MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU 1
I. TỔNG QUAN VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA THUỴ ĐIỂN 2
1. Trung lập - đặc trưng trong chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển 2
2. Những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển 4
II. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN EU 7
1. Các nước thành viên Bắc Âu 7
2. Các nước Baltic 8
3. Các nước thành viên khác của EU 9
III. QUAN ĐIỂM ĐỐI VỚI MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA EU 10
1. Đối với việc EU mở rộng về phía đông 10
2. Đối với quan hệ EU – Mỹ 11
3. Đối với Chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP) 11
IV. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI THUỴ ĐIỂN TỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CFSP 13
TÀI LIỆU THAM KHẢO 15
MỤC LỤC 16
16 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2411 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Mở rộng EU về phía Đông, quan hệ EU-Mỹ và CFSP, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ính sách đối ngoại tích cực, Thuỵ Điển có những vai trò nhất định trong quá trình nhất thể hoá Châu Âu nói riêng và hoà bình thế giới nói chung.
Mục đích của bài viết này là tìm hiểu chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển đối với EU, cũng như những tác động của chính sách này đến quá trình thống nhất Châu Âu mà cụ thể là việc hoàn thiện Chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU (CFSP). Bài viết được chia làm năm phần chính: thứ nhất là đôi nét khái quát về vị trí địa lý, lịch sử cũng như những đặc trưng nổi bật trong chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển; tiếp đến là chính sách đối với các nước thành viên EU, các nước này được chia thành ba nhóm theo vị trí địa lý cũng như ưu tiên trong chính sách của Thuỵ Điển là: các nước Bắc Âu, Baltic và các thành viên khác. Phần thứ tư về quan điểm của Thuỵ Điển đối với những vấn đề cụ thể của EU, nhằm phân tích rõ nét hơn chính sách của nước này. Đó là những vấn đề: mở rộng EU về phía Đông, quan hệ EU-Mỹ và CFSP. Thay cho phần kết luận của bài viết là những đánh giá về tác động của chính sách đối ngoại Thuỵ Điển tới sự thành công của chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU (CFSP).
I. TỔNG QUAN VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA THUỴ ĐIỂN
Nằm trên bán đảo Scandinavia, Thuỵ Điển phía tây và bắc giáp Na Uy, đông giáp Phần Lan, phía nam giáp biển Baltic và Đan Mạch. Diện tích Thuỵ Điển khoảng 449.964 km2, dân số 8.943.892 triệu người (tính đến tháng 2/2002). Thuỵ Điển là nước có khí hậu ôn hoà, tài nguyên thiên nhiên có trữ lượng lớn nhất là quặng sắt, gỗ và thuỷ điện.
Kinh tế Thuỵ Điển chủ yếu dựa vào thương mại, những ngành chủ chốt là viễn thông, luyện kim, chế tạo bột giấy. Bạn hàng lớn nhất của Thuỵ Điển là các nước EU, sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là dầu khí, than đá, hàng dệt may và đồ thủ công mỹ nghệ.
Thuỵ Điển theo chế độ quân chủ lập hiến với hình thức Chính phủ nghị viện. Nhà vua là nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, được quyền chỉ định Nội các sau khi được Nghị viện thông qua. Nghị viện gồm một viện với 349 ghế được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Hiện tại ở Thuỵ Điển có bảy đảng phái chính trong Nghị viện. Đó là: Đảng Xã hội dân chủ, Đảng ôn hoà, Đảng Cánh tả, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, Đảng Trung tâm, Đảng Tự do và Đảng Xanh. Tình hình chính trị Thuỵ Điển tương đối ổn định, hiện tại Đảng Xã hội dân chủ đang cầm quyền với sự ủng hộ của Đảng Cánh tả và Đảng Xanh. Tổng quan về Thuỵ Điển, website Bộ Ngoại Giao Việt Nam, cập nhật 2004.
1. Trung lập - đặc trưng trong chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển
Thuỵ Điển là một trong số ít nước Phương Tây theo đuổi và thành công với chính sách trung lập. Chính sách này đã được Thuỵ Điển thực hiện trong thời gian dài nhưng bối cảnh quốc tế hiện tại đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi chính sách trung lập phải được xem xét lại. Sau đây là khái quát lịch sử chính sách trung lập của Thuỵ Điển cũng như những điều chỉnh trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn chính sách trung lập của Thuỵ Điển bắt nguồn từ những yếu tố mang tính lịch sử. Những di chỉ khảo cổ có niên đại 10 nghìn năm trước Công nguyên đã chứng tỏ Thuỵ Điển cũng như một số nước Bắc Âu từng là cái nôi của những nền văn hoá cổ đại ở trình độ cao. Trải qua thời kì dài phát triển, từ năm 800-1050 người Thuỵ Điển cùng một số dân tộc khác ở Bắc Âu đã bắt đầu cuộc mở rộng về phía Đông, kết hợp thám hiểm với cướp bóc và buôn bán-thời kỳ Viking. Thương mại rộng mở kéo theo sự ra đời của những đô thị trở thành động lực cho sự phát triển của vương quốc Thuỵ Điển. Vương quốc được thành lập từ năm 610 nhưng đến thế kỷ 13 đã phát triển cực thịnh. Thuỵ Điển thời trung đại không chỉ tham gia các cuộc chiến tranh mà còn sát nhập với các nước láng giềng thành Liên Hiệp Kalmar (1379-1521), gồm Thuỵ Điển, Đan Mạch và Na Uy, dưới quyền cai trị của Nữ hoàng Đan Mạch. Đây cũng là thời kỳ hoàn thiện thể chế của vương quốc, sau khi Liên hiệp ta rã, Thuỵ Điển không ngừng tham gia các cuộc chiến tranh thôn tính lãnh thổ, như Cuộc chiến tranh 30 năm, chiến tranh với Đan Mạch (1643-45 và 1657-58). Kết quả của những cuộc chiến này là Thuỵ Điển trở thành một đế chế ở Bắc Âu, nhưng giai đoạn hưng thịnh này không kéo dài lâu. Sau thất bại của cuộc chiến Đại phương Bắc, Thuỵ Điển mất đi các tỉnh thuộc Baltic, Phần Lan và đất nước thuộc quyền cai trị của một vị tướng người Pháp-Jean Baptise Bernadotte, người đã đặt nền móng cho vương triều hiện nay. Từ năm 1814, sau khi sát nhập Na Uy, Thuỵ Điển chính thức tuyên bố chính sách trung lập, không tham gia bất kỳ cuộc chiến nào.
Chính sách trung lập của Thụy Điển có nét tương đồng với sự trung lập của một số quốc gia Châu Âu khác như Áo, Thuỵ Sĩ, Phần Lan, Ai len ở điểm chúng đều bị tác động bởi vị trí địa chính trị. Biên giới chung với Phần Lan, một nước chịu nhiều ảnh hưởng của Liên Xô khiến Thuỵ Điển ít nhiều chịu ảnh hưởng từ chính sách của Liên Xô đối với Phần Lan, cũng như xung đột Đông-Tây. Tuy nhiên Thuỵ Điển khác biệt bởi chính sách trung lập của nước này không chịu bất cứ sự tác động từ bên ngoài nào như Áo (buộc phải trung lập do Hiệp ước nước Áo 1955, các nước đồng minh sau khi rút khỏi lãnh thổ nước này đã buộc Áo phải kí hiệp ước khẳng định sự trung lập); không đề cập trong Hiến pháp như Thuỵ Sĩ. Chính sách của Thuỵ Điển xuất phát mong muốn bảo vệ lợi ích chính trị của đất nước. Lịch sử Thuỵ Điển, website Chính phủ Thuỵ Điển.
Thực tế trong chiến tranh Thuỵ Điển vẫn thuộc một phe nhất định, như trong Chiến tranh thế giới I, Thuỵ Điển là một bạn hàng quan trọng của Đức, trong Thế chiến II, Thuỵ Điển cũng viện trợ cho Phần Lan. Tất cả những sách lược đó chỉ nhằm mục đích duy trì sự trung lập trong khi vẫn đảm bảo lợi ích và an ninh của đất nước. Cũng nhằm mục đích trên Thuỵ Điển tham gia tích cực trong Lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên khi chiến tranh lạnh gần đi đến hồi kết, đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi ở Thuỵ Điển xung quanh sự cần thiết của việc duy trì chính sách trung lập. Liệu Thuỵ Điển có cần thiết phải đứng ngoài xu thế toàn cầu hoá, duy trì chính sách trung lập khi mà chiến tranh lạnh sắp kết thúc, thực tế không còn hai phe đối địch. Những cuộc tranh cãi cũng liên quan đến khả năng Thuỵ Điển gia nhập EU và NATO. Sverker Astrom, Current Sweden, Swedish Institute xuất bản năm 2003.
Bối cảnh quốc tế và khu vực thay đổi đã dẫn đến sự điều chỉnh trong chính sách của Thuỵ Điển. Khi nhiều nước Bắc Âu đã gia nhập EU, quan hệ kinh tế, thương mại ngày càng mở rộng giữa Thuỵ Điển và EU đã dẫn đến xu thế tất yếu là Thuỵ Điển gia nhập liên minh này năm 1995. Mặc dù Thuỵ Điển vẫn tuyên bố trung thành với quan điểm trung lập trên cơ sở một nền quốc phòng mạnh, không tham gia liên minh quân sự, nhưng quá trình nhất thể hoá EU trong đó Thuỵ Điển là một thành viên tất sẽ tác động mạnh đến chính sách trung lập của nước này trong tương lai.
2. Những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển
Nền tảng chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển là một nền quốc phòng mạnh nhằm duy trì được vị trí trung lập đồng thời đóng góp tích cực cho sự ổn định và an ninh trong khu vực Châu Âu cũng như trên thế giới. Với mong muốn thực thi một chính sách đối ngoại tích cực, chính phủ Thuỵ Điển đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho chính sách đối ngoại của mình đối với từng khu vực.
Trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển trước hết là tăng cường hợp tác toàn diện về mọi mặt, tạo điều kiện phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an ninh cho các nước trong khu vực Bắc Âu và Baltic. Mối quan hệ của Thuỵ Điển với những nước này không chỉ dựa trên những tiền đề về vị trí địa chính trị mà còn từ những tương đồng về văn hoá và lịch sử. Cơ chế hợp tác của khu vực này là Hội đồng Baltic và Hội đồng Bắc Âu sẽ được phân tích ở phần sau.
Đối với những thành viên còn lại của EU, Thuỵ Điển duy trì chính sách thương mại mở, tăng cường trao đổi, hợp tác với các nước này. Nhằm duy trì chính sách trung lập, Thuỵ Điển không tham gia vào các hoạt động thúc đẩy liên minh quân sự, song ủng hộ một EU vững mạnh, có vai trò tích cực trong việc đảm bảo hoà bình thế giới. Mục tiêu của Thuỵ Điển là nhấn mạnh các giá trị dân chủ, nhân quyền trong hợp tác. Thuỵ Điển luôn ủng hộ quá trình mở rộng Châu Âu và quan hệ hợp tác EU-Nga bởi lợi ích của nước này gắn liền với sự ổn định trong quan hệ với Nga.
Thuỵ Điển cũng luôn coi trọng mối quan hệ với Mỹ. Mặc dù dân chúng Thuỵ Điển không tán thành việc nước này gia nhập NATO, nhưng để đảm bảo an ninh, Thuỵ Điển luôn coi Mỹ là một đối tác quan trọng của cơ chế hợp tác khu vực như Hội đồng Bắc Âu.
Đối với các nước phát triển khác, mục tiêu của Thuỵ Điển là tăng cường thương mại, tích cực hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như xoá đói giảm nghèo, bình đẳng xã hội.
Với các nước đang và kém phát triển, Thuỵ Điển theo đuổi một chính sách hợp tác phát triển tích cực. Giống như một số nước Bắc Âu khác, Thuỵ Điển luôn đi đầu trong các hoạt động viện trợ. Ưu tiên hàng đầu của Thuỵ Điển trong lĩnh vực này là đảm bảo cung cấp nước sạch, xoá đói giảm nghèo, dân chủ hoá và đảm bảo nhân quyền. Với một nước có trình độ phát triển cao được đặc trưng bởi chính sách không liên minh thì lĩnh vực hợp tác phát triển này là một trong những phương cách giúp Thuỵ Điển khẳng định vai trò của mình trong nền chính trị quốc tế cũng như đóng góp tích cực cho sự tiến bộ của toàn thế giới. Các hoạt động hợp tác phát triển được Thuỵ Điển đẩy mạnh từ những năm 1960, cho đến nay Thuỵ Điển đã trở thành một đối tác phát triển quan trọng của các nước đang phát triển ở Châu Á và Phi.
Cũng cùng mục tiêu tăng cường vị thế và sự đóng góp cho hoà bình thế giới, Thuỵ Điển đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc (LHQ) và của các tổ chức có liên quan khác. Là thành viên của LHQ từ năm 1946, không chỉ cung cấp lực lượng mà Thuỵ Điển còn đóng góp những nhà hoà giải cho các cuộc xung đột. Từ năm 1948, đã có 70.000 người Thuỵ Điển tham gia vào các chiến dịch của LHQ và khoảng 67 người chết trong khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Thuỵ Điển còn tham gia các hoạt động hỗ trợ đa phương qua hệ thống của LHQ. Trước những yêu cầu cải cách LHQ, Thuỵ Điển luôn bày tỏ sự ủng hộ nhưng không nhằm mục đích giành quyền lợi, nước này cho rằng cải tổ bộ máy sẽ giúp LHQ làm việc hiệu quả hơn.
Như vậy, trọng tâm chính của Thuỵ Điển là hợp tác với các nước láng giềng, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ EU, LHQ song song với các hoạt động viện trợ phát triển nhằm duy trì vị thế của nước này trên trường quốc tế. Sweden foreign policy, website chính thức về Thuỵ Điển.
II. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN EU
Việc gia nhập EU đã trở thành một bước ngoặt trong lịch sử đối ngoại của Thuỵ Điển. Không chỉ tạo ra cơ chế hợp tác đa phương mà EU còn tạo ra những điều kiện mới cho các hoạt động hợp tác song phương giữa Thụy Điển và các nước thành viên. Với những đối tác truyền thống như các nước Bắc Âu và Baltic, bên cạnh những cơ chế hợp tác đã tồn tại, các thể chế của EU có những tác động nhất định. Sau đây những tiền đề cũng như mục tiêu trong chính sách của Thụy Điển với các nước thành viên EU sẽ được phân tích theo từng khu vực cụ thể. Bao gồm các nước thành viên Bắc Âu, Baltic và những thành viên khác.
1. Các nước thành viên Bắc Âu
Khu vực Bắc Âu với nhiều nét tương đồng trong văn hóa và lịch sử luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Thụy Điển. Trước khi gia nhập EU, Thụy Điển cho rằng hợp tác chặt chẽ trong khu vực sẽ là một bảo đảm cho chính sách trung lập cũng như an ninh của nước này. Tuy nhiên quan điểm đó đã thay đổi sau khi Na Uy và Đan Mạch gia nhập NATO. Quyết định trên của các nước láng giềng cùng với bối cảnh quốc tế có nhiều chuyển biến trong giai đoạn cuối của chiến tranh lạnh đã tác động đến chính sách của Thụy Điển và dẫn đến quyết định gia nhập EU. Mặc dù vậy khu vực Bắc Âu vẫn luôn được Thụy Điển chú trọng, điều này biểu hiện rõ nét trong chính sách của Thụy Điển với cơ chế hợp tác khu vực là Hội đồng Bắc Âu và Hội đồng Bộ trưởng.
Hội đồng Bắc Âu được thành lập năm 1952, nền tảng là hợp tác liên nghị viện với 85 thành viên đến từ năm quốc gia (Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Thuỵ Điển, Na Uy) và ba vùng lãnh thổ trong khu vực (Greenland, quần đảo Faroe, Âland). Thực tế, hợp tác luôn là một yếu tố nổi bật trong khu vực này, các quốc gia Bắc Âu chia sẻ các giá trị chung về văn hoá, lịch sử và sẵn sàng hợp tác chính trị làm nền tảng cho sự phát triển chung. Không chỉ hợp tác trong nội bộ mà các nước này còn thúc đẩy hợp tác với các nước lân cận (như các nước Baltic, Tây-Bắc Nga) và các thành viên EU. Những thành quả của quá trình hợp tác này là Liên minh hộ chiếu Bắc Âu (1954), tạo điều kiện đi lại tự do cho các công dân của các nước thành viên, Thị trường lao động chung Bắc Âu (1954), và Hiệp ước về các vấn đề như an ninh xã hội, giáo dục. Trong chương trình nghị sự mới của Hội đồng, các lĩnh vực được ưu tiên là công nghệ, phát triển bền vững, phúc lợi xã hội. Hội đồng Bộ trưởng được thành lập năm 1971 và hai hội đồng có mối quan hệ chặt chẽ, trong đó Hội đồng Bộ trưởng là cơ quan thực thi. Chương trình nghị sự Bắc Âu, website Hội đồng Bắc Âu, cập nhật 2002.
Như vậy đối với khu vực Bắc Âu, trọng tâm hợp tác của Thuỵ Điển đã được thể hiện rõ nét trong những lĩnh vực hợp tác của cơ chế khu vực. Trong những lĩnh vực đó, việc hợp tác với các nước thành viên EU và các nước Baltic cũng được nhấn mạnh. Với Thuỵ Điển, việc hợp tác trong khu vực không chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội mà còn là sự đảm bảo chắc chắn cho việc duy trì chính sách trung lập của Thuỵ Điển.
2. Các nước Baltic
Ba nước Baltic (Lithuana, Latvia, Estonia) có mối quan hệ lịch sử, văn hoá gần gũi với Thuỵ Điển. Trong thời kỳ Viking (800-1050), người Thuỵ Điển đã tiến hành các hoạt động trao đổi thương mại, sau này là thôn tính các vùng lãnh thổ ven biển Baltic. Chính thời kỳ này đã tạo tiền đề cho những giá trị văn hoá của hai vùng tác động lẫn nhau. Sự gần gũi về mặt địa lý, văn hoá là một trong những nguyên nhân khiến Thuỵ Điển luôn chú trọng tăng cường quan hệ với các nước Baltic, một trong những yếu tố thúc đẩy sự thành lập của Hội đồng Bắc Âu cũng như Hội đồng Baltic. Khi Thuỵ Điển trở thành thành viên EU, mối quan hệ giữa nước này và khu vực Baltic thậm chí được thúc đẩy hơn nữa với những nỗ lực của Thuỵ Điển nhằm ủng hộ cho sự gia nhập EU của các nước Baltic. Không chỉ giúp phát triển quan hệ với các nước trong khu vực mà hội đồng còn là một cơ chế hợp tác góp phần cải thiện mối quan hệ giữa EU và Nga, hạn chế sự chia rẽ trong Châu Âu.
Hội đồng các nước khu vực biển Baltic được thành lập năm 1992, với mười hai thành viên là Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Đức, Nga, Latvia, Lithuana, Estonia, Iceland, Ba Lan và Uỷ ban Châu Âu. Mục tiêu của hội đồng là thúc đẩy phát triển kinh tế, dân chủ, tạo điều kiện thống nhất giữa các nước trong khu vực. Hội đồng Baltic, Bộ Ngoại Giao Thuỵ Điển, cập nhật 1/1/2004.
Các nước Baltic, cũng như khu vực Bắc Âu không chỉ là những đối tác truyền thống mà còn là những đối tác chiến lược của Thuỵ Điển. Nước này không chỉ mong muốn phát triển quan hệ hợp tác văn hoá, kinh tế, xã hội mà còn hy vọng nâng lên tầm hợp tác quốc phòng an ninh. Nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực khi một số nước quyết định nằm dưới ô bảo trợ của Mỹ trong NATO. Có thể nói chính sách trung lập của Thuỵ Điển mang tính chất thực dụng, mà trong đó hợp tác với khu vực Bắc Âu và Baltic là những ưu tiên hàng đầu nhằm đảm bảo sự phát triển cũng như an ninh của chính Thuỵ Điển.
3. Các nước thành viên khác của EU
Trước khi gia nhập chính thức, Thuỵ Điển đã tiến hành nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại với các nước Tây Âu. Thuỵ Điển đã thiết lập quan hệ kinh tế với EEC từ năm 1951 ngay khi tổ chức này mới thành lập. Hai bên đã đạt được những thoả thuận liên quan đến việc huỷ bỏ thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng công nghiệp, cũng như các thoả thuận khác liên quan đến lao động, vốn. Thuỵ Điển coi những cơ chế hợp tác tiền thân của EU đơn thuần là những cơ chế hợp tác kinh tế, chỉ đến khi chiến tranh lạnh gần kết thúc, không còn nhân tố xung đột giữa hai khối cản trở, Thuỵ Điển mới thực sự tham gia hợp tác trên mọi lĩnh vực và chính thức trở thành thành viên năm 1995.
Cho đến nay các nước Tây Âu vẫn là những đối tác thương mại hàng đầu của Thuỵ Điển. Trong chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển, thành viên tích cực của EU là một mục tiêu song song với việc tiếp tục duy trì chính sách trung lập-điều mà đa số người dân Thuỵ Điển vẫn ủng hộ. Có thể nói, gia nhập EU là một sự lựa chọn tất yếu của Thuỵ Điển trước những thay đổi của bối cảnh quốc tế nhằm duy trì an ninh cũng như sự phát triển. Như đã phân tích ở trên, chính sách của Thuỵ Điển với các nước thành viên EU vẫn xoay quanh các trọng tâm là tăng cường hợp tác về mọi mặt với các nước Bắc Âu và Baltic, thúc đẩy trao đổi thương mại với các nước Tây Âu, hợp tác tích cực trong khuôn khổ EU. Chính sách của Thuỵ Điển đối với EU cũng được thể hiện rõ nét trong quan điểm của nước này đối với một số vấn đề quan trọng của khối.
III. QUAN ĐIỂM ĐỐI VỚI MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA EU
Trở thành thành viên EU năm 1995 và tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên của liên minh từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2001, những ưu tiên đối ngoại của Thuỵ Điển đã thể hiện rõ nét trong những hoạt động của nước này trong nhiệm kỳ chủ tịch. Sau đây là quan điểm của Thuỵ Điển đối với một số vấn đề quan trọng của EU là mở rộng về phía đông, quan hệ EU - Mỹ và Chính sách đối ngoại và an ninh chung.
1. Đối với việc EU mở rộng về phía đông
Mở rộng về phía đông thực tế là một phần trong chính sách đối ngoại của toàn khối EU, chính thức được đề cập trong hội nghị thượng đỉnh của Uỷ ban Châu Âu tại Copenhaghen năm 1993 nhưng xu hướng này đã xuất hiện từ ngay khi chiến tranh lạnh kết thúc. Tuy sự mở rộng là tất yếu do sự liền kề về địa lý của các nước Trung và Đông Âu với các nước Tây Âu, nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức cho EU, trong đó có vấn đề phát triển kinh tế và chính sách an ninh chung.
Thuỵ Điển luôn ủng hộ việc EU mở rộng, trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, nước này đã nỗ lực thúc đẩy đàm phán với các nước ứng cử viên gia nhập liên minh. Trong thời gian này quá trình đàm phán đã đạt được một số thoả thuận quan trọng liên quan đến việc di chuyển lao động giữa EU và Hungary, Slovakia và Latvia, hay liên quan đến các vấn đề môi trường với Lithuania, Estonia, Cộng hoà Séc, Slovenia. Tóm tắt các công việc của Uỷ ban các vấn đề chung từ tháng 1-tháng 6/2001, website nhiệm kỳ chủ tịch EU của Thuỵ Điển.
Với chính sách ngoại giao thực dụng, Thuỵ Điển ủng hộ sự gia nhập của các nước Trung và Đông Âu song song với các hoạt động hợp tác nhằm cải thiện quan hệ của EU với Nga. Với mục tiêu đó, Thuỵ Điển không chỉ thể hiện được vai trò tích cực trong EU mà còn đảm bảo được những lợi ích an ninh của quốc gia này.
2. Đối với quan hệ EU – Mỹ
Quan hệ giữa EU và Mỹ được đặt trên nền tảng Tuyên bố liên Đại Tây Dương (1990) và Chương trình nghị sự liên Đại Tây Dương mới (NTA) được áp dụng năm 1995. Tuy vậy quan hệ giữa các nước thành viên cũng như giữa các cơ chế tiền thân của EU với Mỹ đã có lịch sử lâu dài, đặc biệt chặt chẽ trong thời kỳ hậu Thế chiến II với việc thực hiện kế hoạch Marshall của Mỹ. Hiện tại mối quan hệ hợp tác này được điều phối bởi các hội nghị thượng đỉnh giữa nguyên thủ quốc gia Mỹ và những nhà lãnh đạo EU.
Không chỉ có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ dựa trên những yếu tố lịch sử như vai trò của người di cư gốc Thuỵ Điển trong quá trình hình thành nước Mỹ, đối với Thuỵ Điển, Mỹ còn là một đối tác thương mại lớn sau các nước thành viên EU. Mặc khác tuy người dân Thuỵ Điển chưa chấp thuận việc nước này gia nhập NATO, nhưng trong bối cảnh nhiều nước láng giềng đã gia nhập khối này thì an ninh của Thuỵ Điển không thể không chịu tác động từ mối quan hệ với Mỹ hay quan hệ EU-Mỹ. Do vậy duy trì quan hệ hợp tác thân thiện với Mỹ là một trong những mục tiêu chiến lược của Thuỵ Điển kèm theo đó là sự ủng hộ quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa EU và Mỹ.
3. Đối với Chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP)
CFSP là một bước lớn trong quá trình hợp tác của EU liên quan đến lĩnh vực đối ngoại và an ninh. Ngay từ những thời điểm đầu, Thuỵ Điển đã tham gia đầy đủ các hoạt động hợp tác liên quan, hơn thế nữa còn có nhiều đóng góp vào việc phát triển chính sách đối ngoại chung. Ví dụ như những tác động tích cực đến hợp tác EU-Nga, chính sách của EU đối với các nước khu vực biển Baltic, vai trò của EU trong cuộc xung đột Trung đông, ủng hộ việc tôn trọng nhân quyền và phát triển dân chủ ở các quốc gia trên thế giới.
Mặt khác, CFSP cũng đặt ra nhiều thách thức cho Thuỵ Điển. Chính sách này sẽ tạo ra sự liên kết chặt chẽ về mặt an ninh và đối ngoại, phần nào hạn chế chủ quyền của các nước thành viên, điều đi ngược lại quan điểm trung lập của Thuỵ Điển. Tuy chưa sẵn sàng cho việc tham gia một liên minh toàn diện bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng nhưng Thuỵ Điển vẫn biểu hiện mong muốn tham gia đầy đủ tiến trình hợp tác này, trước tiên là các hoạt động nhân đạo và gìn giữ hoà bình. Nước này ủng hộ chính sách đối ngoại phát triển theo hướng độc lập, góp phần tăng cường vai trò của EU trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Tóm lại đối với EU, Thuỵ Điển thực thi một chính sách ngoại giao tích cực, ủng hộ quá trình liên kết chặt chẽ hơn giữa các thành viên trong khối, cũng như mối quan hệ hợp tác với các nước lân cận và Mỹ. Mặc dù với một số vấn đề khác, Thuỵ Điển còn gặp những cản trở nhất định như gia nhập đồng tiền chung Châu Âu, nhưng trên tất cả, mục tiêu hợp tác của Thuỵ Điển đối với EU là đảm bảo sự thịnh vượng, an ninh và góp phần tăng cường vị thế của nước này trên trường quốc tế bằng sự đóng góp cho các hoạt động hợp tác phát triển trên thế giới.
IV. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI THUỴ ĐIỂN TỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CFSP
CFSP một thành công bước đầu trong quá trình nhất thể hoá EU nhằm tiến tới mô hình siêu quốc gia. Sự phát triển của CFSP, cũng như thành công của quá trình liên kết khu vực không chỉ phụ thuộc vào sự hiệu quả của các cơ chế hợp tác mà hơn thế là chính sách đối ngoại của mỗi nước thành viên. Mức độ sẵn sàng chia sẻ chủ quyền của các thành viên là một trong những tiền đề tạo nên sự thành công của CFSP, hiện mới chỉ dừng lại ở cơ chế hợp tác liên chính phủ.
Như đã phân tích ở trên, chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển với đặc trưng trung lập là một chính sách thực dụng. Điều mà Thuỵ Điển tìm kiếm là sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh của đất nước trong khi vẫn duy trì được sự trung lập. Bản chất của chính sách trung lập là hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra xung đột với bên ngoài bằng cách không tham gia bất cứ liên minh nào trong thời bình để trung lập trong thời chiến. Gia nhập EU không đồng nghĩa với thay đổi chính sách trung lập mà chỉ là sự điều chỉnh sách lược trước những tác động của ngoại cảnh. Tuy vậy cơ chế thành viên của EU và chính sách ngoại giao trung lập tác động lẫn nhau, ảnh hưởng nhất định đến quá trình nhất thể hoá Châu Âu, trong đó bao gồm cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực.
Trước hết, chính sách ngoại giao trung lập của Thuỵ Điển có những tác động tiêu cực đến CFSP. Mặc dù đảng Dân chủ xã hội cầm quyền ủng mong muốn hợp tác toàn diện với EU nhưng dân chúng Thuỵ Điển vẫn luôn ủng hộ chính sách trung lập, coi đó là một nét đẹp truyền thống cũng như bản sắc của đất nước. Đây cũng là một trong những trở ngại đối với việc Thụy Điển tham gia đồng tiền chung Châu Âu và cũng có thể tạo khó khăn cho những hoạt động hợp tác sâu hơn của Thuỵ Điển trong khuôn khổ CFSP trong tương lai.
Bên cạnh đó chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển cũng có những đóng góp tích cực cho CFSP nói riêng và quá trình nhất thể hoá Châu Âu nói chung. Thuỵ Điển đã góp phần tạo nên xu hướng Bắc Âu trong chính sách đối ngoại của EU Xu hướng Bắc Âu trong chính sách của EU: từ văn bản đến thực tế, Financial Times, tháng 12/2000.
. Đó là xu hướng tăng cường quan hệ với các nước Baltic, Nga, đặc biệt được phát triển trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Thuỵ Điển. Hơn thế nữa, đối với CFSP Thuỵ Điển cũng có một quan điểm tích cực, ủng hộ sự phát triển hướng tới mục tiêu là tăng cường vị thế của EU trên trường quốc tế. Do đó bên cạnh duy trì chính sách trung lập, Thuỵ Điển sẵn sàng tham gia các lực lượng gìn giữ hoà bình của EU, tham gia giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới.
Tóm lại, Thuỵ Điển không phải là một nước lớn trong EU nhưng với chính sách ngoại giao trung lập được thực hiện thành công trong hai cuộc chiến tranh thế giới, cùng với các hoạt động hợp tác phát triển và những nỗ lực vì hoà bình thế giới, Thuỵ Điển có những uy tín và vai trò nhất định đối với cộng đồng quốc tế. Mặc dù sự thành công hay thất bại của CFSP cũng như quá trình nhất thể hoá Châu Âu phụ thuộc vào sự cam kết và thực thi của tất cả các nước thành viên, song với những phân tích trên liên quan đến chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển với EU có thể nói nước này đã và đang có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của CFSP theo hướng tạo nên vị thế mới của EU trên trường quốc tế, một EU thống nhất, hợp tác chặt chẽ với các nước lân cận, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nhân loại.
TÀI LIỆU THAM
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- qth13 (7).doc