Bản nguyên của gia đình đối ngẫu tuyệt nhiên không phải là kết quả của tình yêu nam nữ, nó cũng không dựa trên cơ sở một tình yêu chân chính. Hôn nhân vẫn mang tính vụ lợi. Nó cũng là hình thức gia đình đầu tiên dựa trên cơ sở các điều kiện kinh tế (chứ không phải các điều kiện tự nhiên). Theo Ăng ghen, tình yêu giữa nam và nữ là “bước tiến đạo đức lớn nhất đã có thể pahts triển được từ chế độ một vợ một chồng – trong lòng chế độ ấy, song song với chế độ ấy hay ngược lại với chế độ ấy, tuỳ theo từng trường hợp – bước tiến mà chúng ta có được là nhờ chế độ đó mà toàn bộ thế giới trước kia chưa hề biết tới (nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước). Tình yêu đó đã xuất hiện và phát triển một cách đối lập với gia đình, ngoài phạm vi gia đình và phá hoại hôn nhân, bởi vì đó không phải là tình yêu giữa vợ và chồng”.
13 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 7383 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng – lịch sử hình thành, phát triển và thực trạng áp dụng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng trong việc hình thành và giáo dục nhân cách. Hôn nhân là mối quan hệ đặc biệt trong quan hệ gia đình. Hiện nay, ở Việt Nam, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng được xem là nguyên tắc cơ bản của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Hôn nhân một vợ một chồng xuất hiện trong xã hội dân chủ, nam nữ bình quyền, xã hội dân chủ xuất hiện từ thời kỳ cận đại. Trong khuôn khổ của bài tiểu luận, tôi xin trình bày lịch sử hình thành, phát triển và thực trạng áp dụng của nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng.
NỘI DUNG CHI TIẾT
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng – những vấn đề lý luận
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000. Vậy nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình là gì? Đó là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo, quán triệt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình. Các nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 được quy định tại điều 2 của luật này. Trong đó, tại khoản 1 điều 2 quy định “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”.
Chế độ trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới, coi khinh giá trị của người phụ nữ của xã hội phong kiến đã bị xoá bỏ để xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng trên nền tảng của một gia đình bình đẳng, một hôn nhân bình đẳng. Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng được xây dựng trên nền tảng hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, nam nữ bình quyền.
“Vì bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ được… cho nên hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu do ngay bản chất của nó là hôn nhân một vợ một chồng” (theo Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước). Bởi lẽ đó, xét về bản chất, hôn nhân tự nguyện trên cơ sở tình yêu nam nữ là hôn nhân một vợ một chồng. Hay nói cách khác, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là một công cụ để bảo vệ tình yêu cũng như bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Chế độ một vợ một chồng ngày nay khác với chế độ một vợ một chồng cổ điển, lúc mà nó vừa mới ra đời và tồn tại trong các chế độ xã hội có giai cấp đối kháng. Trong buổi đầu của việc hình thành chế độ một vợ một chồng mà nguyên do là từ mục đích kinh tế, khi người đàn ông muốn chắc chắn người con do người phụ nữ sinh ra là con của mình, để được hưởng thừa kế do mình để lại, đây thực chất là duy trì chế độ tư hữu bóc lột. Còn chế độ một vợ một chồng trong xã hội xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ tình yêu và lấy tình yêu chân chính làm cơ sở với mục tiêu xây dựng một gia đình hạnh phúc, dân chủ, bền vững.
Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, tại khoản 2 điều này quy định:
“ Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi.
Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
…”
Mục 1 điểm c.1 Nghị quyết số 02/2002/NQ – HĐTP thì “người đang có vợ có chồng” được hiểu là :
Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa li hôn.
Người đang chung sống với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn.
Người chung sống với người khác như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 và đang chung sống như vợ chồng mà có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng kí kết hôn (trường hợp này chỉ áp dụng từ ngày nghị quyết này có hiệu lực cho đến 01/01/2003)
Theo pháp luật Việt Nam, chỉ có những người chưa kết hôn hoặc những người tuy đã kết hôn nhưng vợ hoặc chồng đã chết hoặc hai người đã li hôn thì mới có quyền kết hôn với người khác. Quy định cấm những người đang có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhằm xóa bỏ tận gốc chế độ đa thê phong kiến đảm bảo hạn phúc và sự bền vững gia đình
Lịch sử hình thành nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
Chủ nghĩa Mác – Lênin về nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
Hôn nhân (gia đình) gia đình đối ngẫu
Gia đình đối ngẫu được hiểu là một hình thức kết hôn theo từng cặp nhất định, trong thời gian ngắn hoặc dài, đã tồn tại trong chế độ quần hôn, hoặc còn sớm hơn nữa; khi đó, người đàn ông có một vợ chính (nhưng chưa thể nói đó là vợ yêu nhất) trong số rất nhiều vợ của mình; và đối với người vợ chính đó, thì anh ta là người chồng chính trong số nhiều người chồng.
Việc kết hôn từng cặp đó hẳn là đã ngày càng lớn mạnh và vững chắc; khi mà thị tộc ngày càng phát triển, các nhóm “anh em trai” và “chị em gái” không thể lấy nhau ngày càng nhiều. Sự thúc đẩy việc cấm hôn nhân giữa những người cùng huyết tộc, do thị tộc đặt ra, ngày càng mạnh hơn. Những người có thể có quan hệ hôn nhân ngày càng được thu hẹp lại, từ chỗ anh chị em trai và chị em gái, bấy giờ đã loại trừ cả anh em, chị em họ hàng ở hàng chú bác, cháu chắt và những người họ hàng xa khác. Những điều cấm ngày càng phức tạp hơn, điều đó tất yếu dẫn đến sự bất khả thi của chế độ quần hôn. Chính từ cơ sở đó đã hình thành nên gia đình đối ngẫu.
Sự xuất hiện của gia đình đối ngẫu, được xem là công của người đàn bà chứ không phải của người đàn ông bởi lẽ, với sự phát triển của xã hội, người phụ nữ muốn được phuộc về một người đàn. Nhờ sự phát triển của các điều kiện kinh tế - do đó mà chế độ cộng sản cổ xưa bị tan rã - và sự tăng mật độ dân số, nên các quan hệ tính giao cổ truyền ngày càng mất đi tính tự nhiên nguyên thủy của nó; bởi thế phụ nữ cảm thấy nó càng ngày càng nặng nề và nhục nhã; họ ngày càng mong muốn được thủ tiết, tức là chỉ kết hôn - nhất thời hay lâu dài - với một người đàn ông duy nhất. Theo Ăngghen: “Bước tiến này không thể nào do đàn ông thực hiện, vì tới tận ngày nay, họ vẫn không muốn từ bỏ cái thú vị của chế độ quần hôn thực sự.”
Song, hôn nhân theo hình thức này không thể bền vững được, nó dễ bị người vợ hoặc người chồng phá vỡ.
Hôn nhân một vợ một chồng
Ta có thể khẳng định rằng, hôn nhân đối ngẫu không phải là hôn nhân một vợ một chồng, nhưng hôn nhân một vợ một chồng lại nảy sinh chính trong hôn nhân đối ngẫu. gia đình cá thế (một vợ một chồng) khác gia đình đối ngẫu ở chỗ quan hệ vợ chồng đã chặt chẽ hơn rất nhiều, hai bên không thể tùy ý bỏ nhau nữa.
Ăng ghen đã chỉ rõ, bước chuyển từ hôn nhân đối ngẫu sang hôn nhân một vợ một chồng khớp với giai đoạn mà mức phân hoá lao động cao nhất, khi mà hiệu suất lao động phát triển tới mức có của cải dư thừa, những của cải dư thừa ấy bị gia đình đối ngẫu chiếm lấy. Đây là cơ sở đầu tiên hình thành tư hữu, nhờ sự chiếm hữu này mà gia đình đối ngẫu đã có những sự thay đổi căn bản, không còn là một phần tử của thị tộc nữa, nó tách khỏi thị tộc như một đơn vị kinh tế độc lập.
Bản nguyên của gia đình đối ngẫu tuyệt nhiên không phải là kết quả của tình yêu nam nữ, nó cũng không dựa trên cơ sở một tình yêu chân chính. Hôn nhân vẫn mang tính vụ lợi. Nó cũng là hình thức gia đình đầu tiên dựa trên cơ sở các điều kiện kinh tế (chứ không phải các điều kiện tự nhiên). Theo Ăng ghen, tình yêu giữa nam và nữ là “bước tiến đạo đức lớn nhất đã có thể pahts triển được từ chế độ một vợ một chồng – trong lòng chế độ ấy, song song với chế độ ấy hay ngược lại với chế độ ấy, tuỳ theo từng trường hợp – bước tiến mà chúng ta có được là nhờ chế độ đó… mà toàn bộ thế giới trước kia chưa hề biết tới (nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước). Tình yêu đó đã xuất hiện và phát triển một cách đối lập với gia đình, ngoài phạm vi gia đình và phá hoại hôn nhân, bởi vì đó không phải là tình yêu giữa vợ và chồng”.
Pháp luật của nhà nước tư sản cũng quy định hôn nhân theo nguyên tắc một vợ một chồng nhưng trên thực tế nguyên tắc này đã bị phá vỡ do nạn ngoài tình và mại dâm công khai. Do đó xét về bản chất “hôn nhân của giai cấp tư sản là chế độ cộng thê”.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một sự thay đổi sâu sắc và toàn diện. Nó không những xoá bỏ tát cả những hình thức tư hữu đối với tư liệu sản xuất mà còn cả những quan hệ do chế độ tư hữu đẻ ra và dựa vào chế độ tư hữu đó. Chỉ có lúc đó thì hôn nhân mới dựa trên cơ sở tình yêu giữa nam và nữ. Và chỉ ở dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hôn nhân mới thực sự là “một vợ một chồng theo nghĩa giữ nguyên, chứ tuyệt nhiên không phải là theo nghĩa lịch sử của danh từ đó”.
Hình thành nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng ở VN
Pháp luật hôn nhân và gia đình trước cách mạng tháng tám
Thời kỳ phong kiến
Trong thời kỳ phong kiến, đã có nhiều văn bản luật được ban hành, nhưng tiêu biểu nhất cho văn bản luật của thời kỳ phong kiến ở Việt Nam có thể nêu ra đó là Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) và Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long). Trong cả hai bộ luật này đều đã có đề cập đến vấn đề hôn nhân và gia đình. Song cả Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ đều không đưa nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình đương thời. Hôn nhân và gia đình trong thời kỳ bộc lộ rõ sự bất công, bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa nam và nữ, giữa người vợ và người chồng.
Trong Quốc triều hình luật, sự bất bình đẳng ấy được thể hiện thông qua quan điểm “chồng chúa vợ tôi”. Pháp luật quy định, người chồng có thể lấy nhiều người phụ nữ làm vợ, nhưng người phụ nữ chỉ có thể có duy nhất một người chồng – trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng.
Trong Hoàng Việt luật lệ thì vấn đề hôn nhân và gia đình không được quan tâm đúng mức, không có phần quy định riêng, các điều luật về hôn nhân và gia đình được quy định rải rác, tuy nhiên, suy cho cùng, thì có thể nhận thấy chủ chương của bộ luật này vẫn là tôn vinh vị trí vai trò của người đàn ông trong gia đình mà hạ thấp, xem nhẹ vị trí của người phụ nữ.
Thời Pháp thuộc
Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã thay đổi hoàn toàn các văn bản luật đương thời (Hoàng Việt luật lệ) bằng một hệ thống văn bản mới. Xét về quan hệ hôn nhân và gia đình, thì đã có sự thay đổi đáng kể, một mặt theo xu hướng Âu hoá, mặt khác vẫn còn cố duy trì những phong tục tập quán của Việt Nam. Trong thời kỳ này, thực dân Pháp chia nước ta làm ba miền và mỗi miền lại có một bộ dân luật riêng để điều chỉnh. Ở Bắc Kỳ là bộ Dân luật Bắc Kỳ 1931, ở Trung Kỳ là bộ Dân luật Trung Kỳ 1936 còn ở Nam kỳ là bộ Dân luật giản yếu 1883. Cả ba bộ dân luật đều thừa nhận tình trạng bất bình đẳng trong gia đình, quy định nhiều nghĩa vụ của người phụ nữ như nghĩa vụ phải thuỷ chung với chồng mà không hề có quy định tương tự đối với người chồng.
Pháp luật hôn nhân và gia đình thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945 – 1954)
Sắc lệnh 97-SL ngày 22/5/1950 được xem là văn bản pháp luật về gia đình đầu tiên của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là bước đi tiên phong trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình gia đình mới. Sắc lệnh với 15 điều trong đó có 8 điều quy đình về hôn nhân và gia đình tuy chưa đầy đủ và hoàn thiện, nhưng đã làm bật lên nguyên tắc bình đẳng nam nữ trong hôn nhân. Sắc lệnh này cũng chưa nói tới nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, nhưng nguyên tắc bình đẳng nam nữ trong hôn nhân có thể xem là tiền đề, là bước tạo đà dể đưa nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng lên thành nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình Việt Nam trong các văn bản luật tiếp sau.
Luật hôn nhân gia đình 1959, 1986, 2000
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 là luật hôn nhân và gia đình đầu tiên của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, là công cụ pháp lý của nhà nước ta được xây dựng và thực hiện với hai nhiệm vụ cơ bản là: xoá bỏ những tàn tích của chế độ hôn nhân gia đình phong kiến lạc hậu, xây dựng chế độ hôn nhân gia đinh mới xã hội chủ nghĩa “hạnh phúc, dân chủ và hoà thuận, trong đó mọi người đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ”.
Chế độ đa thê - một trong những đăng trưng cơ bản nhất của chế độ hôn nhân lạc hậu chính thức bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Từ đây nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng chính thức trở thành nguyên tắc cơ bản nhất của hôn nhân ở Việt Nam, nó cũng được quy định tại luật hôn nhân gia đình 1986, 2000.
Điều 1 LHNGĐ 1959 quy định: “Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ, một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hoà thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ”.
Thực trạng áp dụng nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng ở Việt Nam
Tuy đã được quy định rõ ràng trong pháp luật, Điều 64 Hiến pháp 1992, đoạn 1 điều 39 Bộ luật dân sự 2005, điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình và được pháp luật hình sự quy định hình phạt với tội vi phạm chế độ một vợ một chồng (điều 147) song trên thực tế vẫn không ít trường hợp vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng.
Việc vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đó là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật hôn nhân và gia đình, ý thức thiếu tôn trọng pháp luật của người dân. Không ít những vùng miền, chủ yếu là những vùng hẻo lánh, xa trung tâm, hiện tượng một người đàn ông lấy nhiều vợ diễn ra không ít. Ở một số dân tộc, người trưởng bản, già làng có thể lấy nhiều vợ. Tuy nhiên, đó lại là phong tục tập quán của một số dân tộc. Bởi vậy, việc dùng pháp luật để điểu chỉnh là rất khó khăn. Có thể kể tới trường hợp “làng hai vợ” ở vùng cao Đông Giang (Quảng Nam). Đó là một bản làng của dân tộc Cơ tu - ở đây, đàn ông có truyền thống… lấy hai vợ. Truyền thống lấy hai vợ ở bản làng này đã tồn tại lâu dài và đang có xu hướng ngày một tăng. Bà con trong bản kể lại, có một gia đình có “truyền thống” ba đời lấy hai vợ. Đó là gia đình của ông Alăng Th. – trưởng thôn, và đến ông Alăng Th. cũng lấy vợ bé mặc dù ông vốn nổi tiếng là một trưởng thôn gương mẫu. Cô vợ bé của trưởng thôn Alăng Th. cũng là một người trong thôn, chấp nhận làm vợ lẽ ông Th. khi ông đã có hai mặt con với người vợ đầu (?!).
Đó là do tâm lý cổ hủ, muốn có con trai để nối dõi tông đường. Quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” tưởng như đã lùi vào dĩ vãng cùng với chế độ phong kiến, nhưng dường như nó vẫn còn hiện hữu trong đời sống xã hội hiện đại khi mà nếu không có con, cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự vì khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng. Vì thế, nhiều gia đình hiện nay vẫn phải cố đẻ cho được con trai hoặc tìm mọi cách để có một mụn con trai nối dõi tông đường. Bi kịch mà trong gia đình, người vợ mình “không biết đẻ” cố gắng mấy cũng là hai cô “vịt trời” đã diễn ra dưới rất nhiều mái nhà, dẫn tới người chồng, người cha trong gia đình ngoại tình, chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác. Bi kịch này đặc biệt diễn ra trong các gia đình giàu có hay có quyền thế, địa vị xã hội thì mong muốn có đứa cháu trai nối dõi lại càng lớn hơn.
Đó là do sự quản lý của pháp luật đối với chế độ hôn nhân một vợ một chồng còn lỏng lẻo. Minh chứng rằng, gái mại dâm vẫn mặc nhiên tồn tại, núp dưới rất nhiều chiêu bài như cắt tóc, gội đầu, tầm quất, thư giãn, cà phê, tiếp viên nhà hàng, tour du lịch... Các nhà nghỉ mọc lên như nấm trên khắp mọi nơi, từ thành phố đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo, ai ai cũng biết, nhà nghỉ chỉ duy nhất phục vụ nhu cầu tình dục của các đôi lứa, thế thì tại sao nó vẫn được kinh doanh? Trong khi giới phụ nữ đang đấu tranh mạnh mẽ cho chế độ tình dục thủy chung? Mặt khác nữa, ngay trong việc xử lý hành vi quan hệ tình dục ngoài luồng trong hệ thống công quyền chưa nghiêm minh, thậm chí việc sếp có em út được xem như là thức thời, là phong độ (?!). Ví dụ sau đây có thể xem là khá tiêu biểu đối với xã hội hiện nay: Nguyễn văn Đ sinh năm 1983 và Huỳnh Thị K A sinh năm 1985 tổ chức đám cưới ngày 12/9/2009 và sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn do Nguyễn Văn Đ chưa ly hôn với vợ cũ. Ngày 23/6/2008 Nguyễn Văn Đ và Huỳnh Thị K A đã bị UBND xã M xử phạt hành chính mỗi người là 200.000 đồng chấm dứt hôn nhân trái pháp luật nhưng cho đến nay Nguyễn Văn Đ và Huỳnh Thị K A vẫn duy trì quan hệ đó. Có thể nói, mức phạt hành chính 200.000 đồng đối với mỗi người là một mức phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy mới dẫn tới tình trạng Nguyễn Văn Đ và Huỳnh Thị K A vẫn tiếp tục quan hệ trái pháp luật này. Đây cũng thể hiện ý thức thiếu tôn trọng pháp luật của các đương sự.
2. Hoàn thiện hơn những quy định của Luật hôn nhân và gia đình về nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
Thứ nhất, cần có biện pháp tuyên truyền luật pháp nói chung và luật pháp về hôn nhân và gia đình – nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng nói riêng. Chính do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, không có điều kiện tiếp xúc nhiều với phương tiện truyền thông và các thông tin về hôn nhân gia đình, kế hoạch hóa gia đình ở vùng cao đã phần nào dẫn tới hiện trạng vi phạm pháp luật như hiện nay.
Thứ hai, cần thay đổi tâm lý bắt buộc phải có con trai để nối dõi tông đường – tâm lý cổ hủ, trọng nam khinh nữ trong các gia đình Việt. Để giải quyết tình trạng này, trước hết rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh truyền thông phù hợp với đặc điểm từng vùng miền và từng dân tộc. Cần quan tâm hơn tới vấn đề về an sinh xã hội cho người già và trẻ em gái. Cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản luật, quy phạm pháp luật.
Những hình thức xử phạt cũng còn nhẹ, hầu hết các trường hợp để các gia đình tự giải quyết hay phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe, làm người bị hại hơn ai hết là người phụ nữ. Không chỉ gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều gia đình mà việc xử lý chưa nghiêm còn làm gia tăng việc quan hệ bừa bãi và tệ nạn mại dâm trong xã hội. Theo điều 147 Bộ luật Hình sự
Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm
. Cần có biện pháp xử phạt nặng hơn để đủ sức răn đe để làm giảm tình hình vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng như hiện nay.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, mỗi con người Việt Nam đã dần thấm nhuần ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “gia đình”. Bước vào thế kỉ hai mươi mốt, ý thức được trách nhiệm lớn lao của mỗi công dân thế kỉ mới, mỗi người dân đã có ý thức tôn trọng nguyên tắc một vợ một chồng trong hôn nhân. Nghiêm túc thực hiện những nguyên tắc đơn giản và gần gũi với cuộc sống thực tiễn như vậy đã phần nào thể hiện ý thức “sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật” của mọi người và tinh thần này rất cần được phát huy trong giai đoạn hiện nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình – Đại học Luật Hà Nội
Luật hôn nhân và gia đình 1959
Luật hôn nhân và gia đình 1986
Luật hôn nhân và gia đình 2000
Bộ luật dân sự 2005
Bộ luật hình sự 1999
Hiến pháp 1992
Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước – Ph.Ăngghen
LG. Ngô Văn Thâu – Pháp luật về hôn nhân và gia đình trước và sau cách mạng tháng tám – Nxb. Tư pháp
Bình luận khoa học luật hôn nhân và gia đình Việt nam năm 2000 – Nxb. Chính trị quốc gia
Ngôi làng có “truyền thống” hai vợ -
Chuyện sinh con trai nối dõi – biết rồi khổ lắm –
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bi t7853p l7899n sf.doc