Hình thức chính thể quân chủ đại nghị còn được gọi là hình thức chính thể quân chủ lập hiến, ngày nay được thành lập ở các nước tư bản phát triển như Anh. Loại hình thức chính thể này được hình thành trong giai đoạn chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, là kết quả của cuộc cách mạng không triệt để của giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản không đủ mạnh để xoá bỏ hoàn toàn những thiết chế nhà nước của chế độ phong kiến mà phải nhượng bộ, duy trì một số thiết chế cơ bản đặc trưng của chế độ cũ, trong số đó có thiết chế người đứng đầu nhà nước(quốc vương).
8 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4312 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Phân tích nguyên tắc phân chia quyền lực và sự áp dụng nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tư sản, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phân tích nguyên tắc phân chia quyền lực và sự áp dụng nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tư sản
A- ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhà nước tư sản là kiểu nhà nước bóc lột cuối cùng, hoàn thiện và phát triển nhất trong lịch sử các kiểu nhà nước bóc lột. Bản chất nhà nước tư sản thể hiện rõ ở tính giai cấp và tính xã hội. Bộ máy nhà nước tư sản được tổ chức trên cơ sở lý thuyết về “ tam quyền phân lập” do các học giả tư sản tự do ở châu Âu xây dựng vào thế kỷ XVIII, mà người tiêu biểu nhất là L.Montesquieu (Pháp). Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước tư sản là nguyên tắc phân chia quyền lực.
B-PHẦN NỘI DUNG
I. Nguyên tắc phân chia quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tư sản
Các học giả tư sản coi nguyên tắc phân chia quyền lực là hòn đá tảng của nền dân chủ tư sản và hết sức quán triệt nó trong tổ chức bộ máy nhà nước. Nó được xây dựng trên cơ sở học thuyết phân chia quyền lực. Việc phân chia quyền lực nhà nước ở các nước tư sản được phân chia theo chiều ngang và chiều dọc.
Theo chiều ngang, quyền lực nhà nước được phân chia làm ba nhánh độc lập nhau đó là : lập pháp do nghị viện nắm quyền, hành pháp do chính phủ nắm quyền và tư pháp do toà án tối cao nắm quyền. Hoạt động của các cơ quan quyền lực cũng có sự chuyên môn hóa, mỗi cơ quan chỉ hoạt động nhằm thực hiện chức năng riêng của mình, không làm ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác. Bằng cách phân chia như vậy, quyền lực của các cơ quan đã tạo nên cơ chế đối trọng nhau, kiềm chế nhau trong việc sử dụng quyền lực giữa ba cơ quan cấp cao của nhà nước, làm cho không một cơ quan nào nắm hết mọi quyền lực và cơ quan nào cũng bị kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực, nhờ đó hiến pháp và pháp luật mới được tôn trọng triệt để và được thực hiện một cách đúng đắn, đầy đủ, nghiêm chỉnh, thống nhất. Ở nhiều nhà nước hiện nay, tư tưởng phân quyền ngang có một số thay đổi, mà chủ yếu là số nhánh quyền lực được phân chia ra từ quyền lực nhà nước. Ở một số nước Nam Mỹ, quyền lực nhà nước nhiều khi được chia thành 4, 5, 6, ... bộ phận. Ví dụ Nicaragoa có thêm quyền kiểm tra do Tổng thanh tra thực hiện; Argentina phân làm 6 quyền.
Để hạn chế quyền lực nhà nước thì quyền lực nhà nước không chỉ phân chia theo chiều ngang thành các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp mà còn phải tiếp tục phân chia ở chiều dọc giữa trung ương và địa phương. Chính ở sự phân quyền này mà quyền lực nhà nước trung ương bị hạn chế. Đến lượt mình, quyền lực của cơ quan địa phương – chính phủ địa phương lại bị phân chia thành lập pháp địa phương và hành pháp địa phương. Chính việc phân quyền dọc đã làm tồn tại hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước do dân bầu ở các cấp địa phương, song song với bộ máy nhà nước trung ương; Có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong những lĩnh vực cụ thể; mà chủ yếu là chính quyền trung ương sẽ giải quyết các vấn đề công, vì lợi ích của cả cộng đồng xã hội, như vấn đề: chủ quyền lãnh thổ, dịch vụ công, ...; còn chính quyền địa phương sẽ phụ trách các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, văn hóa ở địa phương, ngoài ra còn có thể chủ động tiến hành hợp tác, giao lưu với các địa phương khác hoặc các tổ chức quốc tế trong quyền hạn của mình. Tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền trong nhiệm vụ và quyền hạn của mình là tương đối độc lập với nhau. Chính quyền trung ương không có quyền điều hành, chỉ đạo chính quyền địa phương, mà chỉ có thể xây dựng chủ trương chính sách, tạo dựng khuôn khổ pháp lý, và kiểm tra, giám sát hoạt động của các chính quyền cấp dưới, mọi phạm vi của chính quyền địa phương sẽ do Tòa án Hành chính xét xử độc lập. Phân chia dọc được thực hiện theo 2 phương pháp :
+Phân chia theo lãnh thổ là cách phân quyền của chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương theo địa giới hành chính – lãnh thổ. Việc tổ chức quản lý những vùng lãnh thổ này cần thiết phải tính đến nguyện vọng và ý chí của cộng đồng dân cư. Vì vậy, tham gia vào cơ chế vận hành bộ máy chính quyền địa phương, ngoài các cơ quan quản lý còn có cả các cơ quan do dân cư hợp thành trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra. Việc tổ chức cơ quan ở đây mang nhiều tính chất tự quản. Các đơn vị hành chính không có quyền độc lập chính trị. Để tổ chức thực hiện những vấn đề về phát triển địa phương, các đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật có quyền thành lập các hội đồng tự quản địa phương, chịu sự kiểm tra của đại diện cơ quan quyền lực nhà nước cấp trên. Cơ cấu tự trị yêu cầu chính quyền địa phương phải có một cơ quan ra nghị quyết và một cơ quan thi hành các nghị quyết đó, giống như mô hình Nghị viện và Chính phủ.
+Phân chia theo chuyên môn là cách phân quyền giữa các bộ chuyên môn với chính quyền địa phương.
Tuy có sự phân chia quyền lực rõ ràng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng thực chất giữa các cơ quan này có mối liên hệ khăng khít với nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong những hoạt động nhất định tạo nên sự thống nhất quyền lực nhà nước.
Việc phân chia quyền lực nhằm khắc phục tình trạng chuyên chế, quyền lực nhà nước tập trung trong tay một người hoặc một cơ quan; phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các hệ thống cơ quan nhà nước khác nhau, tránh được sự tranh giành quyền lực giữa các cơ quan khác nhau.
II. Áp dụng ở các nhà nước Mĩ, Anh và Pháp
1.Chính thế cộng hoà tổng thống ở Mĩ
Hình thức chính thể cộng hoà tổng thống lần đầu tiên trong lịch sử được thiết lâp ở Mĩ vào cuối thế kỉ XVIII. Dưới hình thức này, nguyên tắc phân chia quyền lực được áp dụng triệt để. Các nhánh quyền lập pháp và hành pháp đều trực tiếp nhận được quyền lực từ nhân dân. Đứng đầu bộ máy hành pháp là tổng thống do nhân dân bầu ra qua hình thức gián tiếp. Một trong những đặc điểm quan trọng của hình thức chính thể này là cơ quan hành pháp không phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước cơ quan lập pháp. Điều này có nghiã là nghị viện không có quyền đặt vấn đề không tín nhiệm với tổng thống hoặc một bộ trưởng nào đó và tổng thống không phải đặt vấn đề tín nhiệm bản thân hay tín nhiệm bộ máy hành pháp ra trước nghị viện. Đây cũng là một trong những nội dung cơ bản của hệ thống kìm chế và đối trọng. Nguyên tắc phân chia quyền lực được bổ sung hệ thống kìm chế và đối trọng chính là sự cải tiến theo kiểu Mĩ. Các nhà sáng lập hiến pháp Mĩ 1787 xây dựng mô hình của mối quan hệ giữa các nhánh quyền lực theo cơ chế giám sát lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau và mỗi nhánh quyền lực có thẩm quyền liên quan với nhánh quyền lực khác. Tổng thống không có quyền lập pháp nhưng có thể tác động đến quá trình lập pháp thông qua quyền phủ quyết của mình. Bằng quyền phủ quyết, tổng thống có thể ngăn cản quá trình lập pháp hoặc làm kéo dài quá trình lập pháp của nghị viện. Tổng thống chịu trách nhiệm về việc thi hành luật. Nghị viện không có quyền can thiệp vào lĩnh vực hành pháp của tổng thống nhưng có thể tác động đến hoạt động này thông qua quyền biểu quyết ngân sách để cấp kinh phí cho mọi hoạt động của bộ máy hành pháp. Nghị viện có quyền truất quyền tổng thống, phó tổng thống, các quan chức cao cấp trong bộ máy hành pháp và thẩm phán tòa án liên bang theo thủ tục impeachment. Thượng nghị viện có quyền không phê chuẩn việc bổ nhiệm các nhân viên trong bộ máy hành pháp, thẩm phán tòa án liên bang của tổng thống. Bởi vậy, trước khi bổ nhiệm một chức danh nào đó, đặc biệt là các chức danh hàm bộ trưởng, thẩm phán tòa án liên bang, đại sứ, tổng thống phải thăm dò ý kiến của thượng nghị viện về ứng cử viên cho chức danh đó. Tổng thống thay mặt nhà nước kí kết các điều ước quốc tế nhưng các điều ước này chỉ có hiệu lực khi được nghị viện phê chuẩn. Đây cũng là một lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp hoạt động giữa hai cơ quan lập pháp và hành pháp. Tòa án đóng vai trò là cơ quan giám sát tính hợp hiến của các văn bản do nghị viện, tổng thống thông qua. Tòa án tối cao liên bang có quyền phán quyết về tính hợp hiến của các văn bản này. Quyết định của toà án là quyết định cuối cùng.
Đây là một trong những cơ sở để biện giải cho sự bền vững của mô hình bộ máy nhà nước Mĩ trong suốt hai thế kỷ qua.
2.Chính thể quân chủ đại nghị ở Anh
Hình thức chính thể quân chủ đại nghị còn được gọi là hình thức chính thể quân chủ lập hiến, ngày nay được thành lập ở các nước tư bản phát triển như Anh. Loại hình thức chính thể này được hình thành trong giai đoạn chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, là kết quả của cuộc cách mạng không triệt để của giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản không đủ mạnh để xoá bỏ hoàn toàn những thiết chế nhà nước của chế độ phong kiến mà phải nhượng bộ, duy trì một số thiết chế cơ bản đặc trưng của chế độ cũ, trong số đó có thiết chế người đứng đầu nhà nước(quốc vương).
Ở loại hình chính thể này, phát triển nguyên tắc phân chia quyền lực, trong đó nguyên tắc quyền tối cao của nghị viện trước quyền hành pháp được thừa nhận. Nguyên tắc này đòi hỏi chính phủ do quốc vương thành lập phải nhận được sự tín nhiệm của nghị viện. Bởi vậy, quốc vương phải chỉ định người đứng đầu đảng chiếm đa số tuyệt dối số ghế ở nghị viện (hạ nghị viện) làm người đứng đầu chính phủ (thủ tướng). Người này sẽ lựa chọn các thành viên còn lại của chính phủ sau đó toàn bộ thành viên của chính phủ được đưa ra để nghị viện biểu quyết tín nhiệm. Trên cơ sở sự tín nhiệm của nghị viện, quốc vương bổ nhiệm toàn bộ thành viên của chính phủ. Trường hợp không đảng chính trị nào chiếm được đa số ghế nói trên, quốc vương phải chỉ định người đứng đầu liên minh các đảng chiếm được đa số ghế làm người đứng đầu chính phủ.
Dưới hình thức chính thể quân chủ lập hiện, quyền hạn rộng lớn của quốc vương do chính phủ thực hiện. Quốc vương có quyền phủ quyết đối với những luật do nghị viện thông qua, tuy nhiên trong thực tế quốc vương không sử dụng quyền này bao giờ. Các văn bản do quốc vương ban hành đều được soạn thảo bởi chính phủ và văn bản chỉ có hiệu lực khi có chữ kí của thủ tướng hoặc của bộ trưởng được thủ tướng uỷ quyền. Khi kí, thủ tướng hoặc bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về nội dung của văn bản, bởi vì bản thân quốc vương không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.
Dưới hình thức chính thể này, chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện(hạ nghị viện) về hoạt động của mình. Trường hợp nghị viện(hạ nghị viện) biểu quyết không tín nhiệm chính phủ thì chính phủ phải từ chức hoặc quốc vương cách chức toàn bộ thành viên của chính phủ. Tuy nhiên, quyền hạn này của nghị viện( hạ nghị viện) được cân bằng bởi quyền của chính phủ ( người đứng đầu chính phủ có quyền yêu cầu quốc vương giải thể nghị viện (hạ nghị viện) và ấn định cuộc bầu cử mới). Như vậy cuối cùng thì mâu thuẫn giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp được dàn xếp bởi nhân dân. Trong cuộc bầu cử trước thời hạn, nếu nhân dân ủng hộ nghị viện thì các đảng đối lập sẽ chiếm đa số ghế trong nghị viện mới, khi đó chính phủ cũ phải từ chức, nếu nhân dân ủng hộ chính phủ thì đảng cầm quyền ( hoặc liên minh của đảng cầm quyền) sẽ tiếp tục chiếm đa số ghế ở nghị viện.
3. Chính thế cộng hoà hỗn hợp ở Pháp
Đoạn 1 Điều 2 Hiến pháp Cộng hoà Pháp 1958 quy định : “ Nước Pháp là nhà nước cộng hoà, dân chủ và xã hội không phân biệt tôn giáo”.
Ở Pháp, lập pháp thuộc về nghị viện, hành pháp thuộc về tổng thống và chính phủ, còn quyền tư pháp thuộc về hệ thống tòa án. Nghị viện có hai chức năng cơ bản là lập pháp và giám sát hoạt động của chính phủ. Quan hệ giữa lập pháp và hành pháp mật thiết hơn so với chính thể cộng hòa tổng thống. Quyền hành pháp do chính phủ mà thực chất là tổng thống nắm. Quyền tư pháp do hệ thống tòa án nắm, ở Pháp có hai hệ thống tòa án, tòa án thường và tòa án hành chính, cùng với đó còn có các tòa án đặc biệt như tòa án thương mại, lao động, bảo hiểm xã hội, kiểm soát hoạt động cơ quan tư pháp là hội đồng thẩm phán tối cao do tổng thống là chủ tọa.
Tổng thống cộng hoà Pháp, Thử tướng, các bộ trưởng, các chức vụ hành chính trực thuộc Chính phủ, các thẩm phán không thể cùng lúc là nghị sĩ. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tư sản về phân chia quyền lực. Những người nắm quyền lập pháp không thể được trao quyền hành pháp và tư pháp. Ngược lại, nhưng người đã nắm quyền hành pháp hoặc tư pháp nếu trúng cử nghị sĩ thì họ cũng phải từ bỏ các chức vụ đó.
C- KẾT LUẬN
Mức độ áp dụng các nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tư sản khác nhau là tuỳ thuộc vào từng dạng chính thể, có thể cứng rắn trong chính thể cộng hoà tổng thống, đặc điểm là chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân như Hoa Kỳ; có thể mềm dẻo trong chính thể quân chủ đại nghị, chính phủ phải chịu trách nhiệm trước quốc hội như Anh; có thể trung gian trong chính thể cộng hòa hỗn hợp, chính phủ vừa phải chịu trách nhiệm trước nhân dân vừa phải chịu trách nhiệm trước quốc hội, như ở Pháp.
Tài liệu tham khảo :
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích nguyên tắc phân chia quyền lực và sự áp dụng nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tư sản.doc