MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ 1
A - PHÁP LUẬT LIÊN QUAN VỀ CHÀO BÁN CHỨNG KHOÁN CỦA DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM. 1
I - Các hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng 1
1. Chào bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng bao gồm: 1
2. Chào bán thêm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ra công chúng bao gồm: 2
3. Chào bán trái phiếu ra công chúng. 2
II - Điều kiện chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng của một số loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2
1. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của một số loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2
2. Điều kiện chào bán các loại chứng khoán khác (Điều 5 NĐ 14/2007) 3
III - Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài. 5
1. Thành Lập 5
2. Thủ tục Đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 6
+ Có công ty chứng khoán tư vấn trong việc lập hồ sơ chào bán cổ phiếu 9
B – THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT PHÁP LÝ CỦA NGƯỜI NGHIÊN CỨU 10
I. Thực trạng pháp luật về chào bán chứng khoán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay 10
II. Một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật chào bán chứng khoán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 11
KẾT LUẬN 12
TÀI LIỆU THAM KHẢO 13
14 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2234 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Pháp luật liên quan về chào bán chứng khoán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/7/2000 là sự kiện quan trọng trong quá trình đổi mới nền kinh té và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thị trường chứng khoán là công cụ hiệu quả huy động và phấn bổ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Thông qua hoạt động cháo bán chứng khoán của các doanh nghiệp sẽ thu hút, tạo lập vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, khi đó không chỉ bản thân doanh nghiệp có lợi mà nền kinh tế cũng có lợi do đóng góp của doanh nghiệp từ phần thu nhập có được từ dự án kinh doanh vào ngân sách nhà nước dưới dạng các khoản thuế doanh nghiệp phải nộp đồng thời xã hội cũng có lợi do dự án kinh doanh đó tạo thêm việc làm cho người lao động.
Một trong những doanh nghiệp trong những năm qua có đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế nước ta, nhà nước ta cũng rất quan tâm và tạo mọi điều kiện thu hút đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bài làm sau đây tập trung nghiên cứu pháp luật liên quan về chào bán chứng khoán của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
A - PHÁP LUẬT LIÊN QUAN VỀ CHÀO BÁN CHỨNG KHOÁN CỦA DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM.
I - Các hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng
Theo Nghị định chính phủ số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán (NĐ 14/2007), tại Điều 3 quy định về hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng như sau:
1. Chào bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng bao gồm:
a) Chào bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để huy động vốn cho tổ chức phát hành;
b) Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành.
2. Chào bán thêm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ra công chúng bao gồm:
a) Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ;
b) Công ty đại chúng chào bán tiếp cổ phiếu ra công chúng để thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ;
c) Công ty quản lý quỹ chào bán thêm chứng chỉ quỹ đóng ra công chúng; công ty đầu tư chứng khoán chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.
3. Chào bán trái phiếu ra công chúng.
Ngoài ra, ta còn có một số loại hình khác như chào bán chứng khoán ra nước ngoài, Chào bán trái phiếu bằng đồng Việt Nam của tổ chức tài chính quốc tế, chào bán các loại chứng khoán khác với những quy định cụ thể về điều kiện thể có thể được phép chào bán các chứng khoán nêu trên. Cụ thể được quy định tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7 của NĐ 14/2007.
II - Điều kiện chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng của một số loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
1. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của một số loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Theo khoản 2, khoản 3 tại Điều 4 NĐ 14/2007 có quy đinh như sau:
a) Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi thành công ty cổ phần kết hợp chào bán cổ phiếu ra công chúng:
+ Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán;
+ Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được chủ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh thông qua;
+ Có công ty chứng khoán tư vấn trong việc lập hồ sơ chào bán cổ phiếu.
b) Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chuyển đổi thành công ty cổ phần:
+ Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán;
+ Có công ty chứng khoán tư vấn trong việc lập hồ sơ chào bán cổ phiếu.
2. Điều kiện chào bán các loại chứng khoán khác (Điều 5 NĐ 14/2007)
1. Công ty cổ phần chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu có kèm theo chứng quyền hoặc chứng quyền kèm theo cổ phiếu ưu đãi ra công chúng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại điểm a, b và d khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán;
b) Có phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán, kế hoạch phát hành số cổ phiếu cần thiết cho việc chuyển đổi được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Phương án chuyển đổi bao gồm điều kiện, thời hạn chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi, phương pháp tính và các điều kiện khác được xác định ngay trong phương án phát hành.
2. Tổ chức phát hành thực hiện chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng theo một trong hai phương thức bảo đảm bằng bảo lãnh thanh toán hoặc bảo đảm bằng tài sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán;
b) Có cam kết bảo lãnh thanh toán kèm theo tài liệu chứng minh năng lực tài chính của tổ chức bảo lãnh trong trường hợp bảo đảm bằng bảo lãnh thanh toán hoặc có tài sản đủ giá trị thanh toán trái phiếu trong trường hợp bảo đảm bằng tài sản. Giá trị tài sản dùng để bảo đảm tối thiểu bằng tổng giá trị trái phiếu đăng ký chào bán. Việc định giá tài sản dùng để bảo đảm phải do cơ quan, tổ chức thẩm định giá có thẩm quyền thực hiện và có giá trị không quá 12 tháng kể từ ngày định giá. Tài sản dùng để bảo đảm phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Quy định này không áp dụng đối với trường hợp tổ chức bảo lãnh thanh toán là Chính phủ hoặc Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ bảo lãnh thanh toán theo thẩm quyền.
c) Tổ chức phát hành phải chỉ định đại diện người sở hữu trái phiếu để giám sát việc thực hiện các cam kết của tổ chức phát hành. Các đối tượng sau đây không được làm đại diện người sở hữu trái phiếu:
- Tổ chức bảo lãnh việc thanh toán nợ của tổ chức phát hành;
- Cổ đông lớn của tổ chức phát hành;
- Tổ chức có cổ đông lớn là tổ chức phát hành;
- Tổ chức có chung cổ đông lớn với tổ chức phát hành;
- Tổ chức có chung người điều hành với tổ chức phát hành hoặc cùng chịu sự kiểm soát của tổ chức khác.
3. Tổ chức phát hành thực hiện chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng chung cho nhiều đợt phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán;
b) Có nhu cầu huy động vốn làm nhiều đợt phù hợp với dự án đầu tư hoặc kế hoạch sản xuất kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Có kế hoạch chào bán trong đó nêu rõ đối tượng, số lượng và thời gian dự kiến chào bán của từng đợt.
4. Tổ chức tín dụng đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a và c khoản 3 Điều này được đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng chung cho nhiều đợt trong 12 tháng.
III - Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài.
1. Thành Lập
Hồ sơ bao gồm:
a) Các tài liệu theo quy định tại Điều 63 Luật Chứng khoán;
b) Hợp đồng liên doanh đối với trường hợp thành lập công ty chứng khoán liên doanh, công ty quản lý quỹ liên doanh hoặc cam kết góp vốn đối với trường hợp thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có vốn góp của bên nước ngoài;
c) Trường hợp bên nước ngoài là pháp nhân, hồ sơ có thêm các tài liệu: Bản sao hợp lệ Điều lệ, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản pháp lý tương đương của pháp nhân đó do nước nguyên xứ cấp; Quyết định về việc thành lập hoặc góp vốn thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam của cấp có thẩm quyền của pháp nhân nước ngoài.
2. Hồ sơ theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 63 Luật Chứng khoán trong trường hợp Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là tổ chức và cá nhân nước ngoài và điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải lập thành hai bản, một bản bằng tiếng Anh, một bản bằng tiếng Việt. Bộ hồ sơ bằng tiếng Anh, phải được hợp pháp hoá lãnh sự. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam hoặc được công ty luật có chức năng dịch thuật hoạt động hợp pháp ở Việt Nam xác nhận.
3. Thời hạn cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Điều 65 Luật Chứng khoán
2. Thủ tục Đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trình tự thực hiện:
- Đối với cá nhân, tổ chức:
+ Gửi Hồ sơ đăng ký chào bán cho UBCKNN trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc theo đường bưu điện gồm 01 bộ gốc và 05 bộ sao y bản chính, kèm theo file điện tử theo địa chỉ do UBCKNN quy định
+ Sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ hoặc thấy cần thiết phải giải trình về vấn đề có thể gây hiểu nhầm hoặc theo yêu cầu của UBCKNN
+ Sau khi được chấp thuận về nguyên tắc, tổ chức phát hành gửi UBCKNN 06 bộ hồ sơ đã được chấp thuận trước khi UBCKNN cấp giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng
- Đối với cơ quan hành chính nhà nước:
+ Tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ cho đơn vị thẩm định
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBCKNN xem xét và cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng. Trường hợp từ chối, UBCKNN phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do
+ Chuyển Giấy Chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng cho tổ chức đề nghị cấp
- Cách thức thực hiện:
+ Gửi Hồ sơ đăng ký chào bán trực tiếp tại trụ sở UBCKNN (bộ phận một cửa)
+ Hoặc theo đường bưu điện kèm theo file điện tử theo địa chỉ do UBCKNN quy định
- Thành phần, số lượng hồ sơ:
- Thành phần hồ sơ, bao gồm:
+ Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng
+ Bản cáo bạch theo mẫu kèm báo cáo tài chính
+ Điều lệ công ty
+ Quyết định của Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh hoặc chủ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thông qua phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được, trong trường hợp chào bán để huy động vốn;
+ Quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty cổ phần của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
+ Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có)
+ Văn bản chấp thuận của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, trường hợp tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng;
+ Văn bản xác nhận của tổ chức, cá nhân có liên quan, trường hợp một phần hoặc toàn bộ hồ sơ đăng ký chào bán được các tổ chức, cá nhân xác nhận;
+ Tài liệu về việc xác định giá trị doanh nghiệp;
+ Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán với công ty chứng khoán;
+ Quyết định của Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh hoặc chủ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thông qua hồ sơ.
+ Tài liệu pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, quyết định phê duyệt dự án hoặc ý kiến thẩm định chuyên môn đối với các dự án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán (nếu cần) và kế hoạch chi tiết về việc sử dụng vốn
- Số lượng hồ sơ: 06 bộ, trong đó gồm 01 bộ gốc và 05 bộ sao y bản chính kèm file điện tử gửi theo địa chỉ do UBCKNN quy định
- Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày UBCKNN nhận được hồ sơ hợp lệ
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức
- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
+ Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBCKNN
+ Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Ban Quản lý Phát hành Chứng khoán
- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận
- Lệ phí (nếu có):
Lệ phí chấp thuận chào bán cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ ra công chúng (mức lệ phí tính theo quy mô vốn chào bán):
- Chào bán dưới 50 tỷ: lệ phí 10.000.000đ;
- Chào bán từ 50 tỷ đến dưới 150 tỷ: lệ phí 20.000.000đ;
- Chào bán từ 150 tỷ đến dưới 250 tỷ: lệ phí 35.000.000đ;
- Chào bán từ 250 tỷ trở lên: lệ phí 50.000.000đ
- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có và đề nghị đính kèm ngay sau thủ tục a):
+ Phụ lục 05A: Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng
+ Phụ lục số 01: Mẫu bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng
+ Phụ lục số 06A: Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có)
- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):
+ Có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán
+ Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán
+ Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được chủ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh thông qua
+ Có công ty chứng khoán tư vấn trong việc lập hồ sơ chào bán cổ phiếu
B – THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT PHÁP LÝ CỦA NGƯỜI NGHIÊN CỨU
I. Thực trạng pháp luật về chào bán chứng khoán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, khi doanh nghiệp chào bán ra công chúng thì phải có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính trên giá trị ghi trên sổ sách kế toán. Đây là điều kiện thể hiện năng lực tài chính của doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng. Khi cổ phiếu được chào bán ra công chúng, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư trở thành cổ đông của công ty. Quyền lợi của rất nhiều người sẽ bị ảnh hưởng nếu tổ chức phát hành cổ phiếu vi phạm các quy định của pháp luật khiến đợt chào bán bị đình chỉ hay bị huỷ bỏ. Thiệt hại của các nhà đầu tư lúc này đương nhiên sẽ do doanh nghiệp chào bán phải bồi thường và khoản tiền theo quy định này sẽ là nguồn vốn dự phòng để tổ chức phát hành bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư. Như vậy, đây không chỉ là quy định thể hiện năng lực tài chính của tổ chức phát hành mà còn là quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Thứ hai, doanh nghiệp muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng phải là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt. Cụ thể là hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán. Do kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chào bán cổ phiếu cõ lãi nên tính thanh khoản của cổ phiếu doanh nghiệp này trên thị trường cũng sẽ tăng lên. Các nhà đầu tư khi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ thu được lợi nhuận.
Thứ ba, doanh nghiệp muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng phải có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Quy định này vừa thể hiện hoạt động chào bán cổ phiếu là hoạt động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có kế hoạch cụ thể, lại vừa thể hiện sự thống nhất giữa Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp: khi chào bán cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn từ công chúng đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch rõ ràng về hoạt động phát hành để đảm bảo cho đợt chào bán được tiến hành thành công; có phương án, kế hoạch cụ thể về việc sử dụng vốn huy động được từ đợt chào bán, tránh trường hợp sử dụng nguồn vốn huy động được một cách tuỳ tiện, xâm phạm đến quyền lợi của các nhà đầu tư, đây cũng là cơ sở để đánh giá tính hiệu quả của hoạt động chào bán chứng khoán.
II. Một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật chào bán chứng khoán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất về điều kiện về vốn điều lệ thực góp tại thời điểm đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng mà doanh nghiệp chào bán phải thoả mã tối thiểu là 10 tỷ đồng Việt Nam. Trong thực tế có nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, có hơn 100 cổ đông, muốn chào bán chứng khoán để huy động vốn mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng nếu chào bán chứng khoán ra công chúng lại không đủ điều kiện. Điều kiện này của pháp luật tuy là để lựa chọn ra những tổ chức có năng lực tài chính vững chắc thì mới được chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng cũng là điều kiện khiến nhiều doanh nghiệp không thể chào bán chứng khoán ra công chúng buộc phải chào ván chứng khoán ra công chúng một cách thiếu minh bạch, bởi không thể có đủ số vốn tối thiểu 10 tỷ đồng. Nên chăng, pháp luật về chào bán chứng khoán ra công chúng nên thay đổi quy định về mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tối thiểu là 10 tỷ đồng Việt Nam bằng một quy định khác theo hướng doanh nghiệp muốn chào bán chứng khoán ra công chúng thì phải có tài sản đảm bảo. Quy định như vậy có thể tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi muốn chào bán chứng khoán ta công chúng bởi các doanh nghiệp không phải thoả mãn mức vốn cố định, mà vẫn đảm bảo được ý nghĩa lựa chọn doanh nghiệp có tiêm lực tài chính để chào bán chứng khoán ra công chúng.
Thứ 2 về quy định về bản cáo bạch. Các doanh nghiệp khi muốn chứng khoán của mình được chào bán và chào bán với mức giá cao thường tự “làm đẹp” hình ảnh của mình thông qua nội dung bản cáo bạch. Làm thế nào để kiểm chứng được thông tin mà doanh nghiệp công bố trong bản cáo bạch khi chào bán chứng khoán ra công chúng là chính xác khi mà hiện nay vẫn chưa có quy định nào buocj doanh nghiệp phải chứng thực cho các thông tin trong bản cáo bạch. Do vậy, để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức phát hành đối với các thông tin trong bản cáo bạch. Do vậy, để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức phát hành đối với các thông tin trong bản cáo bạch, để bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng hợp pháp của các nhà đầu tư, pháp luật cần đưa ra các tiêu chí cụ thể để đánh giá tính trung thực của bản cáo bạch cũng như các thông tin liên quan đến tài chính.
KẾT LUẬN
Chào bán chứng khoán của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện còn có nhiều bất cập về luật pháp và chưa phù hợp với thực tế. Các nhà làm luật cần nghiên cứu kĩ và đưa ra các quy định phù hợp hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Chứng khoán – Đại học Luật Hà Nội – Nxb CAND- Hà Nội 2008
2. Luật Chứng khoán số 70/QH11 ngày 29/6/2006; có hiệu lực ngày 01/01/2007
3. Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; có hiệu lực ngày 08/02/2007
4. Quyết định 13/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Ban hành mẫu Bản cáo bạch trong Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng và Hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại Sở GDCK, Trung tâm GDCK; hiệu lực ngày 12/8/2007
5. Thông tư 17/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 của BTC hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; hiệu lực ngày 13/8/2007
6. Thông tư 112/2008/TT-BTC ngày 26/11/2008 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 của BTC hướng dẫn Hồ sơ đăng ký chào bán CK ra công chúng; hiệu lực ngày 29/12/2008
7. Thông tư số 134/2009/TT-BTC ngày 01/07/2009 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
8. Một số trang web về chứng khoán.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Pháp luật liên quan về chào bán chứng khoán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.doc