Tiểu luận Khái niệm, nguồn gốc, quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh không hình thành ngay một lúc mà đã trải qua một quá trình tìm tòi, xác lập, phát triển và hoàn thiện, gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng phong phú của người.

a. Giai đạon hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng (từ 1890-1911).

Trong thời trẻ, với những đặc điểm quê hương, gia đình và môi trường sống, Hồ Chí Minh đã tích lũy được những hiểu biết và phẩm chất tiêu biểu sau:

- Truyền thống yêu nước và nhân nghĩa của dân tộc.

- Vốn văn hóa dân tộc và bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây.

- Hình thành hoài bão cứu dân, cứu nước khi chứng kiến cuộc sống khổ cực, điêu đứng của nhân dân và tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh.

 

doc8 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 7875 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Khái niệm, nguồn gốc, quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KHÁI NIỆM, NGUỒN GỐC, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951) đến nay, Đảng ta luôn luôn khẳng định vai trò, ý nghĩa, tác dụng của đường lối chính trị, tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách... Hồ Chí Minh  đối với cách mạng Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6 - 1991), Đảng Cộng Sản Việt Nam đã trân trọng ghi vào Cương lĩnh và Điều lệ của mình: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4 – 2001) một lần nữa khẳng định lại điều này. Đây là một sự tổng kết sâu sắc, bước phát triển mới trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta và là một quyết định quan trọng có ý nghĩa lịch sử, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta, tình cảm nguyện vọng  của toàn Đảng toàn quân, toàn dân ta. I. Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. ...Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”(1). Định nghĩa về tư tưởng Hồ Chí Minh như trên thể hiện bốn nội dung chủ yếu sau: - Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. - Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. - Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. - Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua và tiếp tục soi sáng con đường chúng ta tiến lên  xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. II. Nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh: 1. Điều kiện lịch sử- xã hội, gia đình, thời đại: Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm tất yếu của cách mạng Việt Nam, ra đời do yêu cầu khách quan, đáp ứng những nhu cầu bức thiết do cách mạng Việt Nam đặt ra từ đầu thế kỷ XX đến nay. a. Điều kiện lịch sử. - Từ năm 1858 đến cuối thế kỷ XIX, nước ta bị đế quốc Pháp xâm lược. Các phong trào vũ trang kháng chiến chống Pháp liên tục nổi lên, dâng cao và lan rộng trong cả nước: từ Trương Định, Nguyễn Trung Trực,... ở Nam bộ; Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng... ở miền Trung đến Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích... ở miền Bắc. Tuy nhiên, do chưa có một đường lối kháng chiến rõ ràng, dựa trên ý thức hệ phong kiến, nên đều thất bại. - Bước sang đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam bắt đầu có sự biến chuyển và phân hóa, tầng lớp tiểu tư sản và mầm mống của giai cấp tư bản bắt đầu xuất hiện, ảnh hưởng của cuộc vận động cải cách của của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ở Trung Quốc tác động vào Việt Nam. Phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta chuyển dần sang xu hướng dân chủ tư sản với sự xuất hiện của các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội... do các sĩ phu phong kiến có tư tưởng duy tân truyền bá và dẫn dắt, nhưng do bất cập trước lịch sử, nên không tránh khỏi thật bại. - Những năm đầu thế kỷ XX thực dân Pháp thẳng tay đàn áp các phong trào yêu nước của nhân dân ta. Trường Đông Kinh Nghĩa thục bị đóng cửa (tháng 12- 1907; cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Huế và các tỉnh miền Trung bị đàn áp (tháng 4 – 1908); vụ Hà Thành đầu độc bị thất bại và bị tàn sát (tháng 6-1908); căn cứ nghĩa quân Yên Thế bị bao vây và đánh phá (tháng 01 – 1909); phong trào Đông Du bị tan rã, Phan bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi nước Nhật (tháng 02-1909); các lãnh tụ của phong trào Duy Tân trung kỳ, người bị lên máy chém (Trần Quý Cáp, Nguyễn Hằng Chi..), người bị đày ra Côn Đảo (Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn...). Tình hình đó cho thấy, phong trào cứu nước của nhân dân ta muốn giành được thắng lợi phải đi theo một con đường cách mạng mới. b. Quê hương, gia đình. - Quê hương.  Nghệ Tĩnh, quê hương của Hồ Chí Minh là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Nơi đây đã nuôi dưỡng nhiều anh hùng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như Mai thúc Loan, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, các lãnh tụ yêu nước cận đại như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu... Từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã đau xót chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị đàn áp, bị bóc lột cùng cực của đồng bào mình ngay trên mảnh đất quê hương. Những tội ác của bọn thực dân và thái độ ươn hèn, bạc nhược của bọn quan lại Nam triều đã thôi thúc Người ra đi tìm một con đường cách mạng mới để cứu dân, cứu nước. - Gia đình. Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, gần gũi với nhân dân. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Người là một nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, lao động cần cù, có ý chí kiên cường vượt qua gian khổ, khó khăn để đạt được mục tiêu, chí hướng. Chủ trương lấy dân làm hậu thuẫn cho mọi cải cách chính trị - xã hội của cụ Phó bảng Sắc đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự hình thành tư tưởng chính trị và nhân cách của Hồ Chí Minh. c. Thời đại. - Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc và đã trở thành một hệ thống thế giới. Các nước đế quốc vừa tranh giành, xâu xé thuộc địa, vừa vào hùa với nhau để nô dịch các dân tộc nhỏ yếu trong vòng kìm kẹp thuộc địa của chúng. - Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sang thế kỷ XX đã không còn là hành động riêng rẽ của mỗi nước chống lại sự xâm lược và thống trị của chủ nghĩa đế quốc, mà trở thành cuộc đấu tranh chung của các dân tộc thuộc địa gắn với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản quốc tế chống giai cấp tư sản ở chính quốc. - Khi còn ở trong nước, Hồ Chí Minh tuy chưa nhận thức được đặc điểm của thời đại, nhưng từ thực tế lịch sử của đất nước mình Người đã thấy rõ con đường của các bậc cha anh không đem lại kết quả, phải đi tìm một con đường mới. Trong khoảng 10 năm, Hồ Chí Minh đã vượt ba đại dương, bốn châu lục, đặt chân lên khoảng gần 30 nước. Nhờ đó, Người đã hiểu được bản chất chung của chủ nghĩa đế quốc và hoàn cảnh chung của các nước thuộc địa trên thế giới. - Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng trong phong trào công nhân châu Âu diễn ra ngày càng thêm sâu sắc, dẫn đến sự phân liệt trong nội bộ các đảng xã hội Dân chủ thuộc Quốc tế II. Một số đảng bị phân hóa. Phái tả trong các đảng tách ra, thành lập các Đảng cộng sản. Tháng 3 – 1919, Lênin thành lập Quốc tế III- Quốc tế cộng sản, đưa phong trào cộng sản thoát khỏi chủ nghĩa cải lương, theo đuôi các chính quyền tư sản của các đảng xã hội. Tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin và các văn kiện Đại hội II Quốc tế Cộng sản đánh dấu sự khẳng định về mặt lý luận việc thực hiện mối quan hệ hữu cơ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc trên tế giới. 2. Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh. a. Tư tưởng và văn hóa truyền thống Việt Nam. Dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những truyền thống tốt đẹp và cao quý. - Trước hết, đó là chủ nghĩa yêu nước và ý chí kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt trường kỳ lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất trong bảng giá trị văn hóa – tinh thần việt Nam. Mọi học thuyết đạo đức, tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đều được tiếp nhận khúc xạ qua lăng kính của tư tưởng yêu nước đó. - Thứ hai, là tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái. Truyền thống này cũng hình thành cùng với sự hình thành dân tộc, từ hoàn cảnh và nhu cầu đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên và với giặc ngoại xâm. Bước sang thế kỷ XX, mặc dù xã hội Việt Nam đã có sự biến đổi sâu sắc về cơ cấu giai cấp – xã hội, nhưng truyền thống này vẫn bền vững. Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát huy sức mạnh của truyền thống nhân nghĩa, đoàn kết, tương thân tương ái thể hiện tập trung trong bốn chữ “đồng” (đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh). - Thứ ba, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lạc quan, yêu đời. Tinh thầ lạc quan đó có cơ sở từ niềm tin vào sức mạnh của bản thân mình, tin vào sự tất thắng của chân lý, chính nghĩa. Hồ Chí Minh là hiện thân của truyền thống lạc quan đó. - Thứ tư, dân tộc Việt Nam là dân tộc cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo, ham học hỏi và mở rộng cửa đón nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại. Người việt Nam từ xưa đã rất xa lạ với đầu óc hẹp hòi, thủ cựu, thói bài ngoại cực đoan. Trên cơ sở giữ vững bản sắc của dân tộc, nhân dân ta đã biết chọn lọc, tiếp thu, cải biến những cái hay, cái tốt, cái đẹp của  người thành những giá trị riêng của mình. Hồ Chí Minh là hình ảnh sinh động và trọn vẹn của truyền thống đó. b. Tinh hoa văn hóa nhân loại. Hồ Chí Minh xuất thân trong gia đình khoa bảng, từ nhỏ Người đã được hấp thụ môt nền Quốc học và Hán học khá vững vàng. Khi ra nước ngoài, Người có thể viết văn Anh, văn Pháp sắc sảo như một nhà báo phương Tây thực thụ, nhưng khi có nhu cầu “tự bạch” thì Người làm thơ bằng chữ Hán. Chính điều đó tạo điều kiện cho Người tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại và làm nên nét đặc sắc ở Hồ Chí Minh, một con người biểu tượng cho sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông – Tây. - Tư tưởng văn hóa phương Đông. + Nho giáo. Nho giáo có những yếu tố duy tâm, lạc hậu, nhưng nho giáo cũng có nhiều yếu tố tích cực, nên có ảnh hưởng khá lâu dài trong lịch sử. Đó là triết lý hành động, tư tưởng nhập thế, hành đạo, giúp đời; lý tưởng về một xã hội bình trị; triết lý nhân sinh: tu thân dưỡng tính góp phần đề cao văn hóa, lễ giáo, đề cao tinh thần hiếu học. Hồ Chí Minh đã khai thác nho giáo, lựa chọn những yếu tố tích cực, phù hợp để phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng. Người dẫn lời của Lênin: “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại” (2). + Phật giáo. Phật giáo là một trong những tôn giáo du nhập vào Việt Nam khá sớm. Những mặt tích cực của Phật giáo đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tư duy, hành động, cách ứng xử của con người Việt Nam. Phật giáo có tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, thương người như thể thương thân; xây dựng nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm điều thiện; đề cao tinh thần bình đẳng, tinh thần dân chủ chất phác chống lại mọi phân biệt đẳng cấp. Phật giáo Thiền tông coi trọng lao động, chống lười biếng. Phật giáo vào Việt Nam, gặp chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ đã hình thành nên Thiền phái trúc lâm Việt Nam, chủ trương không xa đời  mà sống gắn bó với nhân dân, với đất nước, tham gia vào cộng đồng, vào cuộc đấu tranh của nhân dân chống kẻ thù dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã đi vào đời sống tinh thần dân tộc và nhân dân lao động, để lại dấu ấn sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. + Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu và thấu hiểu tư tưởng của các nhà tư tưởng phương Đông như Lão tử, Mặc tử, Quản tử... Khi đã trở thành người mácxít, Hồ Chí Minh vẫn tìm hiểu thêm về chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Hồ Chí Minh đã biết khai thác những yếu tố tích cực của tư tưởng và văn hóa phương Đông để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Người. - Tư tưởng và văn hóa phương Tây. + Ngay từ khi còn học ở Trường tiểu học Đông Ba rồi vào Trường Quốc học Huế, Hồ Chí Minh đã làm quen với văn hóa Pháp. Đặc biệt, Người rất ham mê môn lịch sử, và say sưa tìm hiểu cuộc Đại cách mạng Pháp 1789. + Khi xuất dương, Người đã từng sang Mỹ, đến sống ở New York, làm thuê ở Bruclin và thường đến thăm khu Haclem của người da đen. Người thường suy nghĩ về tự do, độc lập, quyền sống của con người... được ghi trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ. + Đến Pháp, Hồ Chí Minh được tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm của các nhà tư tưởng khai sáng như tinh thần pháp luật của Môngtétxkiơ, khế ước xã hội của Rútxô... Tư tưởng dân chủ của các nhà khai sáng đã có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng của Người. + Hồ Chí Minh hình thành phong cách dân chủ của mình từ trong cuộc sống thực tiễn. Người học được cách làm việc dân chủ trong cách sinh hoạt khoa học ở Câu lạc bộ Phôbua (Faubourg), trong sinh hoạt chính trị của Đảng xã hội Pháp. Tóm lại, nhờ sự thông minh, óc quan sát, ham học hỏi và được rèn luyện trong phong trào công nhân Pháp, trên hành trình cứu nước Hồ Chí Minh đã biết làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn trí tuệ của thời đại, của văn hóa Đông, Tây, từ tầm cao củ tri thức nhân loại mà suy nghĩ và lựa chọn, kế thừa và đổi mới, vận dụng và phát triển. c. Chủ nghĩa Mác – Lênin, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. - Tác động của mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với dân tộc và thời đại đã đưa Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, từ người yêu tước trở thành người cộng sản. Nhờ có thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin Hồ Chí Minh đã hấp thụ và chuyển hóa được những nhân tố tích cực và tiến bộ của truyền thống dân tộc cũng như của tư tưởng – văn hóa nhân loại để tạo nên hệ thống tư tưởng của mình. Vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác – Lênin, những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong những phạm trù cơ bản của lý luận mác – Lênin.  - Sở dĩ Hồ Chí Minh đã lựa chọn các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trên một loạt luận điểm cơ bản hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh có nguyên nhân sâu xa là: + Khi đi tìm đường cứu nước, ở tuổi 20, Hồ Chí Minh đã có một vốn học vấn chắc chắn, một năng lực trí tuệ sắc sảo. Nhờ vậy Người quan sát, phân tích, tổng kết một cách độc lập  tự chủ và sáng tạo; không rơi vào sao chép, giáo điều, rập khuôn; tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin một cách sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Việt Nam. + Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tức là từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam.Chính Người đã viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin ,tin theo Quốc tế III”(3). Nhờ Lênin, người đã tìm thấy “Con đường giải phóng chúng ta” và từ Lênin, Người đã trở lại nghiên cứu Mác sâu sắc hơn. + Hồ Chí Minh đã tiếp thu lý luận Mác – Lênin theo phương pháp nhận thức mácxít, cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất chứ không tự trói buộc trong cái vỏ ngôn từ. Người vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin để tự tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, từng thời kỳ cụ thể của cách mạng Việt Nam chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở kinh điển. d. Những nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh. - Trước hết, đó là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, cộng với đầu óc phê phán tinh tường, sáng suốt trong nghiên cứu, tìm hiểu. - Đó là sự khổ công học tập nhằm chiếm lĩnh vốn tri thức phong phú của thời đại, vốn kinh nghiệm đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế. - Đó là ý chí của một nhà  yêu nước, một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành cách mạng, một trái tim yêu nước, thương dân, thương yêu những người cùng khổ sẵn sàng chịu đựng những hy sinh cao nhất vì độc lập của tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của đồng bào. Chính những phẩm chất cá nhân cao đẹp đó đã quyết định việc Hồ Chí Minh tiếp nhận, chọn lọc, chuyển hóa phát triển những tinh hoa của dân tộc và thời đại thành tư tưởng đặc sắc của mình. 3. Quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh không hình thành ngay một lúc mà đã trải qua một quá trình tìm tòi, xác lập, phát triển và hoàn thiện, gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng phong phú của người. a. Giai đạon hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng (từ 1890-1911). Trong thời trẻ, với những đặc điểm quê hương, gia đình và môi trường sống, Hồ Chí Minh đã tích lũy được những hiểu biết và phẩm chất tiêu biểu sau:  - Truyền thống yêu nước và nhân nghĩa của dân tộc. - Vốn văn hóa dân tộc và bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây. - Hình thành hoài bão cứu dân, cứu nước khi chứng kiến cuộc sống khổ cực, điêu đứng của nhân dân và tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh. b. Giai đoạn tìm tòi, khảo nghiệm (1911-1920). Đây là giai đoạn bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã: - Tìm hiểu các cuộc cách mạng lớn trên thế giới và khảo sát cuộc sống của nhân dân các dân tộc bị áp bức. - Tiếp xúc với Luận cương của V.I.Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.  - Đứng hẳn về Quốc tế III, tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp. Sự kiện đó đánh dấu bước chuyển biến về chất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước thành người cộng sản. c. Giai đoạn hình thành cơ bản tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam (1921 – 1930). - Hồ Chí Minh hoạt động tích cực trong Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng cộng sản Pháp, tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa, xuất bản báo Le Paria nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào các nước thuộc địa. - Hồ Chí Minh sang Mátxcơva dự Hội nghị Quốc tế Nông dân và được bầu vào Đoàn chủ tịch của Hội giữa năm 1923. Sau đó, Người tiếp tục tham dự đại hội V Quốc tế Cộng sản và Đại hội các đoàn thể quần chúng khác: Quốc tế thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ, Quốc tế công hội đỏ... - Hồ Chí Minh về Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra Báo thanh niên, mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ, đưa họ về nước hoạt động cuối năm 1924. Tháng 02- 1930, Người chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và trực tiếp thảo ra các văn kiện:  Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, chương trình và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Các văn kiện này, cùng với hai tác phẩm Người hoàn thành và xuất bản trước đó là Bản án chế độc thực dân Pháp (1925) và Đường Kách mệnh (1927), đã đánh dấu  sự hình thành cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng của Việt Nam. d. Giai đoạn vượt qua thử thách, kiên trì con đường đã xác định của cách mạng Việt Nam (1930-1941). - Do không nắm được tình hình thực tế các thuộc địa  ở phương Đông và Việt Nam, lại bị chi phối bởi quan điểm “tả” khuynh, tại Đại hội VI (năm 1928), Quốc tế Cộng sản đã chỉ trích và phê phán đường lối của Hồ Chí Minh vạch ra trong Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng. Hội nghị Trung ương tháng 10 – 1930 của Đảng ta, theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, cũng ra “Án nghị quyết” thu hồi chánh cương vắn tắt và sách lược vắn tắt, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời gian đó Hồ Chí Minh tiếp tục tham gia các hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và chỉ đạo cách mạng Việt Nam, kiên định quan điểm của mình.  - Đại hội VII Quốc tế cộng sản (năm 1935) đã có sự tự phê bình về  khuynh hướng “tả”, cô độc, biệt phái, bỏ rơi mất ngọn cờ dân tộc và dân chủ trong phong trào cộng sản. Để cho các đảng tư sản, tiểu tư sản và phát xít nắm lấy mà chống phá cách mạng. Đại hội có sự chuyển hướng về sách lược, chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ chống phát xít. - Năm 1936, Đảng ta đề ra “chiến sách” mới, phê phán những biểu hiện “tả” khuynh, cô độc, biệt phái trước đây. Trên thực tế, từ đây đảng đã trở lại với Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt của Hồ Chí Minh. - Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11 – 1939 khẳng định rõ: “đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”(4). Những diễn biến của quá trình này đã phản ánh quy luật của cách mạng Việt Nam, giá trị và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh. đ. Giai đoạn phát triển và hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh (1941 – 1969). - Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước, trực tiếp chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5 – 1941), đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết, tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng điền địa, xóa bỏ vấn đề Liên bang Đông Dương, lập ra mặt trận Việt Minh, thực hiện đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở công nông liên minh. Nhờ đường lối đúng đắn đó, sau bốn năm, Đảng lãnh đạo cách mạng tháng Tám thắng lợi. Đó cũng là thắng lợi đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh. - Sau khi giành được chính quyền, Đảng ta và nhân dân ta phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam. Đây là thời kỳ tư tưởng Hồ chí Minh được bổ sung, phát triển và hoàn thiện trên một loạt vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam: về đường lối chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội không trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trong điều kiện đất nước bị chia cắt và có chiến tranh; về xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền; về xây dựng Nhà nước kiểu mới - của dân, do dân, vì dân; về củng cố và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế... - Trước khi qua đời (ngày 02-9-1969), Hồ Chí Minh để lại Di chúc thiêng liêng gửi gắm trong đó những tinh hoa của tư tưởng, đạo đức, tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có, đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Di chúc đã tổng kết sâu sắc những bài học đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước và dân tộc ta sau khi kháng chiến thắng lợi. - Đảng ta và nhân dân ta ngày càng nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn di sản tinh thần vô giá mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã thực sự là nguồn trí tuệ, nguồn động lực soi sáng và thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển. Những biến động chính trị to lớn trên thế giới diễn ra trong hơn mười năm qua vừa kiểm chứng, vừa khẳng định tính khoa học, đúng đắn, tính cách mạng, sáng tạo, giá trị dân tộc và ý nghĩa quốc tế của tư tưởng Hồ Chí Minh. (1) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83-83. (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.46. (3) Sđd, t.10, tr.128. (4) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Cính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.539.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doctt1.doc
Tài liệu liên quan