Việc ban hành và áp dụng thuế tài nguyên đã tác động tích cực tới tổ chức và cá nhân khai thác và sử dụng tài nguyên, góp phần tạo ý thức khai thác và sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Đồng thời, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để có thể đầu tư cho việc giữ gìn và phát triển tài nguyên, môi trường. Hàng năm, thuế tài nguyên đóng góp khoảng 1% trên tổng số thu ngân sách nhà nước(5). Đây là nguồn thu không nhỏ nếu chúng ta so sánh với nguồn thu từ các sắc thuế khác như thuế nhà đất, đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất hay thuế sử dụng đất nông nghiệp.
10 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3825 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Phân tích, làm sáng tỏ đối tượng tính thuế của thuế tài nguyên theo pháp luật hiện hành - Những khó khăn và ý kiến pháp lý nhằm khắc phục trong quá tr, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI LÀM
I. Phân tích đối tượng tính thuế của thuế tài nguyên
1. Đối tượng tính thuế của thuế tài nguyên
Theo Điều 2 Luật Thuế Tài nguyên năm 2009, đối tượng chịu thuế tài nguyên bao gồm:
Điều 2. Đối tượng chịu thuế.
1. Khoáng sản kim loại.
2. Khoáng sản không kim loại.
3. Dầu thô.
4. Khí thiên nhiên, khí than.
5. Sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật.
6. Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển.
7. Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất.
8. Yến sào thiên nhiên.
9. Tài nguyên khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản thường tập trung trong một khu vực gọi là mỏ khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của loài người và khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản có tác động mạnh mẽ đến môi trường sống. Một mặt, tài nguyên khoáng sản là nguồn vật chất để tạo nên các dạng vật chất có ích và của cải của con người. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên khoáng sản thường tạo ra các loại ô nhiễm như bụi, kim loại nặng, các hoá chất độc và hơi khí độc (SO2, CO, CH4 v.v...).
Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với qui hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với qui mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.
Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010 qui định: “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt nước, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”. Hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản. tuy nhiên Luật thuế Tài nguyên chỉ đánh vào hoạt động khai thác khoáng sản.
Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan. Hầu hết các loại khoáng sản được khai thác đều là đối tượng chịu thuế tài nguyên. Cụ thể, khoáng sản thuộc đối tượng chịu thuế bao gồm:
+) Khoáng sản kim loại: khoáng sản kim loại đen (sắt, mangan, titan,…), khoáng sản kim loại màu (vàng, đất hiếm, bạch kim, thiếc, won fram, đồng, chì, kẽm, nhôm)
+) Khoáng sản không kim loại: đất làm gạch, đất khai thác san lấp, xây dựng công trình, đất khai thác sử dụng cho các mục đích khác; đá, cát, sỏi; than; đá quý, kim cương, thạch anh…; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên thuộc đối tượng quy định tại Luật Khoáng sản;
Dầu thô
Khoản 2 Điều 3 Luật Dầu khí năm 1993 qui định: “Dầu thô là hydrocarbon ở thể lỏng trong trạng thái tự nhiên, asphalt, ozokerite và hydrocarbon lỏng thu được từ khí thiên nhiên bằng phương pháp ngưng tụ hoặc chiết xuất”. Dầu thô là một chất lỏng sánh đặc màu nâu hoặc ngả lục. Dầu thô tồn tại trong các lớp đất đá tại một số nơi trong vỏ Trái Đất. Dầu mỏ là một hỗn hợp hóa chất hữu cơ ở thể lỏng đậm đặc, phần lớn là những hợp chất của hydrocarbon, thuộc gốc alkane, thành phần rất đa dạng.
Hiện nay dầu mỏ chủ yếu dùng để sản xuất dầu hỏa, diezen và xăng nhiên liệu. Ngoài ra, dầu thô cũng là nguồn nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ra các sản phẩm của ngành hóa dầu như dung môi, phân bón hóa học, nhựa, thuốc trừ sâu, nhựa đường... Khoảng 88% dầu thô dùng để sản xuất nhiên liệu, 12% còn lại dùng cho hóa dầu. Do dầu thô là nguồn năng lượng không tái tạo nên nhiều người lo ngại về khả năng cạn kiệt dầu trong một tương lai không xa, hơn nữa nó lại là một trong những loại tài nguyên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên khi khai thác dầu thô trên thềm lục địa gây lún đất, ô nhiễm dầu đối với đất, không khí, nước. Khai thác trên biển gây ô nhiễm biển (50% lượng dầu ô nhiễm trên biển gây ra là do khai thác trên biển).
Khí thiên nhiên, khí than
Khí thiên nhiên là toàn bộ hydrocarbon ở thể khí, khai thác từ giếng khoan, bao gồm cả khí ẩm, khí khô, khí đầu giếng khoan và khí còn lại sau khi chiết xuất hydrocarbon lỏng từ khí ẩm. Khí thiên nhiên, thường tìm thấy cùng với các mỏ dầu ở trong vỏ Trái Đất, được khai thác và tinh lọc thành nhiên liệu cung cấp cho khoảng 25% nguồn cung năng lượng thế giới.
Khí than là hydrocarbon, thành phần chính là methane ở thể khí hoặc lỏng, được chứa trong các vỉa than hoặc trong các vỉa chứa lân cận.
Việc quy định các đối tượng này là đối tượng chịu thuế tài nguyên trước hết xuất phát từ giá trị kinh tế bởi chúng có trữ lượng lớn, vì trữ lượng lớn nên hoạt động khai thác diễn ra mạnh và vì vậy cần phải thu thuế để đảm bảo khai thác hợp lý cũng như bảo vệ môi trường.
Cũng cần lưu ý là Luật Thuế Tài nguyên chỉ đánh vào hoạt động khai thác 3 loại dầu khí nói trên chứ không đánh vào toàn bộ các hoạt động dầu khí bởi hoạt động dầu khí là hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này.
Sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật
Tài nguyên rừng tự nhiên gồm các loại thực vật, động vật được phép khai thác là sản phẩm của rừng tự nhiên, như: gỗ (kể cả cành, ngọn, củi, gốc, rễ... tre, nứa, giang, vầu; các loại dược liệu... và các loại thực vật, động vật được phép khai thác khác. Khoản 1 điều 3 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định: “ Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên. Rừng gồm rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng”.
Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị mà rừng mang lại về nhiều mặt như kinh tế, môi trường, phòng chống thiên tai, cải tạo đất… Vì các nhu cầu ngày càng tăng của mình, con người không thể không khai thác rừng. Tuy nhiên, nếu biết khai thác một cách hợp lý và có kế hoạch trồng rừng thích hợp, chúng ta sẽ vẫn vừa thoả mãn được các nhu cầu của mình, vừa không làm tổn hại đến rừng.
Theo quy định của Luật thuế tài nguyên và Nghị định 50/2010/NĐ-CP thì đối tượng chịu thuế là các sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên như gỗ các loại từ gỗ nhóm I đến nhóm VIII và các loại gỗ khác; cành, ngọn, gốc, rễ; củi; tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô; trầm hương, kỳ nam; hồi, quế, sa nhân, thảo quả trừ hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ. Thuế tài nguyên cũng loại trừ động vật không phải là đối tượng chịu thuế, bởi chúng ta không khai thác động vật trong rừng mà thuế tài nguyên đánh vào hoạt động khai thác tài nguyên nên không thể xếp động vật vào đối tượng chịu thuế.
Hải sản tự nhiên
Hải sản tự nhiên bao gồm các loại động vật, thực vật tự nhiên ở biển, sông, ngòi, hồ, ao, đầm... thiên nhiên.
Nước thiên nhiên
Nước mặt (biển, hồ, sông, suối, kênh, rạch, ao, đập ...); nước ngầm dưới đất, trừ nước nóng, nước khoáng thiên nhiên theo quy định của Luật Khoáng sản. Nguồn nước chỉ các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng được, bao gồm: sông, suối, kênh, rạch; biển, hồ, đầm, ao; các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác. Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền và hải đảo. Nước dưới đất là nước tồn tài trong các tầng chứa nước dưới mặt đất.
Yến sào thiên nhiên
Yến sào chính là tổ chim yến, là tên một loại thực phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến. Yến sào là sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, yến sào tự nhiên vẫn phải thuộc đối tượng chịu thuế. Yến sào chịu thuế là yến sào tự nhiên chứ không phải yến sào nuôi và như vậy nếu yến sào do con người nuôi rồi khai thác bán ra thị trường thì không phải chịu thuế.
Tại sao pháp luật quy định như vậy?
Tài nguyên là tất cả các dạng vật chất, tri thức được sử dụng để tạo ra của cải vật chất, hoặc tạo ra giá trị sử dụng mới của con người. Tài nguyên là đối tượng sản xuất của con người. Xã hội loài người càng phát triển, số loại hình tài nguyên và số lượng mỗi loại tài nguyên được con người khai thác ngày càng tăng.
Do yêu cầu quản lý nhà nước đối với loại tài nguyên, nên các loại tài nguyên được quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Khoáng sản; Luật Dầu khí, Luật Đất đai... Vì vậy, công tác quản lý thuế tài nguyên cũng phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy định tại văn bản luật đó.
Tài nguyên thiên nhiên là nguồn tài sản quý giá của quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Đối với nước ta, một nước có nguồn tài nguyên tương đối dồi dào, phong phú, nếu được quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả thì là nguồn lợi lớn và lâu dài cho sự phát triển của quốc gia. Ngược lại, nếu việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên bừa bãi, lãng phí sẽ gây ra hậu quả xấu không chỉ cho sự phát triển kinh tế mà còn gây ra hậu quả xấu với môi trường sống. Để đảm bảo cho việc bảo vệ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên đạt hiệu quả, tránh việc khai thác, sử dụng bừa bãi, lãng phí, gây ảnh hưởng đến môi trường sống, các quốc gia thưởng sử dụng nhiều công cụ và biện pháp quản lý khác nhau, trong đó có việc đánh thuế vào hoạt động khai thác tài nguyên. Hơn nữa, pháp luật thuế tài nguyên sẽ một mặt, góp phần khuyến khích việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, hướng dẫn sử dụng tài nguyên theo hướng có lợi cho nền kinh tế quốc dân, bảo vệ tài nguyên đất nước; mặt khác, đảm bảo cho ngân sách có nguồn thu ổn định để thực hiện các biện pháp bảo vệ, tái tạo, tìm kiếm, thăm dò các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, góp phần bảo đảm tính công bằng giữa các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên với các đơn vị sản xuất kinh doanh khác trong nền kinh tế.
Việc đánh thuế vào hoạt động khai thác bởi đối tượng khai thác là tài nguyên như khoáng sản, nước, hải sản… Những loại tài nguyên này là tài nguyên của quốc gia nên với những loại tài sản này, người hưởng lợi từ việc khai thác phải có nghĩa vụ chia sẻ lợi ích cho nhà nước để nhà nước tái phân phối cho xã hội. Theo quy định hiện hành của pháp luật thuế tài nguyên thì đối tượng chịu thuế tài nguyên là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, bao gồm vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và quốc gia liên quan thuộc chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các loại tài nguyên nhân tạo không thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.
II. MỘT SỐ KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH THU THUẾ TÀI NGUYÊN
Việc ban hành và áp dụng thuế tài nguyên đã tác động tích cực tới tổ chức và cá nhân khai thác và sử dụng tài nguyên, góp phần tạo ý thức khai thác và sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Đồng thời, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để có thể đầu tư cho việc giữ gìn và phát triển tài nguyên, môi trường. Hàng năm, thuế tài nguyên đóng góp khoảng 1% trên tổng số thu ngân sách nhà nước(5). Đây là nguồn thu không nhỏ nếu chúng ta so sánh với nguồn thu từ các sắc thuế khác như thuế nhà đất, đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất hay thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Mặc dù vậy, qua tình hình thực tế áp dụng pháp luật thuế tài nguyên, nhiều bất cập đã được bộc lộ, làm hạn chế vai trò của thuế tài nguyên. Những bất cập cơ bản là:
Thứ nhất, về mức thuế suất và căn cứ xây dựng mức thuế suất còn chưa hợp lý. Theo quy định của pháp luật thuế tài nguyên hiện hành, thuế suất đối với từng loại tài nguyên phụ thuộc vào chất lượng của tài nguyên, điều kiện khai thác, vận chuyển tài nguyên, có tính đến thông lệ quốc tế và đối sách về thị trường tiêu thụ. Song trên thực tế, việc áp dụng thuế suất thuế tài nguyên hiện nay không thỏa mãn yêu cầu phân biệt chất lượng, điều kiện khai thác, vận chuyển từng loại tài nguyên theo như mong muốn của nhà làm luật. Bên cạnh đó, thuế suất của một số sản phẩm còn chưa hợp lý, hoặc quá cao hoặc quá thấp so với khả năng tích lũy từ việc khai thác tài nguyên mang lại. Ví dụ, cùng một loại khoáng sản có thể được khai thác ở nhiều nơi với những điều kiện khai thác khác nhau, chất lượng khác nhau song mức thuế suất lại như nhau là không hợp lý, điều này cũng không đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên.
Thứ hai, quy định căn cứ tính thuế dựa trên giá bán một đơn vị tài nguyên là chưa hợp lý. Mục đích quy định giá tính thuế là giá bán tại nơi khai thác chứ không phải giá bán tại nơi tiêu thụ như trước đây là nhằm đảm bảo sự bình đẳng, công bằng cho các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, tạo điều kiện khuyến khích việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tại những địa bàn có khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi. Song giá bán thực tế rất đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời điểm, địa điểm, thời giá, thỏa thuận giữa người bán và người mua… Sự thay đổi của một trong các yếu tố này có thể kéo theo sự thay đổi về giá bán. Trong kinh tế thị trường, giá bán luôn là một yếu tố động, cơ quan thuế khó và không thể kiểm soát được giá bán thực tế. Do vậy, phổ biến cơ quan thuế thường áp dụng giá bán tính thuế tài nguyên theo hai cách: hoặc “ áp đặt” về giá bán tài nguyên cho doanh nghiệp, hoặc tính trên tổng giá bán trong kỳ nộp thuế của doanh nghiệp. Với cách thứ nhất, có thể gây ra những tiêu cực do việc áp đặt thường mang ý chí chủ quan, phải chịu sự ảnh hưởng từ biến động thị trường dẫn tới giảm tính ổn định về nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo cách thứ hai, thực chất lại bến thuế tài nguyên trở thành thuế doanh thu bởi tính trên tổng giá bán trong kỳ nộp thuế chứ không xác định theo số lượng tài nguyên đã khai thác (trong đó có thể có phần tài nguyên chưa bán). Cách tính theo doanh thu như vậy dẫn đến thuế tài nguyên sẽ không phản ánh được ý nghĩa điều chỉnh vì môi trường như một trong những mục tiêu chủ yếu khi đặt ra sắc thuế này.
III. Ý kiến pháp lí nhằm khắc phục khó khăn trong quá trình thu thuế tài nguyên
Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của các tổ chức, cá nhân. Quá trình thực hiện Luật thuế tài nguyên đã góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với việc chỉ ra những khó khăn trong quá trình thu thuế tài nguyên được đề cập ở trên, nhóm chúng tôi xin đưa ra một số kiến mang tính pháp lý nhằm khắc phục những khó khăn đó, cụ thể là:
1. Xây dựng hoàn thiện pháp luật thuế tài nguyên theo hướng:
+ Cần quy định cụ thể hơn về mức thuế suất đối với các đối tượng tính thuế.
Trong biểu khung thuế suất thuế tài nguyên trong Luật thuế tài nguyên năm 2009 đều chỉ có quy định khung mà không quy định rõ mức thuế suất là bao nhiêu; sau đó Nghị định hướng dẫn cũng không ghi cụ thể điều này. Việc xác định mức thuế suất gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cần có những văn bản quy định rõ ràng hơn về mức thuế suất dành cho các đối tượng của thuế tài nguyên, tạo điều kiện cho các cơ quan tính thuế dễ dàng hơn trong quá trình thu thuế tài nguyên.
Thuế suất cần được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa cơ cấu thuế suất để nâng cao khả năng kiểm soát, chống gian lận thương mại, theo đó cần giảm bớt số lượng các mức thuế suất, loại bỏ việc áp dụng nhiều mức thuế suất đánh vào các sản phẩm cùng loại. Đồng thời cần xác lập rõ hệ thống phân loại các mức thuế suất.
+ Quy định rõ chế độ tự chịu trách nhiệm khai báo và nộp thuế của từng đối tượng nộp thuế; đối tượng được ủy quyền, bảo lãnh nộp thay thuế
+ Chính sách miễn thuế phải được quy định một cách cụ thể, chi tiết và xem xét đến tính công bằng cho các tổ chức, cá nhân
+ Đối với công tác giá, tính thuế, cần phân công cán bộ giá chuyên trách, không kiêm nhiệm. Cán bộ làm công tác giá, thuế phải được phân công dựa trên kiến thức chuyên môn được đào tạo (tốt nghiệp các chuyên ngành thuế, kinh tế, tài chính, kế toán,v.v…). Ưu tiên bố trí những cán bộ đã làm công tác thuế, giá lâu năm, dày dặn kinh nghiệm thực tế.
+ Kiến nghị hoàn chỉnh các qui trình, qui chế thực hiện các biện pháp chế tài để đảm bảo thực thi nghiêm túc Luật thuế Tài nguyên, không để nợ thuế quá hạn hàng quý, hàng năm.
2. Dưới góc đô quản lý các doanh nghiệp khai thác
Thắt chặt hoạt động cấp phép khai thác tài nguyên cho các doanh nghiệp; theo đó, những doanh nghiệp không có kinh nghiệm, không đủ thiết bị kĩ thuất cũng như trình độ khai thác các mỏ khoáng sản sẽ không được cấp phép khai thác. Động tác này sẽ giúp cơ quan thuế có thể thắt chặt quản lí hơn theo sát được sản lượng khai thác và khi tính thuế sẽ chuẩn xác hơn hạn chế được việc thất thoát.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, kiểm tra sản lượng khai thác thật, phải kiểm tra và rà soát thường xuyên hơn để tránh trường hợp các doanh nghiệp khai báo sai mà cơ quan thuế không biết. Xử lý nghiêm những trường hợp khai thác trái phép cũng như là khai báo sai sản lượng khai thác để chốn thuế. Do đối tượng của loại thuế này là tài nguyên cách tính thuế dựa trên sản lượng khai thác, dựa trên bảng khai của doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp rất dễ khai gian lận sản lượng khai thác thật của mình. Xảy ra thực tế khai thác được nhiều mà thuế thu về lại không tương xứng.
Sở tài nguyên và môi trường và Cục thuế, chính quyền địa phương cần phải hợp tác triển khai công tác rà soát và kiểm tra việc khai thác tài nguyên trên địa phương mình một cách thường xuyên và chi tiết nhất để nắm bắt được việc khai thác của các doanh nghiệp ra sao để khi thu thuế sẽ có thể nắm bắt được sản lượng thực là khoảng bao nhiêu để có thể thu thuế tương xứng tránh làm thất thoát thuế Bên cạnh đó thì các cơ quan thuế cũng cần nâng cao trình độ của các cán bộ, công chức đi làm công tác thanh tra, kiểm tra và thu thuế. Để có thể biết được doanh nghiệp có gian dối trong quá trình khai báo hay không cần có những cán bộ, công chức nắm chắc nghiệp vụ, có kinh nghiệm để tìm ra được những sai sót đó. Tài nguyên vốn được xem là tài sản quốc gia và phần lớn không thể tái tạo được, vì thế để tận thu nguồn thuế từ tài nguyên theo ý kiến của các cơ quan chức năng thì cần tăng cường công tác kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc khai thác, đồng thời kiên quyết xử lý mọi trường hợp khai thác trái phép, góp phần quản lý, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.
3. Về công tác quy hoạch phát triển ngành khai khoáng
Việc cấp phép mỏ mới cho các doanh nghiệp nên dừng lại và phải tập hợp các điểm mỏ, lập danh sách theo nhóm nguyên liệu và tổ chức đấu thầu theo nhóm. Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong ngành khai khoáng, có dự án đầu tư chế biến và có khả năng tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu nhà đầu tư lập đề án và triển khai đánh giá thăm dò địa chất, quy hoạch các điểm mỏ làm nguồn nguyên liệu, báo cáo kết quả đánh giá thăm dò địa chất.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích, làm sáng tỏ đối tượng tính thuế của thuế tài nguyên theo pháp luật hiện hành - những khó khăn và ý kiến pháp lý nhằm khắc phục trong quá tr.doc