Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường khoán cho người tham gia phải bán được một lượng hàng hóa nhất định trong một khoảng thời gian thường là mỗi tháng để duy trì quyền tham gia mạng lưới. Dẫn đến việc tồn đọng hàng hóa, rồi dẫn đến nhiều hệ lụy khác: lừa đảo, tự bỏ tiền túi ra mua các sản phẩm dù không có nhu cầu gây ảnh hưởng đến cả người tham gia mạng lưới và người tiêu dùng.
Người tham gia chỉ là khâu trung gian tiếp thị và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà không phải là đại lý bao tiêu, người tiêu thụ sản phẩm. Họ tìm kiếm khách hàng rồi mới mua sản phẩm từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không bán được hết số hàng đã lấy thì doanh nghiệp có nghĩa vụ mua lại với mức giá hợp lý (90%) để tránh gây thiệt hại quá lớn cho người tham gia. Hành vi buộc người muốn tham gia phải mua một lượng hàng nhất định ban đầu để được quyền tham gia bán hàng đa cấp, từ chối mua lại sản phẩm hoặc mua lại với mức giá thấp hơn 90% giá bán không phù hợp với mục đích của hệ thống kinh doanh đa cấp lành mạnh. Vô hình chung, doanh nghiệp đã biến người tham gia trở thành người tiêu dùng bất đắc dĩ của họ.
12 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 9480 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Pháp luật Việt Nam về bán hàng đa cấp bất chính và thực tiễn thực hiện, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới và được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1998 – 1999. Với những ưu điểm của mình, hình thức này đã phát triển rất nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng, biến tướng hình thức này nhằm thu lời bất chính. Nhận thức được điều này, các nhà làm luật Việt Nam đã đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn và xử lý những hành vi này. Với vốn kiến thức còn hạn chế, khi tìm hiểu đề tài: “Pháp luật Việt Nam về bán hàng đa cấp bất chính và thực tiễn thực hiện”, bài làm của em không tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong thầy cô góp ý để bài làm và kiến thức của em về vấn đề này được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
NỘI DUNG
I, LÝ LUẬN CHUNG
1, Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Theo khoản 4 Điều 4 Luật Cạnh tranh ( LCT) 2004: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, của người tiêu dùng”.
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được chia làm hai nhóm:
- Những hành vi xâm phạm lợi ích của các đối thủ cạnh tranh: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; Xâm phạm bí mật kinh doanh; Ép buộc kinh doanh; Gièm pha doanh nghiệp khác; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Phân biệt đối xử của hiệp hội.
- Những hành vi xâm phạm lợi ích của khách hàng: Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Bán hàng đa cấp bất chính.
2, Bán hàng đa cấp bất chính
2.1, Khái niệm
Theo quy định tại khoản 11 Điều 3 LCT 2004 và Điều 3 Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 về quản lý bán hàng đa cấp, có thể hiểu bán hàng đa cấp là một phương thức tiếp thị bán lẻ hàng hóa theo đó:
- Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;
- Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;
- Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.
Ưu điểm nổi bật của phương thức này là đưa hàng hóa tiếp cận khách hàng một cách trực tiếp, trên quy mô rộng, với chi phí không đáng kể. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã biến tướng phương thức này nhằm thu lời bất chính. Pháp luật đã quy định đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh Điều 48 LCT 2004 quy định rõ: “Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
1. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
2. Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
3. Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
4. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa dụ dỗ người khác tham gia.”
2.2, Đặc điểm
22..1, Bán hàng đa cấp
- Là hình thức bán hàng trực tiếp, hàng hóa chuyển trực tiếp từ cá nhân đến cá nhân.
- Người tham gia bán hàng đa cấp không phải là nhân viên của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.. Giữa doanh nghiệp và người bán hàng đa cấp phải ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
- Lợi ích của người tham gia bán hàng đa cấp gồm: tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác.
- Có chính sách mua lại hàng hóa.
2.2.2, Bán hàng đa cấp bất chính
Bên cạnh những đặc điểm của bán hàng đa cấp nói chung, bán hàng đa cấp bất chính còn có thêm những đặc điểm hàm chứa yếu tố “bất chính”. Đó chính là việc các doanh nghiệp thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển người tham gia mạng lười bán hàng đa cấp.
Pháp luật không ngăn cấm mà luôn tạo ra một hành lang pháp lý để kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp. Còn đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính, đây là hành vi luôn gây ra những tác động xấu và tiêu cực, do đó cần phải ngăn cấm triệt để mà không có miễn trừ.
II, QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BÁN HÀNG ĐA CẤP BẤT CHÍNH
1, Dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp bất chính
Bán hàng đa cấp bất chính được quy định tại LCT 2004 và Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, pháp luật đã liệt kê những hành vi bất chính – dấu hiệu nhận biết giữa bán hàng đa cấp bất chính và bán hàng đa cấp chân chính. Các dấu hiệu đó cụ thể như sau:
1.1, Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trẻ một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Những hành vi này được quy định tại khoản 1,2,3 Điều 7 Nghị định số 110/2005/NĐ-CP. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp đưa ra yêu cầu người tham gia phải bỏ tiền để tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, họ luôn đồng thời đưa ra những nguồn lợi tài chính khổng lồ trong tương lai để lôi kéo nhiều người đặt cọc và tham gia. Sau khi đã thu được một khoản tài chính lớn, những công ty này ngừng hoạt động, thậm chí bỏ trốn, gây thiệt hại lớn về tài sản cho những người tham gia.
Có thể thấy bản chất của sự chiếm dụng vốn trong những hành vi này. Theo lập luận của các doanh nghiệp thì hành vi này giống như một biện pháp bảo đảm, là một ràng buộc vật chất để người tham gia phải tôn trọng uy tín của doanh nghiệp và của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể thấy những điều bất hợp lý như sau:
+ Doanh nghiệp không thực hiện ký gửi hàng hóa cho người tham gia. Mà do người tham gia trực tiếp tiếp thị, nhập hàng sau đó bán lại để hưởng chênh lệch. Nghĩa vụ đặt cọc là không có căn cứ.
+ Bản chất của bán hàng đa cấp là doanh nghiệp hưởng lợi từ kết quả tiếp thị sản phẩm, bán hàng của người tham gia và mạng lưới của họ. Chỉ khi họ có hoạt động tiếp thị và bán được hàng thì mới đem lại lợi ích vật chất, chứ khi gia nhập mạng lưới, họ chưa có quyền lợi nào, không thể ràng buộc trách nhiệm vật chất với họ được.
+ Mục đích của việc đặt cọc là nhằm đảm bảo việc thực hiện một số nghĩa vụ. Do đó, nếu đặt cọc là một điều kiện để tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp là trái với bản chất của việc đặt cọc hay của nghĩa vụ trả tiền trong các thương vụ.
Như vậy, những khoản tiền mà doanh nghiệp có được từ việc buộc người tham gia đặt cọc chính là khoản tài chính mà họ chiếm dụng được.
1.2, Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường khoán cho người tham gia phải bán được một lượng hàng hóa nhất định trong một khoảng thời gian thường là mỗi tháng để duy trì quyền tham gia mạng lưới. Dẫn đến việc tồn đọng hàng hóa, rồi dẫn đến nhiều hệ lụy khác: lừa đảo, tự bỏ tiền túi ra mua các sản phẩm dù không có nhu cầu… gây ảnh hưởng đến cả người tham gia mạng lưới và người tiêu dùng.
Người tham gia chỉ là khâu trung gian tiếp thị và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà không phải là đại lý bao tiêu, người tiêu thụ sản phẩm. Họ tìm kiếm khách hàng rồi mới mua sản phẩm từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không bán được hết số hàng đã lấy thì doanh nghiệp có nghĩa vụ mua lại với mức giá hợp lý (90%) để tránh gây thiệt hại quá lớn cho người tham gia. Hành vi buộc người muốn tham gia phải mua một lượng hàng nhất định ban đầu để được quyền tham gia bán hàng đa cấp, từ chối mua lại sản phẩm hoặc mua lại với mức giá thấp hơn 90% giá bán không phù hợp với mục đích của hệ thống kinh doanh đa cấp lành mạnh. Vô hình chung, doanh nghiệp đã biến người tham gia trở thành người tiêu dùng bất đắc dĩ của họ.
1.3, Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp
Đây là hành vi cho người tham gia được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Với lợi ích như vậy, người tham gia sẽ chỉ chú trọng đến việc dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp để hưởng lợi từ hoạt động này mà không nỗ lực tiếp thị sản phẩm. Thu nhập của doanh nghiệp sẽ chủ yếu từ mạng lưới bán hàng chứ không phải từ hoạt động bán hàng hóa, sản phẩm.
Càng dụ dỗ được nhiều người gia nhập mạng lưới thì số tiền hoa hồng của người tham gia càng cao. Số tiền hoa hồng đó thực chất chính là một phần số tiền mà những người bị dụ dỗ nộp cho doanh nghiệp. Suy cho cùng, người được lợi nhất chính là doanh nghiệp với khoản lợi thu được từ số hàng bán cho người mới tham gia và số tiền đặt cọc họ bỏ ra để mua quyền tham gia.
Điều này đi người lại với nguyên tắc tự nguyện khi tham gia bán hàng đa cấp. Nó làm đảo lộn trật tự nền kinh tế khi người ta chỉ chăm chú đến việc giới thiệu người tham gia mà không chú trọng đến việc bán hàng và giới thiệu sản phẩm – mục đích chính của bán hàng đa cấp.
1.4, Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia
Những thông tin này có thể là mức thu nhập khổng lồ với công sức bỏ ra rất ít, những chuyến du lịch và những lợi ích vật chất khác. Ngoài ra là những thông tin thiếu chính xác và sai sự thật và công dụng, tính năng của sản phẩm.
2, Xử lý các hành vi bán hàng đa cấp bất chính
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, tùy từng trường hợp cụ thể mà hành vi bán hàng đa cấp bất chính có thể bị:
“1. Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
b) Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
c) Yêu cầu người muốn tham gia phải trả một khoản tiền hoặc trả bất kỳ một khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp trừ tiền mua tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp;
d) Cản trở người tham gia trả lại hàng hóa phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
e) Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
g) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
h) Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người tham gia bán hàng đa cấp.
2. Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp quy mô bán hàng đa cấp diễn ra trong phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
3. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 30 của Nghị định này.”
Khoản 3 Điều 30 Nghị định này cũng đã quy định một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:“a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;b) Buộc cải chính công khai”
III, THỰC TIỄN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ BÁN HÀNG ĐA CẤP BẤT CHÍNH
1, Thành tựu đạt được
Kinh doanh đa cấp bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam những năm 1998-1999. Tính đến tháng 6/2011, theo báo cáo của Bộ Công Thương, nươc ta đã có 63 doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Trong đó, Hà Nội đi đầu với 30 doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh 29 doanh nghiệp còn lại thuộc về các tỉnh Đồng Nai (2 doanh nghiệp), Bình Dương và Hải Dương Theo vi.wikipedia.org – Kinh doanh đa cấp
.
Luật Cạnh tranh 2004 cùng với hàng loạt văn bản hướng dẫn ra đời đã tạo ra một hành lang pháp lý cho sự phát triển của hình thức kinh doanh này. Năm 2006, 2007 được xem là giai đoạn phục hồi của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, hàng loạt các công ty tăng dần doanh số sau giai đoạn bị báo chí và dư luận đánh tơi tả.
Năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, FPT cũng nhảy vào bán hàng đa cấp với sự ra đời của FPT Network (FN) nhằm giảm chi phí quản lý, quảng cáo, giảm thiểu rủi ro và tạo đột phá trong kinh doanh.
Đầu tháng 10/2009, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (Vietnam MLMA) được thành lập và chính thức ra mắt ngày 31/3/2010. Năm 2010, bán hàng đa cấp đạt lợi nhuận 2799 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với 614 tỷ đồng của 4 năm trước đó.
2, Hạn chế cần khắc phục
Pháp luật hiện nay tuy đã có những quy định cụ thể về hành vi bán hàng đa cấp bất chính, song, thực tiễn thực hiện lại vẫn chưa kiểm soát được các hành vi mang tính bất chính của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, gây nên không ít tổn thất cho xã hội.
2.1, Chưa phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi của doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính
Xin đưa ra một ví dụ về công ty trách nhiệm hữu hạn Agel Việt Nam – một doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính được thành lập năm 2008. Chỉ sau 2 năm thành lập, Agel Việt Nam đã có đội ngũ nhà phân phối lên đến hàng trăm ngàn người. Các cuộc hội thảo về sản phẩm, sức khỏe liên tục được công ty này tổ chức với sự xuất hiện của nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế Phạm Song tham gia nói về việc nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân.
Trước tiên, khi muốn gia nhập hệ thống thì bạn phải mua 1 gói sản phẩm của Agel với giá từ 15 triệu đồng trở lên. Ngay sau đó, bạn sẽ được đưa ra các mức hoa hồng để “kích thích” sự tìm kiếm “chân rết”. Các mức hoa hồng theo cấp độ từ hoa hồng khởi động nhanh, hoa hồng doanh số nhóm yếu, hoa hồng tăng trưởng và hoa hồng cộng hưởng hệ thống. Nếu càng phát triển được nhiều “chân rết’ thì thu nhập của bạn sẽ từ vài trăm USD đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD Theo www.vtc.vn – Trắng tay vì bà giám độc Agel Việt Nam 6/7/2010
.
Các hành vi này đều trái với quy định của pháp luật cạnh tranh về bán hàng đa cấp bất chính. Tuy nhiên, suốt từ khi thành lập năm 2008 cho đến khi Công ty Agel Việt nam – do bà Hoàng Hải Yến – người đại diện theo pháp luật của Agel tại Việt nam – trực tiếp quản lý, điều hành tuyên bố đóng cửa, không thông báo cho các nhà phân phối, trong khi vẫn còn nợ tiền hoa hồng, hàng hóa của họ tháng 7/2011 Theo www.doanhnhanvang.com Agel đóng cửa: Kiện ai để đòi nợ? 25/7/2010
.
Việc không phát hiện kịp thời hành vi trái pháp luật này đã dẫn tới thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà phân phối. Đơn cử như trường hợp của bà Chu Thị Mỹ Hương, thành viên Agel Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, trong đơn khiếu nại của mình, bà ước tính thiệt hại của bà và các chân rết lên tới 3.5 tỷ đồng đều là khoản tiền nộp mua hàng (nhưng chưa được nhận) và trên 300 triệu đồng tiền hoa hồng của tháng 2/2011. Hàng loạt người rơi vào tình trạng như bà Hương với tình trạng nợ chồng lớp, rất khó để khởi kiện đòi tài sản.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có cơ chế kiểm soát về chất lượng của các sản phẩm bán hàng đa cấp. Có những doanh nghiệp đã mập mờ trong quảng cáo, dẫn tới hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm, thậm chí còn phóng đại sản phẩm hoặc gièm pha sản phẩm của doanh nghiệp khác.
2.2, Chưa tuyên truyền được pháp luật đến những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp
Thứ nhất, hành vi bán hàng đa cấp bất chính thường nhắm đến lòng tham của các nhà phân phối. Không chỉ những người có trình độ dân trí thấp mới bị rơi vào bẫy của các công ty này mà ngay cả những người thuộc tầng lớp trí thức của xã hội cũng không cưỡng lại được những khoản lợi nhuận kếch xù như lời quảng bá của công ty. Điều này khiến họ lao vào tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp mà không nhận ra tính chất bất chính trong hành vi của các công ty này đã bị pháp luật nghiêm cấm.
Thứ hai, khoản 1 Điều 9 Nghị định 110/2005/NĐ-CP quy định “Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký kết hợp đồng bằng văn bản với người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp”. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết những người tham gia mạng lưới này đều không ký hợp đồng. Chính vì vậy, khi công ty chấm dứt hoạt động, hầu hết những người tham gia đều không có cơ sở để đòi các quyền lợi của mình.
2.3, Việc quản lý các doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn bị buông lỏng
Theo giám đốc một doanh nghiệp bán hàng đa cấp, hơn 80% công ty bán hàng đa cấp tại Việt Nam hiện nay là đại diện cho các tập đoàn nước ngoài. Các tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam theo mô hình tìm một người đứng đầu đứng ra chịu trách nhiệm thành lập công ty với một chút ít cổ phần nhỏ nhoi. Sau một thời gian hoạt động, các tập đoàn này lặng lẽ rút.
Ví dụ như việc Tập đoàn kinh doanh đa cấp Agel chính thức tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam đã khiến cho hàng chục ngàn người điêu đứng vì thiệt hại nặng nề cả uy tín và vật chất với tổng trị giá lên tới nhiều tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống bị rối loạn. Nhiều thành viên đã khiếu nại lên tập đoàn Agel của Mỹ nhưng phí Agel Mỹ trả lời, họ không gây ra thiệt hại nên không có trách nhiệm về việc này, tất cả trách nhiệm thuộc về công ty trách nhiệm hữu hạn Agel Việt Nam Theo www.giaoduc.net Agel Việt nam bỏ chạy, niềm tin về kinh doanh đa cấp càng lung lay 2/7/2011
.
2.4, Xử lý doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính gặp nhiều khó khăn
Mặc dù Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ có những quy định ràng buộc về hình thức kinh doanh này nhưng việc thực thi lại không hề đơn giản. Như trường hợp công ty Agel Việt Nam, các nạn nhân rất khó có thể đòi lại tiền đền bù chính đáng cho mình. Những người tham gia bán hàng đa cấp có thể khởi kiện hoặc đề nghị tòa làm thủ tục phá sản đối với Agel Việt Nam. Tài sản của công ty sẽ dùng để thanh toán nợ, nếu không đủ thì phần nợ không thu hồi được sẽ bị coi là phần rủi ro cho những người tham gia. Tuy nhiên, khối lượng tài sản của những doanh nghiệp như vậy thì lại không đáng kể. Rủi ro sẽ rất cao cho những người tham gia.
Một vấn đề nữa là nợ trong hệ thống những người tham gia bán hàng đa cấp là nợ bắc cầu. Với kiểu nợ này sẽ rất khó để họ khởi kiện đòi tài sản của mình. Tòa có thể gộp chung các vụ lại nhưng với số lượng người tham gia gia mạng lưới lên tới hàng nghìn người, việc giải quyết vụ án sẽ rất khó khăn. Vì không phải toàn bộ những người tham gia đều đi kiện, nhưng số lượng người khởi kiện đòi quyền lợi là rất đông.
3, Kiến nghị nhằm tránh hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính
3.1, Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bán hàng đa cấp
Pháp luật quy định chặt chẽ hơn nữa về điều kiện kinh doanh đa cấp nhằm tránh tình trạng kinh doanh tràn lan. Các biện pháp xử lý cũng cần thiết thực hơn, đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
3.2, Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy thực thi pháp luật
- Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cạnh tranh để Cục quản lý cạnh tranh thực hiện tốt chức năng được giao.
- Tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật với nhau.
3.3, Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bán hàng đa cấp, nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp và người tiêu dùng để nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật trong bán hàng đa cấp
Đây là biện pháp thiết thực nhằm hạn chế sự mở rộng mạng lưới chân rết của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính, giảm thiểu tối đa rủi ro cho những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
3.5, Tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh
Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm. Đồng thời cần có chính sách khen thưởng, ưu đãi đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính nhằm giúp họ mở rộng mạng lưới hoạt động, hạn chế dư luận xấu đối với phương thức bán hàng đa cấp để tránh gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
KẾT LUẬN
Có thể thấy bán hàng đa cấp không xấu. Tuy nhiên, chính những hành vi bán hàng đa cấp bất chính đang làm xấu đi hình tượng của phương thức bán hàng này ở Việt Nam. Thiết nghĩ, pháp luật Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện, điều chỉnh và xử lý những hanah vi vi phạm nhằm làm cho bán hàng đa cấp phát huy được hết những ưu điểm của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Pháp luật Việt Nam về bán hàng đa cấp bất chính và thực tiễn thực hiện.doc