Đối với di chúc miệng là di chúc được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác (bị tai nạn, thương tật.) mà không thể lập di chúc bằng văn bản. Tuy nhiên, di chúc miệng chỉ hợp pháp khi người để di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của họ trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người này phải ghi chép lại và cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Sau 3 tháng kể từ thời điểm để di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng bị hủy bỏ.
21 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 5800 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Những vấn đề cơ bản về pháp luật thừa kế của Việt nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
pháp luật. Trong các loại tài sản để lại thừa kế thì bất động sản được quan tâm đến nhiều nhất mà đặc biệt là nhà ở và quyền sử dụng đất.
Quyền thừa kế gắn liền với quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tuy nhiên quyền sử dụng đất đai thuộc sở hữu toàn dân cũng được thừa kế theo quy định của pháp luật.
Di sản thừa kế phải là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người để thừa kế và tài sản này bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền. Tài sản đó là tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Tài sản riêng mà người để thừa kế là chủ sở hữu hợp pháp gồm có: tư liệu sinh hoạt như bàn ghế, giường tủ, chăn màn, tivi, tủ lạnh, bếp ga...; tư liệu sản xuất như nhà xưởng, máy móc để sản xuất, dụng cụ sản xuất...; vốn sản xuất hoặc kinh doanh hợp pháp; nhà ở; trái phiếu; tiền tiết kiệm gửi ngân hàng hoặc quỹ tín dụng; các thu nhập hợp pháp khác như tiền thưởng, tiền trúng xổ số, tiền nhuận bút...
Phần tài sản của người để lại thừa kế trong khối tài sản chung với người khác là phần tài sản thuộc sở hữu chung của người chết với những chủ thể khác như: phần vốn góp trong công ty cổ phần, phần nhà đất cùng chung mua với người khác...
Quyền về tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự cũng được coi là tài sản. Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong quan hệ dân sự như: quyền đòi nợ, đòi tài sản cho thuê cho mượn, đòi bồi thường thiệt hại...
Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế nhưng vì đây là một loại tài sản đặc biệt nên theo quy định của pháp luật đất đai thì người sử dụng đất chỉ được thực hiện quyền thừa kế khi có các điều kiện như: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án, trong thời hạn sử dụng đất. Theo Bộ luật dân sự năm 2005 chỉ quy định về di sản thừa kế nói chung còn di sản là quyền sử dụng đất được quy định cụ thể trong Luật đất đai năm 2003.
Theo quy định tại Nghị quyết số 02 của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao ban hành ngày 10/8/2004 thì quyền sử dụng đất được xác định là di sản thừa kế trong những trường hợp sau:
- Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
- Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có 1 trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 Luật đất đai năm 2003 (có 8 loại giấy tờ), thì kể từ ngày 1/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.
Trong các quy định của pháp luật thừa kế có những quy định cụ thể về di sản dùng vào việc thờ cúng. Đây là sự định đoạt của người chết dành 1 phần tài sản của mình để đảm bảo cho việc thờ cúng mình và thờ cúng tổ tiên. Phần di sản thờ cúng chỉ dùng vào việc thờ cúng mà không được chia cho những người thừa kế và người lập di chúc sẽ chỉ định người được giao quản lý, sử dụng. Người được giao quản lý di sản thờ cúng chỉ có quyền sử dụng, thu lợi của tài sản để thực hiện việc thờ cúng chứ không có quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Liên quan đến di sản thừa kế, quy định về người quản lý di sản thừa kế cũng được xác định là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì những người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Người quản lý di sản có nghĩa vụ lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản thừa kế mà người khác đang chiếm hữu; bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản; thông báo về di sản cho những người thừa kế; bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây ra thiệt hại; giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế....
Ngoài ra người quản lý di sản có quyền đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế; được tiếp tục sử dụng di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế; được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế...
3.Thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện về thừa kế:
Quy định này rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người thừa kế cụ thể là quyền thừa kế của họ có được bảo vệ bằng pháp luật hay không.
Căn cứ để xác định quyền thừa kế phát sinh là thời điểm mở thừa kế-đó là thời điểm người để lại tài sản chết. Người có tài sản để thừa kế có thể lập di chúc định đoạt nhưng thời điểm mở thừa kế chỉ bắt đầu khi người có tài sản chết. Việc mở thừa kế được xác định bởi thời điểm mở thừa kế, tức là ngày giờ người để lại di sản chết theo giấy khai tử hoặc theo quyết định của toà án tuyên bố một người là đã chết.
Yêu cầu xác định thời điểm mở thừa kế là bắt buộc vì liên quan đến việc xác định tài sản, nghĩa vụ của người chết. Đây cũng là thời điểm để xác định những người thừa kế của người để lại di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Chỉ từ thời điểm mở thừa kế thì những người thừa kế mới có các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản hoặc nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc có phần lớn di sản.
Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là thời hạn mà người thừa kế được quyền khởi kiện để yêu cầu toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Pháp lệnh thừa kế và Bộ luật dân sự đều quy định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là một chế định pháp lý quan trong theo đó thì trong thời hạn 10 năm này, người thừa kế có thể thực hiện quyền thừa kế của mình bằng việc khởi kiện tại toà án để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Quyền thừa kế bị chấm dứt khi hết thời hạn khởi kiện mà pháp luật quy định. Bộ luật dân sự năm 2005 còn quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (điều 645).
Thoả thuận là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, nên trong một số trường hợp không cần tính đến thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế đó là khi di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc sở hữu chung. Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao ngày 10/8/2004 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình đưa ra các trường hợp như sau:
+ Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và có yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết. Cụ thể:
- Nếu có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
- Nếu không có di chúc mà các đồng thừa kế thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung này được thực hiện theo thoả thuận của họ.
- Nếu không có di chúc và giữa các đồng thừa kế cũng không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
+ Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.
Pháp luật cũng quy định những trường hợp dù đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng nếu có những điều kiện được pháp luật quy định thì có một khoảng thời gian sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện. Đó là khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây: có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu; người có quyền khởi kiện đang chưa thành niên, đang bị mất năng lực hành vi dân sự, đang bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có người đại diện; người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết nhưng chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được. Trong hai trường hợp sau thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện không quá 1 năm, Bộ luật dân sự năm 2005 đã bỏ quy định này.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép như thiên tai, hoả hoạn... Tính chất không lường trước được và không thể tránh được, không khắc phục được phải được xem xét và đánh giá cụ thể trong từng trường hợp.
Bộ luật dân sự năm 2005 giải thích về trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình.
Về thời hiệu khởi kiện về thừa kế, Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định cụ thể hơn Bộ luật dân sự năm 1995 như sau: Trong thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế người thừa kế có quyền khởi kiện để chia di sản thừa kế; xác nhận quyền thừa kế của mình; bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Đồng thời người thừa kế cũng phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trong 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế theo yêu cầu của người có quyền.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án Nhân dân theo quy định tại khoản 5 điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
Đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết được xác định như sau:
- Trường hợp đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 điều 50 Luật đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết.
-Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ngày 10/8/2004 quy định về trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có 1 trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 này nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (như: nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn liền với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới, tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất đó có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế thì phân biệt các trường hợp sau:
- Trong trường hợp đương sự có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.
- Trong trường hợp đương sự không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Đồng thời phải xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất đó cho đương sự để UBND cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Trong trường hợp UBND cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất không được phép tồn tại trên đất đó thì toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.
Còn trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có 1 trong các loại giấy tờ quy định tại tiểu mục 1.1, tiểu mục 1.2 mục 1 này và cũng không có di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại tiểu mục 1.3 mục 1 này thì nếu có tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND theo quy định của pháp luật về đất đai (cụ thể là theo quy định tại điều 135 và 136 Luật đất đai năm 2003).
4.Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật:
Pháp luật về thừa kế của Việt Nam quy định việc chuyển tài sản của người chết cho người khác theo hai hình thức: Theo di chúc -tức là người có tài sản lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người khác và theo pháp luật- tức là việc người thừa kế được nhận di sản thừa kế trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp và một số trường hợp đặc biệt khác mà pháp luật quy định.
Trong trường hợp có tranh chấp về di chúc do người chết để lại thì người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật có quyền yêu cầu toà án xác định tính hợp pháp của di chúc để làm căn cứ chia thừa kế theo di chúc.
a. Thừa kế theo di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người còn sống sau khi chết. Như vậy, di chúc chính là ý chí cuối cùng của một người, thể hiện sự định đoạt về tài sản của người này sau khi họ chết.
Pháp luật quy định người lập di chúc phải là người đã thành niên mà không bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Vợ, chồng cũng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung của vợ chồng.
Người lập di chúc có quyền chỉ định hoặc truất quyền hưởng di sản đối với người thừa kế; xác định phần di sản cho từng người thừa kế; dành 1 phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản của mình và chỉ định người giữ di chúc, người quản lý, người phân chia di sản.
Theo quy định của pháp luật người để lại di chúc có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản.
Đối với di chúc miệng là di chúc được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác (bị tai nạn, thương tật...) mà không thể lập di chúc bằng văn bản. Tuy nhiên, di chúc miệng chỉ hợp pháp khi người để di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của họ trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người này phải ghi chép lại và cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Sau 3 tháng kể từ thời điểm để di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng bị hủy bỏ.
Đối với di chúc bằng văn bản chỉ được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện như:
Về ý chí: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép.
Về nội dung: những định đoạt của người lập di chúc không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Về hình thức: Người lập di chúc tự tay mình viết và ký vào di chúc mà không cần có người làm chứng.
Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý.
Nếu trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết di chúc thì có thể nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ trước mặt những người làm chứng và những người làm chứng này phải xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào di chúc.
Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn. Theo hình thức này, người lập chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban Nhân dân để những người đó ghi chép lại nội dung di chúc. Sau đó, người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc rồi công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực ký vào bản di chúc.
Trong trường hợp mà người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải có người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Việc lập di chúc có công chứng, chứng thực có thể thực hiện tại nhà của người để di sản.
Đối với những trường hợp di chúc bằng văn bản tuy không bắt buộc nhưng người lập di chúc cũng có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.
Về người làm chứng, pháp luật quy định mọi người đều có thể làm chứng việc lập di chúc trừ trường hợp pháp luật dân sự không cho phép đó là:
Người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người lập di chúc
Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan đến nội dung di chúc
Người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực về hành vi dân sự
Còn đối với công chứng viên và người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân không được công chứng, chứng thực di chúc nếu họ là một trong những người sau đây:
Người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người lập di chúc
Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật
Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan đến nội dung di chúc.
Tuy nhiên, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Nếu người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung đều có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu phần di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn với nhau, thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Nếu người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ. Di chúc chung của vợ, chồng cũng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Nhìn chung, một bản di chúc được thực hiện trên thực tế phải là di chúc có hiệu lực pháp luật. Nói đến hiệu lực pháp luật của di chúc là nói đến tính bắt buộc phải thi hành, phải tuân theo di chúc.
Di chúc có hiệu lực pháp luật là các di chúc đảm bảo các điều kiện của một di chúc hợp pháp như đã nêu và có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế.
Di chúc không có hiệu lực pháp luật có thể là không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc không có hiệu lực một phần khi: Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Nếu có nhiều người thừa kế mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến người chết trước hoặc cùng thời điểm, đến cơ quan, tổ chức không còn đó là không có hiệu lực pháp luật.
Di chúc cũng không có hiệu lực pháp luật nếu di sản thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế, nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn 1 phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
Nếu di chúc có phần không hợp pháp mà phần đó không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần khác thì chỉ phần không hợp pháp là không có hiệu lực pháp luật.
Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một di sản thì chỉ bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực pháp luật. Riêng với trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà một người chết trước thì chỉ phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật. Còn nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết thì di sản này chỉ được phân chia từ thời điểm đó. Bộ luật dân sự năm 2005 quy định di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.
b. Thừa kế theo pháp luật
Khác với quan hệ thừa kế theo di chúc, quan hệ thừa kế theo pháp luật được xác lập trên cơ sở quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng giữa người chết và người thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định, được áp dụng trong những trường hợp sau đây: không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc hay cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế hoặc những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.
Ngoài ra việc thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng trong các trường hợp như: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; phần sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực; phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Thừa kế theo pháp luật đặt ra vấn đề xác định hàng thừa kế, tức là xác định thứ tự ưu tiên hưởng di sản thừa kế. Theo quy định của pháp luật thì thứ tự người thừa kế thừa kế theo pháp luật là: Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột của người chết. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại cũng thuộc hàng thừa kế thứ hai và chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại cũng thuộc hàng thừa kế thứ ba.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng phần di sản thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.
Để đảm bảo quyền lợi của những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai, thứ ba được nhận phần thừa kế di sản của người ở hàng thừa kế trước đã chết, pháp luật thừa kế quy định trường hợp thừa kế thế vị. Đó là trường hợp nếu con của người để lại di sản chết trước người này thì phần di sản đáng lẽ người con đó được hưởng nếu còn sống sẽ do con của họ (tức cháu của người để lại di sản) được hưởng. Bộ luật dân sự năm 2005 quy định cả trường hợp con của người để lại di sản chết cùng thời điểm với người này cũng được hưởng theo quy định trên. Trường hợp nếu cháu cũng chết trước người để lại di sản thì con của cháu (tức là chắt của người để lại di sản) được hưởng phần di sản mà đáng lẽ cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Bộ luật dân sự năm 2005 quy định cả trường hợp cháu chết cùng thời điểm với người này thì cũng được hưởng thừa kế.
Trong quan hệ thừa kế theo pháp luật cũng có trường hợp người không có quan hệ huyết thống với người chết mà chỉ có quan hệ nuôi dưỡng cũng có quyền hưởng thừa kế. Đó là quan hệ giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế. Cũng như quan hệ giữa con nuôi với cha, mẹ nuôi, pháp luật quy định về điều kiện để những người không có quan hệ huyết thống với người để lại di sản là giữa họ phải có sự chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Ngoài được hưởng thừa kế di sản của nhau, họ còn được thừa kế di sản theo quy định pháp luật như đã nêu ở trên. Đối với quan hệ giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế, về mặt luật thực định, tuy có quy định cho họ được thừa kế di sản của nhau, nhưng điều 679 Bộ luật dân sự (điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005) không xếp họ vào hàng thừa kế nào nên việc phân chia di sản thừa kế cho họ theo pháp luật là rất khó. Đó cũng là điểm bất cập của pháp luật về thừa kế hiện hành trong khi quan hệ giữa con con nuôi với cha mẹ nuôi tuy không phải là quan hệ huyết thống nhưng vẫn được
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Những vấn đề cơ bản về pháp luật thừa kế của Việt nam.doc