MỤC LỤC
1. MỞ ĐẦU 2
2. NỘI DUNG CHÍNH 3
2.1 Khái quát chung 3
2.1.1 Khái niệm thương mại dịch vụ 3
2.1.2 Cam kết của Việt Nam về dịch vụ trong WTO 4
2.2 Sự tương thích của pháp luật Việt Nam với các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO về dịch vụ quảng cáo và tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế 5
3. KẾT LUẬN 10
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 11
11 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2944 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Đánh giá về sự tương thích của pháp luật Việt Nam với các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO về dịch vụ quảng cáo và tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
Trong 2 năm qua, sau khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình với tổ chức này trong tất cả các lĩnh vực như thuế, phi thuế, sở hữu trí tuệ, dịch vụ… Sự nghiêm túc của Việt Nam được các thành viên WTO và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy ấn tượng trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, như ở nhiều thành viên mới gia nhập WTO khác, quá trình thực thi cam kết ở Việt Nam cũng đã gặp một số vướng mắc gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan. Những vướng mắc này chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực dịch vụ, một lĩnh vực còn khá mới và hết sức phức tạp, không chỉ với nước ta mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ bắt nguồn từ việc hệ thống pháp luật của ta đã hoàn toàn tương thích với các quy định của WTO về lĩnh vực này hay chưa.
Nhận thức được vấn đề trên, với bài tập học kỳ môn Pháp luật về Quảng cáo và Hội chợ triển lãm quốc tế, em xin chọn đề tài: “Đánh giá về sự tương thích của pháp luật Việt Nam với các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO về dịch vụ quảng cáo và tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế” với mong muốn được hiểu cũng như làm rõ hơn về vấn đề này. Sau đây là toàn bộ nội dung chính trong bài làm của em
NỘI DUNG CHÍNH
Khái quát chung
Khái niệm thương mại dịch vụ
Trong khuôn khổ của GATT/WTO, tại vòng đàm phán Uruguay diễn ra từ năm 1986 đến năm 1994, các nước thành viên của GATT đã thông qua Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (General Agreement on Trade in Services, viết tắt là GATS). Hiệp định được thiết lập nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại đa phương sang lĩnh vực dịch vụ chứ không điều chỉnh một mình lĩnh vực thương mại hàng hóa như trước đó. Đối với nước ta, thương mại dịch vụ là một thuật ngữ còn khá mới mẻ.
Dịch vụ là một khái niệm rất rộng, từ việc đáp ứng nhu cầu cá nhân đến việc phục vụ cho một ngành sản xuất, là một ngành kinh tế độc lập, hiện nay đang chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân và không ngừng được tăng cao. Như vậy, có thể hiểu dịch vụ là toàn bộ các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó của con người mà sản phẩm của nó tồn tại dưới hình thái phi vật thể.
Thương mại là một ngành kinh tế độc lập mà hoạt động của nó là mua, bán hàng hóa và dịch vụ. Luật thương mại quốc tế lại coi hoạt động đầu tư, tín dụng và chuyển giao công nghệ cũng là hoạt động thương mại. Trong ngành thương mại có ba lĩnh vực chính, đó là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại đầu tư, trong đó thương mại dịch vụ là hoạt động mua bán các loại dịch vụ. Trong hoạt động thương mại lại có các loại hoạt động hỗ trợ như xúc tiến thương mại, dịch vụ thương mại. Dịch vụ thương mại là các dịch vụ phục vụ cho việc mua bán hàng hóa và dịch vụ, như maketing chẳng hạn.
Ban Thư ký WTO phân thương mại dịch vụ thành 12 khu vực bao gồm: 1. Dịch vụ kinh doanh; 2. Dịch vụ thông tin; 3. Dịch vụ xây dựng và kỹ thuật; 4. Dịch vụ kinh tiêu; 5. Dịch vụ đào tạo; 6. Dịch vụ môi trường; 7. Dịch vụ tài chính; 8. Dịch vụ liên quan đến sức khỏe và xã hội; 9. Dịch vụ du lịch và các hoạt động có liên quan; 10. Dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao; 11. Dịch vụ vận tải; 12. Các dịch vụ khác.
Từ 12 khu vực trên đây lại chia thành 155 tiểu khu vực. Theo GATS thương mại dịch vụ bao gồm các dịch vụ ở bất kỳ khu vực nào trừ dịch vụ do yêu cầu của chính phủ, là những dịch vụ không dựa trên kinh doanh hoặc cạnh tranh.
Thương mại dịch vụ là một bộ phận hợp thành của thương mại quốc tế, nó liên quan đến hoạt động thương mại vượt qua biên giới quốc gia, theo các phương thức chủ yếu sau đây:
Cung cấp dịch vụ qua biên giới; Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài; Hiện diện thương mại và Hiện diện của thể nhân. Trong bốn phương thức trên đây thì phương thức 3 – Hiện diện thương mại có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại dịch vụ, đây là hình thức hoạt động thông qua liên doanh, chi nhánh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài (FDI) để cung cấp dịch vụ trong nước (ngoại trừ dịch vụ du lịch và vận chuyển), thứ đến là phương thức 1 – Thương mại dịch vụ giữa các nước. Phương thức 2 – Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài có vị trí quan trọng trong du lịch quốc tế. Phương thức 4 – Hiện diện thể nhân có tỷ trọng không đáng kể trong thương mại dịch vụ, nhưng đối với các nước đang phát triển như nước ta cũng rất quan trọng trong việc xuất khẩu lao động và thuê chuyên gia nước ngoài.
Cam kết của Việt Nam về dịch vụ trong WTO
Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam về dịch vụ được nêu tại 03 nhóm văn bản sau đây:
Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam (cam kết cụ thể trong từng ngành dịch vụ có cam kết);
Cam kết về minh bạch hoá và không phân biệt đối xử trong Phần về dịch vụ trong Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO;
Hiệp định GATS (về các vấn đề chung).
Về thứ tự áp dụng, ưu tiên áp dụng quy định nhóm (i), nếu nhóm (i) không quy định thì mới áp dụng nhóm (ii), nếu cả nhóm (i) và (ii) không quy định thì áp dụng quy định của nhóm (iii).
Từ các văn bản này (đặc biệt là Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam), doanh nghiệp sẽ có thông tin về các điều kiện cạnh tranh và mở cửa thị trường dịch vụ mà mình quan tâm để từ đó có điều chỉnh thích hợp đối với kế hoạch kinh doanh
Trong Biểu cam kết dịch vụ của mình, Việt Nam đã đưa ra cam kết mở cửa (phải cho phép doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam tối thiểu ở mức như đã cam kết) đối với 11 ngành dịch vụ (bao gồm khoảng 110 phân ngành dịch vụ): 1. Dịch vụ kinh doanh; 2. Dịch vụ thông tin; 3. Dịch vụ xây dựng và các dịch vụ liên quan; 4. Dịch vụ phân phối; 5. Dịch vụ giáo dục; 6. Dịch vụ môi trường; 7. Dịch vụ tài chính; 8. Dịch vụ y tế và xã hội; 9. Dịch vụ du lịch; 10. Dịch vụ văn hóa, giải trí và thể thao; 11. Dịch vụ vận tải.
Như vậy, so sánh với phân loại các ngành dịch vụ của WTO (12 ngành với khoảng 155 phân ngành), ngành dịch vụ duy nhất mà Việt Nam không cam kết là "các dịch vụ khác".
Sự tương thích của pháp luật Việt Nam với các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO về dịch vụ quảng cáo và tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam tại WTO về thương mại dịch vụ khá phức tạp cả về cấp độ hiệu lực của văn bản lẫn phạm vi điều chỉnh. Về mặt hình thức văn bản, hệ thống văn bản pháp luật về thương mại dịch vụ bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật ở tất cả các cấp độ khác nhau từ Luật, Pháp lệnh do Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành đến Nghị định, Quyết định do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, và các văn bản chuyên ngành của các Bộ, ngành. Về phạm vi điều chỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật này điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau như: đầu tư, doanh nghiệp, khiếu nại tố cáo, cạnh tranh, xuất nhập cảnh… đến những lĩnh vực dịch vụ cụ thể như: kinh doanh bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, kế toán, du lịch, điều kiện hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ cụ thể…
+ Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cam kết của Việt Nam tại WTO về thương mại dịch vụ về cơ bản đã được điều chỉnh lớn và thống nhất với các quy định chung của WTO được nêu tại Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (Hiệp định GATS) và các văn kiện cam kết của Việt Nam với WTO. Ngay sau khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh tiếp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đáp ứng với các cam kết của mình thông qua việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản luật trong lĩnh vực này. Năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản (6.2008), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí (6.2008), Luật Giao thông đường bộ (11.2008), Luật Bảo hiểm Y tế (11.2008). Năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai (6.2009), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (6.2009), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (6.2009), Luật Viễn thông (12.2009), Luật Tần số vô tuyến điện (12.2009), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (12.2009). Một số dự Luật khác cũng được gấp rút chuẩn bị, trong đó phải kể đến dự Luật sửa đổi Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, dự Luật sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi Luật Kiểm toán, Luật Bưu chính. Nhiều văn bản dưới luật cũng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành thông qua để thi hành các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn có liên quan.
+ Bên cạnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp độ luật, pháp lệnh, vẫn có không ít quy định được Việt Nam điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật, dưới pháp lệnh như: Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư và Quyết định của các Bộ, ngành... Cách tiếp cận phổ biến trong lập pháp của Việt Nam trong lĩnh vực này ở thời gian đó là giao Chính phủ hoặc các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản cụ thể hoá các vấn đề khác nhau đã được Việt Nam cam kết với WTO, kể cả các vấn đề về công nhận tiêu chuẩn nghề nghiệp, các điều kiện để thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, các yêu cầu về cấp phép ...
+ Vẫn còn một số quy định của pháp luật về một số nội dung cụ thể thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ cần được tiếp tục điều chỉnh cho thống nhất với các nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam với WTO về thương mại dịch vụ, đặc biệt là loại bỏ các quy định khác nhau áp dụng đối với các nhà kinh doanh trong nước và các nhà kinh doanh nước ngoài, về quy trình cấp phép, yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm... Bên cạnh đó, một số lĩnh vực dịch vụ đã được đưa vào Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ nhưng chưa được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể, chẳng hạn như: dịch vụ giải trí, dịch vụ về môi trường, dịch vụ liên quan đến săn bắn... hoặc chỉ được quy định chung chung trong một số văn bản pháp luật khác nhau như dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ vi tính, dịch vụ nghiên cứu thăm dò thị trường...
+ Nội dung các quy định được kiến nghị sửa đổi, bổ sung không nằm tập trung vào một vài văn bản mà nằm rải rác tại nhiều văn bản khác nhau. Số lượng văn bản cần sửa đổi, bổ sung và ban hành mới trong lĩnh vực thương mại dịch vụ do vậy khá nhiều cho dù mức độ khác biệt giữa văn bản pháp luật trong nước với các nghĩa vụ và cam kết WTO không đáng kể.
+ Có một số quy định của pháp luật Việt Nam cần được tiếp tục cụ thể hóa để đảm bảo thực thi có hiệu quả hơn các cam kết về thương mại dịch vụ của Việt Nam với WTO. Qua phân tích các văn bản được Rà soát, so sánh, có thể dễ nhận thấy đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một văn bản chính thức về việc phân loại các ngành, phân ngành dịch vụ phù hợp với Bảng phân loại các dịch vụ cơ bản được WTO thống nhất sử dụng (Bảng phân loại CPC theo Tài liệu W/120 của WTO http:// www.wto.org>documentonline>MTN.GNS/W/120
). Việc thiếu một bảng phân loại các ngành/phân ngành dịch vụ trong nước đầy đủ và phù hợp với cách phân loại của WTO có thể dẫn đến những khó khăn khi thực thi cam kết, cũng như gây phức tạp trong thống kê thương mại dịch vụ theo chuẩn mực của Liên Hợp quốc và WTO. Đó là chưa nói đến trường hợp quy định của pháp luật trong nước có thể giống với tên của ngành, phân ngành dịch vụ của WTO, nhưng nội hàm của khái niệm dịch vụ trong và ngoài nước lại khác nhau, dẫn đến khó xác định mức độ tương thích của văn bản trong nước; việc phân loại thiếu sẽ dẫn đến khó khăn khi xác định cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền quản lý ngành, phân ngành dịch vụ cụ thể theo cam kết với WTO.
+ Liên quan đến việc xuất nhập cảnh và lưu trú của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, theo cam kết của Việt Nam, có hai mốc quy định về thời hạn nhập cảnh và lưu trú của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là ba năm đối với các nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia và 90 ngày đối với người chào bán dịch vụ, người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại và nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.
Đối với người chào bán dịch vụ và người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, các quy định của pháp luật lao động không điều chỉnh các đối tượng này. Do đó, việc nhập cảnh và lưu trú của các đối tượng này phải tuân theo quy định của Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này. Theo các quy định đó, thị thực một lần có giá trị 15 ngày được cấp cho người xin nhập cảnh không có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời. Nếu áp dụng quy định này thì có thể sẽ không phù hợp với cam kết có liên quan của Việt Nam.
+ Tuy vậy, thực tiễn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được thông qua trong thời gian qua liên quan đến thương mại dịch vụ cho thấy vẫn còn một số tồn tại của thời gian trước, chưa khắc phục được. Chẳng hạn, vấn đề phân loại các ngành dịch vụ (Bảng Phân loại, Mô tả và Mã hóa các dịch vụ) theo PCPC/CPC, vấn đề nhập cảnh và lưu trú của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, vấn đề xác định các dịch vụ được gọi là “dịch vụ công”, vấn đề NT trong thương mại dịch vụ, vấn đề áp dụng các cam kết quốc tế (song phương/khu vực/đa phương) liên quan đến thương mại dịch vụ...Một số lĩnh vực dịch vụ đã được đưa vào Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ nhưng chưa được nội luật hóa hoặc chưa được quy định cụ thể để thực hiện, chẳng hạn như: dịch vụ giải trí, dịch vụ về môi trường, dịch vụ liên quan đến săn bắn, dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ nghiên cứu thăm dò thị trường... Cho đến nay, “Điểm hỏi đáp quốc gia” về thương mại dịch vụ vẫn chưa chuẩn bị xong, do vậy mức độ minh bạch công khai của các quy định pháp luật trong nước về thương mại dịch vụ có phần bị hạn chế, chưa đạt được như mong muốn
KẾT LUẬN
Tóm lại, là thành viên còn non trẻ của WTO, pháp luật Việt Nam tuy đã có những tương thích nhất định đối với các quy định của WTO nói chung và trong khuôn khổ lĩnh vực dịch vụ quảng cáo, hội chợ triển lãm quốc tế nói riêng nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Thiết nghĩ trong những năm tới, hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này cần có những thay đổi mới tích cực hơn để pháp luật về quảng cáo và hội chợ triển lãm được hoàn thiện hơn và ngày càng tương thích với điều kiện luôn thay đổi của xu thế.
Trên đây là toàn bộ bài làm của em. Vì khuôn khổ bài tập học kì có hạn nên có thể bài làm của em không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại Quốc tế, NXB Tư pháp, Hà Nội 2006
Hiệp định chung về thương mại dịch vụ GATS
Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam
GS.TS. Hồ Văn Tĩnh – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thương mại dịch vụ - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Th.S Hà Thị Thanh Bình, Đại học Luật TPHCM, Nội luật hóa các cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Đánh giá về sự tương thích của pháp luật Việt Nam với các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO về dịch vụ quảng cáo và tổ chức.doc