Tiểu luận Nội dung các quyền của người biểu diễn

MỤC LỤC

 

LỜI MỞ ĐẦU . . 1

Chương I. Những lý luận chung về quyền của người biểu diễn . . 2

 

1. Quyền của người biểu diễn 2

2. Khái niệm người biểu diễn . . 2

3. Lý do bảo hộ quyền của người biểu diễn . 3

4. Cuộc biểu diễn được pháp luật bảo hộ . 5

Chương II. Nội dung các quyền của người biểu diễn . 7

Chương III. Các giải pháp, kiến nghị . 11

KẾT LUẬN. .13

DANH SÁCH TÀI LIỆU THAM KHẢO 14

 

 

doc15 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3440 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Nội dung các quyền của người biểu diễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam được Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 07 năm 2006, là luật quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Việc tìm hiểu, nghiên cứu về quyền tác giả cũng như những quy định xung quanh về quyền này thật sự là cần thiết cho mỗi chúng ta, trong đó đặc biệt là quyền của người biểu diễn. Vậy, quyền của người biểu diễn là gì ? Tại sao lại phải bảo hộ quyền của người biểu diễn ? Nó có liên quan như thế nào với quyền tác giả ? Xuất phát từ những vấn đề đó, tác giả xin phép được trình bày nghiên cứu với đề tài: “Nội dung các quyền của người biểu diễn”. Bố cục của đề tài gồm 3 chương: Chương I: Những lý luận chung về quyền của người biểu diễn Chương II: Nội dung các quyền của người biểu diễn Chương III: Các giải pháp, kiến nghị CHƯƠNG I NHỮNG LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI BIỂU DIỄN 1/- Quyền của người biểu diễn: Quyền của người biểu diễn là loại hình quyền được hầu hết luật pháp các quốc gia, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và bảo hộ. Tuy nhiên, tại Việt Nam do tính chất phức tạp của loại hình quyền này, cũng như do nhận thức của các chủ thể có liên quan còn hạn chế nên công tác bảo hộ quyền của người biểu diễn gặp nhiều khó khăn. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ quyền của người biểu diễn, các chủ thể liên quan mà trước hết là người biểu diễn cần nắm vững các quy định pháp luật về quyền của người biểu diễn, cũng như lý giải được tại sao pháp luật công nhận quyền của người biểu diễn và điều kiện của người biểu diễn được bảo hộ. 2/- Khái niệm người biểu diễn: Một tác phẩm có thể đến với công chúng bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng thông qua người biểu diễn với sự cảm thụ và thể hiện sáng tạo của mình thì tác phẩm trở nên sinh động và có sức truyền thụ tới công chúng nhanh nhất. Chính vì vậy, dù các hình thức giải trí ngày càng đa dạng nhưng số lượng người biểu diễn không ngừng gia tăng và nền công nghiệp biểu diễn vẫn không ngừng phát triển. Người biểu diễn là cầu nối giữa tác giả và công chúng, góp phần truyền bá, lưu giữ và phát triển các tác phẩm có giá trị, do đó pháp luật đã công nhận và bảo hộ các quyền của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn của mình. Quy mô và tính chất cuộc biểu diễn không ảnh hưởng đến quyền của người biểu diễn. Cuộc biểu diễn có thể chỉ đơn giản có một người biểu diễn như nhạc công độc tấu một bản nhạc, cũng có thể có rất nhiều người biểu diễn cùng tham gia như một bộ phim, một vở kịch hay một buổi biểu diễn ca nhạc lớn. Để thực hiện một cuộc biểu diễn lớn như vậy thường cần có sự hợp tác của rất nhiều người nhưng chỉ những người trực tiếp trình diễn, thể hiện tác phẩm mới được coi là người biểu diễn và về nguyên tắc họ là chủ sở hữu quyền đầu tiên đối với cuộc biểu diễn. Những ai được coi là người biểu diễn được quy định rõ tại điều 3 (a) Công ước quốc tế bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (Công ước Rome): “Người biểu diễn là các diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và các người khác nhập vai, hát, đọc, ngâm, trình bày hoặc biểu diễn khác các tác phẩm văn học, nghệ thuật”. Trong Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (Hiệp ước WPPT) năm 1996, khái niệm người biểu diễn được mở rộng, ngoài những chủ thể tương tự được liệt kê trong Công ước Rome, người biểu diễn còn bao gồm người trình bày các hình thức thể hiện dân gian. Giống như mọi khái niệm pháp lý, khái niệm người biểu diễn không chỉ biến đổi theo thời gian mà còn có những khác biệt theo phạm vi lãnh thổ. Pháp luật các nước tuỳ thuộc điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội và kỹ năng lập pháp đã có những điều chỉnh trong việc đưa ra khái niệm người biểu diễn và cuộc biểu diễn, cũng như điều kiện để được bảo hộ quyền của người biểu diễn. Trên cơ sở khái niệm người biểu diễn của Công ước Rome, Điều 16 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam liệt kê các tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan theo pháp luật Việt Nam, trong đó quy định trực tiếp người biểu diễn gồm: “diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật”. 3/- Lý do bảo hộ quyền của người biểu diễn: Không khó để nhận ra người biểu diễn đã đóng góp không nhỏ sức sáng tạo trong quá trình biểu diễn các tác phẩm, vì vậy các công ước quốc tế, cũng như luật pháp các quốc gia đã thừa nhận và bảo hộ quyền của người biểu diễn. Tuy nhiên, mức độ bảo hộ của các nước không đồng nhất. Một số nước đã coi cuộc biểu diễn là một sản phẩm sáng tạo độc lập và người biểu diễn hưởng các quyền riêng biệt. Ví dụ, Luật Bản quyền, thiết kế và sáng chế năm 1988 của Anh quy định Quyền của người biểu diễn: “độc lập với bất cứ quyền tác giả, quyền nhân thân đối với tác phẩm được biểu diễn hay bất kỳ bộ phim, bản ghi âm, chương trình phát sóng, hoặc chương trình cáp nào có trong buổi biểu diễn và bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào khác …” Điều 7.1 Luật Bản quyền Đài Loan cũng khẳng định người biểu diễn trình diễn tác phẩm hoặc các thể hiện dân gian được bảo hộ độc lập. Việc bảo hộ quyền của người biểu diễn không ảnh hưởng đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Trong khi nhiều nước khác nhận định người biểu diễn chỉ đơn thuần trình diễn lại tác phẩm, mức độ sáng tạo thấp hơn so với các tác phẩm thông thường, do đó cho người biểu diễn được hưởng quyền đối với buổi biểu diễn của mình ở cấp độ thấp hơn dưới dạng quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi tắt là quyền liên quan). Ví dụ, tại Mục II Chương II Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam về nội dung, giới hạn quyền và thời hạn bảo hộ quyền liên quan đã liệt kê các đối tượng được bảo hộ quyền liên quan, trong đó Quyền của người biểu diễn được quy định tại Điều 29. Dù cuộc biểu diễn được bảo hộ như một sản phẩm sáng tạo độc lập hay như một đối tượng của quyền liên quan, việc bảo hộ quyền của người biểu diễn là rất cần thiết. Bởi sự phát triển của công nghiệp ghi âm, công nghiệp điện ảnh và đặc biệt gần đây là Internet đã giúp người biểu diễn định hình, sao chép và truyền phát cuộc biểu diễn của mình tới đông đảo công chúng một cách nhanh chóng, nhưng cũng chính những bản sao cuộc biểu diễn đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng kiểm soát công chúng tiếp cận với cuộc biểu diễn. Nếu như đối với buổi biểu diễn trực tiếp chỉ cần thông qua kiểm soát vé vào cửa là có thể khống chế được công chúng tiếp cận buổi biểu diễn, thì nay với vô số bản sao băng từ hay bản lưu dưới dạng điện tử, khả năng kiểm soát và khống chế các cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng và khai thác cuộc biểu diễn của người biểu diễn bị thu nhỏ, khả năng thụ hưởng thù lao, thu hồi chi phí và đầu tư cho cuộc biểu diễn bị đe doạ. Vì vậy yêu cầu bảo hộ quyền của người biểu diễn càng trở nên bức thiết. Mặt khác, việc bảo hộ quyền liên quan, trong đó có quyền của người biểu diễn, góp phần củng cố và hoàn thiện cơ chế bảo hộ quyền tác giả. Khi quyền của người biểu diễn được bảo hộ, người biểu diễn nhận được thù lao tương xứng với công sức đã bỏ ra trong quá trình thể hiện, truyền bá tác phẩm sẽ càng nỗ lực truyền tải các sản phẩm sáng tạo của các tác giả, nâng cao giá trị của các tác phẩm. Đồng thời khi biểu diễn các tác phẩm, người biểu diễn trước tiên phải tuân thủ các nghĩa vụ xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả theo quy định của pháp luật, khi đó tác giả được thụ hưởng các quyền mà pháp luật cho phép. 4/- Cuộc biểu diễn được pháp luật bảo hộ: Các công ước quốc tế và pháp luật các quốc gia đã công nhận và quy định về quyền của người biểu diễn. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người tham gia cuộc biểu diễn nào cũng đều là đối tượng được bảo hộ quyền liên quan. Theo quan điểm của luật sở hữu trí tuệ, chỉ những người tham gia vào cuộc biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học mới được hưởng các quyền của người biểu diễn. Để xác định thế nào là một tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học lại cần đối chiếu với khái niệm tác phẩm theo quy định của pháp luật từng nước. Theo luật Việt Nam, tác phẩm là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” (khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Do đó, mọi thành quả của quá trình sáng tạo trong văn học, nghệ thuật hay khoa học đã được định hình đều có thể trở thành đối tượng để biểu diễn và người biểu diễn các thành quả đó sẽ được hưởng các quyền của người biểu diễn theo quy định pháp luật. Theo nguyên tắc hiệu lực lãnh thổ của luật bản quyền, nơi thực hiện cuộc biểu diễn cũng là một trong những điều kiện bảo hộ cuộc biểu diễn. Pháp luật các nước thường chỉ bảo hộ cuộc biểu diễn của công dân nước mình, cuộc biểu diễn được thực hiện trên phạm vi lãnh thổ quốc gia mình và các trường hợp khác tuỳ thuộc vào các Hiệp định song phương hoặc đa phương về các vấn đề có liên quan mà quốc gia tham gia hoặc ký kết. Khoản 1 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định với các cuộc biểu diễn mà người biểu diễn là công dân Việt Nam dù được thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài đều được Pháp luật Việt Nam bảo hộ. Ngoài ra, cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam cũng được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam và một số trường hợp cụ thể khác theo quy định của pháp luật. CHƯƠNG II NỘI DUNG CÁC QUYỀN CỦA NGƯỜI BIỂU DIỄN Khi thoả mãn các điều kiện luật định thì người biểu diễn được hưởng các quyền đối với cuộc biểu diễn của họ. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền của người biểu diễn gồm có quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân là những quyền người biểu diễn không thể chuyển giao và được bảo hộ vô thời hạn. Theo quy định của khoản 2 Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây: “a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát song cuộc biểu diễn; b) Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn”. Nếu người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì còn được hưởng các quyền tài sản là độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền: “a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình; b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đó được định hình trên bản ghi âm, ghi hình; c) Phát song hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng; d) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được” (khoản 3 Điều 29). Người biểu diễn thông qua việc thực hiện hoặc cho phép thực hiện hay chuyển giao các quyền tài sản để thu các lợi ích kinh tế. Pháp luật quy định tổ chức, cá nhân muốn sử dụng khai thác cá quyền này thì phải xin phép và trả thù lao cho chủ sở hữu quyền là hoàn toàn hợp lý. Chỉ khi người biểu diễn, nhà đầu tư thu được lợi ích tương xứng mới có thể khuyến khích họ tiếp tục đầu tư, sáng tạo các sản phẩm trí tuệ nói chung, cũng như cuộc biểu diễn có giá trị xã hội và nghệ thuật nói riêng. Nhưng đồng thời để đảm bảo cho công chúng được quyền tiếp cận với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học có giá trị, mà trực tiếp là các cuộc biểu diễn, nhằm đạt được mục đích tối cao của Luật sở hữu trí tuệ là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cũng như các loại hình quyền khác, quyền tài sản của người biểu diễn được bảo hộ có thời hạn. Thời hạn bảo hộ quyền tài sản của người biểu diễn là năm mươi năm, chính xác là đến 24 giờ ngày 31 tháng 12 năm thứ năm mươi, tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình. Đồng thoèi, trong những trường hợp luật định, tổ chức cá nhân được phép khai thác, sử dụng bản ghi âm cuộc biểu diễn mà không phải xin phép nhưng vẫn phải trả thù lao cho chủ sở hữu quyền của người biểu diễn. Các trường hợp này được quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát song, sử dụng trong hoạt động kinh doanh thương mại … Tuy nhiên, các quyền của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn không phải luôn luôn thuộc về người biểu diễn. Ngoài các quyền nhân than là quyền không thể chuyển giao, chủ sở hữu quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn có thể là tổ chức, cá nhân khác được chuyển giao quyền hoặc tổ chức, cá nhân đã đầu tư tài chính, kinh phí và cơ sở vật chất để thực hiện cuộc biểu diễn. Khi đó người biểu diễn chỉ còn lại các quyền nhân thân, còn chủ sở hữu quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn được quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền tài sản theo luật định. Các quyền tài sản gắn liền và là cơ sở pháp lý để khai thác các lợi ích kinh tế từ cuộc biểu diễn, do đó trong hợp đồng chuyển giao quyền hay hợp đồng biểu diễn cần xác định rõ chủ sở hữu quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn. Trên thực tế, tại Việt Nam trong những năm trước đây, khi thực hiện cuộc biểu diễn, ghi âm cuộc biểu diễn các bên thường thiếu thoả thuận bằng văn bản đối với vấn đề này, dẫn đến phát sinh tranh chấp trong quá trình khai thác và sử dụng cuộc biểu diễn, đặc biệt đối với việc sử dụng lại bản ghi âm cuộc biểu diễn vào mục đích thương mại. Quyền của người biểu diễn và quyền biểu diễn là hai khái niệm riêng biệt. Quyền của người biểu diễn thuộc phạm vi quyền liên quan. Còn quyền biểu diễn mà chính xác là quyền biểu diễn công cộng là một trong những quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả. Quyền này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ và được giải thích rõ hơn tại Điều 23 Nghị định 100/2006/ND-CP, theo đó quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Quy định này phù hợp với quy định tại Điều 11 (1) Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học về quyền đối với tác phẩm kịch và âm nhạc: “Tác giả các tác phẩm kịch, nhạc kịch và ca nhạc giữ độc quyền cho phép: biểu diễn và hoà tấu công cộng tác phẩm của mình, kể cả hoà tấu công cộng bằng tất cả mọi phương pháp hay kỹ thuật; truyền phát tới công chúng buổi biểu diễn và hoà tấu đó bằng bất kỳ phương pháp nào”. Như vậy, việc trình bày tác phẩm, phát sóng hay làm cho công chúng có thể tiếp cận được tác phẩm đều thuộc phạm vi quyền biểu diễn và các quyền này được quy định rõ ràng hơn tại Điều 11 bis, Điều 14, 14 bis và 14 ter Công ước Rome. Khi tổ chức, cá nhân muốn biểu diễn một tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học đến công chúng phải xin phép và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, trong những trường hợp pháp luật quy định không phải xin phép thì phải trả tiền bản quyền cho việc sử dụng quyền biểu diễn theo quy định. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với nhiều loại hình tác phẩm, nhưng trong thực tế chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là đối tượng khai thác và được hưởng lợi nhiều nhất từ quyền này. CHƯƠNG III CÁC GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã quy định cụ thể các quyền của người biểu diễn. Nhưng để các quy định pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, người biểu diễn thực sự được thụ hưởng các quyền mà pháp luật cho phép, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công chúng và trước hết là người biểu diễn để từ đó hình thành ý thức tôn trọng, khai thác và sử dụng hợp pháp quyền của người biểu diễn. Chỉ khi các chủ sở hữu quyền hiểu rõ các quy định pháp luật và biết cách tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì công tác bảo hộ quyền của người biểu diễn mới đạt hiệu quả cao. Khác với các loại hình quyền khác, quyền của người biểu diễn là quyền độc lập nhưng được hình thành và khai thác trong mối quan hệ đa dạng và phức tạp giữa người biểu diễn, tác giả tác phẩm được biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, các hãng phim và các nhà đầu tư cho cuộc biểu diễn. Vì vậy khi thực hiện cuộc biểu diễn người biểu diễn cần đặc biệt lưu ý thoả thuận và làm rõ trong hợp đồng mối quan hệ cũng như quyền và nghĩa vụ giữa người biểu diễn với nhau, người biểu diễn với tác giả và người biểu diễn với người sản xuất. Các thoả thuận hợp đồng sẽ giúp giảm thiểu tranh chấp và đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết nếu tranh chấp phát sinh. Quyền của người biểu diễn có thể được thực hiện trực tiếp bởi từng nghệ sĩ nhưng một cá nhân riêng lẻ, đặc biệt trong điều kiện môi trường kỹ thuật số khó có thể kiểm soát và quản lý toàn bộ việc khai thác, sử dụng cuộc biểu diễn và bản ghi âm cuộc biểu diễn của mình. Vì vậy, việc thành lập một tổ chức nghề nghiệp hay hiệp hội chịu trách nhiệm quản lý tập thể quyền của người biểu diễn góp phần tăng cường hiệu quả công tác bảo hộ loại hình quyền này. Với thực trạng người biểu diễn tại Việt Nam có thể là một lao động trong biên chế nhà nước, là lao động của một doanh nghiệp ngoài quốc doanh hay một lao động tự do, cần thiết thành lập một tổ chức quản lý tập thể quyền của người biểu diễn, tổ chức này có thể là đại diện và quản lý quyền cho người biểu diễn thuộc mọi thành phần kinh tế và hoạt động biểu diễn trong mọi lĩnh vực. KẾT LUẬN Trên đây là bài nghiên cứu của tác giả về đề tài “ Nội dung các quyền của người biểu diễn”. Trong quá trình thực hiện đề tài, với vốn kiến thức chuyên môn còn hạn chế nên không thể tránh khỏi những thiếu sót, tác giả hy vọng cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan về nội dung của các quyền của người biểu diễn. Tác giả xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn và chỉ bảo ân cần của PGS. TS Vũ Chí Lộc đã hướng dẫn kiến thức môn học Sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế và hoàn thiện đề tài này. DANH SÁCH TÀI LIỆU THAM KHẢO Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 Công ước Berne năm 1886 Công ước Rome năm 1961 Website : www.hlu.edu.vn Website : www.cov.gov.vn MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU……..………………………………………………………….. 1 Chương I. Những lý luận chung về quyền của người biểu diễn…..………….. 2 1. Quyền của người biểu diễn………………………………………………… 2 2. Khái niệm người biểu diễn………………………...………………………. 2 3. Lý do bảo hộ quyền của người biểu diễn………………………………….. 3 4. Cuộc biểu diễn được pháp luật bảo hộ…………………………………….. 5 Chương II. Nội dung các quyền của người biểu diễn………………………... 7 Chương III. Các giải pháp, kiến nghị………………………………………... 11 KẾT LUẬN. ………………………………………………………………....13 DANH SÁCH TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………………… 14

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNội dung các quyền của người biểu diễn.doc
Tài liệu liên quan