Tiểu luận Thi pháp tiểu thuyết truyền thống phương tây và L.Tônxtôi

Tiểu thuyết là “mảnh đất lưu giữ hình bóng cuộc đời” hay với Xtandan thì “Tiểu thuyết là tấm gương đi rong trên đường cái, nó phản chiếu cả sắc thanh thiên của bầu trời lẫn rác rưởi bên đường”. Nghĩa là tiểu thuyết gắn liền với cuộc đời với đầy đủ cả tốt và xấu, nó mang hơi thở phập phồng của cuộc sống. Vậy theo tôi cuộc sống của con người còn thì tiểu thuyết cũng còn. Nhưng hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng tiểu thuyết đã chết. Điều đó đúng hay sai? Chúng ta cần xem xét một cách khách quan chứ không thể công nhận những nhận định mà nhiều người đã đưa ra là “chết” hay “không chết”.

doc9 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3230 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Thi pháp tiểu thuyết truyền thống phương tây và L.Tônxtôi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC Xà HỘI VÀ NHÂN VĂN KHOA VĂN HỌC ------------œ&----------- TRƯƠNG THỊ HỒNG BÀI TẬP Chuyên đề: THI PHÁP TIỂU THUYẾT TRUYỀN THỐNG PHƯƠNG TÂY VÀ L.TÔNXTÔI Hà Nội, 10/2004 I. Đặt vấn đề Nguồn gốc của văn nghệ nói chung và văn học nói riêng không tách khỏi nguồn gốc của con người. Quá trình phát triển của xã hội loài người gắn với quá trình lao động, chính lao động đã làm cho con người phát triển về tư duy mà trước hết được thể hiện ở việc con người luôn tìm cách cải tiến công cụ lao động. Con người luôn có ý thức vươn lên đến sự hoàn thiện bởi thế luôn có có sự sáng tạo trong mọi hoạt động. Đồng thời với sự phát triển của lao động, nhu cầu cuộc sống và thị hiếu thẩm mĩ của con người cũng sớm nảy sinh và phát triển. Sự nảy sinh và phát triển này cũng đồng hành với quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật. M. Gorki đã khái quát nghệ thuật này như sau: “Con người bẩm sinh đã là một nghệ sĩ. Ở đâu nó cũng cố gắng bằng cách này hoặc cách khác đưa cái đẹp vào cuộc sống của mình. Nó không muốn con người chỉ biết ăn uống và sinh con đẻ cái một cách khá vô ý thức, gần như máy móc. Nó đã tạo nên xung quanh mình một thiên nhiên thứ hai gọi là văn hoá”. Nghệ thuật chỉ nảy sinh khi con người đã phát triển đầy đủ về năng lực tư duy và cảm xúc thẩm mĩ. Trong những nhân tố góp phần quyết định vào sự phát triển của những cảm xúc thẩm mĩ, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mĩ thì vai trò của những tác phẩm nghệ thuật rất quan trọng. Việc bồi dưỡng thị hiếu và trình độ cảm thụ nghệ thuật ở từng người chính là trực tiếp tạo nên một đối tượng thưởng thức nghệ thuật, tạo nên sự hoà hợp giữa khách quan và chủ quan trong sáng tác và thưởng thức nghệ thuật. Lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật đã chứng minh nhận định trên rất rõ, đó là ứng với mỗi giai đoạn phát triển của xã hội loài người là sự ra đời và phát triển của một loại hình nghệ thuật. Ở đây dưới khuôn khổ một tiểu luận nhỏ, điều kiện chưa cho phép có thể đưa ra những chứng minh cụ thể ở diện rộng đó là nghệ thuật nói chung mà chỉ đi vào xem xét ở một chuyên ngành nhỏ đó là Văn học để lí giải cho một thể loại có thể coi là “máy cái của văn học” đó là tiểu thuyết. Qua đó nhằm tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi: “Tiểu thuyết đi về đâu? Tiểu thuyết chết hay không chết?” và soi ngay chính vào nền văn học Việt Nam để xem “Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu?”. II. Hành trình của tiểu thuyết 1. Quá trình hình thành, phát triển và những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết. Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, “xã hội thế nào văn học thế ấy”, quả không sai. Quá trình phát triển của loài người cũng cho ra đời những thể loại văn học tương ứng mang nội dung phản ánh đời sống của chính xã hội sinh ra nó. Ví như thời nguyên thuỷ có thần thoại, khi xã hội đã có sự phân chia giàu nghèo thì cổ tích cũng ra đời…Xã hội loài người phát triển, tư duy thẩm mĩ của con người ngày càng cao thì các thể loại văn học cũng không còn là thuần tuý, đơn giản nữa mà đòi hỏi phải ra đời loại tác phẩm văn học cho phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của con người đương thời. Điều này nêu lên mối quan hệ mật thiết giữa văn học (mà cụ thể là tác phẩm văn học) – Nhà văn - Bạn đọc. Nghĩa là quá trình sáng tác gắn liền với quá trình tiếp nhận, không thể tách rời từng khâu riêng biệt. Tác phẩm muốn tồn tại thì trong quá trình sáng tác nhà văn phải xác định đối tượng tiếp nhận của mình là ai (viết cho ai) rồi mới đến viết cái gì? viết như thế nào?. Từ những lí luận chung về văn học trên đây ta đi vào tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tiểu thuyết đi về đâu? Hay tiểu thuyết chết hay không chết?” Tiểu thuyết là thể loại văn học ra đời muộn nhưng lại được coi là cái máy cái của văn học. Nó có được vị trí như vậy là lẽ đương nhiên bởi lẽ, khi xã hội loài người phát triển, tâm lí con người, các mối quan hệ xã hội phức tạp hơn thì phản ánh vào văn học phải bằng một thể loại đủ sức chứa đựng sự phức tạp ấy, thế là tiểu thuyết ra đời. Ở Châu Âu tiểu thuyết xuất hiện vào thời kì xã hội cổ đại tan dã cũng như văn học cổ đại suy tàn. Cho nên các tiểu thuyết cổ đại Hi Lạp, La Mã đã không thể đứng chen vai với anh hùng ca, bi kịch, hài kịch cổ đại nữa. Cá nhân lúc ấy không còn thấy lợi ích và nguyện vọng của nó gắn liền với cộng đồng xã hội cổ đại, nhiều vấn đề của đời sống riêng tư đặt ra gay gắt. Số phận họ luôn bị đe doạ và họ cũng ý thức được tình trạng trơ trọi không nơi bấu víu của mình. Bêlinxki khi phân tích nguồn gốc của tiểu thuyết đã viết rằng: Tiểu thuyết bắt đầu phát sinh từ lúc “vận mệnh của con người, mọi mối liên hệ của nó với đời sống nhân dân được ý thức. Vì vậy đời sống cá nhân bất luận thế nào cũng không thể là nội dung của anh hùng ca Hi Lạp, nhưng có thể là nội dung của tiểu thuyết”. Xã hội ngày càng có nhiều biến động và chính điều đó lại là mảnh đất màu mỡ, thuận lợi cho sự phát triển của tiểu thuyết. Sự ra đời của tiểu thuyết “Đônkihôtê”, Xecvantec đã đưa tiểu thuyết sang một trang mới với những cách tân trong sự mở rộng cốt truyện, phương pháp khắc hoạ tính cách cũng như chiều sâu hiện thực của tác phẩm. Cùng với tên tuổi của Banzăc, Stăngđan, Huygô, Đichken, Đôxtôiepxki, L.Tônxtôi… thế kỉ XIX của văn học Phương Tây là thời đại hoàng kim của tiểu thuyết. Bằng tài năng nghệ thuật của mình, các nghệ sĩ bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực phê phán đã tạo nên những mẫu mực hoàn thiện của thể loại. Sang thế kỉ XX với trào lưu văn học hiện thực Xã hội Chủ nghĩa đã xuất hiện nhiều nhà tiểu thuyết lớn như M.Gorki, A.Tônxtôi, Sôlôkhốp, Êrenbua… và đã góp cho nền tiểu thuyết hiện đại của Châu Âu nhiều tác phẩm bất hủ. Ở đây những vấn đề của số phận cá nhân được đặt trong mối liên hệ với số phận giai cấp, nhân dân và dân tộc…Những biến cố, sự kiện lịch sử được vận dụng theo hướng khái quát mang ý nghĩa thời đại lớn lao. Từ việc khái quát quá trình hình thành và những chặng đường hành trình của tiểu thuyết ta thấy tiểu thuyết luôn có sự vận động, phát triển đi lên gắn liền với sự tiến lên của xã hội loài người và chính những gì diễn ra trong xã hội loài người đã tạo nên đặc điểm của tiểu thuyết. Tiểu thuyết là thể loại tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của những cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện những tính cách đa dạng.Trong quá trình vận động và phát triển diện mạo của tiểu thuyết không ngừng thay đổi nhưng vẫn có thể thấy rõ những đặc điểm cơ bản phân biệt với các thể loại khác. Thứ nhất, so với các thể loại tự sự khác như ngụ ngôn,anh hùng ca thì tiểu thuyết có đặc điểm tiêu biểu là có cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư. Tuỳ theo từng thời kì phát triển cái nhìn đời tư có thể sâu sắc tới mức thể hiện được, hoặc kết hợp được với các chủ đề thế sự hoặc lịch sử, nhưng yếu tố đời tư càng phát triển thì chất tiểu thuyết càng tăng, ngược lại, yếu tố lịch sử dân tộc càng phát triển thì chất sử thi càng đậm đà. Điểm thứ hai mà tiểu thuyết khác với truyện thơ, trường ca, thơ trường thiên và anh hùng ca là “chất văn xuôi”, tức là sự tái hiện cuộc sống, không thi vị hoá, lãng mạn hoá, lí tưởng hoá. Miêu tả cuộc sống như một thực tại cùng thời, đang sinh thành, tiểu thuyết hấp thụ vào bản thân nó mọi yếu tổ ngổn ngang, bề bộn của cuộc đời bao gồm cả cái cao cả và tầm thường, nghiêm túc và buồn cuời, bi và hài, cái lớn lẫn cái nhỏ. Quả không sai khi Ăngghen cho rằng: Với bộ “Tấn trò đời của Banzăc bằng toàn bộ những công trình lịch sử, kinh tế, kinh tế chính trị, pháp luật, xã hội học, triết học, tôn giáo, khảo cổ học…của nước Pháp thế kỉ XIX cộng lại”. Còn với nhân vật của tiểu thuyết đó là những “con người nếm trải”, tư duy, chịu đau khổ, dằn vặt của cuộc đời. Tiểu thuyết miêu tả nhân vật như con người đang biến đổi trong hoàn cảnh, con người đang trưởng thành do cuộc đời dạy bảo. Thành phần chính yếu của tiểu thuyết thì sao? Nó không phải là cốt truyện và tính cách nhân vật như ở truyện vừa và truyện ngắn trung cổ. Ngoài hệ thống sự kiện, biến cố và những chi tiết tính cách, tiểu thuyết miêu tả suy tư của nhân vật về thế giới, về đời người, phân tích cặn kẽ các diễn biến tình cảm, trình bày tường tận tiền sử của nhân vật, mọi chi tiết về quan hệ giữa người với người, về đồ vật, môi trường nội thất…Trong tiểu thuyết khoảng cách về giá trị giữa người trần thuật và nội dung trần thuật bị xoá bỏ, tiểu thuyết miêu tả hiện thực như cái hiện thực như cái hiện tại đương thời của người trần thuật. Chính đặc điểm này làm cho tiểu thuyết trở thành một thể loại dân chủ, cho phép người trần thuật có thể có thái độ thân mật, thậm chí suồng sã đối với nhân vật của mình. Đặc điểm cuối cùng, với các đặc điểm đã nêu, tiểu thuyết là thể loại văn học có khả năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng nghệ thuật của các thể loại văn học khác. Chính hiện tượng tổng hợp trên đã làm cho thể loại tiểu thuyết cũng đang vận động không đứng yên. Nhà nghiên cứu Xô Viết Bakhtin cho rằng, tiểu thuyết là “thể loại duy nhất đang hình thành và chưa xong xuôi”. Ông ví sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết “đang diễn ra dưới ánh sáng ban ngày của lịch sử, bộ xương của tiểu thuyết chưa hoàn toàn cứng cáp, chúng ta chưa dự đoán được sự tạo hình của nó”. Dựa trên sự hình thành, con đường hình thành và những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết ta cần xem xét và đánh giá đúng hơn về thể loại này trong giai đoạn hiện nay. 2. Tình hình tiểu thuyết hiện nay Tiểu thuyết là “mảnh đất lưu giữ hình bóng cuộc đời” hay với Xtandan thì “Tiểu thuyết là tấm gương đi rong trên đường cái, nó phản chiếu cả sắc thanh thiên của bầu trời lẫn rác rưởi bên đường”. Nghĩa là tiểu thuyết gắn liền với cuộc đời với đầy đủ cả tốt và xấu, nó mang hơi thở phập phồng của cuộc sống. Vậy theo tôi cuộc sống của con người còn thì tiểu thuyết cũng còn. Nhưng hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng tiểu thuyết đã chết. Điều đó đúng hay sai? Chúng ta cần xem xét một cách khách quan chứ không thể công nhận những nhận định mà nhiều người đã đưa ra là “chết” hay “không chết”. Với những con số thống kê về số lượng các tác phẩm tiểu thuyết được sáng tác hàng năm, tôi thấy rằng tiểu thuyết không phải đã chết như một số người đã nói. Theo thống kê gần đây nhất, năm 2004 đã có 452 tác phẩm tiểu thuyết của Pháp và 217 tác phẩm của các nước khác được xuất bản. Ngay ở Việt Nam từ năm 1980 đến 1996 cũng đã có tới 360 tác phẩm được xuất bản. Nhưng cũng có những lí do riêng cần phải xem xét vì sao họ nói tiểu thuyết đã “chết”. Khách quan nhận xét, chúng ta phải thấy rằng tiểu thuyết hiện nay tuy chưa “chết” nhưng rơi vào khủng hoảng. Vậy vì sao tiểu thuyết khủng hoảng? Có phải thể loại này không còn khả năng đảm nhận sứ mệnh phản ánh chân thực đời sống nữa hay không? Hay ngày nay không còn những độc giả có hứng thú đọc tiểu thuyết nữa? Cần phải tìm nguyên nhân dẫn tới sự khủng hoảng này. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Với Naipaul, một nhà văn Ấn – Anh, thì ông cho rằng: “Tiểu thuyết đã chết” điều ông muốn ám chỉ rằng, các nhà văn chuyên nghiệp hiện nay đều giống như khuôn sẵn về nhân vật, sự kiện và khuôn vào đó những ngôn từ rẻ tiền. Điều ông muốn nói tới ở đây là chất lượng của tác phẩm, ông muốn những tác phẩm phải theo đúng nghĩa của nó: mới mẻ, khá công thức, đầy thể nghiệm…Còn với một nhà văn khác – Salman Rushdie – thì cho rằng tiểu thuyết không chết, nó chỉ bị chôn… không phải có quá nhiều sách đi săn đuổi độc giả (như ý kiến của bà Roth) mà có quá nhiều sách đã đuổi độc giả đi, khiến cho họ không muốn tìm đọc những cái mới. Những ý kiến trên quả không sai vì không ít những tác phẩm viết ra vì mục đích lợi nhuận chứ không phải mục đích làm văn học. Những tác phẩm đó là loại tiểu thuyết tình cảm uỷ mị, cá nhân, cô đơn hay là thứ tiểu thuyết bạo lực, hành động…chỉ phục vụ mục đích giải trí nhất thời để người ta đọc rồi lại quên ngay. Điều này chứng tỏ rằng tiểu thuyết khủng hoảng một phần cũng do chất lượng của tác phẩm, nhưng điều này không hoàn toàn vì không phải không còn những tiểu thuyết có chất lượng tốt. Thế nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự khủng hoảng của tiểu thuyết là ở đâu? Như chúng ta đã biết giữa nhà văn - tác phẩm - độc giả có mối quan hệ rất mật thiết, mối quan hệ này quy định sự tồn tại và phát triển của nhau. Dựa vào lịch sử hình thành và phát triển của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng ta thấy văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, ứng với nội dung của từng thời đại thì cũng có hình thức của từng thời đại trong văn học. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của kho học kĩ thuật đã ảnh hưởng tới tận mọi ngõ ngách của đời sống. Xét sự phát triển của khoa học kĩ thuật ở mỗi thời kì ta thấy chưa lúc nào khoa học kĩ thuật lại phát triển nhanh như hiện nay, chính sự phát triển nhanh chóng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhịp điệu cuộc sống, dường như con người hiện đại sống hối hả hơn, gấp gáp hơn, quỹ thời gian của họ dường như bị thiếu, họ không có nhiều thời gian để giành cho những việc khác ngoài công việc chính của họ. Chính vì vậy họ không đủ kiên nhẫn để đọc hết cả cuốn tiểu thuyết trừ những người nghiên cứu hoặc những người làm công việc liên quan tới văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Xu thế chung hiện nay cho thấy thể loại truyện ngắn chiếm ưu thế hơn so với tiểu thuyết vì để đọc truyện ngắn không mất nhiều thời gian. Mặt khác so với sự phát triển của khoa học kĩ thuật hỗ trợ cho điện ảnh và truyền hình phát triển thì số người đọc các tác phẩm văn học lại càng ít đi. Cùng là một tác phẩm văn học nhưng khi chuyển thể thành phim sẽ có số người đón nhận tác phẩm đông hơn. Song mặc dù điện ảnh và truyền hình phát triển như vậy nhưng nó không thể thay thế được các tác phẩm văn học bởi lẽ nó có những mặt mạnh hơn nhưng có những cái nó không thể truyền tải hết giá trị của cuộc sống. Bởi lẽ do đặc trưng về chất liệu của văn học là ngôn từ nên hình tượng của văn học mang tính gián tiếp còn chất liệu của các bộ môn nghệ môn nghệ thuật khác mang tính trực tiếp. Vì vậy văn học so với các bộ môn nghệ thuật khác có chỗ yếu là tư duy không trực tiếp nhưng chính cái yếu đó lại trở thành điểm mạnh của văn học. Cụ thể như ta có thể chuyển thể các hình tượng nghệ thuật khác thành văn học tương đối dễ nhưng ngược lại sự chuyển thể từ hình tượng văn học sang hình tượng nghệ thuật khác thì rất khó, hay văn học có thể kéo giãn không gian, thời gian và cũng có thể miêu tả cái chớp nhoáng…Đặc biệt văn học có khả năng miêu tả cặn kẽ những suy nghĩ, những cảm xúc của con người sâu sắc hơn bất cứ một nghệ thuật nào. Bên cạnh sự phát triển của truyền hình và điện ảnh, hiện tượng bùng nổ thông tin hiện nay cũng ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt của con người, đời sống tâm lí cũng thay đổi. Bước sang thiên niên kỉ mới là thời kì nối mạng toàn cầu. Nếu như trước đây có người tiếp nhận tiểu thuyết dưới hành thức tìm hiểu về văn hoá, về phong tục tập quán, hay điều kiện khí hậu, tình hình kinh tế xã hội ở một vùng, một quốc gia nào đó mà họ không thể đến để tìm hiểu kĩ hay họ không có đủ những tài liệu để phục vụ cho một mục đích nào đó. Nhưng ngày nay những điều mà họ cần như nói ở trên chỉ cần vào một địa chỉ nào đó trên mạng Internet họ đã có thể tìm thấy nhiều hơn là tìm trong một tác phẩm văn học. Từ những nguyên nhân trên ta thấy số người đọc sách ít hơn và tuổi thọ của sách hay cụ thể là các tác phẩm văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng giảm đi. Lôgic của vấn đề bắt đầu từ nhịp điệu cuộc sống thay đổi dẫn tới lực tâm lí thay đổi và cảm xúc thẩm mĩ của con người thay đổi, cái nhìn, cảm hứng (về cuộc sống, thiên nhiên…) thay đổi và động cơ tiếp nhận, tâm thế tiếp nhận các tác phẩm tiểu thuyết cũng thay đổi. Chính sự thay đổi này cho ta thấy rằng sự khủng hoảng của tiểu thuyết nằm ngay trong văn hoá đọc, mà vai trò của người đọc trong hoạt động văn học là rất quan trọng. Tiếp nhận phải lấy sáng tác làm tiền đề và mối quan hệ giữa hai bên hàm chứa phép biện chứng giữa sáng tác và tiêu thụ mà như Mác đã vạch rõ: “Trực tiếp của sản xuất là tiêu thụ mà trực tiếp của tiêu thụ lại là sản xuất, mỗi bên là trực tiếp của bên kia. Nhưng đồng thời giữa hai bên cũng tồn tại một tác động môi giới. Sản xuất môi giới cho tiêu thụ, nó sáng tạo ra tư liệu cho tiêu thụ, không có sản xuất sẽ không có đối tượng tiêu thụ. Nhưng tiêu cũng môi giới cho sản xuất, vì chính tiêu thụ đã sáng tạo ra chủ thể cho sản phẩm, chỉ có đối diện với chủ thể này, sản phẩm mới thực sự là sản phẩm; qua tiêu thụ, sản phẩm cuối cùng mới hoàn thành”. Nêu ra dẫn chứng trên để chúng ta thấy rằng vai trò của người đọc rất quan trọng đối với vận mệnh của tác phẩm văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Tình hình chung của tiểu thuyết hiện nay là như vậy. Còn tiểu thuyết Việt Nam hiện nay thì sao? Điều này cần phải được xem xét một cách cụ thể và khách quan để nhận ra những mặt mạnh và yếu của tiểu thuyết Việt Nam, từ đó mới biết tiểu thuyết Việt Nam đang đi về đâu. 3. Tiểu thuyết Việt Nam đứng ở đâu Ở Việt Nam tiểu thuyết xuất hiện muộn hơn so với Phương Tây và ngay cả so với Trung Quốc và hành trình của tiểu thuyết cũng có những bước phát triển riêng. Tuy nhiên, từ những sáng tác văn xuôi cổ xa xưa như “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam chính quái”, “Thánh Tông di thảo”, “Truyền kì mạn lục” (thế kỉ XIV – XVI)… đã xuất hiện mầm mống sơ khai của tư duy tiểu thuyết. Sang thế kỉ XVIII, thiên kí lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí” đã xuất hiện với tầm vóc tiểu thuyết. Ngoài giá trị lịch sử và xã hội học, tác phẩm này được coi là pho tiểu thuyết lịch sử đầu tiên, có giá trị văn học đặc sắc. Nó đã tái hiện một cách sống động bức tranh xã hội rộng lớn với nhiều biến cố lịch sử dữ dội, nhiều nhân vật lịch sử điển hình. Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất có giá trị hiện thực lớn nhất trong số các tác phẩm văn xuôi thế kỉ XVIII. Bên cạnh đó, yếu tố đời tư và mạch tự sự trong các truyện Nôm khuyết danh như: Hoa tiên, Nhị độ mai, Phạm Công – Cúc Hoa, cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của tiểu thuyết. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thực chất là một cuốn tiểu thuyết đặc sắc được xây dựng trong khuôn khổ ngôn ngữ thơ ca. Tuy vậy phải chờ đến những năm 30 của thế kỉ XX văn học Việt Nam mới xuất hiện những tác phẩm tiểu thuyết với đầy đủ ý nghĩa thể loại của nó. Cùng với “phong trào thơ mới”, tiểu thuyết hiện đại 1930 – 1945 đánh dấu một thời kì rực rỡ huy hoàng của nền văn học dân tộc. Bên cạnh các cây bút văn xuôi của “Tự lực văn đoàn” như: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam,…những người góp phần quan trọng vào sự hình thành của thể loại - nổi bật lên là công lao to lớn của các nhà văn hiện thực phê phán như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… đã tạo nên những thành tựu xuất sắc nhất cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam 1930 – 1945. Lịch sử dân tộc trải qua hai cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, đội ngũ các nhà tiểu thuyết Việt Nam càng trở nên đông đảo hơn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc, Anh Đức, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai, nguyễn Khắc Trường…Các thế hệ nhà văn lần lượt xuất hiện với những khuôn hình mới, bản lĩnh nghệ thuật mới đã duy trì sức sống bền lâu và khẳng định vị trí của tiểu thuyết trong toàn bộ sự phát triển của nền văn học dân tộc. Từ việc khảo sát quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết Việt Nam trên đây sẽ giúp chúng ta thấy được tiểu thuyết Việt Nam đang đứng ở đâu trong bối cảnh khủng hoảng chung của thể loại. Dưới dạng tổng quát nhất chúng ta có nêu ra một sơ đồ mô hình cấu trúc thể loại tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 đó là cấu trúc lịch sử - sự kiện. Ta cần xem xét cụ thể ở một tác phẩm gần như xuất hiện đầu tiên của nền văn học mới là “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi để thấy. Cấu trúc của tiểu thuyết này dựa theo mô hình tổ chức một chiến dịch, một trận đánh cụ thể. Trong tiểu thuyết nhà văn đã đóng vai trò giống như một nhà quân sự. Các nhân vật, tình tiết, diễn biến của câu chuyện bị cuốn theo cái đà được chuẩn bị sẵn. Rồi đến “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu (1972), “Hòn đất” của Anh Đức (1966)…cũng không thoát ra khỏi mô hình cấu trúc này. Những tiểu thuyết giai đoạn này được quan niệm như những tiểu thuyết lịch sử. Quan sát tiểu thuyết Việt Nam hiện nay chúng ta dễ nhận ra có một sự nỗ lực của nhà văn đi tìm một mô hình cấu trúc mới theo “lịch sử - tâm hồn”. Nếu trước 1980 hình thức vĩ mô của cấu trúc tiểu thuyết là hướng tới lịch sử - sự kiện trong tầm rộng của nó thì từ thập kỉ 80, hình thức vĩ mô của tiểu thuyết là hướng lịch sử - tâm hồn. Cái thế giới bên trong phong phú, phức tạp và đầy bí ẩn của tâm hồn con người đã khêu gợi sự hứng thú quan tâm của nhà văn. Bắt đầu lịch sử được nhìn nhận qua tâm hồn con người và qua tâm hồn con người dòng chảy lịch sử được tái hiện. Dấu hiệu tìm tòi đầu tiên theo hướng này phải kể tới tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu (1986). Tuy rằng trong cách kể chuyện của Lê Lựu trong tác phẩm này vẫn theo trình tự thời gian song tác giả không nhằm tới sự kiện mặc dù nhân vật Giang Minh Sài được đặt vào bối cảnh lịch sử nhiều biến động. Tâm hồn của nhân vật phong phú và phức tạp, nhiều đau đớn trong tìm tòi mà chưa đến. Ở Sài, mang bi kịch, đại diện cho một thế hệ anh hùng trong sự nghiệp chung nhưng thất bại trong đời riêng. Sự thất bại đó là do sự đánh mất bản ngã, sống theo người khác. Tâm hồn Giang Minh Sài phản ánh một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở Việt Nam. Nửa thập kỉ 80 của thế kỉ XX, tiểu thuyết Việt Nam đã phát triển theo hướng tìm tòi mới về cấu trúc. Nguyễn Khải với tiểu thuyết “Thời gian của người”(1984) đã chuyển ngòi bút từ quan tâm các vấn đề thời sự, chính trị nóng hổi đến phát hiện những vấn đề của nhân tâm, đạo đức, tâm lí con người thời hiện tại. Nhân vật mới của Nguyễn Khải bắt đầu từ ý thức về thời gian - đặc điểm này làm cho tiểu thuyết có một lối cấu trúc mới gọn nhẹ, có độ sâu và nhiều tầng ý nghĩa. Vào nửa cuối những năm 80 và gần đây, kí ức như một thành tố quan trọng được nhà văn dùng để tổ chức cấu trúc tiểu thuyết. Kí ức tạo ra dòng ý thức trong tâm lí nhân vật, tạo nên sự chiêm nghiệm đời sống trong toàn bộ tính liên tục, phức tập của nó. Với vai trò của kí ức, cấu trúc thể loại đã chuyển từ cấu trúc đơn (đóng) sang cấu trúc kép (cấu trúc mở). Chính cấu trúc mở này đã rất thuận lợi cho mối liên hệ của tác phẩm với các loại hình nghệ thuật khác, nhất là điện ảnh. Trong tác phẩm đã sử dụng nhiều kĩ thuật điện ảnh như thủ pháp lồng ghép, đồng hiện, phối cảnh. Chính việc các nhà văn biết sử dụng điểm mạnh của điện ảnh là trực giác và tác phẩm đã tạo sức hút của tiểu thuyết đối với những nhà làm phim trong việc chuyển thể để tìm đối tượng tiếp nhận dễ dàng hơn. Cấu trúc mới dựa vào lịch sử - tâm hồn thường khiến nhà tiểu thuyết rút bớt nhân vật và cốt truyện. Trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật cũng đem lại cho nhà văn một cách cảm, cách thể hiện khác trước và để phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của độc giả thì cấu trúc gọn nhẹ, tinh xảo mà sức chứa thông tin lớn nhất là cần thiết. Vì vậy những tìm tòi trong cấu trúc thể loại tiểu thuyết đều nhằm đạt tới hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Những nhà tiểu thuyết như Lê Lựu với tiểu thuyết “Thời xa vắng”, Chu Lai với tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng”, Bảo Ninh với tiểu thuyết “Thân phận tình yêu”… đã sớm tạo ra một loại tiểu thuyết với nhiều tầng lớp (đa tuyến) nhưng lại mang dáng vẻ gọn nhẹ, linh hoạt, nghệ thuật miêu tả đời sống theo chiều sâu. Chính sự sáng tạo này đã tạo cho tiểu thuyết Việt Nam một chỗ đứng vững chắc và không ngừng phát triển trong tình hình khủng hoảng chung của tiểu thuyết. III. Kết luận Dựa trên sự khảo cứu quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết cùng với những đặc điểm của thể loại này chúng ta có thể tin rằng tiểu thuyết vẫn tồn tại và phát triển. Với những ưu thế của thể loại, tiểu thuyết ngày càng trở nên bổ ích đối với nhận thức nghệ thuật của con người. Nhưng trong giai đoạn hiện nay để tìm được chỗ đứng vững chắc đòi hỏi các nhà tiểu thuyết luôn tìm tòi, sáng tạo để cho thể loại này phù hợp với nhịp sống hối hả của con người. Có như thế nó mới có thể vượt qua thử thách trong cuộc cạnh tranh với các phương tiện nge nhìn như: điện ảnh, sân khấu, truyền hình… Ta phải công nhận rằng nhận định của Bakhtin - một nhà bác học về tiểu thuyết - không sai: “Tiểu thuyết là thể loại duy nhất đang hình thành…bộ xương chưa hoàn toàn cứng cáp, chúng ta chưa dự đoán được sự tạo thành của nó”.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThi pháp tiểu thuyết truyền thống phương tây và ltônxtôi.doc