Thời cuộc đã thay đổi, người ta “vứt bút lông đi viết bút chì”; lãng quên, dửng dưng, xa lạ là những thái độ vô tình và tàn nhẫn của những người thế hệ mới với những nếp cũ, người xưa. Sự hiện diện của ông đồ với những đồ nghề viết chữ không còn ý nghĩa mỗi khi tết đến nữa không phải vì cuộc sống đông đúc chen chúc khiến mọi người không nhìn thấy ông mà bởi quan trọng là trong tâm thức của họ đã không còn nghĩ đến những câu đối, những người viết chữ để làm đẹp cho ngày xuân nữa. Lá vàng rơi trên những tờ giấy phai màu và không gian điểm những giọt mưa bụi càng làm cho khung cảnh vây quanh ông đồ thêm hiu hắt. Cách nói truyền thống khi nói về sự lụi tàn, kết thúc vốn quen dùng hình ảnh những chiếc lá vàng rơi gợi nên cảm giác buồn man mác của một sự suy tàn và cách nói ấy đặt trong khung cảnh của bài thơ thật thích hợp để nói lên tâm trạng của thi sĩ với cái nhìn nuối tiếc mà trân trọng những giá trị đã trở thành quá khứ. Buồn, vương vấn nhưng cuối cùng thi sĩ vẫn phải trở lại đối diện với thực tại vì một mùa xuân mới lại về, mùa xuân hoàn toàn vắng bóng ông đồ thuở trước:
6 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2298 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Ông đồ của Vũ Đình Liên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ông Đồ
Vũ Đình Liên.
Có lẽ trong ký ức của những người đã qua thời cắp sách đến trường mỗi lần tết đến xuân về, nhìn thấy cảnh phố xá trang hoàng rực rỡ lại nhớ đến những câu thơ trong bài Ông đồ của Vũ Đình Liên- một bài thơ sống với thời gian bởi cái dung dị sâu lắng mà có sức ám ảnh với độc giả bao thế hệ. Viết và thưởng thức câu đối- một nét đẹp “ vang bóng một thời ” trong truyền thống của dân tộc lại bừng sáng qua những câu thơ ngắn mà hàm chứa bao nỗi niềm...
Vào những năm đầu thế kỷ XX, cuộc chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội Việt Nam đã dẫn đến những thay đổi lớn trong đời sống tinh thần và văn học cũng nằm trong quy luật ấy. Trong tâm lí sáng tạo và thưởng thức văn học đã tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hoá phương Tây một cách mạnh mẽ. Vũ Đình Liên vẫn là một nhà thơ cũ giữa làng thơ Mới nhưng có lẽ chính buổi xã hội và văn hoá giao thời ấy đã chạm đến những rung cảm sâu xa về lòng thương người và nhớ cảnh cũ người xưa trong tâm khảm thi nhân để lại cho đời một bài thơ khắc tên ông trên văn đàn Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc sống đổi thay, khi mà người ta không còn “vui cái vui thuở trước, buồn cái buồn thuở trước”, những giá trị truyền thống dần lui vào quá khứ nhường bứơc cho cái mới thâm nhập, bao trùm đời sống xã hội, “Ông đồ” là một cách ứng xử đẹp của một lớp hậu thế đối với nền Nho học đã xa thời hoàng kim.
Cùng nằm trong vùng văn hoá á Đông lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của tiếp xúc, giao lưu với văn hoa Trung Hoa, chữ Hán và nền Nho học đã du nhập vào Việt Nam. Việc viết và chơi câu đối cũng được đưa đến đất Việt, ngấm dần thành một cách tự nhiên thành nét văn hoá dân tộc trong mỗi dịp tết đến xuân về. Đó cũng là một cách làm giàu văn hoá dân tộc một cách sáng tạo khi du nhập, chắt lọc những yếu tố văn hoá nước ngoài. Đến tết, nhà nhà lại tìm đến những nhà nho, thầy đồ xin hoặc mua câu đối treo trong nhà để thưởng thức cái hay cái đẹp của chữ nghĩa và cũng là mong cầu những điều tốt lành trong năm mới như một thú chơi tao nhã không thể thiếu. Đã hàng trăm năm, cái nếp ấy trở thành một nét đẹp làm nên phong vị Tết cổ truyền dân tộc nhưng rồi trước thời cuộc mới, nó nhanh chóng trở nên lạc lõng và bị lãng quên, chỉ còn nhà thơ là nhắc nhớ với một nỗi day dứt, khắc khoải:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.
ấy là tác giả đang nói về cái thời vàng son của tục chơi câu đối tết. Khi ấy, trong tâm thức của mỗi người Việt, nói đến tết là nói đến: Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Trong nhà mỗi gia đình Việt, ở vị trí trang trọng nhất là câu đối được đem về khi chuẩn bị sang xuân và treo suốt cả một năm. Câu đối trở thành một thành tố thiêng liêng về mặt tinh thần trong những yếu tố đặc trưng của ngày tết kể trên. Khi ấy, ông đồ cũng là một người được xã hội trọng vọng, kính nể bởi cái tài chữ nghĩa, cái phong thái ung dung, câu chữ thâm thuý, tài hoa mà ông làm đẹp cho đời. Chính vì vậy, đã thành một nếp quen thuộc, mỗi khi tết đến, người ta lại thấy bên những con phố tấp nập là ông đồ già với bút, mực, giấy để “ trình làng” những câu đối hay và đẹp mắt. Từ một cây bút lông, nghiên mực tàu và những tờ giấy đỏ được cắt xén thành hình chữ nhật dài để treo tường, những câu đối tấp nập theo chân người đến với mỗi nhà. Người người tìm đến cái góc mà ông đồ ngồi viết để xin chữ và mua câu đối, có được câu đối đẹp có khi là niềm hân hoan suốt cả tết của những chủ nhà mỗi khi khách đến thăm và chiêm ngưỡng, trầm trồ. Đó cũng là lí do mà ông đồ trở thành nhân vật quan trọng làm đẹp cho nhà nhà mỗi khi tết đến và người ta vây quanh ông, tấm tắc ngợi khen cái tài của thầy đồ:
“ Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
Ngày ấy, người ta kính cẩn nghiêng mình trước sự uyên bác, tài hoa của những nho sĩ bởi họ là những người học sâu hiểu rộng và bởi những nét bút tài hoa thể hiện qua câu chữ cái khí phách của người cầm bút. Hình tượng phượng múa rồng bay vốn là những hình tượng được ví với bậc chính nhân quân tử thời kỳ phong kiến thể hiện cái khí phách và sức mạnh phi thường và cũng là những hình ảnh được nhắc đến nhiều trong thơ văn, trạm trổ trên các công trình kiến trúc và ngấm vào cách suy nghĩ, diễn đạt của người xưa như một thành ngữ....Đó là một hình ảnh giàu sức gợi nên không cần nói nhiều, chỉ nhắc đến thôi người đọc cũng đủ hình dung ra phong cách, nét chữ rồi. Chữ viết sánh với phượng múa rồng bay khẳng định sự thuần thục, tài tình, điêu luyện của ngòi bút thầy đồ trong thiên hạ. Chính bởi cái danh ấy mà thầy đồ có thể viết chữ, câu đối, làm đẹp cho đời qua nhiều cái tết. Tuy vậy, thế giới vẫn tồn tại quy luật phủ định khắc nghiệt mà nền Nho học với những thầy đồ cũng không tránh khỏi được. Khi người ta biết đến chữ quốc ngữ, những thứ trang hoàng lộng lẫy, những thú chơi mới du nhập từ xã hội hiện đại phương Tây ào đến làm mưa làm gió, lối chơi chữ, câu đối dần bị lãng quên:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”...
Thời gian dần qua, người tìm đến ông đồ mua câu đối càng thưa thớt bởi họ tìm đến những phong trào học theo lối sống và văn hoá phương Tây, nhất là ở thành thị và dửng dưng với những câu đối một thời họ tấm tắc khen ngợi. ấy là lúc những công cụ để làm nên câu đối với ông đồ già vẫn mong chờ nhưng ngày càng vắng bóng những người muốn câu chữ kia chắp cánh và chỉ có sự tàn nhẫn của thời gian làm phai màu giấy thắm, làm khô cứng nghiên mực để lâu ngày không được hoà tan vui múa cùng ngòi bút .
Một khung cảnh hiu quạnh của ngày cuối năm càng làm cho nỗi buồn của những nhà Nho cuối mùa lắng đọng và nặng nề hơn:
“Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài trời mưa bụi bay.”
Thời cuộc đã thay đổi, người ta “vứt bút lông đi viết bút chì”; lãng quên, dửng dưng, xa lạ là những thái độ vô tình và tàn nhẫn của những người thế hệ mới với những nếp cũ, người xưa. Sự hiện diện của ông đồ với những đồ nghề viết chữ không còn ý nghĩa mỗi khi tết đến nữa không phải vì cuộc sống đông đúc chen chúc khiến mọi người không nhìn thấy ông mà bởi quan trọng là trong tâm thức của họ đã không còn nghĩ đến những câu đối, những người viết chữ để làm đẹp cho ngày xuân nữa. Lá vàng rơi trên những tờ giấy phai màu và không gian điểm những giọt mưa bụi càng làm cho khung cảnh vây quanh ông đồ thêm hiu hắt. Cách nói truyền thống khi nói về sự lụi tàn, kết thúc vốn quen dùng hình ảnh những chiếc lá vàng rơi gợi nên cảm giác buồn man mác của một sự suy tàn và cách nói ấy đặt trong khung cảnh của bài thơ thật thích hợp để nói lên tâm trạng của thi sĩ với cái nhìn nuối tiếc mà trân trọng những giá trị đã trở thành quá khứ. Buồn, vương vấn nhưng cuối cùng thi sĩ vẫn phải trở lại đối diện với thực tại vì một mùa xuân mới lại về, mùa xuân hoàn toàn vắng bóng ông đồ thuở trước:
“ Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa,
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ? ”
Trong xã hội mới, cuộc sống mới đã không còn chỗ cho ông đồ, vì thế, sự biến mất của ông là một tất yếu nhưng dường như vẫn gây nên cảm giác ngỡ ngàng, thiếu vắng với tác giả, người đang nhìn lại thời hoàng kim của Nho học một cách trân trọng và day dứt bởi cái tình của một thế hệ kế cận với bậc đàn anh lớp trước trong buổi giao thời vẫn còn nặng lắm. Câu hỏi đặt ra cuối cùng như muốn tìm lại, níu lại một thời, một thế hệ đã qua hay muốn tìm lại những tâm hồn trong buổi cũ về chứng kiến để xẻ chia nỗi lòng với những người hôm nay, đó là câu hỏi không lời đáp. Chỉ có thi sĩ là người đang nói theo lối dung dị cũ, cảm theo cách cảm của người xưa về một giá trị truyền thống đang bị đổi thay, quên lãng để rồi ông trở thành một cái tên còn đựơc nhắc đến ngày hôm nay vì chính bài thơ tuyệt bút này.
Ngày nay, câu đối tết vẫn còn được nhắc đến, người ta làm câu đối bằng những máy móc hiện đại với công nghệ in phun như là những mô hình để người đời nay tưởng tượng về một nét văn hoá của thời đã qua. Những ông đồ xưa được gợi lại trong ký ức và ở nơi làng quê đâu đó vẫn có những người già hay chữ Hán trổ tài nghiên bút mỗi dịp hội hè đình đám. Không ai có thể trách đựơc thế hệ sau không duy trì nguyên nếp truyền thống văn hoá cũ bởi mỗi thời mỗi khác, khi con người ta ngày càng bận rộn với cuộc sống công nghiệp thì việc nhắc và nhớ đến những truyền thống của dân tộc một cách trân trọng là một điều đáng quý. Tâm thức, ứng xử với cuộc sống mới và các hiện tượng văn hoá ngày càng đa dạng và mới mẻ trong cuộc sống hiện đại sẽ tạo nên những giá trị văn hoá tương ứng bồi đắp vào nền văn hoá của dân tộc và những giá trị văn hoá truyền thống sẽ được lưu giữ, truyền tụng cho đời sau bởi những người con yêu đất Việt.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- VHDOCS 46.doc