MỤC LỤC
A. LỜI GIỚI THIỆU 2
B. NỘI DUNG 3
I. KHÁI QUÁT 3
1. Giới thiệu chung về nhạc Huế 3
2. Nhạc cung đình 4
3. Niên biểu Nhã nhạc cung đình Huế 8
II. GIÁ TRỊ CỦA NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ 11
1. Giá trị nội dung: Tỏa sáng với chức năng xã hội mới – khẳng định truyền thống văn hóa Việt Nam. 11
2. Giá trị nghệ thuật của Nhã nhạc cung đình Huế 11
III. MỞ RỘNG 13
1. Nhà hát Duyệt Thị Đường gắn liền với Nhã nhạc cung đình Huế 13
2. Nhã nhạc cung đình Huế từ di sản của nhân loại đến thách thức bảo tồn và giải pháp phát triển 15
C. KẾT LUẬN 20
21 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 13955 | Lượt tải: 6
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Giá trị của nhã nhạc cung đình Huế, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Theo dòng lịch sử, không đi vào chi tiết, chỉ ghi những nét đại cương trong việc tổ chức Nhạc cung đình qua các triều đại, thì Nhạc cung đình Việt nam đã có một truyền thống rõ rệt.
Nhà Lý (thế kỷ thứ 11-13)
Tuy không có ghi lại trong sách sử, nhưng xem bức chạm trên các tảng đá ở chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chúng ta thấy có 10 nhạc công chia thành hai nhóm. Những nhạc khí họ sử dụng bao gồm: Phách (hai miếng tre gõ vào nhau), đàn gáo, ống sáo ngang, đàn tranh, ống sênh (loại khèn bè). Ngay chính giữa là một hoa sen cách điệu hóa, tiếp theo là ống sênh, đàn tỳ bà, ống tiêu (thổi dọc), dà loại nguyệt cầm, trống loại phong yêu cổ (một tay cầm dùi, một tay vỗ như loại trống ghì nằng của Chăm mà hình thắt đáy lưng ong).
Nhà Trần (thế kỷ thứ 13-15)
Theo An nam chí lược của Lê Tắc thì Đại Nhạc dùng trong triều đình gồm kèn tất lật (cùng loại vói Pili Trung Quốc, Pili Triều Tiên và Hichiriki Nhật Bản), tiểu quản loại ống thổi dọc), tiểu bạt (chập chõa nhỏ) và phạn oỏ (trống cơm, có chú thêm "gốc từ nhạc khí Chiêm Thành, người Chăm) và một nhạc khí gọi là "đại cấu". Về nhạc khí này, cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi tra các Từ Nguyên, Từ Hải không thấy chữ "cấu" nên cũng không biết đó là loại gì, vì thế khi thấy trong chữ "cấu" có bộ "cung" nên Giáo sư cho rằng đó là một nhạc khí có cung kéo).
Tiểu nhạc dùng trong dân dã, gồm có cầm, tranh, thất huyền, song huyền và tiêu loại. Không rõ "cầm" có phải là gupin (có 7 dây tơ) của Trung Quốc truyền sang hay loại đàn nào khác. Thất huyền đàn 7 dây mà guqin của Trung Quốc cũng có 7 dây.
Nhà Lê (thế kỷ thứ 15 đến cuối thế kỷ 18)
Lương Đăng phỏng theo nhạc nhà Minh lập ra hai dàn nhạc Đường thượn chi nhạc, Đường hạ chi nhạc (mà chúng tôi đã nhắc đến trong đoạn đầu) nhưng không đwocj dùng lâu. Do các quan trong triều như Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận phản đối nên về sau hai dàn nhạc ấy được thay thế bằng hai đôi Đồng Văn, Nhã nhạc và sau đó lần lần Giáo phường đã thay thế hai đội này.
Trong Lê triều hội điển và Lịch triều hiến chương loại chí đều có ghi về 8 thể loại nhạc (Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Đại Yến nhạc, Cung trung chi nhạc, Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc) cùng nhiều điệu múa liên quan.
Nhà Nguyễn (đầu thế kỷ 19 đến năm 1945)
Tổ chức rất chặt chẽ và được ghi trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản chữ Hán quyển 99, và trong bản dịch tiếng Nôm in tại Thừa Thiên do Nàh Xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 1993, quyển 7, trang 68-118) đã ghi rõ về tổ chức các dàn nhạc, gồm: Đại nhạc, Nhac nhạc, Huyền nhạc... Tế giao, Miếu nhạc, Yến nhạc... Với những nhạc cụ khác nhau và cách thức ứng xử trình diễn khác nhau.
Tóm lại, chỉ mới nhìn qua, chưa đi vào bề sâu, mà giá trị của Nhạc cung đình đã quá hiển nhiên. Mới đi qua một phần chiều dài của lịch sử, chưa đi rộng trong không gian để đối chiếu nhạc cung đình Việt Nam với Yayue (Trung Quốc), Gagaku (Nhật Bản), Ah Ak, Tang Ak. Hyang Ak (Triều Tien), mà chúng ta cũng thấy lòng tràn đầy niềm hãnh diện.
Thời gian qua chúng ta đã tìm hiểu Nhạc cung đình qua lịch sử cũng như đánh giá Nhạc cung đình trong hiện tại. Nhưng quan trọng nhất là trước hết chúng ta nên dựng lại một cách trung thực các dàn Đại Nhạc, Nhã nhạc như ngày xưa, từ trang phục nhạc công đến phong cách biểu diễn, để giữ gìn một tư liệu về lịch sử cho người ngày nay và mai sau biết Nhạc cung đình của Việt Nam như thế nào, cũng giống như Nhật Bản ngày nay vẫn còn giữ lại dàn Gagaku (Nhã nhạc) hệt như dàn nhạc thành lập từ thế kỷ thứ 10.
Niên biểu Nhã nhạc cung đình Huế
3.1 Thế kỉ XVII - XVIII ở Phú Xuân và Đàng Trong: thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777)
Từ những năm 30 của thế kỉ XVII, nhà văn hóa lớn Đào Duy Từ (tác giả của Hổ trướng khu cơ, Tư Dung vãn, Ngọa Long cương vãn, của hai lũy Trường Dục và lũy Nhật Lệ (Lũy Thầy), tương truyền là tác giả của một số bài hát, điệu múa và vở hát bội cung đình thời các chúa Nguyễn, ông tổ lớn nhất của âm nhạc Huế và hát bội Huế được thờ tại nhà thờ Thanh Bình ở Huế (1572 - 1634) đã tiếp thu nhạc Đàng Ngoài, và đã giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1623 - 1634) lập ra một hệ thống lễ nhạc, triều nhạc mới. Hòa thanh thự của các chúa là tổ chức âm nhạc cung đình lớn của Đàng Trong gồm ban nhạc, đội ca, đội múa đông đảo (Đại Nam thực lục tiên biên). Cuối thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XVIII, nhạc cung đình Đàng Trong đã khá hoàn chỉnh, phong phú, hấp dẫn, theo những ghi chép và đánh giá của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán, thượng khách của chúa Nguyễn Phúc Chu (1692 - 1725) sau chuyến đi thăm Đàng Trong và Phú Xuân của ông. Được mời xem ca múa nhạc và hát bội tại phủ chúa, nhà sư cho biết điệu múa nổi tiếng thời đó là điệu múa Thái liên diễn tả dáng dấp đài các, trang nhã, tình tứ của các cô " tiểu hầu " của đô thành Phú Xuân vừa chèo thuyền vừa tươi cười hái sen. Các ca nhi vũ nữ ấy " đội mão vàng, áo hoa xanh dài phết đất, thoa son dồi phấn rất mực diễm lệ, làm nao lòng người xem " (hồi ký Hải ngoại kỷ sự, bản dịch, 1963).
3.2 Cuối thế kỉ XVIII: thời Tây Sơn (1788 - 1802)
Năm 1790, tức một năm sau khi đại thắng Đống Đa ở Thăng Long, một vua Quang Trung (giả) cầm đầu một đoàn ngoại giao sang triều đình nhà Thanh, cầu hòa và chúc thọ hoàng đế Càn Long 80 tuổi. Càn Long ý phong cho vua Đại Việt là "An Nam quốc vương" và vui lòng thưởng thức đoàn "An Nam quốc nhạc" biểu diễn chúc thọ. Nhờ những ghi chép cụ thể của Đại Thanh hội điển sự lệ và tập văn kiện ngoại giao Đại Việt quốc thư mà âm nhạc cung đình thời Tây Sơn hiện ra khá rõ nét. Hội điển triều Thanh đã mô tả chính xác trang phục các nhạc công, ca công và vũ công người Việt. Nghệ nhân cung đình Tây Sơn chơi 8 loại nhạc khí mà Hội điển triều Thanh đã ghi lại bằng chữ nôm: "một cái cổ (kai kou: trống), một cái phách (kai p'o), hai cái sáo (kai chao), một cái đàn huyền tử (kai t'an hien tse, có thể là đàn tam), một cái đàn hồ cầm (kai t'an hou k'in), một cái đàn song vận (kai t'an choang wen, có thể là đàn nguyệt) một cái đàn tỳ bà (kai t'an p'i p'a), một cái tam âm la (kai san in lo). Đó là phần nhạc khí.
Về phần hát, Đại Việt quốc thư cho biết bổ sung như sau: nhân dịp lễ thượng thọ của Càn Long 80 tuổi, đoàn quốc nhạc của ta gồm 6 nhạc công và 6 ca công cung đình đã biểu diễn cho hoàng đế nhà Thanh nghe "nhạc phủ từ khúc thập điệu".
3.3 Thế kỉ XIX: Thời thịnh của triều Nguyễn (1802 - 1885)
Theo những tài liệu tham khảo hiện có, thời kỳ vàng son của âm nhạc cung đình Đại Việt - Việt Nam - Đại Nam là thịnh thời triều Nguyễn trước khi kinh đô Phú Xuân (Huế) thất thủ vào năm 1885. Hai tài liệu chủ yếu là Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (đầu thế kỉ XIX) và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Quốc sử quán (giữa thế kỉ XIX) cho biết: Từ sau khi Gia Long lên ngôi đến khi Tự Đức mất (1883) âm nhạc cung đình Phú Xuân bây giờ quen gọi là NNCĐH đã được phục hồi, chấn chỉnh và phát triển mạnh. Các loại Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung chi nhạc đã ảnh hưởng qua lại nhiều với nhạc cổ điển thính phòng (ca Huế, đờn Huế) và nhạc tuống cổ điển, cung đình (thanh nhạc và nhạc múa của hát bội Huế). Đáng chú ý là nhiều nhà hát rạp hát lớn nhỏ của vua, đại thần và dân thường được xây dựng làm nơi biểu diễn nhạc cung đình, nhạc cổ điển, hát bội hay nhạc dân gian: Duyệt thị đường trong hoàng thành, Minh Khiêm đường trong lăng Tự Đức, Cửu tư đài trong cung Ninh Thọ, rạp hát ông Hoàng Mười, nhà hát Mai Viên tại tư dinh thượng thư Đào Tấn, đã không loại trừ sự tấp nập của những rạp hát ông Sáu Ớt (Nguyễn Nhơn Từ), rạp hát gia đình họ Đoàn (ở An Cựu), rạp hát bà Tuần (tồn tại đến 1975), v.v...
1802 - 1819: Thời Gia Long, Việt tương đội, một tổ chức âm nhạc cung đình lớn được thành lập với 200 nghệ nhân. Vua lại cho dựng đài Thông minh, một sân khấu ca múa nhạc và hát bội trong cung Ninh Thọ.
1820 - 1840: Minh Mạng cho xây dựng Nhà hát lớn Duyệt thị đường (1824), đổi Việt tương đội thành Thanh bình thự, lập thêm một Đội nữ nhạc với 50 ca nữ, vũ nữ, lại cho xây dựng Nhà thờ các tổ sư nghệ thuật âm nhạc và hát bội Huế: Thanh bình từ đường (1825). Trước nhà thờ dựng một tấm bia, một sân khấu hát bội và ca vũ nhạc. Văn bia cho biết vào đời Minh Mạng, nghệ thuật âm nhạc và sân khấu đã phát triển tốt đẹp:
"Vũ đài xuân rạng hàng ngũ chỉnh tề, sân khấu mây lồng âm thanh dìu dặt Khánh chuông ra lệnh xướng hòa, kèn trống nhịp nhàng đánh thổi Trải mấy triều vương đều khuyến khích, Biết bao âm nhạc thảy dồi dào Giữa điện đình ca múa, tỏ điềm thái vận nước nhà; Trên lăng miếu xướng hòa, ngưỡng đức cao thâm biển núi... (bản dịch của Ưng Dự).
1841 - 1883: Đời Tự Đức, âm nhạc cổ điển, nhã nhạc cung đình và hát bội cung đình đạt tới đỉnh cao. Nhà hát Minh khiêm đường được xây dựng (1864) trong Khiêm cung (sau khi vua mất sẽ gọi là Khiêm lăng). Tương truyền chính Tự Đức đã sáng tác bản nhạc Tứ đại cảnh nổi tiếng. Say mê thơ, nhạc và hát bội hơn chính trị, vua lập nên Hiệu thơ phòng để cùng các danh nho trong triều đình xướng họa thơ văn, thưởng thức âm nhạc, sáng tác hay nhuận sắc các vở hát bội. Nhà thơ và nhà soạn tuồng lỗi lạc thời Tự Đức là Đào Tấn (1845 - 1907).
3.4 Thế kỉ XIX: Thời suy của triều Nguyễn (1885 - 1945)
1858 - 1885: Thực dân Pháp gây hấn và bắt đầu xâm lược nước ta từ Đà Nẵng, rồi chiếm dần Nam Bộ, Bắc Bộ. Tháng 8 năm 1885 kinh đô Phú Xuân (Huế) thất thủ. Các vua Nguyễn sau Tự Đức đều được Pháp đưa ra làm vì, mất hết quyền bính. Đời sống cung đình tẻ nhạt, âm nhạc cung đình ngày càng sa sút.
1889 - 1925: Thành Thái lập Võ can đội, rồi thêm một đội Đồng ấu (nghệ nhân thiếu niên, làm dự bị cho Võ can đội). Tất cả đều hoạt động cầm chừng.
1914-1944: Tập san Những người Bạn của Huế cổ kính (B.A.V.H.) (bằng tiếng Pháp) ra đời và sẽ xuất bản tổng cộng 120 tập (dày nhiều vạn trang) trong suốt 30 năm dưới sự điều khiển của nhà Việt Nam học lỗi lạc L.m. Léopold Cadière. Nhiều bài nghiên cứu có giá trị về nhạc Huế được công bố trên tập san, nổi bật nhất là công trình của nhạc sĩ cổ điển Hoàng Yến (1919): Âm nhạc ở Huế, đàn nguyệt và tranh.
1925 - 1945: Dưới thời Bảo Đại, Võ can đội đổi thành Ba vũ đội gồm cả một đội Đại nhạc và một đội Tiểu nhạc tổng cộng khoảng 100 nghệ nhân hoạt động rời rạc, trong lúc chờ đợi làm nhiệm vụ chính: tham gia phục vụ lễ Tế Nam giao (3 năm một lần) (theo lời kể của cụ Lữ Hữu Thi).
Năm 1942 là năm cuối cùng triều Nguyễn cử hành lễ Tế Nam giao, cũng là lần cuối cùng Nhã nhạc cung đình Huế được biểu diễn trọng thể trước công chúng.
Ngày 31 tháng 8 năm 1945, trên Ngọ Môn, hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn vương quốc Đại Nam thoái vị. Nhã nhạc cung đình Huế tạm thời rã đám.
GIÁ TRỊ CỦA NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ
Giá trị nội dung: Tỏa sáng với chức năng xã hội mới – khẳng định truyền thống văn hóa Việt Nam.
Trung tuần tháng 8/2002, bộ hồ sơ Nhã nhạc đã được Trung tâm BTDTCĐ Huế thực hiện và Chính phủ đã ký quyết định gửi đến UNESCO đăng ký ứng cử vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại.
Hồ sơ Nhã nhạc bao gồm: trên 100 trang (hồ sơ viết), gần 100 trang phụ lục, trên 50 ảnh tư liệu và hiện trạng, phim slide, băng hình thuyết minh (10 phút), băng hình minh họa (70 phút), cùng nhiều tài liệu liên quan khác. Hồ sơ đã khẳng định Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình đạt đỉnh cao vào thế kỷ 19 ở Việt Nam, Huế là trung tâm hội tụ và lan tỏa các giá trị này. Với các giá trị của không gian, bối cảnh, các kỹ năng kỹ thuật, cách thức diễn xướng, trình tấu, vị thế mang tính chất khẳng định bản sắc văn hóa thực trạng của công cuộc bảo tồn và chương trình hành động...
Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cùng với 27 kiệt tác khác của Châu Á; Châu Mỹ La tinh, vùng Caribê ; Châu Âu; Châu Phi; vùng Trung Đông , Đa quốc gia.
Với những giá trị nổi bật, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam, bằng tất cả những gì còn lại ở Huế chắc chắn sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia trong khu vực và thế giới.
Giá trị nghệ thuật của Nhã nhạc cung đình Huế
Tại Việt Nam, âm nhạc dân gian phát triển khá phong phú ở cả ba miền. Nền âm nhạc dân gian ấy gắn liền với đời sống con người từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành và lúc lìa bỏ cõi trần. Con người ngay từ khi mới được sinh ra cho đến khi trở về với cát bụi luôn gắn liền với những bài đồng dao, hát ru, hò, lý, ca trù, ca Huế, bài chòi, ca tài tử… Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Khê, “nhạc cung đình chỉ có ở miền Trung, và đặc biệt tại Huế mới còn có di tích của bộ môn âm nhạc độc đáo, tinh vi mà chúng ta đến ngày nay chưa nhận thấy được hết cái giá trị của bộ môn đó”.
Cũng theo GS Trần Văn Khê thì nhã nhạc cung đình Huế còn có giá trị rất độc đáo ở chỗ: “chẳng có bộ môn âm nhạc nào được ghi vào sử sách Việt Nam từ xưa đến giờ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của các triều đại, biến cố trong đất nước, vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể, có thể dùng làm những bài học cho chúng ta về nhiều mặt nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản phong phú và quan điểm thẩm mỹ rất sâu sắc”.
Nhã nhạc cung đình Huế có một giá trị nghệ thuật rất cao, mà theo giải thích của GS Trần Văn Khê là: “Nhạc khí dùng trong nhạc cung đình rất đẹp trong hình thức, đóng ráp kỹ, chạm trổ khéo, đầy đủ màu âm, có tiếng kim, tiếng thổ, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng đồng, tiếng đá, tiếng da, tiếng mộc. Dàn nhạc đa dạng: Đại nhạc gồm đại hồng chung, trống đại, trống võ, bồng, mõ, thanh la, chập chõa, sinh tiền, kèn, nhị; tiểu nhạc (hay nhã nhạc) có đàn dây tơ: đàn nguyệt (2 dây), đàn tam (3 dây), tỳ bà (4 dây), đàn nhị (2 dây có cung kéo); có hai sáo trúc, trống bảng một mặt, 3 thanh la nhỏ, sinh tiền”.
Cũng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê thì “Trong dàn Nhã nhạc ta có thể nghe tiếng chững chạc trang nghiêm của đàn nguyệt, tiếng chuyền tiếng rơi vào nhịp nhịp ngoại, tiếng chầy, tiếng phi bay bướm của tỳ bà, tiếng trong nhờ nhạc công đàn nhị dùng tay mặt kéo cung, tay trái vuốt ve “nên lời dịu ngọt”, tiếng đục của đàn tam đem tiếng thổ chen vào tiếng kim của tam âm la, với tiếng nỉ non vi vút “như tiếng hạc bay qua” của hai ống sáo, tất cả nhạc khí ấy cùng theo nhịp do tiếng trống bảng dìu dắt, tiếng trống khi khoan khi nhặt, khi đánh nhịp chánh diện khi vào nội phách khi ra ngoại phách, toàn bộ dàn Nhã nhạc, liên tục trong 10 bài Ngự, từ nhịp điệu khoan thai của mấy bản Phấm Tuyết, Nguyên Tiêu lúc mở đầu, lần lần dồn dập qua các bài Hồ Quảng, Liên Hoàn, Bình Bán, Tây Mai, Kim Tiền, rộn rã từ Xuân Phong, Long Hổ đi đến náo nhiệt qua cấp điệu như tiếng vó ngựa trong bài Tẩu Mã”.
Từ hơn 90 năm trước – năm 1918, khi chứng kiến lễ Tế Giao diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch, nhà báo Phạm Quỳnh trong bút ký “Mười ngày ở Huế” đã ghi lại cảm xúc của mình: “Ngoài sân phường ca hát ca khúc An thành, vừa múa, vừa hát. Đương đêm hơn một trăm con người đồng thanh hát ca, nghe rất cảm động, tưởng thấu đến tận trời cao đất thẳm, cái tấm lòng thành của cả một dân tộc, một nước”, “Cảnh giao đàn ban đêm như cảnh trong mộng, đèn thắp sáng trong đàn thành từng dãy dọc, dãy ngang, trông xa như một chữ Triện lớn viết bằng những nét chấm sáng mà treo lưng chừng trời. Tiếng đàn, tiếng sáo thì như nước chảy, suối reo, tiếng hát như tiếng thiên thần…”.
Với những giá trị về nhiều mặt và rất đặc trưng của loại hình nhã nhạc của Việt Nam, ngày 7.11.2003 tại Paris, ông Koichiro Matsura – Tổng Giám đốc UNESCO – tuyên bố: Nhã nhạc cung đình Huế (cùng với 27 kiệt tác của các quốc gia khác) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
MỞ RỘNG
Nhà hát Duyệt Thị Đường gắn liền với Nhã nhạc cung đình Huế
Duyệt Thị Đường được xem là nhà hát cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào năm 1826 – năm Minh Mạng thứ 7, hiện đã được trùng tu và đang được sử dụng để biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế phục vụ du khách (7). Trong khuôn viên nhà hát Duyệt Thị Đường, trước đây được dùng để trồng các loại cây thuốc nam quý hiếm dành cho vua và hoàng gia. Bên hữu và bên tả của Duyệt Thị Đường là nơi dùng để sao chế thuốc chữa bệnh và làm nơi chế biến các món ăn phục vụ nhà vua và hoàng gia. Vật liệu xây dựng nhà hát Duyệt Thị Đường đều bằng gỗ lim. Nhà hát có chiều cao 12m, gồm hai tầng. Đây là một tòa nhà bằng gỗ, lợp ngói lưu ly, bốn gian hai chái, tọa lạc trong một khuôn viên hình vuông có tường bao quanh. Trần nhà của nhà hát Duyệt Thị Đường được chạm nổi cảnh trăng, sao, các vì tinh tú, mặt trời – biểu hiện của vũ trụ thu nhỏ. Phía vách gỗ bên ngoài nhà hát được khắc hình rồng, phụng và nhiều loại hoa văn khác. Sân khấu của nhà hát có hình vuông, nằm ngay chính giữa nhà hát. Vị trí của vua ngồi xem hát ở lầu hai, ngay chính giữa, dưới một vòm trần nhà có chạm khắc nhiều loại hoa văn cổ. Hai bên trái và phải của tầng hai là nơi dành cho quốc khách. Còn các quan của triều đình thì ngồi trên trường kỷ đặt hai bên tả và hữu của sân khấu ở tầng dưới. Sâu khấu có ba mặt: mặt sau là hậu trường; hai mặt hai bên là phòng dành cho các diễn viên hóa trang, thay trang phục. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, năm 1897, một người Pháp có tên là F.Baille đã mô tả một buổi vua vào xem hát ở Duyệt Thị Đường: “Đức vua ngự trên long ỷ thì dàn nhạc giáo đầu gồm hai mươi nhạc sỹ ngồi xổm đánh trống, gảy đàn, thổi kèn… Trước mặt họ có một cái trống lớn… Một vị quan ngồi sau trống. Mỗi khi nghệ sĩ khéo trình diễn thì ông đánh hai hay ba tiếng trống, mỗi tiếng tiêu biểu một số tiền biếu tặng diễn viên…”.
Qua thời gian, nhà hát Duyệt Thị Đường đã bị xuống cấp nặng nề. Do vậy, nó đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Dưới thời các vua Nguyễn, Duyệt Thị Đường cũng đã được tu bổ. Đến năm 1962, khi chính quyền Sài Gòn cải tạo và sửa chữa nhà hát Duyệt Thị Đường để làm cơ sở giảng dạy của Trường quốc gia Âm nhạc Huế thì các công trình xung quanh nhà hát gần như bị triệt hạ hoàn toàn (để xây cấy cơ sở dành cho giáo viên và sinh viên), cấu trúc của nàh hát đã bị biến dạng gần như hoàn toàn. Từ 1992, được sự trợ giúp của Chính phủ Việt Nam và một số doanh nghiệp của nước ngoài, nhà hát cổ nhất Việt Nam Duyệt Thị Đường đã được khôi phục bằng công tác trùng tu, sửa chữa, để chính thức mở cửa đón du khách vào ngày 1.1.2003. Hiện tại, bởi nhiều lý do, một số vị trí thuộc khu vực biểu diễn và khu dành cho khán giả đã bị thay đổi, mà theo lý giải của cơ quan chủ quản là “nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo quần chúng và khách tham quan du lịch đến thưởng thức nghệ thuật tại nhà hát”.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì hiện tại, có ba loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong nhà hát Duyệt Thị Đường là nhã nhạc, múa cung đình và tuồng cung đình.
Tuy nhã nhạc được hiểu là đồng nghĩa với nhạc lễ cung đình và nó bao hàm tất cả các tổ chức dàn nhạc lễ nhưng nhã nhạc hiện tồn tại dưới hai tổ chức dàn nhạc cơ bản là đại nhạc và tiểu nhạc. Trong đó, đại nhạc là dàn nhạc diễn tấu với những trình thức quan trọng nhất trong các buổi lễ, và thường diễn ra tại những lễ tế quan trọng như tế Nam Giao, tế miếu, đại triều… Đại nhạc được xem là dàn nhạc quan trọng nhất trong hệ thống nhạc lễ cung đình. Trong khi đó, nếu đại nhạc là hoạt động âm nhạc rất trang trọng thì các bài bản âm nhạc của hệ thống tiểu nhạc lại mang màu sắc trang nhã, vui nhộn và tương đối ổn định; thường được diễn ra trong những buổi yến tiệc của vua và hoàng gia, trong dịp tết và trong các dịp tiếp quốc khách. Chất liệu âm nhạc của tiểu nhạc khá ổn định và dễ đi vào lòng người bởi nó không quá trang nghiêm hoặc quá sầu bi như đại nhạc.
Cùng với nhã nhạc (hai hình thức đại nhạc và tiểu nhạc), múa cung đình cũng là một loại hình nghệ thuật được biểu diễn tại nhà hát Duyệt Thị Đường từ xưa nay. Múa cung đình có nguồn gốc từ rất lâu đời ở Việt Nam, bắt nguồn từ các điệu múa truyền thống trong dân gian, được chọn lọc, phát triển và nâng cao theo các quy phạm nghệ thuật chặt chẽ và nghiêm trang để trở thành loại hình (múa) dành cho hoàng tộc. Múa cung đình triều Nguyễn được xem là loại hình nghệ thuật gắn liền với nhạc cung đình; được tiếp thu từ các điệu múa cung đình các triều đại trước, từ các điệu múa dân gian và sau đó được nâng cao bằng ý thức sáng tạo của nghệ nhân để trở thành loại hình nghệ thuật đặc trưng của triều Nguyễn. Hiện tại, nhà hát Duyệt Thị Đường đang phục vụ du khách các điệu múa cung đình triều Nguyễn như Bát dật, Lục cúng hoa đăng, Trình tường tập khách, Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, Vũ phiến, Tam quốc Tây du, Lục triệt hoa mã đăng…; và đang nghiên cứu phục hồi các điệu Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ…
Loại hình nghệ thuật thứ ba đang được biểu diễn tại nhà hát Duyệt Thị Đường nữa là tuồng cung đình. Tuồng, hay còn gọi là hát bội, là bộ môn nghệ thuật truyền thống xuất hiện ở Việt Nam vào thời nhà Trần (1225 – 1400). Đến thời Nguyễn, tuồng đã đươc phát triển một cách rực rỡ và một bộ phận của loại hình nghệ thuật này đã trở thành “tuồng cung đình” dành riêng cho vua và hoàng gia. Có thể nói, tuồng cung đình Huế là một hiện tượng đặc biệt – hiện tượng phát tích khá rực rỡ trong truyền thống kịch hát của dân tộc. Nói cách khác, tuồng vốn mang tính dân gian trước đó đã được nâng lên thành một bộ môn nghệ thuật hoàn thiện có tính bác học cả về kịch bản cũng như biểu diễn dưới triều đại nhà Nguyễn, đặc biệt là thời Tự Đức, và trở thành “quốc kịch”. Tuồng cung đình có rất nhiều vở, trong đó đáng kể là các vở (tiêu biểu): Sơn hậu, Dương chấn tử, Tam nữ đồ vương, Hồ thạch phủ, Lý phụng đình, Giác oan, Đào phi phụng, Phụng kinh văn…Sự ra đời và phát triển của nhà hát Duyệt Thị Đường cho thấy đây chính là cái nôi để nhiều loại hình nghệ thuật cổ của người Việt đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, làm nên những viên ngọc sáng giá của dân tộc.
Nhã nhạc cung đình Huế từ di sản của nhân loại đến thách thức bảo tồn và giải pháp phát triển
Nhã nhạc cung đình Huế - di sản của nhân loại
Nhã nhạc là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, khởi nguồn dưới triều nhà Hồ (1400 - 1407) và cực thịnh vào thời Nguyễn (1802 - 1945). Đây là loại hình âm nhạc thiêng liêng, chỉ dùng trong các dịp đại lễ trang trọng của triều đình và những cuộc cúng tế thần linh, tổ tiên của triều đại. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.
Nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế đã đâm chồi nảy lộc từ sự quan tâm của những người yêu loại hình nghệ thuật này và nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Tính đến năm 2003, khi UNESCO công nhận Nhã nhạc là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại thì bộ môn nghệ thuật này đã có lịch sử hơn nửa thế kỷ gìn giữ và bảo tồn. Đầu tiên phải kể đến đức Từ Cung - thân mẫu của vua Bảo Đại. Sau năm 1945, bà đứng ra bảo trợ và duy trì đội Nhã nhạc cung đình dưới biên chế của đoàn Ba Vũ cổ nhạc. Đoàn tồn tại cho đến năm 1975 thì tan rã. Các nhạc công của đoàn mỗi người mỗi ngả, làm nhiều việc để kiếm sống, hầu như ít ai nhắc đến hai từ Nhã nhạc.
Đến năm 1992, trong dịp Festival văn hóa Việt - Pháp, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa -Thông tin Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô, dàn đại nhạc và tiểu nhạc đã được dựng lại. Trên thành quả của liên hoan và sự quy tụ một số lượng lớn các nghệ nhân, cùng năm đó, CLB Nhã nhạc Phú Xuân ra đời với những nhạc công đẳng cấp như các cụ Trần Kích, Hồ Viết Châu, Trần Thảo... Năm 1993, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mời các nghệ nhân biểu diễn trong điện Thái Hòa, sau đó động viên họ đứng ra tuyển chọn đội ngũ kế cận và truyền dạy tại nhà. Năm 1994, giáo sư Tôn Thất Tiết về nước nhận bảo trợ cho các nghệ nhân Nhã nhạc. Lần đầu tiên một đoàn Nhã nhạc ra đời, lấy nòng cốt là CLB Phú Xuân, năm 1995 đoàn sang Pháp biểu diễn và thu băng. Năm 1996, đĩa ghi âm Nhã nhạc đầu tiên được phát hành tại Pháp và lọt vào top 10 đĩa CD hay nhất của Pháp trong năm. Năm 2002, Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch) giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành xây dựng bộ hồ sơ Nhã nhạc để đệ trình lên UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế chính thức được UNESCO vinh danh.
Thách thức bảo tồn
Ngay sau đó, Việt Nam đã xây dựng một chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị của Nhã nhạc. Chương trình này được UNESCO lựa chọn và chấp thuận tài trợ, nguồn vốn từ quỹ uỷ thác Nhật Bản và đối ứng của phía Việt Nam (hơn 300.000 USD). Sau 3 năm thực hiện, dự án đã thu được kết quả rất khả quan ở nhiều phương diện và được Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đánh giá là mẫu mực trong khu vực về tính hiệu quả. Lo ngại về sự mất dần nghệ nhân có khả năng trình diễn và hiểu biết về Nhã nhạc, ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phó trưởng ban điều hành dự án cho biết: “Qua dự án, 20 nhạc công tuổi từ 16-20 đã được đào tạo bài bản. ưu điểm của các nhạc công trẻ này là ngoài khả năng trình diễn Nhã nhạc, họ còn được cung cấp phương pháp luận. Nhờ đó, các em có nền tảng văn hoá, hiểu được các giá trị của di sản để có nghĩa vụ bảo tồn và
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tieu Luan - Nha nhac cung dinh.docx