MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
I. NHỮNG THUẬN LỢI TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP 3
1. Phạm vi thị trường rộng lớn hơn: 3
2. Các ngành dịch vụ liên quan phát triển mạnh: 3
3. Chính sách dành cho du lịch thông thoáng và ngày càng phù hợp: 4
4. Chất lượng nhân lực được nâng cao phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế: 5
5. Trao đổi và học hỏi kinh nghiệm 6
6. Mạng lưới đối tác kinh doanh được mở rộng trên toàn thế giới: 6
II. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP. 7
1. Khả năng huy động vốn đầu tư thấp: 7
2. Thị trường cạnh tranh khốc liệt: 7
3. Kinh nghiệm quản lý và kinh doanh chưa theo kịp với trình độ của các doanh nghiệp nước ngoài: 8
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHO DOANH NGHIỆP NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH: 9
1. Chiến lược phản ứng nhanh: 9
2. Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm: 10
3. Chiến lược chia sẻ rủi ro: 11
4. Chiến lược phân biệt hóa sản phẩm: 11
5. Chiến lược hỗn hợp: 12
KẾT LUẬN 13
15 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2557 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Thách thức, cơ hội và một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ hội nhập, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trường đại học Quốc gia hà nội
Đại học khoa học xã hội và nhân văn
Tiểu luận Môn: Nâng cao năng lực doanh nghiệp du lịch
Thách thức, cơ hội và một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ hội nhập
Mở ĐầU
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và khối lượng tri thức của nhân loại, cùng với các cuộc cách mạng về vận chuyển - viễn thông - du lịch các quốc gia trên thế giới đang bước vào giai đoạn đầu tiên của quá trình mở rộng cánh cửa trong mọi lĩnh vực để hội nhập với thế giới bên ngoài. Quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa, cùng với một số học thuyết như học thuyết "thế giới phẳng" đã chứng minh một chân lý rằng : "hội nhập để tồn tại và phát triển". Thực tế đã chỉ ra rằng không một quốc gia nào có thể phát triển nếu như tự cô lập mình và và tuyên bố không cần thiết lập mối quan hệ quan hệ với các nước khác. Thuật ngữ toàn cầu hóa (globalization) hiện nay đã xuất hiện trong mọi cuốn từ điển và mọi ngôn ngữ, mặc dù là một từ mới xuất hiện trong cuối thế kỷ XX. Cùng với nó, thuật ngữ khu vực hóa cũng là một trong những từ xuất hiện nhiều nhất trong các trang báo và những tác phẩm nghiên cứu gần đây. Điều này nói lên rằng thế giới đang xích lại gần nhau hơn và các mối quan hệ bang giao giữa các nước không còn là các mối quan hệ cục bộ và khép kín như trong các thời kỳ văn minh trước đây. Đa phương hóa cùng với quá trình hội nhập toàn cầu là xu hướng tất yếu và mở ra một thời kỳ phát triển mới của nhân loại.
Trong quá trình này, Việt Nam là một trong những nước tham gia muộn do các yếu tố về mặt lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và với tinh thần vươn lên mạnh mẽ của cả dân tộc; vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định, nền kinh tế phát triển bùng nổ, những thành tựu lớn về mặt văn hóa - xã hội... Việt Nam đang có bước đi đúng đắn trong tiến trình này thông qua những sự kiện lớn như: tham gia tổ chức thương mại thế giới (WTO); thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 220 nước; trở thành thành viên của nhiều tổ chức lớn và có uy tín (liên hợp quốc,ASEAN, APEC...)... Mặt khác, do tham gia muộn cùng với điều kiện kinh tế còn hạn chế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình hội nhập.
Cũng như các ngành kinh tế khác, ngành du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và có nhiều thời cơ hơn bao giờ hết. Để tồn tại và phát triển trong thời kỳ mới, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch có sự thích ứng nhạy bén, năng động, sáng tạo và đặc biệt phải có được chiến lược phát triển doanh nghiệp phù hợp nhằm thu lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và mang lại lợi ích cho đất nước. Đậy cũng là chủ đề của bài luận này với tiêu đề : "Thách thức, cơ hội và một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ hội nhập".
Với tri thức còn hạn chế và tiếp cận một vấn đề khá mới mẻ, phức tạp; chắc chắn không tránh được thiếu sót, mong nhận được sự góp ý, chỉnh sửa của thầy, các bạn và đồng nghiệp.
I. Những thuận lợi trong quá trình hội nhập
Hội nhập, theo nghĩa chung nhất là tăng cường sự hợp tác, trao đổi, giao dịch, phụ thuộc... về nhiều mặt giữa các quốc gia; là sự tham gia vào các hoạt động, tổ chức quốc tế để đi theo một định hướng, xu thế tất yếu của nhân loại trong dòng chảy lịch sử. Đối với doanh nghiệp du lịch, hội nhập đồng nghĩa với sự mở rộng môi trường kinh doanh như sự mở rộng về môi trường vĩ mô và sự thay đổi môi trường bên trong của doanh nghiệp. Sự kiện lớn gần đây nhất tác động mạnh mẽ đến quá trình hội nhập của Việt Nam là trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO. Vì vậy, ở một khía cạnh nhất định có thể xem xét những thuận lợi của doanh nghiệp sau khi nước ta gia nhập tổ chức này. Doanh nghiệp du lịch có những thuận lợi sau:
1. Phạm vi thị trường rộng lớn hơn:
Thị trường của doanh nghiệp không còn hạn chế trong nước và một số thị trường quốc tế truyền thống. với 149 nước, 90% dân số thế giới, 95% GDP, 95% thương mại toàn cầu. thị trường du lịch hàng năm trên 800 triệu người, dự báo đến năm 2020 1,6 triệu lượt khách du lịch trên toàn thế giới; doanh nghiệp du lịch không còn bị hạn chế về thị trường, vấn đề ở đây là doanh nghiệp lựa chọn thị trường nào trở thành thị trường mục tiêu phù hợp với năng lực của doanh nghiệp để thâm nhập, mở rộng, phát triển và khai thác. Hơn nữa, khả năng tiếp cận thị trường được nâng cao do các rào cản với thị trường nước ngoài được dỡ bỏ do các hiệp định song phương và đa phương tầm quốc gia.
2. Các ngành dịch vụ liên quan phát triển mạnh:
Du lịch là ngành kinh tế - xã hội liên ngành, do đó sự thay đổi của các ngành kinh tế khác cũng tác động trực tiếp đến ngành du lịch. Trong nội dung này, do xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty trong nước và theo quy luật kinh tế, càng nhiều đơn vị kinh doanh một sản phẩm tại một thị trường thì tính cạnh tranh càng lớn và sản phẩm được sản xuất ra cần đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng được tối đa nhu cầu của khách hàng thì mới có khả năng tồn tại, phát triển. Quy luật này càng ngày càng tạo ra những sản phẩm có chất lượng và với giá thành ngày càng thấp hơn cho thị trường nói chung. Trong mối quan hệ với các doanh nghiệp này, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò người tiêu dùng và được hưởng lợi từ quy luật trên. Cụ thể ở đây doanh nghiệp du lịch được hưởng lợi từ các sản phẩm liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành du lịch do các doanh nghiệp khác cung cấp như thực phẩm, đồ uống, năng lượng, viễn thông giao thông vận tải, thanh toán tín dụng... Chi phí cho đầu vào sẽ thấp hơn và chất lượng sản phẩm khi đã được "đóng gói" (package) sẽ đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của khách du lịch. Ngoài ra có thể kể ra một số lợi thế như: cơ sở hạ tầng phát triển mạnh do nhà nước đầu tư và do lượng vốn ODA, FDI tăng cao; chính sách quảng bá tầm quốc gia do Nhà nước tiến hành; lượng khách du lịch cả nước (quốc tế, nội địa) có tỷ lệ tăng trưởng lớn trong những năm gần đây và dự báo tỷ lệ đó còn cao hơn nữa trong những năm sắp tới.
3. Chính sách dành cho du lịch thông thoáng và ngày càng phù hợp:
Chính sách dành cho du lịch là yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu đối với các doanh nghiệp du lịch bởi đây là phạm vi nằm ngoài khả năng tác động của doanh nghiệp. Chính sách về du lịch nếu đúng đắn có thể kích thích sự phát triển của ngành, ngược lại nếu không phù hợp hoặc bất cấp thì sẽ kiềm chế sự phát triển tự nhiên của họat động du lịch.
Hội nhập là quá trình đòi hỏi các quốc gia nói chung, nước ta nói riêng phải luôn luôn tự điều chỉnh nhằm tạo ra hướng phát triển phù hợp đối với điều kiện của nước mình, đồng thời cũng phải tạo ra được những chính sách phát triển phù hợp với thông lệ và tiêu chí quốc tế. Tất nhiên, quá trình cũng tạo dựng được môi trường vĩ mô thuận lợi cho phát triển du lịch.
Nhà nước khuyến khích phát triển du lịch thông qua ban hành và Luật Du lịch phù hợp với nhu cầu thực tiễn, có một số chính sách đặc biệt như miễn visa cho một số thị trường lớn và thị trường tiềm năng, giảm thuế đất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi...
4. Chất lượng nhân lực được nâng cao phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế:
Lực lượng lao động nước ta trẻ, học hỏi nhanh và được tiếp xúc với những công nghệ mới, đồng thời có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với các nước phát triển thông qua con đường du học, công nghệ thông tin và xuất khẩu lao động. Người lao động ngày nay, cũng như doanh nghiệp luôn luôn có sự thích nghi để đáp ứng được đòi hỏi của thời đại. Đặt trong tương quan so sánh với thế hệ trước, thế hệ lao động hiện đại được đào tạo bài bản hơn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch có sự đòi hỏi cao về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin và khối lượng kiến thức kinh tế xã hội rộng lớn.
Con người là nguồn lực quan trọng, là nhân tố làm nên sự thành bại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tuyển dụng người lao động này, không tuyển dụng người lao động khác nhưng nhìn chung doanh nghiệp không thể tác động sâu sắc đến các yếu tố liên quan đến nguồn cung ứng lao động như quy trình đào tạo tại các trường đại học, trường nghề, hay các yếu tố cá nhân như cá tính, quan niệm, tính thích ứng. Ngày nay, quy trình đào tạo và chất lượng đào tạo, chất lượng lao động đều được quy định theo tiêu những tiêu chuẩn nhất định mang tính quốc tế do sự đan xen giữa các công ty đa quốc gia, gianh giới lãnh thổ không còn quá rành mạch và nhiều rào cản như trước kia. Vì vậy lao động nước ta có điều kiện để nâng cao trình độ, tay nghề. Đây là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp trong bước 1 của hoạt động kinh doanh – đầu vào. Hơn nữa chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra cho người lao động trong nước lại thấp hơn so với các nước đã phát triển, là đối tượng cạnh tranh chủ yếu của các doanh nghiệp nước ta trong tiến trình hậu WTO.
5. Trao đổi và học hỏi kinh nghiệm
Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm kinh doanh của các công ty, tập đoàn du lịch lớn, có uy tín và lịch sử phát triển lâu dài trên thế giới thông qua sự cọ sát, hợp tác phát triển, cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Trong thời kỳ quá độ, đặc biệt là giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung, doanh nghiệp nước ta còn chịu nhiều cách làm ăn thụ động, trông chờ vào nguồn vốn của nhà nước. Việc tiếp xúc với phong cách làm ăn từ các nước có thể mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp trong nước; đó là mang lại cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ quản lý, mở rộng đối tác kinh doanh, kỹ năng mở rộng thị trường và phạm vi ảnh hưởng của doanh nghiệp.
6. Mạng lưới đối tác kinh doanh được mở rộng trên toàn thế giới:
Thị trường rộng lớn hơn dẫn đến đối tác kinh doanh cần được đa dạng hóa. Hoạt động của doanh nghiệp không còn hạn chế ở thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài như trước kia. Bản chất các mối quan hệ trong kinh doanh có bước ngoặt lớn, các đối tác không còn phụ thuộc quá nhiều vào các quan hệ ngoài luồng dẫn đến sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, đối tác có thể là đối tác lâu dài hoặc tạm thời và dựa trên quan hệ cùng có lợi.
Đối tác kinh doanh càng đa dạng, khả năng thâm nhập thị trường khác và mở rộng thị phần của doanh nghiệp càng lớn cộng với khả năng chia sẻ rủi do giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp du lịch Việt Nam có cơ hội và tiềm năng lớn để khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực kinh doanh du lịch trên thế giới.
II. Những khó khăn trong quá trình hội nhập.
1. Khả năng huy động vốn đầu tư thấp:
Nước ta là một nước đang phát triển và vừa mới thoát ra khỏi 10 nước nghèo nhất thế giới. Nguồn ngân sách cho phát triển kinh tế nói chung và cho du lịch còn thấp, hoạt động ngân hàng, tín dụng mới trong bước đầu phát triển; cùng với năng lực tài chính hạn chế của các doanh nghiệp hoạt động đầu tư phát triển kinh doanh du lịch chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn.Mở cửa đồng nghĩa với sự di chuyển nguồn tài chính và sự có mặt ngày càng nhiều của các công ty nước ngoài. Vì vậy, nếu như doanh nghiệp du lịch trong nước có khả năng huy động và sử dụng nguồn vốn thấp, chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại trong hoạt động đầu tư, cạnh tranh để tồn tại, chưa nói đến phát triển để thâm nhập ngược các thị trường nước ngoài đó.
2. Thị trường cạnh tranh khốc liệt:
Là một thị trường mới mẻ đối với thế giới, trong thời gian tới Việt Nam sẽ là một thị trường đầy sôi động và như một số tờ báo mới đây đã đề cập: “các doanh nghiệp nước ngoài không muốn bị chậm chân tại Việt Nam”. Hơn nữa, là một điểm đến an toàn nhất thế giới, có thủ đô Hà nội là thành phố xanh đã được xếp hạng nước ta chắc chắn là điểm đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực. Doanh nghiệp du lịch Việt Nam chắc chắn phải đối mặt với những tập đoàn, công ty du lịch lớn trên toàn thế giới, đó là những công ty có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, nguồn vốn dồi dào, kinh nghiệm khai thác thị trường dày dặn và có tiềm năng chịu đựng rủi do rất cao. Tất cả những điều đó dẫn đến một thị trường du lịch thật sự sôi động nhưng để tồn tại các doanh nghiệp gặp phaỉ sức ép rất lớn để tồn tại, duy trì và mở rộng thị phần, có thể kể ra một số yếu tố sau:
- Sức ép giữa tăng cường chất lượng sản phẩm và giảm chi phí lớn, thâm nhập thị trường khó khăn: đây là khả năng tối ưu hóa sản xuất, tổ chức tiêu thụ và quảng bá. Để tối ưu được hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề đầu tiên là giảm tối thiểu chi phí sản xuất và tăng tối đa chất lượng sản phẩm từ đó thu lại được lợi nhuận cao nhất trong khả năng có thể. Nếu như quản lý tài chính, nhân lực không tốt, các chiến lược kinh doanh thất bại doanh nghiệp sẽ không thể làm đựợc điều này.
- Khả năng rủi ro lớn khi chiến lược kinh doanh thất bại: khi kế hoạch kinh doanh thất bại, doanh nghiệp du lịch thường để đối thủ cạnh tranh chiếm mất thị phần và việc lấy lại thị phần đó là rất khó khăn.
3. Kinh nghiệm quản lý và kinh doanh chưa theo kịp với trình độ của các doanh nghiệp nước ngoài:
Như đã đề cập trên, là một nước chậm phát triển, cùng với những tồn tại do thời kỳ bao cấp để lại, tư duy linh hoạt và khoa học trong hoạt động doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói chung còn rất yếu. Chiến lược kinh doanh dài hạn và có tầm nhìn rộng chưa được phát huy hiệu quả. Theo thống kê, hầu như các doanh nghiệp du lịch trong nước hiện nay hầu như không có chiến lược kinh doanh cụ thể mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, “gió chiều nào xoay chiều ấy”, hoạt động quảng bá được tổ chức không hiệu quả, quản lý nhân lực chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đã dẫn đến việc không tận dụng được tiềm năng phát triển của công ty và hoang phí nhân tài trong ngành.
Kinh nghiệm quản lý tạo nên chất lượng của sản phẩm mà chất lượng sản phẩm tạo nên uy tín và lợi ích cho đơn vị kinh doanh du lịch. Trong tình hình hiện nay đòi hỏi doanh nghiệm phải tối ưu hóa được sản xuất và giảm tối đa các chi phí từ đầu vào, nhân công, quảng bá, tổ chức tiêu thụ và thực hiện sản phẩm du lịch.
III. Một số giải pháp cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh:
Từ những thuận lợi và khó khăn kể trên, dưới đây là một số giải pháp được rút ra từ điểm yếu và điểm mạnh của doanh nghiệp dựa trên cơ sở phân tích SWAT.
1. Chiến lược phản ứng nhanh:
Chiến lược phản ứng nhanh nhằm mục đích tối ưu hóa mọi năng lực của doanh nghiệp. Chiến lược này mang nội dung thay đổi tư duy nhạy bén, đặc biệt trong công tác marketting cần thực sự mạnh để doanh nghiệp có thể nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và thay đổi sản phẩm du lịch rất nhanh chóng nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường; các kế hoạch kinh doanh ngắn hạn được thiêt lập liên tục, một cách sát sao so với những thay đổi của thị trường du lịch và nhu cầu của khách hàng. Tất nhiên, để thực hiện được chiến lược này doanh nghiệp cần có một chiến lược kinh doanh dài hạn, thị trường mục tiêu cụ thể để những thích ứng nhanh đó không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tổng quát của doanh nghiệp.
Chiến lược thích ứng nhanh được thực hiện với mục đích chiếm những thị trường mục tiêu khác nhau của doanh nghiệp mà các doanh nghiệp du lịch tương đương khác cũng đang nỗ lực khai thác. Điểm mạnh của chiến lược thích ứng nhanh là có khả năng nắm bắt thông tin nhanh chóng, linh hoạt trên thương trường, sản phẩm có thể rất đa dạng trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện chiến lược này đòi hỏi doanh nghiêp phải bỏ ra chi phí Marketting, nghiên cứu thị trường là rất lớn và nguồn nhân lực có khả năng phân tích nhạy bén.
Chiến lược phản ứng nhanh là một trong những chiến lược hiệu quả khi doanh nghiệp bắt đầu thâm nhập vào thị trường mới, thị trường khách du lịch nước ngoài (không truyền thống) và giành lại thị phần đã bị mất từ cách doanh nghiệp du lịch lớn khác.
2. Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm:
Đa dạng hóa sản phẩm là chiến lược mở rộng thị phần thông qua xác định nhiều thị trường mục tiêu khác nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp đang kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực khách sạn, mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực lữ hành và vận chuyển là một trong những nội dung của chiến lược đa dạng hóa sản phấm.
Đa dạng hóa sản phẩm là tăng cường khả năng lựa chọn cho khách hàng. Vì vậy, nó cũng được tiến hành khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển, khi thị trường của doanh nghiệp đã khá ổn định, lợi nhuận đủ để doanh nghiệp tái đầu tư mở rộng và doanh nghiệp đã có vị thế trong hoạt động du lịch doanh nghiệp nên lựa chọn chiến lược kinh doanh này.
Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm có ưu điểm là có thị trường rộng lớn bao gồm cả thị trường truyền thống và thị trường mới. Thực hiện chiến lược này doanh nghiệp không những giữ lại được thị trường vốn có của mình mà còn có khả năng thâm nhập vào thị trường của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm thường gặp phải sự dàn trải thị trường quá rộng, chi phí lớn, chất lượng sản phẩm đôi khi rất khó quản lý hiệu quả.
3. Chiến lược chia sẻ rủi ro:
Tăng cường hợp tác song phương, đa phương thông qua những biên bản, hợp đồng hợp tác và dựa vào uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp. Xây dựng những đối tác tin cậy để chia sẻ những tổn thất khi rủi ro xảy ra đồng thời duy trì được nguồn cung cấp sản phẩm và các dịch vụ một cách ổn định trong mọi thời điểm trong năm kể cả thời điểm mùa vụ chính.
Chiến lược chia sẻ rủi ro rất hiệu quả đối với các doanh nghiệp nhỏ, mới thâm nhập vào thị trường. Với nguồn vốn ít, thị trường chưa ổn và đối mặt với nhiều rủi ro kinh doanh do kinh nghiệm tổ chức còn yếu kém. Đặc điểm của chiến lược này chi phí bỏ ra thấp, đầu vào ổn định và tránh được những tổn thất không đáng có. Ngược lại đôi lúc chiến lược chia se rủi mang lại nhiều phiền phức cho doanh nghiệp khi điểm du lịch rơi vào chu kỳ cuối của vòng đời sản phẩm du lịch.
4. Chiến lược phân biệt hóa sản phẩm:
Phân biệt hóa sản phẩm của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác thông qua việc tạo một ấn tượng vượt trội, có thể là về mặt chất lượng, dịch vụ, chất lượng các điểm đến hoặc có một sự khác biệt mà chỉ có doanh nghiệp mới có.
Chiến lược phân biệt hóa sản phẩm thường tạo nên ấn tượng rất tốt đối với khách du lịch khi mà các sản phẩm du lịch ngày nay rất dễ bị sao chép và có nội dung giống nhau. Cá biệt hóa sản phẩm là yếu tố đánh mạnh vào tâm lý khách du lịch nhằm chiếm thị phần của các doanh nghiệp du lịch khác và tạo ra những sản phẩm mũi nhọn nhằm duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh của công ty.
Chiến lược cá biệt hóa sản phẩm đòi hỏi tư duy sáng tạo, tìm tòi và phát hiện các sản phẩm du lịch mới mà các doanh nghiệp khác chưa hoặc không thể khai thác. Nó có ưu điểm là giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường nhanh chóng, khẳng định được uy tín của công ty. Tuy nhiên, do tính dễ sao chép của sản phẩm du lịch nên doanh nghiệp cần luôn luôn tiến hành cá biệt hóa sản phẩm của mình nhằm tránh tâm lý nhàm chán của khách du lịch.
5. Chiến lược hỗn hợp:
Kết hợp các chiến lược kể trên, đồng thời có thể tiến hành các chiến lược marketting hỗn hợp, marketting xã hội, đa dạng hóa thị trường… nhằm hạn chế những nhược điểm và phát huy những ưu điểm khác nhau.
Kết luận
Chiến lược nâng cao năng lực họat động của các doanh nghiêp là vấn đề sống còn trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Nếu như các doanh nghiệp du lịch vẫn giữ nguyên cách làm truyền thống hoặc tự mãn với những thành quả đã đạt được thì sẽ không thể tồn tại, phát triển và đưa ngành du lịch của đất nước đi lên trở thành ngành “kinh tế mũi nhọn” của đất nước. Vận động luôn là một quá trình tất yếu mà tất cả các hiện tượng tự nhiên hay xã hội đều phải tuân theo. Trong bài tiểu luận này, có thể chỉ đưa ra được một số chiến lược phát triển cơ bản nhưng chủ yếu đề cập đến sự thích nghi, thay đổi và tự hoàn thiện của mỗi doanh nghiệp tùy thuộc vào tình hình thực tế của thị trường và hoàn cảnh cụ thể của mỗi doanh nghiệp. Hội nhập, đó là hội nhập về tư duy kinh doanh, tư duy quản lý, tư duy lao động và sử dụng những biện pháp thích hợp, hiện đại, khoa học nhằm đạt được những mục tiêu của doanh nghiệp và của toàn xã hội (đất nước) đã đề ra.
MụC LụC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- DL 71.doc