia đình cha mẹ đẻ.
- Về sự truất quyền thừa kế của con cái (con nuôi, con đẻ)
Theo Điều 506 Bộ luật Hồng Đức và một số văn bản pháp luật khác của triều Lê và theo phong tục tập quán thì người con nào bất hiếu (không nghe lời cha mẹ, ngược đãi với cha mẹ...) đã bị cha mẹ từ bỏ sẽ không được thừa hưởng thừa kế. Đây là một quy định thấm nhuần tư tưởng nho giáo và truyền thống đạo đức dân tộc mà cho đến nay vẫn còn phù hợp. Tuy nhiên trong Bộ luật Dân sự Việt Nam lại có sự quy định mang tính khách quan và công bằng hơn thể hiện ở chỗ quy định cụ thể tại Điều 646 các trường hợp tước quyền thừa kế, và cha mẹ chỉ có quyền truất quyền thừa kế của con cái khi có một trong những trường hợp ấy.
- Vấn đề thừa tự hương hỏa
Các nhà làm luật đã đặt ra 13 điều lệ quy định vấn đề ruộng đất hương hoả. Luật hương hoả triều Lê thể hiện sâu sắc phong tục tập quán của người Việt, có nhiều quan điểm khác với pháp luật Trung Hoa. Thừa tự hương hoả là một loại thừa kế đặc biệt.
Về giới hạn của thừa tự hương hoả (giới hạn về số lượng, quyền sử dụng, thời hạn tồn tại), Điều 390 quy định: “Như người cha làm truởng họ lấy ruộng đất mấy nơi làm phần hương hoả, đến khi con làm trưởng họ thì lại đem những ruộng đất hương hoả của của cha nhập vào phần các con, chia ra xem mỗi phần được bao nhiêu mới lấy 1/20 làm hương hoả. Cháu làm trưởng họ cũng thế”. Sở dĩ có giới hạn như trên là để tránh sự tích luỹ hương hoả từ đời này sang đời khác tới diện tích quá lớn. Ruộng đất hương hoả chỉ được sử dụng vào việc trồng cây lấy hoa lợi để thờ cúng tổ tiên và không được bán ruộng đất hương hoả (Điều 400). Theo Điều 399, ruộng đất hương hoả không truyền quá năm đời, vì con cháu chỉ phải thờ cúng những người trong vòng năm đời. Luật quy định không được chia nhau ruộng đất vốn là hương hoả nhưng để cho ai thì không nói tới. Nếu theo phong tục tập quán, phần ruộng đất này cho người thừa tự cuối cùng hoặc nhập vào ruộng đất của dòng họ.
Về trật tự truyền ruộng đất hương hoả đã dành phần lớn các điều khoản quy định về trình tự những người được hưởng hương hoả. Thông thường, việc truyền ruộng đất hương hoả phải triệt để, thể hiện nguyên tắc trọng nam và trọng trưởng. Nhưng nhà làm luật triều Lê đã “mềm hoá” nguyên tắc này bằng cách quy định như sau: Ruộng đất hương hoả được truyền cho con trai trưởng (hoặc cháu trai trưởng), nếu không có thì truyền cho con trai thứ, con trai không có thì truyền cho con gái, con gái không có thì truyền cho người trong họ và không bao giờ để truyền sang dòng họ khác. Người tàn phế bất hiếu không được nhận ruộng đất hương hoả.
Nhìn chung, mục đích luật thừa kế triều Lê vừa nhằm củng cố sự trường tồn của dòng họ vừa nhằm giữ gìn sự hoà thuận, thương yêu nhau giữa anh chị em trong gia đình. Với việc cho người vợ có quyền quản lí tài sản trong gia đình sau khi người chồng mất, cho phụ nữ có quyền thừa kế và phần thừa kế của con gái bằng phần của con trai (điều không thể tìm thấy trong các bộ luật phong kiến khác), luật thừa kế đã trở thành một chế định nổi bật nhất thể hiện những nét tiến bộ của luật pháp triều Lê
3.2.2 Theo luật Gia Long:
So với thời Lê, pháp luật thời Nguyễn mà cụ thể là trong Bộ Hoàng Việt luật lệ có ít chế định về vấn đề này. So với luật thời Lê trước đây, Luật thời Nguyễn lại có một số quy định khác về một số vấn đề cụ thể như sau:
- Luật Gia Long không cho phép con cái khi chưa lập hộ tịch riêng được chia của cải với cha mẹ ( trừ khi được cha mẹ đồng ý), trẻ nhỏ không được phép tạo lập của cải riêng.
Việc chia tài sản, điền sản không phân biệt con vợ cả, vợ lẽ và con tỳ thiếp, trong đó tài sản phải dành hết cho con trưởng, không được để cho con thứ đó là: Trưởng tử dòng đích, nếu trưởng tử chết thì cháu đích tôn thay cha thừa trọng để thờ cúng tổ tiên, đây là trường hợp thừa kế thế vị; con kế dòng đích; con dòng nhánh; lập đích tử trong “chiêu mục tương đương” nếu không có con trai.
- Theo Hoàng Việt luật lệ, con gái không có quyền thừa kế gia tài ( trừ khi theo di chúc cha mẹ có chia cho con gái). Đây là điểm thụt lùi cơ bản so với quy định của luật nhà Lê, do việc quá câu nệ những tư tưởng Nho giáo nặng nề, trọng nam khinh nữ theo pháp luật triều Nhà Thanh Trung Quốc.
- Đối với ruộng hương hoả, nếu không có con trai phải cho cháu trai (con trai người con thứ); trừ khi không có cháu trai nào khác để thừa kế mới trao cho con gái trưởng.
- Vấn đề tài sản giữa vợ và chồng hầu như không được luật lệ đề cập tới.
III. Kết luận
Cũng như các bộ luật phong kiến khác, Quốc triều hình luật và Hoàng Việt Luật Lệ đã thể hiện rất rõ bản chất giai cấp của nó. Mục tiêu hàng đầu của bộ luật là bảo vệ địa vị và quyền lợi của giai cấp phong kiến, củng cố trật tự đẳng cấp xã hội và gia đình gia trưởng phong kiến. Các bộ luật là sự thể chế hoá tư tưởng chính trị và đạo đức Nho giáo, bất cứ hành vi nào trái với lễ giáo đều bị pháp luật trừng trị.
Riêng bộ Quốc triều hình luật có những nét đặc sắc riêng, được thể hiện không chỉ ở ở nội dung, nó có nhiều điểm mới mẻ mà luật Trung Hoa không hề có. Những điều luật ấy ở rải rác khắp trong bộ luật, nhất là trong hai chương hộ hôn điền sản (cụ thể là thừa kế), trong luật Trung Hoa không quy định một cách rõ ràng về cách thức thành lập và hình thức các loại văn tự, chúc thư, không quy định rõ về chế độ tài sản của vợ chồng khi goá bụa và về chế độ thừa kế. Ngược lại, trong chế định thừa kế đã trình bày ở trên, nhà làm luật đã quy định một cách rõ ràng, cụ thể về cách thức làm chúc thư, về chế độ tài sản vợ chồng khi goá bụa, về các trường hợp nảy sinh quan hệ thừa kế và phương thức chia tài sản thừa kế. Đặc biệt trong đó đã có ý niệm phân biệt nguồn gốc và các loại tài sản của vợ chồng (phu điền sản và thê điền sản, phu gia điền sản và thê gia điền sản).
Qua chế định thừa kế trong Quốc triều hình luật, nhà làm luật triều Lê đã bênh vực quyền và quyền lợi của người phụ nữ. Sở dĩ có nét đặc sắc này trước hết là do Quốc triều hình luật là sản phẩm lập pháp của triều Lê mà chủ yếu thuộc thời Lê sơ. Đây là thời kỳ chế độ phong kiến Đại Việt phát triển rực rỡ nhất, trong đó nhà nước không chỉ bảo vệ địa vị thống trị và quyền lợi của giai cấp phong kiến mà còn đại diện cho lợi ích của cả cộng đồng dân tộc và nhân dân. Bởi vậy, Quốc triều hình luật vừa thể hiện rất rõ bản chất giai cấp, vừa thể hiện tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc, với những nét đặc sắc riêng. Hai là, do nhà làm luật triều Lê có trình độ kĩ thuật lập pháp cao, có sự nhìn nhận đúng về đặc điểm của xã hội Đại Việt và phong tục tập quán của người Việt thời bấy giờ đồng thời có được một ý niệm rằng luật pháp của nhà nước chỉ có hiệu lực và hiệu quả thực tế khi nó phù hợp với xã hội và con người nước Việt. Do đó, Bộ Quốc triều hình luật với chế định thừa kế được xây dựng với nhiều nét đặc sắc riêng của luật pháp Đại Việt.
Chế định thừa kế của luật Gia Long đề cao vai trò của trưởng nam, thừa nhận quyền thừa kế của con trai, con gái chỉ có quyền khi một gia đình tuyệt tự. Bộ luật không quy định quyền thừa kế của người vợ. Bởi bộ luật Gia Long coi bộ luật Đại Thanh là khuôn mẫu, đề cao vai trò của người gia trưởng, trưởng nam và người vợ cả trong gia đình.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 68371.DOC