Về mặt thể loại: qua ba mảng đề tài này Nguyễn Tuân đã chứng tỏ được sự tài hoa uyên bác của bản thân. Không quá cường điệu khi nói khó có nhà văn nào tài hoa như chàng Nguyễn. Bởi Nguyễn Tuân sáng tác thành công trên khắp các thể loại văn học. Từ truyện ngắn, truyện vừa cho đến tiểu thuyết, phóng sự, tản văn nhưng đóng góp đáng kể nhất của ông tựu chung lại ở thể loại tuỳ bút. Qua ba mảng đề tài này thể loại tuỳ bút được vận dụng, sáng tạo rất uyển chuyển rất cá tính. Như chúng ta đã biết tuỳ bút là một thể văn tương đối tự do, phóng khoáng. Nó được sáng tác theo tâm trạng của nhà văn, là thể loại giúp nhà văn có cơ hội để bộc lộ cảm xúc cá nhân của mình. Nguyễn Tuân rất coi trọng cá tính độc đáo của mình. Ông lựa chọn tuỳ bút, tìm đến tuỳ bút như tìm đến người bạn thân tri âm tri kỉ. Tuỳ bút khiến văn chương Nguyễn Tuân thăng hoa và Nguyễn Tuân khiến cho tuỳ bút trở nên đặc sắc.
12 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2932 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Những đóng góp và hạn chế trong sáng tác của Nguyễn Tuân thông qua ba mảng đề tài chủ nghĩa xê dịch, quá khứ và trụy lạc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA VĂN HỌC
Tiểu luận giữa kỳ
Đề tài: Những đóng góp và hạn chế trongsáng tác của nguyễn tuân thông qua ba mảng đề tài chủ nghĩa xê dịch, quá khứ và trụy lạc
Hà Nội -2008
1. Tác gia Nguyễn Tuân và sự nghiệp văn chương Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân (1910-1987) là một tác gia lớn trong dòng văn học hiện đại Việt Nam. Đây là một cây bút có sức hút kì lạ, có cách viết lôi cuốn người đọc vào trong các tác phẩm của mình. Đọc Nguyễn Tuân người đọc cảm nhận được những cái đăc biệt, những cái mới mẻ, không bị hoà lẫn vào những cái nhờ nhờ, không màu sắc.
Các tác phẩm của Nguyễn Tuân đặc biệt thành công trên mảng đề tài văn học giai đoạn trước cách mạng tháng Tám. Ông là đại diện cho trào lưu văn học lãng mạn có tên tuổi trên mảnh đất tuỳ bút. Tuy nhiên giai đoạn Nguyễn Tuân tham gia sáng tác văn học lại là giai đoạn những yếu tố tích cực, tiến bộ trong văn học lãng mạn ngày càng mờ nhạt dần. Cái tôi lãng mạn không còn lối thoát và đã thực sự rơi vào bế tắc, dẫn đến cái tôi mà Nguyễn Tuân thể hiện cũng có sự khác biệt rõ nét. Cái tôi của Nguyễn Tuân là một cái tôi gắn liền với phong cách “ngông”. Nó biến ngòi bút của ông trở thành một ngòi bút có cá tính độc đáo, có cái mà người ta gọi là “khác người”.
Nguyễn Tuân được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn xã hội giao thời, chất chứa nhiều mâu thuẫn, nhiều xung đột. Bản thân Nguyễn Tuân đã mang một cá tính phóng túng. Ông chán ghét không muốn nói là căm thù cuộc sống ngột ngạt bế tắc của người dân ở một nước thuộc địa. Ông sáng tác nhằm mục đích phóng to cái tôi của mình lên, biến nó thành một phương tiện để chống trả cuộc đời ô trọc “ối a ba phèng”. Thế giới quan trong Nguyễn Tuân là một thế giới quan phức tạp, cái tôi cá nhân của ông là một cái tôi cá nhân chủ nghĩa cực đoan.
Về sự nghiệp văn chương Nguyễn Tuân có một số điểm đáng lưu ý như sau: Có thể nói Nguyễn Tuân thành công cả ở hai giai đoạn trước và sau cách mạng.
Trước cách mạng là một Nguyễn Tuân say mê đi tìm hạnh phúc trong cái tuyệt của chủ nghĩa xê dịch, của quá khứ Nho giáo đẹp đẽ, đôi khi lại là tìm quên trong truỵ lạc. Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc, chiếc lư đồng mắt cua …. là những đại diện tiêu biểu cho sáng tác của nhà văn trước dấu mốc lịch sử vang dội của dân tộc.
Sau cách mạng nhà văn lại hăm hở hoà mình vào cuộc sống muôn màu muôn sắc của nhân dân. Tuỳ bút Sông Đà là minh chứng cho sáng tác của ông trong giai đoạn này. Nói chung ở đề tài nào Nguyễn Tuân cũng đạt được những thành công lớn, nó cũng phần nào thể hiện sự phong phú, đa dạng trong hoạt động nghệ thuật của nhà văn.
II. Những đóng góp của Nguyễn Tuân thông qua ba mảng đề tài chủ nghĩa xê dịch, quá khứ và truỵ lạc
Có thể khẳng định rằng chủ nghĩa xê dịch, đề tài quá khứ, truỵ lạc là ba mảng đề tài trung tâm trong sự nghiệp văn chương Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám 1945. Bộ ba đề tài này trở thành sợi chỉ xuyên suốt liên kết các sáng tác của ông. Nó như ba nhánh của một dòng sông cùng quy tụ lại một điểm để tạo nên một Nguyễn Tuân vô cùng mới mẻ, một Nguyễn Tuân độc đáo. Bên cạnh đó nhà văn còn thông qua ba mảng đề tài này đem lại sức sống mới cho dòng văn học lãng mạn 1930-1945 đang có nguy cơ đi vào ngõ cụt.
II. 1 Những đóng góp về mặt nội dung
Đầu tiên phải kể đến những đóng góp của mảng đề tài chủ nghĩa xê dịch. Mảng đề tài này in dấu rõ nét trong các tác phẩm Một chuyến đi (1938), Tuỳ bút 1, Tuỳ bút 2, tiểu thuyết thiếu quê hương…
Ta quay trở lại với bối cảnh xã hội trước cách mạng tháng Tám. Đây là giai đoạn giao thời, có nhiều mâu thuẫn, nhiều lớp lang chằng chịt. Con người sống trong giai đoạn này phải gánh chịu sự ngột ngạt, bức bối của một xã hội nô lệ. Nguyễn Tuân cũng như nhiều nhà văn cùng thời khác họ chưa có cơ hội giác ngộ cách mạng. Đồng thời họ cũng không chịu uốn gối khom lưng chịu đựng số kiếp nô lệ vì vậy thoát ly khỏi cuộc sống hiện thực là một cách lựa chọn dường như được coi là ưu việt nhất. Tuy nhiên cũng có cách thoát ly mang màu sắc tích cực nhưng vẫn tồn tại những cách thoát ly mang màu sắc tiêu cực. Nguyễn Tuân cố gắng thoát khỏi sự bế tắc, điên loạn trong văn học lãng mạn thời kỳ suy tàn. Ông tìm đến chủ nghĩa xê dịch để thả tâm hồn mình vào cõi tự do, phóng túng nơi phương trời xa xôi. Nhà văn sống ngay giữa quê hương mình mà lại thấy thiếu quê hương, thấy nó khác xa với hình ảnh Việt Nam trong tiềm thức. Ông muốn đi khắp mọi nơi để kiếm tìm sự mới mẻ, để cho mình có được men say của chén rượu mỗi tối tân hôn. Để cho các giác quan được thay đổi thực đơn, cho bản thân mình được tận hưởng cái cảm xúc bất ngờ trong dòng đời đầy gió bụi. Nguyễn Tuân đã biến đi trở thành một lý tưởng sống, một cách sống mới. Biến nó trở thành một đề tài mới cho văn học lãng mạn đang bước vào giai đoạn suy tàn và đang dần bộc lộ nhiều yếu tố tiêu cực.
Chủ nghĩa xê dịch với các tác phẩm tiêu biểu là Một chuyến đi, là Thiếu quê hương đã phần nào giúp con người, giúp văn học đương thời thoát ra khỏi cái khung chật hẹp gò bó. Thoát ra khỏi cái tủn mủn chỉ có “cơm- áo -gạo - tiền”. Nhân vật Bạch trong Thiếu quê hương là một ví dụ điển hình cho “hạnh phúc là bước đi”. Nhân vật này cảm thấy cuộc sống mà không được đi, không được xê dịch thì cuộc sống đó chỉ còn là cuộc sông tẻ nhạt, vô vị, cuộc sống trong cõi chết. Bạch đã rời xa Dung -vợ chàng- chỉ vì muốn tìm lại cái bản ngã của mình. Nhân vật này đã trở thành hình bóng của chàng Nguyễn, là cây cầu để nhà văn thể hiện cái bản ngã yêu xê dịch của mình.
Bên cạnh mảng đề tài của chủ nghĩa xê dịch, quá khứ cũng là một đề tài có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp văn chương Nguyễn Tuân. Đại diện tác phẩm tiêu biểu của mảng đề tài này là tập Vang bóng một thời. Đây là tập truyện ngắn, bút kí viết về những nét đẹp trong văn hoá dân tộc. Nhà văn đã làm sống lại những thú vui cầu kỳ phong lưu của các ông Nghè, ông Cử. Những thú vui, những thú tiêu khiển thanh tao trước cuộc sống bụi trần. Nguyễn Tuân cũng đi vào khai thác những nét đẹp của quá khứ nhưng không hướng đến những cái tiêu cực của quá khứ như nhiều nhà văn cùng thời khác. Nhiều nhà văn đã tìm đến quá khứ để ẩn mình, hoặc biến quá khứ trộn vào cái ảo giác, cái siêu hình thần bí thậm chí là điên loạn. Nguyễn Tuân không vậy, ông viết Vang bóng một thời là viết về những thú vui thanh tao giản dị của cuộc sống đời thường. Hay nói cách khác là ông đã tìm đến những cái tinh tuý nhất của dĩ vãng đã qua. Lấy dĩ vãng để soi sáng cuộc sống hiện tại đầy chông gai, đầy bão tố. Trong Vang bóng một thời người đọc được tiếp xúc thân mật với một loạt những thú chơi tao nhã. Đó là thú vui chăm sóc hoa lan của ông cụ Kép trong Hương Cuội, là cách thưởng thức và pha một ấm trà ngon của cụ Ấm trong tác phẩm Chén trà trong sương sớm…Tất cả những thú vui đó trở thành một nét đẹp trong văn hoá, thành một mảng đề tài rất Nguyễn Tuân. Nó cũng đặc biệt không kém gì so với mảng đề tài chủ nghĩa xê dịch trong việc thể hiện cá tính độc đáo, tài hoa của nhà văn.
Mảng đề tài Truỵ lạc với những phóng sự : Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc, Tuỳ bút chiếc lư đồng mắt cua …là thái độ phủ nhận xã hội một cách cực đoan. Tuy nhiên nó cũng có đóng góp rất lớn trong văn chương Nguyễn Tuân. Mảng đề tài này được coi như một lời sám hối, một lời thú tội của những con người đã từng trót rơi vào con đường truỵ lạc. Thông qua những tác phẩm này Nguyễn Tuân đã gián tiếp thức tỉnh những con người lầm lỗi, muốn thanh lọc tâm hồn họ. Nó rất khác biệt so với lối viết cổ vũ cái truỵ lạc trong thơ văn Vũ Hoàng Chương - sự say mê điên cuồng bên khói thuốc bàn đèn, bình rượu Lưu Linh, và lời ca tiếng hát của những cô kỹ nữ, ả đào.
II. 2. Những đóng góp về mặt nghệ thuật
Bên cạnh những đóng góp lớn lao về mặt nội dung sự nghiệp văn chương Nguyễn Tuân thông qua ba mảng đề tài trên còn là những cống hiến đặc sắc về mặt nghệ thuật cho dòng văn học nước nhà. Thông qua ba mảng đề tài “người lạ nhưng mà quen này” nhà văn đã làm sống dậy cả một dòng văn học lãng mạn đang trên đường đi vào ngõ cụt. Những đóng góp về mặt hình thức nghệ thuật đó được biểu hiện trên rất nhiều phương diện, nhiều khía cạnh nhưng có lẽ tập trung nhất, rõ nét nhất là trên bình diện thể loại, đề tài và cách sử dụng ngôn ngữ.
Về mặt đề tài : chủ nghĩa xê dịch, quá khứ, truỵ lạc đã làm mới dòng văn học lãng mạn tưởng chừng như đã chết sau khi các cây bút chủ lực của nó rơi vào trạng thái bi quan, bế tắc. Nguyễn Tuân biến chủ nghĩa xê dịch thành một đề tài trên cấp độ lý tưởng của bản thân. Biến nó trở thành một lý tưởng sống cho cả một thế hệ chứ không chỉ dừng lại là một đề tài văn học đơn thuần và riêng lẻ. Điều đó tạo nên sức cuốn hút không nhỏ cho mảng đề tài này. Trong khi đó văn học trung đại và cận đại chưa thể làm được điều đó. Có chăng người đọc chỉ bắt gặp một vài tác phẩm mang hơi hướng của chủ nghĩa xê dịch dưới dạng những thể kí ghi chép lại những chuyến đi trong tư cách là một hành trình. Có thể kể ra một số ví dụ điển hình như Thượng kinh kí sự, các cuốn sách ghi chép nhật trình của nhà vua…Trong mảng đề tài ca ngợi vẻ đẹp quá khứ thanh tao, cầu kỳ “Vang bóng một thời” đã tạo nên một tiếng nói mới cho một phương thức thoát ly vào dĩ vãng của các nhà văn, nhà thơ đương thời. Nguyễn Tuân không khai thác cũng không gán cho quá khứ những dư vị của sự siêu hình, tượng trưng mà đi vào tìm lại những giá trị văn hoá đã mất của đời sống. Đó là một cách thức thể hiện cái tôi rất riêng, rất cá tính của nhà văn. Bên cạnh chủ nghĩa xê dịch, quá khứ thì truỵ lạc cũng là một đề tài khá mới cho văn học thời điểm đó. Tất nhiên viết về đề tài của sự ăn chơi sa đoạ là viết về một vấn đề hết sức nhạy cảm song Nguyễn Tuân đã khéo vận dụng các chi tiết, tình tiết khiến đề tài này vẫn có được màu sắc riêng biệt không bị hoà lẫn vào các cây bút khác. Ông không miêu tả truỵ lạc để nhằm khêu gợi sự tò mò tục tĩu theo lối tự nhiên chủ nghĩa. Ông không lên án nó như các nhà văn hiện thực phê phán đương thời nhưng cũng không tạo cho nó cái chất thơ mộng bay bổng như nhiều cây bút lãng mạn khi miêu tả những thú vui hành lạc. Truỵ lạc đã làm phong phú đề tài trong văn chương Nguyễn Tuân cũng trong dòng văn học lãng mạn thời điểm đó.
Về mặt thể loại: qua ba mảng đề tài này Nguyễn Tuân đã chứng tỏ được sự tài hoa uyên bác của bản thân. Không quá cường điệu khi nói khó có nhà văn nào tài hoa như chàng Nguyễn. Bởi Nguyễn Tuân sáng tác thành công trên khắp các thể loại văn học. Từ truyện ngắn, truyện vừa cho đến tiểu thuyết, phóng sự, tản văn nhưng đóng góp đáng kể nhất của ông tựu chung lại ở thể loại tuỳ bút. Qua ba mảng đề tài này thể loại tuỳ bút được vận dụng, sáng tạo rất uyển chuyển rất cá tính. Như chúng ta đã biết tuỳ bút là một thể văn tương đối tự do, phóng khoáng. Nó được sáng tác theo tâm trạng của nhà văn, là thể loại giúp nhà văn có cơ hội để bộc lộ cảm xúc cá nhân của mình. Nguyễn Tuân rất coi trọng cá tính độc đáo của mình. Ông lựa chọn tuỳ bút, tìm đến tuỳ bút như tìm đến người bạn thân tri âm tri kỉ. Tuỳ bút khiến văn chương Nguyễn Tuân thăng hoa và Nguyễn Tuân khiến cho tuỳ bút trở nên đặc sắc. Tuỳ bút của Nguyễn Tuân là sự bộc lộ tận cùng con người cá nhân của ông song qua nó bóng dáng của một thời đại của một thế hệ vẫn được hiện rõ. Tuỳ bút của Nguyễn Tuân là sự phóng túng trong cách viết, cách diễn đạt và đặc biệt hơn cả là có yếu tố cốt truyện, nhân vật. Điều này rất hiếm gặp trong các sáng tác theo thể loại tuỳ bút của những nhà văn khác. Tuỳ bút của Nguyễn Tuân đặc sắc như vậy cho nên các sáng tác theo thể loại khác của ông vẫn mang đậm những dấu ấn của nó. Bởi vậy nhắc đến Nguyễn Tuân người ta thường gắn liền với hai chữ tuỳ bút.
Về cách sử dụng ngôn ngữ : Chủ nghĩa xê dịch, Vang bóng một thời, Truỵ lạc là những mảng đề tài minh chứng cho tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Tuân. Với một lối viết hấp dẫn, độc đáo, mới mẻ nhà văn dẫn dắt người đọc vào trong câu truyện của mình hết sức tự nhiên không hề bị chi phối bởi bất cứ một khuôn phép, luật lệ nào. Tác giả sử dụng lối kể chuyện với nhiều giọng điệu khác nhau : điềm đạm, vui vẻ, hài hước có khi lại là tiếc nuối thậm chí cũng có lúc là mỉa mai sâu cay. Tất cả được hoà trộn trong hỗn dung của các gam màu sắc bông đùa, phê phán làm cho người đọc thấy thú vị thấm thía. Ngôn ngữ kể chuyện rất điêu luyện đôi khi được mài giũa kĩ lưỡng nhất là ngôn ngữ đặc tả trong tập Vang bóng một thời. Trong tập này nhà văn miêu tả lại các thú vui hết sức tỉ mỉ, cặn kẽ tưởng chừng như không thể có gì kĩ lưỡng hơn thế. Chẳng hạn như trong tác phẩm Chén trà trong sương sớm tác giả tập trung lột tả cái đẹp của thú uống trà nghệ thuật: cầu kỳ và tỉ mỉ. Nguyễn Tuân miêu tả từ cách Cụ Ấm chọn và sơ chế nguyên liệu như thế nào. Nước pha trà phải được lấy từ những giọt sương sớm đọng trên lá sen hoặc nước của một chiếc giếng duy nhất trong làng. Uống trà vào buổi sớm mới ngon, vừa uống vừa tận hưởng cái cảm giác tươi mới của bình minh đang lên …Nói chung Nguyễn Tuân là nhà văn có khả năng sử dụng ngôn ngữ rất điêu luyện. Ông được mệnh danh là bậc thầy về cách tổ chức và sắp xếp ngôn ngữ. Nhà văn luôn có ý thức lạ hoá ngôn ngữ của mình. Bóc tách các lớp ngôn ngữ biến cách miêu tả, cách so sánh của mình trở nên đặc biệt mà vẫn bảo đảm được tính lôgic, tính hợp lí. Ví dụ như trong truyện ngắn Tóc chị Hoài, Nguyễn Tuân đã ví von vẻ đẹp của mái tóc nguời con gái trong một cặp cái so sánh và cái được so sánh hết sức mới lạ “mái tóc chị Hoài đen nhánh như một cơn mưa rào”.
III. Những hạn chế trong ba mảng đề tài trên
III. 1. Những hạn chế về mặt nội dung
Trong mảng đề tài của chủ nghĩa xê dịch bên cạnh những đóng góp quan trọng của nhà văn vẫn tồn tại những hạn chế khó tránh khỏi. Như ta đã biết Nguyễn Tuân rất yêu, rất thần tượng hoá sự xê dịch. Ông đã từng nâng nó lên thành một lý tưởng sống, một tuyên ngôn nghệ thuật. Có lúc Nguyễn Tuân đã tuyên bố “đi tức là hạnh phúc”, “đi để thay đổi thực đơn cho giác quan”, “đi mới gợi được ý nghĩa của đời sống đích đáng”, “Ta muốn sau khi ta chết đi có người thuộc da ta làm chiếc va ly”…. nhưng có giai đoạn chính ông lại nghi ngờ cái lí tưởng xê dịch đó. Trong bản thân nhà văn xuất hiện những mâu thuẫn giữa đi và không đi. Ông chán nản tuyệt vọng và buồn đau nhận ra một điều : “Không bao giờ người ta có thể nâng sự xê dịch lên thành lí tưởng được”. Đã có thời ông ao uớc được đi đến mức có lúc ông mang hành lí ra ngồi ở nhà ga cả ngày để mong được tận hưởng cái cảm giác được xê dịch. Nhưng cũng có lúc ông phải thốt lên với chính bản thân mình rằng liệu xê dịch có thể thoát khỏi nỗi cô đơn, buồn chán không? hay càng đi lại càng cảm nhận rõ hơn nỗi cô đơn mà thôi? Xét cho cùng chủ nghĩa xê dịch của Nguyễn Tuân cũng chỉ là một con đường để nhà văn thoát ly khỏi cuộc sống hiện thực, trốn tránh cái thực tại phũ phàng đang giết dần, giết mòn tâm hồn người nghệ sỹ.
Vang bóng một thời bắt nguồn từ tâm lý chán ghét cuộc sống nô lệ, tủi nhục, chán ghét cách viết những trang văn hời hợt của chốn ao tù nước đọng Nguyễn Tuân tìm về quá khứ. Ngợi ca những vẻ đẹp cầu kỳ của xã hội phong kiến Nho giáo. Cho dù đó là những nét đẹp tích cực xong xét cho cùng về bản chất nó vẫn là tấm bình phong để nhà văn trốn chạy khỏi thực tại. Nhà văn đã không đủ nghị lực để đối mặt với những phong ba, những sóng gió của xã hội lúc đó. Buộc phải thu mình vào trong cái vỏ ốc quá khứ để lánh đời. Tuy nhiên không riêng gì Nguyễn Tuân mà quá khứ cũng là mảnh đất tìm đến của hầu hết các văn sĩ cùng thời khác. Ít nhà văn, nhà thơ không muốn nói đến duy nhất chỉ có Xuân Diệu là bám trụ lại mảnh đất hiện thực. Nhưng cũng cần công bằng trong cách lí giải cho sự lựa chọn đó của các nhà văn, nhà thơ lãng mạn bởi họ chưa có cơ hội được giác ngộ cách mạng, được tiếp xúc với lý thuyết nhận đường như sau năm 1945, chưa biết đến lí tưởng “hạnh phúc là đấu tranh” của văn học cách mạng. Họ cũng không thể sáng tác theo lối văn nhạt nhẽo, tù túng của dòng văn lãng mạn lúc đó. Cho nên tìm đến quá khứ để sáng tác cũng có thể chấp nhận được với tư cách là một bước lùi tạm thời.
Hạn chế của Nguyễn Tuân trong nội dung mảng đề tài truỵ lạc chính là chỗ nhà văn không ca ngợi truỵ lạc nhưng cũng không biểu lộ thái độ phê phán nghiêm khắc lối sống vô trách nhiệm buông thả mình theo những ham muốn cá nhân ích kỷ. Các nhân vật trong mảng đề tài này nhận thấy những tác hại của thói ăn chơi, sa đoạ trong tâm tưởng cũng đã có lúc muốn quay lại con đường sáng song vẫn có chút tiếc nuối với cuộc sống ăn chơi, hưởng lạc.
III. 2. Những hạn chế về mặt nghệ thuật
Hạn chế về mặt nghệ thuật chính trong ba mảng đề tài trên của Nguyễn Tuân đó chính là sự độc tôn của thể loại tuỳ bút. Cho dù ông viết khá nhiều thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa cho đến tiểu thuyết, phóng sự thì hơi hướng tuỳ bút vẫn còn in dấu rất đậm. Điều đó vừa là cái lợi khẳng định sự thành công của nhà văn trên bình diện thể loại này, đồng thời cũng khiến cho tính cách nhân vật trong các sáng tác của ông ít vận động. Có phát triển có chăng cũng chỉ là những biến dạng của một nhân vật trung tâm :chàng Nguyễn. Nhân vật chỉ là nơi nhà văn gửi gắm những suy nghĩ, tâm trạng qua đó phơi bày những lạc thú vốn đã được nâng lên như một biểu tượng của thẩm mỹ, của cái đẹp.
Kết luận
Về cơ bản màu sắc chủ đạo trong các sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám là hiện thân của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, song nó cũng có những yếu tố tích cực và tiến bộ. Người đọc không thể phủ nhận tinh thần dân tộc, thái độ phủ định cái xã hội kim tiền ô trọc của người nghệ sỹ tài hoa ấy. Trộn lẫn trong màu sắc lãng mạn tiêu cực ta vẫn nhận ra hình ảnh một con người yêu quê hương, yêu dân tộc đến tha thiết. Đó là một Nguyễn Tuân cá tính, một Nguyễn Tuân rất “ngông”. Cái “ngông” trong sự tài hoa bất đắc chí, thẳng thừng ném giọng khinh bạc vào đồng tiền, cuộc sống ô trọc của xã hội phong kiến nửa thực dân.
Bên cạnh đó, đọc những tác phẩm của ông, độc giả cũng dễ dàng nhận thấy những biểu hiện của một nhân cách, một tâm hồn trung thực chưa hẳn đã khép kín với những vang động của đời. Nguyễn Tuân vẫn yêu, vẫn ca ngợi những anh hùng nghĩa khí. Vẫn lên tiếng phê phán, giễu cợt thói ngu dốt của giai cấp thống trị. Chữ người tử tù, Một vụ bắt rượu lậu… là những tác phẩm như vậy.
Những đóng góp có giá trị tích cực nhất của sáng tác Nguyễn Tuân thông qua ba mảng đề tài trên phải kể đến đó là tinh thần dân tộc biểu hiện qua việc khai thác và gìn giữ cái đẹp truyền thống. Ông làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, bảo tồn và làm giàu thêm sự trong sáng của Tiếng Việt. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng nhận xét như thế này: “Nguyễn Tuân là một nghệ sỹ bậc thầy của Tiếng Việt và ông làm công việc tạo ra những cái chưa có, sự sáng tạo ấy do tự học, tự tìm tòi trong trường đời, trong ngay nội tâm mình, trong văn hoá dân tộc ta và những dân tộc khác”.
Tóm lại những sáng tác của Nguyễn Tuân thông qua ba mảng đề tài trên có giá trị rất to lớn. Nó làm phong phú thêm cho màu sắc của dòng văn học lãng mạn đồng thời thể hiện được khát vọng khẳng định cái tôi cá nhân của nhà văn. Nó thể hiện niềm khát khao, hy vọng cũng như nỗi chán chường tuyệt vọng của Nguyễn Tuân trước cuộc đời, trước cuộc sông bế tắc lúc bấy giờ. Song phần nào nó cũng là thông điệp chuyên chở tình yêu quê hương đất nước trong một tâm hồn phức tạp. Bởi ai cũng vậy dù đi đến chân trời góc bể nào vẫn là con Lạc cháu Hồng, vẫn mang trong mình hình ảnh đất Việt thân yêu.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Những đóng góp và hạn chế trong sáng tác của Nguyễn Tuân thông qua ba mảng đề tài chủ nghĩa xê dịch, quá khứ và trụy lạc.doc