MỤC LỤC
MỤC LỤC Trang 2
Phần I: MỞ ĐẦU Trang 3
Chương I: ĐẶC TÍNH CỦA NGÔN NGỮ VỚI TƯ CÁCH LÀ CHẤT LIỆU CỦA NGHỆ THUẬT VĂN
Trang 3
1.Tình phổ biến, toàn dân Trang 3
2.Tín hiệu ngôn ngữ là tín hiệu mang nghĩa Trang 4
3.Tính võ đoán Trang 4
4.Tính hình tuyến Trang 7
5.Tính biểu cảm Trang 7
Chương II: NHỮNG ƯU THẾ VÀ HẠN CHẾ CỦA CHẤT LIỆU NGÔN NGỮ KHI XÂY DỰNG TÁC PHẨM VĂN
Trang 9
I.Ưu thế Trang 9
II.Hạn chế Trang 11
Phần III: KẾT LUẬN Trang 13
THƯ MỤC THAM KHẢO
Trang 14
14 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 6439 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Đặc tính của ngôn ngữ với tư cách là chất liệu của nghệ thuật văn chương và những ưu thế và hạn chế của của chất liệu ngôn ngữ khi xây dựng tác phẩm văn chương, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
MỤC LỤC
Trang 2
Phần I:
MỞ ĐẦU
Trang 3
Chương I:
ĐẶC TÍNH CỦA NGÔN NGỮ VỚI TƯ CÁCH LÀ CHẤT LIỆU CỦA NGHỆ THUẬT VĂN
Trang 3
1.Tình phổ biến, toàn dân
Trang 3
2.Tín hiệu ngôn ngữ là tín hiệu mang nghĩa
Trang 4
3.Tính võ đoán
Trang 4
4.Tính hình tuyến
Trang 7
5.Tính biểu cảm
Trang 7
Chương II:
NHỮNG ƯU THẾ VÀ HẠN CHẾ CỦA CHẤT LIỆU NGÔN NGỮ KHI XÂY DỰNG TÁC PHẨM VĂN
Trang 9
I.Ưu thế
Trang 9
II.Hạn chế
Trang 11
Phần III:
KẾT LUẬN
Trang 13
THƯ MỤC THAM KHẢO
Trang 14
Phần I: MỞ ĐẦU
Hình tượng nghệ thuật không bao giờ tồn tại một cách chung chung, trừu tượng mà luôn gắn liền với một chất liệu cụ thể. Tính chất đặc trưng của một loại hình nghệ thuật gắn liền với đặc điểm và khả năng nghệ thuật của chất liệu dùng làm cơ sở cho nghệ thuật đó. Một tác phẩm âm nhạc được tạo nên từ sự phối hợp những nốt nhạc, màu sắc là chất liệu cơ bản của nghệ thuật hội hoạ… Và văn học lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng tác phẩm. Chính vì vậy sẽ không hiểu được đặc trưng của văn học nếu bỏ qua đặc trưng của chất liệu ngôn ngữ. Mối quan hệ giữa hình tượng và chất liệu không phải là sự kết hợp bề ngoài mà là sự thâm nhập, xuyên thấu vào nhau, là phương thức tồn tại của hình tượng… Người nghệ sĩ ngay khi sáng tác đã dựa trên các khả năng của chất liệu. Nhà điêu khắc tư duy bằng hình khối, nhạc sĩ tư duy bằng âm sắc. Cũng như vậy, nhà văn không thể tư duy bên ngoài các khả năng nghệ thuật của ngôn từ.
Với khuôn khổ có hạn của bài tập tiều luận này, chúng tôi xin dừng lại ở việc tìm hiều hai vấn đề: “Đặc tính của ngôn ngữ với tư cách là chất liệu của nghệ thuật văn chương và những ưu thế và hạn chế của của chất liệu ngôn ngữ khi xây dựng tác phẩm văn chương”.
Phần II: NỘI DUNG
Chương I: ĐẶC TÍNH CỦA NGÔN NGỮ VỚI TƯ CÁCH LÀ CHẤT LIỆU CỦA NGHỆ THUẬT VĂN
1.Tình phổ biến, toàn dân:
Như chúng ta đều biết, ngôn ngữ là một công cụ mang tính toàn dân, phổ cập cao. Mọi người, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp… đều sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp, tư duy, nhận thức… hàng ngày của mình. Đó là tài sản chung của xã hội và ai cũng có khả năng sở hữu. Sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu xây dựng tác phẩm văn chương, ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương cũng mang đặc tính phổ biến, toàn dân này. Do vậy, văn chương dễ đến với mọi người, dễ lĩnh hội và sáng tạo.
Chất liệu ngôn ngữ đi vào tác phẩm văn chương đều được chọn lọc, tinh luyện. Tuy nhiên, điều quan trọng là chất liệu ngôn ngữ được tinh luyện hoặc biến đổi theo chính những quy tắc, phương thức trong ngôn ngữ hàng ngày. Chúng ta có thể lấy một số ví dụ cụ thể như: Những ngôn ngữ hàng ngày như cún con, thỏ con… có thể dùng để ngưòi mẹ nựng đứa con của mình. Và đi vào văn học là những lời ca dao ngọt ngào:
“ Cái cò mày ngủ cho ngơan
Mẹ mày đi cấy đường xa chưa về”
Rõ ràng, hình ảnh con cò không có gì là xa lạ với mỗi người dân Việt Nam. Và như vậy, hình ảnh con cò đi vào trong văn học, với phương thức ẩn dụ, người đọc có thể dễ dàng liên tưởng và hiểu được cách gọi âu yếm những em bé nhỏ…
Như vậy, có thể khẳng định ngôn ngữ văn chương có giá trị nghệ thuật rất rõ nhưng không cách biệt với ngôn ngữ sinh hoạt thông thường, mọi sự chuyển hoá với tư cách là các biện pháp nghệ thuật đều có cơ sở trong ngôn ngữ sinh hoạt thông thường. Điều này giúp ngôn ngữ văn chương gần gũi với mọi người và tạo được hiệu quả nhất định trong tiếp nhận và sáng tạo.
2. Tín hiệu ngôn ngữ là tín hiệu mang nghĩa:
Chất liệu ngôn ngữ là một chất liệu chứa đựng nội dung, ý nghĩa. Ngôn ngữ khi được sử dụng để sáng tạo nghệ thuật đã là một phương tiện để biểu hiện ý nghĩa. Mỗi tín hiệu ngôn ngữ như từ luôn luôn có hai mặt hình thức và nội dung. Các chất liệu của các ngành nghệ thuật khác như đồng, thạch cao… bản thân nó không mang nghĩa. Nghệ thuật múa lấy vóc dáng cơ thể, động tác, các bộ phận cơ thể để xây dựng các điệu múa, nhưng bản thân các động tác hay bộ phận cơ thể này không mang nghĩa. Khi Xuân Diệu diễn tả các bước đi của thời gian trong Đây mùa thu tới: “ Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”. Khi đọc câu thơ ta có thể hình dung ra bước chuyển tế vi của thời gian thể hiện qua sắc lá. Khi tách từng từ trong câu thơ, bản thân các từ đó đều mang nghĩa. Điều này giúp cho các tín hiệu ngôn ngữ khi đi vào tác phẩm ngôn ngữ được hiện thực hóa và dễ dàng chuyển thành các tín hiệu thẩm mỹ.
3. Tính võ đoán:
Theo Saussure, quan hệ hai mặt của tín hiệu ngôn ngữ: Cái biểu hiện và cái được biểu hiện không có lý do, nghĩa là không có mối quan hệ tất yếu, giữa hai mặt này chỉ có mối quan hệ do quy ước của xã hội, do vậy ngôn ngữ mang tính võ đoán. Trong thực tế, tính võ đoán có nhiểu mức độ biểu hiện khác nhau, mức độ cao nhất là những từ thuộc lớp từ vựng cơ bản. Mức độ thấp là các thán từ - những từ ghi lại âm thanh mà con người phát ra khi muốn bộc lộ một cảm xúc nào đó: A, ô, ái chà... Các từ tượng thanh: Ầm ầm, róc rách… Tính quy ước nổi rõ hơn ở những từ được cấu tạo phái sinh, đối với Tiếng Việt là những từ láy hoặc từ ghép như xe máy, xe đạp…
Những từ chuyển nghĩa: Nghĩa đen mang tính võ đoán, với nghĩa chuyển mối quan hệ đó một phần có lý do. Ví dụ từ láy “nồng nặc” chỉ về mùi vị hơn mức bình thường, khi ta dùng trong câu : “Giọng khê nồng nặc” nhằm biểu hiện một giọng nói với tất cả âm sắc, cách sử dụng ngôn từ… không được như mức bình thường.
Chính vì vậy, tính võ đoán của tín hiệu ngôn ngữ đã làm cho ngôn ngữ trở thành một chất liệu mềm dẻo, linh hoạt, luôn chuyển hoá để biểu hiện nội dung ý nghĩa vô cùng phong phú và phức tạp của con người. Khi đi vào tác phẩm văn học, cả hai phương diện cái biểu hiện và cái được biểu hiện đều có thể thay đổi để phục vụ cho mục đích nghệ thuật.
Cái biểu hiện là hình thức âm thanh, vừa phải cố định để trở thành phương tiện chung của xã hội nhưng vừa biến đổi tuỳ thuộc vào ngữ cảnh. Trong Việt Bắc của Tố Hữu: “Mình đi, mình lại nhớ mình” thì mình 1 và mình 2 là chủ ngữ, mình 3 là bổ ngữ cho động từ nhớ. Không chỉ người dân Việt Bắc nhớ người về xuôi mà bản thân người về xuôi cũng quyến luyến, cũng thiết tha, cũng trân trọng, cũng nhớ về “mình” trong những tháng ngày ở Việt Bắc. Câu thơ vì thế mà thấm thía, xúc động hơn. Về phương diện tu tử?, biểu hiện các sắc thái tính cảm, để đạt được hiệu quả giao tiếp cao, hình thức âm thanh của tiếng Việt vẫn có thể được biến đổi bằng cách tách âm tiết, chen các yếu tố khác vào giữa:
“Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây”
Từ vội, vàng được tách thành “mà vội mà vàng” đã nhấn mạnh hơn trạng thái vội vàng của hành động, tạo được tính biểu cảm cao hơn cho ngôn ngữ.
Về mặt cái được biểu hiện thì đây là bình diện mà trong giao tiếp hàng ngày từ cũng có thể biến đổi. Điều này thể hiện rõ nhất trong các tác phẩm văn chương. Các tác giả văn học trung đại thường lấy hình ảnh cây Tùng, cây Thông để thể hiện khí phách của mình. Nguyễn Trãi đã có ba bài thơ miêu tả cây Tùng để thể hiện phẩm chất của người quân tử. Nguyễn Công Trứ thì dõng dạc: “ Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”…
Có những trường hợp trong tác phẩm văn học, một câu thơ rất nhiều từ được dùng với nghĩa chuyển, chúng trở thành những tín hiệu thẩm mỹ, mang ý nghĩa mới, thích hợp với ý nghĩa chung của toàn bộ tác phẩm. Khi Chế Lan Viên sáng tác bài thơ Tiếng hát con tàu, chưa có đoàn tàu lên Tây Bắc nhưng tác giả đã mượn hình ảnh của những con tàu để thể hiện khát vọng, không khí cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở miền núi Tây Bắc vào những năm 1958 – 1960.
“ Anh có nghe gió ngàn đang vẫy gọi
Ngoài cửa ô tàu đói những vành trăng”
Con tàu đang vẫy gọi ấy chính là để thể hiện khát vọng hoà nhập hiện thực cuộc sống của cây bút thơ mới trong một thời gian dài là trí thức trùm chăn. Những vành trăng là ẩn dụ cho hiện thực cuộc sống mới, hiện thực cuộc sống xã hội chủ nghĩa đang chờ đón những nhà văn khai thác, khám phá, phản ánh.
Như vậy, khi trở thành tín hiệu thẩm mỹ trong tác phẩm văn chương, cả 2 mặt của tín hiệu ngôn ngữ thông thường đều có thể chuyển hoá, có những sự chuyển hoá xảy ra lần đầu tiên, không có lần thứ hai, điều này tạo tính hấp dẫn và giá trị nghệ thuật sinh động cho tác phẩm.
4. Tính hình tuyến:
Tính hình tuyến của ngôn ngữ được hiểu là tính kế tiếp của các tín hiệu ngôn ngữ theo một chiều, một tuyến. Vốn là vật? nghe được, cái biểu hiện của tín hiệu ngôn ngữ diễn ra trong thời gian và có những đặc điểm vốn là của thời gian. Nó có một bề rộng và bề rộng đó chỉ có thể đo trên một chiều mà thôi, đó là một đường chỉ hoặc một tuyến.
Các tín hiệu ngôn ngữ không thể đồng thời xuất hiện. Đây là đặc điểm khác biệt với các loại hình nghệ thuật khác như kiến trúc, hội hoạ… Nhà họa sỹ có thể miêu tả mùa thu qua một bức tranh nhưng nhà văn thì phải miêu tả lần lượt các cảnh trong bức tranh thu đó.
Khi chuyển sang chữ viết, tính hình tuyến của ngôn ngữ vẫn được giữ nguyên. Tính hình tuyến luôn luôn đặt ra yêu cầu sắp xếp. Có những ngôn ngữ trật tự sắp xếp các từ linh hoạt, tự do như ngôn ngữ Ấn, Âu… Đối với các ngôn ngữ đơn lập, phân tích tính như tiếng Việt, tiếng Hán và những ngôn ngữ ở Đông Nam Á, trật tự đó ở mức độ ổn định cao. Trật tự từ là một phương thức ngữ pháp để biểu đạt các ý nghĩa khác nhau. Ngay trong tiếng Việt, có nhiều trường hợp trật tự từ là linh hoạt, diễn đạt cùng một ý nghĩa nhưng sắc thái biểu cảm có thể khác nhau: Chết, mất, hy sinh, bỏ mạng…
Dù trong hoàn cảnh nào, các đơn vị ngôn ngữ vần phải được sắp xép theo một tuyến lần lượt, kế tiếp nhau, hết đơn vị nọ đến đơn vị kia.
5. Tính biểu cảm:
Với tư cách là chất liệu của sáng tạo nghệ thuật, một đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ văn chương là mang tính biểu cảm. Trong ngôn ngữ tự nhiên, mỗi từ thường có một thành phần nghĩa biểu cảm. Khi đi vào tác phẩm văn chương, thành phần nghĩa biểu cảm này chính là một trong những cơ sở trong việc lĩnh hội và lựa chọn từ ngữ. Tính biểu cảm nằm trong bản chất của ngôn ngữ vì ngôn ngữ là một phương tiện gắn bó với con người, phục vụ cho con người, mang dấu ấn của các chế độ xã hội. Khi ngôn ngữ đi vào tác phẩm văn chương, giá trị biểu cảm phù hợp với nhu cầu của văn chương nghệ thuật là nhu cầu bộc lộ cảm xúc, thái độ, tình cảm, sự đánh giá của con người. Chính vì vậy có thể khẳng định, văn học trực tiếp bộc lộ cảm xúc của nhà văn qua ngôn ngữ văn học, người nghệ sĩ giàu cảm xúc nên ngôn ngữ văn học giàu tính biểu cảm.
Trong các tác phẩm văn học, các đơn vị như từ, câu, ngoài nhu cầu biểu hiện nội dung thông tin cơ bản còn có nhu cầu thể hiện các sắc thái tình cảm.
Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “ Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai họa” thì từ “nướng” và “vùi” đã chứa đựng tinh thần phẫn nộ của ông đối với giặc Minh và sức tố cáo mạnh mẽ tội ác của giặc.
Xuân Diệu trong “ Thơ duyên” đã miêu tả hình ành cánh cò: “ Con cò trên ruộng cánh phân vân” thì cánh cò phân vân ấy không phải là cánh cò thực mà là cánh cò đầy tâm trạng của trái tim đang yêu….
Đối với câu, ngoài nội dung nghĩa biểu hiện còn có thành phần nghĩa tình thái, là thành phần thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả đối với sự vật, hiện tượng.
“ Bỗng đùng một cái, tôi nghe tin anh chết” (Điếu Văn – Nam Cao). Thành phần chính của câu biểu hiện sự kiện nhân vật tôi – tác giả nghe tin người bạn của mình chết. Thành phần tình thái: Bỗng đùng một cái thể hiện sự đột ngột của sự kiện, thái độ bất ngờ của người nhận tin.
Chương II: NHỮNG ƯU THẾ VÀ HẠN CHẾ CỦA CHẤT LIỆU NGÔN NGỮ KHI XÂY DỰNG TÁC PHẨM VĂN
Trong phần trình bày của chương I, chúng tôi cũng đã có đề cập tới một vái nét khía cạnh về ưu thế cũng như hạn chế các đặc tính của ngôn ngữ với tư cách là chất liệu của nghệ thuật văn chương. Trong chương này, chúng tôi xin nhấn mạnh, khắc sâu và trình bày một cách có hệ thống hơn những ưu thế và hạn chế đó.
I. Ưu thế
1. Sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, hàng ngày sẽ làm cho văn chương có ưu thế trong việc phổ biến rộng rãi, truyền bá qua không gian và thời gian. Kho tàng văn học dân gian là minh chứng thuyết phục cho ưu thế này. Những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết ra đời khi con người chưa có chữ viết nhưng nhờ sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, hàng ngày đã được lưu truyền qua bao thế hệ cho đến tận ngày nay. Những câu tục ngữ tổng kết những chiêm nghiệm, phán đoàn của con người qua cuộc sống lao động, sản xuất, những câu ca dao ngọt ngào về tình yêu đôi lứa, về tình cảm gia đình của các vùng, miền… còn mãi đến ngàn đời cũng bởi được lưu truyền nhờ sử dụng ngôn ngữ tự nhiên như vậy. Ngoài kho tàng văn học dân gian Việt Nam, chúng ta còn được biết đến kho tàng văn học dân gian nước ngoài cũng hết sức đặc sắc, phong phú. Khẳng định ưu thế của văn chương trong việc phổ biến rộng rãi, truyền bá qua không gian, thời gian là vì như vậy.
2. Với tư cách là phương tiện của văn chương, ngôn ngữ là hình thức vật chất luôn có hai mặt là âm thanh và ngữ nghĩa. Hai mặt này có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau trở thành phương tiện cho nhận thức và tư duy. Vì thế ngôn ngữ có khả năng diễn đạt tất cả các nội dung, tư tưởng, tình cảm của con người, từ những cái cụ thể đến những cái trừu tượng, khái quát. Đọc “ Chí Phèo” của Nam Cao, chúng ta không chỉ hình dung một cách chân thực hình ảnh một người nông dân lương thiện đã bị lưu manh hoá, bần cùng hoá qua vẻ ngoài gớm ghiếc mà qua những tiếng chửi, qua quá trình thức tỉnh lương tri của một buổi sáng sau khi tỉnh rượu chúng ta còn thấu hiểu được khát khao được làm người, khát khao hoà nhập vào cộng đồng của Chí. Điều này một hoạ sỹ vẽ chân dung Chí Phèo không bao giờ có khả năng diễn tả hết được. Chính vì thế, khả năng biểu đạt của văn chương là lớn nhất trong các ngành nghệ thuật.
Khi ngôn ngữ chuyển nghĩa, khả năng biểu đạt của nó càng lớn hơn. Ưu thế này tạo ra tính đa nghĩa trong văn chương. Nguyệt Cầm của Xuân Diệu là một minh chứng sống động:
“Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”
Nhờ phương thức ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, Xuân Diệu đã đưa ngươì đọc vào một thế giới huyền diệu, đánh thức những cảm quan nghệ thuật của nhạc và của thơ.
3. Đặc tính võ đoán của ngôn ngữ văn chương mang lại sự mềm dẻo, linh hoạt, dễ dàng chuyển hoá, đa nghĩa cho văn chương. Các hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa, hiện tượng tạo nghĩa mới cho từ… đều giúp cho ngôn ngữ văn chương phong phú, linh hoạt, biến ảo hơn và có sự quyến rũ cúng như tạo sức hấp dẫn riêng. Chỉ bằng một hình ảnh về “sợi chỉ xanh óng ánh” giữa bom đạn nơi núi rừng Trường Sơn, Nguyễn Minh Châu đã giúp người đọc hiểu được điều làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc Việt Nam chính là lòng tin, là sự quyết tâm không gì thay đổi được của triệu triệu con người Việt Nam.
4. Ưu thế của tính hình tuyến trong ngôn ngữ văn chương là tái hiện được quá trình diễn biến của sự vật trong một thời gian dài, không gian rộng; một sức dung? chứa khổng lồ mà không một nhà điêu khắc, âm nhạc hay hội hoạ nào làm được. Không một bản nhạc hay một bức tranh nào có thể tái hiện được số lượng các sự kiện, nhân vật đồ sộ và kéo dài như trong tác phẩm “ Tam quốc diễn nghĩa”, cũng không một tác phẩm điêu khắc nào khắc họa được đầy đủ 15 năm lưu lạc của Thuý Kiều…
5. Nếu xét về quá trình sáng tác, ngôn ngữ văn chương có lợi thế hơn so với các ngành nghệ thuật khác là điểm nhìn. Trong nghệ thuật văn chương có thể có nhiều điểm nhìn khác nhau của nhiều người, bản thân điểm nhìn đó lại có thể thay đổi theo từng sự việc. Do đó ngôn ngữ văn chương thường đa thanh, thể hiện cuộc sống rất sinh động, đa dạng. Các ngành nghệ thuật khác không có được lợi thế này vì điểm nhìn thường là điểm nhìn tĩnh. Có thể lấy ví dụ rất chân thực qua đoạn văn miêu tả tiếng chửi của Chí Phèo ngay mở đầu tác phẩm. Một đoạn văn rất ngắn nhưng lại có nhiều điểm nhìn: Tác giả - người kể chuyện, người dân làng Vũ Đại, bản thân nhân vật Chí Phèo.
II. Hạn chế
Bên cạnh những ưu thế không một ngành nghệ thuật nào có được ngôn ngữ khi xây dựng tác phẩm văn chương còn có những hạn chế sau:
1. Bản thân ngôn ngữ tự nó tạo nên rào cản bởi ngôn ngữ trên thế giới vô cùng phong phú. Chúng ta có rất nhiều ngôn ngữ, ngay cả những dân tộc sử dụng ngôn ngữ giống nhau nhưng vẫn có những đặc sắc và những nét riêng biệt. Trong khi đó số lượng màu sắc hay nốt nhạc là thống nhất trên toàn thế giới. Hạn chế này của ngôn ngữ tạo khó khăn trong việc lĩnh hội, tiếp nhận và bình giá.
2. Do ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy, nên bất cứ hình tượng nào do ngôn ngữ tạo ra đều phải thông qua con đường tư duy, vì vậy nó không có khả năng tác động trực tiếp lên các giác quan của người đọc như các loại hình khác/ Chúng ta xem một bộ phim có cảnh rùng rợn đầu rơi, máu chảy sẽ tác động mạnh và trực tiếp hơn là đọc đoạn văn miêu tả cảnh ấy.
3. Tính võ đoán của ngôn ngữ khi sử dụng làm chất liệu của ngôn ngữ văn chương vừa giúp ngôn ngữ văn chương đa nghĩa, vừa gây nên sự khó hiểu, nhiều khi khó khám phá và giải nghĩa được. Điều này làm hạn chế khả năng phổ biến của văn chương. Nguyệt cầm của Xuân Diệu là bài thơ rất hay, nhưng cũng rất khó trong việc cắt nghĩa và hiểu bởi tác giả sử dụng nhiều từ theo phơng thức chuyển nghĩa.
4. Xuất phát từ tính hình tuyến, ngôn ngữ không thể đồng thời biểu hiện các sự vật, hiện tượng ở các không gian khác nhau, các thời gian khác nhau. Một hoạ sỹ có thể vẽ một bức tranh diễn tả một lớp học, trong đó miêu tả được rất nhiều các em học sinh với các tư thế, các hành động nhưng nếu nhu một nhà văn thì phải miêu tả lần lượt. Cũng như Nguyễn Du phải miêu tả lần lượt Thuý Kiều rồi mới miêu tả Thuý Vân, không thể cùng một lúc miêu tả hai người.
Phần III: KẾT LUẬN
Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, giống như màu sắc đối với hội hoạ, âm thanh đối với âm nhạc, hình khối đối với kiến trúc. Nói cho cùng, văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ. Trong sự sáng tạo của nhà văn, sáng tạo về ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng nhất. Những nhà văn lớn đều là những nhà ngôn ngữ tài năng. Họ đã dựa vào những đặc tính của ngôn ngữ để phát huy những ưu thế, hạn chế những nhược điểm khi sử dụng ngôn ngữ xây dựng tác phẩm văn học. Với chúng ta, việc nắm được những đặc điểm của ngôn ngữ với tư cách là chất liệu của nghệ thuật văn chương cũng như nắm được những ưu thế, hạn chế của nó là cơ sở để chúng ta tiếp nhận tác phẩm văn học, đánh giá, bình xét vẻ đẹp tác phẩm cũng như tài năng nghệ thuật khác nhau của mỗi nghệ sỹ.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Ferdinand de Saussure – Giáo trình ngôn ngữ học đại cương – NXB Khoa học xã hội 2002
2. Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên), Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh Thuyết - Dẫn luận ngôn ngữ - NXB Giáo dục – 2006.
3. Bùi Minh Toán - Những mối quan hệ hệ thống của ngôn ngữ và việc phân tích ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm văn học - Tạp chí ngôn ngữ số 04 – 1999.
4. Đinh Trọng Lạc (chủ biên), Nguyễn Thái Hoà – Phong cách học Tiếng Việt – NXB Giáo dục – 2004.
5. Hà Minh Đức - Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại – NXB Giáo dục – 1998.
6. Nam Cao - Truyện ngắn tuyển chọn – NXB Văn học – 2005.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Ngôn ngữ.doc