Những người phụ nữ trong tập truyện ngắn này của Đỗ Hoàng Diệu đều lâm vào nỗi khổ khó giải thoát, những nỗi khổ rất riêng tư và rất khó nói, không phải những nỗi khổ dễ dàng được thấu hiểu, cảm thông của nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, cũng không phải nỗi khổ có thể làm minh bạch, để được giải oan như trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ Tất cả đều âm ỉ mà đau đớn. Họ chỉ có duy nhất một thứ để xoa dịu , để chống chọi với bất hạnh. Đó là sức sống, là khát khao sống, khát khao yêu mãnh liệt.
10 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3361 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Hình ảnh người phụ nữ trong tập truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA VĂN HỌC
---------------
TIỂU LUẬN GIỮA KỲ
MÔN: LÝ LUẬN VĂN HỌC
ĐỀ TÀI: HÌNH ẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “ BÓNG ĐÈ ” CỦA ĐỖ HOÀNG DIỆU
Sinh viên : Lê Thị Thu Hảo
Lớp : K51-Văn CLC
Hà Nội, 16-11-2006
Hình ảnh người phụ nữ trong tập truyện ngắn “ Bóng Đè “ Của Đỗ Hoàng Diệu
Người phụ nữ là một đề tài quen thuộc, một hình ảnh không xa lạ gì đối với văn chương. Từ những tác phẩm văn chương cổ xưa như ca dao đến văn học trung đại rồi văn học hiện đại, hình ảnh ấy vẫn được nhắc đến, được xây dựng và luôn luôn được bạn đọc, dư luận xã hội cảm thông, chia sẻ, lên tiếng ủng hộ. Vậy có ai đã từng đặt ra câu hỏi trong xã hội ngày nay, cụ thể là trong văn học đương đại, hình ảnh người phụ nữ như thế nào? Đến với tập truyện ngắn “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu, ta có thể tìm thấy một cách nhìn, một cách viết đầy ám ảnh về người phụ nữ đương đại.
Tập truyện ngắn “Bóng đè” của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu được nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2005 với tám truyện ngắn. Đây là tập truyện được xã hội rất quan tâm với nhiều điều tiếng khen chê ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng ở đây, ta chỉ quan tâm đến hình ảnh người phụ nữ đương đại dưới cách nhìn của Đỗ Hoàng Diệu. Trong tập truyện với tám truyện ngắn ấy, có không dưới năm truyện có nhân vật trung tâm là người phụ nữ. Tất cả họ đều rất trẻ, có khi vẫn còn là những cô gái, với những nét đẹp rất riêng, đầy nữ tính. Trong truyện ngắn mở đầu tập truyện - “Bóng đè”, hình ảnh người phụ nữ là một người vợ trẻ, mới lấy chồng. Và đặc biệt, người phụ nữ ấy có một nét đẹp ấn tượng và cũng đầy biểu tượng, đó là đôi bàn tay mà ngay mở đầu câu chuyện, nhà văn đã nhắc tới dưới hình thức tự truyện của nhân vật: “Tôi có bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy. Bàn tay không thay đổi theo mùa hay béo gầy cơ thể. Thụ (nhân vật người chồng) bảo bàn tay tôi không tuổi tác trọng lượng (…) Bàn tay thể hiện tâm hồn con người, dù em mập đến mấy ngón tay em vẫn chỉ là cọng cỏ chao lượn dưới gió xuân”.
Những câu văn miêu tả hình ảnh bàn tay thật đẹp. Nó cho ta thấy một vẻ đẹp khá đặc biệt, hơn thế đẹp đến lạ kỳ của đôi bàn tay, “nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy”. Theo cách nói của nhà văn “bàn tay thể hiện tâm hồn con người”, ta có cảm nhận chủ nhân của đôi bàn tay ấy cũng có một tâm hồn đẹp”. Nhưng những câu văn tiếp sau, vẫn miêu tả đôi bàn tay, lại cho ta dự cảm về một điều gì thần bí, đáng sợ: “Tôi chìa bàn tay ra trước nắng, như nhìn bàn tay một kẻ khác. Giông gió, bão lũ, hạn hán, tôi có thể chết đi rồi mà bàn tay vẫn nguyên vẹn với năm ngón ngắn dài, làn da mỏng tanh không trọng lượng. Chỉ có tôi hiểu vì sao bàn tay tôi tách rời ra khỏi thể xác mình”. Hình ảnh bàn tay ấy không chỉ còn là vẻ đẹp xác thể bề ngoài mà còn là vẻ đẹp của tâm hồn bên trong, thể hiện cái khát khao sống, sức sống mãnh liệt của nhân vật. Chỉ đôi bàn tay ấy đã đủ gây cho ta cảm nhận về một người phụ nữ đẹp.
Nếu trong “Bóng đè”, người phụ nữ toát ra cái đẹp từ đôi bàn tay thì trong “Hoa máu”, cái đẹp của người phụ nữ lại được thể hiện qua hình ảnh cô gái dân tộc - H’Linh với những nét đẹp chi tiết mà toàn thể. Dưới cái nhìn của nhân vật Nam, người yêu H’Linh, hình ảnh cô hiện lên: “Mái tóc đen tràn phủ bờ vai. Đôi mắt to tròn (…) Hàm răng trắng bóng sin sít lấp lánh cùng nụ cười”. Với Nam, đó là “một cô gái đẹp như tiên giáng thế”. Vẻ đẹp ấy có thể nói là toàn diện, toát lên một sự trong sáng, ngây thơ. Không chỉ dưới con mắt của Nam mà ngay cả mẹ Nam - một người không ưa gì H’Linh, ngăn cản tình yêu của Nam và H’Linh mà cũng “giật mình” trước vẻ đẹp của cô:
“…Cô gái chạy tót lên bờ bằng bước chân loài hẵng tơ, Bà giật mình. Nó đẹp thấy. Hà Nội, bà thấy nhiều người mẫu, diễn viên nổi tiếng, nhưng chưa ai đẹp thế. Hoang sơ, rực nhưng trầm, khó tả”. Cái đẹp người phụ nữ ở H’linh là cái đẹp của một người con gái dân tộc, cái đẹp được đượm hương rừng núi, một cái đẹp hiếm thấy, khó tìm. Đọc hai tác phẩm, hai nhân vật khác nhau với những vẻ đẹp khác nhau, biểu hiện khác nhau nhưng cũng cho ta thấy phần nào cách nhìn của Đỗ Hoàng Diệu. Trong con mắt nhà văn, những người phụ nữ đều có vẻ đẹp riêng. Và có thể nói, đó cũng là tiếng nói trân trọng, ngợi ca người phụ nữ của nhà văn. Đây là sự kế tiếp trong hình ảnh người phụ nữ Việt Nam từ xa xưa của Đỗ Hoàng Diệu. Tất cả đều là những người phụ nữ đẹp, đáng trân trọng.
Cùng với vẻ đẹp, số phận của người phụ nữ trong văn Đỗ Hoàng Diệu cũng có những nét tương đồng với hình ảnh người phụ nữ trong văn chương thời xưa. Những người phụ nữ trong tập truyện “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu đều có những nỗi bất hạnh. Nhưng điều đặc biệt, khác xưa, tính thời đại trong hình ảnh người phụ nữ của Đỗ Hoàng Diệu, là những nỗi bất hạnh đó đều rất riêng tư, rất thầm kín và cũng rất khó giãi bày. Trong truyện ngắn mang tên cả tập truyện - “Bóng đè”, người phụ nữ bị đeo đuổi bởi một thứ “tội tổ tông”. Người phụ nữ ấy là con dâu trưởng của một gia đình khắt khe mà một năm có tới mười bảy đám giỗ. Nhưng đó chưa phải là nỗi bất hạnh mà nỗi bất hạnh của người phụ nữ ấy là cái hiện tượng “Bóng đè” đến với cô những ngày về quê làm giỗ. Một điều kỳ bí trong hiện tượng này là cái được gọi là “Bóng đè” kia với cô là “thật” nhưng với mọi người nó lại là “giả”. Không ai thấy, không ai hiểu, chỉ một mình cô biết, một mình cô chịu đựng, nhưng lại không thể làm gì để tự giải thoát mình.
“Bóng đè” là một hiện tượng, một thuật ngữ có thực trong đời sống. Nhưng trong truyện ngắn này, Đỗ Hoàng Diệu lại sử dụng hiện tượng này như một điều thần bí, kỳ lạ để phản ánh nỗi khổ của người phụ nữ, cái đáng thương của họ. Họ đâu có tội tình gì khi sống thực với bản năng của mình, khi mang trong mình cái khát khao sống rất đời thường là yêu và được yêu. Chính họ cũng không mong muốn bất hạnh ấy xảy ra với mình. Trong hiện tượng ấy, họ là người bị động, là nạn nhân, phải hứng chịu để rồi khi nghĩ lại họ thấy ghê tởm, đau khổ, dằn vặt, chán gét bản thân mình. Vậy mà tất cả mọi người xung quanh đều không biết, không hiểu và đều trút cho họ những cái nhìn lạnh nhạt, đầy khinh bỉ, kể cả người chồng và càng bất hạnh hơn khi họ có nỗi khổ mà không thể chia sẻ cùng ai, để rồi cứ tự dằn vặt mình bởi “thứ tội tổ tông” đáng sợ.
Nếu như bất hạnh của người phụ nữ trong “Bóng đè” còn là một cái gì bí ẩn, mơ hồ thì trong “Dòng sông hủi”, nỗi bất hạnh ấy đã rõ ràng hơn. Truyện kể về một người phụ nữ lấy chồng chưa lâu, người chồng “hành nghề kỳ quặc: kiểm tra trí nhớ của con người”. Để rồi chỉ sau một thời gian ngắn lấy nhau, người vợ trở thành đối tượng để điều tra , nghi vấn của người chồng. Người vợ ấy không còn một chút quyền tự do cá nhân và trở thành vật sở hữu của riêng người chồng. Khi cô sa ngã, phạm sai lầm và bị chồng phát hiện, cô đã bỏ đi đến nơi ở của những người Thượng - những người bị bệnh hủi. Ở đó, cô lại tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc. Nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong “Dòng sông hủi” là do chính người chồng gây nên, một người chồng kỳ quặc mà có thể gọi là mắc chứng “bệnh nghề nghiệp”. Người chồng ấy không còn coi vợ mình là con người, không còn chút tôn trọng đối với vợ.
Những người phụ nữ trong tập truyện ngắn này của Đỗ Hoàng Diệu đều lâm vào nỗi khổ khó giải thoát, những nỗi khổ rất riêng tư và rất khó nói, không phải những nỗi khổ dễ dàng được thấu hiểu, cảm thông của nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, cũng không phải nỗi khổ có thể làm minh bạch, để được giải oan như trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ… Tất cả đều âm ỉ mà đau đớn. Họ chỉ có duy nhất một thứ để xoa dịu , để chống chọi với bất hạnh. Đó là sức sống, là khát khao sống, khát khao yêu mãnh liệt.
Người phụ nữ trong truyện ngắn “Bóng đè” có một sức sống mãnh liệt được thể hiện trong tình yêu, trong sự quật cường. Mặc dù phải gánh chịu một hiện tượng đáng kinh sợ, cô vẫn sống, khẳng định bản lĩnh sống của mình. Khi biết mình có thai và tự hiểu cái thai ấy “không phải của Thụ (chồng cô), không của bất kỳ người đàn ông nào”, cô vẫn “yêu thương vô hạn”, “yêu thương tràn lấp tâm hồn đến chẳng nói thành lời”. Có lẽ đó là bản năng của người phụ nữ, của người mẹ. Dù đứa con ấy là của ai, kì quái như thế nào thì vẫn là giọt máu đích thực của người mẹ.Tình yêu thương với con, đó là một lẽ tự nhiên mà không cần phải giải thích. Người phụ nữ ấy tự khẳng định với mình và cũng khẳng định cho những cái “bóng” kia biết, cô có thể đoán trước thế hệ con mình rồi cũng “sẽ tiếp tục thờ cúng bóng tối” - cái bắt buộc không thể trốn tránh, nhưng đó sẽ là một sự “sẵn sàng”, không phải tự nguyện mà như “những người nghèo vẫn sẵn sàng bán máu”. Điều kiện hoàn cảnh là bắt buộc, nhưng họ sẽ là người biết trước, ở tình thế chủ động. Đó chính là sự quật cường của người phụ nữ. Đặc biệt, nhà văn đã thể hiện cái khát khao, sức sống mãnh lệt của người phụ nữ qua biểu tượng bàn tay. Hình ảnh bàn tay là hình ảnh mở đầu và cũng là hình ảnh kết thúc tác phẩm. Nó được nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm. Kết thúc truyện ngắn nhà văn viết về hình ảnh bàn tay: “Chúng tôi bất lực chỉ có những ước mơ mà không chiếc bóng nào có thể tước đoạt. Tôi đưa tay mình ra sáng. Nắng lung linh trên năm ngón dài ngắn thanh tao lạ thường. Chiến tranh, giông gió, bão lũ, hạn hán, tôi có thể đi rồi mà bàn tay vẫn nguyên vẹn. Tôi đinh ninh điều ấy”.So với đoạn mở đầu, những câu văn kết này cũng không khác gì nhiều. Sau bao nhiêu truyện rùng rợn xảy ra, hình ảnh bàn tay ở cuối tác phẩm vẫn như lúc mở đầu. Hình ảnh bàn tay ấy là sức sống bất diệt, không thể mất và cũng là cái ước mơ vĩnh hằng - ước mơ sống hạnh phúc của người phụ nữ. Nhà văn đặt hình ảnh bàn tay trong ánh sáng, dưới nắng để khẳng định nó thuộc về một thế giới thanh cao, tươi sáng. Đó là cái đẹp đẽ mà “không chiếc bóng nào có thể tước đoạt”, không một thế lực nào dù có thần bí đến đâu có thể cướp mất và dù họ có chết đi, bàn tay vẫn nguyên vẹn”, sức sống, ước mơ vẫn tồn tại. Cái sức sống và ước mơ ấy sẽ còn được họ truyền lại cho thế hệ sau bởi “con tôi sẽ có bàn tay của mẹ, một bàn tay không béo gầy, không trọng lượng, chỉ có làn da mỏng tanh nhưng biết níu giữ tự do cho dù bị thân thể buộc trói. Nắng tắt mà bàn tay vẫn óng ánh diệu kỳ”. Có lẽ, đến đây ta đã hiểu tại sao bàn tay người phụ nữ ấy lại “tách rời khỏi thể xác mình”. Nó là biểu tượng tinh thần của sức sống, ước mơ mà cho dù có bị trói buộc về mặt thể xác thì nó vẫn luôn luôn tự do. Chính Đỗ Hoàng Diệu đã nhắc đến hình ảnh bàn tay trong lời tâm niệm của chính mình: … “còn bàn tay thon kì diệu óng ánh dưới nắng, sẽ còn có ngày mai”. Có thể thấy, những khát vọng, ước mơ, sức sống của nhân vật người phụ nữ trong truyện cũng chính là của nhà văn. Hơn thế, Đỗ Hoàng Diệu còn nhắc đến nó trong nhiều tác phẩm khác.
Trong truyện ngắn “Vu quy”, người phụ nữ, nhân vật chính của truyện cũng mang trong mình khát vọng tự do, hạnh phúc, bình đẳng trong tình yêu, trong cuộc sống. Khi nghe lời bố mẹ lấy một người nước ngoài và rồi phát hiện ra đó là một xác ướp, người phụ nữ ấy đã đau khổ, gần như tuyệt vọng. Nhưng rồi cô như sống trở lại với những ý nghĩ về tự do ở cuối tác phẩm:
Bầu trời trong xanh. Ngày đông mà nắng đẹp đến thế. Tôi xoay tròn đôi săng đan trắng, đi lại trong phòng, đi rảo trước chiếc giường với ý nghĩ mình sẽ trốn thoát. Tôi ngồi xuống, tôi ngồi im giữa chiếc ghế bành. Tôi biết bố tôi rồi cũng sẽ chết. Cuộc đời tôi rồi sẽ mục cánh. Ngoài kia… Ngoài kia nắng chiếu ngời nhân loại”. Trong những câu văn này, nhà văn nhắc tới hình ảnh bầu trời, hình ảnh nắng - những hình ảnh của tự nhiên đầy tự do, không một chút trói buộc. Rồi hình ảnh “đôi săng đan trắng” đó là thứ cô yêu thích, cũng là thứ duy nhất cô được tự do lựa chọn trong ngày lễ vu quy của mình. Bởi vậy, với cô, nó là một biểu tượng của tự do. Hình ảnh ấy nhắc đến với người con gái là ý nghĩ khát khao tự do. Cô khát khao được tự do và tin vào ngày tự do, ngày cuộc đời cô được “mọc cánh” trong tương lai. Kết thúc tác phẩm, dường như tâm hồn cô hoà vào nắng, tự do cùng nắng Đỗ Hoàng Diệu đã phơi trải những khát khao sống, khát khao tự do, tình yêu qua suy nghĩ của từng nhân vật và có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của nó. Niềm tin ấy đã được thể hiện rất rõ trong “Căn bệnh”.
Nhân vật người phụ nữ trong “Căn bệnh” mắc bệnh nhiễm HIV, một căn bệnh thế kỷ, vô phương cứu chữa trong chính bối cảnh của truyện và cả hiện thực đời sống ngày nay. Ấy vậy mà, cô gái ấy lại có thể tự tạo ra một thứ thuốc cho riêng mình rất hiệu quả, chỉ qua một giấc mơ. Cô đã làm theo giấc mơ của mình, lấy cúc áo của người cô yêu ngâm nó “trong những cốc nước và khéo léo bắt anh uống thật nhiều”, rồi “ngậm nó trong miệng và cảm nhận được mùi thuốc kháng sinh, đôi khi là mùi những viên kẹo bọc đường”. Việc làm ấy đã cho hiệu quả rõ rệt, cô tự thấy “tôi khoẻ ra trông thấy: Ăn được, ngủ được, da dẻ trở lại sắc hồng (…) Anh cũng vậy, công việc liên miên mà có vẻ chắc hơn, mắt bớt thâm quầng, lại vơi bớt sự u buồn trên nét mặt. Tôi giảm hẳn lo lắng, suy nghĩ và hoài nghi”. Ta càng tin vào sự thần kỳ của cúc hơn khi một tình huống xảy ra. Nhân vật nữ nuốt mất chiếc cúc áo và “quỵ ngã cả tâm hồn lẫn thể xác”. Phải chăng chiếc cúc áo ấy thần kỳ thật sự? Chỉ cần một chếc cúc áo đơn giản có thể chữa được căn bệnh thế kỷ? Điều đó thật khó tin và câu chuyện trở nên hoang đường. Nhưng chính trong cái khó tin, hoang đường ấy lại chứa đựng một nên tin và đáng tin. Chiếc cúc áo kia chẳng qua là một hình ảnh vật chất hoá của yếu tố tinh thần. Với cô gái trong truyện, chiếc cúc ấy không phải là một chiếc cúc bình thường. Nó là chiếc cúc áo của người cô yêu, nó đã xuất hiện trong giấc mơ của cô là một phương thuốc thần cho. Cô tin vào nó, trân trọng nó. Nó là hy vọng, là biểu tượng của niềm khát khao sống, là niềm tin của cô, là một biểu tượng tinh thần. Bởi vậy mà nó thực sự trở thành phương thuốc hữu hiệu. Thực chất, chính cái khát khao sống mãnh lệt, sức sống mãnh liệt mới là phương thuốc hiệu quả. Truyện ngắn này nhắc cho ta nhớ tới tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của Ohenri, chiếc cúc áo kia cũng chỉ như chiếc lá được cụ Bơmen vẽ lên tường trong đêm gió bão mà thôi. Bởi vậy nên đến cuối tác phẩm, chính nhân vật nữ đã nhận ra: “Đúng rồi, anh mới là phương thuốc tốt nhất cho em. Chiếc cúc áo chỉ là cúc áo…” khi ấy “anh” là tình yêu, là niềm khát khao, là ý nghĩa sống của cô và là “phương thuốc tốt nhất”.
Trong tập truyện ngắn “Bóng đè”, Đỗ Hoàng Diệu đã xây dựng hình ảnh những người phụ nữ với những nét tương đồng, kế tục hình ảnh người phụ nữ trong văn chương truyền thống và cũng mang đậm tính thời đại với những sáng tạo mới mẻ. Những câu chuyện của Đỗ Hoàng Diệu về người phụ nữ mang đầy trừu tượng, ý nghĩ thâm sâu mà như Nguyên Ngọc đã khẳng định: “chắc chắn vấn đề của chí lớn hơn rất nhiều số phận đàn bà”. Trong truyện “Bóng đè”, Đỗ Hoàng Diệu đã để cho hiện tượng “Bóng đè” diễn ra ngay dưới bàn thờ tổ tông. Nhiều người cho đây là một điều đáng phản đối, đáng chê trách. Nhưng chính điều này lại chứa đựng ẩn ý của Đỗ Hoàng Diệu. Cái bàn thờ ấy được miêu tả qua lời nhân vật “Bàn thờ nhà chồng tôi to dài quá cỡ. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy chiếc bàn thờ nào lớn như vậy. Có rất nhiều bát nhang và những bức trướng chữ tàu”. Nó là hình ảnh biểu tượng cho gia đình ấy - một gia đình đầy những thế hệ với những quy tắc nghiêm ngặt khắt khe theo lối cổ. Cũng như mười bảy ngôi mộ, mười bảy đám giỗ kia, nó thuộc về lễ nghi tôn giáo với những quy tắc hà khắc, nghiêm ngặt, đặc biệt đối với người phụ nữ. Chính cái bàn thờ mà hằng ngày được cả gia đình ấy tôn trọng, coi là linh thiêng lại là nguồn gốc là nơi “cư trú” của những “Bóng đè” đã làm cái việc đáng phê phán, khinh bỉ kia. Ở đây, Đỗ Hoàng Diệu muốn nói đến mặt trái của những hủ tục, phê phán, lên án những hủ tục ấy.Đặt hiện tượng “Bóng đè” ngay dưới bàn thờ tổ tông. Đỗ Hoàng Diệu dường như muốn phản kháng lại với những hủ tục ấy, muốn lên tiếng ủng hộ những điều mang tính bản năng của con người nói chung và người phụ nữ nói riêng mà lâu này bị “che khuất” hay bị “cấm kị” muốn thể hiện khát vọng “tự giải thoát”, khát vọng tự do của mình. Như vậy, câu chuyện “Bóng đè” không chỉ là vấn đề số phận người xưa nữa nó đã mang tính chất xã hội rõ rệt. Có thể thấy, hầu hết những tác phẩm trong tập truyện ngắn này của Đỗ Hoàng Diệu đều được viết rất trừu tượng, đầy dụng ý sâu xa. Đó chính là những ẩn số lớn lao mà Đỗ Hoàng Diệu gửi gắm qua tác phẩm nói chung và bệnh hình ảnh người phụ nữ nói riêng.
Tiếp nối, bổ sung vào nền văn chương dân tộc, Đỗ Hoàng Diệu đã ghi lại hình ảnh người phụ nữ đương đại và cũng là ghi lại tên tuổi của chính mình. Những truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu với nội dung và ý nghĩa lớn lao mà nó hàm chứa, xứng đáng là những tác phẩm văn chương thực sự. Những tác phẩm ấy đã đóng góp những nét mới mang dấu ấn thời đại cho hình ảnh người phụ nữ và Đỗ Hoàng Diệu cũng đã đóng góp những sáng tạo rất mới, rất táo bạo cho nền văn học dân tộc. Nhà văn đã phá đi cái hàng rào cấm kỵ để đi sâu phản ánh những vấn đề mang tính bản năng thực tế của con người.
Lê Thị Thu Hảo
Lớp: Văn K51 CLC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- VHDOCS 17.doc