Tiểu luận Mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, vận dụng nó trong xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

MỤC LỤC

Lời nói đầu 1

I- Những lý luận chung về cặp phạm trù cái riêng và cái chung 2

1- Khái niệm về cặp phạm trù cơ bản của triết học - cái riêng và cái chung 2

2- Mối liên hệ biện chứng giữa cái riêng và cái chung 2

3- ý nghĩa phương pháp luận về mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung 3

II- Vận dụng mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam 4

Kết luận 7

 

 

 

 

doc9 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 19262 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, vận dụng nó trong xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời nói đầu Nền kinh tế Việt Nam đã chuyển đổi từ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Những thành tựu trong công cuộc đổi mới ở nước ta thời gian qua đã và đang tạo ra nhiều tiền đề cần thiết để chúng ta xây dựng được một nền kinh tế thị trường đúng như ý nghĩa của nó. Cái chung và cái riêng là một trong những cặp phạm trù của triết học duy vật biện chứng. Nó có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng trong thực tế. Đặc biệt là việc áp dụng nó trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Do vậy, em đã chọn đề tài "Mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung; vận dụng nó trong xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam" cho việc nghiên cứu tiểu luận của mình. Tiểu luận của em tôi chia làm hai phần: I-Những lý luận chung về cặp phạm trù cái riêng và cái chung. II. Vận dụng mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Do thời gian nghiên cứu chưa nhiều, trình độ còn hạn chế nên bài tiểu luận không tránh khỏi nhiều thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý của các thầy, cô giáo và bạn đọc. I .Những lý luận chung về cặp phạm trù cái riêng và cái chung. 1. Khái niệm về cặp phạm trù cơ bản của triết học-cái riêng và cái chung: Phạm trù là khái niệm rộng nhất phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản nhất của các sự vật và hiện tượng thuộc một lĩnh vực hiện thực nhất định. Mỗi bộ môn khoa học đều có phạm trù riêng của mình. Đối với phép duy vật biện chứng các phạm trù của nó là những khái niệm chung nhất, phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến nhất của toàn bộ thế giới hiện thực. Việc nắm vững mối quan hệ qua lại biện chứng giữa các cặp phạm trù có thể vận dụng chúng một cách tự giác trong hoạt động của mình trở thành cần thiết cho tất cả mọi người. Trong khuôn khổ một bài tiểu luận, tôi xin trình bày các phạm trù "cái riêng","cái chung" vì sự nhận thức sự vật thường bắt đầu từ đó. Theo Lênin, "cái riêng" là phạm trù triết học dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình riêng lẻ nhất định. Cần phân biệt "cái riêng" với "cái đơn nhất"."Cái đơn nhất" là phạm trù được dùng để chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính...chỉ có ở một kết cấu vật chất nhất định và không được lặp lại ở bất cứ một kết cấu vật chất nào khác. "Cái chung" là phạm trù được dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính chung không những có ở một kết cấu vật chất nhất định, mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ khác. Vậy giữa "cái chung" và cái riêng có mối quan hệ với nhau như thế nào? Mối quan hệ ấy đã được chủ nghĩa duy vật biện chứng phân tích rất khoa học. 2. Mối liên hệ biện chứng giữa "cái riêng" và "cái chung" : Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, " Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng"-Lênin. Điều đó có nghĩa là "cái chung" thực sự tồn tại, nhưng lại chỉ tồn tại trong"cái riêng" chứ không tồn tại biệt lập, lơ lửng ở đâu đó bên cạnh "cái riêng". "Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến cái chung"- Lênin-nghĩa là "cái riêng"tồn tại độc lập, nhưng không có nghĩa là cô lập với cái khác. Ngược lại, bất cứ "cái riêng"nào bao giờ cũng tồn tại trong một môi trường, một hoàn cảnh nhất định, tương tác với môi trường, hoàn cảnh ấy, do đó đều tham gia vào các mối liên hệ qua lại hết sức đa dạng với các sự vật, hiện tượng khác xung quanh mình. Không những thế, bất cứ "cái riêng" nào đó cũng đều không tồn tại vĩnh viễn như Lênin khẳng định " thông qua hàng nghìn sự chuyển hoá, "cái riêng" còn liên hệ với những "cái riêng" thuộc loại khác". Mối liên hệ giữa "cái riêng" và "cái chung" còn thể hiện ở chỗ "cái chung" là một bộ phận của "cái riêng", còn "cái riêng" không gia nhập hết vào "cái chung". "Cái riêng" phong phú hơn "cái chung", vì ngoài những đặc điểm chung gia nhập vào "cái chung", "cái riêng" còn có những đặc điểm riêng biệt mà chỉ riêng nó mới có đó là "cái đơn nhất". "Cái chung" sâu sắc hơn "cái riêng" bởi vì nó phản ánh những mặt, thuộc tính ... phổ biến tồn tại trong "cái riêng" cùng loại "Cái đơn nhất" và "cái chung" có thể chuyển hoá lẫn nhau, có thể coi đây là sự chuyển hoá giữa hai mặt đối lập. Sự chuyển hoá này diễn ra theo hai chiều hướng: "cái đơn nhất" có thể biến thành "cái chung"và ngược lại, "cái chung" có thể biến thành "cái đơn nhất". Đó là do cái mới không bao giờ xuất hiện đầy đủ ngay một lúc, mà lúc đầu xuất hện dưới dạng "cái đơn nhất", theo quy luật, cái mới ngày càng hoàn thiện chiến thắng cái cũ và trở thành "cái chung". Ngược lại, cái cũ ngày càng mất đi và từ chỗ là "cái chung" nó biến thành "cái đơn nhất". 3. ý nghĩa phương pháp luận về mối quan hệ giữa "cái riêng" và "cái chung": "Cái chung" và "cái riêng" thống nhất với nhau, nên trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, chúng ta phải biết phát hiện "cái chung" và cá biệt hoá "cái chung khi áp dụng vào "cái riêng"chứ không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan của con người. Nếu không sẽ rơi vào sai lầm của người tả khuynh, giáo điều. Ngược lại, nếu chỉ chú ý đến "cái đơn nhất", sẽ rơi vào sai lầm của người hữu khuynh, xét lại. Để giải quyết những vấn đề riêng một cách có hiệu quả phải giải quyết những vấn đề chung- những vấn đề lý luận liên quan với các vấn đề riêng đó. Nếu không, sẽ sa vào tình trạng mò mẫm, tuỳ tiện, kinh nghiệm chủ nghĩa. Giữa "cái chung" và "cái đơn nhất" có sự chuyển hoá lẫn nhau. Nên trong hoạt động thực tiễncần phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển hoá "cái đơn nhất" tiến bộ thành "cái chung" và biến "cái chung" lạc hậu thành "cái đơn nhất" nếu sự tồn tại của "cái chung" không còn là điều ta mong muốn. II. Vận dụng mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Trong tư duy thông thường và trong đời sống hàng ngày, khi nói đến việc phát triển kinh tế thị trường là phát triển nền kinh tế hoàn toàn theo lối TBCN và sao chép y nguyên nền kinh tế thị trường của các nước TBCN. Còn tư duy biện chứng thì cho rằng, khi xoá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, không phải chúng ta vận dụng y nguyên việc phát triển kinh tế thị trường ở các nước, mà vận dụng có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện của nước ta, kết hợp với kinh nhiệm của các nước đi trước. Như vậy, quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường ở nước ta vừa có bản sắc riêng, vừa mang những đặc điểm chung của nền kinh tế thế giới. Kinh tế thị trường là một nền kinh tế hàng hoá phát triển ở trình độ cao.Khi chuyển sang cơ chế thị trường, cũng như các nước khác, nền kinh tế nước ta chịu sự tác động của cơ chế thị trường với hệ thống các quy luật: quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh..., xuất hiện mối quan hệ hàng hoá tiền tệ,...Nền kinh tế thị trường nước ta cũng có những khuyết tật của nền kinh tế thị trường nói chung làm cho nền kinh tế phát triển mất cân đối, gây khủng hoảng, phân cực giàu nghèo quá mức, sử dụng cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường....Bên cạnh những đặc điểm chung đó, nền kinh tế thị trường nước ta còn có những đặc điểm riêng. Đó là khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, nền kinh tế vừa trải qua chiến tranh và cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp,trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn rất thấp kém, chủ yếu là kinh tế tự cấp, tự túc, thu nhập thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu và kém, trình độ quản lý kinh tế còn non yếu. Nhà nước ta do Đảng Cộng Sản lãnh đạo.... Do đó, chúng ta phải có những bước đi riêng đặc thù chứ không thể rập khuôn theo các nước. Theo tôi để vận dụng thật tốt mối quan hệ giữa "cái riêng" và "cái chung" trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam cần phải biết đưa ý nghĩa phương pháp luận của nó ( đã trình bày ở phần trên) vào trong thực tiễn, cụ thể là chúng ta phải chú ý một số điểm như sau: Một là: Tạo điều kiện cho sự ra đời và phải phát triển đồng bộ các loại thị trường như thị trường vốn, thị trường hàng hoá, thị trường lao động. Phải tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. Cần tiếp thu những kinh nghiệm quý, những mặt tích cực của nền kinh tế dựa trên cơ sở sở hữu tư nhân dưới sự quản lý của Nhà nước tư sản, mặt khác cần nghiên cứu kỹ những mặt hạn chế của nó từ đó lấy kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thị trường. Hai là: Đa dạng hoá các hình thức sở hữu, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Có cơ chế, chính sách phù hợp, mô hình tổ chức đúng đắn, chọn đúng những cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất để thành phần kinh tế Nhà nước thực sự phát huy vai trò kinh tế chủ đạo của mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thành phần được ưu tiên ưu đãi được hưởng mọi "đặc ân" mà phải có sự cân đối về quyền lợi kinh tế giữa các thành phần kinh tế từng bước tránh tình trạng độc quyền. Ba là: Tôn trọng quan hệ hàng hoá- tiền tệ. Vận dụng tốt phương thức phân phối theo lao động kết hợp với phân phối theo các nhân tố sản xuất khác như vốn, tài sản,...Đây là động lực kích thích đối với mọi cá nhân và tập thể trong nền kinh tế thị trường. Chính phương thức phân phối này là nhân tố quan trọng cho phép huy động tối đa mọi nguồn lực. Bốn là: Xây dựng một nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, ổn định về chính trị. Đây là tác nhân quan trọng bảo đảm tính thống nhất trong dịnh hướng, bảo đảm công bằng xã hội, đưa nền kinh tế quốc dân phát triển vững mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường nước ta là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, tức là không chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế mà còn quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, nền kinh tế thị trường chỉ là phương tiện, biện pháp để xây dựng thành công CNXH ở nước ta. Năm là: Chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới trên nguyên tắc hoà nhập nhưng không hoà tan, vừa bảo vệ độc lập dân tộc vừa tận dụng sức mạnh của nền kinh tế thế giới và hợp tác quốc tế, đảm bảo xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh, xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sáu là: Khi xây dựng nền kinh tế thị trường cần tránh khuynh hướng tuyệt đối hoá kinh tế thị trường coi thường vai trò quản lý của nhà nước hay khuynh hướng quá nhấn mạnh đến các đặc điểm riêng của nước ta mà xa rời các đặc điểm chung của nền kinh tế thị trường thế giới. Kết luận Cái chung và cái riêng là một cặp phạm trù cơ bản của triết học duy vật biện chứng. Cặp phạm trù này đã góp phần trang bị cho chúng ta một phương pháp luận duy vật biện chứng vận dụng vào thực tế. Bản tiểu luận đã nêu lên được những lí luận cơ bản về cặp phạm trù này. Đồng thời, tiểu luận cũng nêu lên được ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù này và việc vận dụng trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là sự nghiệp lâu dài đầy khó khăn, thử thách. Những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, những biến động nhiều mặt của đất nước ta trong quá trình đổi mới toàn diện xã hội đòi hỏi ta phải kiên định, khắc phục khó khăn đồng thời phải tỉnh táo, nhạy bén để thích ứng kịp thời với tinh hình thực tế. Quán triệt phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng thành thạo vào việc nghiên cứu và quản lý kinh tế nền kinh tế thị thị trường theo định hướng XHCN của chúng ta chắc chắn sẽ cất cánh. Mục lục Lời nói đầu 1 I- Những lý luận chung về cặp phạm trù cái riêng và cái chung 2 1- Khái niệm về cặp phạm trù cơ bản của triết học - cái riêng và cái chung 2 2- Mối liên hệ biện chứng giữa cái riêng và cái chung 2 3- ý nghĩa phương pháp luận về mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung 3 II- Vận dụng mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam 4 Kết luận 7

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc21092.doc
Tài liệu liên quan