Tiểu luận Để phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngàycàng cao của công cuộc đổi mới đất nước theo

định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu và tiến bộ mà chúng ta đã đạt

được trong lĩnh vực phát triển văn hóa, có thể nói, còn chưa thật sự vững chắc,

chưa đủ để tác động một cách có hiệu quả đến các lĩnh vực khác của đời sống

xã hội, nhất là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống. Do những nguyên nhân

khách quan và cả những nguyên nhân chủ quan, như sự buông lỏng, hữu

khuynh trong lãnh đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện chính sách phát

triển văn hóa, sự nhận thức không đầy đủ về vị trí nền tảng, tầm quan trọng và

vai trò to lớn của văn hóa, sự thiếu gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối sống

của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, chúng ta đã tạo ra những sơ

hở cho các hoạt động phản văn hóa có cơ hội phát triển, cho những hiện tượng

tiêu cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa tinh thần, nhất là sự xuống

cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng

viên và nhân dân, xuất hiện với chiều hướng ngày càng gia tăng

pdf11 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 5839 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Để phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu triết học ĐỂ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA THỰC SỰ TRỞ THÀNH NỀN TẢNG TINH THẦN CỦA XÃ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA THỰC SỰ TRỞ THÀNH NỀN TẢNG TINH THẦN CỦA XÃ HỘI LÊ NGỌC ANH (*) Quan điểm phát triển văn hoá với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội mà Đảng ta đưa ra tại Đại hội X không phải là nhận thức mới của Đảng về vị trí và vai trò của văn hoá trong đời sống xã hội; nhưng đó là quan điểm cho thấy sự liên tục đổi mới trong nhận thức của Đảng về vị trí chiến lược và vai trò nền tảng tinh thần của văn hoá. Để phát triển văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta cần phải xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng và phát triển lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam; đồng thời gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển văn hoá với chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với việc phát triển mạnh và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, khi một lần nữa khẳng định chủ trương phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội, Đảng ta đã nhấn mạnh: "Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội"(1). Phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội không phải là nhận thức mới của Đảng ta về vị trí và vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, trong chiến lược phát triển đất nước. Bởi lẽ, ngay từ những năm đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cùng với việc thông qua đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Đảng ta liên tục nhắc lại quan điểm đó và nhấn mạnh mọi kế hoạch phát triển văn hóa phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, có thể nói, quan điểm phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội mà Đảng ta đã đưa ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X không chỉ cho thấy sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng trong chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn cho thấy sự liên tục đổi mới trong nhận thức của Đảng về vị trí chiến lược và vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa trong đời sống xã hội. Thực vậy, ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đã xác định đổi mới là văn hóa, văn hóa cũng chính là đổi mới. Kể từ đó, nhận thức của Đảng ta về văn hóa luôn có sự đổi mới để giờ đây, sau 20 năm đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành tựu thu được ngày càng to lớn và vững chắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, chúng ta lại có dịp hiểu rõ hơn, nhận thức rõ hơn và càng tự hào hơn về sức mạnh lớn lao của văn hóa, của những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống. Đồng thời, qua đó, chúng ta cũng thấy rõ hơn, nhận thức đúng đắn hơn và quan ngại một cách sâu sắc hơn khi sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chưa thật sự tương xứng với tầm vóc lớn lao của nó, với những thành tựu kinh tế thu được ngày càng to lớn theo tiến trình phát triển của công cuộc đổi mới đất nước. Phát triển văn hóa một khi vẫn chưa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, chưa thật sự trở thành động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì bước tiến của dân tộc vẫn còn có thể gặp trở ngại, thậm chí cả sự tồn vong của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới vẫn có thể bị đe dọa. Văn hóa Việt Nam không chỉ là thành quả của hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn là kết quả của quá trình giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa, văn minh trong khu vực và trên thế giới để dân tộc Việt Nam ta không ngừng hoàn thiện mình, xây dựng đất nước mình ngày một phồn vinh. Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa kết tinh sức mạnh và in đậm dấu ấn bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chứng minh sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh con người Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Nhờ nền tảng và sức mạnh văn hóa ấy mà trong nhiều thời kỳ bị đô hộ, dân tộc Việt Nam vẫn giữ vững và phát huy bản sắc của mình, chẳng những không bị đồng hóa, mà còn quật cường đứng dậy giành độc lập cho dân tộc, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Từ khi Đảng ta đảm đương sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhân dân ta đã nhất tề vùng dậy khởi nghĩa, tiến hành kháng chiến, kiến quốc, chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đánh thắng mọi thế lực phản động, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước để đi lên con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở ban đầu của chủ nghĩa xã hội, tiếp tục củng cố và phát triển nền văn hóa dân tộc. Cùng với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cùng với những thành quả đã thu được về thể chế chính trị và kinh tế - xã hội, những thành tựu văn hóa mà chúng ta có được nhờ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa đã trở thành một thành tố cấu thành chế độ xã hội chủ nghĩa cao đẹp của chúng ta. Giờ đây, trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là để nhân lên sức mạnh của dân tộc, của nhân dân để đất nước ta vượt qua những khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập dân tộc, tạo ra thế và lực mới cho đất nước vững bước đi trên con đường đã lựa chọn. Nhận thức rõ vị trí nền tảng và vai trò to lớn đó của văn hóa, khi thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, Đảng ta đã khẳng định, phát triển văn hóa là "làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân"(2). Hơn 5 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đó, nhất là trong những năm gần đây, khi chiến lược này đã thực sự được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII và chủ trương mở rộng, nâng cao hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa" do Đảng ta phát động, chúng ta đã làm cho văn hóa ngày càng có được sự gắn kết chặt chẽ hơn với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và tạo nên những thành tựu về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… của đất nước. Đặc biệt, chúng ta đã ngày càng làm cho văn hóa thật sự trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ hơn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bằng việc thể chế hóa chiến lược phát triển văn hóa của Đảng, chúng ta cũng đã tạo ra hành lang pháp lý ngày càng phù hợp và thông thoáng cho nhân dân và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ hoạt động và sáng tạo văn hóa. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu và tiến bộ mà chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực phát triển văn hóa, có thể nói, còn chưa thật sự vững chắc, chưa đủ để tác động một cách có hiệu quả đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống. Do những nguyên nhân khách quan và cả những nguyên nhân chủ quan, như sự buông lỏng, hữu khuynh trong lãnh đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện chính sách phát triển văn hóa, sự nhận thức không đầy đủ về vị trí nền tảng, tầm quan trọng và vai trò to lớn của văn hóa, sự thiếu gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, chúng ta đã tạo ra những sơ hở cho các hoạt động phản văn hóa có cơ hội phát triển, cho những hiện tượng tiêu cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa tinh thần, nhất là sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân, xuất hiện với chiều hướng ngày càng gia tăng. Hơn 5 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa theo định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhằm mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tạo ra những công trình văn hóa lớn, những tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta đã thu được những thành tựu đáng kể. "Hoạt động văn hóa, thông tin phát triển đa dạng hơn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, làm tăng hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phát triển sâu rộng hơn", song việc xây dựng nếp sống văn hóa vẫn chưa được chúng ta coi trọng một cách đúng mức; tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm, nhất là trong lớp trẻ, vẫn diễn ra một cách đáng lo ngại; "quản lý nhà nước về văn hóa còn nhiều sơ hở, yếu kém"; "đấu tranh ngăn ngừa văn hóa phẩm độc hại chưa được chú ý đầy đủ, còn nhiều khuyết điểm, bất cập"(3). Nhìn một cách tổng thể, có thể nói, sự phát triển văn hóa chưa đồng bộ và tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế, thiếu gắn bó với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng phát triển văn hóa cũng chưa thực sự có được sự chuyển biến rõ rệt. Môi trường văn hóa, không chỉ ở thành phố lớn, thị xã, thị trấn, mà còn ở cả các vùng nông thôn, thậm chí cả ở vùng sâu, vùng xa, vẫn còn bị ô nhiễm khá nặng nề, có nơi rất nặng nề bởi các tệ nạn xã hội. Không chỉ thế, việc xây dựng thể chế văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách văn hóa, nhất là chính sách về quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, không chỉ chậm, chưa đổi mới, mà còn thiếu đồng bộ. Ngoài ra, công tác khắc phục khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, khu vực, tầng lớp xã hội, mặc dù được coi là cấp thiết, nhưng chúng ta cũng chưa thực hiện được bao nhiêu. Chính vì vậy, giờ đây, khi công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, khi chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đã thực sự có bước phát triển sâu rộng và Việt Nam chúng ta đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển văn hóa theo hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cần phải được coi là nhân tố đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ta, trong việc làm cho nền tảng tinh thần của chế độ ta, xã hội nước ta ngày càng có sự phát triển vững chắc, tiến bộ và phong phú, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, định hướng xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhận thức rõ tầm chiến lược của vấn đề này, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã khẳng định: phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội, trước hết chúng ta cần phải "xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế"; "bồi dưỡng các giá trị văn hóa" cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, học sinh, sinh viên; xây dựng và phát triển "lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam"(4). Phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội cần phải được gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta cần "đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong nhân cách của thanh niên, thiếu niên; chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa"(5). Cùng với đó, phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc "xây dựng đời sống văn hóa đại chúng và môi trường văn hóa lành mạnh"; đồng thời tăng cường "bồi dưỡng các tài năng văn hóa, khuyến khích sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, tương xứng với sự nghiệp giữ nước và dựng nước, đổi mới và phát triển của dân tộc"; tích cực "nâng cao chất lượng và mở rộng diện phổ biến các sản phẩm văn hóa" nhằm “đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp nhân dân” (6). Để phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, sự gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng và chỉnh đốn Đảng với chiến lược phát triển văn hóa phải được đặt lên vị trí hàng đầu. Bởi lẽ, văn hóa không đứng ngoài kinh tế, phát triển kinh tế bền vững không thể thiếu nền tảng văn hóa ổn định và văn hóa không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là "hệ điều tiết" cho sự phát triển kinh tế bền vững. Đảng ta là Đảng cầm quyền. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần ấy không thể không đưa hoạt động văn hóa vào sinh hoạt Đảng, không thể không đưa các giá trị văn hóa vào trong Đảng, trong từng tổ chức đảng và trong mỗi đảng viên của Đảng để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Để phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta không thể không giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc - cái đã làm nên tâm hồn và khí phách con người Việt Nam, bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam; đồng thời mở rộng giao lưu quốc tế và khu vực, tiếp thụ có chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong tinh hoa văn hóa các dân tộc khác để làm giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, làm cho văn hóa Việt Nam bắt kịp sự phát triển của văn hóa nhân loại trong thời đại ngày nay và chống lại cái đã trở nên lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc ta. Để phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta còn cần phải vừa giữ gìn và phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo trong văn hóa các dân tộc anh em, làm phong phú thêm nền văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam chúng ta là một nước có trên 50 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc đó lại có một diện mạo văn hóa riêng; những nét riêng này không phá vỡ đặc điểm chung của văn hóa Việt Nam, mà tồn tại đan xen lẫn nhau, tạo cho nền văn hóa của chúng ta một sự thống nhất trong đa dạng, làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam và tạo ra trong văn hóa Việt Nam tính thích nghi, uyển chuyển, phù hợp với mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ của lịch sử dân tộc. Để phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta cũng cần phải tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là đội ngũ thanh niên, học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế để nhanh chóng có được đội ngũ những chủ thể sáng tạo văn hóa có tài năng và đức độ. Đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài, bởi nếu không có được đội ngũ này thì mọi chủ trương, chính sách phát triển văn hóa sẽ không thể trở thành hiện thực. Để phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta cũng còn cần phải phát triển mạnh và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xúc tiến xã hội hóa các hoạt động văn hóa để huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo trong xã hội vào việc đầu tư xây dựng các công trình và thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, thu hút ngày càng nhiều các tổ chức kinh tế - xã hội, cá nhân, gia đình và đoàn thể tham gia vào các hoạt động văn hóa, quản lý và bảo vệ di tích, di sản văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa. Gắn liền và đi đôi với nhiệm vụ này là nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài ổn định đáp ứng yêu cầu xã hội hóa các hoạt động văn hóa; tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa; tăng đầu tư cho văn hóa, đảm bảo việc cấp kinh phí cho các chương trình, mục tiêu phát triển văn hóa. Để phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, ngoài các giải pháp, nhiệm vụ đó, chúng ta còn phải cần đến những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể khác nữa. Song, vấn đề quan trọng hơn là phải tạo ra sự đồng bộ trong các giải pháp, nhiệm vụ ấy, nhất là phải thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ ấy để tạo ra sự phát triển đồng bộ về chất lượng cho mọi hoạt động văn hóa.r (*) Thạc sĩ triết học, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.106. (2) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.208. (3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.158, 173. (4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.106. (5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.213. (6) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.213, 214.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftriet_hoc_12__2602.pdf
Tài liệu liên quan