- Phong tục tập quán mang tính cục bộ, địa phương, mỗi cộng đồng dân cư có những phong tục tập quán khác nhau. Hình thức lưu trữ chủ yếu là truyền miệng, tồn tại dưới hình thức bất thành văn nên có tính ước lệ, độ chính xác không cao, không có hệ thống rõ ràng dẫn đến việc áp dụng nhiều khi không thống nhất, dễ tùy tiện.
- Trái lại, pháp luật về nguyên tắc pháp luật phải cụ thể, khuôn phép, mực thước, không thể lạm dụng hoặc tùy tiện. Vì vậy nói đến pháp luật suy cho cùng là phải xét đến các quy phạm cụ thể tồn tại dưới hình thức các văn bản cụ thể (các điều luật, chế định luật, các văn bản quy phạm pháp luật với kết cấu chặt chẽ, logic trong lời văn, cấu trúc ). Đặc trưng về tính quy phạm này của pháp luật làm cho pháp luật ngày càng có "tính trội", nói cách khác pháp luật mang tính hệ thống và tính chính xác cao.
5 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 26640 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận So sánh pháp luật với phong tục tập quán và phân tích mối quan hệ giữa chúng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Định nghĩa pháp luật, phong tục tập quán.
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính chất bắt buộc chung, do nhà nước ban hành (hoặc thừa nhận), thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước, là công cụ có hiệu lực nhất để điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản theo ý chí và lợi ích của giai cấp thống trị.
Ví dụ: Hiến pháp 1992 của nhà nước ta quy định các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng quyền con người (điều 50), quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân (điều 51), mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật (điều 92)…
Phong tục tập quán là những thói quen trong ứng xử của cộng đồng hay những quy tắc xử sự chung được hình thành một cách tự phát trong một cộng đồng dân cư, được lưu truyền chủ yếu theo phương thức truyền miệng, được bảo đảm thực hiện bằng thói quen, bằng sức thuyết phục của chúng, bằng dư luận xã hội và bằng cả biện pháp cưỡng chế phi nhà nước.
Ví dụ: Theo phong tục tập quán cưới xin của người Việt, trình tự cưới xin đa số được tiến hành theo các bước: Lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ xin dâu và lễ cưới.
So sánh pháp luật với phong tục tập quán.
Sự giống nhau giữa pháp luật và phong tục tập quán.
Cả phong tục tập quán và pháp luật đều là những quy tắc xử sự chung có tính khuôn mẫu chuẩn mực để hướng dẫn mọi hành vi xử sự, là tiêu chuẩn để xác định giới hạn, đánh giá hành vi con người. Chúng cùng thực hiện vai trò duy trì một trật tự cần thiết cho sự phát triển xã hội, điều chỉnh và điều hoà các quan hệ xã hội. Như vậy, phong tục tập quán ở một phạm vi nhất định cũng có vai trò quan trọng như pháp luật.
Không chỉ vậy, chúng đều có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với các cá nhân, tổ chức khi cá nhân, tổ chức đó ở vào những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống mà các quy phạm đó đã dự liệu từ trước.
Ngoài ra, giữa phong tục tập quán và pháp luật còn điểm chung là đều được đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp nhất định như dư luận xã hội, giáo dục cộng đồng hoặc cưỡng chế.
Cuối cùng, chúng đều có tính quy phạm, tính xã hội, tính ý chí và đều có sự thay đổi theo điều kiện và tình hình phát triển của xã hội.
Sự khác nhau giữa pháp luật và phong tục tập quán.
Thứ nhất, về quá trình hình thành và phát triển:
Phong tục tập quán hình thành trước khi có pháp luật, chúng được coi như ”luật dân gian” hay “luật tự nhiên” và chúng tồn tại trong tất cả mọi giai đoạn, mọi tiến trình phát triển của xã hội. Sự phát triển của phong tục tập quán gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, xã hội thay đổi thì phong tục tập quán cũng theo đó mà thay đổi theo.
Trong khi đó, có rất nhiều quan niệm về việc hình thành pháp luật, ở đây ta chỉ xét đến thời điểm từ sau khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp – khi xuất hiện chế độ chiếm hữu nô lệ thì pháp luật mới ra đời, còn trước đó – xã hội công xã thị tộc chưa có pháp luật.
Thứ hai, về chủ thể ban hành và tính bắt buộc chung (tính quy phạm phổ biến):
Phong tục tập quán là do một nhóm người, một cộng đồng dân cư, một dân tộc đặt ra để điều chỉnh hành vi trong nội bộ nhóm người, trong cộng đồng dân cư hay dân tộc đó. Do đó, tính quy phạm của phong tục tập quán hẹp hơn pháp luật về không gian và đối tượng tác động.
Pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, nghĩa là nó chỉ được hình thành bằng con đường nhà nước. Ngoài ra nhà nước còn thừa nhận một số quy phạm phong tục tập quán đã tồn tại từ trước nhưng có lợi cho mình và nâng lên thành pháp luật. Pháp luật có vai trò điều chỉnh hành vi của tất cả các thành viên trong xã hội, không loại trừ ai. Tính bắt buộc chung của pháp luật thể hiện ở chỗ: Bất cứ ai, cơ quan tổ chức nào, nếu ở những điều kiện, hoàn cảnh mà pháp luật dự liệu từ trước thì: hoặc đều được làm những gì mà pháp luật cho phép, hoặc đều không được làm những gì mà pháp luật ngăn cấm, hoặc đều phải làm những gì mà pháp luật yêu cầu phải làm; nếu họ vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau.
Thứ ba: Về biện pháp bảo đảm thực hiện:
Phong tục tập quán không mang tính nhà nước mà mang tính xã hội nên quy tắc xử sự này chỉ có thể tác động trong một phạm vi hẹp và được bảo đảm chấp hành bằng thói quen, dư luận xã hội hoặc một số biện pháp cưỡng chế như: Đuổi ra khỏi cộng đồng, bị xa lánh, đặt ngoài dư luận…
Pháp luật được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp mang tính quyền lực nhà nước như tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích, giáo dục, tổ chức thực hiện… đặc biệt là biện pháp cưỡng chế. Cưỡng chế nhà nước là sử dụng sức mạnh bạo lực của nhà nước để buộc cá nhân, tổ chức trong xã hội phục tùng ý chí nhà nước. Do đó, pháp luật khác phong tục tập quán vì pháp luật mang tính nhà nước.
Thứ tư: Về tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức:
Phong tục tập quán mang tính cục bộ, địa phương, mỗi cộng đồng dân cư có những phong tục tập quán khác nhau. Hình thức lưu trữ chủ yếu là truyền miệng, tồn tại dưới hình thức bất thành văn nên có tính ước lệ, độ chính xác không cao, không có hệ thống rõ ràng dẫn đến việc áp dụng nhiều khi không thống nhất, dễ tùy tiện.
Trái lại, pháp luật về nguyên tắc pháp luật phải cụ thể, khuôn phép, mực thước, không thể lạm dụng hoặc tùy tiện. Vì vậy nói đến pháp luật suy cho cùng là phải xét đến các quy phạm cụ thể tồn tại dưới hình thức các văn bản cụ thể (các điều luật, chế định luật, các văn bản quy phạm pháp luật với kết cấu chặt chẽ, logic trong lời văn, cấu trúc…). Đặc trưng về tính quy phạm này của pháp luật làm cho pháp luật ngày càng có "tính trội", nói cách khác pháp luật mang tính hệ thống và tính chính xác cao.
Thứ năm: Về tính sáng tạo (tính định hướng):
Phong tục tập quán thường không mang tính định hướng cho sự phát triển của xã hội. Nó chỉ mang tính thực tế để điều chỉnh những mối quan hệ trong xã hội.
Không chỉ điều chỉnh những mối quan hệ xã hội, pháp luật ít nhiều còn mang tính cương lĩnh, tính “sáng tạo”, vạch ra xu thế phát triển trong tương lai của xã hội. Bởi vậy, pháp luật luôn giữ vai trò chi phối sự tồn tại và phát triển của các quy phạm khác.
Tuy nhiên, những điểm khác nhau trên chỉ mang tính chất tương đối, trong một số trường hợp vẫn có sự sai khác. Chẳng hạn, phạm vi tác động, ảnh hưởng của pháp luật đôi khi chưa hẳn đã bằng với phong tục tập quán (như phong tục tín ngưỡng, thần linh); hoặc không chỉ pháp luật mới có hình thức biểu hiện chặt chẽ, logic mà phong tục tập quán cũng có tính này (như những văn bản truyền đạo) v.v…
Mối quan hệ giữa phong tục tập quán và pháp luật.
Quan hệ giữa phong tục tập quán với pháp luật thể hiện trên hai phương diện: Xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật.
Trong hoạt động xây dựng pháp luật:
Trước khi có pháp luật, phong tục tập quán là công cụ chính để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Khi có pháp luật, một số phong tục tập quán được nhà nước thừa nhận và nâng lên thành pháp luật gọi là tập quán pháp. Điều đó dẫn đến cùng một nối quan hệ xã hội có thể vừa do phong tục tập quán điều chỉnh, có thể vừa do pháp luật của nhà nước điều chỉnh.
Trong hoạt động thực hiện pháp luật:
Tác động của pháp luật tới phong tục tập quán.
Pháp luật ghi nhận, củng cố và bảo vệ những phong tục tập quán tiến bộ, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lợi ích của nhân dân.
Pháp luật hạn chế, loại trừ những phong tục tập quán lạc hậu, trái với thuần phong mĩ tục của dân tộc, không phù hợp với lợi ích của nhà nước cũng như lợi ích chung của cộng đồng.
Tác động của phong tục tập quán tới pháp luật.
Phong tục tập quán tác động đến việc hình thành các quy định của pháp luật. Một số phong tục tập quán có thể được áp dụng để giải quyết vụ việc. Có thể nói rằng, các quy phạm pháp luật là kết quả của sự “chọn lọc” trong xã hội. Vì vậy phong tục tập quán được coi là nguồn luật quan trọng đối với một số hình thức nhà nước ở các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Phong tục tập quán tác động đến quá trình thực hiện pháp luật của các chủ thể, biểu hiện dưới hai khuynh hướng:
Khuynh hướng thứ nhất: Với những phong tục tập quán mang bản sắc truyền thống dân tộc, phù hợp với pháp luật thì nó có thể tác dụng làm cho những quy định của pháp luật dễ dàng đi vào cuộc sống và được mọi người tự giác thực hiện.
Khuynh hướng thứ hai: Bên cạnh sự tác động tích cực, phong tục tập quán cũng có những hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện pháp luật. Pháp luật luôn mang tính thống nhất, trong khi mức độ phát triển của từng địa phương không đồng đều. Do đó, không phải lúc nào pháp luật cũng có hiệu lực như nhau ở các địa phương khác nhau.
Liên hệ thực tế ở Việt Nam.
Tập quán được quy định trong luật:
Từ ngàn đời xưa, những phong tục tập quán đã in sâu trong tâm thức người dân Việt Nam, nhiều phong tục tập quán đã được pháp luật công nhận hoàn toàn hoặc sửa chữa cho phù hợp với nguyện vọng của nhà nước.
Ví dụ: Phong tục tập quán đã quy định những thủ tục khi cô dâu và chú rể kết hôn. Đó là phong tục tập quán mang tính bản sắc truyền thống dân tộc, nên dễ dàng đi vào cuộc sống và được mọi người tự giác thực hiện. Đồng thời, chính quyền không cấm việc tổ chức cưới hỏi theo phong tập tập quán xưa, mà chỉ ban hành "quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi", theo đó, quy định rằng: "các thủ tục có tính phong tục, tập quán như chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu cần được tổ chức đơn giản và gọn nhẹ" và "việc cưới cần được tổ chức trang trọng vui tươi, lành mạnh phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc".
Một số phong tục tập quán lạc hậu đã được pháp luật điều chỉnh:
Ví dụ: Điều 19, luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Điều đó đã bác bỏ phong tục cổ hủ “trọng nam khinh nữ” trong xã hội phong kiến xưa.
Việc thừa nhận phong tục tập quán là nguồn hình thức của pháp luật đã được thể hiện cụ thể trong một số đạo luật của nước ta.
Ví dụ: Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán,…Tập quán…không được trái với những nguyên tắc quy định trong bộ luật này”, hoặc Điều 6 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: “trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định của Luật này thì được tôn trọng và phát huy”.
Việc áp dụng tập quán pháp:
Thực trạng có hai xu hướng thường xảy ra liên quan đến việc áp dụng các quy phạm pháp luật có viện dẫn tập quán:
Thứ nhất, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành ra một văn bản quy phạm pháp luật mới điều chỉnh luôn vấn đề được quy định là áp dụng theo tập quán.
Thứ hai, tránh áp dụng tập quán mặc dù đã được pháp luật cho phép áp dụng tập quán.
Có hiện tượng này do nhiều nguyên nhân, trong đó, có một nguyên nhân quan trọng là đối với cơ quan xét xử, hiệu quả của việc áp dụng tập quán chưa cao. Một nguyên nhân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc áp dụng tập quán, gây ra tâm lý né tập quán, đó là do các quy định liên quan đến việc áp dụng tập quán còn chưa rõ ràng, minh bạch.
Từ những nhận thức trên, để tập quán pháp phát huy hiệu quả cao khi tham gia điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực dân sự, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó có những giải pháp quan trọng như:
Một là, xây dựng các quy phạm pháp luật định nghĩa về tập quán, tập quán pháp.
Hai là, tập hợp tập quán theo các tiêu chí cụ thể.
Ba là, lựa chọn Hội thẩm nhân dân trong trường hợp giải quyết vụ việc dân sự có áp dụng tập quán.
Bốn là, phát huy vai trò của các cá nhân, tổ chức có uy tín trong việc áp dụng tập quán.
Năm là, hoàn thiện pháp luật quy định về tập quán theo nguyên tắc hài hòa, phù hợp, tránh xu hướng coi nhẹ cũng như quá đề cao vai trò của tập quán.
KẾT LUẬN
Tóm lại, phong tục tập quán và pháp luật là hai hình thức giữ vai trò công cụ quan trọng, không thể thiếu trong việc điều chỉnh những hành vi ứng xử, đạo đức của con người. Một dân tộc với những tinh hoa của phong tục tập quán và những giá trị nghiêm minh của pháp luật song song tồn tại sẽ là động lực thúc đẩy quá trình hội nhập với nền văn minh tiên tiến của nhân loại mà Việt Nam là một điển hình tiêu biểu.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- So sánh pháp luật với phong tục, tập quán và phân tích mối quan hệ giữa chúng (9đ).doc