Tiểu luận Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp bằng các phương thức lựa chọn (ADR) ở Nhật Bản

Thủ tục tố tụng trọng tài được tiến hành theo Luật trọng tài và Quy tắc tố tụng của JCAA. Một vụ việc trọng tài thường được bắt đầu bằng việc nguyên đơn nộp đơn yêu cầu đến JCAA. Đơn phải bao gồm yêu cầu giải quyết bằng trọng tài theo quy tắc tố tụng của JCAA, có viện dẫn đến thỏa thuận trọng tài của các bên, tóm tắt nội dung vụ tranh chấp, yêu cầu của nguyên đơn và các bằng chứng chứng minh. Kèm theo đơn phải có yêu cầu và giấy ủy quyền cho luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn trước trọng tài, tiền tạm ứng phí trọng tài, bản sao điều khoản trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài riêng rẽ ghi rõ yêu cầu JCAA giải quyết vụ việc. JCAA sẽ thông báo cho các bên về việc chấp nhận yêu cầu, bị đơn sẽ có tối đa 4 tuần để trả lời và nộp sự phản tố. Mọi sửa chữa, bổ sung yêu cầu của các bên có thể được tiến hành trước khi mở phiên họp xét xử. Sau thời điểm mở phiên họp xét xử, việc cho phép sửa chữa hay không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài.

doc12 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2193 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp bằng các phương thức lựa chọn (ADR) ở Nhật Bản, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp bằng các phương thức lựa chọn (ADR) ở Nhật Bản 1. Mở đầu Các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR) có lịch sử lâu đời tại Nhật bản so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng tố tụng tòa án. Các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn xuất hiện ở Nhật từ thời kỳ Edo (1600-1868), trong khi đó đến nửa cuối thể kỷ 19 thì tố tụng tòa án mới được du nhập từ phương Tây vào nước này. Cho đến nay Nhật bản vẫn được biết đến như là đất nước không có truyền thống kiện tụng. Điều này xuất phát từ đặc điểm cấu trúc và các yếu tố lịch sử, truyền thống của xã hội Nhật. Trong quá khứ, xã hội Nhật được phân chia thành bốn tầng lớp: (1) võ sĩ đạo (samurai), (2) nông dân, (3) thợ thủ công, (4) thương gia. Võ sĩ đạo là tầng lớp ưu việt nhất, có địa vị thống trị trong xã hội. Các tầng lớp còn lại có nghĩa vụ trung thành và không được hành xử thô lỗ với tầng lớp võ sĩ đạo. Ngày nay, sự phân chia xã hội thành các tầng lớp không còn tồn tại ở Nhật, mà được thay bằng một cấu trúc theo chiều dọc dựa trên quan hệ địa vị. Địa vị của mỗi cá nhân trong xã hội trong quan hệ với những cá nhân khác (dựa trên các yếu tố tuổi tác, giới tính, học vấn, nghề nghiệp) đều đước xác định rõ. Kiểu trật tự xã hội này bắt nguồn từ triết lý của đạo Khổng và đạo Phật vốn luôn nhấn mạnh đến bổn phận và sự hòa thuận trong xã hội. Với cấu trúc xã hội như vậy thì việc nảy sinh các tranh chấp là điều ít thấy, và nếu có thì chúng phải được giải quyết dựa trên sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau của các bên nhằm bảo vệ sự hòa thuận xã hội. Điều này có thể đạt được bằng việc sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp mang tính thỏa hiệp và tự nguyện hơn là sự tranh tụng tại tòa án thường mang lại kết quả thắng – thua rõ rệt. Mặc dù các vụ kiện dân sự có xu hướng gia tăng trong vài thập kỷ gần đây, nhưng các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Bằng cách đó, việc giải quyết tranh chấp tiếp tục góp phần củng cố tôn ti trật tự trong lòng xã hội Nhật hiện đại. Các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn ở Nhật Bản Các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn chủ yếu ở Nhật Bản bao gồm: hòa giải, trung gian và trọng tài. a) Hòa giải Hòa giải là thủ tục giải quyết tranh chấp được tiến hành theo sự thỏa thuận của các bên. Ở Nhật bản cũng như nhiều nước khác trên thế giới, thủ tục hòa giải có thể được tiến hành bên trong hoặc bên ngoài tòa án. +) Hòa giải tại tòa án Thủ tục hòa giải tại tòa án được quy định tại nhiều đạo luật khác nhau. Các đạo luật này bao gồm: Civil conciliation Act (1951); Law for the Determination of Family Affairs (1947); Labour Union Law (1949); Labour Relations Adjustment Law (1946); Pollution Dispute Settlement Law (1970); Construction Business Law (1949). Hòa giải có thể được tiến hành tại tòa án dân sự hay tòa án gia đình. Nhìn chung, hòa giải về những vấn đề dân sự không phải là thủ tục bắt buộc, ngoại trừ tranh chấp trong một số ngành công nghiệp được quy định trong Luật về hòa giải dân sự. Civil conciliation Act, các Điều 24, 32, 33. Đó là tranh chấp trong các lĩnh vực xây dựng nhà ở và đất đai, nông nghiệp, thương mại và thiệt hại do khai thác mỏ gây ra. Thẩm quyền hòa giải mọi vụ việc, trừ những vụ việc liên quan đến gia đình, thuộc về các tòa án sơ cấp. Civil conciliation Act, Điều 3. Đối với những vấn đề về dân sự, các bên tranh chấp có thể nộp đơn yêu cầu hòa giải vào bất cứ thời điểm nào. Thẩm phán cũng có thể đề xuất việc hòa giải ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình xét xử. Code of Civil Procedure, Điều 89 quy định rằng, thẩm phán có thể hòa giải vào bất ký thời điểm nào trong thủ thục tố tụng, cho đến khi kết thức phần tranh luận. Thủ tục hòa giải được tiến hành bởi một ủy ban hòa giải do tòa án chỉ định. Ủy ban này gồm 1 thẩm phán và một hoặc hai hòa giải viên, hoặc đôi khi chỉ có một thẩm phán duy nhất. Civil conciliation Act, Điều 5(1) Hòa giải viên được Tòa án tối cao chỉ định, có giới hạn về độ tuổi (từ 40 đến 70), có thể là luật sư hoặc những người có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm hữu ích cho việc giải quyết tranh chấp và thường phải trải qua đào tạo. Khi nộp đơn yêu cầu hòa giải, nguyên đơn phải nộp lệ phí theo mức lệ phí do Tòa án tối cao quy định. Sau khi thụ lý đơn, ủy ban hòa giải sẽ ấn định ngày tiến hành hòa giải và gửi giấy triệu tập đến các bên. Những người có quyền lợi liên quan đến kết quả hoà giải cũng có thể tham dự quá trình hòa giải nếu được ủy ban hòa giải cho phép. Ủy ban hòa giải cũng có thể mời những người có quyền lợi liên quan tham dự. Civil conciliation Act, Điều 11. Phiên hòa giải đầu tiên thường là để các bên làm quen với thủ tục hòa giải. Các phiên hòa giải tiếp theo có thể được tổ chức riêng rẽ với từng bên để làm rõ thực chất của xung đột và các vấn đề liên quan. Ủy ban hòa giải có thể điều tra những người hoặc địa điểm có liên quan đến vụ việc, triệu tập nhân chứng hoặc hỏi ý kiến chuyên gia. Thủ tục hòa giải thường kéo dài vài tháng. Ủy ban hòa giải cũng có thể tạm đình chỉ việc hòa giải ở bất kỳ thời điểm nào nếu thấy không có hy vọng về việc đạt được thỏa thuận. Nếu các bên đạt được hòa giải, kết quả hòa giải sẽ được đăng ký tại tòa án, với điều kiện là không trái pháp luật và trật tự công cộng. Sau đó kết quả hòa giải sẽ được chuyển thành thỏa thuận hòa giải. Thỏa thuận hòa giải có hiệu lực thi hành như một bản án. Civil conciliation Act, Điều 16. Nếu các bên không đạt được sự hòa giải, tòa án có thể tự mình ra quyết định sau khi xem xét ý kiến của các thành viên ủy ban hòa giải và xem xét toàn bộ sự việc. Tòa án chỉ có thẩm quyền ra quyết định hạn chế đối với một số vấn đề như: yêu cầu trả tiền, giao hàng hóa, chuyển nhượng tài sản. Civil conciliation Act, Điều 17. Các bên có thể kháng cáo quyết định của tòa án theo thủ tục do Tòa án tối cao quy định. Thời hạn kháng cáo là 2 tuần kể từ khi nhận được thông báo về quyết định. Trong trường hợp có kháng cáo thì quyết định sẽ không có hiệu lực. Ngược lại, nếu không có kháng cáo, quyết định của tòa án sẽ có hiệu lực bắt buộc như chính thỏa thuận của các bên. Civil conciliation Act, Điều 18. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận và tòa án không ra một quyết định nào thì ủy ban hòa giải có thể tuyên bố kết thúc vụ việc và xem như việc hòa giải không thành công. Tương tự, nếu các bên đạt được thỏa thuận nhưng nội dung thỏa thuận trái pháp luật hoặc không đúng đắn thì việc hòa giải cũng xem như không thành công. Luật về thủ tục hòa giải dân sự còn quy định chế tài đối với những người không có mặt theo triệu tập của tòa mà không có lý do chính đáng, chế tài do không tuân thủ các thủ tục theo quy định của pháp luật trước khi tiến hành hòa giải , chế tài đối với các thành viên ủy ban hòa giải đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu công bố thông tin hoặc bí mật về vụ việc mà không có lý do chính đáng. +) Hòa giải ngoài tòa án Trong thủ tục hòa giải ngoài tòa án, các bên tranh chấp sẽ thảo luận về nguyên nhân dẫn đến xung đột để đạt được một thỏa thuận về cách tháo gỡ. Nội dung thỏa thuận sẽ được xác lập ngắn gọn dưới hình thức một văn bản có tính chất hợp đồng. Cho dù văn bản này không nhất thiết trở thành hợp đồng theo pháp luật của Nhật bản, nhưng thông thường các bên sẽ lập văn bản với chữ ký được công nhận về mặt pháp lý. Các tranh chấp phát sinh bởi các tại nạn giao thông ít nghiêm trọng là một ví dụ về việc giải quyết theo phương thức này. Nếu một bên không thực hiện, thì bên kia có quyền khởi kiện ra tòa dựa vào những điều khỏa trong hợp đồng hòa giải. Trong tình huống này, các bên tranh chấp có thể phải tranh luận về nguyên nhân của tranh chấp ban đầu. Hiệu lực pháp lý của hợp đồng hòa giải là tạo ra một quan hệ pháp lý mới giữa các bên. Do đó, cho dù nếu chứng cứ mới xuất hiện sau khi quá trình hòa giải đã kết thúc, thỏa thuận hòa giải sẽ không bị hủy bỏ. Civil Code, Điều 696. b) Trung gian Trung gian cũng có thể được tiến hành bên trong hoặc bên ngoài tòa án theo sự thỏa thuận của các bên. Trên thực tế, nhiều cơ quan hành chính và những tổ chức tư nhân cũng cung cấp những phương thức giải quyết tranh chấp tương tự như trung gian. Tuy nhiên những phương thức đó không mang tính cưỡng chế thi hành như tòa án và nói chung hiệu quả không cao. Tháng 12/2004 Nghị viện Nhật Bản đã thông qua Luật khuyến khích việc sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn ngoài tòa án (The Law Concerning the Promotion of the Use of Alternative Dispute Resolution Procedure - gọi tắt là the “ADR Law”). Luật này có hiệu lực từ 1/4/2007. Nội dung cơ bản của đạo luật này là khuyến khích công dân Nhật lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp tư phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ thay vì chỉ sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn tại tòa án. Do vậy phần lớn các trường hợp trung gian được tiến hành tại tòa án dưới sự giám sát của thẩm phán. Mặc dù không được tiến hành tại các phiên tòa công khai, nhưng thủ tục trung gian tại tòa án ở Nhật bản được quy định hòa quyện vào trong thủ tục tố tụng tòa án. Trung gian tại tòa án được chia làm hai loại: trung gian tại tòa án gia đình và trung gian tại các tòa án địa phương hoặc tòa án xử các vụ kiện vặt. Trung gian là điều kiện tiên quyết khi giải quyết các vụ việc về hôn nhân gia đình. Law of the Family Court Procedure, Điều 18. Đối với các vụ việc dân sự thông thường, trung gian không phải là yêu cầu bắt buộc. Để tiến hành trung gian, tòa án chỉ định một ủy ban trung gian gồm một thẩm phán và hai người trung gian khác. Những người trung gian là những người không chuyên tham gia giải quyết các vụ việc theo thẩm quyền của tòa án địa phương. Mỗi tòa án gia đình hay tòa án địa phương đều có một danh sách các trung gian, tuy nhiên, quyền chỉ định những người trung gian thuộc về Tòa án tối cao. Thủ tục tiến hành trung gian được quy định giống nhau ở tòa án gia đình và tòa án thường, được tiến hành theo Luật về trung gian. Law of Mediation. Quyết định trung gian hòa giải có giá trị bắt buộc thi hành giống như bản án. Sự khác nhau giữa trung gian hòa giải và bản án là kết quả trung gian hòa giải tạo ra những quyền và những quan hệ pháp lý mới giữa các bên liên quan đến xung đột, trong khi đó bản án của tòa án là sự tuyên bố các quyền giữa các bên và không có khả năng tạo ra một quan hệ pháp lý mới. Trọng tài Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp tương đối mới ở Nhật. Luật lệ về trọng tài được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1891 mô phỏng theo các quy định về trọng tài của Đức. Code of Civil Procedure, Chương 8, các Điều 786 đến 805. Tuy nhiên những quy định này chỉ có tính chất luật khung và ngày nay không còn phù hợp nữa. Luật trọng tài mới được ban hành năm 2003 (có hiệu lực từ 1 tháng 3 năm 2004) dựa trên luật mẫu về trọng tài của UNCITRAL. Trên thực tế phần lớn vụ việc trọng tài được tiến hành bởi một trong các tổ chức trọng tài được thành lập ở bốn lĩnh vực: xây dựng, môi trường, lao động và thương mại. +) Trọng tài xây dựng Trọng tài trong lĩnh vực xây dựng được điều chỉnh bởi Luật về ngành công nghiệp xây dựng. Construction Industry Law 1949 (sửa đổi năm 1996) Theo đạo luật này, có hai loại ủy ban giám khảo được thành lập: ủy ban giám khảo ở trung ương thuộc Bộ xây dựng, và ủy ban giám khảo địa phương được thành lập ở các quận. Các ủy ban này sẽ chỉ định Hội đồng trọng tài bao gồm một luật sư và hai chuyên gia về lĩnh vực xây dựng để giải quyết các vụ việc tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền tổ chức các phiên điều trần và điều tra thực tế ở các vị trí xây dựng có liên quan trước khi giải quyết vụ việc. +) Trọng tài môi trường Trọng tài môi trường được quy định trong Luật về giải quyết tranh chấp ô nhiễm công cộng. Pubplic Pollution Dispute Settlement Act 1970 (sửa đổi năm 1993) Đạo luật này điều chỉnh một số loại ô nhiễm như: không khí, nước, mặt đất, tiếng ồn, mùi vị, sự dung lắc bề mặt và lún đất. Đạo luật cũng thiết lập một ủy ban trọng tài ở cấp trung ương và một ủy ban trọng tài ở cấp quận. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền ra những mệnh lệnh mang tính bắt buộc cũng như ngăn chặn việc làm sai lệch các chứng cứ. +) Trọng tài lao động Trọng tài giải quyết tranh chấp lao động giữa giới chủ và công đoàn được quy định trong Luật hòa giải lao động. Labour Relations Adjustment Law 1946 (sửa đổi năm 1988) Luật này quy định việc thành lập các hội đồng bao gồm đại diện giới chủ, người lao động và công chúng. Hội đồng trọng tài được lựa chọn trong số các thành viên của hội đồng này và các nhân viên hòa giải đặc biệt. +) Trọng tài thương mại Các tranh chấp thương mại quốc tế và trong nước được giải quyết bởi Hiệp hội trọng tài thương mại Nhật bản (JCAA) và Hội đồng trọng tài Hàng hải Tokyo (chuyên giải quyết các tranh chấp về hàng hải). JCAA được thành lập năm 1950 dưới sự bảo trợ của Phòng thương mại và Bộ ngoại thương và Công nghiệp (MITI), có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục trọng tài, hòa giải và làm trung gian trong các tranh chấp thương mại. Các bên tranh chấp có thể lựa chọn trọng tài viên từ danh sách trọng tài viên của JCAA. Danh sách này gồm 100 trọng tài viên, trong đó có một số trọng tài viên là người nước ngoài. Khoảng 60 % trọng tài viên là các luật sư, số còn lại là các giáo sư luật, các thương gia hoặc các thẩm phán đã nghỉ hưu. Thủ tục tố tụng trọng tài được tiến hành theo Luật trọng tài và Quy tắc tố tụng của JCAA. JCAA’s Commercial Arbitration Rules. Một vụ việc trọng tài thường được bắt đầu bằng việc nguyên đơn nộp đơn yêu cầu đến JCAA. Đơn phải bao gồm yêu cầu giải quyết bằng trọng tài theo quy tắc tố tụng của JCAA, có viện dẫn đến thỏa thuận trọng tài của các bên, tóm tắt nội dung vụ tranh chấp, yêu cầu của nguyên đơn và các bằng chứng chứng minh. Kèm theo đơn phải có yêu cầu và giấy ủy quyền cho luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn trước trọng tài, tiền tạm ứng phí trọng tài, bản sao điều khoản trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài riêng rẽ ghi rõ yêu cầu JCAA giải quyết vụ việc. JCAA sẽ thông báo cho các bên về việc chấp nhận yêu cầu, bị đơn sẽ có tối đa 4 tuần để trả lời và nộp sự phản tố. JCAA’s Commercial Arbitration Rules, Rule 18, 19. Mọi sửa chữa, bổ sung yêu cầu của các bên có thể được tiến hành trước khi mở phiên họp xét xử. Sau thời điểm mở phiên họp xét xử, việc cho phép sửa chữa hay không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài. JCAA’s Commercial Arbitration Rules, Rule 20. Các bên tranh chấp có thể thỏa thuận chỉ định một hoặc nhiều trọng tài viên, hoặc quyết định phương thức lựa chọn trọng tài. Nếu các bên không thỏa thuận được hoặc thông báo cho JCAA quyết định của họ, JCAA sẽ chỉ định một trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp. JCAA’s Commercial Arbitration Rules, Rule 25, 26, 27. Các bên có thể thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ vụ việc dựa trên các tài liệu mà các bên cung cấp cho trọng tài. Nếu không thể giải quyết dựa trên các tài liệu thì thủ tục tố tụng trọng tài được chia làm 3 bước: (1) hình dung sự việc và tranh luận; (2) xem xét chứng cứ và tài liệu; (3) trình bày ý kiến. Nếu cần thiết, hội đồng trọng tài có thế xem xét các chứng cứ, nhưng không có quyền ngăn cản các hành động làm sai lệch chứng cứ. Các bên đương sự phải có yêu cầu được trình bày chứng cứ bằng văn bản, kiểm tra chứng cứ, hoặc yêu cầu lấy ý kiến chuyên gia. Hội đồng trọng tài có quyền chấp nhận hoặc bác bỏ các yêu cầu đó. JCAA’s Commercial Arbitration Rules, Rule 36, 37. Trong quá trình giải quyết, các trọng tài viên vừa đóng vai trò là người hòa giải, vừa là một người trung gian để thuyết phục các bên đạt được một kết quả giải quyết tranh chấp. Luật trọng tài quy định rằng hội đồng trọng tài sẽ ra phán quyết trong vòng 5 tuần kể từ khi kết thúc các phiên điều trần chính thức, trừ trường hợp những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 8 tuần. JCAA’s Commercial Arbitration Rules, Rule 53. Theo Quy tắc tố tụng của JCAA, các trọng tài viên có thể đưa ra quyết định dựa trên những quan niệm chung về sự công bằng, bình đẳng và công lý mà không nhất thiết phải dựa vào luật nội dung. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và không thể bị kháng cáo. Nó chỉ có thể bị vô hiệu trong một số trường hợp như không có người đại diện của các bên, hoặc các bên không được nghe trình bày trong quá trình tiến hành tố tụng trọng tài. 3. Thực tiễn áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn tại Nhật bản Tuy tồn tại song song nhiều phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, nhưng tính phổ biến và hiệu quả áp dụng của từng phương thức nói trên lại rất khác nhau. Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến và hiệu quả nhất ở Nhật bản. Tính trung bình, khoảng một phần ba số vụ việc dân sự phát sinh tại tòa được giải quyết thông qua hòa giải, và khoảng 55 % các vụ việc hòa giải được giải quyết thành công. Con số của các vụ hòa giải ngoài tòa án không thể thống kê được vì các số liệu chính thức thường không được lưu giữ. Tuy nhiên trong thực tiễn hợp đồng của Nhật bản, vấn đề hòa giải thường bằng cách này hay cách khác được đưa vào hợp đồng. Về cơ bản, luật hợp đồng không công nhận sự giải phóng khỏi nghĩa vụ hợp đồng, do vậy các điều khoản về hòa giải thường được các bên thực hiện. Một trong những lý do đó là việc hòa giải hứa hẹn việc tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên tranh chấp. Điều này khác hẳn với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án nơi kích động sự đối nghịch và kết quả thường là sự thắng thua rõ ràng. Hòa giải cũng giúp giảm đáng kể chi phí cho các bên tranh chấp. Chi phí hòa giải được xác định dựa trên giá trị vụ tranh chấp, nhưng nhìn chung chỉ bằng khoảng 60 % chi phí của tố tụng tòa án. Ngoài ra, hòa giải còn cho phép đạt được kết quả nhanh chóng hơn tố tụng. Thời gian trung bình của các vụ việc hòa giải tại tòa án là từ 8 đến 9 tháng, trong khi thời gian trung bình của việc xét xử một vụ việc theo thủ tục tố tụng tại tòa án quận hạt là 12 tháng. Tính chất phổ biến của trung gian chỉ đứng sau phương thức hòa giải. Số lượng các vụ việc được yêu cầu trung gian hòa giải tại các tòa án địa phương năm 1998 là xấp xỉ 300.000 vụ, so với số vụ việc giải quyết tố tụng tại tòa án thường (180,177 vụ) và tại tòa án xử các vụ kiện vặt (317, 854 vụ). Lý do là vì lệ phí nộp đơn và các chi phí khác cho thủ tục trung gian thấp hơn rất nhiều so với thủ tục tố tụng tòa án nên nhiều người, nhất là những người nghèo có khả năng tìm đến với phương thức này. Một người không cần có luật sư vẫn có thể nộp đơn yêu cầu trung gian hòa giải, vì tòa án sẽ giúp đỡ tối đa trong việc nộp đơn. Tỷ lệ thành công của trung gian hòa giải ước tính vào khoảng 48 % số đơn yêu cầu. Phương thức trung gian đặc biệt phù hợp với việc xét xử tại tòa án gia đình. Ở Nhật bản, việc mở phiên tòa xét xử công khai các vấn đề về gia đình được cho là không phù hợp với truyền thống đạo đức. Do đó, việc trung gian hòa giải tại tòa án gia đình đóng vai trò rất quan trọng, vì nó phù hợp với thuần phong mỹ tục và đáp ứng được yêu cầu của các bên. Ngược với hòa giải và trung gian, trọng tài là một cơ chế ít được áp dụng ở Nhật bản, ngoại trừ trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Có một số lý do giải thích cho điều này. Một là, có sự e ngại về việc chọn các trọng tài viên. Luật pháp quy định các bên khởi kiện tại trọng tài có quyền lựa chọn trọng tài viên. Civil Code, Điều 696. Mục đích của quy định này là tạo cho các bên cơ hội lựa chọn những người quen biết và biết rõ sự việc. Để có thể tự lựa chọn trọng tài thì các bên phải hiểu rất rõ thủ tục trọng tài. Tuy nhiên trên thực tế có rất ít người hiểu và làm được điều này. Phần lớn họ phải nhờ một trung tâm trọng tài quy chế chỉ định một trọng tài viên mà họ không quen biết. Do vậy, trọng tài thường không được lựa chọn bởi mong muốn khách quan của các bên tranh chấp. Hai là, Quy tắc tố tụng của JCAA cho phép một trọng tài viên ra quyết định không nhất thiết phải dựa trên những quy tắc pháp luật. Các trọng tài viên không nhất thiết phải áp dụng luật nội dung vào việc giải quyết vụ việc, nhưng họ lại được trông đợi phải đạt được một kết quả công bằng. Khi phán quyết trọng tài được tuyên nó phải kèm theo phần trình bày về lý do đưa ra phán quyết, nhưng bản thân phán quyết không cần đến sự hậu thuẫn bởi các lý lẽ pháp lý. Cho dù về lý thuyết, đạt tới lẽ công bằng là một ước muốn, thì các bên tranh chấp, nhất là các bên tranh chấp nước ngoài cũng không mong muốn các trọng tài viên xa rời các quy định của luật nội dung, và đây rõ ràng là môt khiếm khuyết của hệ thống trọng tài ở Nhật. Ba là, chất lượng và tính chuyên nghiệp của cá trọng tài viên chưa thể so sánh được với các thẩm phán. Các luật sư và giáo sư luật có thể rất hiểu biết về pháp luật, nhưng họ không quen với việc ra quyết định. Bốn là, các trọng tài viên ở Nhật, ngoại trừ các trọng tài viên về môi trường, không có khả năng ban hành các biện pháp mang tính bắt buộc. Trong tố tụng tòa án, khả năng tham gia vào một hoạt động thực tiễn nào đó hoặc buộc một bên phải thực hiện một hành vi cụ thể trong khi vụ tranh chấp đang được giải quyết có thể thúc đẩy việc giải quyết vụ việc hoặc thậm chí đạt được một sự giải quyết hợp lý hơn. 4. Một số bài học kinh nghiệm Từ việc nghiên cứu các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn tại Nhật bản, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: (1) Phương thức trọng tài tỏ ra không được ưa chuộng ở xã hội Nhật bản. Giống như nhiều nước Á Đông khác, người Nhật luôn muốn tự mình giải quyết các xung đột, bất đồng. Nếu họ không tự giải quyết được mà cần phải nhờ đến bên thứ ba thì xu hướng chung là họ thích tìm đến một tòa án công khai và cần có sự giúp đỡ của thẩm phán và những người trung gian hơn là nhờ đến một cơ chế tư để giải quyết tranh chấp. Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp tư và không phải là nơi để thảo luận và đạt được sự đồng thuận. (2) Hòa giải và trung gian được xem như hòn đá tảng trong toàn bộ hệ thống tố tụng của Nhật, nơi mà việc bảo vệ sự hòa thuận xã hội là mục tiêu tối thượng của hệ thống tư pháp. Hòa giải và trung gian là những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt và sáng tạo, tránh cho các bên khỏi phải đối mặt với nhau nơi công đường. Kết quả hòa giải và trung gian đảm bảo sự công bằng, đôi khi nó chứa đựng cả những quy định đạo đức, giúp tăng cường tình hữu nghị giữa các bên. Về mặt pháp lý, kết quả trung gian hòa giải không có nhiều ý nghĩa, nhưng nó có tác dụng rất tốt trong việc ổn định và duy trì các quyền và quan hệ giữa các bên. (3) Hòa giải và trung gian chủ yếu được tiến hành thông qua tòa án. Mặc dù luật pháp của Nhật cho phép nhiều tổ chức tư nhân thực hiện các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, nhưng do người dân đã rất quen thuộc truyền thống hòa giải và trung gian gắn với tòa án đã có từ lâu đời khiến cho các thể chế tư nhân khó có thể phát triển. (4) Vai trò hỗ trợ của tòa án đối với quá trình hòa giải, trung gian là rất to lớn. Tòa án tối cao là cơ quan lựa chọn và chỉ định các hòa giải viên và người trung gian, tạo sự tin tưởng của công chúng vào quá trình hòa giải, trung gian tại tòa. Các tòa án sơ cấp và tòa án gia đình cũng có vai trò lớn trong việc giám sát quá trình hòa giải và trung gian, đảm bảo cho các quá trình đó diễn ra công bằng và khách quan. Các tòa án cũng đảm bảo cho kết quả hòa giải, trung gian có giá trị thi hành bắt buộc giống như phán quyết của tòa án. Có thể nói, với sự tham gia của tòa án, quyền tự do cá nhân đã được kết hợp với hệ thống pháp lý trong hòa giải và trung gian . (5) Các thẩm phán cũng có một vai trò rất quan trọng trong hoạt động hòa giải và trung gian. Sự tham gia của thẩm phán là để khẳng định sự chắc chắn về mặt pháp lý và sự công bằng của kết quả hòa giải và trung gian. Để được mọi người tin tưởng, quá trình hòa giải, trung gian phải đảm bảo công lý và công bằng của các quyết định. Nếu những người yêu cầu không thể trông đợi kết quả công bằng của giải pháp hòa giải, trung gian thì họ sẽ không có nhu cầu lựa chọn các phương thức này để giải quyết tranh chấp. Tương tự, nếu tòa án không thể đảm bảo sự công bằng của quá trình giải quyết và kết quả của nó, thì quá trình này không nhất thiết phải được thực hiện thông qua tòa án. (6) Cuối cùng là vai trò của nhà nước trong việc xây dựng thể chế, pháp luật cho việc tiến hành các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn. Nhật bản đã ban hành đồng bộ các đạo luật về hòa giải, trung gian và luật về khuyến khích các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn ngoài tòa án. Nội dung các đạo luật nói trên cũng chứa đựng các nguyên tắc pháp lý mạnh mẽ để hỗ trợ quá trình trung gian và hòa giải phát triển. Chẳng hạn, Điều 1 Luật thủ tục hòa giải dân sự quy định điều kiện tiên quyết cho việc tiến hành hòa giải là các bên phải có sự nhượng bộ lẫn nhau. Việt Nam là nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa với Nhật bản. Cả hai quốc gia đều chịu ảnh hưởng sâu rộng của đạo Khổng và đạo Phật, và đặc biệt đều theo hệ thống luật Civil Law. Những kinh nghiệm của Nhật bản vì thế sẽ rất hữu ích cho Việt Nam trong việc xây dựng các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn trong tương lai.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docGiải quyết tranh chấp bằng các phương thức lựa chọn ở Nhật Bản.doc
Tài liệu liên quan