Tiểu luận Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

- Trong đời sống hàng ngày, những hiện tượng tốt - xấu, đúng - sai, cái có đạo đức - cái vô đạo đức vẫn tồn tại, đan xen nhau, đối chọi nhau thông qua hành vi của con người. Cùng với việc xây dựng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện sai trái, xấu xa, trái với những yêu cầu đạo đức mới. Vì vậy, trong lĩnh vực đạo đức xây phải đi đôi với chống, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây.

- Việc xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới từ trong gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội; thông qua hoạt động thực tiễn; cụ thể hoá phẩm chất đạo đức chung cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau và điều quan trọng là phải khơi dậy sự ý thức của mỗi người. Tức là, không ngừng trau dồi, xây đắp, phát triển đạo đức mới, tăng cường cái đúng, cái tốt. Cái tốt được tăng cường, phát triển thì cái xấu sẽ bị đẩy lùi.

+ Những phẩm chất chung, cơ bản nhất phải được cụ thể hoá cho sát với từng đối tượng.

+ Trong việc giáo dục đạo đức mới, phải khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh trong mỗi con người để họ tự giác nhận thức được trách nhiệm của mình.

 

doc8 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 26676 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân noi theo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của toàn dân, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Theo đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh công cuộc xây dựng đạo đức trong bối cảnh mới của đất nước dựa trên những nguyên tắc riêng, nhưng hợp nhất lại thành một nền tảng xây dựng đạo đức mới mà toàn Đảng, toàn dân ta cần phải thực hiện. Trên cơ sở kiến thức tiếp thu từ bài học cùng với việc tiếp cận từ một số những tài liệu liên quan, em xin đi sâu vào tìm hiểu về: “Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. NỘI DUNG : I. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng đối với con người Việt Nam trong cách mạng . Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức có vai trò to lớn đối với hành vi của con người: đạo đức tốt thì hành vi hợp quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; đạo đức không tốt thì tất yếu hành động trái quy luật. Hồ Chí minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Người thường nói: đối với con người có sức mạnh mới gánh được nặng và đi được xa, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Đối với người cách mạng, đạo đức là phẩm chất đòi hỏi cần phải có để tham gia vào cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, để cống hiến được nhiều nhất cho cuộc đấu tranh đó. Đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng. Phải có tâm, có đức mới giữ vững được chủ nghĩa Mác – Lênin và đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào cuộc sống. Hồ Chí Minh lấy đạo đức làm gốc, không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Đạo đức cách mạng còn là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Hồ Chí Minh về những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt nam trong thời đại mới . - Trung với nước, hiếu với dân: Đây là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất. Trung hiếu là những khái niệm đã có trong tư tưởng đạo đức truyền thống của Việt Nam và phương Đông. Kế thừa giá trị chủ nghĩa yêu nước truyền thống và vượt qua những hạn chế của truyền thống đó, Hồ Chí Minh đã sử dụng trung, hiếu và đưa vào nội dung mới, đó là trung với nước, hiếu với dân. - Yêu thương con người: Hồ Chí Minh xác định đây là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Nó thể hiện trong mối quan hệ gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn; đồng bào cả nước và cả loài người, đòi hỏi mỗi người phải luôn nghiêm khắc với mình, rộng rãi, độ lượng với người khác, thái độ tôn trọng con người, biết cách nâng con người lên, chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người, khi có sai lầm, khuyết điểm phải cố gắng sửa chữa. Trong di chúc, Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng “ phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, sống với nhau có tình nghĩa nhưng không dĩ hoà vi quý. - Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư: Đây là phẩm chất đạo đức trung tâm gắn liền với mọi hoạt động hàng ngày của con người. Theo Hồ Chí Minh cần, kiệm, liêm, chính là “ Tứ đức” của con người - những đức tính không thể thiếu được của con người. Chí công vô tư là ham làm những việc ích quốc, lợi dân, không ham địa vị, không màng công danh, vinh hoa phú quý. - Tinh thần quốc tế trong sáng: Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng mệnh đề “Bốn phương vô sản đều là anh em ”. Đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam với tất cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới vì độc lập dân tộc, vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội. Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Để xây dựng một nền đạo đức mới, Hồ Chí Minh đã nêu lên những nguyên tắc cơ bản để định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng cũng như việc rèn luyện của mỗi người, mỗi tổ chức và toàn xã hội. Cụ thể là: 1. Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức - Nói đi đôi với làm, Hồ Chí Minh coi đây là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng một nền đạo đức mới. Đây cũng là biện pháp mang lại hiệu quả cao trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng. Đối với mỗi người, nhất là đối với những người lãnh đạo, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân và có tác dụng đối với người khác. Nếu nói nhiều, làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng làm một nẻo thì chỉ đem lại hiệu quả phản tác dụng. - Đạo làm gương phải được quán triệt trong tất cả mọi đối tượng, mọi lĩnh vực từ Đảng, Nhà nước đến nhà trường, gia đình, xã hội…Bởi vì mỗi dân tộc, mỗi Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất thiết ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa,nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. - Hồ Chí Minh luôn quan tâm biểu dương tất cả những gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt Người đã tự mình nêu lên một tấm gương đạo đức trong sáng tuyệt vời, tiêu biểu cho tinh hoa và khí phách dân tộc, được toàn dân tin theo và thế giới ngưỡng mộ. Đó là tấm gương suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cứu nước, cứu dân, hết lòng yêu thương nhân dân với tinh thần “lấy dân làm gốc”; một tấm gương suốt đời không ngừng học tập và rèn luyện, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nếp sống giản dị, khiêm tốn, thanh cao…Nêu gương về đạo đức có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống, có ý nghĩa thúc đẩy xã hội phát triển. Nói đi đôi với làm phải gắn liền với nêu gương về đạo đức. Hồ Chí Minh đã có lần chỉ rõ: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Hồ Chí Minh cho rằng, hơn bất cứ một lĩnh vực nào khác, trong việc xây dựng một nền đạo đức, đạo đức cách mạng phải đặc biệt chú trọng “đạo làm gương”. Người nói: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”; + Trong gia đình, đó là tấm gương của bố mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em; trong nhà trường, đó là tấm gương của thầy cô giáo đối với học sinh; trong tổ chức, tập thể là tấm gương của người lãnh đạo, phụ trách, của cấp trên đối với cấp dưới; trong xã hội là tấm gương của người này đối với người kia, của thế hệ đi trước đối với thế hệ đi sau… + Tấm gương đạo đức của Bác Hồ là tấm gương chung cho cả dân tộc, cho các thế hệ người Việt Nam mãi mãi về sau. + Bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào đã nói, đã hứa thì phải làm cho tốt. - Những tấm gương đạo đức được hiểu theo nghĩa rộng. Có những tấm gương chung và riêng, lớn và nhỏ, xa và gần. Một nền đạo đức mới chỉ được xây dựng trên một cái nền rộng lớn, vững chắc, khi những phẩm chất đạo đức, những chuẩn mực đạo đức đã trở thành hành vi đạo đức ngày càng phổ biến trong toàn xã hội, mà những tấm gương đạo đức của những người tiêu biểu, những người tốt việc tốt có ý nghĩa và tác dụng lớn lao. Trong những năm qua, bài giảng về tư cách một người cách mạng, về đạo đức cách mạng, về "Nói thì phải làm" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Trong kháng chiến cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay, nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều người đã làm tốt những lời Bác dạy, đã có rất nhiều tấm gương tiêu biểu về sự hy sinh, lòng nhân ái, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... 2. Xây đi đôi với chống - Trong đời sống hàng ngày, những hiện tượng tốt - xấu, đúng - sai, cái có đạo đức - cái vô đạo đức vẫn tồn tại, đan xen nhau, đối chọi nhau thông qua hành vi của con người. Cùng với việc xây dựng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện sai trái, xấu xa, trái với những yêu cầu đạo đức mới. Vì vậy, trong lĩnh vực đạo đức xây phải đi đôi với chống, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây. - Việc xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới từ trong gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội; thông qua hoạt động thực tiễn; cụ thể hoá phẩm chất đạo đức chung cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau và điều quan trọng là phải khơi dậy sự ý thức của mỗi người. Tức là, không ngừng trau dồi, xây đắp, phát triển đạo đức mới, tăng cường cái đúng, cái tốt. Cái tốt được tăng cường, phát triển thì cái xấu sẽ bị đẩy lùi. + Những phẩm chất chung, cơ bản nhất phải được cụ thể hoá cho sát với từng đối tượng. + Trong việc giáo dục đạo đức mới, phải khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh trong mỗi con người để họ tự giác nhận thức được trách nhiệm của mình. - Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng, thoát thai từ một xã hội phong kiến, thuộc địa, nhiều tàn dư của văn hoá nô dịch thực dân vẫn còn ăn sâu, bén rễ trong xã hội mới. Vả lại trong mỗi con người, vì những lý do khác nhau, không phải người nào cũng tốt, người nào cũng hay, mỗi người đều có cái thiện, cái ác trong lòng. Vì vậy, phải kết hợp xây đi đôi với chống những cái ác, tiến tới xoá bỏ, diệt trừ cái ác. + Việc chống những cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức, phải được tiến hành bằng tự phê bình và phê bình; bằng giáo dục, thuyết phục, bằng kỷ luật của Đảng hay bằng pháp luật của Nhà Nước. + Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân là một thứ bệnh cực kỳ nguy hiểm, nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh khác như tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa, tự cao, tự đại, chuyên quyền, tham danh, trục lợi… - Để việc xây và chống có kết quả, theo Hồ Chí Minh, phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi, thông qua phong trào quần chúng và các cuộc vận động lôi kéo mọi người thực hiện việc xây và chống cái gì đó rất cụ thể, rõ ràng, để mọi người tự bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của mình. 3. Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. - Hồ Chí Minh thường nhắc lại luận điểm “chính tâm, tu thân để trị quốc bình thiên hạ” để vận dụng vào rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Không thể chỉ trong một thời gian ngắn mà mỗi người có thể “chính tâm, tu thân”, bởi nó là cuộc cách mạng trong bản thân mỗi con người để bỏ con người cũ mà trở thành con người mới, bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh thắng tư tưởng cũ. Việc rèn luyện bền bỉ và luôn có ý thức trau dồi đạo đức cách mạng là việc làm cần thiết và là nguyên tắc quan trọng bậc nhất đối với con người. Theo Hồ chí Minh, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ tốt, chỗ xấu, ai cũng có thiện, có ác trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy, thấy rõ cái dở, cái xấu để khắc phục. + Đối với mỗi người, việc tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi quan hệ xã hội. + Người viết: “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng ngày càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, “điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”. Vì vậy, phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày; phải làm kiên trì, bền bỉ, suốt đời. Bởi đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống,không phải tự nhiên có được, nó không phải là “tính sẵn” mà là do quá trình nhận thức, tiếp thu kế thừa và sàng lọc từ cuộc sống, từ thực tiễn sống động của cách mạng, “gian nan rèn luyện” mà có, do giáo dục mà nên. - Theo Hồ Chí Minh, đã hoạt động cách mạng thì khó tránh khỏi sai lầm và khuyết điểm. Một người dù tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy mọi người phải luôn luônhọc tập tu dưỡng để hoàn thiện bản thân là việc làm thường xuyên, việc tu dưỡng phải gắn với thực tiễn, bền bỉ, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. - Người thường nhắc nhở: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố; cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. - Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới gắn bó chặt chẽ với nhau; đó là những nguyên tắc chỉ đạo mỗi người phấn đấu trở thành người có đức, có tài để phục vụ tốt cho việc xây dựng xã hội mới ở Việt Nam. 4. Tự phê bình và phê bình - Đây là quy luật phát triển của Đảng theo quan điểm của học thuyết Mác- Lênin, là phương pháp căn bản, là vũ khí sắc bén để giúp cho mỗi người phát huy ưu điểm và thành tích, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm, nâng cao đạo đức cách mạng. - Mục đích của tự phê bình và phê bình là để cho mọi người học hỏi ưu điểm lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên. Đặc biệt khi phê bình phải có thái độ khách quan, có lý, có tình; phê bình đồng thời phải cổ vũ phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm. Mặt khác theo Hồ Chí Minh, khi phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, châm chọc; phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. - Tự phê bình và phê bình là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự tiến bộ không ngừng. Và nguyên tắc này được xem như là một nhu cầu thiết yếu của các tổ chức Đảng, của mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân, thiết tha như người ta cần không khí. Đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Thực hiện tốt, đồng bộ và có hiệu quả các nguyên tắc trên đây nhất định sẽ hình thành được đạo đức cách mạng trong sáng trong điều kiện hiện nay. KẾT THÚC VẤN ĐỀ Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và những nguyên tắc về xây dựng đạo đức mới nói riêng cho đến ngày nay, vẫn còn giữ nguyên tính thời sự, soi sáng cho Đảng và nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp vẻ vang, xây dựng nền đạo đức Việt Nam ngang tầm với những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Đứng trước bối cảnh ấy, là một người thanh niên cũng như bao con người khác đang cùng bước trên con đường xây dựng đất nước tiến lên Xã hội chủ nghĩa, một nhiệm vụ rất lớn đang đặt ra đó là thưc hiện theo lời dạy của Bác: “Thanh niên bây giờ là thế hệ vẻ vang, vì vậy nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài....”. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hội đồng chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2003. 2. Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005. 3. Nguyễn Mạnh Tường (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh - Một số nhận thức cơ bản, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2009. 4. Thành Duy (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996. 5. Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2010. 6. PGS, TS Hoàng Trang, Hỏi & Đáp Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNhững nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh.doc
Tài liệu liên quan