MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
PHẦN NỘI DUNG
Chương I: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Hồng Đức
Chương II: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Gia Long
Chương III: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ Dân luật Giản Yếu
I/ Sở hữu chung về tài sản
II/ Sở hữu riêng về tài sản
Chương IV: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ dân luật Bắc và bộ dân
luật Trung
I/ Sở hữu chung về tài sản
II/ Sở hữu riêng về tài sản
III/ Việc quản lý tài sản
Chương V: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Hôn nhân gia đình năm 1959
I/ Sở hữu chung về tài sản
II/ Việc quản lý tài sản
Chương VI: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Hôn nhân gia đình năm 1986 và bộ luật Hôn nhân gia đình năm 2000.
I/ Sở hữu chung về tài sản
II/ Sở hữu riêng về tài sản
III/ Việc quản lý tài sản
PHẦN KẾT LUẬN
14 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2446 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong các bộ luật từ trước đến nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phần mở đầu
Gia đình Việt Nam từ ngàn xưa vẫn được coi là nền tảng của xã hội, trong các bộ luật đầu tiên của ta như bộ luật Hồng Đức đời nhà Lê, bộ luật Gia Long đời nhà Nguyễn đã có nhiều điều khoản qui định về các quan hệ trong gia đình, quan hệ giữa vợ chồng với nhau, quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Gia đình cũng đặt ra những quan hệ về tài sản, đặc biệt là quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Quan hệ đó gồm một số nguyên tắc qui định quyền hạn của hai vợ chồng trên các tài sản chung, sự đóng góp tiền bạc của hai vợ chồng trong thời gian hôn nhân. Sự qui định về quan hệ tài sản giữa vợ chồng là một điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi của gia đình, tránh những tranh chấp có thể xảy ra làm tổn thương đến hoà khí và sự đoàn kết trong gia đình.
Quan hệ sở hữu này tồn tại ở hai hình thức: sở hữu tài sản chung và sở hữu tài sản riêng. Trong chế độ sở hữu tài sản chung, một phần hoặc toàn thể tài sản của hai vợ chồng hợp thành một khối chung, khối tài sản này bao gồm mọi tài sản hiện hữu và tương lai của hai vợ chồng có trước và trong thời gian hôn nhân. Trong chế độ này, vợ và chồng có thể qui định quyền hạn của mỗi người trong việc quản lý khối tài sản. Họ có thể thoả thuận với nhau người chồng một mình quản lý hoặc hai vợ chồng đều có quyền quản lý chung. Hình thức thứ hai là sở hữu tài sản riêng. Đó là chế độ đơn giản nhất vì mỗi vợ chồng vẫn giữ nguyên quyền sở hữu đối với tài sản của mình, họ chỉ phải cùng nhau đóng góp vào các chi tiêu chung của gia đình.
Quan hệ vợ chồng dù ở thời kỳ nào, từ phong kiến, thực dân đến XHCN vẫn là các quan hệ nền tảng của xã hội. Nó được điều chỉnh bởi các qui phạm pháp luật do Nhà nước công nhận, đặt ra và đảm bảo bằng sức mạnh của Nhà nước. Mà trong quan hệ vợ chồng, quan hệ tài sản có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt, không một gia đình nào lại không có yếu tố tài sản. Dù nghèo hay giầu quan hệ tài sản cũng góp phần chi phối quan hệ vợ chồng, vì vậy quan hệ tài sản giữa vợ chồng là quan hệ không thể thiếu được trong sự điều chỉnh của pháp luật.
Nhìn chung, qua các thời kì lịch sử, hai hình thức này đã được qui định và điều chỉnh trong các bộ luật. Tuy nhiên, tuỳ từng giai đoạn, nó được chính thức công nhận trong điều luật.
Trong bài viết này, em xin phép viết về quan hệ tài sản giữa vợ chồng, song đây là quan hệ có phạm vi rộng: gồm quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ cấp dưỡng, vì thời gian có hạn em chỉ đề cập đến quan hệ sở hữu tài sản giữa vợ chồng. Rất mong sự chỉ bảo của các thầy cô.
Phần nội dung
Chương I
quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Hồng Đức
Bộ luật Hồng Đức đời nhà Lê được coi là một bộ luật tiến bộ trong thời kỳ phong kiến, đặc biệt là những quy định về quan hệ vợ chồng. Bộ luật này tuy không có điều khoản nào rõ rệt nói về chế độ tài sản nhưng nó công nhận khối tài sản trong gia đình gồm tài sản của vợ (thê điền sản) và tài sản của chồng(phu điền sản). Người chồng đứng ra quản trị của cải của người vợ. Song người vợ được công nhận là có tài sản riêng, nhất là khi số tài sản đó là của được cho hoặc thừa kế.
Quan hệ tài sản giữa vợ chồng được quy định trong từng trường hợp cụ thể. Điều 375 luật Hồng Đức quy định vợ chồng không có con mà người vợ tái giá thì của chung của hai vợ chồng được đem chia đôi, vợ được nhận một phần làm của riêng. Điều 376 định rằng trong trường hợp hai vợ chồng có con chung, nhưng côn đã chết, và vợ lại chết trước chồng, thì của riêng của vợ (thê điền sản) được đem chia làm ba phần. Ngoài ra, điều 374 cũng nói đến của riêng của chồng(phu điền sản).
Như vậy, tục lệ của ta được phản ánh rõ rệt trong bộ luật Hồng Đức đã phân biệt rõ ràng giữa tài sản riêng của vợ và tài sản riêng của chồng. Các tài sản ấy chỉ được tạm thời nhập chung trong thời gian hôn nhân. Có thể nói những quy định trong bộ Luật Hồng Đức người phụ nữ đã đạt được những vị trí nhất định trong gia đình. Dù toàn bộ tài sản chung trong gia đình hay tài sản riêng của từng người đều do người chồng quản lý, song đã có sự tách bạch tài sản riêng. Người vợ đã được công nhận là có quyền có tài sản riêng. Đây là sự công nhận mang tính pháp lý vô cùng quan trọng về sau. Nó ảnh hưởng đến cả mối quan hệ sau này của người phụ nữ. Đó là khi người chồng, người con - người trụ cột trong gia đình chết đi thì người phụ nữ vẫn có một phần tài sản riêng của mình.
Chương II
Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Gia Long
Sang đến thời nhà Nguyễn, bộ luật Gia Long được ra đời. Những quy định về quan hệ tài sản giữa vợ chồng cũng giống như các quy định khác trong bộ luật, chỉ chép nguyên văn bộ luật Mãn Thanh. Chính vì vậy, sự thay đổi trong quan hệ tài sản mang một xu hướng khác so với bộ luật Hồng Đức.
Người đàn bà đã đi lấy chồng thì không có của riêng và người chồng là chúa tể tất cả của cải trong gia đình, có quyền sử dụng tuỳ theo ý muốn mà không cần phải có vợ tham dự. Điều 76 của bộ luật cho rằng tất cả tài sản của vợ đều được nhập vào gia sản của chồng.
Trong bộ luật này, sự bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng dược thể hiện rõ. Người vợ không có môt vị trí, vai trò nào: tài sản của mình thì bị nhập vào gia sản của chồng, không có quyền quản lý, định đoạt. Tất cả đều do người chồng quyết định.
Nếu như trong bộ Luật Hồng Đức, người phụ nữ đã được pháp luật công nhân là có tài sản riêng khi tài sản đó được cho tặng hoặc thừa kế thì sang bộ Luật Gia Long mọi qui định trong bộ Luật Hồng Đức bị thay đổi ngược lại, người phụ nữ bị khinh rẻ, thân phận của họ bị phụ thuộc vào người đàn ông. Về mặt nhân thân và đặc biệt về tài sản người vợ càng không thể có một chút quyền hành trong gia đình đối với tài sản kể cả tài sản mà mình được cho, thừa kế. Tất cả phải thuộc về người chồng. Khi tài sản của mình được cho, thừa kế người phụ nữ không được sở hữu thì quyền quản lý, định đoạt đó người phụ nữ cũng phải chuyển cho người chồng quyết định. Người đàn ông trong thời kỳ này được tôn vinh. Tất cả tài sản trong gia đình không tính đến của chung, của riêng mà đều thuộc về sở hữu của người đàn ông. Anh ta là chủ toàn bộ vì vậy có quyền quyết định riêng không cần đến ý kiến của người vợ. Đây là một trong những bộ luật phản ánh sự bất công, sự bất bình đẳng đối với người phụ nữ nói chung và người vợ nói riêng.
Chương III
Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ dân luật giản yếu
Trước năm 1960, văn bản luật dân sự chủ yếu tại miền Nam là tập Dân luật Giản Yếu, nhưng văn bản này chỉ quy định về hôn nhân và tử hệ chứ không hề nói đến tài sản giữa vợ chồng. Vì thế, quan hệ tài sản tại miền Na m tr ước năm 1960 hoàn toàn dựa trên án lệ.
I. Sở hữu chung về tài sản:
án lệ thời kỳ này phủ nhận một chế độ tải sản chung tại miền Nam, toàn bộ tài sản trong gia đìnhđều thuộc quyền sở hữu duy nhất của người chồng. Nguyên tắc này đưa đến hai hậu quả:
1. Người chồng là chủ sở hữu duy nhất không những đối với tất cả các tài sản mà hai vợ chồng có sẵn khi lập gia đình, mà còn cả đối với tài sản khác do hai vợ chồng, hoặc do một mình người vợ có được trong thời kỳ hôn nhân.
2. Người chồng có toàn quyền sử dụng các tài sản trong gia đình. Là chủ sở hữu gia sản, người chòng có toàn quyền quản lý tất cả tài sảnmà không cần có sự tham dự của người vợ. Người chồng một mình đứng ra ký kết và thu hoa lợi. Ngược lại người vợ không thể ký kết một mình, một phần vì không có quyền sở hữu trên gia sản, một phần theo quy định của Dân luật GiảnYếu, người đàn bà khi lấy chồng trở thành vô năng lực hành vi.
II. Sở hữu riêng về tài sản
Các án lệ thời kỳ nàykhông có quan điểm đồng nhất về sở hữu riêng giữa vợ chồng. Đầu tiên, toà án đã công nhận rằng người vợ có của riêng, sau đó, án lệ cương quyết không cộng nhận cho người vợ có của riêng, vì cho rằng người đàn bà Việt Nam không thể có quyền lợi đối chọi với người chồng, là chúa tể của gia đình, khi đã lấy chồng thì đời sống và tài sản của người vợ đều thuộc về nhà chồng.
Tuy nhiên, án lệ cũng công nhận một vài trường hợp đặc biệt, trong đó người vợ được công nhận là có của riêng. Đó là:
+Đối với tư trang của vợ, các tài sản này được coi là tài sản riêng của vợ và tục lệ cũng thừa nhận.
+Đối với các tài sản của người vợ được cho hay thừa kế thì án lệ căn cứ vào tục lệ, cho rằng đối với tài sản do gia đình bên vợ cho hay do vợ được hưởng thừa kế, thì phải công nhận cho vợ được quyền giữ làm của riêng
+Đối vối các bất động sản thuộc sở hữu người vợ thì các bất động sản này thuộc sở hữu riêng của người vợ.
Chương IV
Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ Dân luật Bắc, bộ Dân luật Trung
Trái với án lệ tại miền Nam, tại Bắc, Trung, tục lệ của ta đã công nhận từ lâu là người vợ có của riêng, tục lệ này đã được ghi nhận trong các bộ dân luật Bắc, Trung. Tuy nhiên trong thời kỳ hôn nhân của cải của hai vợ chồng gộp chung thành một khối thống nhất.
I. Sở hữu tài sản chung
Hai vợ chồng khi lấy nhau tài sản của họ bao giờ cũng gộp chung thành một khối duy nhất để đảm bảo cho sự sinh hoạt của gia đình. Của chung của hai vợ chồng gồm có lợi tức của mọi tài sản, các tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, tài sản do vợ hoặc chồng làm việc mà tạo ra.
Việc quản lý tài sản chung đều do hai vợ chồng. Người vợ được đặt ngang hàng với chồng trong việc sử dụng và định đoạt tài sản chung. Tuy nhiên, tuỳ từng công việc mà quyền hạn của mỗi người được xác định.
Trong công việc mà người vợ hoặc chồng có thể làm một mình thì người chồng có quyền quản lý toàn bộ tài sản chung còn người vợ chỉ có quyền ấy trong một phạm vi hẹp hơn- tư cách đaị diện gia đình
Trong công việc mà vợ chồng phải cùng nhau làm thì việc định đoạt các tài sản trong gia đình đều phải do cả hai vợ chồng cùng làm, hoặc nếu do một bên thì phải có sự ưng thuận của người kia
Trong công việc mà người chồng có thể làm một mình, còn người vợ muốn làm phải được phép của người chồng. Việc công nhận nguyên tắc người chồng là chủ gia đình, cho nên người chồng được phép một mình sử dụng tài sản riêng của mình và tài sản chung của hai vợ chồng nếu xét thấy cần thiết cho gia đình. Còn người vợ chỉ có thể hành động nếu được chồng cho phép.
II. Sở hữu tài sản riêng
Tài sản riêng là tài sản của mỗi bên vợ chồng gồm có động sản hay bất động sản mà mỗi người đã có sẵn trước khi kết hôn. Trong thời kỳ hôn nhân, bên nào được hưởng di sản hay được người ngoài tặng cho thì tài sản đó được coi là sở hữu riêng của người đó.
Những quy định về tài sản riêng của vợ chồng vẫn mang tính tục lệ. Nó chưa được tách bạch cụ thể quyền và nghĩa vụ đối với tài sản riêng.
Chương V
Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Hôn nhân gia đình năm 1959
Sau 1954 nước ta chia cắt làm hai miền, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập, miền Bắc tiến lên xây dựng XHCN. Điều không thể thiếu trong công cuộc xây dựng XHCN là đưa ra các văn bản pháp luật nhằm ổn định trật tự, phát triển xã hội và một trong những quan hệ xã hội cần điều chỉnh là quan hệ hôn nhân gia đình. Trước khi miền Bắc được giải phóng quan hệ hôn nhân gia đình phần lớn ảnh hưởng tàn dư phong kiến vì vậy cần phải thay đổi. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Sắc lệnh 13/1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sắc lệnh về Hôn nhân gia đình. Đây là văn bản luật đầu tiên của Nhà nước ta về hôn nhân gia đình, nó mang một màu sắc dân chủ phản ánh nếp sống mới của nhân dân sau cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thắng lợi.
I. Sở hữu tài sản chung:
Luật năm 1959 ghi nhận quan hệ tài sản giữa vợ chồng là quan hệ sở hữu chung. Tài sản của vợ và tài sản của chồng trong hôn nhân nhập vào làm một. Người vợ, người chồng có quyền ngang nhau trong quản lý, sử dụng, định đoạt số tài sản chung đó. Đây là một trong những tiến bộ so với những quy định trước đó. Lần đầu tiên người phụ nữ được bình đẳng với người chồng trong việc quản lý số tài sản chung trong gia đình. Song có một hạn chế do ảnh hưởng của chế độ cũ và một phần do chúng ta mới trải qua cuộc cách mạng gian khổ nên chưa có một quy định cụ thể, một điều luật nào ghi nhận người vợ có tài sản riêng. Luật 1959 chưa công nhận chế độ sở hữu riêng về tài sản giữa vợ và chồng.
II. Về quản lý tài sản:
Người vợ và người chồng có toàn quyền quản lý tài sản chung. Họ có quyền thực hiện mọi quyền năng đối với tài sản chung trong gia đình. Người vợ và người chồng được tính công sức ngang nhau trong việc tạo lập tài sản. Chính vì vậy họ có quyền ngang nhau trong việc quản lý và định đoạt. Những tài sản lớn trong gia đình khi có sự thay đổi đều cần có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Đây là quy định tiến bộ nhất từ trước đến nay.
Chương VI
Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Hôn nhân gia đình năm 1986 và năm 2000
I. Sở hữu tài sản chung:
Luật Hôn nhân gia đình năm 1986 đã qui định chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản chung hợp nhất. Tài sản chung của vợ chồng gồm
+ Tài sản do vợ chồng tạo ra: Hành vi tạo ra tài sản chỉ cần một bên vợ hoặc chồng thực hiện, có thể do lao động hoặc không do lao động nhưng vợ chồng có sử dụng tiền hoặc các vật có giá trị trao đổi khác để phát sinh quyền sở hữu đối với tài sản.
+ Thu nhập về nghề nghiệp: gồm tiền lương, tiền thưởng, tiền hưu trí, trợ cấp, các thu nhập về sản xuất của gia đình.
+ Thu nhập hợp pháp khác: là thu nhập do lao động mà có hoặc thu nhập không do lao động (trúng xổ số, hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản riêng...)
+ Tài sản do thừa kế chung: trong thừa kế theo di chúc phát sinh quyền sở hữu hợp nhất khi người để lại di sản không phân biệt phần quyền được hưởng của vợ chồng. Trong thừa kế theo luật sở hữu chung hợp nhất khi hai vợ chồng tự nguyện nhập vào tài sản chung.
+ Tài sản do tặng, cho chung: khi phân biệt tài sản tặng cho là tài sản chung hay riêng thì thực hiện theo nguyên tắc: không đủ chứng cứ là tài sản riêng thì tài sản tặng cho là tài sản chung hoặc người tặng cho nói rằng cho tài sản đó để làm vốn.
II. Tài sản riêng:
Điều 14 luật Hôn nhân gia đình còn ghi nhận vợ, chồng có tài sản riêng. Điều này phù hợp với điều kiện kinh tế của xã hội và nguyện vọng của nhân dân lao động. Vợ chồng có quyền sở hữu riêng đối với những tài sản có trước khi kết hôn, tài sản thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kì hôn nhân, tài sản được chia riêng cho vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại, đồ dùng tư trang cá nhân.
Người có tài sản riêng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng. Họ có toàn quyền thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu trong dân sự nhưng bị hạn chế trong một số trường hợp:
+ Tài sản chung trong gia đình không đủ chi tiêu, người có tài sản riêng phải bù đắp vào các chi tiêu đó và không được phép đòi lại.
+ Trong trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung mà hoa lợi lợi tức là nguồn sống duy nhất của hai vợ chồng. Việc định đoạt tài sản này phải có sự thoả thuận chung của hai vợ chồng.
+ Nếu tài sản riêng đã mất giá trị sử dụng, vợ chồng sử dụng tài sản chung để phục hồi giá trị sử dụng của tài sản đó thì tài sản riêng trở thành tài sản chung.
+ Trường hợp vợ chồng không thể quản lý tài sản riêng của mình và cũng không uỷ quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản riêng cho họ.
Tài sản riêng của vợ chồng được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ riêng của họ.
III. Việc quản lý tài sản chung:
Vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc tạo lập tài sản cũng như trong việc quản lý tài sản đó. Vợ chồng phải cùng nhau quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung, đặc biệt đối với giao dịch liên quan tới tài sản có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình hoặc sử dụng tài sản chung vào mục đích kinh doanh thì phải có sự thoả thuận của hai vợ chồng, nếu pháp luật yêu cầu sự thoả thuận này phải lập bằng văn bản.
Nếu trong trường hợp vợ chồng không thể tiến hành thoả thuận được thì cho phép một bên thực hiện giao dịch nếu ở một trong những trường hợp sau:
+ Bên kia uỷ quyền cho họ bằng văn bản.
+ Một bên mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có năng lực hành vi trong thoả thuận.
+ Một bên đi xa, vắng không có tin tức địa chỉ.
+ Một bên có nhu cầu tiến hành giao dịch chính đáng nhưng bên kia kiên quyết phản đối không có lý do, xuất phát từ lợi ích cấp bách của gia đình cho phép bên kia tiến hành giao dịch.
Xuất phát từ nhu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế, từ nhu cầu phát triển xã hội, luật Hôn nhân gia đình năm 2000 ra đời. Tất cả các qui định trong luật 2000 đều có nội dung cơ bản như luật 1986 trên cơ sở kế thừa luật 1986 song luật 2000 qui định cụ thể, chi tiết từng quan hệ, đặc biệt là quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Luật 2000 xác định rõ tài sản nào thuộc tài sản chung, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản đó, xác định quyền và nghĩa vụ đối với tài sản riêng của mỗi người.
Phần kết luận
Trong hôn nhân, quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng mà nội dung bao gồm các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản đã phát sinh được pháp luật của Nhà nước bảo hộ.
Những quyền và nghiã vụ của vợ chồng theo luật định đều xuất phát từ những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ chồng nhằm đảm bảo thoả mãn nhu cầu về vật chất trong đời sống vợ chồng, đảm bảo lợi ích chung của gia đình và của xã hội.
Hệ thống pháp luật của Nhà nước phong kiến và tư sản khi điều chỉnh quan hệ giữa vợ chồng trên nguyên tắc bất bình đẳng, người vợ hoàn toàn phụ thuộc vào chồng về mọi mặt. Quan hệ bất bình đẳng giữa vợ chồng trong gia đình là thể hiện sự bất bình đẳng giữa nam nữ ngoaì xã hội, thể hiện mối quan hệ quyền uy và phục tùng.
Nhà nước XHCN bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng. Luật qui định vợ và chồng hoàn toàn bình đẳng trong quan hệ nhân thân và tài sản, người vợ và chồng với tư cách là thành viên của xã hội đều có mọi quyền ngang nhau. Đặc biệt trong quan hệ tài sản, người vợ đã có những quyền hạn bình đẳng với người chồng, điều đó đã giúp cho người phụ nữ tham gia vào các công việc xã hội, tham gia vào kinh tế. Pháp luật bảo đảm cho các chính sách và biện pháp bảo hộ quyền bình đẳng của người phụ nữ. Điều đó đã có vai trò to lớn để tạo điều kiện cho cả vợ chồng sử dụng đầy đủ nhất các quyền về nhân thân và tài sản của mình và bảo đảm quyền bình đẳng thực sự của họ trong quan hệ hôn nhân và gia đình.
Với lượng thời gian ít ỏi, trình độ nghiên cứu còn hạn chế, em xin phép đưa ra một số ý kiến bàn về quan hệ sở hữu tài sản giữa vợ chồng trong các bộ luật từ trước đến nay. Đây chỉ là những ý kiến cá nhân, không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong các thầy cô thông cảm và chỉ bảo giúp đỡ.
Em xin chân thành cảm ơn.
Tài liệu tham khảo
- Bộ luật Hồng Đức
- Bộ luật Gia Long
- Luật Hôn nhân gia đình 1959, 1986, 2000
- Một số vấn đề về hôn nhân gia đình năm 1986.
- Thông tin chuyên đề về luật Hôn nhân gia đình 1986.
- Tạp chí Nhà nước và pháp luật
- Tạp chí Pháp luật dân chủ
- Chế độ Hôn sản và thừa kế trong pháp luật Việt Nam
- Thông tin chuyên đề về luật Hôn nhân gia đình 2000
Mục lục
Phần mở đầu
Phần nội dung
Chương I: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Hồng Đức
Chương II: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Gia Long
Chương III: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ Dân luật Giản Yếu
I/ Sở hữu chung về tài sản
II/ Sở hữu riêng về tài sản
Chương IV: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ dân luật Bắc và bộ dân luật Trung
I/ Sở hữu chung về tài sản
II/ Sở hữu riêng về tài sản
III/ Việc quản lý tài sản
Chương V: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Hôn nhân gia đình năm 1959
I/ Sở hữu chung về tài sản
II/ Việc quản lý tài sản
Chương VI: Quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong bộ luật Hôn nhân gia đình năm 1986 và bộ luật Hôn nhân gia đình năm 2000.
I/ Sở hữu chung về tài sản
II/ Sở hữu riêng về tài sản
III/ Việc quản lý tài sản
Phần Kết luận
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 68542.DOC