Tiểu luận Sử dụng khẩu ngữ trên báo chí Việt Nam hiện nay

MỤC LỤC

 

MỞ ĐẦU 1

PHẦN 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHUẨN NGÔN NGỮ TRÊN BÁO CHÍ 3

1.1 Chuẩn ngôn ngữ báo chí 3

1.2 Hiện tượng chệch chuẩn 5

PHẦN 2. VIỆC SỬ DỤNG KHẨU NGỮ TRÊN BÁO CHÍ VIỆT NAM HIỆN NAY 8

2.1 Sử dụng khẩu ngữ trên báo chí Việt Nam là xu thế tất yếu 8

2.2. Những điểm cần khắc phục trong việc dùng khẩu ngữ trên báo chí 12

TÀI LIỆU THAM KHẢO 16

 

 

 

 

doc17 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4962 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Sử dụng khẩu ngữ trên báo chí Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VIỆC SỬ DỤNG KHẨU NGỮ TRÊN BÁO CHÍ VIỆT NAM HIỆN NAY MỞ ĐẦU Báo chí xuất hiện do nhu cầu trao đổi thông tin của xã hội loài người. Trong đó, ngôn ngữ là thông điệp chính, cơ bản nhất. Như vậy, có thể thấy ngôn ngữ báo chí cũng là một bộ phận trong dòng chảy quy luật phát triển của ngôn ngữ nói chung. Nghiên cứu những lĩnh vực ứng dụng của Việt ngữ học, nhiều vấn đề liên quan đến ngôn ngữ báo chí được giải thích rõ ràng, thông suốt. Trong khuôn khổ hạn chế, tiểu luận xin được trình bày một vài đặc điểm về hiện tượng sử dụng khẩu ngữ trên báo chí Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở những lý thuyết căn bản của ứng dụng Việt ngữ học và những vấn đề cụ thể của ngôn ngữ báo chí, tiểu luận bàn về việc sử dụng khẩu ngữ như một hiện tượng mang tính chất xã hội. Từ góc nhìn Việt ngữ học với lịch sử văn hóa dân tộc, ta có thể giải thích cơ cấu và sự tiến hóa xã hội chi phối sự phát triển của ngôn ngữ ra sao, nguyên nhân của sự xuất hiện và phát triển khẩu ngữ trên báo chí. Đồng thời, tiểu luận cũng nêu những căn cứ khách quan về vấn đề định chuẩn và khuôn mẫu luôn song hành cùng với những sáng tạo, phá cách và sai khác của ngôn ngữ báo chí. Bởi có thể nói, sử dụng khẩu ngữ là đi ra ngoài những nguyên tắc hành văn truyền thống của ngôn ngữ báo chí. Từ đó, tiểu luận đưa ra một vài nhận xét về điểm tích cực và hạn chế của việc sử dụng khẩu ngữ hiện nay. Về kết cấu, ngoài phần Mở đầu và Kết luận, tiểu luận gồm hai phần chính: Phần một: Những vấn đề cơ bản về Chuẩn ngôn ngữ báo chí 1.1 Chuẩn ngôn ngữ báo chí 1.2 Hiện tượng chệch chuẩn Phần hai: Việc sử dụng khẩu ngữ trên báo chí hiện nay 2.1 Sử dụng khẩu ngữ trên báo chí Việt Nam là một xu thế tất yếu 2.2 Những điểm cần khắc phục đối với việc sử dụng khẩu ngữ trên báo chí PHẦN 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHUẨN NGÔN NGỮ TRÊN BÁO CHÍ 1.1 Chuẩn ngôn ngữ báo chí Báo chí nằm ở vị trí trung tâm trong mạng lưới các phương tiện thông tin đại chúng. Khác với hình thức thông tin liên cá nhân, nội dung và hình thức của thông điệp phải đảm bảo được tính phổ biến, đại chúng và công khai. Dù ở bất cứ loại hình nào ( báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử), thông tin cũng phải sử dụng văn bản để dàn dựng, sắp xếp, truyền tải thông điệp. Vì vậy, ngôn ngữ là gốc căn bản của quá trình hình thành, xây dựng và truyền thông điệp. Có thể truyền thông tin bằng ngôn ngữ nói hay chữ viết, nhưng ngôn ngữ báo chí trước hết và chủ yếu là lĩnh vực ngôn ngữ học – xã hội. Vấn đề sử dụng ngôn ngữ có tác động trực tiếp và quyết định nhất tới hiệu quả của thông tin báo chí. Do vậy, ngôn ngữ báo chí trước hết phải là một thứ ngôn ngữ văn hóa chuẩn mực. Về khái niệm Chuẩn ngôn ngữ, cần xét trên hai phương diện: Chuẩn mang tính chất quy ước xã hội và chuẩn phải phù hợp với quy luật phát triển của nội tại ngôn ngữ trong từng giai đoạn nhất định. Xác định chuẩn ngôn ngữ, đặc biệt là chuẩn ngôn ngữ báo chí, cần phải dựa trên những cứ liệu thực tế của ngôn ngữ trên tất cả các cấp độ là ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách. Bên cạnh đó, cần phải xét những lý do ngoài ngôn ngữ vốn ảnh hưởng đến sự phát triển, thay đổi của nó: những biến đổi lớn lao trong xã hội, vai trò tác động của các trào lưu, các nhóm xã hội…công cuộc Đổi mới và sự mở cửa cho một nền kinh tế mới. Về mặt quy luật biến đổi nội tại của ngôn ngữ, nước ta đã có những văn bản, những cuộc vận động Chuẩn hóa trên cơ sở nghiên cứu gốc rễ từ nguyên, những biến đổi, sai khác, dị biệt trong hệ thống ngôn ngữ và quá trình phát triển. Về mặt tác động từ bên ngoài, báo chí thể hiện rõ ràng những biến đổi của ngôn ngữ. Nền báo chí Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay đã trải qua nhiều biến động xã hội ảnh hưởng đến Chuẩn. Thế nào được gọi là Chuẩn? Ai định ra chuẩn? Chuẩn được xã hội chấp nhận như thế nào? Ví như trong thời kì trước Cách Mạng Tháng Tám, ngôn ngữ báo chí chịu sự kiểm duyệt gắt gao của thực dân, phát xít. Những quy định về Chuẩn ấy do giai cấp thống trị đề ra và phục vụ cho quyền lợi của chúng, xã hội Việt Nam không thừa nhận và luôn thể hiện sự phản kháng lại. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, những lớp từ, những phong cách báo chí thể hiện tính chất của cuộc chiến, của lòng dân, ý Đảng được coi là chuẩn mực, đã kêu gọi tinh thần sục sôi của đồng bào theo một ngọn cờ chung. Đến khi thực hiện công cuộc Đổi mới, mở cửa, tác động của nền kinh tế thị trường và những luồng văn hóa, tư tưởng mới xâm nhập và ảnh hưởng ngày càng sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống, ngôn ngữ báo chí, văn phong báo chí đã biến đổi đa dạng, phong phú và phức tạp. Những từ ngữ, cách diễn đạt của các giới, các nhóm xã hội, các thuật ngữ chuyên ngành, của các trào lưu…phát triển mạnh hơn. Nào là ngôn ngữ Internet, ngôn ngữ Hiphop, ngôn ngữ Manga (truyện tranh Nhật Bản) …xuất hiện từ trong đời sống và đi vào báo chí. Ngôn ngữ báo chí hiện nay đang có rất nhiều sự pha trộn phức tạp. Quan điểm về chuẩn ngôn ngữ còn nhấn mạnh đến tính chất xã hội, đây là một hiện tượng xã hội và phát triển có tính lịch sử. Đồng thời phải coi đây là hiện tượng có tính quy luật bên trong của cấu trúc ngôn ngữ. Chuẩn ngôn ngữ là mẫu ngôn ngữ đã được xã hội đánh giá, lựa chọn và sử dụng. Cố nhiên, sự đánh giá, lựa chọn đó không thể đạt đến sự nhất trí hoàn toàn và do vậy tính chất bắt buộc và tính chất ổn định của chuẩn cũng chỉ là tương đối. Mặt khác, chuẩn không phải là quy định mà là quy ước, không phải luật mà là chỉ dẫn. Có thể nói mỗi nhóm xã hội có thể đề ra Chuẩn ngôn ngữ cho riêng mình và sử dụng trong phạm vi nhóm. Khi ảnh hưởng của nhóm rộng rãi, là đối tượng các phương tiện thông tin đại chúng (mà đặc biệt là báo chí) thì ngôn ngữ của nhóm (những từ chuyên biệt, cách diễn đạt, cách hiểu…) được sử dụng. Quá trình thông tin, phản ánh này càng sâu rộng thì ngôn ngữ báo chí càng bị ảnh hưởng sâu sắc. Chuẩn ngôn ngữ bao gồm 2 nội dung căn bản là “Cái đúng” và “Sự thích hợp”. Tất cả những cái mới, đang phát triển được các quy luật nội tại của quá trình phát triển ngôn ngữ thừa nhận, phù hợp với cấu trúc của nó, dựa vào những xu thế sáng tạo của nhân dân, dựa vào các quá trình mang tính tích cực trong lĩnh vực ngữ pháp, ngữ nghĩa, sử dụng từ… đều không thể bị cho là không đúng, không thể bị phủ nhận. Như vậy, cái Đúng được cộng đồng ngôn ngữ hiểu và chấp nhận, là một trong những điều kiện để thừa nhận tính chuẩn mực của ngôn ngữ. Trái ngược với cái Đúng là cái Sai. Đó là cái người tiếp nhận không hiểu hoặc không chấp nhận vì nó không phù hợp với cách chung mà cộng đồng đã lựa chọn, đã thừa nhận. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Sai: do không nắm vững ngôn ngữ, bắt chước máy móc, sai do người viết cố ý tạo ra sự độc đáo khác biệt để gây ấn tượng nhưng lại không đúng chuẩn được thừa nhận. Lép.Tôn xtôi đã nói: “Trước hết phải quan tâm sao cho công cụ truyền đạt khái niệm, tức là ngôn ngữ phải đúng”. Cái đúng là yêu cầu bắt buộc trong sử dụng ngôn ngữ báo chí ở tất cả các cấp độ. Bên cạnh đó cần phải có sự thích hợp bởi thông tin đúng mà không thích hợp thì hiệu quả thông tin không cao. Tính thích hợp còn nâng cao giái trị thẩm mỹ của ngôn từ. 1.2 Hiện tượng chệch chuẩn Chức năng giao tiếp dẫn tới sự thống nhất mã ngôn ngữ. Ngược lại, chức năng biểu hiện dẫn tới sự đa dạng mã ngôn ngữ. Ngôn ngữ báo chí mang cả 2 chức năng trên. Nếu chỉ dừng lại ở cách diễn đạt có tính chất khuôn mẫu thì khó tránh khỏi sự khô cứng, đơn điệu, thậm chí tẻ nhạt. Tính chuẩn mực tiên quyết của ngôn ngữ báo chí không loại trừ sự sáng tạo cá nhân của nhà báo với tư cách là sự đi chệch chuẩn. Chệch chuẩn gắn liền với phong cách nhà báo, là hết sức cần thiết, chệch chuẩn có thể tạo ra sự hấp dẫn của bài báo. Chuẩn ngôn ngữ có những quy luật và cách sử dụng, chúng tồn tại khách quan trong một giai đoạn đối với một cộng đồng người và có tính chất bắt buộc tương đối. Nhưng do ngôn ngữ luôn luôn vận động nên bên cạnh cái chuẩn chung luôn tồn tại những biến thể. Trong số những biến thể có những cái được gọi là Chệch chuẩn - chênh ra khỏi chuẩn mực, trên cơ sở nắm vững cái “chuẩn”, chứ không phải là cái Sai. Chệch chuẩn là 1 sự sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của người cầm bút, tạo sự mới mẻ, táo bạo trong cách viết. Hiện tượng này thường xuất hiện ở cấu tạo từ, tạo ngữ. Ví dụ như những cách diễn đạt “Tây quá” của cách nhà báo thời 30 – 45; cách sử dụng những cụm tính + danh từ (đảo ngược); cách mượn vốn từ của lĩnh vực này để miêu tả một lĩnh vực khác… Tuy nhiên, cần phải xét đến tính 2 mặt của hiện tượng chệch chuẩn. Trước hết, chệch chuẩn là một hiện tượng có tính lâm thời, nó chỉ xuất hiện trong 1 thời đoạn nhất định và mang những sắc thái biểu cảm nhất định. Chệch chuẩn tạo sự độc đáo, lôi cuốn khi nó là sự sáng tạo cá nhân nhưng phù hợp và được cả cộng đồng chấp nhận. Bên cạnh đó, chệch chuẩn mang sắc thái khoa trương, ly kì hóa hình tượng nghệ thuật ngôn ngữ. Điều này dễ đưa ngòi bút của tác giả đến sự sáo mòn và phạm lỗi thậm xưng. Hơn nữa nó chỉ thích hợp với những thể loại và đề tài nhất định (VD: Sử dụng trong các thể loại phóng sự, bút kí, tùy bút). Điều này giải thích vì sao hiện tượng này có tần suất sử dụng trong lĩnh vực văn chương nhiều hơn. Trong báo chí, hiện tượng chệch chuẩn phụ thuộc nhiều vào vốn từ, kiến thức, tài năng của nhà báo để làm sao chế định được phong cách của mình với những đặc trưng của ngôn ngữ báo chí. Sáng tạo, tìm tòi, sử dụng yếu tố mới không đồng nhất với việc máy móc, khoa trương, lạm dụng. Có thể thấy rằng không phải những biến thể nào cũng được coi là chệch chuẩn, thậm chí có những biến thể là cái Sai trong cách dùng từ, cách diễn đạt. Ngôn ngữ báo chí hiện nay xuất hiện nhiều cách sử dụng ngôn từ, cách diễn đạt khác nhau. Công chúng thừa nhận hiện tượng này bởi thực tế đời sống xã hội có nhiều màu sắc, nhiều dáng vẻ, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội cùng đua nhau chen lấn, biến đổi đến chóng mặt. Tuy nhiên không phải phong cách nào khi xuất hiện cũng đều được công chúng chấp nhận. PHẦN 2. VIỆC SỬ DỤNG KHẨU NGỮ TRÊN BÁO CHÍ VIỆT NAM HIỆN NAY 2.1 Sử dụng khẩu ngữ trên báo chí Việt Nam là xu thế tất yếu Một trong những biến thể của chuẩn ngôn ngữ báo chí là việc dùng từ, và cách hành văn không theo lối văn viết. Đó là việc sử dụng văn nói - Khẩu ngữ. Báo chí đã xuất hiện một bộ phận ngôn ngữ không chỉ thuộc vốn từ vựng của ngôn ngữ văn hoá được dùng trong lời nói miệng, trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn có cả một số từ thông tục và từ lóng - những từ ngữ chuyên dùng trong khẩu ngữ. Có người cho rằng, xu hướng chung hiện nay là “hội thoại hoá” ngôn ngữ báo chí, sử dụng từ ngữ, thậm chí là cú pháp của khẩu ngữ để nó đơn giản hơn, gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, khẩu ngữ có phải là hiện tượng chệch chuẩn làm tăng giá trị thẩm mỹ cho ngôn ngữ báo chí không? hay chỉ là biểu hiện của việc dùng ngôn từ một cách bừa bãi, ẩu thả, quá đà…, chúng ta cần phân tích trên cả hai mặt tích cực và hạn chế. Theo từ điển Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam, Khẩu ngữ (Parlando) là: “Ngôn ngữ tồn tại chủ yếu ở dạng nói, được sử dụng để trao đổi tư tưởng, tình cảm trong sinh hoạt hàng ngày. Hình thức thông thường là đối thoại. Có đặc điểm cơ bản là phát ngôn ngắn, đơn giản về cấu trúc, thiên về sắc thái cảm xúc, nhiều biến thể phát âm”. Theo Từ điển Tiếng Việt- Trung tâm Từ điển Ngôn Ngữ.H.1992): “Khẩu ngữ là ngôn ngữ nói thông thường, dùng trong cuộc sống hàng ngày, có đặc điểm đối lập với phong cách viết”. Phong cách ngôn ngữ Tiếng Việt có thể chia thành hai loại hình: Phong cách ngôn ngữ khẩu ngữ và Phong cách ngôn ngữ gọt giũa (Khoa học - Hành chính sự vụ - Văn học nghệ thuật - Báo chí chính luận). Khẩu ngữ có cách diễn đạt riêng, lệ thuộc nhiều vào cảnh huống. Âm điệu, những hư từ, những từ tắt, sắc thái biểu cảm…được diễn đạt tuỳ theo suy nghĩ, đối tượng và trạng thái tâm lí, cảm xúc của người nói. Văn nói dễ hiểu, gần gũi với đời thường, phù hợp với tính cách của người nói và trình độ của người nghe. Có thể phân loại việc sử dụng khẩu ngữ trên báo chí thành hai nhóm: dùng từ và hành văn. Thứ nhất: Trong việc sử dụng từ ngữ văn nói, trên báo chí xuất hiện những từ thông tục và từ lóng. Ví dụ: “Bằng cấp đầy người, anh vẫn chỉ là một nhân viên quèn” (Hà Nội Mới), “Đã qua ngày rằm mà nhiều công sở vẫn còn vắng hoe. Điện thoại réo mệt nghỉ vẫn không có ai trả lời” (Nhà báo và công luận); “Thực tế thì Tú chẳng có xu gỉ nào để góp vốn” (An ninh thế giới). Trong thể loại bài phóng sự điều tra, khi xâm nhập vào thế giới “ngầm”, các phóng viên đã lột tả tính chất vụ việc và bản chất của kẻ tội phạm, của tệ nạn xã hội bằng chính ngôn từ, giọng điệu của chúng. “Cốp, vít” (giới quan chức có quyền thế ), “Thật khổ, giang hồ kiếm tiền dễ như bỡn, có kẻ nào lại không máu me cờ bạc, cá độ? Thắng đã tạo dựng được một “an toàn khu” ở biên giới phía Bắc, thậm chí ngay trên đất Trung Quốc làm chỗ “lặn” cho những tên lưu manh cộm cán bị “ lốc ổ” (An ninh Thế giới,10/2007). Phải nói rằng những nhóm từ này khi góp mặt trong các bài điều tra, bình luận…đã tăng sức biểu cảm, sức lôi cuốn công chúng. Chúng vừa đời thường, dân dã, vừa phản ánh đúng tính chất sự việc. Công chúng đọc báo, nghe đài, xem truyền hình khi bắt gặp những từ ngữ này có cảm giác gần gũi với thông tin phản ánh. Sự giao lưu, tưưng tác về mặt cảm giác giữa kênh thông tin và đối tượng tiếp nhận được tăng cường hơn. Quá trình tri nhận thông tin diễn ra gần như trong một cuộc hội thoại đời thường. Những lĩnh vực quan tâm của giới trẻ được sử dụng nhiều khẩu ngữ nhất. Những trào lưu vui chơi giải trí, phong cách sống, quan niệm mới của giới trẻ đang được dịp bùng nổ và phát tán rộng khắp. Họ ưa dùng những “từ chuyên môn” nguyên gốc, thậm chí của nước ngoài để diễn đạt. Trong chuyện trò hàng ngày, ta bắt gặp những từ, cụm từ tiếng Anh, Pháp, Trung…xen giữa những câu tiếng Việt. “Check (Kiểm tra) lại thông tin” “đi interview” (đi phỏng vấn); “gương mặt Top”; “sản phẩm “hot”, “bài hát hit”…Mạng internet cùng với những tiện ích của nó vừa là nguồn phát sinh vừa góp phần truyền bá những nhóm từ này: ngôn ngữ “chat” ; “blog”; “mail” như một làn sóng lan toả vô hình và mạnh mẽ. Và hệ quả của nó là những tờ báo, những bài báo sử dụng chính phong cách này để diễn đạt, nói sao viết vậy. Có thể kể đến một số báo của giới trẻ ưa dùng lối viết này như: Hoa học trò, Sinh viên, Thanh Niên…Đã qua rồi thời kì người ta khuyến khích việc dịch từ, chuyển nghĩa để thay thế các từ ngữ nước ngoài bằng từ tiếng Việt tương đương tiện sử dụng. Đó là ngôn ngữ nói và viết phổ thông phù hợp với quần chúng. Cho đến thời điểm hiện nay, một bộ phận không nhỏ công chúng đã không còn khó khăn, thậm chí quen với việc trao đổi, tiếp nhận thông tin theo cách mới – dùng từ ngữ chuyên môn và ngoại ngữ xen kẽ với ngôn ngữ thông thường. Thứ hai, trong lối hành văn, diễn đạt, báo chí cũng chịu ảnh hưởng của khẩu ngữ. Phong cách văn nói hàng ngày thường diễn đạt ngẫu hứng, có hai kiểu: một là ngắn gọn, hai là diễn giải. Ở kiểu ngắn gọn, người nói thường dùng những câu tỉnh lược, tối giản (thậm chí không đủ các bộ phận chủ ngữ, vị ngữ cơ bản) tuỳ theo khẩu khí cá nhân và hoàn cảnh hội thoại. Kiểu thứ hai- lối diễn đạt dài dòng. Nếu văn nói có thể diễn đạt các câu nối tiếp, móc xích, đan cài, hoán đổi cho nhau để diễn đạt nội dung thì người viết cũng có thể tạo một kết cấu tương tự. Trên báo chí, người viết ít sử dụng hai kiểu diễn đạt này. Tuy nhiên ở trong các dạng bài mang tính chất văn chương, nghệ thuật (tuỳ bút, phóng sự, kí sự), phóng viên vẫn dùng lối hành văn này, tuỳ theo văn cảnh, để tạo nên những điểm đặc biệt trong cú pháp và kết cấu. Kiểu thứ ba, khẩu ngữ thường sử dụng các thành ngữ, các lối nói dân gian mang tính chất ẩn dụ, hoán dụ. Cách diễn đạt trong quần chúng thường thô mộc, giản đơn, dễ tiếp cận, không giàu lớp nghĩa và bóng bẩy như trong văn học. Đây cũng là điểm dễ học và sử dụng đối với cách viết của báo chí. Có thể nói, xu hướng “hội thoại hoá”, sử dụng khẩu ngữ trong báo chí là xu hướng tất yếu. Điều này xuất phát từ bản chất của mỗi phong cách và sự tác động của yếu tố xã hội. Xét về bản chất, mỗi phong cách đều có những nét chuyên biệt, nhưng khẩu ngữ và văn phong báo chí có nhiều điểm gần gũi hơn cả. Văn phong báo chí thuộc loại hình phong cách ngôn ngữ gọt giũa, vừa mang tính chuẩn mực vừa mang tính linh hoạt, biến thể. Báo chí mang cả phong cách khoa học, hành chính và văn học, nhưng không khuôn mẫu và chuyên biệt, đồng thời cũng không mang đậm chất nghệ thuật. Ngôn nhữ báo chí như đã phân tích ở phần I, nó gần gũi với đời sống xã hội, mang tính chất của các vấn đề sự kiện, thời sự. Chất liệu của báo chí thậm chí lấy trực tiếp, nguyên vẹn từ cuộc sống, từ giao tiếp hàng ngày ( tiến hành các cuộc phỏng vấn, sử dụng tiếng hiện trường để chuyển tải nội dung…). Tuy nhiên dấu ấn cá nhân và tính hình tượng không cao như văn học, mặc dù văn học cũng sử dụng chất liệu của cuộc sống. Xét về tác động của xã hội, có thấy thể mức độ mở rộng của vốn từ vựng trong đời sống hàng ngày rất lớn và không ngừng nghỉ. Cách đây khoảng năm năm, người Việt Nam đã quen với từ “mở cửa” và đến nay không còn xa lạ với từ “bùng nổ”. Bùng nổ của phong cách , bùng nổ của yếu tố cá nhân, bùng nổ thông tin… Sự bùng nổ dẫn đến những quá trình tương tác, xâm nhập lẫn nhau của các lĩnh vực mà ngôn ngữ chính là phương tiện truyền tải và cũng là yếu tố chịu tác động mạnh mẽ nhất. Sự xâm nhập lẫn nhau của từ vựng khẩu ngữ và từ vựng sách vở là một điều tất yếu. Các từ thuộc khẩu ngữ hàng ngày của nhân dân được sử dụng rộng rãi trên sách báo các loại, từ sách báo chính trị, khoa học đến kinh tế, văn nghệ. Bên cạnh đó cũng diễn ra sự thâm nhập ngược lại từ vốn từ vựng sách vở vào khẩu ngữ quần chúng. Ngôn ngữ báo chí được coi là trung tâm của mội phong cách ngôn ngữ trong vòng xoay biến đổi đó và ngày càng trở nên đa dạng, phong phú. 2.2. Những điểm cần khắc phục trong việc dùng khẩu ngữ trên báo chí Bên cạnh việc thừa nhận tính tất yếu của sự xuất hiện khẩu ngữ cùng những đóng góp tích cực của nó, chúng ta không thể không kể đến những mặt hạn chế của việc lạm dụng phong cách này. Các định nghĩa, khái niệm về phong cách khẩu ngữ đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất “ đối lập”, “ khác biệt” của lối văn nói và văn viết. Báo chí là một trong những phong cách gọt giũa, ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ của đại chúng. Tính biến thể trong cách viết có thể rất cần thiết và là yếu tố tạo sức hấp dẫn cho một bài báo, nhưng không thể quá lạm dụng. Như trong phần I đã nêu về sự khác nhau giữa khái niệm cái Đúng, cái Sai trong Chuẩn ngôn ngữ. Chỉ khi sử dụng biến thể trên nguyên tắc nhận thức và tôn trọng những quy luật của chuẩn mực, tác giả mới có thể tạo ra những chệch chuẩn có giá trị và được công nhận. Còn những trường hợp do không nắm vững ngôn ngữ, bắt chước máy móc, cố ý tạo ra sự độc đáo khác biệt để gây ấn tượng nhưng lại không đúng chuẩn được thừa nhận thì sẽ trở thành cái sai, tạo nên sự vô duyên. Có thể nói, trường hợp sử dụng thành công khẩu ngữ trên báo chí không phải là nhiều, ngược lại, trường hợp sử dụng sai phổ biến hơn. Bởi lẽ, những lỗi sử dụng khẩu ngữ rất dễ bị mắc và chúng như những hạn sạn trong bài viết gây phản cảm đối với độc giả. Không ít công chúng coi việc lạm dụng khẩu ngữ là một “ căn bệnh” của những người viết trẻ. Trong một số trường hợp, các bậc phụ huynh không hài lòng khi bắt gặp những từ “ khó hiểu” trong ngôn ngữ giới trẻ hiện nay : “bạn ấy học rất “tanh tưởi”, “cô gái tóc vàng hoe” (để chỉ những cô gái không thông minh?!), “những tình huống “củ chuối”, “buồn như con chuồn chuồn”, “ chán như con gián”… một cách phổ biến trên báo Hoa học trò, Sinh viên…Báo chí thời gian vừa qua cũng có phần lạm dụng các từ 8x, 9x để chỉ lứa tuổi học sinh, sinh viên bây giờ. Khi công chúng nghe, đọc quá nhiều sẽ trở nên nhàm chán và họ thấy ngày càng có những bất hợp lí trong việc sử dụng từ này. Thế nào là 8x, 9x? đánh giá thế nào khi lứa tuổi sinh năm 1980, 1981, 1982 có lối tư duy, nhận thức và những đóng góp không như lứa tuổi 1988, 1989…Tương tự như vậy là việc dùng tít bài báo, tên chương trình theo lối tư duy “tuổi teen” : Café @, Chat với 8x, Café Tối, Trà sữa…vô tình tạo nên sự mặc định hình tượng của tuổi trẻ ngày nay một cách phiến diện và vô lý. Trong những bài báo về âm nhạc, người đọc thường thấy cách diễn đạt tương tự như: “ Sự kết hợp giữa Đan Trường và Cẩm Ly mang lại may mắn cho cả đôi bên. Những bài song hát song ca của cả hai đều để lại dấu ấn và nhanh chóng tạo thành bài hit. Xác xuất tạo hit của cặp song ca này khá cao, gần như hát bài nào bài đó hit ngay” (vietnamnet)… Trong báo chí, có tình trạng nhiều người cầm bút đã lẫn lộn, không phân biệt được lối hành văn của văn viết và và văn nói. Lỗi trong diễn đạt thường mắc phải là viết câu không có chủ ngữ như “ Với thành tích đó, đã đưa công ty lên hàng đầu các doanh nghiệp xuất khẩu”, “Qua kết quả thực nghiệm, đã chứng minh sự đúng đắn của những giả thuyết ban đầu”… Có nhiều ý kiến từ phía công chúng được đưa ra một cách thẳng thắn. Họ cho rằng báo chí ngoài chức năng cung cấp thông tin và định hướng dư luận thì còn góp phần định hình ngôn ngữ cho độc giả. Báo chí những năm gần đây đã sử dụng thứ ngôn ngữ thiếu trong sáng, “chợ búa”; những câu cú què quặt một cách tùy tiện, tràn lan. Ngôn ngữ báo chí cần phải đảm bảo tính khúc chiết, trong sáng, mạch lạc, tiết kiệm ngôn từ mà giàu lượng thông tin. Nhìn nhận lại vấn đề, ta thấy một phần tác động không tốt từ khẩu ngữ tới ngôn ngữ báo chí là do ngay trong thực tế, những dạng từ ngữ mới xuất hiện vốn đã tùy tiện và không trong sáng. Chúng xuất phát từ ý thức muốn thể hiện cá tính của giới trẻ, sáng tạo một cách vô lối, cho đó là thời thượng, chạy theo mốt thời đại. “Phản ứng dây chuyền” trong giới trẻ đã phát tán thứ ngôn ngữ ấy và báo chí trong bối cảnh này khó có thể tránh được những lỗi diễn đạt nếu người viết không tự ý thức được. KẾT LUẬN Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt nhằm giáo dục ngôn ngữ cho quảng đại quần chúng nhân dân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu lên ba khâu: Một là giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta; hai là nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta; ba là giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật) (Phạm Văn Đồng, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, Hà Nội,1973, tr159 ). Với tinh thần đó, ngôn ngữ báo chí cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ định hình ngôn ngữ của tiếng Việt. Mọi sự sáng tạo trong phong cách cần phải được chắt lọc, lựa chọn một cách kỹ lưỡng và có ý thức. Cẩn trọng trong sử dụng ngôn ngữ cũng như cẩn trọng trong việc chuyển tải thông tin. Đó cũng là tính phù hợp cần có của ngôn ngữ báo chí. Sự sáng tạo thích hợp sẽ làm nên giá trị thẩm mỹ của ngôn ngữ báo chí. Khẩu ngữ thực sự đã thâm nhập vào ngôn ngữ báo chí một cách tự nhiên và có những đóng góp cho sự sáng tạo. Tuy nhiên, cần tiếp cận khẩu ngữ một cách chủ động và tích cực hơn nữa để tiếp tục bổ sung cho phong cách báo chí một nhóm ngôn ngữ đặc sắc và đa dạng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thiện Giáp, Những lĩnh vực ứng dụng của Việt ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội,2006. 2. Vũ Quang Hào, Ngôn ngữ Báo chí, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2007. 3. Phạm Văn Đồng, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, Hà Nội,1973 4. Hoàng Anh, Một số thủ pháp nhằm nâng cao tính biểu cảm của ngôn ngữ báo chí, Những bài báo khoa học 10 năm (1991-2001) , Nxb Chính trị Quốc gia,2001 5.Một số báo: An ninhThế giới, Hà Nội mới, Nhà báo và Công luận, Vietnamnet.vn, VnExpress.net, Hoa học trò, Sinh viên…các số năm 2007. MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docSử dụng khẩu ngữ trên báo chí Việt Nam hiện nay.doc
Tài liệu liên quan