Dưới góc độ pháp luật, phân cấp quản lý nhà nước được hiểu là sự chuyển giao ổn định thẩm quyền, nhiệm vụ và trách nhiệm từ cơ quan quản lý cấp trên xuống cấp dưới trực thuộc nhằm đạt mục tiêu chung một cách có hiệu quả nhất trong quá trình phân công quản lý của cả hệ thống hành chính nhà nước. Trong phạm vi thẩm quyền được giao, mỗi cấp có quyền hành động tự chủ nhất định để phát huy tính năng động và sáng tạo của mình. Phân cấp quản lý hành chính nhà nước không phải là phân chia quyền lực giữa trung ương với địa phương, cũng không phải phân chia giữa cấp trên với cấp dưới, đó chỉ là sự phân định rõ nhiệm vụ và thẩm quyền một cách hợp lý, tạo thuận lợi cho việc giải quyết các công việc của nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của hành chính nhà nước.
7 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4506 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Chứng minh việc phân cấp quản lý là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước ở Việt Nam và điều này đã được ghi nhận tại Điều 6 Hiến pháp 1992: “…Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Không những ở nước ta mà ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng ghi nhận nguyên tắc này trong Hiến pháp và cũng xác định đây là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Như vậy, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải là một hoạt động thường xuyên trong quá trình tổ chức và hoạt động trong quản lý hành chính nhà nước.
Tuy nhiên trên thực tế, việc hiểu một cách đúng đắn về nguyên tắc tập trung dân chủ cũng như biểu hiện của nó vẫn là một vấn đề vô cùng khó khăn và gây nhiều tranh cãi. Chính vì thế trong bài tập nhóm tháng 1 này, nhóm chúng em quyết định chọn đề bài: “Chứng minh việc phân cấp quản lý là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước” nhằm hiểu rõ hơn về nguyên tắc tập trung dân chủ và một trong những biểu hiện cơ bản của nó trong quản lý hành chính nhà nước, đó là việc phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam.
Ngoài phần lời mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo thì phần nội dung chính trong bài tập của nhóm em được trình bày trong hai phần cơ bản:
Phần 1: Nguyên tắc tập trung dân chủ.
Phần 2: Việc phân cấp quản lý trong quản lý hành chính ở Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện bài làm này không tránh khỏi có nhiều thiếu sót, chúng em rất mong sẽ nhận được những đóng góp từ thầy cô cũng như các bạn. Chúng em xin chân thành cám ơn.
Nguyên tắc tập trung dân chủ.
Để có thể chứng minh việc phân cấp quản lý là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ thì đầu tiên chúng ta phải biết nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ là gì và phải hiểu nội dung đó như thế nào cho đúng?
Đầu tiên nếu xét về mặt hình thức từ ngữ thì “tập trung dân chủ” không phải là tập hợp của hai danh từ mà “dân chủ” ở đây đóng vai trò là một tính từ bổ sung nghĩa cho từ “tập trung”; trong Điều 6 Hiến pháp 1992 đã sử dụng từ “nguyên tắc tập trung dân chủ” chứ không phải là “nguyên tắc tập trung, dân chủ” cũng không phải là “nguyên tắc tập trung – dân chủ”; do đó, dễ dàng có thể nhận thấy rằng nội dung của nguyên tắc này không phải là hai vế, hai mặt của một vấn đề mà là “tập trung” trên cơ sở “dân chủ” (tập trung một cách dân chủ).
Trong bất kỳ xã hội và bất kỳ kiểu nhà nước nào, việc quản lý xã hội và thực hiện quyền lực nhà nước (quản lý nhà nước) đều phải có sự tập trung quyền lực. Đây là yếu tố bắt buộc và mang tính tất yếu nhằm quản lý được toàn bộ các hoạt động xã hội, thiết lập và duy trì một trật tự xã hội phù hợp với ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị xã hội. Tuy nhiên, nội dung (tính chất) của sự tập trung trong các chế độ xã hội và chế độ nhà nước hoàn toàn không giống nhau. Điều đó trước hết phụ thuộc vào bản chất của chế độ xã hội, chế độ nhà nước và còn phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội. Trong xã hội phong kiến, quyền lực nhà nước tập trung trong tay giai cấp thống trị phong kiến mà đại diện là nhà vua; đặc biệt ở các nhà nước theo chính thể quân chủ chuyên chế, chế độ cai trị thể hiện sự độc đoán, chuyên quyền, phản dân chủ (hoặc có dân chủ nhưng rất hạn chế hoặc chỉ mang tính hình thức). Đến chế độ tư bản chủ nghĩa, tập trung, quan liêu là đặc trưng điển hình của việc tổ chức bộ máy nhà nước tư sản. Các cơ quan cai trị với những quan lại cai trị được bổ nhiệm từ trên xuống luôn kiêu căng, lấn át, xa rời thực tế; chỉ chịu trách nhiệm trước cấp trên mà không chịu trách nhiệm trước nhân dân và không chịu sự giám sát của nhân dân. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đã kịch liệt phê phán cơ chế tập trung quan liêu đó. Đối với bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa thì một nguyên tắc mới đã được vận dụng, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo sự giải thích của Bác Hồ thì: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là tập trung dân chủ”. Cụ thể là trong quản lý hành chính nhà nước, tập trung nhằm đảm bảo thâu tóm quyền lực nhà nước vào chủ thể quản lý để điều hành, chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật một cách thống nhất. Trong khi đó, dân chủ hướng tới việc mở rộng quyền cho đối tượng quản lý nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động quản lý, phát huy khả năng tiềm tàng của đối tượng quản lý trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật. Cần phải có sự phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ việc đảm bảo cả hai yếu tố này trong quản lý hành chính nhà nước. Nếu chỉ có sự lãnh đạo tập trung mà không mở rộng dân chủ thì sẽ tạo điều kiện cho các hành vi lạm quyền, tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền tham nhũng phát triển. Ngược lại nếu không có sự lãnh đạo tập trung thống nhất thì sẽ dẫn tới tình trạng tùy tiện, vô chính phủ, cục bộ địa phương. Nguyên tắc này bao hàm sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ; vừa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung trên cơ sở dân chủ, vừa đảm bảo mở rộng dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung.
Việc phân cấp quản lý trong quản lý hành chính ở Việt Nam.
Từ nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ mà ta đã tìm hiểu ở trên thì ta có thể rút ra rằng: để có thể chứng minh việc phân cấp quản lý là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước thì phải chứng minh được rằng việc phân cấp quản lý vừa đảm bảo được việc thâu tóm quyền lực nhà nước vào chủ thể quản lý nhưng đồng thời cũng đảm bảo mở rộng quyền cho đối tượng quản lý nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động quản lý.
Dưới góc độ pháp luật, phân cấp quản lý nhà nước được hiểu là sự chuyển giao ổn định thẩm quyền, nhiệm vụ và trách nhiệm từ cơ quan quản lý cấp trên xuống cấp dưới trực thuộc nhằm đạt mục tiêu chung một cách có hiệu quả nhất trong quá trình phân công quản lý của cả hệ thống hành chính nhà nước. Trong phạm vi thẩm quyền được giao, mỗi cấp có quyền hành động tự chủ nhất định để phát huy tính năng động và sáng tạo của mình. Phân cấp quản lý hành chính nhà nước không phải là phân chia quyền lực giữa trung ương với địa phương, cũng không phải phân chia giữa cấp trên với cấp dưới, đó chỉ là sự phân định rõ nhiệm vụ và thẩm quyền một cách hợp lý, tạo thuận lợi cho việc giải quyết các công việc của nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của hành chính nhà nước. Thực ra về mặt bản chất phân cấp quản lý chính là phân cấp về thẩm quyền xem ở từng cấp địa phương hay ở cấp trung ương họ được quyết định cái gì, với phạm vi và mức độ đến đâu và bằng điều kiện gì? Đồng thời mỗi cấp đều phải chịu trách nhiệm với nhau và với nhân dân về kết quả thực hiện phân cấp của mình. Như vậy trong quá trình làm việc có sự phân cấp quản lý thì từng cơ quan ở từng cấp địa phương, cơ sở đều có tư cách pháp nhân, quyền hạn, thêm vào đó bên cạnh việc phân cấp thẩm quyền thì còn phải phân cấp các điều kiện đảm bảo thực hiện thẩm quyền như ngân sách, nhân sự, cơ sở vật chất – kỹ thuật cần thiết… Nhưng các cơ quan này vẫn phải hoạt động dưới sự kiểm tra của Nhà nước nhằm vừa phát huy dân chủ, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của địa phương, cơ sở mà vẫn đảm bảo sự điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ.
Để đạt được mục tiêu như vậy thì chúng ta cần phải có những quan điểm và nguyên tắc phân cấp thật đúng đắn. Đầu tiên là chúng ta phải quán triệt quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất, đảm bảo quản lý thống nhất của Chính phủ về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra; nhưng bên cạnh đó vẫn phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Muốn như vậy chúng ta phải xây dựng thống nhất một hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị cơ sở. Sau đó chúng ta phải đảm bảo quyền và việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong việc quyết định thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính đồng thời phát huy dân chủ rộng rãi để nhân dân tham gia vào quá trình quản lý hành chính nhà nước. Bảo đảm nguyên tắc hiệu quản, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và nhân dân thì giao cho cấp đó thực hiện, phân cấp phải rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp. Việc này nhằm khẳng định thái độ dứt khoát về trách nhiệm hành chính đối với cá nhân tổ chức khi được phân cấp quản lý nhưng đồng thời cũng giúp họ hiểu rõ quyền hạn của mình là tới đâu để có thể tận dụng, phát huy tối đa quyền hạn của mình. Làm tốt được việc này tức là đã phát huy được yếu tố dân chủ. Mặt khác thì đối với những vấn đề đã phân cấp, chính quyền cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nhưng đồng thời các bộ, ngành trung ương có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc trái với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thì xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét. Quan điểm này thể hiện sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ trong cơ chế điều hành hoạt động phân cấp quản lý nhà nước, trên cơ sở vẫn tôn trọng quyền tự chủ của chính quyền địa phương.
KẾT LUẬN
Phân cấp quản lý hành chính nhà nước là một khái niệm tương đối mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên cùng với xu thế dân chủ hóa hoạt động hành chính nhà nước thì việc phân cấp quản lý ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Điều này bắt nguồn từ những lợi ích thiết thực của nó là làm tăng hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Biểu hiện cụ thể là nó tạo cơ hội cho sự tham gia của nhân dân, của cộng đồng trong quản lý nhà nước được tăng cao là cho các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước sát thực hơn với điều kiện thực tế và phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hơn, ngoài ra nó còn làm tăng trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước đối với nhân dân, do vậy làm giảm đáng kể tham ô, tham nhũng, lãng phí của công cũng như làm giảm sách nhiễu, quan liêu… Quan trọng hơn phân cấp quản lý giúp giảm bớt áp lực cho Chính phủ do không phải trực tiếp giải quyết những công việc mang tính sự vụ của từng địa phương để tập trung vào những hoạt động mang tính quốc gia, vĩ mô như hoạch định chính sách, ban hành thể chế, tổng kết, đánh giá, kiểm soát…
Chính vì những lợi ích thiết thực như vậy nên cùng song song với việc cải cách hành chính ở Việt Nam thì việc phân cấp quản lý cũng được chú trọng và phát triển hơn.
DANH SÁCH TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trường đại học Luật Hà Nội – Giáo trình luật hành chính (NXB Công an nhân dân – Hà Nội/2008).
ThS. Vũ Văn Nhiêm – Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước (Tạp chí Khoa học pháp luật – số 3/2004).
PGS. TS. Nguyễn Hữu Hải (Học viện hành chính quốc gia) – Phân cấp quản lý hành chính trong thực hiện chương trình cải cách hành chính Nhà nước (bài viết thuộc dự án “Nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm về phân cấp thể chế tại tỉnh Vĩnh Phúc VN/SPF” – do EU tài trợ, được đăng tải trên website:
Một số các website:
+
+
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chứng minh việc phân cấp quản lý là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước.doc