Để phòng tránh và giảm thiểu những rủi ro trên trước hết, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, môi trường pháp lý và của những định chế cần thiết cho hoạt động kinh doanh chứng khoán. Đặc biệt, cần có những quy định rõ ràng, thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế về chế độ kiểm toán, kế toán và thông tin phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán đối với các công ty có niêm yết cổ phiếu trên thị trường. Phát triển rộng rãi cơ chế và mạng lưới thông tin chuyên đề, chuyên ngành, và thông tin đại chúng về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việt Nam cần bám sát các chuẩn mực kế toán quốc tế do Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) đã thông qua để “chuẩn hóa và quốc tế hóa” các quy định kế toán cần thiết, tạo thuận lợi cho sự hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam và môi trường chung của kinh doanh chứng khoán quốc tế, tạo điều kiện cho việc phát hành chứng khoán của các doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường chứng khoán nước ngoài.
13 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4904 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Phân tích những biện pháp cơ bản để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
là một ngành kinh doanh có lợi nhuận lớn và độ rủi ro cao. Bởi vậy, việc nghiên cứu những biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh chứng khoán là việc vô cùng cần thiết và quan trọng góp phần lành mạnh hóa thị trường và đưa nền kinh tế đất nước đi lên.
Nội dung
I.Khái niệm và đặc điểm của hoạt động kinh doanh chứng khoán.
1.Khái niệm
Trong pháp luật thực định ở các nước, tùy thuộc vào quan điểm tiếp cận của nhà làm luật mà khái niệm kinh doanh chứng khoán được định nghĩa không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, theo quy định của Luật chứng khoán Hàn Quốc, thuật ngữ “kinh doanh chứng khoán” được hiểu là bất kỳ nghiệp vụ kinh doanh nào nằm trong các trường hợp sau:
1.Mua và bán chứng khoán;
2. Mua và bán chứng khoán theo ủy thác;
3. Hoạt động như một trung gian hoặc đại lý liên quan đến việc mua hoặc bán chứng khoán;
4. Hoạt động như một trung gian hoặc đại lý liên quan đến tín thác các giao dịch được thực hiện trên thị trường chứng khoán;
5. Bảo lãnh phát hành chứng khoán;
6. Thực hiện việc chào bán ra công chúng các chứng khoán tồn đọng;
7. Thu xếp chào bán ra công chung các chứng khoán phát hành mới hoặc các chứng khoán tồn đọng.
Tương tự như cách tiếp cận của Luật chứng khoán Hàn Quốc, pháp luạt về chứng khoán ở một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia cũng đều quy định hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm các hành vi môi giới chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư và danh mục đầu tư; tư vấn đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, Luật chứng khoán Trung Quốc hoàn toàn không đưa ra định nghĩa chính thức nào về kinh doanh chứng khoán mà chỉ có các quy định về giao dịch chứng khoán.
Ở Việt Nam, theo quy định tại khoản 19 Điều 6 Luật chứng khoán năm 2006 thì “kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán”. Với định nghĩa này, khái niệm kinh doanh chứng khoán ở Việt Nam được hiểu theo nghĩa khá rộng và cơ bản tương đồng với khái niệm kinh doanh chứng khoán trong pháp luật các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nói một cách khái quát, kinh doanh chứng khoán là loại hình hoạt động thương mại đặc biệt mà ở đó, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các chủ thể được phép kinh doanh chứng khoán tiến hành các nghiệp vụ về chứng khoán cho chính mình hoặc cho khách hàng vì mục tiêu lợi nhuận tối đa.
2. Đặc điểm của hoạt động kinh doanh chứng khoán:
Thứ nhất, kinh doanh chứng khoán là nghề thương mại đặc thù có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của các nhà đầu tư là công chúng và các doanh nghiệp. Vì thế, những chủ thể muốn thực hiện nghề nghiệp này nhất thiết phải thỏa mãn một số điều kiện rất khắt khe về mặt tài chính, thậm chí kể cả những điều kiện về vật chất, kỹ thuật để thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán. Việc quy định các điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán chính là nhằm đảm bảo cho thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, hiệu quả và đặc biệt là bảo đảm cho quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Thứ hai, đối tượng của hoạt động kinh doanh chứng khoán chính là các chứng khoán – giá trị động sản và các dịch vụ về chứng khoán. Đây là những hàng hóa và dịch vụ đặc biệt được giao dịch trên thị trường đặc biệt – thị trường chứng khoán và các giao dịch đó phải tuân thủ quy chế pháp lý đặc biệt do pháp luật về chứng khoán quy định.
Thứ ba, hoạt động kinh doanh chứng khoán phải tuân thủ một số nguyên tắc đặc thù của thị trường chứng khoán, chẳng hạn như nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư. Việc thể chế hóa bằng pháp luật những nguyên tắc này là những bảo đảm pháp lý cho sự vận hành an toàn, hiệu quả của thị trường chứng khoán đồng thời bảo vệ một cách hữu hiệu quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
II. Một số rủi ro chủ yếu trong kinh doanh chứng khoán.
Trong nền kinh tế thị trường, không có hoạt động đầu tư kinh doanh nào lại không có nguy cơ gặp rủi ro. Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn, nhưng điều ngược lại thì chưa hẳn đã đúng. Đầu tư chứng khoán cũng không nằm ngoài quy luật này, thậm chí ở mức độ sâu đậm và đa diện hơn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, thì thị trường chứng khoán Việt Nam có một số rủi ro chủ yếu sau:
1.Rủi ro từ tính thanh khoản thấp của chứng khoán đầu tư.
Tính thành khoản thấp của chứng khoán mà nhà đầu tư đang sở hữu có thể do chứng khoán đó khó và thậm chí không thể bán được, hoặc không được phép bán hay chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn đầu tư. Thật không may cho nhà đầu tư chứng khoán, khi vì một lý do nào đó, chứng khoán đã mua là của một công ty có tình trạng tài chính thiếu lành mạnh và triển vọng cung cấp các yếu tố đầu vào, cũng như khả năng tiêu thu sản phẩm thiếu hiệu quả vững chắc. Thậm chí, chỉ cần một sự thay đổi nhân sự cấp cao trong công ty cũng có thể khiến giá chứng khoán đó sụt giảm. Và rủi ro đối với nhà đầu tư sẽ là tối đa khi công ty phát hành chứng khoán bị phá sản và biến mất trên thương trường.
Nhà đầu tư chứng khoán cũng có thể chịu rủi ro do “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Thậm chí, việc sở hữu thuần túy các cổ phiếu ưu đãi mà không được chuyển nhượng trong thời hạn nhất định cũng có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro, nhất là khi cần tiến hành để trả lãi vay ngân hàng hoặc muốn rút vốn về để đầu tư vào chỗ khác. Ngay cả những chứng khoán tốt nhất cũng có thể không giữ vững được vị thế lâu dài trước sự biến động của thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư chứng khoán này có thể phải hứng chịu cả hai thiệt hại dạng “khấu hao hữu hình” và “khấu hao vô hình” giá trị và tính thanh khoản của các chứng khoán đang nắm giữ.
2.Rủi ro từ các quy định và chất lượng dịch vụ của sàn giao dịch.
Vì yêu cầu đặc thù đòi hỏi bắt buộc kinh doanh chứng khoán phải thông qua các tổ chức trung gian, môi giới nên các nhà đầu tư có thể phải chịu nhiều rủi ro liên quan đến các quy định, quy trình nghiệp vụ và chất lượng dịch vụ của các tổ chức trung gian. Điển hình là các rủi ro liên quan đến việc tổ chức khớp lệnh và phân lô giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có tổ chức.
Việc khớp lệnh định kỳ gây rủi ro cho nhà đầu tư vì họ không thể hủy ngang lệnh đã đặt trước khi kết thúc phiên khớp lệnh, bất chấp những biến động mới bất lợi trên thị trường, nếu họ không muốn chịu phạt về sự thay đổi quyết định này. Khớp lệnh định kỳ có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư vì dễ gây tình trạng cung – cầu ảo trên thị trường và cả tình trạng nghẽn mạch, quá tải hoặc phân biệt đối xử theo kiểu bỏ rơi nhà đầu tư nhỏ ở các sàn giao dịch. Tuy vậy, việc khớp lệnh định kỳ này cũng có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư giảm bớt thiệt hại khi hủy lệnh đã đặt sau khi khớp lệnh đối với các chứng khoán còn dư chưa xử lý hết trong phiên giao dịch gần nhất mà họ tham dự. Trong khi đó, việc khớp lệnh liên tục, mặc dù cho phép các nhà đầu tư đặt lệnh thận trọng, chính xác hơn, được giải quyết nhu cầu mua, bán nhiều hơn, nhanh chóng, bình đẳng hơn và giảm thiểu tình trạng cung cầu áo trên thị trường chứng khoán, song có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư ở chỗ: khớp lệnh liên tục là giao dịch trên cơ sở khớp liên tục các lệnh mua, bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch, không phải chờ đến thời điểm định kỳ như kiểu khớp lệnh định kỳ.
3.Rủi ro từ các chấn động thị trường
Các nhà đầu tư chứng khoán có thể phải gánh chịu nhiều rủi ro liên quan đến các chấn động thị trường trong nước hoặc nước ngoài gây ra, bởi:
- Các trào lưu mua, bán chứng khoán theo tâm lý đám động làm phá vỡ các quy luật vận động bình thường của thị trường.
- Các hoạt động đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt, gây nhiễu thông tin và tự đánh bóng, thổi giá hoặc thậm chí lừa đảo và thông đồng có tổ chức của các nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ sức gây biến động thị trường hòng trục lợi.
- Các chấn động thị trường khác từ nước ngoài.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn phải chịu rủi ro liên quan đến các chính sách của Chính phủ, những thay đổi trong chính sách tỷ giá, lạm phát, tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong công ty cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài; chính sách xuất nhập khẩu, độc quyền hoặc các quan hệ quốc tế song phương, đa phương…
4. Rủi ro thông tin trong đầu tư chứng khoán.
Có thể nói, trong các loại rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải thì rủi ro thông tin là nguy hiểm nhất và là cội nguồn của tất cả các loại rủi ro khác. Hiếm có hoạt động kinh doanh nào mà sự thành bại của nhà đầu tư lại gắn bó mật thiết, thậm chí phụ thuộc vào sự đa dạng, hệ thống, toàn diện và chính xác các thông tin có liên quan trực tiếp và gián tiếp như đầu tư chứng khoán. Các nhà đầu tư chứng khoán thì luôn háo hức trước mọi tin đồn và hăng hái góp phần vào tin đồn, luôn cảnh giác đề phòng nhưng cũng nhẹ dạ cả tin. Trong số họ, ai là người nắm được nhiều, nhanh, chính xác thông tin, người đó sẽ dễ dàng chiến thắng và chiếm thế thượng phong, giảm thiểu những rủi ro chết người do mù mờ thông tin.
Một báo cáo tài chính hoặc cáo bạch chưa được kiểm toán, thẩm định bởi các tổ chức độc lập, chuyên nghiệp, có uy tín và trình độ chuyên môn cao; một thông tin đến chậm hoặc bị cắt xén không đầy đủ, không chính xác về hoạt động kinh doanh của công ty phát hành cổ phiếu, về môi trường pháp lý và về các nhà đầu tư khác trên cùng sân chơi, hoặc đơn giản là về tình hình thời tiết hay dịch bệnh nào đó…đều có thể trở thành đầu mối trực tiếp gây ra các thiệt hại khôn lường cho nhà đầu tư chứng khoán.
5. Rủi ro lớn từ hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán.
Từ lâu, hoạt động tự doanh chứng khoán đã được xem là một trong số các loại hình kinh doanh chứng khoán truyền thống trên thị trường chứng khoán. So với các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khác như bảo lãnh phát hành chứng khoán hay môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán… thì nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được đánh giá là có mức độ rủi ro cao hơn cho chủ thể thực hiện nghiệp vụ này bởi lẽ trong nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, người kinh doanh phải sử dụng chính nguồn vốn, tài sản của mình để thực hiện các hành vi mua và bán chứng khoán trên thị trường nhằm đem lại lợi nhuận cho mình.
Theo quy định của Luật chứng khoán 2005 thì chỉ có công ty chứng khoán mới được thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, vốn pháp định cho nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán là 100 tỷ đồng. Do có tính đặc thù về khả năng tiếp cận thông tin và chủ động trên thị trường nên công ty chứng khoán có những lợi thế nhất định khi tiến hành hoạt động tự doanh như có thể dự đoán diễn biến của thị trường, nắm được xu thế giao dịch; có nhân viên đại diện sàn nên họ biết thông tin đầy đủ về quan hệ cung cầu đối với từng chứng khoán và không phải nghĩ đến phí giao dịch khi thực hiện nghiệp vụ tự doanh. Xét mức độ ảnh hưởng, hoạt động tự doanh của mỗi công ty chứng khoán với khả năng chuyên môn và nguồn vốn lớn được coi là hoạt động giao dịch của một nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp có những tác động nhất định tới giá cả thị trường. Do đó, công ty chứng khoán có thể thông qua hoạt động tự doanh góp phần rất lớn trong việc điều tiết cung cầu, bình ổn giá cả của các loại chứng khoán trên thị trường.
Do có ảnh hưởng như vậy nên khi thị trường có chiều hướng đi xuống, các công ty chứng khoán hoạt động tự doanh sẽ thua lỗ nặng và trở nên lao đao. Đầu năm 2009, hàng loạt công ty chứng khoán đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin rút bớt nghiệp vụ tự doanh do cổ phiếu xuống giá, khiến nhiều công ty chứng khoán lỗ nặng ở mảng tự doanh. Phần lớn công ty chứng khoán được thành lập trong bối cảnh thị trường đang “nóng” nên ngay khi có phép, họ không bỏ lỡ cơ hội đầu tư cổ phiếu để kiếm lợi. Nhưng do khả năng phân tích và dự báo còn nhiều hạn chế nên không kịp bán khi giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp này bị thua lỗ rất lớn, nguy cơ các công ty chứng khoán bị phá sản do hoạt động tự doanh là rất cao.(theo bài báo “Công ty chứng khoán đua nhau đóng cửa nghiệp vụ tự doanh” – www.doanhnhan360.com).
III.Một số giải pháp góp phần hạn chế rủi ro trong kinh doanh chứng khoán
1.Đảm bảo sự minh bạch và lành mạnh của thị trường chứng khoán bằng pháp luật.
Để phòng tránh và giảm thiểu những rủi ro trên trước hết, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, môi trường pháp lý và của những định chế cần thiết cho hoạt động kinh doanh chứng khoán. Đặc biệt, cần có những quy định rõ ràng, thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế về chế độ kiểm toán, kế toán và thông tin phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán đối với các công ty có niêm yết cổ phiếu trên thị trường. Phát triển rộng rãi cơ chế và mạng lưới thông tin chuyên đề, chuyên ngành, và thông tin đại chúng về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việt Nam cần bám sát các chuẩn mực kế toán quốc tế do Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) đã thông qua để “chuẩn hóa và quốc tế hóa” các quy định kế toán cần thiết, tạo thuận lợi cho sự hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam và môi trường chung của kinh doanh chứng khoán quốc tế, tạo điều kiện cho việc phát hành chứng khoán của các doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường chứng khoán nước ngoài.
Đồng thời, phải có cơ chế chế tài nghiêm khắc, kịp thời, hiệu quả đối với các sai phạm trong việc bảo đảm chất lượng thông tin và cung cấp các dịch vụ phục vụ kinh doanh chứng khoán. Cần tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát của các ban thanh tra liên ngành đối với việc phát hành cổ phiếu chui, huy động vốn một cách tùy tiện, sử dụng vốn thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả, thậm chí “ôm” vốn đi đầu tư bất hợp pháp gây thua lỗ cho doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật về chứng khoán – kinh doanh chứng khoán, áp dụng linh hoạt các biện pháp cấp, đình chỉ và thu hồi các loại giấy phép trong lĩnh vực chứng khoán và kinh doanh chứng khoán đối với các đơn vị và cá nhân vi phạm các quy định về phổ biến và đảm bảo chất lượng, an toàn thông tin chứng khoán. Đặc biệt, cần tăng cường mức xử phạt thậm chí đưa một số hành vi vi phạm nguy hiểm vào Bộ luật hình sự để xử lý như những loại tội phạm mới và thông tin rộng rãi về các đối tượng và hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm giữ nghiêm kỷ cương trên thị trường chứng khoán. (Theo bài viết “Tăng xử phạt vi phạm hành chính để thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, minh bạch hơn” – www.tapchicongsan.org).
2. Nâng cao hiệu quả của pháp luật về quản trị công ty
Đối với nước ta, khái niệm quản trị công ty hầu như vẫn còn tương đối xa lạ với cả giới hoạch định chính sách cũng như những người nghiên cứu pháp lý. Chúng ta cũng đã phải trả giá quá đắt từ hậu quả của quản trị công ty yếu kém, nhất là ở các doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn như vụ án Lã Thị Kim Oanh – một người không có năng lực về quản trị kinh doanh (Lã Thị Kim Oanh tốt nghiệp Đại học Sư phạm) làm Giám đốc công ty. Để bảo đảm hiệu quả pháp luật về quản trị công ty trong trong mối liên hệ với việc hoàn thiện pháp luật về công bố thông tin trên TTCK cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
- Cần coi việc tuân thủ các quy định về quản trị công ty là một trong những yêu cầu bắt buộc trước khi thực hiện việc niêm yết trên TTCK;
- Các công ty niêm yết tại Trung tâm/Sở Giao dịch chứng khoán phải thường xuyên báo cáo việc tuân thủ các quy định về quản trị công ty và báo cáo cho Trung tâm/Sở Giao dịch chứng khoán những thay đổi về nhân sự của công ty một cách kịp thời;
- Khi thiết kế Điều lệ công ty, quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, người quản lý công ty và Ban kiểm soát công ty phải xác định rõ nội dung, thẩm quyền và cơ chế phối hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ về quản trị công ty; nội dung và phương pháp phối hợp giữa các bộ phận trong công ty khi giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.
- Các công ty tự mình hoặc dưới sự trợ giúp, tư vấn của các chuyên gia khẩn trương rà soát hệ thống quản trị công ty của mình nhằm phát hiện những thiếu sót, lỗ hổng, những điểm chưa hợp lý từ đó đề ra biện pháp khắc phục. Nâng cao vị trí, vai trò của cổ đông – chủ sở hữu công ty trong việc đề xuất các yêu cầu quản trị công ty, nhất là việc thực hiện quyền giám sát của cổ đông đối với hoạt động của người quản trị công ty.
3. Nâng cao vai trò của người quản trị công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán.
Là người trực tiếp điều hành hoạt động của công ty nên người quản trị công có rất nhiều thông tin và những thông tin đó cần phải được công bố, báo cáo cho cổ đông biết để họ thực hiện quyền của mình. Tuy vậy, người quản trị công ty luôn chịu sự chi phối từ rất nhiều phía như cổ đông lớn – người cử mình và Hội đồng quản trị, lợi ích tư nhân của mình… nên đã dẫn đến việc họ lợi dụng các thông tin từ hoạt động của công ty để trục lợi. Ở nước ta hiện nay, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thường nắm giữ rất ít cổ phần trong công ty, thêm vào đó họ lại thường xuyên chuyển nhượng cổ phần của mình khi thị trường tăng nóng hay sụt giảm làm ảnh hưỏng đến niềm tin của nhà đầu tư. Như vậy, để người quản trị công ty gắn bó với sự sống còn của công ty thì phải có các tiêu chuẩn vật chất đối với những người này. Tức là họ phải nắm giữ một số cổ phần nhất định đối với công ty, và mức cổ phần nắm giữ không được quá thấp.
Bên cạnh việc gắn trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thông qua việc nắm giữ trị giá cổ phần tại công ty, thì việc ban hành bộ quy tắc đạo đức của nhà quản trị doanh nghiệp là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các công ty cần có những biện pháp khuyến khích thu hút người có năng lực vào quản trị công ty.
4. Nâng cao vai trò của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán trong việc bảo đảm tính minh bạch trên thị trường.
Ngày 14/5/2004, tại Hà Nội, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động. Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động sẽ tạo thêm sức mạnh cho hoạt động kinh doanh chứng khoán, tăng niềm tin cho công chúng đầu tư trong bối cảnh thị trường đang khó khăn hiện nay. Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán có nhiệm vụ thiết lập và duy trì mối quan hệ thường xuyên giữa các thành viên phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán nhà nước để xây dựng hệ thống khuôn khổ pháp lý về chứng khoán. Hiệp hội cũng tổ chức các hoạt động đào tạo chứng khoán và thiết lập mối quan hệ quốc tế về lĩnh vực này.
Trong những năm qua, vai trò của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán trong việc hỗ trợ sự phát triển của thị trường đã được khẳng định. Với số lượng các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán tham gia là thành viên đã làm cho tiếng nói của Hiệp hội ngày càng có giá trị. Trước những biến động của TTCK nước ta thời gian gần đây, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đã có không ít kiến nghị đối với UBCKNN, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… nhằm tìm kiếm các giải pháp khôi phục lại vị thế của TTCK đối với công chúng đầu tư. Vai trò của hiệp hội Kinh doanh chứng khoán trong việc nâng cao tính minh bạch trên TTCK nước ta thể hiện ở những điểm sau đây:
- Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán sẽ phản ánh được mức độ thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của các thành viên;
- Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán sẽ đưa ra những khuyến cáo đối với nhà đầu tư trước những thông tin không đáng tin cậy, không có cơ sở;
- Kiến nghị đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp với những biến động của thị trường.
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của báo giới, làm rõ vai trò của báo giới trong hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Không thể phủ nhận những gì mà báo giới đã mang lại cho TTCK trong thời gian qua và cũng đã không ít những tác hại mà báo giới đã mang lại đối với thị trường. Thông qua kênh báo chí giúp cho tổ chức phát hành tiếp cận được với công chúng đầu tư và công chúng đầu tư tiếp cận được với tổ chức phát hành. Điều mà chúng ta quan tâm hiện nay, đó là bản thân doanh nghiệp không muốn tiếp cận với báo chí, bởi khi khai thác thông tin báo giới thường quá nhấn mạnh tới những thông tin nhỏ hay cường điệu hoá thông tin gây nên những hiểu nhầm cho nhà đầu tư. Vai trò của báo giới đối với hoạt động công bố thông tin trên TTCK thể hiện ở những điểm sau:
- Báo giới phải góp phần định hướng cho công chúng đầu tư, đưa các thông tin chính xác, khách quan và tránh những bình luận gây hại cho doanh nghiệp;
- Báo giới phải trở thành công cụ để cho doanh nghiệp quảng bá và khuếch trương thương hiệu của mình trên thị trường;
- Khi phản ánh các thông tin về doanh nghiệp phải bảo đảm tính khách quan, công bằng, không cường điệu hoá thông tin, không đưa những thông tin “gây nhiễu” làm khó khăn cho nhà đầu tư.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán nhà nước phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền với nội dung và phương thức đa dạng để công chúng có hiểu biết hơn về những lợi ích cũng như những rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán, coi đây là một trong các giải pháp trọng tâm lâu dài nhằm phát triển lành mạnh và bền vững thị trường chứng khoán. Đây cần được coi là tôn chỉ, mục đích hoạt động của báo chí trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
6. Củng cố lòng tin của nhà đầu tư cũng như tăng cường sự quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
TTCK rất nhạy cảm với thông tin. Thông tin càng minh bạch, càng rõ ràng thì niềm tin của công chúng đầu tư vào TTCK càng lớn. Niềm tin của công chúng đầu tư là động lực thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển, vượt qua những giai đoạn khó khăn thử thách. Để thành công trên TTCK ngoài kiến thức, tiền bạc, sự kiên nhẫn, sự may mắn thì lòng tin vẫn là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Nếu không có lòng tin vào thị trường, không có lòng tin vào tổ chức phát hành thì chắc chắn nhà đầu tư không thể đầu tư tiền bạc của mình vào được. Nói một cách khác đi, lòng tin của nhà đầu tư quyết định đến sự phát triển của TTCK.
Tình trạng thông tin bất cân xứng trên TTCK Việt Nam thời gian qua cũng như việc sụt giảm quá nhanh của TTCK thời gian gần đây đã làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư vào TTCK. Một trong những nguyên nhân của việc suy giảm lòng tin của nhà đầu tư đó chính là việc họ không có cơ hội tiếp cận được với các thông tin chính thức trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Niềm tin của công chúng đầu tư sẽ được cải thiện nếu các quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK được các chủ thể tham gia thị trường tuân thủ đầy đủ.
Công tác quản lý nhà nước về TTCK cũng cần phải dựa trên hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan và kịp thời. Các giao dịch bất hợp pháp trong lĩnh vực chứng khoán nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì những hậu quả mà nó mang lại là rất lớn. Các nước có TTCK phát triển thì cũng có một hệ thống thông tin về TTCK rất hiện đại. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc7, việc khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc khôi phục TTCK là một bộ phận của chương trình cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Điều này phản ánh dấu ấn cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc, cũng được tiến hành một cách tuần tự trên cơ sở sự ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô và là sản phẩm của quá trình chuyển hoá dần về quan hệ sở hữu. Chính phủ Trung Quốc đã chủ động, tích cực tìm kiếm những con đường mới cho việc thiết lập lại thị trường vốn, tiến hành thử nghiệm việc thành lập thị trường giao dịch cổ phiếu tập trung ở Thượng Hải và Thẩm Quyến để tạo tiền đề cho việc thành lập thị trường vốn rộng lớn ở Trung Quốc.
Thời gian qua, với những nỗ lực của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước trong việc duy trì, củng cố lòng tin của nhà đầu tư vào TTCK bằng rất nhiều các biện pháp khác nhau như điều chỉnh biên độ giao dịch, tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho thị trường, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK… Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường. Việc củng cố lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường là công việc khó khăn và phải được tiến hành thường xuyên, bởi nếu không chú tâm vào việc giám sát thị trường thì ngay lập tức có thể ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào thị trường.
Kết luận
Rủi ro đối với việc kinh doanh chứng khoán chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng tổng hợp, phân tích và phản ứng thị trường một cách nhạy bén, chính xác của bản thân nhà đầu tư…Muốn cho hoạt động kinh doanh được thuận lợi, không còn cách nào khác, các nhà đầu tư phải không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Sự phát triển của nền kinh tế thông tin, kinh tế tri thức đòi hỏi và cho phép phải tri thức hóa hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh chứng khoán, để đầu tư chứng khoán thực sự “ích nước, lợi nhà”.
Danh mục tài liệu tham khảo
1.Luật chứng khoán 2006.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật chứng khoán, Nxb CAND, Hà Nội, 2008. (Chương VIII, Pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh chứng khoán).
3. TS. Nguyễn Mi
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích những biện pháp cơ bản để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh chứng khoán.doc