Tiểu luận Phân tích mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước ở trung ương theo quy định của pháp luật hiện hành

Theo Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002 có những quy định sau:

Chế độ bầu cử Thẩm phán đã được thay bằng chế độ Thẩm phán bổ nhiệm, chỉ trừ đối với chức vụ Chánh án Toà án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Các chức vụ khác từ Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đến Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện, từ Chánh án Toà án quân sự Trung ương đến Thẩm phán Toà án quân sự khu vực đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Nhưng hiện nay, theo Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002 thì việc bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Toà án các cấp được giao về cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao thực hiện. Chủ tịch nước chỉ còn bổ nhiệm Phó Chánh án và Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Toà án quân sự Trung ương.

 

doc9 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 10066 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Phân tích mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước ở trung ương theo quy định của pháp luật hiện hành, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. Lời mở đầu Chế định nguyên thủ quốc gia là một chế định quan trọng trong thể chế chính trị. Ở Việt Nam, từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhân dân ta giành được chính quyền, nước ta đã có nguyên thủ quốc gia gọi là Chủ tịch nước (được quy định trong Hiến pháp 1946). Với bản Hiến pháp 1992 được sửa đổi bổ sung năm 2001, chế định Chủ tịch nước đã có nhiều đổi mới quan trọng về vị trí của chủ tịch nước và mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước khác ở Trung ương. Bài viết sau đi sâu phân tích mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước ở trung ương theo quy định của pháp luật hiện hành. B. Nội dung I. Vị trí, tính chất và trật tự hình thành của Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật hiện hành Về vị trí và tính chất, "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại" (Điều 101 Hiến pháp năm 1992). Như vậy, cũng như các Hiến pháp năm 1959 và năm 1980, Chủ tịch nước chỉ đóng vai trò nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước ta về đối nội và đối ngoại, chứ không đứng đầu Chính phủ như chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 1946. Về trật tự hình thành, "Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội". Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu Chủ tịch nước mới" (Điều 102 Hiến pháp năm 1992). Trật tự hình thành của Chủ tịch nước nói lên mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - Quốc hội. II. Mối quan hệ giữa chủ tịch nước và các cơ quan nhà nước khác theo quy định của pháp luật hiện hành Về tổ chức bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp 1992, quan điểm cơ bản đã được khẳng định là: Toàn bộ quyền lực Nhà nước tập trung thống nhất vào Quốc hội, và có sự phân công phân nhiệm giữa Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để mỗi cơ quan thi hành có hiệu lực chức năng, quyền hạn của mình với sự phối hợp chặt chẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của quyền lực Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với quy định "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước"(Điều 101 Hiến pháp năm 1992), các quy định khác về mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thể hiện rõ quan điểm đó. 1. Với Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội Về mối quan hệ với Quốc hội, Hiến pháp năm 1992 (có sửa đổi, bổ sung) và Luật tổ chức Quốc hội hiện hành có những quy định cơ bản sau: Chủ tịch nước do Quốc hội bầu (trong số đại biểu Quốc hội), miễn nhiệm và bãi nhiệm, với nhiệm kì theo nhiệm kì của Quốc hội. Quốc hội quy định tổ chức và hoạt động của Chủ tịch nước. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Chủ tịch nước trình dự án luật ra trước Quốc hội, kiến nghị về luật thông qua việc kiến nghị ban hành luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung luật hiện hành. Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước trái với Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch nước phải trả lời trước Quốc hội tại kì họp, trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định cho trả lời trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc tại kì họp sau của Quốc hội hoặc cho trả lời bằng văn bản. Trong mối quan hệ với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hiến pháp đã quy định: Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Quy định này nhằm mục đích tạo điều kiện để Chủ tịch nước theo được sát ý kiến của tập thể Uỷ ban thường vụ Quốc hội khi thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời cũng để Chủ tịch nước có thể đóng góp kịp thời ý kiến của mình. Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được thông qua. Tuy nhiên, Chủ tịch nước có quyền "Đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề quy định tại điểm 8 và điểm 9 Điều 91 trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Pháp lệnh hoặc Nghị quyết được thông qua; nếu Pháp lệnh, Nghị quyết đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kì họp gần nhất" (Điểm 7 Điều 103 Hiến pháp năm 1992), về sau được sửa đổi, bổ sung tại Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 thì Chủ tịch nước chỉ có quyền đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại Pháp lệnh vì thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề quy định tại Điểm 8 và Điềm 9 Điều 91 đã bị huỷ bỏ. Đây là một quyền hạn mới được bổ sung mà Hội đồng Nhà nước không có. Quyền này khác quyền phủ quyết của Tổng thống ở một số nước. Những quy định trên cho thấy tính phái sinh và gắn bó giữa Chủ tịch nước với Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Mặc dù Hiến pháp 1992 tách Chủ tịch nước thành thiết chế riêng song vẫn nghiêng về phía Quốc hội, gắn bó chặt chẽ với Quốc hội chứ không gắn với Chính phủ như ở Hiến pháp năm 1946 và 1959 hoặc thuộc về hành pháp như nguyên thủ quốc gia ở các nước tư bản. 2. Với chính phủ Mối quan hệ này được Hiến pháp năm 1992 (có sửa đổi, bổ sung vào năm 2001) và Luật tổ chức Chính phủ hiện hành quy định như sau: Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước căn cứ Nghị quyết của Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ (Điểm 4 Điều 103 Hiến pháp năm 1992), quy định này được sửa lại tại Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001, theo đó thì Chủ tịch nước chỉ phải căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện những vấn đề này vì thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực này đã bị huỷ bỏ. Trong thời gian Quốc hội không họp, Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Thủ tướng. Chính phủ mời Chủ tịch nước tham dự phiên họp của Chính phủ, trình Chủ tịch nước quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những quyết định của Chủ tịch nước. Các báo cáo công tác của Chính phủ truớc Chủ tịch nước phải được Chính phủ thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số. Việc xác định mối quan hệ như vậy thể hiện sự tăng cường vai trò của Chủ tịch nước đối với bộ máy hành pháp và bảo đảm sự phối hợp gắn bó giữa Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ. 3. Với Tòa án nhân dân tối cao Theo Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002 có những quy định sau: Chế độ bầu cử Thẩm phán đã được thay bằng chế độ Thẩm phán bổ nhiệm, chỉ trừ đối với chức vụ Chánh án Toà án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Các chức vụ khác từ Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đến Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện, từ Chánh án Toà án quân sự Trung ương đến Thẩm phán Toà án quân sự khu vực đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Nhưng hiện nay, theo Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002 thì việc bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Toà án các cấp được giao về cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao thực hiện. Chủ tịch nước chỉ còn bổ nhiệm Phó Chánh án và Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Toà án quân sự Trung ương. Trong thời gian Quốc hội không họp, Chánh án Toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Chánh án Toà án nhân dân tối cao trình xin Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án tử hình xin ân giảm. 4. Với Viện kiếm sát nhân dân tối cao Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành quy định về vấn đề này như sau: Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời gian Quốc hội không họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải được Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì phải thực hiện theo quy định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình xin Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án tử hình xin ân giảm. III. Đánh giá mối quan hệ của Chủ tịch nước với các cơ quan Nhà nước ở trung ương theo pháp luật hiện hành Hiến pháp 1992 ra đời đã kế thừa được những ưu điểm của Hiến pháp 1946 và 1959 vừa kế thừa được những mặt tích cực mà hiến pháp 1980 có được, đó là sự gắn bó giữa Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội với chủ tịch nước trong thực hiện chức năng nguyên thủ Quốc gia. Hiến pháp 1992 còn là sự phát triển, thể hiện sự đổi mới mang tính tiến bộ. Cụ thể: Hiến pháp 1992 đã tách chủ tịch nước thành một thiết chế riêng chứ không phải là một cơ cấu nằm trong Quốc hội như hiến pháp 1980 hoặc gắn với hành pháp như như hiến pháp 1946, 1959 và một số nguyên thủ quốc gia của đa số các nước tư bản. Ngoài ra chủ tịch nước còn bổ sung thêm một số quyền hạn mới như: quyền đề nghị xem xét lại một số pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề quy định tại các điểm 8, 9 của điều 91 Hiến pháp 1992…Sự đổi mới đó quán triệt nguyên tắc: Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp. Từ sự phân tích trên ta có thể nhận thấy chế định Chủ tịch nước ta hiện nay nghiêng về cơ quan lập pháp hơn hành pháp, điều này thể hiện ở chỗ: Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội, có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và chính thức hóa hoạt động của Quốc hội… Nhiều thẩm quyền mang tính hành pháp được giao cho ngành lập pháp còn chủ tịch nước chỉ như là người chính thức hóa, ví dụ như: Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội công bố quyết định tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ra lệnh tổng động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp…Như vậy chủ tịch nước theo Hiến pháp hiện hành – Hiến pháp năm 1992 là một thiết chế riêng song vẫn nghiêng về phía Quốc hội, gắn bó chặt chẽ với Quốc hội chứ không gắn với Chính phủ như ở Hiến pháp 1946 và 1959 hoặc thuộc về hành pháp như nguyên thủ quốc gia ở đa số các nước tư bản cũng không chỉ mang tính hình thức như ở các nước theo chính thể quân chủ. C. Kết luận Lịch sử lập hiến Việt Nam đã để lại nhiều bài học quý báu trong việc tổ chức bộ máy Nhà nước, trong đó có chế định Chủ tịch nước (nguyên thủ quốc gia). Trong Hiến pháp 1992 nói riêng và pháp luật hiện hành nói chung, chúng ta đã thiết lập lại thể chế Chủ tịch nước (nguyên thủ cá nhân như trong Hiến pháp năm 1946 và 1959) trong bối cảnh đất nước đang thực hiện những đổi mới sâu sắc, toàn diện, trong tình hình thế giới có nhiều mặt khác trước và đang biến động từng ngày. Hiến pháp 1992 nói riêng và pháp luật hiện hành nói chung cũng chỉ mới quy định rất khái quát nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước và mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan Nhà nước khác. Vấn đề đặt ra là sự nghiên cứu toàn diện đi từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để cụ thể hoá dần dần các quy định của Hiến pháp và pháp luật, làm cho thể chế Chủ tịch nước ngày càng phát huy được vai trò, vị trí, chức năng quan trọng của mình trong bộ máy Nhà nước và trong đời sống xã hội. Danh mục tài liệu tham khảo "Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam", Trường đại học luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2007 Chế định Nguyên thủ quốc gia ở nước ta qua các bản Hiến pháp. Nguyễn Hiếu Hạnh – Khoa QLNN trích Hội san Trường Chính trị năm 2006. Hiến pháp Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992 "Lịch sử lập hiến Việt Nam", PTS. Luật học (PGS-TS) Thái Vĩnh Thắng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997 "Tìm hiểu các bản Hiến pháp Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, Nxb Tư pháp, Hà Nội 2007. "Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam qua các bản Hiến pháp", PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, Nxb Tư pháp, Hà Nội 2007

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPhân tích mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước ở trung ương theo quy định của pháp luật hiện hành (Hiến pháp 1992).doc
Tài liệu liên quan