MỤC LỤC
Trang
Lời nói đầu 1
Nội dung 3
I. Khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương. 3
1. Thế nào là hợp đồng mua bán ngoại thương. 3
2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán ngoại thương. 5
2.1. Đặc điểm về chủ thể tham gia ký kết. 5
2.2. Đặc điểm về đối tượng của hợp đồng mua bán ngoại thương. 6
2.3. Đặc điểm về đồng tiền thanh toán. 6
2.4. Đặc điểm về cơ quan giải quyết tranh chấp. 7
2.5. Đặc điểm về trình tự ký kết hợp đồng. 7
2.6. Pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán ngoại thương . 9
II. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng ngoại thương. 9
1. Chủ thể của hợp đồng là bên mua và bên bán phải có đủ tư cách pháp lý. 10
2. Hàng hoá đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được phép mua bán trao đổi theo quy định của pháp luật. 10
3. Hợp đồng mua bán ngoại thương phải có các nội dung chủ yếu theo điều 50 của Luật Thương mại Việt Nam. 10
4. Hình thức của hợp đồng phải là văn bản. 11
Nhận xét và kiến nghị 15
Kết luận 16
18 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1551 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Đặc điểm của hợp đồng mua bán ngoại thương và trình bày một bản hợp đồng ký giữa công ty nước ta với công ty nước ngoài, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời Nói Đầu
Trong hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung, hoạt động ngoại thương nói riêng, sự thành đạt của một doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc kí kết và thực hiện các hợp đồng. Trong số những chủng loại hợp đồng thuộc hợp đồng thường nhật của doanh nghiệp, hợp đồng mua bán ngoại thương giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Khác với hợp đồng mua bán trong nội địa, hợp đồng mua bán ngoại thương được hình thành giữa các doanh nghiệp có trụ sở ở các nước khác nhau nhưng không bắt buộc các doanh nghiệp khác quốc tịch nên khi đối tượng của hợp đồng(hàng hoá, dịch vụ) được chuyển từ người bán sang người mua bắt buộc chúng phải qua biên giới của hai nước. Song thực tế, không phải lúc nào việc mua bán cũng chỉ xaỷ ra giữa hai nước láng giềng, mà còn thể hiện giữa các nước rất xa nhau, có hoàn cảnh địa lý hoàn toàn trái ngược nhau.Khi giao dịch buôn bán quốc tế, một nguyên tắc khá phổ biến là khi bên này chấp nhận những điều kiện của bên kia đưa ra thì khi đó một hợp đồng mua bán được xác lập và có hiệu lực . Vấn đề cốt yếu là giữa hai bên có sự thoả thuận với nhau về nghĩa vụ của từng bên , về việc giao hàng và trả tiền theo các điều kiện cam kết trong hợp đồng .Theo nguyên tắc “ tự do hợp đồng ” đó hai bên mua bán tự do quyết định với nhau về việc hợp đồng mua bán sẽ được thi hành ra sao , cụ thể là giá nào sẽ được tính , thanh toán theo cách nào, ai sẽ chịu những trách nhiệm gì , những tổn phí gì trong việc giao hàng, ai sẽ chịu những rủi ro nào. Tất cả những điều đó phải được hai bên thoả thuận ghi cả vào hợp đồng và trở thành những điều kiện có hiệu lực ràng buộc cả hai bên.
Bên bán và bên mua là những người thuộc quốc tịch khác nhau hoặc cư trú ở các nước , hoặc ở các vùng lãnh thổ khác nhau hoặc có trụ sở đóng ở các nước khác nhau. Họ thanh toán với nhau bằng vàng hoặc ngoại tệ, bằng hàng hoá khác.Phương thức thanh toán phải chặt chẽ để đảm bảo nếu là người bán thì chắc chắn thu được tiền còn nếu là người mua chắc chắn nhận được hàng hoá sau khi đã chuyển tiền thanh toán. Người bán và người mua ngoài việc làm theo luật pháp của nước mình còn phải tôn trọng luật pháp nước đối tác và tập quán quốc tế. Tập quán ở đây là những thói quen được hình thành trong thương mại và hàng hải trong thanh toán quốc tế. Tập quán được lặp đi lặp lại nhiều lần và thường xuyên trở thành thói quen duy nhất ở khu vực, có nội dung cụ thể, có tính hướng dẫn, khi áp dụng chúng không có sự giải thích khác nhau. Nên được công nhận như một quy tắc mặc nhiên phải công nhận .Thông thường hợp đồng mua bán nhất là trong trường hợp gặp vụ giao dịch lớn , có thời hạn lâu dài hoặc khi mối quan hệ hợp đồng đặc biệt phức tạp phải được lập thành văn bản .
Như vậy, khi hai bên kí kết hợp đồng mua bán , thì hai bên có thể chắc chắn rằng quan hệ pháp lý của họ được xây dựng trên một tiêu chuẩn quốc tế công bằng và hợp lý. Trong kinh doanh xuất nhập khẩu, hợp đồng mua bán ngoại thương là loại văn bản giao dịch chủ yếu, quan trọng và phổ biến nhất . Kết quả kinh doanh hàng hoá chủ yếu phụ thuộc vào hợp đồng mua bán – nó là một dạng hợp đồng mua bán có những đặc trưng riêng và có điểm khác với một hợp đồng kinh tế.
Chính vì những yếu tố trên nên em đã chọn đề tài ‘’ Đặc điểm của hợp đồng mua bán ngoại thương và trình bày một bản hợp đồng ký giữa công ty nước ta với công ty nước ngoài mà em biết’’
Nội dung
I. Khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương.
1. Thế nào là hợp đồng mua bán ngoại thương.
Để hiểu rõ hơn về hợp đồng mua bán ngoại thương ta có thể xem xét một vài khái niệm sau:
-Hợp đồng kinh tế là văn bản được ký kết giữa các bên tham gia nhằm sản xuất mua bán, lưu thông hàng hoá hoặc trao đổi dịch vụ, nghiên cứu liên doanh ,
liên kết sản xuất hoặc nhằm bất kỳ mục đích liên doanh nào , để thực hiện tốt kế hoạch của bản thân các bên ký kết và nhằm thu lợi nhuận .
- Hợp đồng thương mại là một dạng hợp đồng kinh tế trong đó cả hai bên hoặc ít nhất một trong hai bên là thương nhân (người tiến hành các hoạt động kinh tế , mang tính chất kinh doanh thu lợi nhuận)và mục đích ký hợp đồng là để thu lợi nhuận.
- Hợp đồng mua bán hàng hóa là một dạng hợp đồng thương mại , thể hiện sự thoả thuận giữa các bên đối tác – có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực pháp lý- trong đó một bên (gọi là người bán) cam kết chuyển vào quyền sở hữu của bên kia một tài sản nhất định, (hàng hoá) bên kia (người mua) cam kết nhận hàng và trả số tiền ngang bằng giá trị hàng hoá đã nhận.
Có thể nói khái niệm hợp đồng mua bán sẽ có nhiều cách khác nhau nhưng dù là khái niệm nào đi chăng nữa thì nó cũng thể hiện là một hợp đồng mua bán mang tính chất quốc tế. Cụ thể như:
Theo công ước La Haye 1964 về mua bán quốc tế những động sản hữu hình hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một loại mua bán hàng hoá trong đó các bên kí kết có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, hàng hoá được chuyển từ nước này sang nước khác, hoặc việc trao đổi ý chí kí kết hợp đồng giữa các bên được thiết lập ở những nước khác nhau.
Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán quốc tế ( Công ước quốc tế Viên 1980) quan niệm hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là sự thoả thuận giữa các bên có trụ sở thương mại đặt ở những nước khác nhau.
So sánh hai khái niệm trên ta thấy được tính chất quốc tế thể hiện ở những điểm:
+Chủ thể của hợp đồng có thể có trụ sở thương mại ở những nước khác nhau.
+ Hàng hoá là đối tượng của hợp đồng có thể được chuyển (hoặc sẽ được chuyển) từ nước này sang nước khác.
+ Chào hàng và chấp nhận hàng có thể được lập ở các nước khác nhau.
Trong khi đó Công ước Viên 1980 chỉ đưa ra một tiêu chuẩn để xác định một hợp đồng là hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, đó là các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau.
Theo luật thương mại Việt nam năm 1998: hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài là hợp đồng mua bán hàng hoá được kí kết giữa một bên là thương nhân Việt nam với một bên là thương nhân nước ngoài. Như vậy, khái niệm về hợp đồng mua bán ngoại thương trong Luật thương mại Việt Nam gần giống với khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế ở công ước Viên 1980, nhưng khái niệm hợp đồng mua bán ngoại thương theo Luật thương mại Việt Nam mang tính khái quát hơn, bởi lẽ các hợp đồng trao đổi hàng hoá giữa các doanh nghiệp trong khu chế xuất, giữa các cơ sở kinh doanh hàng hoá miễn thuế với cấc doanh nghiệp trong nước cũng được coi là hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (Nghị định số 36 CP ngày 24/4/1997 về khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và quyết định 195 TTg ngày 8/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về cửa hàng kinh doanh miễn thuế)
Theo quy định của Pháp, tính chất quốc tế hợp đồng ngoại thương có tiêu chuẩn:
+ Tiêu chuẩn kinh tế: Hợp đồng ngoại thương tạo ra sự di chuyển hàng hoá qua biên giới các nước.
+ Tiêu chuẩn pháp lý: Hợp đồng ngoại thương bị chi phối bởi các tiêu chuẩn pháp lý của các quốc gia như quốc tịch và cư trú ở các bên, nơi thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nơi thanh toán...
Qua tất cả những điều ở trên chúng ta có thể hiểu được khái niệm chung về một hợp đồng mua bán ngoại thương như sau:
Hợp đồng mua bán ngoại thương còn gọi là hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hoặc hợp đồng xuất nhập khẩu là sự thoả thuận giữa các chủ thể có trụ sở thương mại ở các nước khac nhau, theo đó người bán ( người xuất khẩu) có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua (người nhập khẩu) người có nghĩa vụ trả tiền cho người bán và nhận hàng theo thoả thuận.
Từ khái niệm chung khái quát đó ta sẽ xét xem hợp đồng mua bán ngoai thương có những đặc điểm nào chủ yếu.
2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán ngoại thương.
Trong hợp đồng mua bán ngoại thương gồm có 6 đặc điểm chủ yếu sau:
2.1. Đặc điểm về chủ thể tham gia ký kết.
Chủ thể ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương là thương nhân có trụ sở thương mại đặt ỏ các nước quốc gia khác nhau. Thương nhân có thể là thể nhân hoặc pháp nhân. Thương nhân thường được xác định theo luật mà thương nhân đó mang quốc tịch. Thương nhân muốn kí kết hợp đồng mua bán ngoại thương cần phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo luật mà thương nhân đó mang quốc tịch. Thương nhân là tổ chức phải có tư cách pháp nhân. Điều 81 khoản 1 Luật thương mại Việt Nam quy định: Chủ thể của hợp đồng là bên mua và bên bán phải có đủ tư cách pháp lý, chủ thể bên Việt Nam là thương nhân được phép hoạt động thương mại ở Việt Nam.Thương nhân phải là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật Việt nam, được phép xuất nhập khẩu hàng hoá theo ngành nghề đăng kí kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh( Nghị định 57 ngày 31/7/1998 quy định chi tiết thi hành Luật thương mại).
2.2. Đặc điểm về đối tượng của hợp đồng mua bán ngoại thương.
Đối tượng cuả hợp đồng mua bán ngoại thương là hàng hoá được phép chuyển qua biên giới, hoặc chuyển từ khu chế xuất vào thị trường nội địa và ngược lại theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, pháp luật các quốc gia đều quy định những mặt hàng thuộc diện cấm xuất nhập khẩu. ở Việt nam Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 46/2001/QĐ- TTg ngày 4/4/2001 về quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá thời kì 2001- 2005. Theo đó, quy định danh mục hàng hoá cấm xuất và những mặt hàng cần có giấy phép xuất nhập khẩu của Bộ thương mại trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2005.
2.3. Đặc điểm về đồng tiền thanh toán.
Đồng tiền thanh toán trong hợp đồng mua bán ngoại thương có thể là ngoại tệ đối với một bên , là ngoại tệ , hoặc là nội tệ đối với cả hai bên . Ví dụ thương nhân Việt Nam và thương nhân Pháp cam kết với nhau sẽ thanh toán hàng hoá , dịch vụ bằng USD. Trong trường hợp này đồng tiền thanh toán đối với cả hai bên là ngoại tệ. Cũng có trường hợp đồng tiền thanh toán trong hợp đồng mua bán ngoại thương lại là ngoại tệ đối với hai bên tham gia ký kết hợp đồng. Ví dụ như hai thương nhân đều mang quốc tịch Mỹ nhưng đặt trụ sở ở các nước khác nhau thoả thuận về đồng tiền thanh toán trong hợp đồng mua bán ngoại thương là USD. Như vậy đồng tiền thanh toán trong hợp đồng mua bán ngoại thương phụ thuộc hoàn toàn vào sự thoả thuận của các bên ký kết hợp đồng, nó có thể là đồng tiền của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu, hoặc có thể là đồng tiền của một nước thứ ba miễn sao sự lựa chọn đồng tiền thanh toán đảm bảo được lợi ích của các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương.
2.4. Đặc điểm về cơ quan giải quyết tranh chấp.
Theo nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế , cũng như theo pháp luật của các quốc gia thì trong mua bán hàng hoá quốc tế , các bên ký kết hợp đồng có quyền tự do thoả thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán ngoại thương. Thông thường người ta quy định thành một điều khoản trong hợp đồng. Nếu các bên không ghi trong hợp đồng về điều khoản trọng tài hay toà án thì họ vẫn có quyền thoả thuận lựa chọn bất cứ một cơ quan trọng tài hay một toà án nào đó để giải quyết tranh chấp. Theo công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài thì thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản.
2.5. Đặc điểm về trình tự ký kết hợp đồng.
Đối với hợp đồng mua bán ngoại thương nếu các bên gặp nhau trực tiếp để thoả thuận và ký kết sẽ tốn kém về tiền bạc và thời gian nhiều hơn so với trường hợp đàm phán ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá trong nước. Bởi vậy hình thức ký kết hợp đồng gián tiếp thường được sử dụng phổ biến hơn hình thức ký kết hợp đồng trực tiếp. Hình thức ký kết hợp đồng gián tiếp được thông qua thư tín , fax, telex, đơn chào hàng , đơn chấp nhận hàng, đơn đặt hàng....Luật thương mại Việt Nam quy định chào hàng là một đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá trong một thời gian nhất định , được chuyển cho một hay nhiều người nhất định và phải có nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hoá theo quy định tại điều 50 của luật thương mại hàng hoá. Chào hàng gồm chào bán hàng và chào mua bán hàng. Như vậy , một đơn chào hàng phải đảm bảo những tiêu chuẩn pháp lý nhất định theo quy luật của pháp luật như điều kiện có hiệu lực của đơn chào hàng nội dung của nó phải gồm các điều khoản chủ yếu của một hợp đồng , trong đơn chào hàng phải nêu rõ thời gian có hiệu lực và điều kiện huỷ bỏ đơn chào hàng . Điều 14 công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế quy định chào hàng phải được gửi đến đích danh cho một hoặc nhiều người với nội dung rõ ràng về tên hàng, số lượng, phẩm chất, quy cách và giá cả của hàng hóa. Công ước Viên 1980 phân ra hai loại chào hàng đó là chào hàng tự do và chào hàng cố định.
- Chào hàng tự do (chào hàng không cam kết ) là loại chào hàng gửi cho nhiều bạn hàng cùng một lúc . Nó không ràng buộc trách nhiêm người phát ra đơn chào hàng , họ có quyền sửa đổi , rút lại bất cứ lúc nào trước khi có sự chấp nhận chào hàng. Việc người được chào hàng chấp nhận hoàn toàn các điều kiện của chào hàng tự do không có ý nghĩa là hợp đồng đã được ký kết . Muốn có hợp đồng đòi hỏi phải có sự chấp nhận của người phát ra đơn chào hàng.
- Chào hàng cố định (chào hàng có cam kết) là việc người chào bán một lô hàng bị rằng buộc vào lời đề nghị của mình . Trong thời gian này nếu người mua chấp nhận vô điều kiện chào hàng đó thì coi như hợp đồng đã được ký kết. Nếu như trong đơn chào hàng cố định người chào hàng không nói rõ thời gian có hiệu lực thì thời hạn được tính theo thời hạn hợp lý tuỳ theo tính chất loại hàng tuỳ theo độ xa cách giữa người bán và người mua và tuỳ theo tập quán của từng nước . ở Việt Nam thời hạn hợp lý theo luật Việt Nam là 30 ngày . Điều 396 bộ luật dân sự Việt Nam quy định: khi một bên đề nghị bên kia giao kết hợp đồng có nêu rõ nội dung chủ yếu của hợp đồng và thời hạn trả lời thì không được mời người thứ ba giao kết trong thời hạn chờ trả lời và phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình .
Chấp nhận chào hàng là thông báo của bên được chào hàng chuyển cho bên chào hàng về việc chấp nhận toàn bộ các nội dung đã nêu trong bên chào hàng ( điều 51 khoản 2 luật thương mại Việt Nam )
Theo luật thương mại Việt Nam hợp đồng được coi là đã ký kết khi:
+ Các bên có mặt trực tiếp có mặt ký kết vào hợp đồng
+ Chấp nhận vô điều kiện của người được chào hàng phải gửi trong điều kiện có hiệu lực của chào hàng( trường hợp chào hàng cố định)
+ Chấp nhận vô điều kiện của người được chào hàng phải được người chào hàng chấp nhận (trường hợp chào hàng tự do)
Theo luật thuộc hệ thống luật Anh-Mỹ , khi người được chào hàng gửi chấp nhận vô điều kiện tới người chào hàng thì thời điểm gửi chấp nhận là thời điểm ký kết hợp đồng . Thuyết tiếp thu của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa và pháp luật Việt Nam thì thời điểm người chào hàng nhận được chấp nhận hàng vô điều kiện từ người được chào gửi tới là thời điểm hợp đồng được ký . Một đơn chấp nhận chào hàng muốn có hiệu lực về mặt pháp luật phải thoả mãn những điều kiện sau:
- Phải được chính người chào hàng chấp nhận.
- Phải đồng ý toàn bộ và vô điều kiện mọi điều khoản của đơn chào hàng.
- Phải chấp nhận trong thời hạn có hiệu lực của đơn chào hàng
- Chấp nhận phải được truyền đạt đến người phát ra đơn chào hàng
2.6. Pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán ngoại thương .
Do hợp đồng mua bán ngoại thương là loại hợp đồng có yếu tố nước ngoài nên luật áp dụng cho loại hợp đồng này phức tạp hơn so với luật áp dụng cho hợp đồng mua bán trong nứơc . Nguồn luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán ngoại thương bao gôm : điều ước quốc tế , và luật quốc gia , tập quán thương mại quốc tế và một số nước ...
II. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng ngoại thương.
Khi kí kết hợp đồng kinh tế nói chung và hợp đồng mua bán ngoại thương nói riêng các bên tham gia kí kết hợp đồng phải tuân theo các điêu kiện của hợp đồng được quy định trong văn bản pháp luật. Trường hợp không tuân theo các điều kiện đó thì hợp đồng coi như không có giá trị về mặt pháp lý hay hợp đồng vô hiệu. Theo điều 81 Luật Thương mại Việt Nam một hợp đồng mua bán ngoại thương có hiệu lực pháp luật phải hội tụ đủ 4 yếu tố sau:
1. Chủ thể của hợp đồng là bên mua và bên bán phải có đủ tư cách pháp lý.
Về phía nước ngoài: Chủ thể kí kết hợp đồng có thể là cá nhân hay pháp nhân theo quy định của pháp luật mà họ mang quốc tịch hoặc do nước sở tại quy định.
Về phía Việt Nam: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của luật pháp Việt Nam. Theo luật công ty, luật doanh nghiệp... doanh nghiệp có cơ sở sản xuất, cung ứng hàng xuất khẩu ổn định, có thị trường tiêu thụ ổn định ở nước ngoài, đội ngũ cán bộ có trình độ, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương...Theo Nghị định 57/1998/ NĐ-CP của Chính Phủ các doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh đều được kinh doanh XNK trực tiếp với ngành hàng đã đăng ký kinh doanh (Trừ những mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch)
-Người kí hợp đồng phải là người hợp pháp của công ty.
+ Nếu HĐNT được kí kết giữa các cá nhân hoặc thương nhân cá thể hoặc các doanh nghiệp thương nhân với nhau thì chủ doanh nghiệp là người kí hợp đồng.
+ Nếu hợp đồng được kí giữa các tổ chức thì người kí hợp đồng phải là người được pháp luật thừa nhận có quyền đại diện cho công ty, chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế về những hành vi mua- bán và hàng hoá được mua- bán.
Như vậy, người kí hợp đồng phải là giám đốc công ty hoặc người được giám đốc uỷ quyền một cách hợp pháp.
2. Hàng hoá đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được phép mua bán trao đổi theo quy định của pháp luật.
3. Hợp đồng mua bán ngoại thương phải có các nội dung chủ yếu theo điều 50 của Luật Thương mại Việt Nam.
Trong hợp đồng không chứa những nội dung gì tráivới luật pháp hiện hành của các bên, vì vậy trước khi kí kết hợp đồng các bên phải nghiên cứu kỹ thuật luật pháp của cả hai nước. Điều 50 Luật Thương mại Việt nam, có hiệu lực từ ngày1/1/1989 quy định hợp đồng mua bán ngoại thương muốn có hiệu lực, mgoài việc giới thiệu các bên đối tác, bắt buộc phải có đủ 6 nội dung chính sau:
+ Tên hàng.
+ Số lượng.
+ Quy cách, phẩm chất, chất lượng hàng hoá.
+ Giá cả và điều kiện giao hàng.
+ Thanh toán.
+ Địa điểm và thời hạn giao- nhận hàng hoá.
Ngoài nội dung chủ yếu được quy định trên đây, các bên có thể thoả thuận thêm nội dung khác trong hợp đồng tuỳ theo tính chất và đặc điểm của từng thương vụ nhằm rằng buộc nghĩa vụ của các bên một cách chặt chẽ và bảo đảm quyền lợi của cả người mua và người bán.
4. Hình thức của hợp đồng phải là văn bản.
Sau đây là bản hợp đồng kí kết giữa Công ty Nhựa Hàm Rồng với Công ty thương mại hoá chất CCC của TháI Lan
Hợp đồng
Số SC.03/313
Ngày30/6/2003
Người bán : Công ty thương mại hoá chất CCC
Số 1 đường Siam Cement , Bangsue, Bangkok 10800 , Thai Lan
Do ông Prapat chinweerapunt- Giám đốc làm đại diện
Người mua hàng : Công ty nhự a Hàm Rồng
4 Phùng Hưng, Hà Nội
Điện thoại 84.4.9272575 Fax: 84.4.9272575
Số tàI khoản : 7301 0254 tại ngân hàng đầu tư và phát triển VN
Do ông Vũ Ngọc Sơn- Giám đốc đại diện
Người bán và người mua đồng ý ký kết hợp đồng này theo điều khoản và điều kiện như sau:
Điều 1: Hàng hoá- số lượng – đơn giá- thanh toán
Hàng hoá : Hạt nhựa Polyethylene và hạt nhựa Polypropylene
Xuất xứ: TháI Lan
Đóng gói : 25 kg trong 1 bao
Số lượng : 34 MT
Bảo hiểm : Người bán sẽ mua bảo hiểm theo điều kiện A ( mọi rủi ro) cho 110% giá trị hoá đơn, thanh toán bảo hiểm tại Việt Nam
Thanh toán: 100% giá trị hoá đơn bằng thư tín dụng không huỷ ngang , trả ngay cho người thụ hưởng là Công ty thương mại hoá chất CCC. Thông báo và thanh toán qua ngân hàng thương mại Siam PLC. Trụ sở chính tại Bangkok TháI Lan
Tổng giá trị : 23.342,5 Đô la Mỹ CIF- HảI Phòng
Tên hàng
Loại
Số lượng
(+/- 5%)
Đơn giá
CIF- HP
Thành tiền
( USD) +/- 5%
Hạt nhựa Polyethylene
H5840B
14.0 MT
655.00
9,170.00
Hạt nhựa Polyethylene
H5818J
3,5 MT
655.00
2,292.50
Hạt nhựa Polypropylene
P400S
16.5 MT
720.00
11,880.00
Tổng giá trị
34.0 MT
CIF – HP
23,342.50
Điều 2: Giao hàng
Thòi hạn: Chậm nhất 21 tháng 7 năm 2003, phụ thuộc vào nhận được thư tín dụng cho tổng giá trị hợp đồng được mở chậm nhất vào ngày 3 tháng 7 năm 2003. Trong trường hợp chậm mở thư tín dụng , người bán có thể chậm giao hàng
Cảng giao hàng : Bất kỳ cảng nào tại TháI Lan
Cảng dỡ hàng : Cảng HảI Phòng
Chuyển tảI : Được phép
Giao hàng từng phần: Không được phép
Chứng từ :
2/3 vận đơn sạch đã giao lên tàu, cước trả trước
Hoá đơn thương mại
Bản phiếu đóng gói chi tiết
Giấy chứng nhận xuất xứ do Phòng thương mại Thai Lan cấp
Giấy chứng nhận chất lượng do người bán cấp
Giấy chứng nhận bảo hiểm
Điều khoản khác: 01 hoá đơn thương mại , 01 phiếu đóng gói và 1/3 vận đơn được giao bằng đường hàng không cho người mua trong vòng 4 ngày kể từ ngày giao ( Bản copy giấy biên nhận DHL để trình ngân hàng được chấp nhận)
Thời gian trình chứng từ trong vòng 21 ngày kể từ ngày giao hàng
Điều 3: Điều khoản chung:
- Hai bên phảI thực hiện nghiêm chỉnh những quy định trong hợp đồng. Bất kỳ sự tranh chấp nào trước hết phảI được giảI quyết bằng thương lượng. Nếu không thương lượng được, hai bên đồng ý chọn trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tại Việt Nam để giải quyết theo ICC. Quyết định của trọng tàI là chung thẩm và ràng buộc với hai bên , án phí sẽ do bên thua kiện chịu
- Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ký . Bất kỳ sự thay đổi hoặc bổ xung phảI được hai bên đồng ý và lập thành văn bản
- Các điều kiện của L/C phảI phù hợp với hợp đồng
- Bản fax của hợp đồng được phép chấp nhận
Incotems 2000 : Trong trường hợp có nghi ngờ gì về những điều kiện thương mại , hai bên có thể tham chiếu đến Inc0term 2000
Đại diện người bán
Đại diện người mua
Nhận xét và kiến nghị
Qua bản hợp đồng mua bán ngoại thương được kí kết giữa hai công ty chúng ta nhận thấy:
- Nội dung chính trong một bản hợp đồng phải phản ánh về quyền lợi, trách nhiệm giữa các bên đối với nhau.
- Các bên trong nước và ngoài nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhau hưởng các quyền lợi và làm các nghĩa vụ trong quá trình hợp tác và đầu tư.
- Việc giải quyết tranh chấp xảy ra do các bên lựa chọn biện pháp giải quyết, được quyền chọn cơ quan tài phán cũng như luật áp dụng trong trường hợp tranh chấp không giới hạn ở Việt Nam mà có thể chọn ở nước ngoài hoặc tự thoả thuận thành lập một Hội đồng trọng tài để giải quyết.
-Nếu bên VN bao gồm nhiền thành viên tham gia thì nêu thông tin về từng thành viên. Nếu là hợp tác hai bên thì nêu rõ người đại diện có thẩm quyền cho các bên việt Nam tham gia hợp đồng.
-Nếu bên nước ngoài gồm nhiều thành viên tham gia thì nêu thông tin về từng thành viên. Nếu là hợp tác hai bên thì nêu rõ người đại diện có thẩm quyền cho các bên nước ngoài tham gia hợp đồng.
-Các bên chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung trong hợp đồng kí kết.
-Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Kết luận
Tóm lại hợp đồng là sự thoả thuận giữa các cá nhân , tổ chức để xác lập thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ của hai bên tham gia một quan hệ nhất định và để thực hiện kế hoạch của mình. Hợp đồng là sự thống nhất ý chí giữa các bên ký kết trên cơ sở tự nguyện bình đẳng tuy nhiên sự thoả thuận , thống nhất ý chí đó phải phù hợp , tôn trọng ý chí lợi ích chung của cả xã hội, của Nhà nước
Thực tiễn đã chứng minh trong thời đại ngày nay khi trình độ quốc tế hoá đời sống kinh tế ngày càng cao, nhu cầu hội nhập quốc tế là nhu cầu không thể thiếu và ngày càng phải được mở rộng. Các quốc gia sẽ không thể phát triển, không theo kịp sự phát triển của thế giới và sẽ bị tụt hậu nếu thực hiện chính sách cô lập. Các quốc gia đều có ý thức được giá trị to lớn của việc hội nhập kinh tế toàn cầu đặc biệt là các quan hệ trao đổi hàng hoá quốc tế đang ngày càng được phát triển sâu rộng hơn. Đó cũng chính là những điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế mở rộng buôn bán ngoại thương với các nước và các tổ chức kinh tế trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Tài liệu tham khảo
1. Giáo trình luật hợp đồng:Trường đại học Quản lý và kinh doanh Hà nội
2. Giáo trình luật kinh tế Việt nam: Trường đại học Quốc gia Hà nội-Đại học xã hội và nhân văn Hà nội(nhà xuất bản Quốc gia 1997)
3. Tạp chi thương mại số 26
Mục lục
Trang
Tài liệu tham khảo 17
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 35594.doc