Tiểu luận Khái niệm năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính

Mục lục

Trang

 

A. Lời mở đầu 1 B. Giải quyết vấn đề 1

I- Khái quát chung 1 1.Quan hệ pháp luật hành chính 1

2. Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính 2

3. Năng lực chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính 3

II- Năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính 4

1. Năng lực chủ thể của cơ quan nhà nước 5

2. Năng lực chủ thể của cán bộ, công chức 6

3. Năng lực chủ thể của tổ chức 7

4. Năng lực chủ thể của cá nhân 7

III- Sự khác biệt giữa năng lực chủ thể của cá nhân với năng lực chủ thể

của cán bộ, công chức 9

1. Về thời điểm phát sinh 9

2. Về nội dung 10

3. Các yếu tố ảnh hưởng 10

4. Về cơ sở pháp lý 11

C- Kết luận 11 Danh sách tài liệu tham khảo 12

 

 

doc13 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 7167 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Khái niệm năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A– Phần mở đầu: Lĩnh vực quản lí hành chính có thể nói là bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội. Đi đâu, làm bất cứ việc gì chúng ta đều chịu sự “quản lí” của Nhà nước. Mỗi công dân khi tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính không phải ngẫu nhiên họ trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính mà họ phải có năng lực chủ thể. Suy rộng ra mọi cá nhân, tổ chức hay cơ quan Nhà nước muốn trở thành chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính thì phải có năng lực chủ thể. Do “năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính” có vai trò quan trọng như vậy nên ta phải hiểu rõ được “khái niệm năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính” là như thế nào để từ đó vận dụng, giải quyết các vấn đề hành chính được chính xác hơn. Do kiến thức trong lĩnh vực này còn hạn chế nên bài tập của chúng em không thể tránh được những sai sót. Kính mong thầy cô góp ý đề bài làm chúng em được hoàn thiện hơn. Chúng em chân thành cảm ơn. B– Giải quyết vấn đề: I. Khái quát chung về năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính: 1. Quan hệ pháp luật hành chính: Cũng giống như các quan hệ pháp luật khác, quan hệ pháp luật hành chính cũng là quan hệ xã hội. Nó nảy sinh giữa con người với con người trong đời sống cộng đồng. Nhưng khác với quan hệ xã hội cũng như quan hệ pháp luật khác, quan hệ pháp luật hành chính phát sinh trong quá trình quản lí hành chính Nhà nước và chỉ do quy phạm pháp luật hành chính điều chỉnh. Hay nói cách khác, quan hệ pháp luật hành chính là dạng cụ thể của quan hệ pháp luật, là kết quả sự tác động của quan hệ pháp luật hành chính theo phương pháp mệnh lệnh – đơn phương tới các quan hệ quản lí hành chính Nhà nước. Là một quan hệ pháp luật, quan hệ pháp luật hành chính cũng có đủ ba bộ phận cấu thành nên nó. Đó là: chủ thể, khách thể và nội dung. Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính đó là những người tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính là lợi ích mà các bên chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hướng tới. Trong quan hệ pháp luật hành chính khách thể mà các bên hướng tới đó chính là trật tự quản lý hành chính- chính là bộ phận quy định trong quy phạm pháp luật Bộ phận thứ ba không thể thiếu trong quan hệ pháp luật là nội dung của quan hệ pháp luật đó. Nội dung của quan hệ pháp luật hành chính là quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính. Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ “quyền lực - phục tùng” quan hệ bất bình đẳng về ý chí giữa các bên tham gia. Chủ thể đặc biệt (cơ quan Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền …) tham gia quan hệ trên cơ sở quyền lực nhà nước, phải sử dụng quyền lực nhà nước và chủ thể thường có nghĩa vụ chấp hành việc sử dụng quyền lực nhà nước của chủ thể đặc biệt. Nhưng không vì thế mà trong quan hệ pháp luật hành chính chỉ một bên mang quyền một bên mang nghĩa vụ mà trong một quan hệ thì quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. 2. Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính: Để tham gia vào quan hệ pháp luật thì phải có người tham gia. Và khi thỏa mãn những điều kiện nhất định thì họ trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật. Các chủ thể khi tham gia vào một quan hệ pháp luật đều có quyền và nghĩa vụ pháp lí nhất định và đều hướng tới những lợi ích nhất định. Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính là những người tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính có những quyền và nghĩa vụ luật định và đều hướng tới trật tự quản lí hành chính. Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính rất đa dạng bao gồm có cơ quan nhà nước, các tổ chức (tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp …), cá nhân, cán bộ công chức … có năng lực chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính, mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính. Như vậy, điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính là các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó phải có năng lực chủ thể với quan hệ pháp luật hành chính mà họ tham gia. 3. Năng lực chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính: Năng lực chủ thể là khả năng pháp lí của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật với tư cách là chủ thể của quan hệ đó. Hay nói cách khác năng lực chủ thể là khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quan hệ pháp luật mà họ tham gia. Năng lực chủ thể gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Năng lực pháp luật là khả năng hưởng các quyền và nghĩa vụ pháp lí mà nhà nước quy định cho cá nhân hoặc tổ chức. Thông thường, năng lực pháp luật có khi người đó sinh ra và mất đi khi người đó chết. Đó là thuộc tính không tách rời của mỗi công dân và nó xuất hiện trên cơ sở pháp luật của mỗi nước. Yếu tố thứ hai cấu thành nên năng lực chủ thể là năng lực hành vi. Đây là yếu tố biến động nhất trong cấu thành của năng lực chủ thể. Năng lực hành vi là khả năng của cá nhân được Nhà nước thừa nhận mà bởi khả năng này họ có thể tự mình tạo ra và thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lí đồng thời cũng tự mình gánh chịu những hậu quả pháp lí nhất định. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi tạo thành năng lực chủ thể pháp luật nên vì thế chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Một chủ thể pháp luật đơn thuần chỉ có năng lực pháp luật thì không thể tham gia tích cực vào các quan hệ pháp luật, tức không thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ thể. Ngược lại năng lực pháp luật là tiền đề của năng lực hành vi. Không thể có chủ thể nào của pháp luật không có năng lực pháp luật mà lại có năng lực hành vi. Giữa năng lực pháp luật và năng lực hành vi có giới hạn rõ nét khi chủ thể quan hệ pháp luật là các cá nhân vì trong trường hợp này sự xuất hiện năng lực hành vi của chủ thể xảy ra muộn hơn so với năng lực pháp luật. Còn đối với chủ thể pháp luật là các pháp nhân, tổ chức thì ranh giới này khó nhận thấy vì nó xuất hiện đồng thời khi pháp nhân đó được thành lập. Năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính cũng là khả năng của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thế của quan hệ đó. Hay nói cách khác năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính là khả năng hưởng và thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính. Năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính cũng bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Nhưng ranh giới giữa chúng rõ ràng trong trường hợp chủ thể là cá nhân. Còn trong trường hợp chủ thể là cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, tổ chức thì năng lực pháp luậtt và năng lực hành vi khó phân biệt được. Thường thì năng lực pháp luật và năng lực hành vi của các chủ thể này xuất hiện và chấm dứt đồng thời. II. Năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính: Năng lực chủ thể là khả năng pháp lí của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể quan hệ đó. Tùy thuộc vào tư cách của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân, mà năng lực chủ thể của họ có những điểm khác nhau về nội dung, thời điểm phát sinh và các yếu tố chi phối. 1. Năng lực chủ thể của cơ quan nhà nước: Cơ quan nhà nước là bộ phận hợp thành bộ máy nhà nước, được thành lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Năng lực chủ thể của cơ quan nhà nước phát sinh khi cơ quan đó được thành lập và chấm dứt khi cơ quan đó bị giải thể. Đã là cơ quan nhà nước khi nó ra đời tất yếu là đã có năng lực pháp luật bằng chứng là ở việc nhà nước cho phép thành lập và đặc biệt hơn nữa đó là cơ quan đó được nhân danh Nhà nước được sử dụng quyền lực Nhà nước để hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của mình. Mỗi cơ quan nhà nước ra đời nó thực hiện một chức năng nhiệm vụ cụ thể do pháp luật quy định. Điều đó cũng có nghĩa là nó phải có những điều kiện khả năng để thực hiện chức năng của mình tức là phải đủ năng lực hành vì và năng lực hành vi trong trường hợp này xuất hiện cùng lúc với năng lực pháp luật được thể hiện trong quyết định thành lập cơ quan nhà nước đó. Mặc dù các cơ quan Nhà nước có thể được thành lập không có chức năng quản lý hành chính Nhà nước nhưng khi nó có quyết định được thành lập thì năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính của nó mặc nhiên phát sinh. Bởi lẽ tuy hoạt động quản lý hành chính không phải là chức năng của nó nhưng hoạt động quản lý hành chính không thể thiếu trong quá trình hoạt động của cơ quan nhà nước. Đặc biệt là hoạt động quản lý hành chính Nhà nước trong quá trình củng cố, xây dựng chế độ công tác nội bộ của cơ quan (nhóm đối tượng điều chỉnh thứ hai của luật hành chính). Do vậy, pháp luật không cần quy định hoạt động quản lý của cơ quan này nhưng cơ quan đó sẽ tự thỏa mãn yêu cầu về năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính ngay khi thành lập. 2. Năng lực chủ thể của cán bộ, công chức. Để trở thành cán bộ, công chức thì cá nhân phải trải qua những vòng sơ khảo kĩ lưỡng. Điều đó chứng tỏ họ cũng phải có năng lực pháp luật, đặc biệt là năng lực hành vi đầy đủ. Khi trở thành cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, họ sử dụng quyền lực của nhà nước trong phạm vi thẩm quyền của mình tác động tới đối tượng quản lý để thực hiện những chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với cán bộ, công chức thì họ mặc nhiên có năng lực hành vi tham gia quan hệ pháp luật. Nhưng với tư cách là "cán bộ, công chức "- chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật hành chính thì năng lực chủ thể của họ được phát sinh khi cá nhân được nhà nước giao đảm nhiệm một công vụ, chức vụ nhất định trong bộ máy nhà nước và chấm dứt khi không còn đảm nhiệm công vụ, chức vụ đó. Khi có quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức thì năng lực pháp luật và năng lực hành vi xuất hiện đồng thời và họ tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính đa phần với tư cách là chủ thể đặc biệt- chủ thể mang quyền lực Nhà nước. Năng lực chủ thể của cán bộ, công chức được pháp luật quy định phù hợp với năng lực chủ thể của cơ quan và vị trí công tác của cán bộ công chức đó. Họ là cán bộ, công chức khi họ thực hiện công việc của mình. Còn ngoài chức vụ quyền hạn của mình thì cán bộ công chức không còn là cán bộ công chức nhà nước sử dụng quyền lực nữa mà trở thành cá nhân bình thường. Ví dụ: Chủ tịch UBND khi thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền của mình, họ có quyền xử phạt hành chính cá nhân vi phạm khác. Lúc này họ là chủ thể mang quyền lực. Nhưng trong cuộc sống đời thường, họ cũng có thể bị chủ thể khác xử phạt nếu như họ vi phạm. Lúc này họ tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính không phải với tư cách là chủ thể mang quyền lực mà với tư cách là chủ thể phục tùng quyền lực. 3. Năng lực của chủ thể tổ chức trong quan hệ pháp luật hành chính Tổ chức có thể hiểu đơn giản là tập hợp một nhóm đông người liên kết lại với nhau vì một mục đích nào đó. Ở nước ta có nhiều tổ chức, có thể là tổ chức xã hội có thể là đơn vị kinh tế, đơn vị vũ trang, cũng có thể là đơn vị hành chính sự nghiệp... Năng lực pháp luật và năng lực hành vi của tổ chức cũng xuất hiện đồng thời nhưng nó không mặc nhiên phát sinh khi tổ chức đó được thành lập. Năng lực chủ thể của tổ chức chỉ phát sinh khi Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó trong quản lý hành chính Nhà nước và chấm dứt khi không còn những quy định đó hoặc khi tổ chức đó bị giải thể. Bởi lẽ các tổ chức thường thành lập với mục đích đa dạng không phải lúc nào các tổ chức đó cũng có hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Nên nó chỉ tham gia vào quan hệ pháp luật với tư cách chủ thể chỉ khi nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ cho nó trong lĩnh vực đó. Do không có chức năng quản lý nhà nước nên các tổ chức thường tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể thường. Cá biệt trong một số trường hợp khi được Nhà nước trao quyền quản lý hành chính nhà nước đối với một số công việc cụ thể, các tổ chức này có thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể đặc biệt- chủ thể mang quyền lực. 4. Năng lực chủ thể của cá nhân Năng lực chủ thể của cá nhân được biểu hiện trong tổng thể năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi hành chính. Khác với năng lực pháp luật và năng lực hành vi của cơ quan nhà nước, tổ chức, cán bộ công chức, năng lực pháp luật và năng lực hành vi hành chính của cá nhân không xuất hiện cùng thời điểm. Năng lực pháp luật có trước làm tiền đề xuất hiện năng lực hành vi. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì khi xem xét năng lực chủ thể của cơ quan Nhà nước, tổ chức và cán bộ- công chức, chúng ta không cần xem xét tới phương diện khả năng thực tế của các cơ quan, tổ chức và cán bộ- công chức đó nữa vì khả năng này đã được nhà nước thừa nhận khi bầu, bổ nhiệm cán bộ- công chức hoặc khi thành lập cơ quan tổ chức đó. Còn việc tham gia quan hệ pháp luật hành chính của các cá nhân không chỉ phụ thuộc vào quy định pháp luật hành chính mà còn phụ thuộc nhiều vào khả năng thực tế của mỗi cá nhân. Năng lực pháp luật của cá nhân là do Nhà nước quy định. Còn năng lực hành vi hành chính của cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố: độ tuổi, trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe. Ví dụ: Theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì người đủ 14 đến 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý, người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra ( điểm a, khoản 1, Điều 6) hay người từ đủ 14 đến 16 tuổi vi phạm hành chính thì bị phạt cảnh cáo. Hoặc là người bị mù hai mắt không thể điều khiển phương tiện giao thông được và trong trường hợp này họ được coi là không có năng lực hành vi hành chính. Năng lực chủ thể của cá nhân không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi, sức khỏe hay trình độ học vấn của cá nhân mà quan trọng hơn trong nhiều trường hợp nó phụ thuộc vào sự thừa nhận của Nhà nước. Nhà nước có thể mặc nhiên thừa nhận năng lực hành vi hành chính của cá nhân khi họ đủ những điều kiện nhất định hoặc thông qua những hành vi pháp lý cụ thể để thừa nhận năng lực đó. Ví dụ: Một người có đủ điều kiện lái xe máy (đủ 18 tuổi) nhưng năng lực hành vi của người này trong việc điều khiển xe không mặc nhiên phát sinh mà chỉ phát sinh khi Nhà nước cấp bằng lái xe. Tóm lại, khi nói tới năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính là ta nghĩ ngay tới khả năng pháp lý của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể của quan hệ đó. Tùy thuộc vào tư cách của các cơ quan, tổ chức và cá nhân mà năng lực chủ thể của họ có những điểm khác nhau về nội dung, thời điểm phát sinh và yếu tố chi phối. III. Sự khác biệt giữa năng lực chủ thể của cá nhân với năng lực chủ thể của cán bộ, công chức: Muốn trở thành chủ thể quan hệ pháp luật hành chính, cá nhân hay cán bộ, công chức phải có đủ điều kiện trở thành chủ thể. Năng lực chủ thể của cá nhân hay cán bộ, công chức là khả năng pháp lý của cá nhân, cán bộ công chức tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể của quan hệ đó. Cũng giống nhau, năng lực chủ thể của cá nhân hay cán bộ, năng lực chủ thể của cá nhân hay cán bộ công chức đều được biểu hiện trong tổng thể năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi hành chính. Tuy nhiên, biểu hiện năng lực chủ thể ra bên ngoài của cá nhân với cán bộ công chức khác nhau vì địa vị pháp lý của họ: một bên là đối tượng bị quản lý còn bên kia đa phần là chủ thể quản lý. Sự khác nhau đó thể hiện ở một số mặt sau: Về thời điểm phát sinh: Năng lực chủ thể của cán bộ công chức phát sinh khi cá nhân được nhà nước giao đảm nhiệm một công vụ , chức vụ nhất định trong bộ máy nhà nước và chấm dứt khi không còn đảm nhiệm công vụ, chức vụ đó nữa. Đối với năng lực chủ thể của cán bộ công chức, năng lực hành vi hành chính xuất hiện và chấm dứt đồng thời với năng lực pháp luật hành chính. Đối với cá nhân, thời điểm phát sinh năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi hành chính không giống nhau. Năng lực pháp luật hành chính phát sinh từ khi sinh ra và chấm dứt khi cá nhân chết, nhưng năng lực hành vi hành chính của cá nhân phụ thuộc vào giai đoạn, độ tuổi..., và quan trọng hơn là phụ thuộc vào sự thừa nhận của Nhà nước. Thường thì nhà nước sẽ mặc nhiên thừa nhận năng lực hành chính của cá nhân khi họ đủ điều kiện nhất định hay thông qua những hành vi pháp lý cụ thể để thừa nhận năng lực đó. Ví dụ: Nam từ 20, Nữ từ 18 tuổi trở lên mới được đăng ký kết hôn. Về nội dung: Năng lực chủ thể của cán bộ, công chức phụ thuộc vào quy định của pháp luật hành chính; phù hợp với năng lực chủ thể của cơ quan và vị trí công tác của cán bộ công chức trong cơ quan. Năng lực pháp luật hành chính của cá nhân bình đẳng, đồng đều với nhau. Trình độ, địa vị kinh tế, độ tuổi, dân tộc....không ảnh hưởng đến năng lực pháp luật hành chính của mỗi cá nhân. Năng lực hành vi hành chính của cá nhân được xác định trên cơ sở đánh giá giữa nhận thức của cá nhân với hành vi của cá nhân đó đã thực hiện. Đó là khả năng làm chủ kiểm soát hành vi trong quan hệ hành chính. Trên thực tế, năng lực hành vi của cá nhân chỉ xác định được một cách tương đối, có nghĩa là nhà nước sẽ dựa vào một số tiêu chí như: năng lực, trình độ....để xác định năng lực hành vi. Ví dụ: Để lập công ty riêng, cá nhân phải có một số vốn điều lệ nhất định... Nếu như năng lực hành vi của cán bộ công chức là yếu tố để xác định năng lực pháp luật thì năng lực hành vi của cá nhân là phương tiện để thực hiện năng lực pháp luật đó. 3. Các yếu tố ảnh hưởng: Để trở thành cán bộ công chức, đòi hỏi cá nhân phải vượt qua những thử thách mà nhà nước đặt ra. Ví dụ: Năng lực trình độ, tuổi tác, kinh nghiệm, lý lịch, tình trạng sức khỏe; xem xét chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ công chức trong hệ thống cơ quan đó từ đó nhà nước sẽ quy định các quyền và nghĩa vụ hành chính cho họ. Mặc dù có từ khi sinh ra những năng lực hành chính của cá nhân hoàn toàn tùy thuộc vào những quy định cụ thể của pháp luật nên năng lực này sẽ thay đổi khi pháp luật thay đổi và bị nhà nước hạn chế trong một số trường hợp. Khi tham gia vào quan hệ hành chính cụ thể, đòi hỏi cá nhân phải đáp ứng những điều kiện nhất định về độ tuổi, trình độ đào tạo, sức khỏe, khả năng tài chính... 4. Về cơ sở pháp lý: Thường thì năng lực chủ thể của cán bộ công chức sẽ được nhà nước quy định trong các quyết định hành chính mà cụ thể đó là quyết định bổ nhiệm. Tại đó, Nhà Nước sẽ quy định quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể của mỗi người, mối quan hệ của họ trong chỉnh thể cơ quan, tổ chức đó. Còn năng lực chủ thể của cá nhân được nhà nước quy định trong luật và văn bản dưới luật. Chúng thường có cơ sở pháp lý suốt đời cho cá nhân, trừ một số trường hợp nhà nước phải hạn chế. Ví dụ: Người phạm tội có thể bị Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định... C- Kết luận Năng lực chủ thể là bộ phận không thể thiếu trong quan hệ pháp luật hành chính. Nó là yếu tố cần và đủ để cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể, có những quyền và nghĩa vụ luật định. Việc nghiên cứu năng lực chủ thể không chỉ có ý nghĩa pháp lý và còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Danh sách tài liệu tham khảo Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008 Học viện hành chính quốc gia, Giáo trình luật hành chính và tài phán hành chính, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005 Phạm Hồng Thái, Công vụ, công chức nhà nước, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2004 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 ( sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2003) Mục lục Trang A. Lời mở đầu 1 B. Giải quyết vấn đề 1 I- Khái quát chung 1 1.Quan hệ pháp luật hành chính 1 2. Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính 2 3. Năng lực chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính 3 II- Năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính 4 Năng lực chủ thể của cơ quan nhà nước 5 Năng lực chủ thể của cán bộ, công chức 6 Năng lực chủ thể của tổ chức 7 Năng lực chủ thể của cá nhân 7 III- Sự khác biệt giữa năng lực chủ thể của cá nhân với năng lực chủ thể của cán bộ, công chức 9 1. Về thời điểm phát sinh 9 2. Về nội dung 10 3. Các yếu tố ảnh hưởng 10 4. Về cơ sở pháp lý 11 C- Kết luận 11 Danh sách tài liệu tham khảo 12

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docHanh chinh nhom 1.doc
Tài liệu liên quan