MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU 1
I. CƠ HỘI 2
1. Về mặt kinh tế 2
2. Về mặt an ninh – chính trị 4
3. Về mặt văn hoá - xã hội 5
II. THÁCH THỨC 6
KẾT LUẬN 8
TÀI LIỆU THAM KHẢO 9
MỤC LỤC 9
9 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 6327 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Như chúng ta đã biết, các nước thành viên ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều là những thực thể đa quốc gia và quốc gia có vị trí, vai trò ngày càng lớn hơn trong sự phát triển chung của khu vực Đông Á và cả thế giới. Chính do vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên từ nhiều năm qua ASEAN đã được Nhật Bản và trong khoảng hơn thập niên gần đây, nhất là từ giữa những năm 1990 đến nay cũng đã được cả Hàn Quốc và Trung Quốc đặc biệt quan tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác cùng phát triển về nhiều lĩnh vực. Nhật Bản vừa trải qua hơn thập niên khủng hoảng suy thoái nhưng vẫn giữ được vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và lớn nhất ở Châu Á. Trung Quốc thì nổi trội là cường quốc số một thế giới có diện tích lãnh thổ và dân số, song kinh tế nếu xét theo GDP thì cũng vấn là ở vị trí lớn thứ sáu trên thế giới và thứ hai ở Châu Á, còn cao cả Hàn Quốc ở vị trí thứ mười hai trên thế giới và thứ ba ở Châu Á. Đối với các nước ASEAN, nếu tính riêng từng thành viên, ta thấy so với Nhật Bản, Trung Quốc và kể cả Hàn Quốc GDP của các nước ASEAN đều thua kém xa, song nếu tính chung GDP của cả 10 nước ASEAN thì lại là sức mạnh đáng kể, còn lớn hơn cả Hàn Quốc. Và do đó trong tương lai, nếu như ASEAN +3 trở thành một cộng đồng kinh tế ở Đông Á với sức mạnh kinh tế Nhật Trung là hai đầu tầu cùng với kinh tế Hàn Quốc là cộng lực hỗ trợ cho hai đầu tầu đó hợp tác chặt chẽ với nhau trong một khu vực thương mại tự do Đông Á vào loại rộng lớn nhất nhì thế giới thì chắc chắn các nền kinh tế ASEAN sẽ nhận được ảnh hưởng hỗ trợ tích cực, ngày càng lớn mạnh nhanh chóng.
Trong bối cảnh chung đó, dưới đây, chúng ta sẽ xem xét riêng vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập với các nước Đông Bắc Á cùng những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong tiến trình đó.
I. CƠ HỘI
1. Về mặt kinh tế
Đây được coi là lĩnh vực sôi động nhất khi Việt Nam hội nhập với các nước thành viên của ASEAN + 3. Rõ ràng là ba nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Hội nhập với Đông Á sẽ giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, tranh thủ được vốn, viện trợ, công nghệ, thị trường v.v... Cả ba nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều là ba nền kinh tế lớn, đòi hỏi nhu cầu tiêu thụ đa dạng và với khối lượng lớn. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn là bạn hàng thương mại và cũng là nhà tài trợ ODA lớn nhất đối với việt Nam. Trong loại đầu tư nước ngoài, tuy Nhật Bản là Nhà đầu tư đứng ở vị trí thứ ba song nếu xét về số vốn của các dự án đầu tư thực hiện được thì Nhật Bản lại nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn đã thực hiện có hiệu quả là 3,95 tỷ USD.Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều năm2004 đã đạt trên 7 tỷ USD.Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam, tính đến tháng 3 năm nay đã đạt 5,42 tỷ USD với 500 dự án. Nhật Bản vẫn luôn được đánh giá là quốc gia đầu tư hiệu quả nhất tại Việt Nam và cũng là nước cung cấp viện trợ ODA nhiều nhất cho Việt Nam. Năm qua, trong sự phục hồi chung của đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI) vào Việt Nam, FDI từ Nhật Bản đã tăng đáng kể, đạt 810 triệu USD, trong đó có những dự án đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng sản xuất giá hàng chục triệu USD. Tính đến thời điểm này, đã có trên 30 tập đoàn xuyên quốc gia của Nhật Bản đầu tư vào các dự án quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực quan trọng của Việt Nam như lắp ráp ôtô, xe máy, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin,sản xuất xi măng, phân bón và phát triển cơ sở hạ tầng. Hai nước đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và Sáng kiến chung Việt- Nhật về thu hút đầu tư nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Chúng ta đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư Nhật Bản và nước ngoài nói chung. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong bốn quốc gia được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá là có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất. Nhật Bản và Việt Nam đủ có bước tiến triển rất quan trọng, đó là Hiệp định về tự do xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa hai nước. Bên cạnh đó, trong mối quan hệ với Trung Quốc chúng ta vẫn duy trì được truyền thống hợp tác hữu nghị giữa hai nước láng giềng gần gũi. Việt Nam và Trung Quốc đã ký những thoả thuận hợp tác kinh tế với tổng giá trị hơn 1 tỉ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng lên từ 266 triệu USD năm 1992 lên 4,6 đến 4,8 tỷ USD vào năm 2003, và kỳ vọng sẽ nâng lên tới 10 tỷ USD vào năm 2010. Trung Quốc hiện có 267 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn hơn 545 triệu USD. Năm 2004, Trung Quốc đã tăng thêm 61 dự án đầu tư vào Việt Nam với trị giá hơn 147 triệu USD, đứng thứ 5 trong tổng số những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hai nước cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển hơn nữa, thực hiện bổ sung ưu thế cho nhau và cùng có lợi. Trên tinh thần tích cực, thực tế, hai bên nhất trí mở rộng hơn nữa quy mô thương mại, đồng thời cùng có biện pháp thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân đối; hai bên phối hợp chặt chẽ, tích cực thúc đẩy những dự án hợp tác kinh tế lớn giữa hai nước. Hai bên bày tỏ hài lòng trước những tiến triển đạt được trong việc nghiên cứu về hợp tác kinh tế “hai hành lang, một vành đai” và hết sức tin tưởng vào triển vọng hợp tác của dự án này. Phía Trung Quốc bày tỏ kiên quyết ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập WTO. Hai bên đồng ý tăng cường hợp tác trong các vấn đề kinh tế thương mại khu vực và quốc tế; cùng nhau thúc đẩy tiến trình xây dựng Khu mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc. Tương tự như vậy với đối tác Hàn Quốc chúng ta cũng có nhiều dự án hiệu quả. Hàng loạt các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực. Theo ông Ock Yee- ho, Trưởng đại diện văn phòng tại Việt Nam của KOICA- cơ quan hợp tác quốc tế thực hiện các hoạt động hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc đối với các nước đang phát triển – từ năm 1991-2004, KOICA đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trên 50 triệu USD và “chúng tôi luôn xếp Việt Nam ở vị trí hàng đầu trong số các nước nhận viện trợ của Hàn Quốc. Về kế hoạch hỗ trợ sắp tới cho Việt Nam, Hàn Quốc cho biết sắp tới số viện trợ ODA cho Việt Nam sẽ tăng gấp 2-3 lần, và như vậy mỗi năm Việt Nam sẽ nhận được khoảng 20-30 triệu USD. Cả 3 quốc gia có thực lực kinh tế mạnh nhất Châu A nay đều đang thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam. Việc thành lập các khối thương mại sẽ là bước đệm để Việt Nam có thể tiến xa hơn nữa trong tiến trình hội nhập với ASEAN+3, góp phần nâng cao thế và lực của Việt Nam trong hệ thống thương mại đa bên toàn cầu, hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình gia nhập WTO.
2. Về mặt an ninh – chính trị
Vì quyền lợi kinh tế nên vấn đề an ninh chính trị cũng sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Liên quan đến các vấn đề lãnh thổ, Hiệp dịnh biên giới trên đất liền(1999), Hiệp định phân vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá (2000) đã được kí kết và có hiệu lực thực hiện giữa hai nước Việt- Trung, đã đi vào cuộc sống, tạo ra những thuận lợi mới trong mở rộng hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Hai nước cũng thoả thuận tiếp tục ưu tiên phân giới cắm mốc tại các khu vực cửa khẩu, trong quý 1/2006 thực hiện thí điểm tại một số cửa khẩu, thúc đẩy phân giới cắm mốc tại các khu vực sông suối biên giới, hỗ trợ địa phương hai bên thống nhất phương án hợp tác khu vực Thác Bản Dốc. Về các vấn đề trên biển Đông, trên cơ sở nhận thức chung và thoả thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đã trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và sâu rộng về các biện pháp duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông, không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp hoặc mở rộng thêm tranh chấp, từng bước tiến tới một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ứoc Luật biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC). Hai phía Việt Nam và Trung Quốc đều đánh giá tích cực việc triển khai “Thoả thuận 3 bên về công tác địa chấn biển chung trong khu vực thoả thuận tại Biển Đông” và thông nhất tiếp tục thực hiện thoả thuận này. Hai bên cũng nhất trí sớm triển khai những dự án hợp tác mới trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, phù hợp với DOC để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Việc hợp tác với ASEAN+3 sẽ góp phần nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, vì như ta đã biết Việt Nam là quốc gia có vị trí tiền đồn về an ninh chính trị đối ngoại ở Đông Nam Á.
3. Về mặt văn hoá - xã hội
Việc giao lưu trao đổi văn hoá giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á đang diễn ra ngày một đa dạng và phong phú. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Ock Yee- ho, Trưởng đại diện văn phòng tại Việt Nam của KOICA cho biết từ năm 1991- 2004, khoảng 1642 lượt cán bộ Việt Nam đã được KOICA mời sang Hàn Quốc học tập và tìm hiểu thực tế. KOICA cũng đã cử 157 tình nguyện viên sang Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực như dạy tiếng Hàn, dạy Takewondo và y tế; cử 37 chuyên gia trong một số lĩnh vực như dánh giá thẩm định các công trình khoa học, thuỷ sản và dạy nghề sang trao đổi kinh nghiệm với các đối tác Việt Nam. 28 dự án về giáo dục, y tế và dạy nghề đã và đang được thực hiện ở Việt Nam với sự trợ giúp của KOICA, trong đó có dự án xây dựng 40 trường học và 5 bệnh viện tại miền trung và hỗ trợ trng thiết bị cho 12 bệnh viện trong cả nước. KOICA còn giúp xây dựng một trương dạy nghề ở Hà Nội, cung cấp trang thiết bị cho một trường dạy nghề ở Quy Nhơn, xây dựng trường Công nhân Kỹ thuật Việt- Hàn trị giá 5 triệu USD tại Vinh. Hàn Quốc còn hỗ trợ chúng ta thành lập thị trường chứng khoán và đang xúc tiến dự án tăng cường năng lực cho Cơ quan điều phối phòng chống ma tuý trực thuộc Bộ Công an Việt Nam, dự án giúp Việt Nam dự thảo Luật về Công nghệ thông tin. Ngày nay Việt Nam được biết đến không phải một nơi của chiến tranh, của bom đạn và chết chóc nữa mà được bạn bè quốc tế biết đến như một miền đất có một nền văn hoá lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, ASEAN+3 , mà tiêu biểu là Nhật Bản đang giúp chúng ta phục hồi các châu bản xa xưa, hoặc trong công nghệ với Trung Quốc, Việt Nam xác định lại những giá trị văn hoá truyền thống. Hàng loạt các chương trình giao lưu văn hoá Việt Nhật, Việt Hàn đã được tổ chức rất trọng thể nhằm giúp nhân dân hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau, bổ sung cho nhau những nét đẹp văn hoá giữa hai nước.
Trên đây là những thuận lợi mà Việt Nam có được khi hội nhập với Đông Á. Tuy nhiên, luôn luôn là như vậy, cơ hội và thách thức luôn là bạn đồng hành.
II. THÁCH THỨC
Bên cạnh những thuận lợi trên cũng phải nhận thức đúng đắn nhưng khó khăn thách thức của Việt Nam với trình độ phát triển thấp như vậy trong tiến trình liên kết và hội nhập Đông Á
Mở cửa và tự do hoá kinh tế không có sự chỉ đạo và điều tiết của nhà nước sẽ làm cho ta càng bị thua thiệt hơn trong cạnh tranh với những nền kinh tế mạnh trong khu vực. Ta nên khéo léo phối hợp ý kiến với những nước có trình độ phát triển giống Việt Nam, chủ trương tiến trình hội nhập hợp tác cần phải đi từng bước không nên đi quá nhanh so với mức sàn chung, đồng thời kêu gọi những nước có trình độ phát triển cao hơn có những ưu đãi và trợ giúp trong một số lĩnh vực nhất định. Rồi là sự tồn tại một hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật còn nhiều lạc hậu, năng lực cạnh tranh của chúng ta còn thấp, chậm được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp nhà nước còn tồn tại được là nhờ có sự bảo hộ, trợ cấp của nhà nước. Tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ còn lớn. Xét về tiêu chí cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá như giá cả, chất lượng, mạng lưới tổ chức tiêu thụ và uy tín doanh nghiệp thì sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam cũng đã thua kém hơn so với ba nước Đông Nam Á. Nếu chúng ta không nỗ lực phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn thách thức, phải trả giá đắt cho sự yếu kém thua thiệt .
Một số khó khăn thách thức lớn nữa đối với Việt Nam là vẫn đang tồn tại ít nhiều những nét không tương đồng về đời sống văn hoá, thể chế chính trị xã hội và nhất là vẫn đang còn những mâu thuẫn, xung đột riêng dù là đã xảy ra trong quá khứ hay còn tiếp diễn trong hiện tại giữa việt Nam và các nước Đông Nam Á. Việt Nam rất dễ trở thành tâm điểm của sự lôi kéo giữa hai thực thể đang được coi là mạnh nhất Đông Nam Á là Nhật Bản và Trung Quốc . Và khi gia nhập vào sân chơi chung, Việt Nam rất dễ bị các nước lớn áp đặt, những luật lệ thể chế chung mà không phù hợp với điều kiện , hoàn cảnh xã hội của ta. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, xung đột quân sự từ lịch sử xa xưa và cả gần đây trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đặc biệt là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hải đảo, vùng biển, không phận giữa hai nước vẫn chưa giải quyết xong. Nguyên tắc cơ bản của chúng ta là tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và chế độ chính trị , quên đi quá khứ không hay đã xảy ra, tạm gác những bất đồng hiện tại nếu chưa giải quyết được, duy trì quan hệ cân bằng, tranh thủ cả ba, khéo léo lồng ghép sự ủng hộ của ta với từng nước trong tổng thể chính sách đối ngoại, cùng hướng tới tương lai của sự hợp tác và phát triển.
Không những thế chúng ta còn quá nhiều nỗi lo về một xã hội mà những giá trị văn hoá truyền thống đang ngày bị mai một. Việc các bộ phim Trung Quốc, Hàn Quốc đang được công chiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến cho một bộ phận người Việt trẻ còn thuộc làu làu sử Tàu hơn lịch sử nước nhà “ Nghìn năm đô hộ không bằng một bộ phim Tàu ”, rồi là những xu hướng thời trang của Hàn Quốc đã đi vào cuộc sống của các bạn trẻ một cách rất tự nhiên và nhanh chóng. Nói như vậy không phải là chúng ta bài ngoại, mà chúng ta cần phải biết “ gạn đục khơi trong, hoà nhập chứ không hoà tan ”, để làm sao vừa tiếp nhận được những nét đẹp của văn hoá nước bạn vừa giữ gìn được bản sắc riêng của mình . Đó mới điều đáng quý.
KẾT LUẬN
Nói tóm lại, cơ hội và thách thức luôn luôn tồn tại và song song với nhau. Nhưng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, chúng ta đang đi đúng hướng thông qua những kết quả khả quan đã đạt được: đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng nhanh, nợ nước ngoài chỉ còn 32% (một con số an toàn cho nền kinh tế nước nhà), lạm phát duy trì ở mức thấp và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Con đường phía trước sẽ còn đặt ra rất nhiều bài toán khó. Làm thế nào để ta có thể tận dụng hết những cơ hội mà ASEAN+3 mang lại đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những thách thức luôn luôn là câu hỏi đặt ra cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập với các nước Đông Bắc Á.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Anh Phương, ASEAN+ 3 và vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập, Tạp chí những vấn đề Kinh tế thế giới số 12(104) 2004.
Vũ Văn Hà - Trần Anh Phương, Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh quốc tế mới những năm gần đây và triển vọng, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 10 (317) - 2004.
Trần Đình Bút , Nhìn lại gần 20 năm đổi mới của Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế nhanh, những nỗi lo chất lượng và tụt hậu xa hơn còn đó, Báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế tại Việt Nam họp lần thứ hai, thành phố Hồ Chí Minh, 14-16/7/2004.
Trang Web: www.mofa.gov.vn
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- qth13 (9).doc