Theo qui định tại điểm b tiểu mục 3.5 nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn thực hiện qui định tại khoản 3 điều 29 BL TTDS thì các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau bao gồm: các tranh chấp phát sinh giữa các thành viên của công ty về việc trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên công ty; việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; về việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức công ty.
11 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3931 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Thẩm quyền dân sự của tòa án theo loại việc về tranh chấp kinh doanh, thương mại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Bộ luật Tố tụng Dân sự ( BLTTDS) ra đời đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam . Từ ngày 1/1/2005, BLTTDS bắt đầu có hiệu lực để thay thế nhiều văn bản pháp luật về tố tụng dân sự trước đây, trong đó có PLTTGQCVADS (1989), PLTTGQCVAKT (1994), PLTTGQCTCLD (1996). BLTTDS chứa đựng nhiều quy định mới, tiến bộ về thẩm quyền, thủ tục giải quyết của Tòa án nhân dân đối với các tranh chấp dân sự, trong đó phải kể đến những tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Dưới đây ta sẽ đi tìm hiểu về “THẨM QUYỀN DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN THEO LOẠI VIỆC VỀ TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI” để từ đó tìm ra những điểm tiến bộ, những hạn chế trong qui định của pháp luật hiện hành về vấn đề này.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. KHÁI QUÁT VỀ THẨM QUYỀN DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN THEO LOẠI VIỆC VỀ TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1. Một số khái niệm cơ bản:
+ Thẩm quyền dân sự của Tòa án là quyền xem xét giải quyết các vụ việc và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó theo thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án.
+ Thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc là thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý giải quyết các vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự.
+ Tranh chấp kinh doanh, thương mại là sự bất đồng, mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể kinh doanh liên quan đến quyền lợi kinh tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, thương mại- các quan hệ có tính tài sản với mục đích kinh doanh kiếm lời.
Cơ sở pháp lí:
-Điều 126 Hiến pháp năm 1992 qui định nhiệm vụ của Tòa án nhân dân: bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.
-Điều 1 Luật tổ chức Tòa án nhân dân qui định “….Tòa án xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính và giải quyết những việc khác theo qui định của pháp luật”
-Điều 1 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 qui định “Bộ luật tố tụng dân sự qui định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự: trình tự, thủ tục khởi kiện Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân, kinh doanh, thương mại, lao động….”
II: THẨM QUYỀN DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN THEO LOẠI VIỆC VỀ TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
So với pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 thì những qui định về thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc về tranh chấp kinh doanh, thương mại được qui định trong BL TTDS năm 2004 đầy đủ, chi tiết cũng như được hướng dẫn cụ thể hơn trong nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP. Sự chi tiết và đầy đủ được thể hiện ở việc BL TTDS đã xây dựng qui định về vấn đề này mang tính liệt kê. Cụ thể theo qui định của BL TTDS những tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải của Tòa án dân sự bao gồm:
1.Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau.
Khoản 1 điều 31 BL TTDS qui định: “tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:….” Như vậy, với qui định này ta thấy những tranh chấp phát sinh giữa cá nhân, tổ chức phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền dân sự theo loại việc của Tòa án khi những tranh chấp này có các điều kiện sau:
+ Tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh (các bên tranh chấp đều có đăng ký kinh doanh). Theo hướng dẫn tại nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP “cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh là cá nhân, tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo qui định của pháp luật”. Nghị quyết cũng chỉ rõ những chủ thể này bao gồm: cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác; doanh nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; doanh nghiệp nhà nước; hợp tác xã, liên hợp tác xã và các cá nhân, tổ chức khác theo qui định của pháp luật.
+ Các tranh chấp này phải có mục đích lợi nhuận. Khái niệm mục đích lợi nhuận được hiểu là mong muốn thu được lợi nhuận của cá nhân, tổ chức mà không phân biệt có hay không thu được lợi nhuận trên thực tế.
+ Các tranh chấp này phải thuộc 14 lĩnh vực được ghi nhận tại khoản 1 điều 29 BL TTDS gồm: mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý; ký gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn, kỹ thuật; vẫn chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác; đầu tư, tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác.
Mở rộng:
* Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp tỉnh ( Tòa kinh tế)- nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
Quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ được xác định là một dạng của tài sản nhưng nó là một loại tài sản đặc biệt bởi nó mang tính phi vật chất và cũng không dễ dàng trong việc xác định giá trị của loại tài sản này thông thường thì nó có giá trị rất cao. Đồng thời, quyền sở hữu trí tuệ được đánh giá là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế hiện đại chính vì vậy pháp luật ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều đã xây dựng lên một hành lang pháp lý nhằm bảo hộ loại tài sản này. Việt Nam cũng đã thể hiện sự quan tâm của mình đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bằng việc Việt Nam đã xây dựng và ban hành Luật sở hữu trí tuệ. Ngoài ra pháp luật tố tụng dân sự cũng góp phần tích cực trong việc bảo vệ loại tài sản vô hình này cụ thể pháp luật tố tụng dân sự đã xây dựng một qui định với nội dung xác định việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận sẽ thuộc thẩm quyền dân sự theo loại việc của Tòa án- khoản 2 điều 29 BL TTDS. Với qui định này có thể thấy điều kiện để tranh chấp về quyền sở hữu, chuyển giao cộng nghệ giữa các tổ chức cá nhân với nhau thuộc thẩm quyền dân sự theo loại việc của Tòa án là khi các tranh chấp này có mục đích lợi nhuận. Như vậy, với dạng tranh chấp này pháp luật không yêu cầu các bên chủ thể phải có đăng ký kinh doanh mà chỉ cần tranh chấp trong lĩnh lĩnh vực này có mục đích lợi nhuận là sẽ thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án.
3. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên công ty, giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
a. Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty.
Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty là sự mâu thuẫn, bất đồng ý chí giữa thành viên công ty với công ty. Nó có thể là sự tranh chấp về hợp đồng lao động, tranh chấp về trợ cấp cho người lao động, tranh chấp về quyền được chia lợi nhuận, tranh chấp về thanh lý tài sản, tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty…
Theo qui định của pháp luật tố tụng dân sự thì các tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc về tranh chấp kinh doanh, thương mại gồm:
+ Tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty (thông thường phần vốn góp được tính bằng tiền, những cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng giá trị quyền sở hữu công nghiệp);
+ Tranh chấp về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần;
+ Tranh chấp về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty;
+ Tranh chấp về yêu cầu công ty đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thành lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty;
+ Tranh chấp về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
b. Tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau.
Theo qui định tại điểm b tiểu mục 3.5 nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn thực hiện qui định tại khoản 3 điều 29 BL TTDS thì các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau bao gồm: các tranh chấp phát sinh giữa các thành viên của công ty về việc trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên công ty; việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; về việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức công ty.
Lưu ý:
* Nếu giữa công ty với các thành viên của công ty hoặc giữa các thành viên của công ty có tranh chấp với nhau, nhưng tranh chấp đó không liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty mà chỉ liên quan đến các quan hệ khác như quan hệ lao động, quan hệ dân sự (ví dụ: tranh chấp về bảo hiểm xã hội, về hợp đồng lao động, hợp đồng vay, mượn tài sản…) thì tranh chấp đó không phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 3 điều 29 BLTTDS. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ xác định đó là tranh chấp về dân sự hay tranh chấp về lao động.
Mặc dù tranh chấp phát sinh được xác định là tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc theo như phân tích ở trên nhưng ta cũng cần phải chú ý điều sau: Pháp luật hiện hành ở nước ta có ghi nhận các tranh chấp kinh doanh, thương mại cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại. Cụ thể Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thỏa thuận trọng tài. Đồng thời Điều 6 Luật trọng tài thương mại năm 2010 có qui định “trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được” Như vậy, để xác định xem Tòa án nói chung có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại hay không? Thì trước hết Tòa án phải kiểm tra xem giữa các bên có thỏa thuận trọng tài hay không, nếu có thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu các bên không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận này vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết.
III: KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH THẨM QUYỀN DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN THEO LOẠI VIỆC VỀ TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1. Vướng mắc:
- BL TTDS sử dụng phương pháp liệt kê để xác định thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc về tranh chấp kinh doanh, thương mại. Với phương pháp này đã thể hiện sự hạn chế của pháp luật đó là liệt kê thiếu. Ta hiểu tranh chấp kinh doanh, thương mại là những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại nó không chỉ bao gồm 14 dạng tranh chấp được liệt kê tại khoản 1 điều 29 BL TTDS mà còn có thể là những tranh chấp liên quan đến độc quyền, bán phá giá, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tranh chấp phát sinh từ việc ủy thác mua bán hàng hóa, đấu giá…Vậy những tranh chấp dạng này có thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án hay không?
- Trong thực tế hiện nay, không ít công ty, những chủ sở hữu công ty thuê người làm giám đốc công ty mà người này không phải là thành viên của công ty, điều này cũng đã được pháp luật ghi nhận tại điểm đ khoản 2 điều 47 Luật doanh nghiệp và điều 25 Luật doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề đặt ra là khi có tranh chấp giữa công ty hoặc thành viên công ty với người được thuê làm giám đốc công ty thì liệu đây có phải là tranh chấp kinh doanh, thương mại hay không?
- Việc xác định mục đích của các bên khi tham gia quan hệ là lợi nhuận hay tiêu dùng, sinh hoạt hoàn toàn không đơn giản ví dụ: một doanh nghiệp dùng danh nghĩa và chi phí của mình ký kết, thực hiện hợp đồng nhằm phục vụ các nhu cầu của tập thể cán bộ, công nhân viên trong danh nghiệp như ký hợp đồng với công ty du lịch đưa công nhân đi nghỉ mát. Khi phát sinh tranh chấp giữa doanh nghiệp và công ty du lich thì đây được coi là tranh chấp kinh doanh, thương mại hay tranh chấp dân sự?
-Một vướng mắc nữa trong qui định của pháp luật về việc xác định thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc về kinh doanh, thương mại đó là: qui định tại khoản 2 điều 29 BL TTDS và khoản 4 điều 35 của Bộ luật này cùng qui định về một dạng tranh chấp sự khác nhau giữa hai qui định này chính là mục đích lợi nhuận phát sinh từ tranh chấp. Song vì việc xác định có hay không mục đích lợi nhuận lại không phải khi nào cũng rõ ràng nên dường như ranh giới để phân biệt hai dạng tranh chấp này là rất mong manh. Vậy đâu là cơ sở giúp ta xác định được hai dạng tranh chấp nêu trên trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Theo quy định tại điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án rất đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có tranh chấp vừa được điều chỉnh bởi quy định của Bộ luật Dân sự, vừa được điều chỉnh bởi Luật chuyên ngành.
Chính vì lý do này mà việc xét xử các tranh chấp kinh doanh, thương mại tại một số Tòa án còn lúng túng, vướng mắc hoặc sai lầm khi áp dụng quy định của Bộ luật dân sự và quy định của Luật chuyên ngành như Luật Thương mại (thường xảy ra khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản đã được quy định trong Bộ luật Dân sự), hợp đồng mua bán hàng hóa (được quy định trong Luật Thương mại), về hợp đồng dịch vụ (quy định trong Bộ luật Dân sự), hợp đồng cung ứng dịch vụ (được quy định trong Luật Thương mại), hợp đồng liên kết, liên doanh hợp đồng hợp tác kinh doanh... theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hợp đồng bảo hiểm (được quy định trong Bộ luật Dân sự), hợp đồng bảo hiểm (quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm)...
Vậy, vướng mắc ở đây là trường hợp nào thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự, trường hợp nào thì áp dụng quy định của Luật chuyên ngành? Vì vậy, trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng quy định của Luật chuyên ngành, của Bộ luật Dân sự để giải quyết vụ án của một số Tòa án chưa thống nhất như: Có Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự; có Tòa án áp dụng quy định của Luật chuyên ngành; có Tòa án áp dụng đồng thời quy định của Bộ luật Dân sự và quy định của Luật chuyên ngành...
Sự chồng chéo và thiếu tính nhất quán đó ắt phải dẫn đến một hậu quả, đó là đưa ra những phán quyết thiếu khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia tố tụng. Để việc áp dụng pháp luật được đúng và thống nhất, Tòa Kinh tế - TANDTC đã đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn theo hướng: Khi giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại mà tranh chấp đó vừa được điều chỉnh bởi quy định của Bộ luật dân sự, vừa được điều chỉnh bởi quy định của Luật chuyên ngành thì áp dụng theo quy định của Luật chuyên ngành để giải quyết. Nếu Luật chuyên ngành không có quy định thì mới áp dụng quy định của Bộ luật dân sự. Chỉ có như thế, việc giải quyết mới trở nên đơn giản, dễ dàng áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật và đưa ra những quyết định sáng suốt, công bằng.
2. Kiến nghị.
- Các nhà làm luật không nên sử dụng phương pháp liệt kê để qui định các tranh chấp kinh doanh, thương mại mà nên xây dựng một khái niệm thống nhất mang tính khái quát và phải nêu bật được các dấu hiệu cụ thể của dạng tranh chấp này khi nó thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án. Sở dĩ ta phải nêu ra được các dấu hiệu là nhằm tạo cơ sở để phân biệt tranh chấp kinh doanh, thương mại với các tranh chấp khác đặc biệt là với tranh chấp kinh tế và tranh chấp dân sự. Ví dụ: có thể đưa ra một khái niệm tranh chấp kinh doanh, thương mại với hai dấu hiệu :
* Tranh chấp kinh doanh, thương mại là tranh chấp phát sinh từ quan hệ kinh doanh, tranh chấp này phát sinh từ các hoạt động phục vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp cho quá trình kinh doanh.
* Một trong các bên chủ thể tranh chấp phải là chủ thể kinh doanh. Đây là những chủ thể thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình kinh doanh từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩn hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
- Vấn đề tranh chấp phát sinh từ việc thành lập, tổ chức quản lý và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp nói chung và công ty nói riêng là tranh chấp về kinh doanh, thương mại để tranh chấp này thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án thì không nên qui định điều kiện bắt buộc là các bên tranh chấp phải là thành viên của doanh nghiệp hoặc công ty.
- Việc xác định tranh chấp phát sinh có vì mục đích sinh lợi nhuận hay không thường phụ thuộc vào cách nhìn nhận của Tòa án nói cách khác thì việc xác định này mang màu sắc chủ quan. Chính điều này đã đặt ra một vấn đề cần phải phải nâng cao kỹ năng phân tích đối với các cá nhân có thẩm quyền trong việc xác định bản chất của tranh chấp tại Tòa án.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Vậy, có thể nói thẩm quyền Tòa án trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có một ý nghĩa vô cùng to lớn bởi nó đã góp phần nào giải quyết được một vấn đề khá mới mẻ ở nước ta mà trước đây pháp luật còn bỏ ngỏ. Các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doang thương mại này khá đa dạng vì thế nên nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống cũng như trong sản xuất. Hiểu được tầm quan trọng đó nên việc phải nâng cao hơn nữa thẩm quyền của Tòa án nhằm khắc phục những hạn chế đã đề ra là điều cấp thiết và cần sự quan tâm.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004
2. Giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam , Nxb. Tư pháp, năm 2005, tr 60,61.
3. Cung Mỹ Anh, Luận văn thạc sỹ luật học, “ Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự - những vướng mắc và giải pháp khắc phục, năm 2008, tr 32.
4. Nghị quyết số 06/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005.
5.Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003.
6. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh theo bộ luật tố tụng dân sự và các vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành/ Phan Chí Hiếu – tạp chí luật học số 01/2005.
7. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về kinh doanh thương mại và lao động theo bộ luật tố tụng dân sự năm 2004/ Thạc sĩ Trần Đình Khánh – tạp chí kiểm sát số 01/2005.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thẩm quyền dân sự của tòa án theo loại việc về tranh chấp kinh doanh, thương mại.doc