MỤC LỤC
I. Khái quát chung về đương sự trong vụ án dân sự trong vụ án dân sự. 1
1. Khái niệm đương sự trong vụ án dân sự. 1
2. Đặc điểm của đương sự trong VADS 1
II. Việc xác định tư cách đương sự 2
1. Cơ sở của việc xác định tư cách đương sự. 2
2. Các qui định về việc xác định tư cách đương sự 3
2.1. Các quy định về xác định tư cách của nguyên đơn. 3
2.2. Các quy định về xác định tư cách của bị đơn. 5
2.3. Các quy định xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan 7
III. Thực trạng và hướng hoàn thiện 8
1. Một số tồn tại thiếu sót của pháp luật trong việc quy định về đương sự. 8
2. Phương hướng hoàn thiện 9
2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật. 9
2.2. Nâng cao trình độ nghiệp vụ của thẩm phán 10
2.3. Một số biện pháp khác. 10
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 11
12 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 8428 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Đương sự trong vụ án dân sự, thực trạng và hướng hoàn thiện, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
NỘI DUNG
I. Khái quát chung về đương sự trong vụ án dân sự trong vụ án dân sự.
1. Khái niệm đương sự trong vụ án dân sự.
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự thì đương sự là chủ thể không thể thiếu. Trong tiếng việt “đương sự” được hiểu “là người, là đối tượng trong một sự việc nào đó được đưa ra giải quyết”. Như vậy theo nghĩa chung nhất thì đương sự chỉ là người, là đối tượng trong một vụ việc nào đó được đưa ra giải quyết trong cuộc sống hàng ngày.
Vụ án dân sự là những việc phát sinh tại Tòa án do các đương sự khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước hay quyền, lợi ích hợp pháp của người khác đang bị tranh chấp.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 56 BLTTDS: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan tổ chức bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
2. Đặc điểm của đương sự trong VADS
Đương sự trong VADS là người tham gia TTDS do vậy đương sự có đầy đủ các đặc điểm của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, mục đích của đương sự tham gia VADS là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, những người tham gia tố tụng khác là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc để hỗ trợ cho hoạt động tố tụng vì vậy so với những người tham gia tố tụng khác, đương sự trong VADS còn có những đặc điểm khác biệt sau.
Đương sự trong vụ án dân sự là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung có quyền lợi ích bị xâm phạm hoặc cần được xác định trong VADS. Sự liên quan về quyền, lợi ích của đương sự đối với quá trình giải quyết VADS có thể trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đương sự là chủ thể được tòa án tham gia vào quá trình giải quyết VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đương sự có thể mong muốn tham gia hoặc buộc phải tham gia vào hoạt động tố tụng do việc “ khởi động” vụ án của nguyên đơn hoặc người yêu cầu và được tòa án thụ lý giải quyết.
Đương sự là chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ tố tụng có thể tham gia tố tụng độc lập hoặc thông qua người đại diện trong TTDS. Những quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự mà pháp luật quy định là cơ sở để các đương sự có điều kiện thuận lợi như nhau khi tham gia vào quan hệ tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình về mặt nội dung.
Đương sự là chủ thể có quyền tự định đoạt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình là cơ sở để phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quá trình giải quyết VADS. Khác với các chủ thể khác, chỉ có đương sự mới có quyền tự định đoạt trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tố tụng. Các chủ thể tố tụng khác có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự.
Như vậy, trong các VADS có những chủ thể tham gia có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết các VADS và tham gia vào quá trình giải quyết các VADS để bảo vệ quyền và lợi ích của mình đó chính là đương sự trong VADS.
II. Việc xác định tư cách đương sự
1. Cơ sở của việc xác định tư cách đương sự.
Thứ nhất: Xác định tư cách của đương sự trên cơ sở xác định chủ thể có quyền khởi kiện, bị khởi kiện hoặc có quyền yêu cầu, có liên quan đến giải quyết yêu cầu:
Khi chủ thể khởi kiện hoặc yêu cầu thì tòa án cần xác định một cách chính xác các vấn đề sau đây:
+ Phải xác định chủ thể đó có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu hay không?
+ Họ khởi kiện hoặc yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích của mình hay của người khác?
+ Họ có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu đối với ai?
Việc xác định ai có quyền khởi kiện, ai có quyền yêu cầu cần phải căn cứ vào bản chất của mỗi quan hệ pháp luật đang được xem xét, giải quyết và đối chiếu với các quy phạm pháp luật nội dung tương ứng.
Trong khoa học pháp lý, tùy thuộc vào các căn cứ khác nhau có thể có nhiều cách phân loại quyền khởi kiện (hay tố quyền) khác nhau trong các QHPL. Nếu căn cứ vào bản chất quyền lợi hành xử thì tố quyền được phân chia thành tố quyền đối vật, tố quyền đối nhân, tố quyền hỗn hợp. Việc phân loại tố quyền đối vật, tố quyền đối nhân có ý nghĩa trong việc xác định tư cách của các đương sự trong vụ kiện.
Thứ hai: Xác định tư cách của đương sự căn cứ vào sự liên quan về quyền, nghĩa vụ và vào thời điểm tham gia tố tụng đương sự đó.
Khi xem xét sự liên quan về quyền, nghĩa vụ mà xác định việc giải quyết mối quan hệ giữa nguyên đơn vị và bị đơn có liên quan đến quyền và lợi ích của chủ thể thứ ba thì tòa án cần xác định chủ thể này với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Đồng thời, khi xem xét yêu cầu giải quyết việc dân sự thì cần xác định việc giải quyết việc dân sự đó sẽ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của những ai thì cần được xác định là người có liên quan.
Ngoài ra căn cứ vào thời điểm tham gia tố tụng cũng là cơ sở để xác định tư cách tham gia của đương sự là nguyên đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ví dụ: A, B, C, D là 4 người con của ông E, ông E chết đi để lại di sản thừa kế. Trong trời gian đó, D là người quản lí di sản có những hành vi lạm dụng bán tài sản. Nếu A, B, C cùng nhau yêu cầu khởi kiện thì họ cùng là nguyên đơn, nếu chỉ có A khởi kiện D thì lúc này, A là nguyên đơn, B và C là hai người tham gia với tư cách người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.
Như vậy, có nhiều cơ sở để xác định tư cách chủ thể tham gia tố tụng. việc xác định chủ thể tham gia tố tụng chính xác sẽ giúp cho quá trình tố tụng được nhanh chóng, hiệu quả.
2. Các qui định về việc xác định tư cách đương sự
2.1. Các quy định về xác định tư cách của nguyên đơn.
Có hai loại chủ thể khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung có tranh chấp và chủ thể được chuyển giao hoặc thừa kế quyền, lợi ích. Xét theo luật thực định khoản 2 Điều 56 BLTTDS quy định: “nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khời kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức do bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm hại.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mà mình phụ trách cũng là nguyên đơn”.
Điều đó cho thấy nguyên đơn có vai trò quan trọng trong vụ án dân sự so với các đương sự khác. Vì để phát sinh vụ án dân sự tại Tòa án, đồng thời là cơ sở để bắt đầu giải quyết vụ án dân sự phải có nguyên đơn khởi kiện hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật tố tụng để bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn.
BLTTDS chỉ quy định nguyên tắc chung để xác định nguyên đơn thông qua hành vi khởi kiện của chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hay tranh chấp. Theo đó, nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích của người đó bị xâm phạm.
Theo quy định trên thì nguyên đơn là chủ thể thỏa mãn hai điều kiện sau:
Được giả thiết có quyền lợi bị xâm hại hay tranh chấp với bị đơn.
Đã tự mình khởi kiện.
Các quy định trên của BLTTDS chưa đủ để xác định tư cách của đương sự trong vụ án dân sự. Bởi lẽ, để có thể xác định đúng tư cách của nguyên đơn thì ngoài các điều kiện trên, cần có các quy định của pháp luât hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Việc xác định tư cách của nguyên đơn phải dựa trên cơ sở quan hệ pháp luật có tranh chấp, pháp luật nội dung điều chỉnh quan hệ đó.
Để trở thành nguyên đơn thì cá nhân, cơ quan, tổ chức phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Thứ nhất: khi các chủ thể cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Điều này cho thấy việc nguyên đơn tham gia tố tụng mang tính chủ động, khi nhận thấy quyền lợi của bản thân bị xâm hại chủ thể tự mình yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho mình. Nó trái ngược lại với tính bị động của bị đơn khi tham gia tố tụng. Việc yêu cầu bảo vệ quyền lợi bị xâm hại xuất phát từ ý chí chủ quan của nguyên đơn. Vì việc xác định quyền lợi của chủ thể có bị xâm hại hay không thì phải được khẳng định trong các bản án, quyết định của TA có hiệu lực. Khi bản án, quyết định của TA chưa có hiệu lực pháp luật khẳng định vấn đề đó, thì quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn mới chỉ dừng lại là giả thiết bị xâm phạm. Về nguyên tắc, quyền lợi chỉ có thể có được hoặc bị xâm phạm khi các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật nội dung (quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình…) mà nguyên đơn là một bên chủ thể.
- Thứ hai: Có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Để tham gia vào quan hệ pháp luật TTDS thì nguyên đơn phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi TTDS. Vì ngoài việc có khả năng pháp luật quy định nguyên đơn còn phải tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ TTDS hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng lúc đó họ trở thành nguyên đơn.
- Thứ ba: Các chủ thể trở thành nguyên đơn khi yêu cầu TA bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc lợi ích công cộng, lợi ích thuộc lĩnh vực mình phụ trách: Đối với chủ thể là cá nhân có năng lực hành vi TTDS đầy đủ hoặc cơ quan, tổ chức thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự được TA thụ lý thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức đó trở thành nguyên đơn. Trường hợp cá nhân không có năng lực hành vi TTDS đầy đủ mà được người đại diện hợp pháp của người này thì người được bảo vệ quyền lợi cũng được xác định là nguyên đơn. Việc quy định nhiều chủ thể có thể trở thành nguyên đơn cho thấy sự quan tâm của pháp luật tới việc đảm bảo lợi ích của mọi chủ thể trong xã hội.
- Thứ tư: Đơn khởi kiện. Để khởi kiện và xác định tư cách là nguyên đơn thì chủ thể phải có đơn khởi kiện và và gửi đơn kiện tới TA. Tư cách của chủ thể được xác định là nguyên đơn hành vi chủ thể gửi đơn tới Tòa và TA thụ ly đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải đầy đủ nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS.
Trong trường hợp cả hai bên chủ thể của một quan hệ pháp luật nội dung trong tranh chấp mà cùng khởi kiện để yêu cầu TA giải quyết quan hệ nội dung tranh chấp đó thì TA thụ lý đơn khởi kiện của bên nào trước thì bên đó được xác định là nguyên đơn.
Ngoài nguyên đơn là người có đơn khởi kiện, yêu cầu TA bảo vệ quyền lợi của cá nhân, lợi ích công cộng…thì bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng trở thành nguyên đơn trong trường hợp:
+ Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phân tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn.
+ Trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người có nghĩa vụ với yêu cầu độc lập trở thành nguyên đơn.
2.2. Các quy định về xác định tư cách của bị đơn.
Bị đơn là một trong những đương sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án. Bị đơn luôn đi cùng với nguyên đơn và tư cách bị đơn được xác định cùng tư cách nguyên đơn.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 56 BLTTDS năm 2004 “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.” Theo quy định tại điều luật này các cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định là bị đơn trong vụ án dân sự khi đáp ứng các điều kiện:
Thứ nhất: là người bị nguyên đơn của BLTTDS khởi kiện;
Thứ hai: có năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng dân sự;
Thứ ba: Bị đơn là người được giả thiết là có tranh chấp hay vi phạm đến quyền lợi của nguyên đơn. Bị đơn được xác định cùng với nguyên đơn khởi kiện tại Tòa, nguyên đơn trong vụ án dân sự là người giả thiết cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, tranh chấp nên bị đơn cũng là người được giả thiết xâm phạm quyền lợi của nguyên đơn.
Trên đây là quy định chung xác định bị đơn trong các vụ án dân sự nhưng sẽ chi tiết hơn khi xem xét dưới góc độ các quan hệ pháp luật cụ thể. Việc xác định tư cách bị đơn trong các vụ án về quan hệ pháp luật sở hữu: Theo cách xét xử vụ án dân sự trước đây của Tòa án nhân dân tối cao thì trong trường hợp kiện đòi quyền sở hữu tài sản mà tài sản đó được chuyển nhượng qua nhiều người thì bị đơn được xác định là người bị chủ sở hữu tài sản khởi kiện. Còn theo pháp luật dân sự hiện hành có sự phân biệt giữa tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và động sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Trong trường hợp là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu không có quyền kiện người chiếm hữu để đòi lại tài sản mà phải kiện người được chủ sở hữu giao cho quyền chiếm hữu tài sản đê yêu cầu bồi thường theo hợp đồng như vậy bị đơn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật hoặc người được chủ sở hữu giao quyền chiếm hữu. (Điều 257,258,259 Bộ luật Dân sự)
Việc xác định tư cách bị đơn trong các vụ án về quan hệ hợp đồng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc các quan hệ khác về nghĩa vụ. Trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng người bị thiệt hại khởi kiện người có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự và bị đơn được xác định là người bị khởi kiện. Nếu việc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra việc xác định tư cách đương sự căn cư theo quy định tại Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP ngày 08/07/2006, theo đó chủ thể xác định là bị đơn gồm: cha mẹ người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi…Đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì bị đơn được xác định là người có trách nhiệm trong quan hệ bồi thường, có thể: chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật…Đối với việc thực hiện nghĩa vụ liên đới, bị đơn là một trong những người có nghĩa vụ liên đới bị nguyên đơn khởi kiện.
Trong các quan hệ nghĩa vụ về tài sản nói trên, chủ thể có quyền khởi kiện người có nghĩa vụ được xác định trong quan hệ pháp luật đó, nhưng trong trường hợp bên có nghĩa vụ chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ mà bên có quyền đồng ý,thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ (Điều 309, Điều 315 Bộ luật dân sự). Như vậy người có quyền chỉ có thể khởi kiện người thế nghĩa vụ mà không thể khởi kiện người có nghĩa vụ trước đó và bị đơn chính là người thế nghĩa vụ.
Việc xác định tư cách bị đơn trong vụ án về quan hệ bảo lãnh: Bị đơn sẽ là ngưởi bảo lãnh nếu nghĩa vụ đến hạn phải thực hiện nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu không thuộc trường hợp này thì bị đơn là người có nghĩa vụ theo quan hệ hợp đồng chứ không phải là người bảo lãnh (Điều 361, Điều 366 Bộ luật Dân sự).
2.3. Các quy định xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Trong vụ án dân sự có sự tham gia của nguyên đơn, bị đơn và còn có sự tham gia của người thứ ba đóng vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 BLTTDS năm 2004 “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.” Như vậy việc tham gia tố tụng của người có quyền lợi và nghĩa vụ lien quan trong vụ án dân sự có thể do họ chủ động hoặc theo yêu cầu của đương sự khác hoặc theo yêu cầu của Tòa án. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm có hai loại là: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên qua có yêu cầu độc lập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập (hay còn gọi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn, bị đơn).
Xác định tư cách tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án căn cứ vào thực hiện quyền khởi kiện của nguyên đơn và việc thụ lý vụ án dân sự của Tòa án. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là người tham gia tố tụng có yêu cầu độc lập trước Tòa án. Theo quy định tại Điều 177 BLTTDS năm 2004 thì yêu cầu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án được coi là yêu cầu độc lập khi có các điều kiện: Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được Tòa án giải quyết.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì BLTTDS năm 2004 không có quy định cụ thể. Nên dựa vào các quy định có liên quan đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể thấy người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập là người tham gia tố tụng dân sự đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn và họ không có yêu cầu tố tụng trước Tòa án.
Xét trong mối quan hệ giữa pháp luật nội dung và pháp luật TTDS người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường tham gia tố tụng trong các vụ án liên quan đến bồi hoàn như quyền yêu cầu bồi hoàn cho chủ phương tiện đối với người lái xe trong trường hợp chủ phương tiện phải bồi thường cho người bị thiệt hại do người lái xe gây ra, quyền yêu cầu bồi hoàn của các cơ quan tiến hành tố tụng khi các cơ quan này đã bồi thường cho người bị thường hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng gây ra. Ngoài ra, người có liên quan đến tài sản tranh chấp trong vụ án kiện đòi tài sản mà tài sản đó đã được chuyển nhượng cho qua nhiều người thì Tòa án cũng đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan với điều kiện họ không thể phải là người đang chiếm hữu bất hợp pháp tài sản. Đối với các quan hệ về nghĩa vụ theo hợp đồng thì những người có nghĩa vụ liên đới còn lại không bị người có quyền khởi kiện yêu cầu thực hiện toàn bộ nghĩa vụ cùng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
III. Thực trạng và hướng hoàn thiện
1. Một số tồn tại thiếu sót của pháp luật trong việc quy định về đương sự.
BLTTDS là công cụ pháp lý quan trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên từ thực tiễn áp dụng hiện nay, chúng ta thấy rằng mặc dù BLTTDS 2004 đã quy định khá rõ ràng, đầy đủ về đương sự nhưng vẫn tồn tại những thiếu sót nhất định.
- Khoản 1, Điều 56 BLTTDS đã có quy định về đương sự nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định về thành phần đương sự mà không có quy định khái niệm đương sự trong vụ án dân sự cho nên trong thực tiễn không ít trường hợp TA xác định sai đương sự, triệu tập thiếu hoặc triệu tập cả những người không phải là đương sự tham gia giải quyết vụ án dân sự dẫn tới quá trình giải quyết vụ án không đúng đắn, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không được tôn trọng và bảo vệ.
- BLTTDS cũng chưa có quy định cụ thể về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự. Bởi trong thực tiễn có hai loại: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng một cách độc lập.
-Trong thực tiễn nhiều vụ án dân sự có nhiều nguyên đơn và bị đơn, quyền và lợi ích giữa các nguyên đơn và giữa các bị đơn có thể mâu thuẫn (độc lập) với nhau. Vì vậy việc xác định các trường hợp này sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án hiệu quả hơn.
- Điều 57 BLTTDS quy định về năng lực pháp luật TTDS và năng lực hành vi TTDS đã thể hiện khá đầy đủ các nội dung cơ bản của năng lực pháp luật TTDS và năng lực hành vi TTDS. Nhưng các quy định này dường như đồng nhất phạm trù năng lực hành vi dân sự với phạm trù năng lực hành vi TTDS lấy điều kiện tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự là điều kiện tham gia vào quan hệ PLTTDS và QHPL dân sự làm điều kiện tham gia vào quan hệ pháp luật TTDS là chưa hợp lý. Vì quan hệ pháp luật TTDS và quan hệ pháp luật là các quan hệ pháp luật khác nhau, có nội dung và yêu cầu khác nhau.
2. Phương hướng hoàn thiện
2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật.
- Để việc giải quyết vụ án dân sự một cách đúng đắn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và lợi ích của nhà nước cần hoàn thiện một số quy định của pháp luật về đương sự như sau:
- BLTTDS cần bổ sung thêm khái niệm: “Đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách”.
- Cần quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn là người tham gia vào vụ án để bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu của họ phụ thuộc vào yêu cầu hay phản yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập là người tham gia vào vụ án đã xảy ra giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu của họ độc lập với yêu cầu cảu nguyên đơn, bị đơn.
- BLTTDS cần quy định: Đối với vụ án dân sự mà có nhiều nguyên đơn, bị đơn, nếu quyền và lợi ích giữa các nguyên đơn và bị đơn không mâu thuẫn thì họ là đồng nguyên đơn và bị đơn. Nếu quyền và lợi ích mâu thuẫn với nhau thì họ là những nguyên đơn và bị đơn độc lập.
- BLTTDS cần gộp hai quy định tại khoản 4,5 Điều 57: Đương sự là người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ do người đại diện của họ thực hiện.
BLTTDS cần quy định rõ trường hợp đương sự là người dưới 18 tuổi nhưng không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng, đương sự là người dưới 18 tuổi nhưng vẫn có năng lực hành vi tố tụng đầy đủ. Và trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì năng lực hành vi TTDS của họ chỉ bị hạn chế trong lĩnh vực bị cấm.
- Để việc xác định tư cách của các loại đương sự một cách đúng đắn thì cần thiết phải nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ thẩm phán cả về số lượng và chất lượng song song với công tác tuyên truyền pháp luật để khi tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có sự hiểu biết để bảo vệ quyền, lợi ích của mình và nhà nước.
2.2. Nâng cao trình độ nghiệp vụ của thẩm phán
Để việc xác định tư cách của các loại đương sự một cách đúng đắn thì cần thiết phải nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ thẩm phán cả về số lượng và chất lượng song song với công tác tuyên truyền pháp luật để khi tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có sự hiểu biết để bảo vệ quyền, lợi ích của mình và nhà nước.
2.3. Một số biện pháp khác.
- Tạo điều kiện để đương sự có thể tự bảo vệ: Thành lập các tổ trợ giúp pháp lý thuộc cấp huyện, trong một số địa phương có số lượng tranh chấp dân sự nhiều có thể tiến tới thành lập tại các xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp… Những tổ trợ giúp này có thể nằm trong các hội như Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Công Đoàn… số lượng chỉ khoảng 1-2 người vì hoạt động mang tính thường xuyên và chỉ có vai trò tư vấn.
- Ngoài ra, khi đương sự không có đủ khả năng về kiến thức pháp lý cũng như kinh nghiệm tố tụng trước tòa án thì họ có thể nhờ những người đáp ứng được yêu cầu này tham gia tố tụng, thay mặt mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đây chính là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
2. Học viện tư pháp, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
4. Bình luận khoa học- Một số vấn đề của pháp luật tố tụng dân sự và thực tiễn áp dụng, Ts. Lê Thu Hà, Nxb tư pháp, Hà nội, 2006.
5. http: thongtinphapluatdansu.wordpress.com
6. Lê Nguyễn Hồng Phúc, Quyền khởi kiện với vấn đề xác định tư cách đương sự trong TTDS, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2011.
7. Nguyễn Triều Dương, Đương sự trong TTDS- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội, 2010.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập tố tụng dân sự- Đương sự trong vụ án dân sự trong vụ án dân sự.doc