Nguyên tắc đánh thuế phải đảm bảo dễ hiểu, đạt hiệu quả.
Nguyên tắc này gồm hai nội dung, thứ nhất là các loại thuế phải đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu cho mọi đối tượng và có tính ổn định. Thứ hai, hệ thống thuế phải được tổ chức sao cho chi phí quản lý thu thuế không cao hơn mức mà mục tiêu đề ra cho phép, phải đảm bảo số thu đủ như dự tính, hạn chế tình trạng giam lận thuế, thất thoát thuế.
Nguyên tắc đảm bảo dễ hiểu, đạt hiệu quả có tầm quan trọng khi ban hành một văn bản pháp luật về thuế, văn bản giải thích, hướng dẫn cho các đối tượng có liên quan. Trong việc xây dựng cấu trúc thuế, nội dung và ngôn từ của một đạo luật thuế phải đảm bảo tính dễ hiểu cho mọi đối tượng và cần phải được thực hiện trong một thời gian dài, ổn định. Nguyên tắc này cũng có ý nghĩa trong việc xác định trình tự, quy trình, nội dung quản lý thu nộp thuế. Việc ban hành một loại thuế phải tính tới mối tương quan giữa tổng thu dự tính đạt được và chi phí dự tính phải trả cho việc thu và quản lý thuế. Tránh không được để xảy ra việc mức phí bỏ ra cho hoạt động thu một loại thuế nào đấy cao hơn mức thuế thu được.
4 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 6583 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Phân tích các nguyên tắc đánh thuế và việc vận dụng nguyên tắc này trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu
Như chúng ta đã biết, thuế là khoản thu nộp mang tính chất bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Việc thu thuế liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người nộp thuế cũng như nhà nước. Vì vậy mà việc thu nộp thuế phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định sao cho lợi ích của cả hai bên chủ thể là người nộp thuế và nhà nước đều được đảm bảo. Trong phạm vi bài tập này em xin phân tích các nguyên tắc đánh thuế và việc vận dụng nguyên tắc này trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Nội dung
Nguyên tắc đánh thuế của nhà nước là hệ thống quan điểm chỉ đạo chi phối sâu sắc việc đề ra hoặc xóa bỏ hệ thống thuế của một quốc gia, có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình vận hành của hệ thống pháp luật thuế. Việc đánh thuế cần phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây:
1.Nguyên tắc đánh thuế công bằng.
Nội dung của nguyên tắc đánh thuế công bằng là mọi đối tượng có năng lực chịu thuế đều phải nộp thuế và mọi người có điều kiện liên quan đến thuế như nhau thì phải được đối xử về thuế như nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau về điều kiện thì những đối tượng khác nhau nhưng cùng loại phải được đối xử với nhau tương xứng. Với những đối tượng được khuyến khích, ưu đãi khi có đủ điều kiện họ cũng được hưởng sự đối xử ưu đãi tương ứng.
Ý nghĩa của nguyên tắc: Nguyên tắc công bằng phải được thể hiện xuyên suốt hệ thống pháp luật thuế vì đây không chỉ là nguyên tắc của thuế nói chung mà còn là nguyên tắc cơ bản để xây dựng hệ thống pháp luật về thuế. Dựa trên nguyên tắc công bằng, khi xây dựng hệ thống pháp luật thuế chỉ cần xác định những điều kiện chịu thuế mà không phải chỉ ra đối tượng cụ thể. Tất cả các tổ chức, cá nhân khi đáp ứng đủ điều kiện thì đều được đối xử như nhau.
Trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nguyên tắc công bằng được thể hiện: Tại Điều 4 Luật TTTĐB có quy định chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy mọi chủ thể mà sản xuất hoặc nhập khẩu các hàng hóa và kinh doanh dịch vụ quy định tại Điều 2 Luật TTTĐB thì đều có nghĩa vụ nộp thuế. Và các cơ quan chức năng có trách nhiệm thu thuế của tất cả các chủ thể nếu thuộc đối tượng phải nộp thuế. Các chủ thể sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ cùng loại sẽ phải chịu một mức thuế suất như nhau quy định tại Điều 7 Luật TTTĐB. Ngoài ra tại điều 9 quy định về trường hợp được giảm thuế, đối với những đối tượng phải nộp thuế TTĐB khi đáp ứng điều kiện được xét giảm thuế thì đều có quyền được hưởng như nhau.
2.Nguyên tắc đánh thuế đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế.
Nội dung của nguyên tắc này là thuế phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước đồng thời phải đảm bảo lợi ích của người nộp thuế, không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Việc đánh thuế phải hợp lý, có sự hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc này xuất phát từ thực tế suy cho đến cùng cho dù là thuế trực thu hay gián thu thì loại thuế đó cũng sẽ đánh vào đông đảo dân cư trong xã hội đó là người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống của người lao động không được đảm bảo, nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp, làm tăng nguy cơ trốn thuế, từ đó lại ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước.
Nguyên tắc đánh thuế này có ý nghĩa pháp lý quan trọng khi xác định những nội dung cụ thể của đạo luật thuế, xác định cơ cấu hệ thống pháp luật thuế. Cụ thể, việc xác định thuế suất, biểu thuế cần phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nộp thuế và nhà nước. Việc ban hành một loại thuế mới không chỉ đơn thuần xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của chính phủ mà phải được tính toán trên cơ sở tổng số tiền thuế đã phải trả của người dân ở hiện tại và tương lai, thu nhập của người dân trên tổng số tiền thuế mà họ phải trả…
Nguyên tắc đánh thuế đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của nhà nước và người nộp thuế được thể hiện trong quy định về đối tượng chịu thuế và thuế suất thuế TTĐB. Với vai trò điều tiết thu nhập và hướng dẫn tiêu dùng trong xã hội theo định hướng của nhà nước, Luật Thuế TTĐB quy định đối tượng chịu thuế chủ yếu là những loại hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước không khuyến khích, hạn chế tiêu dùng hoặc cần điều tiết như thuốc lá, rượu, bia, vàng mã, ô tô…kinh doanh dịch vụ vũ trường, mát-xa, casinô, gôn… Quy định này là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta cũng như thông lệ quốc tế. Nó vừa tạo nguồn thu cho nhà nước vừa không ảnh hưởng đến tiêu dùng của đại bộ phận người lao động. Ví dụ: Thuế TTĐB chỉ đánh vào xe môtô 2 bánh, môtô 3 bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3. Quy định này là phù hợp, nó không ảnh hưởng đến các đối tượng sử dụng xe máy là người lao động vì theo nghiên cứu thì xe môtô có dung tích xi lanh trên 125 cm3 chủ yếu là các loại xe tay gas, có giá trị lớn, chủ yếu được sử dụng và lưu thông ở các thành phố lớn, người sử dụng phần đông là bộ phận dân cư có thu nhập cao. Đối với mặt hàng ôtô thuế TTĐB chỉ đánh vào ôtô dưới 24 chỗ ngồi để khuyến khích việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng đồng thời Luật đã quy định các mức thuế suất thuế TTĐB đối với ôtô khác nhau theo số chỗ ngồi và dung tích xi lanh. Ví dụ đối với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống mức thuế suất phân biệt theo dung tích xi lanh, dung tích xi lanh càng lớn mức thuế suất càng cao(). Việc thực hiện theo các mức thuế suất đối với ôtô dưới 9 chỗ ngồi không ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước bởi hiện nay các loại xe sản xuất trong nước dưới 24 chỗ ngồi chủ yếu có dung tích xi lanh dưới 2000 cm3, các loại xe có dung tích trên 2000 cm3 (loại phải chịu mức thuế suất cao hơn) chiếm tỉ trọng nhỏ, chủ yếu là xe nhập khẩu từ nước ngoài. Quy định này phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết tiêu dùng và góp phần tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất trong nước.
3.Nguyên tắc đánh thuế phải đảm bảo dễ hiểu, đạt hiệu quả.
Nguyên tắc này gồm hai nội dung, thứ nhất là các loại thuế phải đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu cho mọi đối tượng và có tính ổn định. Thứ hai, hệ thống thuế phải được tổ chức sao cho chi phí quản lý thu thuế không cao hơn mức mà mục tiêu đề ra cho phép, phải đảm bảo số thu đủ như dự tính, hạn chế tình trạng giam lận thuế, thất thoát thuế.
Nguyên tắc đảm bảo dễ hiểu, đạt hiệu quả có tầm quan trọng khi ban hành một văn bản pháp luật về thuế, văn bản giải thích, hướng dẫn cho các đối tượng có liên quan. Trong việc xây dựng cấu trúc thuế, nội dung và ngôn từ của một đạo luật thuế phải đảm bảo tính dễ hiểu cho mọi đối tượng và cần phải được thực hiện trong một thời gian dài, ổn định. Nguyên tắc này cũng có ý nghĩa trong việc xác định trình tự, quy trình, nội dung quản lý thu nộp thuế. Việc ban hành một loại thuế phải tính tới mối tương quan giữa tổng thu dự tính đạt được và chi phí dự tính phải trả cho việc thu và quản lý thuế. Tránh không được để xảy ra việc mức phí bỏ ra cho hoạt động thu một loại thuế nào đấy cao hơn mức thuế thu được.
Biểu hiện của nguyên tắc trong Luật TTTĐB: Các quy định của Luật TTTĐB được quy định rất đơn giản, dễ hiểu trong 11 điều luật. Trong đó các nội dung quan trọng như đối tương chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất được quy định rất cụ thể, rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu. Mỗi loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB được quy định một loại thuế suất khác nhau trong biểu thuế suất đảm bảo cho mọi đối tượng đều có thể hiểu và áp dụng. Như đối với mặt hàng rượu, nếu như trước đây thuế suất quy định theo nồng độ cồn với các mức: rượu từ 40 độ trở lên thuế suất 65%, rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ thuế suất 30%, rượu dưới 20 độ, rượu thuốc, rượu hoa quả thuế suất 20% thì hiện nay, trong Luật Thuế TTĐB chỉ quy định hai mức thuế suất là 25% đối với rượu dưới 20 độ và 45% (từ ngày 1/1/2013 là 50%) đối với rượu từ 20 độ trở lên. Đối với mặt hàng rượi thuốc, rượu hoa quả Luật cũng áp dụng thuế suất theo độ cồn như các loại rượu khác để đảm bảo sự minh bạch của chính sách và hạn chế tình trạng gian lận thuế trong thực hiện.
4.Nguyên tắc đánh thuế một lần trong một kỳ tính thuế.
Theo nguyên tắc này việc đánh thuế phải đảm bảo không xảy ra tình trạng một đối tượng tính thuế phải chịu một loại thuế nhiều lần. Nguyên tắc này đặt ra yêu cầu hệ thống pháp luật thuế cần phải có sự “bóc tách” những phần của đối tượng tính thuế đã nằm trong diện chịu loại thuế đó ở giai đoạn trước. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật thuế giữa các quốc gia, nhất là trong thời kì hội nhập này, cũng cần tính tới khả năng các nhà đầu tư, công dân của quốc gia này nhưng có đối tượng tính thuế ở một quốc gia khác.
Đối với Thuế TTĐB nguyên tắc này thể hiện ở chỗ thuế TTĐB chỉ đánh một lần duy nhất ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu. Nếu ở khâu sản xuất chưa bị đánh thuế thì thuế TTĐB sẽ được đánh ở khâu tiêu dùng. Theo Điều 4 Luật thuế TTĐB thì trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế TTĐB. Một quy định nữa thể hiện nguyên tắc này trong Luật thuế TTĐB đó là người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB mà nguyên liệu đã nộp thuế TTĐB nếu có chứng từ hợp pháp thì được khấu trừ số thuế đã nộp đối với nguyên liệu khi xác định số thuế TTĐB phải nộp ở khâu sản xuất (khoản 2 Điều 8). Như vậy sẽ đảm bảo cho người sản xuất không phải chịu hai lần thuế TTĐB đối với những sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu chịu thuế TTĐB.
Kết luận
Qua việc phân tích các nguyên tắc đánh thuế, ta có thể thấy hệ thống pháp luật về thuế cũng như hoạt động thu thuế cần phải tuân thủ tối đa các nguyên tắc để hoạt động có hiệu quả, đảm bảo lợi ích giữa đối tượng chịu thuế và nhà nước. Nhà nước Việt Nam xác định những nguyên tắc pháp lý cơ bản nêu trên như những yêu cầu xuyên suốt trong việc ban hành pháp luật, tổ chức và quản lý thu thuế. Mặc dù hệ thống pháp luật thuế ở nước ta còn nhiều điểm chưa hoàn thiện song Nhà nước luôn nỗ lực sửa đổi và hoàn thiện để có thể xây dựng một hệ thống pháp luật thuế ngày càng hoàn thiện, đảm bảo tôn trọng những nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích các nguyên tắc đánh thuế và việc vận dụng nguyên tắc này trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.doc