MỤC LỤC
Lời mở đầu 1
Nội dung 2
I. Cơ sở lý luận về xuất nhập khẩu hàng hoá trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. 2
1. Khái niệm xuất nhập khẩu 2
2. Chức năng và vai trò của xuất nhập khẩu. 2
II. Thực trạng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của cà phê Việt Nam 3
1. Một số nét cơ bản về cà phê 3
2. Vị trí, vai trò hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam 3
2.1. Về vị trí cà phê Việt Nam 3
2.2. Vai trò của ngành cà phê trong tổng kim ngạch xuất khẩu. 4
3. Thực trạng hoạt động xuất khẩu của cà phê Việt Nam hiện nay 5
III. Những vấn đề dặt ra và một số giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. 7
1. Những vấn đề đặt ra đối với ngành cà phê Việt Nam 7
2. Một số giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu cà phê của Việt Nam. 8
2.1. Vấn để tổ chức quản lý và chính sách 8
2.1.1. Về phía nhà nước 8
2.1.2. Về phía các doanh nghiệp 9
2.2. Nâng cao chất lượng cà phê nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. 10
2.3. Phát triển công nghiệp chế biến cà phê 11
2.4. Mở rộng thị trường cà phê và tăng cường hợp tác quốc tế 11
Kết luận 12
Tài liệu tham khảo 13
14 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1964 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Ngày nay hoạt động xuất nhập khẩu trở nên vô cùng quan trọng trong hoạt động thương mại của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Ở nước ta xuất khẩu được đặt vào vị trí trung tâm, làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Đẩy mạnh xuất khẩu trở thành chiến lược của quốc gia, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Từ đặc điểm là một nước nông nghiệp, Việt Nam đã xác định cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực tạo nguồn thu ban đầu rất lớn cho phát triển kinh tế đất nước. Cây cà phê đã và đang có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và nhất là trong nông nghiệp. Từ một nước xuất khẩu cà phê nhỏ, năm 2000 Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê. Hàng năm ngành cà phê đưa lại cho đất nước một khối lượng kim ngạch xuất khẩu đáng kể và giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống cho hàng trăm ngàn hộ gia đình ở các khu vực miền núi và Tây Nguyên. Xây dựng, phát triển ngành cà phê là một trong những ngành mũi nhọn nhằm tạo ra các mặt hàng chủ lực trong nông sản xuất khẩu là hướng đi đúng đắn và có đầy đủ điều kiện và tiềm năng to lớn cần được khai thác.
Tuy nhiên trong nhiều năm qua thị trường cà phê thế giới có nhiều diễn biến sôi động do lượng cung cao hơn lượng cầu, giá cả luôn luôn biến động làm cho người xuất khẩu và người nhập khẩu đều cảm thấy lo lắng. Thực tế đó đòi hỏi cần phải có chính sách đúng đắn về kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê để ngành cà phê phát huy được hiệu quả.
Với những kiến thức đã học được và hiểu được sự cần thiết của vấn đề này, em đã chọn đề tài: “Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay” để góp phần hoàn thiện hơn về công tác nâng cao hiệu quả xuất khẩu của nước ta đến các nước trên thế giới.
NỘI DUNG
I. Cơ sở lý luận về xuất nhập khẩu hàng hoá trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
1. Khái niệm xuất nhập khẩu
· Xuất khẩu (export) là hoạt động bán hàng hoặc đưa hàng hoá ra nước ngoài dưới các hình thức khác nhau nhằm đạt được mục đích lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận. Hàng hoá xuất khẩu rất đa dạng : hàng công nghiệp, hàng nông nghiệp, hàng tiêu dùng,... kiến thức khoa học kỹ thuật (phát minh, sáng chế...), các dịch vụ (tư vấn, sửa chữa, dịch vụ vận tải, quảng cáo, bảo hiểm, ...).
· Nhập khẩu (import) là hoạt động nhận hàng hoá, nhân lực, vốn, máy móc… từ nước ngoài dưới các hình thức khác nhau nhằm đạt mục đích lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận cho nền kinh tế.
2. Chức năng và vai trò của xuất nhập khẩu.
- Hoạt động xuất nhập khẩu đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tất cả các nước trên thế giới. Một nước phải có hoạt động xuất nhập khẩu mạnh vì xuất khẩu mạnh sẽ đem lại nhiều ngoại tệ, nhập khẩu hợp lý sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí về nhân lực cho quốc gia.
- Hoạt động xuất khẩu có chức năng cơ bản là mở rộng lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế.
- Hoạt động xuất nhập khẩu làm tăng việc làm và thu nhập góp phần nâng cao đời sống người lao động.
- Hoạt động xuất nhập khẩu làm tăng dự trữ ngoại tệ, ổn định cán cân thanh toán quốc tế.
- Hoạt động xuất nhập khẩu giúp chúng ta tiếp cận nhanh với các thành tựu khoa học tiên tiến của nhân loại.
- Hoạt động xuất nhập khẩu phát huy được lợi thế so sánh, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng có lợi thế về giá, năng suất, chất lượng, và nhập khẩu những mặt hàng không có lợi thế.
- Thông qua hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế theo xu hướng mới, thúc đẩy sản xuất phát triển.
II. Thực trạng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của cà phê Việt Nam
1. Một số nét cơ bản về cà phê
Cà phê là loại đồ uống được ưa thích ở hầu hết các nước trên thế giới, nó là sản phẩm nhiệt đới nhưng lại tiêu thụ nhiều ở các nước ôn đới nhưng lại tiêu thụ nhiều ở các nước ôn đới. Ngày nay cà phê được sử dụng rộng rãi vì trong hạt cà phê nhân sống thông thường có chứa 1- 2,5% chất cafein có tác dụng kích thích thần kinh, tăng cường hoạt động của tế bào não. Ngoài ra trong hạt cà phê còn có chứa các chất dinh dưỡng cho cơ thể như: đường, protein, các sinh tố B (B1, B2, B6, B12).
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều giống, chủng loại cà phê, nhưng phổ biến sản xuất có những chủng loại sau:
- Cà phê chè (Arabica): Loại cà phê chè Arabica có nguồn gốc từ cao nguyên Jimma Etiopia, đây là loại cà phê có phẩm chất thơm ngon, năng suất khá, có giá trị kinh tế cao được chú trọng phát triển sớm nhất và chiếm 70% lượng cà phê thế giới. Cà phê chè có rất nhiều chủng loại, người ta chia thành các chủng loại său:
- Cà phê vối (Canephora): Loại cà phê này có nguồn gốc từ hạ lưu sông CôngGô, thích hợp với khí hậu nhiệt đới. Đây là chủng loại dễ trồng, chịu hạn tốt nhưng phẩm chất không cao. Chủng loại được trồng nhiều nhất là cà phê vối Robusta với sản lượng chiếm tỷ lệ trên 25% trên thế giới.
- Cà phê mít (Exllsa): Đây là loại cà phê sinh trưởng khoẻ, ít sâu bệnh, chịu hạn hán nhưng phẩm chất kém, ít hương thơm và có vị chua, diện tích trồng rất thấp.
Ở Việt Nam diện tích cà phê vối được trồng phổ biến, rộng rãi nhất chiếm 90%, tiếp đó là cà phê chè chiếm 9%, còn lại là cà phê mít.
2. Vị trí, vai trò hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam
2.1. Về vị trí cà phê Việt Nam
- Cà phê là một trong những cây công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động xuất khẩu ở nước ta, vì vậy cần đánh giá đúng vị trí của nó để có cơ chế và định hướng phát triển cho nghành cà phê trong 2 kế hoạch 5 năm ( 2001-2005 và 2006- 2010 ).
- Nước ta có nhiều vùng sinh thái rất thích hợp cho phát triển cây cà phê gồm các tỉnh: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc. Quỹ đất qui hoạch cho phát triển cây cà phê còn lớn và không bị tranh chấp bởi các cây trồng khác. Đất trồng cà phê chủ yếu là các vùng miền núi, dân tộc.
- Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản hàng hoá xuất khẩu chủ yếu, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Hiện nay ở Việt Nam, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị lớn đứng thứ hai sau gạo. Sản xuất và xuất khẩu cà phê nước ta đứng thứ 1 Châu Á và là đứng thứ 2 trong số 70 nước xuất khẩu cà phê trên thế giới, đã có thị trường xuất khẩu ổn định với hơn 60 nước và khu vực, hàng năm xuất khẩu cà phê mang lại cho đất nước gần nửa tỷ USD, đây là một thành quả không nhỏ. Đó là sự phấn đấu của toàn ngành cũng như từng đơn vị trong ngành để đạt được thành quả đó.
2.2. Vai trò của ngành cà phê trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Kể từ sau 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, việc phát triển cà phê đã trở thành một chủ trương lớn của Nhà nước và được nhân dân các vùng khác nhau đều đồng tình hưởng ứng. Từ đó đến nay ngành cà phê Việt Nam ngày càng đi lên thể hiện rõ là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động, tạo ra lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng lớn góp phần nâng cao kim nghạch xuất khẩu của cả nước.
- Trong vòng 20 năm cuối thế kỷ 20 nghành cà phê Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về diện tích, năng suất, tổng sản lượng và lượng cà phê xuất khẩu. Nếu năm 1980, cả nước chỉ có 22.500 ha trong đó diện tích ở thời kỳ sản xuất có 10.800 ha, sản lượng chỉ đạt 8400 tấn (năng suất 0,78 tấn/ha) thì 20 năm sau năm 2000 cả nước đã có 533.000 ha, trong đó diện tích sản xuất có 385.000 ha với sản lượng 720.000 tấn (năng suất 1,87 tấn/ha) và xuất khẩu được 705.300 tấn.
Trong vòng 15 năm từ 1990 đến 2004 Việt Nam dã có những thành tựu đáng kể:
Sản xuất được: 6.493.700 tấn.
Xuất khẩu : 6.236.437 tấn
Đạt kim nghạch xuất khẩu: 5.289.620.344 USD với đơn giá bình quân 15 năm là 848,18 USD/T .
Với sản lượng như vậy, Việt Nam trong thời gian ngắn đã được xếp vào một trong những nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.
Thị trường cà phê Việt Nam ngày càng mở rộng. Từ nửa triêu ha cà phê có tới trên 85% diện tích thuộc về các chủ vườn, những người nông dân thuộc nhóm dân tộc: Kinh, Thái, Eđê,…
- Là một mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng cây cà phê được coi là một cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng ở nhiều tỉnh trung du, miền núi và cao nguyên. Ngành cà phê còn tham gia có hiệu quả cao vào các chương trình kinh tế - xã hội lớn của đất nước như chương trình định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số, chương trình xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động và chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc…
Vì thế mà nghành cà phê là một trong những phân nghành nông nghiệp khá quan trọng và có quan hệ mật thiết với chương trình phát triển nông thôn Việt Nam.
3. Thực trạng hoạt động xuất khẩu của cà phê Việt Nam hiện nay
Trong những năm vừa qua, cà phê Việt Nam đã từng bước hội nhập thị trường thế giới. Có thể nói chúng ta đã thu được những thành tựu đáng kể. Là một nước sản xuất cà phê, hàng năm cung cấp cho thị trường từ 12 đến 14 triệu bao cà phê. Vụ cà phê 2004/2005 vừa qua cả nước đã xuất khẩu 834.081 tấn cà phê nhân đạt kim nghạch 612,1 triệu USD sang 67 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một đặc điểm của thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam là phân bố rộng khắp và ngày càng càng có nhiều thị trường mới. Mỹ, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc,… vẫn là những khách hàng truyền thống của cà phê Việt Nam từ nhiều năm nay. Chúng ta còn có nhiều khách hàng mới như: Canda, Nam Phi, Ecuado, Mêhicô,..
Có 12 quốc gia đã nhập trên 20.000 tấn cà phê Việt Nam trong vụ vừa qua và 8 quốc gia đã nhập từ 10.000 đến 20.000 tấn. Ngoài ra còn có các loại cà phê khác cũng được xuất khẩu với số lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là chúng ta cồn một số hạn chế nhất định, nhất là chất lượng mặt hàng chưa đều. Mặc dù cà phê của ta được đánh giá là chất lượng tốt nhưng ngoại quan còn chưa thật đẹp. Và thương hiệu cà phê Việt Nam còn chưa được quan tâm quảng bá. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tình hình xuất khẩu cà phê thời gian qua
Niên vụ
Xuất khẩu (tấn)
Đơn giá bình quân (USD/tấn)
1994 - 1995
212.038
2.633,0
1995 - 1996
221.496
1.815,0
1996 - 1997
336.242
1198,0
1997 - 1998
395.418
1521,0
1998 - 1999
404.206
1373,0
1999 - 2000
653.678
823,0
2000 - 2001
874.676
436,6
2001 - 2002
711.340
403,0
2002 - 2003
619.421
619,9
2003 - 2004
890.000
1388,46
2004 - 2005
834.081
1362,65
(Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam: www.vicofa.org.vn)
Bước vào vụ cà phê 2005/2006 nhìn chung vào thời kỳ này nghành cà phê Việt Nam đang vượt qua những khó khăn của thời kỳ khủng hoảng và tiếp bước đi vào ổn định. Hàng năm chúng ta đã xuất khẩu đạt kim nghạch trên 600 triệu USD. Năm 2004 cả nước xuất khẩu cà phê đạt 641 triệu USD, chiếm 2,4% tổng lượng kim nghạch của cả nước. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Nhưng vụ 2005/2006 chúng ta lại bị mất mùa nên có thể giảm cả về lượng xuất khẩu và giá trị.
Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 trên thế giới, nhưng trong năm 2006 nhiều yéu tố tác động bất lợi do thời tiết tiếp tục hạn hán, cộng với giá vật tư, nhiên liệu leo thang sẽ đẩy người trồng vào tình huống khó khăn hơn. Nhưng cơn mưa trái mùa trong thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hoạch và chế biến cà phê, khiến tỷ lệ hạt đen, hạt mốc chiếm tỷ lệ khá lớn ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó diện tích cà phê của cả nước mấy năm nay giảm mạnh. Dự báo sản lượng chỉ đạt từ 600.000 – 630.000 tấn, giảm hơn 100.000 tấn so với năm trước. Trong khi đó, chủ trương thay đổi chủng loại cà phê có chất lượng cao hơn của Việt Nam vẫn chưa đạt được tiến độ như mong muốn. Hiện phần lớn lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn là loại cà phê vối Robusta có giá trị không cao, chủ yếu để làm cà phê hoà tan.
Tuy nhiên chúng ta đang thực hiện chủ trương lớn là xây dựng nghành cà phê Việt Nam phát triển bền vững. Đó là đảm bảo tương lai của nghành cà phê Việt Nam tiếp tục phấn đấu vươn lên.
III. Những vấn đề dặt ra và một số giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
1. Những vấn đề đặt ra đối với ngành cà phê Việt Nam
- Sản xuất thiếu tính quy hoạch và kế hoạch. Đối với người dân thì sản xuất tự phát không theo dự báo và tình hình thị trường diễn ra thường xuyên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu quá lớn, giá giảm, thu nhập giảm gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà nước trong việc xuất khẩu cà phê.
- Chất lượng cà phê Việt Nam còn thấp, còn cách xa với yêu cầu thị trường trên thế giới. Nguyên nhân chính của việc kém chất lượng là do trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra đồng thời các doanh nghiệp và người dân có xu hướng chạy theo năng suất và số lượng chưa quan tâm nhiều đến khâu chế biến bảo quản và phơi sấy.... nên giá cà phê của nước ta liên tục bị các thương nhân ép giá. So với giá cà phê của các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan thì giá cà phê của nước ta phải chịu thiệt từ 50 – 100 USD/tấn. Điều này làm cho các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê của nước ta chịu nhiều thua thiệt.
- Bên cạnh đó vấn đề tổ chức thu mua cà phê còn nhiều bất cập. Dường như hiệp hội cà phê chỉ quản lý được một phần sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất cà phê chủ yếu thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam, còn phần lớn cà phê thuộc hộ gia đình do thương nhân chi phối. Đồng thời cà phê của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường cà phê thế giới, đặc biệt là từ nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới Braxin nên thị trường cà phê Việt Nam không ổn định. Về phía các doanh nghiệp thì chưa có được cơ cấu sản xuất hợp lý, chưa nắm được xu hướng tiêu dùng cà phê trên thế giới. Do đó Việt Nam cần phải thành lập tập đoàn xuất khẩu cà phê để tổ chức, quản lý thu mua xuất khẩu đồng thời dự báo thị trường, điều tiết sản xuất.
- Qua 4 năm khủng hoảng (1999-2003), giá cà phê quá thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nông dân. Điều này tác động xấu đến cả hai mặt: đời sống và đầu tư cho sản xuất. Trong khi đó các nhà xuất khẩu cũng không tránh khỏi những khó khăn rủi ro khi tình hình thị trường diễn biến khó dự đoán và thêm vào đó là những hoạt động đầu cơ của người mua.
2. Một số giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu cà phê của Việt Nam.
2.1. Vấn để tổ chức quản lý và chính sách
2.1.1. Về phía nhà nước
- Thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu cho các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu đang bị thua lỗ nguyên nhân do giá cà phê xuống thấp. Đồng thời quy định giá sàn trả cho nông dân khi giá cà phê trên thị trường thế giới giảm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất ra. Dĩ nhiên các nhà xuất khẩu lại bị thua thiệt và thông qua quỹ hỗ trợ xuất khẩu, Nhà nước sẽ bù lỗ cho các nhà xuất khẩu.
- Nhà nước cần đẩy mạnh tự do hoá hơn nữa, mở rộng quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, từ đó tăng khả năng thích ứng nhanh, tạo lập môi trường cạnh tranh năng động, chủ động hội nhập thị trường khu vực và thị trường thế giới. Mặt khác nhà nước nên điều chỉnh lại chính sách thuế theo hường tăng cường nội địa hoá sản phẩm. Giảm chi phí qua thuế đối với sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung và cà phê nói riêng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
- Tăng cường phát huy các biện pháp đòn bẩy kinh tế thúc đẩy xuất khẩu cà phê Việt Nam từ nhà nước như : hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ lãi xuất, thưởng xuất khẩu, hội chợ, quảng cáo, tín dụng trong xuất khẩu, áp dụng các biện pháp trợ cấp, trợ giá theo các nguyên tắc của WTO và AFTA.
- Xây dựng mô hình kinh doanh gắn cơ sở sản xuất với cơ sở chế biến, thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương trên tất cả các mặt kinh tế: vốn, công nghệ, thị trường, tạo nguồn hàng và bạn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Hoàn thiện và đổi mới chính sách xuất khẩu: xoá bỏ đầu mối và hạn nghạch, nghiên cứu tăng một cách hợp lý mức chi môi giới hoa hồng và mức thưởng cho kim ngạch xuất khẩu.
- Tăng cường công tác dự báo, thông tin và các dịch vụ thị trường với các nội dung như: cơ chế, chính sách nhà nước diễn biến cung cầu hàng hoá, các thông tin chiến lược, biện pháp của các nước ở từng thị trường cụ thể.
- Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về cà phê, hỗ trợ ngành cũng như Tổng công ty đào tạo đội ngũ có năng lực về chuyên môn cây cà phê, có khả năng phân tích thị trường thế giới để giúp ngành có những bước đi đúng đắn.
2. 1.2. Về phía các doanh nghiệp
- Nâng cao chất lượng cà phê phù hợp với đòi hỏi hiện nay và duy trì sản xuất để có một sản lượng cà phê xuất khẩu ổn định, bằng cách đầu tư, nghiên cứu, tổ chức hiệu quả khâu chế biến - dịch vụ - tiêu thụ xuất khẩu. Bên cạnh đó cần phát huy lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, sinh thái lao động ...cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ, hạ giá thành sản xuất, phát trển cơ sở hạ tầng, cải tiến công nghệ chế biến và bảo quản sau khi thu hoạch.
- Doanh nghiệp phải thật sự năng động, tìm tòi quan tâm gắn kết sản xuất với thị trường để tổ chức quy mô sản xuất kinh doanh hợp lý; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hoá sản phẩm. Chú trọng nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
- Chú ý và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam: Cần nghiên cứu để thương hiệu cà phê Việt Nam được quảng bá và bảo hộ trên thị trường quốc tế và phấn đấu để có dấu hiệu chất lượng cao, nhằm cải thiện hình ảnh cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Cà phê thành phẩm cũng cần được dán nhãn như vậy.
- Mở rộng các chủng loại mặt hàng cà phê như: cà phê hoà tan, cà phê dạng lỏng đóng hộp. Sản xuất hàng hoá chất lượng cao, cà phê hữu cơ, cà phê đặc biệt, hảo hạng.
- Tuy nhiên đây vẫn là mặt hàng có tính không ổn định, chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, đặc biệt là thời tiết, nên các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần theo dõi chặt chẽ diễn biến để có những quyết định kinh doanh có lợi.
2.2. Nâng cao chất lượng cà phê nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
2.2.1. Chọn và lai tạo giống có chất lượng tốt và năng suất cao.
Việc đầu tư và chọn giống cà phê sẽ mở ra một triển vọng lớn trong việc trồng và nâng cao năng suất, chất lượng cà phê. Trong những năm gần đây có một số công trình chọn và lai tạo giống cà phê mới của một số nước đã cho thấy những kết quả khả quan tạo tiền đề cho việc tăng năng suất cà phê ở các nước này. Hiện nay viện nghiên cứu cà phê Ealemat đã tiến hành tuyển chọn và nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng một số loại cây cà phê Catimo có khả năng kháng bệnh cao như bệnh rỉ sắt ở Việt Nam. Với kỹ thuật trồng dầy, chu kỳ kinh doanh ngắn hạn chúng ta thấy giống cà phê này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Như vậy chọn và lai tạo giống là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu cà phê.
2.2.2. Đẩy mạnh thâm canh và mở rộng diện tích cà phê.
- Thâm canh chăm sóc vườn cây, duy trì năng suất cao ổn định, tạo môi trường sinh thái bền vững suốt chu kỳ sinh trưởng phải là phương hướng, nhiệm vụ quan trọng của toàn nghành. Phương hướng thâm canh cà phê trong thế kỷ 21 là đầu tư chiều sâu, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ sinh học và kỹ thật mới vào các khâu giống, chăm sóc để tăng chất lượng cà phê.
- Tập trung giải quyết vấn đề nước tưới cho cây cà phê. Đây là một trong những khó khăn đối với 2 vùng cà phê lớn nhất nước ta hiện nay Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
- Mở rộng diện tích cà phê chè: hiện nay diện tích cà phê của Việt Nam vẫn chủ yếu là cà phê vối trong khi đó cà phê chè được ưa chuộng hơn và được tiêu thụ mạnh trên thế giới với mức giá thường gấp đôi cà phê vối. Vì vậy trong thời gian tới chúng ta cần chuyển dịch dần cơ cấu sang trồng cà phê chè.
- Tăng cường các biện pháp khuyến nông như củng cố và mở rộng chương trình khuyến nông chuyên ngành từ trung ương đến cơ sở, nhằm phổ cập các kiến thức kỹ thuật về chế biến, phân loại và bảo quản ngay từ khi bắt đầu thu hoạch cho cán bộ kỹ thuật và người trồng cà phê, việc này sẽ góp phần làm cho số lượng cũng như chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trong tương lai.
2.3. Phát triển công nghiệp chế biến cà phê
Đẩy mạnh và nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật về công nghiệp chế biến sẽ làm tăng chất lượng sản phẩm cà phê, từ đó làm tăng lượng xuất khẩu hàng năm.
- Quy hoạch vùng trồng cà phê nguyên liệu, có diện tích và sản lượng đảm bảo đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoạt động.
- Vùng nguyên liệu phải được thâm canh cao, giống tốt cho năng suất cao chất lượng ổn định.
- Hướng dẫn nông dân kỹ thuật thu hái, sơ chế bảo quản để giảm thiểu những tổn thất sau thu hoạch về số lượng cũng như chất lượng cà phê.
- Cần sử dụng và khai thác tối đa máy móc hiện có, đồng thời đầu tư mới máy móc thiết bị đồng bộ hiện đại.
2.4. Mở rộng thị trường cà phê và tăng cường hợp tác quốc tế
Hiện nay, nước ta xuất khẩu sang 67 nước trên thế giới và thu về hàng năm trên 600 triệu USD. Ngoài ra nước ta có quan hệ thương mại với hầu hết các hãng cà phê trên thế giới. Nâng cao chất lượng, đảm bảo tín nhiệm với khách hàng, tuân thủ tập quán buôn bán quốc tế… là những biện pháp để cúng cố thị trường. Mặt khác duy trì tốt những thị trường đã có và mở rộng thâm nhập thị trường mới. Chiến lược về thị trường của ngành cà phê Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 là phải tiếp tục duy trì quan hệ buôn bán tốt cới các nước Tây Âu, Bắc Âu như Pháp, Áo, Đức,… Và các nước Châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Singapo… Đồng thời một hướng cần đặc biệt chú ý trong việc nghiên cứu khảo sát thâm nhập thị trường Trung Quốc và các nước Trung Cận Đông….
Do khối lượng cà phê xuất khẩu ngày càng tăng nên không thể thụ động ngồi chờ người mua đến thì bán theo “kiểu ôm cây đợi thỏ” mà cần phải chủ động tạo thị trường, mở cơ quan đại diện, đồng thời sử dụng các phương thức thương mại khác như: đổi hàng, trả nợ nhà nước và các hiệp định chính phủ. Tập trung phát triển về bề sâu như đa dạng hóa mặt hàng cà phê, đa phương hóa thị trường cà phê.
Bên cạnh đó cần tiến hành đẩy nhanh quá trình gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) để tạo điều kiện thuận lợi cho cà phê và nhiều mặt hàng khác của Việt Nam được hưởng chế độ ưu đãi khi xuất khẩu.
KẾT LUẬN
Đất nước ta đang trên đường hoà nhập vào nền kinh tế thế giới, do vậy hoạt động xuất nhập khẩu là động lực phát triển kinh tế quan trọng. Nhờ hoạt động xuất khẩu mà đất nước ta đã từng bước mở rộng thị trường, đẩy mạnh nền kinh tế quốc dân và hòa nhập cùng xu thế của nền kinh thế giới. Và ngành xuất khẩu cà phê với những thành tựu của mình cũng đóng góp một phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên trong vài năm qua nghành cà phê Việt Nam đang gặp phải khủng hoảng do cung cấp dư thừa cà phê tác động lớn đến cung cầu và giá cả thị trường. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho 1 triệu nông dân trồng cà phê ở Việt Nam mà còn góp phần gây nên những khó khăn cho 25 triệu nông dân trồng cà phê trên toàn thế giới.
Khắc phục những thiếu sót trước đây, nghành cà phê Việt Nam cần đặt sự quan tâm của mình nhiều hơn tới việc xây dựng một nghành sản xuất nông nghiệp thân cận sinh thái và đa dạng sinh học. Trước hết phải cải thiện tình hình chế biến, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm sản phẩm có chất lượng ổn định , tạo uy tín với khách hàng. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động xuất khẩu cà phê đòi hỏi từ phía nhà nước cùng các doanh nghiệp cần sử dụng đồng bộ các giải pháp kinh tế trong dây chuyền khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ cà phê nhằm tạo dựng cho ngành sản xuất cà phê nước ta đứng trên một vị thế mới có đầy đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Trong khó khăn, ngành cà phê Việt Nam cũng đã thu được những bài học bổ ích cho mình để có phương hướng phát triển thích hợp phù hợp với lợi ích của cộng đồng cà phê thế giới và cũng mang lại hiệu quả cho nghành cà phê Việt Nam. Đồng thời đã xác định được chính sách đúng đắn của mình phù hợp với tính biến động của nền kinh tế thị trường là phải xây dựng ở Việt Nam một nghành cà phê phát triển bền vững. Đó là đảm bảo tương lai của nghành cà phê Việt Nam tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Với thời gian và trình độ còn có hạn nên tiểu luận của em sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn. Em xin chân thành cảm ơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Ngoại Thương - Trường Đại học Quản Lý và Kinh doanh
Hà Nội.
2. Trang web Báo Thương mại: www.baothuongmai.com.vn
3. Trang web hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam: www.vicofa.org.vn
4. Trang web Sở thương mại Hà Nội : www.Hanoitrade.com
5. Trang web Thời báo kinh tế Việt Nam: www.vneconomy.com.vn
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay.docx