Những quy định về chế độ thừa kế tài sản của Quốc triều hình luật thể hiện sự đề cao và bảo vệ một truyền thống tốt đẹp của dân tộc – truyền thống thờ cúng những người đã khuất. Thông qua việc thờ cúng sẽ nhắc nhở con cháu phải nhớ ông bà, cha mẹ, phải sống có đạo lý theo tôn ty trật tự trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đó chính là giá trị nhân văn của bộ luật.
Thứ hai, nội dung của chế độ thừa kế tài sản hương hỏa cũng thể hiện những điểm tiến bộ:
Quốc triều hình luật đã quy định tương đối chặt chẽ về số lượng tài sản hương hỏa (chỉ chiếm 1/20 điền sản). Việc quy định như vậy nhằm tránh sự tích lũy hương hỏa từ đời này sang đời khác tới diện tích quá lớn.
5 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3280 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Những quy định về thừa kế tài sản hương hỏa trong Quốc triều hình luật, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Quốc triều hình luật là một trong những bộ luật cổ nổi tiếng của Việt Nam, là sản phẩm của một thời kỳ phát triển cực thịnh của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam. Bộ luật này sau khi được xây dựng đã trở thành pháp luật của thời Lê sơ và của các triều đại sau cho đến thế kỷ XVIII. Quốc triều hình luật có 13 chương, được ghi chép trong 6 quyển với 722 điều trong đó luật thừa kế đã trở thành một chế định nổi bật nhất, thể hiện những nét tiến bộ của luật pháp triều Lê. Và thừa kế tài sản hương hỏa là một bộ phận của quan hệ thừa kế.Việc tìm hiểu về chế độ thừa kế tài sản hương hỏa trong Quốc triều hình luật không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn thấy được những tư tưởng tiến bộ, những nét độc đáo riêng trong bộ luật này.
NỘI DUNG
I-CHẾ ĐỘ THỪA KẾ TÀI SẢN HƯƠNG HỎA TRONG QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT.
Hương hỏa là một phần điền sản của người chết dành lại giao cho con trai trưởng, không có con trai trưởng thì giao cho con trai thứ, không có con trai thứ thì giao cho con gái để khai thác ruộng đất thu hoa lợi. Một phần hoa lợi đó sẽ được sử dụng để lo phần mộ cho người chết và họ hàng. Phần còn lại, người giữ hương hỏa được sử dụng cho bản thân.
Vấn đề ruộng đất hương hỏa được Quốc triều hình luật quy định trong 13 điều luật. Theo đó:
Về số lượng tài sản hương hỏa, điều 390 quy định: “…Người trưởng họ liệu chia nhiều ít cho phải, rồi làm giấy giao lại về phần hương hỏa thì theo lệ cũ lấy một phần hai mươi (trong số điền sản). Như người cha làm trưởng họ lấy ruộng đất mấy nơi làm phần hương hỏa, đến khi con làm trưởng họ thì lại đem ruộng đất hương hỏa của cha nhập cả vào phần các con, chia ra xem mỗi phần được bao nhiêu mới lấy một phần 20 làm hương hỏa…”. Ruộng đất hương hỏa chỉ được sử dụng vào việc trồng cấy lấy hoa lợi để thờ cúng tổ tiên và không được bán ruộng đất hương hỏa. Nếu người trong họ mua thì phải trả lại và không được hoàn trả tiền, còn người ngoài họ không biết mà mua thì được lấy lại tiền và phải trả lại ruộng đất hương hỏa đã mua (Điều 400). Theo điều 399, ruộng đất hương hỏa không được truyền quá 5 đời, vì con cháu chỉ thờ cúng những người trong vòng 5 đời. Luật quy định không được chia nhau ruộng đất vốn là hương hỏa nhưng để lại cho ai thì không nói tới. Nếu theo phong tục tập quán, phần ruộng đất này cho người thừa tự cuối cùng hoặc nhập vào ruộng đất của dòng họ.
Về trật tự truyền ruộng đất hương hỏa, luật hương hỏa đã dành phần lớn các điều khoản quy định về trình tự những người được nhận hương hỏa. Theo nguyên tắc thì của hương hỏa được giao cho người con trai trưởng. Khi con trưởng chết được giao cho cháu trai trưởng và tiếp tục được truyền lại cho các đời sau. Hương hỏa bao giờ cũng giao cho con cháu người vợ cả. Trường hợp con trai của người vợ cả không có con trai trong khi người vợ lẽ hoặc nàng hầu sinh con trai thì của hương hỏa sẽ giao cho con trai vợ lẽ hoặc nàng hầu giữ. Trường hợp cha mẹ sinh được hai con trai, người con trai trưởng không có con trai nhưng con trai thứ sinh được con trai thì của hương hỏa sẽ được giao cho con của người con trai thứ đó. Nếu con của người con thứ không có con trai thì của hương hỏa lại được giao cho con gái của người con trai trưởng. Trường hợp con trai trưởng, cháu trai trưởng không có điều kiện thờ cúng ông bà, cha mẹ thì cho phép dòng họ sẽ thỏa thuận lập người thừa tự. Khi người con trai trưởng hoặc cháu trai trưởng có điều kiện thờ cúng thì người thừa tự đó phải giao lại hương hỏa cho người con, cháu đó (Điều 394). Người tàn phế hoặc bất hiếu không được nhận ruộng đất hương hỏa.
II-ĐÁNH GIÁ VỀ CHẾ ĐỘ THỪA KẾ TÀI SẢN HƯƠNG HỎA TRONG BỘ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT.
1. Về giá trị nội dung.
Những quy định về chế độ thừa kế tài sản của Quốc triều hình luật thể hiện sự đề cao và bảo vệ một truyền thống tốt đẹp của dân tộc – truyền thống thờ cúng những người đã khuất. Thông qua việc thờ cúng sẽ nhắc nhở con cháu phải nhớ ông bà, cha mẹ, phải sống có đạo lý theo tôn ty trật tự trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đó chính là giá trị nhân văn của bộ luật.
Thứ hai, nội dung của chế độ thừa kế tài sản hương hỏa cũng thể hiện những điểm tiến bộ:
Quốc triều hình luật đã quy định tương đối chặt chẽ về số lượng tài sản hương hỏa (chỉ chiếm 1/20 điền sản). Việc quy định như vậy nhằm tránh sự tích lũy hương hỏa từ đời này sang đời khác tới diện tích quá lớn.
Thông thường, việc truyền ruộng đất hương hỏa phải triệt để thể hiện nguyên tắc trọng nam và trọng trưởng. Nhưng nhà làm luật thời Lê đã “mềm hóa” nguyên tắc này bằng cách quy định như sau: ruộng đất hương hỏa được truyền cho con trai trưởng (hoặc cháu trai trưởng), nếu không có thì truyền cho con trai thứ, con trai không có thì truyền cho con gái, con gái không có thì truyền cho người trong họ và không bao giờ để truyền sang dòng họ khác.
Chế độ thừa kế tài sản hương hỏa trong bộ Quốc triều hình luật cũng đã phần nào bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Lần đầu tiên trong pháp luật phong kiến nước ta thừa nhận việc thừa kế hương hỏa của người con gái. Đây là các quy định hoàn toàn không hề thấy trong pháp luật Trung Hoa, thể hiện rõ phong tục tập quán, bản sắc dân tộc Việt khác hệ thống pháp luật phong kiến Trung Hoa. Sở dĩ có sự khác biệt này là do pháp luật triều Lê đã áp dụng phần nào tập quán trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội. Việc thừa nhận quyền thừa kế của con gái ngang bằng với con trai cũng tỏ rõ thái độ coi trọng con gái cũng như con trai, cùng với việc để lại hương hỏa cho con gái khi không có con trai nối dõi là để chứng tỏ dòng họ ấy chưa bị tuyệt tự và không bao giờ vắng mặt người hương khói tổ tiên. Sau này pháp luật thời Nguyễn đã bỏ quyền được hưởng thừa kế và hương hỏa của con gái làm mất đi những điểm tiến bộ đó trong pháp luật thời Lê. Có thể thấy rằng mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ, nhưng Quốc triều hình luật vẫn chú ý phần nào đến quyền lợi và thân phận của người phụ nữ.
Chế độ thừa kế tài sản hương hỏa là một nét tiến bộ của Quốc triều hình luật. Việc thờ cúng đã được điều chỉnh là một nghĩa vụ pháp lý của con cháu. Ngày nay, pháp luật dân sự của nhà nước ta đã kế thừa tại Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005.
2. Về kỹ thuật lập pháp.
Ở thế kỷ XV, mặc dù chưa có một hệ thống lý thuyết như ngày nay nhưng những nhà làm luật đã sử dụng những kỹ thuật lập pháp khá tiến bộ và hiệu quả:
Việc đặt ra các quy định về chế độ thừa kế tài sản hương hỏa đã cho thấy các nhà lập pháp thời Lê đã có tư duy pháp lý rất hợp tình, hợp lý, phù hợp với đạo đức, truyền thống của dân tộc.
Những điều luật về thừa kế tài sản hương hỏa được xây dựng trong chương điền sản bởi thừa kế chính là căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu ruộng đất. Đồng thời thừa kế tài sản hương hỏa cũng được tách riêng khỏi những quy định về thừa kế tài sản thông thường. Nó đã thể hiện sự tư duy khoa học và giúp cho việc tra cứu được dễ dàng, thuận lợi.
Bên cạnh đó những nhà lập pháp cũng đã dự trù được hầu hết các trường hợp có thể xảy trong thực tế việc thừa kế hương hỏa để đặt ra những quy định điều chỉnh như: về nguyên tắc hương hỏa được giao cho con trai trưởng (hoặc cháu trai trưởng). Nếu không có cháu trai trưởng thì giao cho con trai của người con trai thứ. Nếu không có con trai thì giao cho con gai hoặc cháu gái trưởng. Trường hợp vợ cả không có con trai thì hương hỏa giao cho con trai của vợ lẽ hoặc nàng hầu. Ngoài ra luật còn dự liệu trường hợp con trai trưởng, cháu trai trưởng tha phương mà không giữ hương hỏa được thì họ hàng sẽ chỉ ra một người thừa tự.
Ngoài ra việc sử dụng từ ngữ trong bộ luật cũng có nhiều điểm khác biệt so với luật Trung Hoa. Trong pháp luật Trung Hoa những tài sản dùng để phục vụ cho việc thờ cúng gọi là “tự sản” (tài sản dùng vào việc tế tự) hoặc “tổ phần sản địa” (phần đất cát dùng vào việc cúng tế mộ tổ) còn luật triều Lê dùng ngay từ “hương hỏa” là từ ngữ trong dân gian người Việt.
. Tuy nhiên do trình độ nhận thức của các nhà lập pháp thời bấy giờ còn hạn chế nên trong những quy định về chế độ thừa kế tài sản hương hỏa cũng bộc lộ những điểm hạn chế như: vẫn thể hiện nguyên tắc trọng nam, trọng trưởng, các điều khoản phần lớn mang tính chất thí dụ, thiếu tính bao quát và điển hình.
KẾT LUẬN
Những quy định về thừa kế tài sản hương hỏa trong Quốc triều hình luật thể hiện một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần củng cố sự trường tồn của dòng họ, giữ gìn sự hòa thuận, thương yêu nhau giữa anh chị em trong gia đình. Những giá trị tích cực, tiến bộ của chế độ thừa kế tài sản hương hỏa nói riêng và của Quốc triều hình luật nói chung cần phải được tiếp tục phát huy trong quá trình xây dựng pháp luật nước ta hiện nay.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chế độ thừa kế tài sản hương hỏa trong quốc triều hình luật.doc