Một thực tế đang diễn ra ở không ít các vùng nông thôn nước ta đó là việc những người nông dân bỏ nghề nông truyền thống mưu sinh bằng những công việc khác nơi thành phố hoặc các vùng cần nguồn nhân công lao động lớn, không yêu cầu trình độ cao như các khu khai thác than, quặng, các công trình xây dựng. Những người đi làm xa chủ yếu là đàn ông, những người cha trụ cột trong gia đình, có khi hàng năm chỉ về vào dịp tết hoặc đi vài năm rồi không về nữa. Hiện tượng “vọng phu sau lũy tre làng” đã tái hiện ở thời bình xuất phát từ việc lo miếng cơm manh áo hàng ngày.
8 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 8112 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Nguyên nhân và thực tiễn việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm hôn nhân một vợ một chồng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Gia đình là tế bào của xã hội trong đó hôn nhân là cơ sở. Hôn nhân một vợ một chồng xuất hiện trong xã hội dân chủ, nam nữ bình quyền. xã hội dân chủ xuất hiện từ thời kỳ cận đại. Hiện nay, trong luật hôn nhân và gia đình 2005 cũng quy định nguyên tắc hôn nhân là hôn nhân một vợ - một chồng. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn không tránh khỏi những tình trạng kết hôn trái pháp luật do vi phạm nguyên tắc kết hôn một vợ một chồng. Dưới đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm nguyên tắc này cùng thực tiễn áp dụng tại Việt Nam.
NỘI DUNG
Khái quát chung về kết hôn một vợ một chồng
1. Một số thuật ngữ và khái niệm chung
Trước tiên chúng ta cần phải hiểu chế độ hôn nhân và gia đình là gì? kết hôn là gì và thế nào là kết hôn trái pháp luật.
Theo điều 8, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì:
Chế độ hôn nhân và gia đình là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn, nghĩa vụ và quyền giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, cấp dưỡng, xác định cha, mẹ, con, con nuôi, giám hộ, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình;
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn;
Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định.
Khoản 1 điều 2 Luật hôn nhân gia đình 2000 quy định: “hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.”
Ta có thể hiểu nguyên tắc một vợ một chồng là nguyên tắc cơ bản và cần thiết để xây dựng hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình tiến bộ với quan điểm rõ ràng: bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ. Nguyên tắc này phủ nhận hoàn toàn chế độ hôn nhân đa thê được thừa nhận từ rất lâu trong lịch sử xã hội Việt Nam nói chung và nhiều nước trên thế giới nói riêng, gây bất bình đẳng giới, hạ thấp vị trí của người phụ nữ trong gia đình, mặt khác đi ngược lại với bản chất của hôn nhân.
2. Phân tích quy định kết hôn một vợ một chồng.
Trên cơ sở điều 64 Hiến pháp 1992, đoạn 1 điều 39 Bộ luật dân sự, điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, quy định này là sự kế thừa và cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình – nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng. Đó là quy định hết sức cần thiết, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của luật Hôn nhân và gia đình là xóa bỏ chế độ hôn nhân gia đình phong kiến, xóa bỏ sự đối xử bất bình đẳng đối với người phụ nữ, xây dựng chế độ hôn nhân tiến bộ xã hội chủ nghĩa.
Pháp luật phong kiến Việt Nam từng quy định người đàn ông có thể lấy nhiều vợ (Điều 79, 80 Dân luật Bắc kỳ). Pháp luật của nhà nước tư sản cũng quy định hôn nhân theo nguyên tắc một vợ một chồng nhưng trên thực tế nguyên tắc này đã bị phá vỡ do nạn ngoài tình và mại dâm công khai. Do đó xét về bản chất “hôn nhân của giai cấp tư sản là chế độ cộng thê”. Ngược lại, bản chất hôn nhân xã hội chủ nghĩa là hôn nhân một vợ một chồng như Ph.Ăngghen đã từng chỉ rõ : “Vì bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ cho nên hôn nhân dựa trên tình yêu của nam và nữ do ngay bản chất của nó là một vợ một chồng.”
Mục 1 điểm c.1 Nghị quyết số 02/2002/NQ – HĐTP thì “người đang có vợ có chồng” được hiểu là :
Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa li hôn.
Người đang chung sống với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn.
Người chung sống với người khác như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 và đang chung sống như vợ chồng mà có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng kí kết hôn (trường hợp này chỉ áp dụng từ ngày nghị quyết này có hiệu lực cho đến 01/01/2003)
Theo pháp luật Việt Nam, chỉ có những người chưa kết hôn hoặc những người tuy đã kết hôn nhưng vợ hoặc chồng đã chết hoặc hai người đã li hôn thì mới có quyền kết hôn với người khác. Quy định cấm những người đang có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhằm xóa bỏ tận gốc chế độ đa thê phong kiến đảm bảo hạn phúc và sự bền vững gia đình
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn chế độ một chồng hai vợ tồn tại ở Việt Nam và được nhà nước, pháp luật thừa nhận. Đó là những quan hệ hôn nhân được xác lập trước Nghị quyết 76 ngày 25/3/1977 của Quốc hội về việc thống nhất hai miền Nam Bắc có hiệu lực thì pháp luật vẫn công nhận một số trường hợp đa thê. Đó là đối với trường hợp những người là cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc thì theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/2/1978 của TANDTC về việc hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác vẫn có hiệu lực. Đây được coi là những tồn tại do thực tế lịch sử và nhà nước vẫn chấp nhận tình trạng đa thê của họ.
Và ta cũng cần phải lưu ý đến trường hợp người bị tòa án tuyên bố là đã chết theo điều 91 Bộ luật dân sự 2005. Sau khi tuyên bố chết của Tòa án có hiệu lực thì vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố chết có quyền kết hôn với người khác. Trong trường hợp này nếu người bị tuyên bố chết trở về, tòa án hủy bỏ tuyên bố chết mà vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau vẫn có hiệu lực pháp luật; nếu vợ hoặc chồng chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục.
II) Nguyên nhân và thực tiễn việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm hôn nhân một vợ một chồng :
Ở nước ta, việc vi phạm hôn nhân một vợ một chồng diễn ra không ít và cũng vô vàn các hoàn cảnh, nguyên nhân khác nhau.
Thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về hôn nhân gia đình :
Đất nước Việt Nam ta trải dài từ bắc vào nam với diện tích đồi núi chiếm ¾ diện tích lãnh thổ. Với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, khó tránh khỏi sự chênh lệch về văn hóa và trình độ phát triển ở từng địa phương. Trong khi nhiều thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng có điều kiện tiếp xúc nhiều với phương tiện truyền thông và các thông tin về hôn nhân gia đình, kế hoạch hóa gia đình thì ở các vùng cao, hẻo lánh, người dân rất khó được tiếp nhận. Không kể về ngôn ngữ các dân tộc đã là hạn chế lớn, ngoài ra điều kiện về giao thông, cơ sở hạ tầng và trình độ văn hóa ở mức thấp làm giảm khả năng nhận được thông tin về hôn nhân gia đình. Nhiều nơi vẫn còn tồn tại các hủ tục lạc hậu về cưới xin, tảo hôn. Người dân miền cao nhiều trường hợp có vợ, con nhưng chỉ làm đám cưới ở bản làng chứ không đăng kí kết hôn, sau đó lại có quan hệ và có con với người phụ nữ khác. Hoặc một tù trưởng, bản trưởng, già làng thường có hai, ba vợ. Những trường hợp này rất gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan chức năng địa phương.
Người lao động nông thôn đã có gia đình, đi làm ăn ở xa trong thời gian dài và sinh sống , lấy vợ, chồng khác ở nơi làm việc :
Một thực tế đang diễn ra ở không ít các vùng nông thôn nước ta đó là việc những người nông dân bỏ nghề nông truyền thống mưu sinh bằng những công việc khác nơi thành phố hoặc các vùng cần nguồn nhân công lao động lớn, không yêu cầu trình độ cao như các khu khai thác than, quặng, các công trình xây dựng. Những người đi làm xa chủ yếu là đàn ông, những người cha trụ cột trong gia đình, có khi hàng năm chỉ về vào dịp tết hoặc đi vài năm rồi không về nữa. Hiện tượng “vọng phu sau lũy tre làng” đã tái hiện ở thời bình xuất phát từ việc lo miếng cơm manh áo hàng ngày.
Chị Vân, 39 tuổi, xã Giao Tiến, huyện Giao Thuỷ, Nam Định bồng con lên giường đi ngủ trong sự cô đơn như bao đêm khác. Đứa trẻ lên 3 khóc mếu trong chiếc chăn nhàu nát. Nó có biết đâu mẹ nó cũng đang xé ruột xé gan, tan nát cõi lòng vì thiếu vắng người đàn ông trụ cột trong gia đình. Anh ta đã bỏ chị theo người làng đi làm thợ mộc tận Quảng Trị rồi kiếm vợ hai và ở luôn trong đó. Chị Vân đợi chờ đến hóa đá giữa lòng Giao Tiến. Ba năm rồi, kể từ khi chồng chị Vân theo cánh thợ mộc về thăm nhà lần cuối, ba đêm thăm nhà và chung đụng đã có thêm thằng cú Tí này đây, rồi anh đi biền biệt đến giờ. Thỉnh thoảng, cứ có cánh thợ trong làng từ miền Trung về là chị Vân lại bồng con ra nghe ngóng xem chồng mình thế nào? Lần nào hỏi thăm, chị cũng rơi vào hoang mang lo sợ anh không về nữa. Có người nói anh đã đăng kí kết hôn và chung sống với người đàn bà hơn anh 2 tuổi. Có người bảo, anh lại kiếm được cô gái trẻ và có thêm đứa con trai kháu khỉnh, về quê chỉ là chuyện xa vời mà thôi.
Chung số phận với chị Vân, ở cái xã Giao Tiến này còn nhiều chị em đồng cảnh ngộ. Chị Minh, 38 tuổi, có 4 con, ở xóm 5, còn bạc bẽo hơn. Tết năm trước, ông chồng cùng phường mộc từ Nghệ An trở về vào chiều 30. Những tưởng là Tết ấy được đoàn tụ vui vầy và ấm cúng, ai dè, lẽo đẽo theo sau ông chồng là bà vợ hai còn trẻ măng với đứa con đỏ hỏn trên tay. Chị Minh la làng ăn vạ, nhưng chẳng mấy ai thèm để ý. Cả cái làng này và cả xã này nữa, rất nhiều ông có vợ hai, vợ ba, rồi thì bồ bịch lung tung beng cả lên. Có lẽ, cái sự thật trớ trêu là xung quanh có rất nhiều chị em cũng kém may mắn như chị Minh, nên chị thấy được an ủi, đành ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua cái Tết buồn.
Nhiều gia đình vẫn còn những suy nghĩ cổ hủ, muốn có con trai để nối dõi tông đường :
Không phải ai cũng muốn nói ra nhưng trong thâm tâm người đàn ông vẫn luôn muốn có một thằng con trai để sau này khi đã già cả ốm đau và cả khi mất, còn có đứa chăm lo, hương khói. Cái quan niệm này đã ăn sâu, bén rễ trong nhiều gia đình, nhiều thế hệ người Việt và không dễ có thể thay đổi được. Không những thế, hôn nhân một vợ một chồng và đường lối chủ trương kế hoạch hóa, mỗi gia đình chỉ dừng lại ở hai con đã làm khá nhiều ông chồng không hài lòng khi vợ mình “không biết đẻ” cố gắng mấy cũng là hai cô “vịt trời”.
Hằng – cô sinh viên đại học Văn Hóa than thở trong nỗi hoang mang : “Bố mẹ mình là những người từ quê ra Hà Nội lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ lấy nhau và sản phẩm là bốn "vịt giời'. Các chị gái mình đã có gia đình và đã có con. Không phải mẹ mình quá lạc hậu để "trời sinh voi, sinh cỏ" nên đẻ lắm thế, mà vì bố mẹ không có con trai "nối dõi" nên gia đình bên nội (bố là con trai duy nhất) yêu cầu họ phải có con trai. Mình là con út, năm nay cũng vừa kết thúc năm thứ 3 đại học. Một cú sốc lớn ập đến cách đây mấy hôm: Bố quyết định lấy vợ hai, một người đã có một con trai một tuổi nhưng không có chồng. Chị ấy hơn mình có 4 tuổi. Nhưng gia đình đằng nội ai cũng đồng ý, bà nội mình năm nay đã 85 tuổi, từ Hà Tĩnh lặn lội ra Hà Nội để yêu cầu gia đình cháu chấp thuận.”
Bi kịch trớ trêu như vậy diễn ra không ít. Càng là những gia đình giàu có hay có quyền thế, địa vị xã hội thì mong muốn có đứa cháu trai nối dõi lại càng lớn hơn. Những người vợ dù không có lỗi nhưng chỉ vì lý do như vậy thường phải chấp nhận đắng cay để gia đình không tan vỡ.
Sự thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm của cơ quan chức năng và chính quyền
Một phần nguyên nhân làm tình trạng kết hôn trái pháp luật diễn biến phức tạp như vậy là do các cấp chính quyền còn thiếu sát sao trong việc quản lý. Nhiều khi các cặp vợ chồng lên đăng kí kết hôn thì nơi cấp giấy chứng nhận kết hôn cũng không cử người về xác minh lại lý lịch cụ thể về tình trạng hôn nhân đang có của từng người, dẫn đến tình trạng một chồng có đến hai người vợ hoặc một vợ có hai chồng. Những hình thức xử phạt cũng còn nhẹ, hầu hết các trường hợp để các gia đình tự giải quyết hay phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe, làm người bị hại hơn ai hết là người phụ nữ. Không chỉ gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều gia đình mà việc xử lý chưa nghiêm còn làm gia tăng việc quan hệ bừa bãi và tệ nạn mại dâm trong xã hội. Thật đau xót khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ lẫm chẫm biết đi ở xã Giao Tiến nêu trên với ánh mắt buồn nhìn mẹ và câu hỏi thường trực trong suy nghĩ: “Mẹ ơi, bố con đâu?” Những đứa trẻ được sinh ra và có quyền được hưởng sự chăm sóc đầy đủ của cha và của mẹ. Chúng liệu có phát triển một cách tốt nhất khi không có người cha chăm sóc, nuôi dạy chưa kể đến việc người mẹ phải gánh hoàn toàn trách nghiệm lo kinh tế cho gia đình và thiếu thời gian dành cho con cái? Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa, không chỉ là xử phạt hành chính, giáo dục tuyên truyền mà cần có những chế tài cụ thể và đủ mạnh để tránh việc vi phạm hôn nhân tiến bộ một vợ một chồng diễn ra tràn lan như hiện nay.
C. KẾT LUẬN
Đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Không chỉ nâng cao tiềm năng kinh tế của đất nước, chúng ta phải đồng thời nâng cao trình độ văn hóa, đời sống văn minh, hiện đại. Nó cũng thể hiện ở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng “Vì bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ được… cho nên hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu do ngay bản chất của nó là hôn nhân một vợ một chồng” Mong rằng trong thời gian tới luật hôn nhân sẽ sửa đổi, chặt chẽ hơn và thiết thực hơn với tình hình xã hội.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình – Đại học Luật Hà Nội
Luật Hôn nhân và Gia đình
Nguyên lý và thực hành luật hôn nhân và gia đình Việt Nam – Tủ sách khoa học pháp lý
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về luật hôn nhân và gia đình năm 2000
Bình luận khoa học luật hôn nhân và gia đình Việt nam năm 2000 – Nxb. Chính trị quốc gia
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ket hon trai phap luat vi pham nt 1 vo 1 chong sf.doc