Nguyên tắc Uti possidetis xuất hiện lần đầu tiên tại châu Mỹ La tinh và đã được khẳng định lại tại châu Phi tiếp sau thời kỳ phi thực dân hóa trong những năm 1960. Đây là nguyên tắc chuyển các đường phân chia hành chính nội bộ thời thuộc địa sang thành các đường biên giới quốc tế trong trường hợp kế thừa quốc gia: “ Uti possidetis, ita possideatis: hãy tiếp tục sở hữu cái gì mà anh đang sở hữu ”. Theo nguyên tắc này, các ranh giới thuộc địa phải được tôn trọng và duy trì như các đường biên giới quốc tế sau khi các quốc gia mới giành được độc lập. Các quốc gia của Tổ chức thống nhất châu Phi đã long trọng chấp thuận nghị quyết được thông qua tại Cai rô ngày 21/7/1964 : “Tất cả các quốc gia thành viên cam kết tôn trọng các đường biên giới tồn tại vào thời điểm giành được độc lập”.
7 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 5901 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Nguyên tắc sử dụng đường biên giới sẵn có (Uti possidetis) và thực tiễn áp dụng nguyên tắc trên thế giới và ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ
Biên giới quốc gia hay còn gọi là : “hàng rào pháp lý”, được đánh dấu bằng hệ thống mốc quốc giới, tọa độ trên đất liền hay trên mặt nước và mặt phẳng thẳng đứng để xác định giới hạn phạm vi chủ quyền của một quốc gia đối với lãnh thổ trên đất liền, lãnh thổ trên biển, trên không và dưới lòng đất của mình. Biên giới quốc gia là nới phân chia chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia với các quốc gia khác hoặc với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của chính quốc gia đó. Và việc áp dụng nguyên tắc sử dụng đường biên giới sẵn có(Uti possidetis) đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết trên thế giới và đối với Việt Nam.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I/ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1/ Khái quát về lịch sử hình thành biên giới quốc gia.
Lịch sử thế giới cổ đại cho thấy từ lưu vực sông Nin, Tigre cho đến văn minh sông Ấn, sông Hằng,.. các nhà nước đầu tiên xuất hiện và được củng cố trong những biên giới nhỏ hẹp sau mới mở rộng phạm vi lãnh thổ trên địa bàn phát triển kinh tế, có dân định cư, có nhà nước thường trú tại đó. Nên các nước láng giềng thường lấy một vùng, một vùng rộng lớn như sông, xa mạc...,làm biên giới quốc gia.
Sau này, cùng với sự hình thành nhà nước phong kiến, biên giới các nước được mở dần, và được xác định rõ ràng hơn. Trong luật quốc tế thời kì này, thuận ngữ “miền biên giới” được thay thế bằng “đường biên giới”. Trong điều kiện lịch sử mới xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền thống trị, quyền bóc lột của mình, các nhà nước đã xác định đường biên giới quốc gia- một hình thức chính xác hơn trước. Đường biên giới đầu tiên được xác định vào khoàng thế kỉ thứ 2 TCN. Đó là cột mốc biên giới giữa Hy Lạp và các quốc gia láng giềng.
Cùng với sự phát triển của tư bản thương nghiệp với sự hình thành của các nhà nước dân tộc và chính quyền nhà nước thống nhất thì mới nảy sinh sự cần thiết phải xác định rõ ràng biên giới giữa các nước. Cùng với đó là sự tranh chấp ngày càng gay gắt về biên gới lãnh thổ giữa các quốc gia tư bản. Đặc biệt là sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất( 1914-1918) thì yêu cầu phân chia biên giới của các nước thắng trận cũng được xác định rõ ràng hơn.
Như vậy, nếu nhìn theo chiều dài lịch sử thì biên giới quốc gia hình thành từ khi xuất hiện nhà nước sơ khai. Đó là cả một quá trình hình thành và phát triển. Tùy theo tính chất và hoàn cảnh mà các quốc gia có thể sử dụng những nguyên tắc khác nhau để giải quyết vấn đề xác định biên giới lãnh thổ. Nhưng tựu trung lại có 3 nguyên tắc cơ bản để xác định biên giới. Đó là : Nguyên tắc kế thừa các hiệp ước quốc tế về biên giới lãnh thổ; nguyên tắc sử dụng các đường danh giới đã có sẵn( Uti possidetis); nguyên tắc hoạch định biên giới mới.
2/ Cơ sở hình thành nguyên tắc “ Sử dụng đường biên giới có sẵn.”
Biên giới trên bộ được xác định thông qua các bước hoạch định ,phân giới và cắm mốc biên giới .Trong thực tiễn xác định biên giới trên bộ các bên có thể lựa chọn thường sử dụng phương pháp các đường ranh giới đã có sẵn( nguyên tắc Uti possidetis).Nguyên tắc này được hiểu là “hãy tiếp tục sở hữu những gì mà anh đang có”, là nguyên tắc được xuất hiện ở Châu Mĩ La Tinh được khẳng định ở Châu Phi thời kì phi thực dân hoá những năm 1960 . Theo nguyên tắc này các đường phân chia địa giới hành chính thời kì thuộc địa sẽ được chuyển thành các đường biên giới quốc tế phân định lãnh thổ của các quốc gia độc lập .Uti possidetis là kết quả của quá trình phi thực dân hoá và trở thành nguyên tắc khi hoạch định biên giới .Nó được áp dụng cho các quốc gia châu á ,châu phi ,châu Mĩ La Tinh vốn là thuộc địa của các nước tư bản Châu Âu .Không những vậy nguyên tắc này còn được sử dụng để giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ của các quốc gia Đông Âu thời kì đầu chiến tranh lạnh .
Trong phong trào phi thực dân hoá, các quốc gia châu Phi mới giành được độc lập đứng trước một vấn đề mới là giải quyết thế nào vấn đề biên giới với các nước láng giềng? chấp nhận biên giới thời thuộc địa hay xoá bỏ hết và thương lượng một biên giới mới? Tại hội nghị thành lập Tổ chức thống nhất châu Phi (OUA) năm 1958 các đại biểu đề nghị huỷ bỏ các biên giới giả tạo thời thuộc địa, nhưng đến năm 1964 tổ chức OUA lại nhấn mạnh việc áp dụng nguyên tắc Uti Possidetis, nghĩa là chấp nhận biên giới do thực dân để lại .Uti Possidetis nghĩa là "như anh đã có trong tay, anh hãy tiếp tục giữ lấy". Đầu thế kỷ XIX khởi xướng phong trào độc lập của các nước thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Biên giới của các nước nói tiếng Tây Ban Nha tương tự với các thuộc địa của Tây Ban Nha. Còn Brazin là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha. Theo nguyên tắc Uti Possidetis, các nước nói tiếng Tây Ban Nha chấp nhận nguyên trạng đường biên giới do Tây Ban Nha đã vạch. Brazin chấp nhận nguyên trạng đường biên giới do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vạch ra. Trong hội nghị các nước không liên kết họp tại Cairo tháng 10-1964, nguyên thủ và Thủ tướng 45 nước đã trịnh trọng tuyên bố "tất cả các Chính phủ cam kết tôn trọng các biên giới đang tồn tại vào thời điểm nước họ giành được độc lập".
Trong bản tuyên bố về việc giành độc lập của các quốc gia và dân tộc ngày 14-12-1960 của Liên hợp quốc cũng bảo vệ nguyên tắc UTI Possidetis. Ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng giải quyết vấn đề biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia là một vấn đề quan trọng và nhạy cảm, nước ta đã giải quyết vấn đề biên giới với các nước láng giềng theo nguyên tắc này.
3/ Nội dung của nguyên tắc.
Trong quá trình lịch sử, các đế quốc lớn đã tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa. Khi công cuộc xâm lược hoàn thành đế quốc áp đặt chế độ thực dân ở thuộc địa để dễ bề cai trị, vơ vét của cải, điều chỉnh, chia cắt, thay đổi đường biên giới của các nước thuộc địa để thuận lợi cho việc thôn tính, thâu tóm thuộc địa.
Suốt quá trình xâm lược, thôn tính những quốc gia thuộc địa các nước đế quốc đã tùy tiện chia cắt, vạch ra và thay đổi các đường biên giới giữa các quốc gia thuộc địa một cách độc đoán và phi lý. Ví dụ: Sau khi chiếm được Châu Mỹ - Latinh, muốn quản lý chặt chẽ được vùng đất rộng lớn này Tây Ban Nha đã chia nó ra thành những mảnh nhỏ để dễ bề cai trị. Có khi chỉ vì muốn cho tàu thuyền chở quân đi theo một đường trục và dễ dàng chở tài nguyên vơ vét được về chính quốc, những đường ranh giới đã được vạch ra một cách hết sức tùy tiện, để lại hậu quả đến tận sau này. Ví dụ như Chi – le vừa hẹp lại vừa dài như một lưỡi kiếm trên bờ biển Nam Mỹ.
Sau khi các dân tộc thuộc địa giành độc lập, một câu hỏi được đặt ra là giải quyết tình trạng biên giới giữa các nước vốn đã bị vạch một cách tùy tiện và lộn xộn ấy như thế nào, có nên xóa bỏ hết để phân vạch lại hay vẫn giữ nguyên trạng các đường biên giới lịch sử để lại và chỉ có những điều chỉnh nhỏ khi thật cần thiết. Trên thực tế, nếu xóa bỏ tất cả các đường biên giới cũ, vạch ra đường biên giới mới thì sẽ xảy ra xáo trộn, các nước sẽ bị chia sẽ rất nhiều và lại trở thành những “miếng mồi ngon” hấp dẫn đối với bọn thực dân cũ và mới. Có thể những nước lớn khác lại kéo quân đến chiếm đóng với chiêu bài “chiếm đóng đất vô chủ”, gây nên những tranh chấp mới tình hình sẽ trở nên rối ren hơn, hỗn loạn.
Căn cứ vào tình hình thực tế có thể xảy ra như vậy các quốc gia, các dân tộc cùng thỏa thuận với nhau để giải quyết cho từng trường hợp cụ thể: khi đường biên giới đã được phân vạch rõ ràng thì cứ theo đúng sự phân vạch đó; khi đường biên giới đã được xác định nhưng có thiếu sót thì hai bên phải tiến hành thương lượng để giải quyết. Việc này hoàn toàn phải dựa vào thiện chí của các bên, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết được triệt để.
Do đó, nhằm mục đích duy trì đường biên giới do lịch sử để lại, để đảm bảo sự ổn định, tránh xáo trộn gây nên những tranh chấp phức tạp năm 1963 khi tổ chức Thống nhất Châu Phi được thành lập thì các nhà lãnh đạo Châu Phi đã thỏa thuận với nhau là vào lúc các nước giành được độc lập, biên giới như thế nào thì giữ nguyên như thế. Năm 1964 Hội nghị cấp cao các nước không liên kết có hơn 40 nước tham gia đã chấp nhận nguyên tắc này và từ đó đến nay nguyên tắc đó không thay đổi.Nguyên tắc sử dụng các đường ranh giới đã có là việc các nước có chung đường biên giới trước đây làm sao, như thế nào thì nay cứ duy trì như vậy. Đây là nguyên tắc chuyển các đường phân định chia thành chính nội bộ thời thuộc địa sang thành các đường biên giới quốc tế trong trường hợp kế thừa quốc gia.
II/ THỰC TIỄN ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC NÀY TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆC ÁP DỤNG CỦA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG.
1/ Thực tiễn áp dụng nguyên tắc này trên thế giới.
Nguyên tắc Uti possidetis xuất hiện lần đầu tiên tại châu Mỹ La tinh và đã được khẳng định lại tại châu Phi tiếp sau thời kỳ phi thực dân hóa trong những năm 1960. Đây là nguyên tắc chuyển các đường phân chia hành chính nội bộ thời thuộc địa sang thành các đường biên giới quốc tế trong trường hợp kế thừa quốc gia: “ Uti possidetis, ita possideatis: hãy tiếp tục sở hữu cái gì mà anh đang sở hữu…”. Theo nguyên tắc này, các ranh giới thuộc địa phải được tôn trọng và duy trì như các đường biên giới quốc tế sau khi các quốc gia mới giành được độc lập. Các quốc gia của Tổ chức thống nhất châu Phi đã long trọng chấp thuận nghị quyết được thông qua tại Cai rô ngày 21/7/1964 : “Tất cả các quốc gia thành viên cam kết tôn trọng các đường biên giới tồn tại vào thời điểm giành được độc lập”.
Nguyên tắc này đã trở thành một nguyên tắc chung, cơ bản, nhất thiết gắn liền với việc phi thực dân hóa mà nó hình thành. Theo phán quyết của Tòa án công lý quốc tế ngày 22/12/1986 tại tranh chấp biên giới Burkina Faso/Mali “ Bằng việc giành được độc lập, quốc gia mới chấp nhận chủ quyền với cơ sở và các ranh giới lãnh thổ mà quốc gia thực dân để lại cho họ. Đó chính là sự vận hành bình thường các cơ chế của việc kế thừa Nhà nước”.
Nguyên tắc này đã được khẳng định trong các phán quyết của Tòa trọng tài ngày 14 tháng 2 năm 1985 về phân định biên giới biển Guinée Bit-xao; của Tòa trọng tài ngày 31 tháng 7 năm 1989 về việc xác định đường biên giới biển giữa Guinée Bit-xao và Sénégal; của Tòa nhỏ thuộc Tòa án công lý quốc tế trong Tranh chấp biên giới đất liền, đảo và biển giữa El Salvador và Honduras ngày 11 tháng 9 năm 1992.
Nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho các quốc gia thuộc địa mới giành được độc lập tại châu Á, Phi, Mỹ Latinh mà nó đã mở rộng phạm vi áp dụng của mình sang cả các nước châu Âu, là cơ sở để giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ giữa các nước Cộng hòa cũ của Liên Xô và Liên bang Nam Tư những năm 1991 – 1996, giữa Tiệp và Slovaki. Từ một nguyên tắc mang tính chính trị và khu vực Uti possidetis đã được luật quốc tế phát triển lên thành một nguyên tắc pháp lý có tính phổ cập, không đơn thuần chỉ là một sự công nhận quyền sở hữu mà là sự chứng minh các quyền lãnh thổ và chủ quyền. Đối với các quốc gia mới giành được độc lập, vấn đề là tìm xem đâu là đường biên giới kế thừa chính quyền thuộc địa tồn tại vào thời điểm giành được độc lập.
Việt Nam, Lào, Campuchia là ba xứ với các quy chế lãnh thổ khác nhau trong Đông Dương thuộc Pháp. Áp dụng Uti possidetis là một nguyên tắc khôn ngoan để giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại. Vấn đề ở đây là phải xác định đâu là ranh giới hành chính vào thời điểm ba nước giành được độc lập. Thực tiễn giải quyết biên giới lãnh thổ với Lào và Campuchia cho thấy các bên đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc này của luật Quốc tế phù hợp với đặc thù của các nước Đông Dương.
Trên thực tiễn, việc áp dụng hai nguyên tắc trên đã giúp đỡ Việt Nam định hướng, chỉ đạo và thực hiện tốt phần lớn việc hoạch định và phân giới cắm mốc đường biên giới quốc gia. Tuy nhiên việc tuân thủ các nguyên tắc này không loại trừ việc áp dụng các nguyên tắc khác khi đường biên giới kế thừa trong nhiều đoạn, nhiều khu vực còn chưa rõ ràng, thậm chí còn chưa được hoạch định và phân giới cắm mốc từ trước.
2/ Việc áp dụng nguyên tắc Uti Possidetis của Việt Nam với các nước láng giềng.
Nằm trên bản đảo Đông Dương, Việt Nam có chung đường biên giới với khá nhiều quốc gia. Phía bắc tiếp giáp với lục địa Trung Quốc, phía tây giáp với CHDCND Lào, và phía tây nam giáp với vương quốc Campuchia, với tổng chiều dài biên giới lên tới gần 4600km. Đặc biệt, với địa hình đồi núi, sông suối, đã làm cho việc phân định biên giới trên bộ của Việt Nam và các nước láng giềng gặp không ít khó khăn. Theo ước tính Việt Nam và Trung quốc có đường biên giới kéo dài tới gần 1449,566 km, trong đó có 383,914km đường biên giới đi theo sông suối, tiếp giáp giữa 7 tỉnh của Việt Nam với tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang- Quảng Tây. Với Lào là khoảng 2.340km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt tiếp giáp với 10 tỉnh phía Lào. Và Campuchia là khoảng 1.137km khởi đầu từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia (thuộc tỉnh Kon Tum) kéo dài đến sát mép biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, đi qua 10 tỉnh biên giới miền Tây Nam của Việt Nam. .
2.1 Xác định biên giới giữa Việt Nam với Lào
Sau khi giành được độc lập năm 1945, Việt Nam và Lào đã thừa nhận chuyển ranh giới hành chính giữa các xứ bảo hộ nằm trong Đông Dương thuộc Pháp trước đây thành đường biên giới thực tế trước khi tiến hành đàm phán, xác định đường biên giới cụ thể. Quá trình đàm phán được khởi động từ 28/6/1956 khi Hoàng thân Suvan Phuma thăm Hà Nội. Tuy nhiên bị gián đoạn trong chiến tranh và được khởi động lại sau năm 1975.
Quá trình đàm phán, xác định biên giới, hai bên đã thống nhất áp dụng nguyên tắc Uti possidetis để giải quyết. Điều này thể hiện ở việc hai bên đã thỏa thuận lấy bản đồ 1/100.000 (Bonne) của Sở Địa dư Đông Dương in năm 1945- thời điểm hai nước tuyên bố độc lập làm căn cứ để hai nước xác định biên giới Việt – Lào.
Tuy nhiên trên thực tế một số địa điểm bản đồ trên không thể hiện hoặc thể hiện không rõ. Điều này đòi hỏi phải áp dụng sáng tạo nguyên tắc Uti possidetis bằng cách dùng tờ bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương in trước hoặc sau năm 1945 một vài năm. Đồng thời cùng nhau đàm phán, giải quyết các khu vực đường ranh giới này chưa xác định trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, tình hình quản lý thực tế.
Kết quả với việc áp dụng sáng tạo linh hoạt nguyên tắc Uti possidetis vào thực tế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạch định biên giới. Biểu hiện bằng Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam- Lào ngày 18/7/1977. Điều này mở đường cho việc phân giới cắm mốc trên thực địa từ 26/7/1978 tới 24/8/1984. Ngoại trừ một số điều chỉnh nhỏ được quy định tại Nghị định thư bổ sung Nghị định thư về phân giới cắm mốc giữa Việt Nam – Lào ký 16/10/1987, Về cơ bản hai nước đã xây dựng được một đường biên giới được đánh dấu bằng hệ thống mốc giới chính quy thực địa. Tạo điều kiện xây dựng đường biên giới lâu dài, ổn định và hòa bình giữa hai nước.
2.2 Xác định biên giới giữa Việt Nam với Campuchia
Khái quát: Trong thời pháp thuộc ranh giới giữa Campuchia với Nam kỳ, Trung Kỳ(Việt Nam) được xác định dựa trên Điều ước giữa Quốc Vương Campuchia với Thống Đốc Nam kỳ, được xác định rõ thêm bởi các Nghị định của Toàn Quyền Đông Dương. Trong đó có một số đoạn đã tiến hành cắm mốc. Quá trình đàm phán xác định biên giới: Giống như Lào, Việt Nam chủ trương áp dụng nguyên tắc Uti possidetis . Tại những nơi nào nguyên tắc trên không đưa ra được câu trả lời thì hai bên sẽ cùng bàn bạc, giải quyết đường biên giới trên cơ sở thực tế. Tinh thần này được ghi nhận trong Điều 1 Hiệp Ước về nguyên tắc để giải quyết vấn đề biên giới 20/7/1983: “Trên đất liền, hai Bên coi đường biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương(SGI) thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ đã được hai bên xác nhận) là đường biên giới quốc gia giữa hai nước” Tuy nhiên khác với Lào, quá trình xác định biên giới với Campuchia kéo dài do gặp nhiều khó khăn do những thay đổi chính trị ở Camphuchia, do ảnh hưởng của các phán quyết quốc tế và những bất đồng trong việc xác định biên giới ở một số địa điểm cụ thể. Do đó cần áp dụng mềm dẻo nguyên tắc Uti possidetis. Trên thực tế, để xác định đường biên giới Việt – Campuchia, hai bên còn áp dụng bổ sung nhiều nguyên tắc khác để xác định đường biên giới phù hợp với tình hình thực tế, địa hình tự nhiên nơi đường biên giới chạy qua.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ.
Trong xu thế hội nhập thế giới như hiện nay, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những chính sách phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Mặc dù vậy, vấn đề chủ quyền và biên giới quốc gia vấn là mối quan tâm hàng đầu của bất kì quốc gia nào. Và việc xác định rõ ràng, chính xác biên giới lãnh thổ sẽ tạo ra sự dộc lập và toàn vẹ về lãnh thổ, dồng thời còn tạo dựng mối quan hệ tốt mối quan hệ với các nước láng giềng, hạn chế sự xung đột về tranh chấp biên giới giữa các quốc gia láng giềng. Vấn đề đặt ra là tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà các quốc gia có thể lựa chọn các hình thức xác định biên giới khác nhau.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nguyên tắc uti possidestic và thực tiễn áp dụng nguyên tắc trên thế giới và ở việt nam.docx