MỤC LỤC
Chương 1: 1
ĐẶC ĐIỂM CỦA LÀNG NGƯỜI VIỆT ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ 1
1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội 1
2. Đặc điểm văn hoá, tín ngưỡng 3
Chương 2: 6
TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA LÀNG XÃ NGƯỜI VIỆT ĐỒNG BẰNG 6
BẮC BỘ THỂ HIỆN QUA CÁC THIẾT CHẾ 6
(TỔ CHỨC NÔNG THÔN) 6
1. Vị trí, vai trò của tính cộng đồng của làng người Việt Đồng bằng Bắc Bộ 6
2. Tính cộng đồng thể hiện trong các thiết chế nông thôn (tổ chức nông thôn) 9
2.1. Tổ chức nông thôn theo huyết thống: gia đình - gia tộc 9
2.2. Tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú: xóm làng 11
2.3. Tổ chức nông thôn theo sở thích, phường, hội 11
14 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 13282 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Tính cộng đồng của làng xã người Việt đồng bằng Bắc Bộ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bộ
Chương 1:
ĐẶC ĐIỂM CỦA LÀNG NGƯỜI VIỆT ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội
Đồng bằng bắc bộ hiện nay là một vùng đất chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển cả về kinh tế, văn hoá, lẫn quân sự của Việt Nam. Sau hàng triệu năm hình thành và hàng nghìn năm khám phá của người Việt, vùng Đồng bằng Bắc Bộ dần được định hình cho đến ngày nay. Đồng bằng Bắc Bộ được kiến tạo bởi Sông Hồng và Sông Thái Bình, bao gồm phần trũng, phần bằng của các tỉnh: Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, một phần Bắc Ninh, Phúc Yên. Khí hậu nhiệt đới gió mùa tương đối rõ nét cùng một mạng lưới sông ngòi dày đặc tạo nên một sắc thái riêng trong tập quán canh tác, cư trú, tâm lý ứng xử cũng như sinh hoạt cộng đồng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Ở Đồng bằng Bắc Bộ, người dân sống quần tụ thành Làng, một hình thái cộng cư với những thiết chế phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Làng là kết quả của các công xã thị tộc nguyên thuỷ chuyển sang công xã nông thôn. Các vương triều phong kiến đã chụp xuống công xã nông thôn ấy tổ chức hành chính và nó trở thành các làng quê.
Có thể nói, làng là một đơn vị quần cư chủ yếu do nền văn minh nông nghiệp lúa nước và tổ chức xã hội truyền thống Việt Nam hình thành. Trong lịch sử, làng có vị trí và vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá xã hội ….Làng là nơi cộng đồng dân cư sinh sống, liên kết chặt chẽ với nhau, trong quan hệ kinh tế, họ tộc, hội hè, tín ngưỡng, giúp đỡ nhau khi vui buồn cũng như lúc hoạn nạn.
- Xét về mặt hành chính, Làng là cơ sở của nhà nước, đứng đầu là lý trưởng, đại diện của dân làng trong mối quan hệ với nhà nước (lý trưởng về nguyên tắc do quan trên bổ nhiệm, nhưng trên thực tế do nhân dân bầu ra). Lý trưởng có trách nhiệm truyền đạt nội dung các mệnh lệnh của vua và thực hiện chúng trong phạm vi làng mình như: nộp thuế, giao lính….Mặc dù vậy, lý trưởng vẫn phải tuân thủ các quyết định, quy định của Hội đồng Kỳ Mục hay Hội đồng Tộc biểu đưa ra. Các công việc của làng thì hầu như nhà nước không điều chỉnh mà do làng tự quyết định, vì vậy người Việt có câu:
“Phép vua thua lệ làng”
- Xét về kinh tế, quan hệ giai cấp “nhạt nhoà” chưa phá vỡ được tính cộng đồng tạo ra một lối sống ngưng đọng của nền kinh tế tự cấp tự túc, một tâm lý bình quân, ảo tưởng về sự “ bằng vai phải vế” như câu tục ngữ:
“ Giàu thì cơm ba bữa, khó thì đỏ lửa ba lần”
Sở dĩ có điều này là do sở hữu ruộng đất suốt thời ký phong kiến quyết định. Ruộng công, đất công nhiều là đặc điểm của làng người Việt Đồng bằng Bắc Bộ. Làng có công quyền, công quỹ, công thổ…. Tức là có lực lượng kinh tế riêng của mình để lo liệu cho việc xây dựng cơ bản như đắp đê, đào kênh mương, phục vụ sản xuất như phát triển ngành nghề thủ công. Ở Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung không có sở hữu tư nhân về ruộng đất:
“ Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”
Tức là ruộng đất đều thuộc sở hữu của nhà vua. Làng thay mặt nhà vua trực tiếp quản lý số đất đó thông qua việc phân bố về từng hộ gia đình cá thể. Người dân nhận đất về canh tác sau đó nộp một phần sản phẩm thu được cho nhà vua thông qua lý trưởng. Hiện nay, dù ruộng công của làng xã không còn, việc phân chia ruộng đất cũng vẫn thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn quốc, nhưng tính chất manh mún nhỏ lẻ của nền sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ vẫn thể hiện rõ nét, lại cộng với điều kiện khí hậu phức tạp nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật là rất khó thực hiện. Vì vậy để sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, người nông dân phải học hỏi kinh nghiệm của người đi trước rất nhiều. Đây là một mắt xích kết nối giữa các thế hệ và tính cộng đồng cũng phát triển theo.
Cư dân Đồng bằng Bắc Bộ là cư dân sống bằng nghề lúa nước, làm nông nghiệp một cách thuần tuý, nhưng các nghề thủ công nghiệp,chạy chợ ….cũng đóng vai trò kinh tế quan trọng trong lúc thời gian nhàn rỗi của vòng quay mùa vụ nên mỗi làng dù lấy nền kinh tế tiểu nông làm chủ đạo nhưng không gia đình nào là thuần nông, mỗi làng đều có ngành nghề truyền thống riêng: dệt, đúc đồng, làm gốm….
- Về mặt xã hội, sự gắn bó giữa con người với con người trong cộng đồng lang quê không chỉ là quan hệ sở hữu trên đất làng, đình làng, chùa làng… những nơi diễn ra sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng chung mà còn là sự gắn bó về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội. Ở mỗi làng, ngoài phong tục chung còn có tục lệ riêng được ghi trong Hương ước, khoán ước. Đây là những quy định khá chặt chẽ về mọi phương diện cuả làng từ lãnh thổ đến việc sử dụng đất đai, từ quy định về sản xuất, bảo vệ môi trường đến quy định về tổ chức làng xã…. và vì thế tạo nên một sức mạnh tinh thần không thể phủ nhận, nhưng cũng đồng thời tạo ra sự coi nhẹ vai trò cá nhân.
Đặc điểm nổi bật của gia đình vùng Đồng bằng Bắc Bộ là gia đình tiểu nông, phụ quyền nhưng về thực chất người phụ nữ có vai trò đáng kể trong gia đình, xã hội. Hầu hết những công việc quan trọng họ đều đảm nhiệm: chăm lo công việc đồng áng, làm nghề thủ công, chạy chợ, giữ tay hòm chìa khoá, đối nội trong gia đình, dòng họ, đối ngoại với hàng xóm, láng giềng, giáo dục con cái từ khi chúng được sinh ra cho đến khi chúng trưởng thành….. Đó là những nguyên nhân vì sao người phụ nữ được coi trọng trong làng xã người Việt.
- Về mặt quốc phòng, làng thôn như một đảo nhỏ nằm ở giữa cánh đồng lúa, vói những rặng tre bao quanh. Các làng được chia tách với nhau thông qua một cánh đồng, hay một dòng sông nên làng của người Việt kiên luôn cả nhiệm vụ quốc phòng. Mỗi làng là một đơn vị quân sự, có dân binh, lực lượng quân sự riêng của mình. Nếu không được tuyển vào quân đội thường trực của Nhà nước thì dân binh nói chung vẫn làm ruộng ở nhà, đây là lực luợng quân sự dự bị và sẽ tuân thủ sự điều động của nhà nước khi cần.
2. Đặc điểm văn hoá, tín ngưỡng
Văn hóa, tín ngưỡng vói tư cách là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định, nhưng nó vẫn có tính chất đọc lập tương đối của mình, có thể tác động lại tồn tại xã hội cũng như các hình thái ý thức xã hội khác.
- Do nhận thức cũng như sự phát triển thấp kém của trình độ sản xuất đã làm cho người Việt phụ thuộc rất lớn vào tự nhiên, điều này góp phần hình thành nên tính chất đa thần trong tín ngưỡng tôn giáo: tục thờ hiện tượng tự nhiên : mưa, gió; thậm chí các loại động vật, thực vật: chim, rắn, rồng, cây lúa, cây đa, cây đề…. Cũng như con người, tập thể các thần này cũng sống và làm việc theo lối cộng đồng, họ quan hệ với nhau và với con người theo lối nguyên tắc dân chủ. Tính cộng đồng của các thần thể hiện ở chỗ phần đông thần thánh đều xuất hiện và làm việc tập thể.
Do tính chất của nền văn hóa nông nghiệp nên trong mối quan hệ xã hội, tín ngưỡng và lối sốngđều thể hiện mục đích hướng tới sự phồn thực: tồn tại hệ thống các nữ thần gọi là các bà, các Mẫu, tục thờ mẫu trở thành một tín ngưỡng Việt Nam điển hình.
Tuy có niềm tin rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu nên hình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên(tập thể gia tiên)
Trong gia đình, ngoài thờ cúng tổ tiên còn có tục thờ thần Thổ công, một dạng mẹ đất, là vị thần trông coi gia cư, ngăn chặn tà thần, định đoạt phúc hoạ cho cả gia đình.
“Đất có Thổ công, sông có hà bá”
Trong phạm vi thôn xã, quan trọng nhất là thờ thần Thành Hoàng làng. Đây là vị thần che chở, cai quản định đoạt cho dân làng. Không một làng nào không có thần Thành hoàng. Đó là vị thần có tên tuổi, tước vị rõ ràng, là người có công lập ra làng xã, là anh hùng từng sinh ra hay mất đi ở làng, thậm chí là người ăn mày, ăn xin, ăn trộm, tre con….Thành hoàng làng cũng là tập thể chục vị.
- Gắn liền với tín ngưỡng, Đồng bằng Bắc Bộ còn có nhiều phong tục, là những thói quen ăn sâu vào đời sống xã hội từ rất lâu đời, được da số mọi người thừa nhận và làm theo : Phong tục hôn nhân, phong tục ma chay, lễ tết, lễ hội…
Phong tục hôn nhân gấn liền tính công đồng làng xã. Hôn nhân truyền thốngkhông đơn thuần là việc hai người lấy nhau mà là việc của hai bên cha mẹ, của hai họ dựng vợ gả chồng cho con cái. Tất cả đều xuất phát từ quyên lợi tập thể: quyền lợi gia tộc, quyền lợi của làng xã. Việc hôn nhân là của hai người nhưng lại kéo theo việc xác lập quan hệ qua lai giữa hai họ tộc, đó không phải là việc lựa chọn cá nhân mà là lựa chọn gia đình, dòng họ xem có tương xứng hay không, môn đăng hộ đối không:
“Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”
Sự ổn định làng xã là mối quan tâm hàng đầu, người dân trong làng có truyền thống khinh dân ngụ cư, vì vậy phải chọn chồng trong số người cùng làng:
“Lấy chồng khó giữa làng còn hơn lấy chồng sang thiên hạ”
“ Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Về phương diện tâm lý, đó là sự gắn bó quê cha đất tổ, về phương diện kinh tế, là phục vụ cho sự ổn định của làng xã (tục nộp cheo). Khi quyền lợi của tập thể cộng đồng đã tính đến cả rồi thì người ta mới lo nhu cầu riêng tư.
Nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, lúc nông vụ, bận rộn tối tăm mặt mũi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên lúc nông nhàn, người dân có tâm lý ăn bù, chơi bù. Ngày lễ tết được phân bố đều theo thời gian trong năm. Nếp sống cộng đồng thể hiện ở chỗ Tết là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên, gia thần. Con cháu dù đi làm ăn ở đâu cũng cố gắng về ăn tết với gia đình, hương hồn ông bà tổ tiên cũng về gặp mặt, các vị thần phù hộ cho gia đình đều được chăm lo cúng bái. Tết là một cuộc đại đoàn viên. Ngoài tết nguyên đán, còn có tết rằm tháng riêng, tết mồng ba tháng ba, Tết mồng bảy tháng bảy, tết mồng năm tháng năm, tết trung thu.
Nếu lễ tết phổ biến theo thời gian, thì lễ hội là hệ thống phân bố theo không gian. Mỗi vùng đều có những lễ hội riêng của mình, các lễ hội ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ tập trung vào 2 mùa: mùa thu và mùa xuân, khi công việc đồng áng rảnh nhất. Các lễ hội văn hoá, tôn giáo, lễ hội kỷ niệm anh hùng, lễ hội nghề nghiệp…là điều kiện để dân trong làng tham gia sinh hoạt chung. Các lễ hội thường diễn ra ở Đình làng, chùa làng nên nó có giá trị cộng cảm cao.Sự cộng cảm của tập thể cộng đồng làm cho mỗi người gắn bó chặt chẽ hơn, do đó thấy mình vươn lên ở tầm vóc cao hơn, có sức mạnh tập thể lớn hơn.
Chương 2:
TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA LÀNG XÃ NGƯỜI VIỆT ĐỒNG BẰNG
BẮC BỘ THỂ HIỆN QUA CÁC THIẾT CHẾ
(TỔ CHỨC NÔNG THÔN)
1. Vị trí, vai trò của tính cộng đồng của làng người Việt Đồng bằng Bắc Bộ
Do cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên, nên người làm nông nghiệp phải dựa vào nhau mà sống. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, đặc biệt là nông nghiẹp lúa nước, tính thời vụ càng cao, để kịp thời vụ con người buộc phải liên kết với nhau. Chính sự liên kết, tương hỗ này tạo nên tình cộng đồng của làng xã Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, và làng xã Việt Nam nói chung.
Như vây, tính cộng đồng là sự liên kết các thành viên trong làng lại với nhau, mỗi người đều hướng tới người khác. Tính cộng đồng có đặc diểm dương tính và hướng ngoại. Sản phẩm của tính cộng đồng là tập thể làng xã khép kín, mang tính tự trị, các làng tồn tại khá biệt lập với nhau, độc lập với triều đình phong kiến. Mỗi làng là một vương quốc nhỏ khép kín, làng nào biết làng đó, có luật pháp riêng, cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp riêng. Sự biệt lập đó tạo nên truyền thống :
“ Phép vua thua lệ làng”
Thể hiện quan hệ dân chủ giữa nhà nước phong kiến với làng xã hội Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Trong lịch sử lâu đời của dân tộc, làng vừa có tính đẳng cấp, phong kiến(= tôn ti - TNT), vừa có tính cộng đồng(= dân chủ - TNT) rất đáng quý. Lúc bấy giờ câu nói phép vua thua lệ làng có cái đạo lý chân chính của nó…thể hiện một dạng dân chủ mà phải biết nhìn nó với con mắt lịch sử thì mới thấy hết ý nghĩa độc đáo.”
Nếu như tính tự trị có biểu tượng là luỹ tre, rặng tre bao quanh kín làng, trở thành thứ thành luỹ bất khả xâm phạm, đốt không cháy, trèo không vào, đào không qua thì biểu tượng truỳen thỗng của tính cộng đồng là sân đình, bến nước, cây đa.
Làng nào cũng có một cái đình, nó là biểu hiện điển hình nhất, tập trung nhất của làng về mọi phương diện. Trước hết, nó là trung tâm văn hoá hành chính. Mọi công việc quan trọng của làng đều diễn ra ở đây: Hội đông kỳ mục thu sưu thuế ở đây, ia mắc lỗi thì cũng ra đây để xử, xử rồi thì lấy đây làm trại giam… Thứ đến, đình là trung tâm văn hoá. Các hội hè trong làng đều được tổ chức tại đây, mọi cuộc ăn uống chung của làng đều diễn ra ở đây( do vậy có từ đình đám). Saan đình là nơi diễn chèo, tuồng… Đình còn là trung tâm về mặt tôn giáo, thế đình, hướng đình được xem là quyết định vận mệnh của cả làng. Đình cũng là nơi thờ thần thành hoàng làng, vị thần bảo trợ cho làng. Cuối cùng đình là trung tâm về mặt tình cảm. Nói đến làng là người ta nghĩ đến cái đình với tất cả niềm gắn bó thân thương nhất:
“ Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu tuổi thương mình bấy nhiêu”
Đình là biểu tượng truyền thống cho tính tổng hợp, tính cộng đồng của văn hoá làng xã. Sau này trong quá trình giao lưu văn hoá, tính phân tích của phương Tâythâm nhập vào làng xã thay cái đình tổng hợp bằng những kiến trúc phân tích với những chức năng riêng rẽ( trụ sở xã, hội trường..)
Lúc đầu, đình là nơi lưu trú của tất cả mọi người, nhưng không biêt tự lúc nào người ta thấy đình chỉ là nơi lui tới của riêng đàn ông. Vì vậy, phụ nữ bị đẩy ra khỏi đình đã quần tụ ở bến nước, giếng nước, chỗ hàng ngày chị em vẫn thường rửa rau, vo gạo, giặt giũ…để trò chuyện.
Cây đa thường mọc ở đầu làng, gốc cây có miếu thờ nho nhỏ lúc nào hương khói cũng nghi ngút. Đó là chồn linh thiêng, nơi hội tụ của các thánh thần. Dưới gốc cây có quán trà là nơi nghỉ chân gặp gỡ của những người đi làm đồng về, của khách qua đường.
Tính cộng đồng đóng một vai trò lớn trong đời sống sinh hoạt của ngưòi dân làng xã. Tính cộng đồng nhấn mạnh vào sự đồng nhất cùng họ là đồng tộc, cùng tuổi là đồng niên, cùng nghề là đồng nghiệp, cùng quê là đồng hương. Do sự đồng nhất giống nhau - “cùng hội cùng thuyền”, cùng cảnh ngộ) cho nên người ta luôn sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, coi mọi người trong cộng đồng như anh em, chị em trong nhà ; “tay đứt ruột xót”, “chị ngã em nâng”, “(lá lành đùm lá rách” và như vậy làm cho các quan hệ, tình cảm của các thành viên trong làng xã thêm gắn bó. Và tính đồng nhất tạo nên tính tập thể rất cao, mọi người trong cộng đồng đều gắn bó với tập thể, hoà đồng cùng cuộc sống chung của tập thể. Sự đồng nhất cũng chính là ngọn nguồn của nếp sống dân chủ, bình đẳng bộc lộ trong các nguyên tắc tổ chức nông thon theo địa bàn cư trú, theo nghề nghiệp, theo giáp.
Tính cộng đồng đem lại cho mỗi cá nhân và cho cả làng xã mộ sức mạnh như vậy, tuy nhiên bên cạnh đó nó cũng có tính hạn chế của nó. Thứ nhất, là vì quá đề cao tính tập thể nên nó thủ tiêu vai trò của cá nhân. Người Việt thường ít xưng tôi, luôn hoà tan vào các mối quan hệ xã hội, với người này là em, người kia là cháu, với người khác nữa là chị, là anh. Thậm chí thường thích dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều. Ta. Cách giải quyết xung đột theo lối hoà cả làng là hết sức phổ biến. Điều này khác hẳng với truyền thống văn hoá phương Tây, nơi con người được rèn luyện ý thức về cá nhân ngay từ khi còn nhỏ.
Thứ hai, tính cộng đồng dẫn đến thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể: “Nước trôi thì bèo trôi, nước nỏi thì thuyền nổi”. Tệ hại hơn nữa là tình trạng cha chung không ai khóc. Cùng với thói dựa dẫm, ỷ lại là tư tưởng cầu an (an phận thủ thưởng) và cả nể,làm gì cũng sợ rút dây động rừng, nên việc gì cũng thường chủ trương đóng cửa bảo nhau…
Nhược điểm thứ 3 của tính cộng đồng là thói cào bằng, đố kỵ, không muốn ai hơn mình : “Xấu đều còn hơn tốt lỏi, “khôn độc không bằng ngốc đàn”, để cho tất cả đều như nhau.
Những thói xấu có nguồn gốc từ tính cộng đồng này khiến cho ở Việt Nam, khái niệm giá trị trở nên tương đối (nó khẳng định đặc điểm tính chủ quan của lối tư duy nông nghiệp). Cái tốt, nhưng là cái tốt riêng lẻ trở thành cái xấu, ngược lại cái xấu nhưng là cái xấu tập thể thì trở thành bình thường.
“Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng cùng toét riêng mình em đâu !”.
Nhược điểm thứ 4 : Khi đứng trước khó khăn lớn nguy cơ đe doạ sự sống còn của cả cộng đồng thì cái nổi lên sẽ là tinh thần đoàn kết, tính tập thể (mà chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, xóm làng là ví dụ điển hình) nhưng khi nguy cơ ấy qua rồi thì có thể thói tư hữu, óc bè phái cục bộ địa phương lại nổi lên.
Vai trò của tính cộng đồng tác động tích cực và tiêu cực tới đời sống của cư dân làng xã thể hiện ở bảng sau :
Tính cộng đồng
Chức năng
Liên kết các thành viên
Bản chất
Dương tính, hướng ngoại
Biểu tượng
Sân đình, bến nước, cây đa
Hậu quả tốt
- Tinh thần đoàn kết, tương trợ
- Tính tập thể hoà đồng
- Nếp sống dân chủ bình đẳng
Hậu quả xấu
- Sự thủ tiêu vai trò cá nhân
- Thói dựa dẫm ỷ lại
- Thói cào bằng, đố kỵ
2. Tính cộng đồng thể hiện trong các thiết chế nông thôn (tổ chức nông thôn)
2.1. Tổ chức nông thôn theo huyết thống: gia đình - gia tộc
Những người cung quan hệ huyết thống gắn bó mật thiết với nhau thành đơn vị cơ sởlà gia đình và đơn vị cấu thành là gia độc (dòng họ). Đối với ĐBBB nói riêng và Việt Nam nói chung, gia đình có vai trò quan trọng hơn rất nhiều so với phương Tây. Với nền văn hoá nông nghiệp điển hình gia đình hạt nhân không đủ đối phó với môi trường tự nhiên, xã hội nên vai trò của gia tộc, cộng đồng làng xã rất quan trọng. Các khái niệm “cửu tối” trưởng họ, từ đường, gia phả, giỗ họ, mừng thọ… đều liên quan đến gia tộc. Không phải gia đình.
Gia tộc của người Việt ĐBBB từ lâu không còn là đơn vị kinh tế hay “một đại gia đình phụ quyền” sống chung một mái nhà, khu đất trồng trọt chung, thuộc quyền sở hữu chung, mà nó đã phân giải thành vô vàn các gai đình nhỏ với mỗi bộ phận kinh tế riêng. Các cá nhân trong họ thường là chỗ dựa về tâm lí, tinh thần của nhau, hỗ trợ nhau những việc đại sự như : ma chay, giỗ kỵ, cưới xin… Về mặt vật chất “xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì”, về mặt tinh thần : “nó lú nhưng chú nó khôn”, về mặt chính trị - xã hội : “Một người làm quan cả họ được nhờ”.
Một hình thức vừa liên kết theo dòng họ, vừa mang tính liên kết theo địa vị là Giáp. Giáp là tổ chức gồm các đinh của một dòng họ, liên kết với nhau. 1 làng chia làm nhiều giáp, thậm chí 1 giáp trong quá trình phát triển có thể độc lập trở thành làng. Những liên kết ràng buộc này tạo nên sự cố kết rất bền chặt.
Như vậy, quan hệ huyết thống là quan hệ theo hàng dọc, theo thời gian. Nó là cởơ của tính tôn ty. Người sinh ra trước ở bậc trên, người sinh ra sau bậc dưới… Về nguyên tắc lối liên kết theo huyết thống này không có gì đặc biệt, nhưng cái đặc biệt không nằm ở đơn vị liên kết mà nằm ở mức độ liên kết, phân biệt rành mạch 9 thế hệ là 1 điều khác nhiều dân tộc khác.
Kỵ
Cụ
Ông
Cha
Tôi
Con
Cháu
Chắt
Chút
Sự cố kết theo thuyết thống tạo nên một tình cảm dòng họ. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nhiều khi đã trở thành một phương thức điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Ở làng xã, khi nói tới cá nhân, người ta thường liên hệ người ấy với cả dòng họ và truyền thống của nó.
Ví dụ : Nếu dòng họ này của truyền thống học hành khoa cử, dòng họ kia có danh tiếng về đường làm quan, thì có dòng họ lại tài giỏi về một nghề nghiệp nào đó. Truyền thống tốt đẹp của dòng họ trở thành một động lực thôi thúc cá nhân thường xuyên phấn đấu vươn tới mục tiêu tốt đẹp hơn để tiếp nối thanh danh của hộ mình. Và từ tình cảm dòng họ mà tình cảm làng xã, tình cảm quê hương cũng được phát triển theo.
Tuy nhiên, tình cảm dòng họ có nảy sinh tính chất hẹp hòi, cục bộ trong sự nhìn nhận, trong cách ứng xử thiên lệch theo chủ nghĩa gia đình giữa người trong họ và người ngoài họ. Nhiều họ ganh ghét đố kỵ dẫn đến xung đột, từ một nguyên nhân nhỏ có thể dẫn đến hiềm khích dai dẳng.
2.2. Tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú: xóm làng
Việc tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú chính là bước thứ hai trong lịch sử phát triển của làng xã. Những người sống gần nhau có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau. Khi công xã thị tộc tan rã, chuyển thành công xã nông thôn thì các thành viên trong làng không chỉ gắn bó với nhau bằng quan hệ máu mủ mà còn bằng quan hệ sản xuất, hình thành nên mối quan hệ theo địa vực. Thiết chế thể hiện mối liên kết rõ nét nhất là ngõ, xóm, làng.
Để ứng phó môi trường tự nhiên, nhu cầu của nghề truyền thống lúa nước mang tính thời vụ nên người Việt không chỉ cần đẻ nhiều mà liên kết chặt chẽ với nhau và để ứng phó với môi trường xã hội (nạn trộm cướp…). Các gia đình trong xóm có quan hệ với nhau trên tinh thần : “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa mua láng riềng gần”… Mỗi khi cá nhân, gia đình trong xóm có công to việc lớn gì thì các gia đình khác trong xóm đều có mặt để giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần.
Như vậy, cách tổ chức nôgn thôn theo địa vực dựa trên quan hệ hàng ngang, theo không gian. Nó là nguồn gốc của tính dân chủ bởi lẽ, muốn giúp đỡ nhau, quan hệ lâu dài với nhau phải tôn trọng bình đẳng. Tuy nhiên tính dân chủ kéo theo thói dựa dẫm, ỷ lại, đố kỵ, cào bằng.
2.3. Tổ chức nông thôn theo sở thích, phường, hội
Trong làng, phần lớn người dân đều làm nông nghiệp, tuy nhiên nhiều làng có những bộ phận cư dân sinh sống bằng nghề khác, nhưng người này liên kết chặt chẽ với nhau khiến cho nông thôn Việt Nam có thêm một tổ chức những người cùng nghề nghiệp, tạo thành một đơn vị gọi là phường, phường gốm, phường nề, phường vật, phường mộc…
Bên cạnh các phường, còn có hội : Hội là tổ chức nhằm liên kết người cùng sở thích, cùng thú vui, cùng đẳng cấp : Hội vật, hội tổ tôm, hội trọi gà, hội cờ tướng…
Phường, Hội rất gần nhau nhưng những phường thì mang tính chất chuyên môn sâu hơn và bao giờ cũng giới hạn trong quy mô nhỏ (Hiện nay tổ chức của những người cùng nghề trong một phạm vi lớn gọi là hội : Hội nông dân Việt Nam…).
Ngoài mục đích về kinh tế (giúp đỡ nhau về tiền, thú bảo vệ, phát triển làng thủ công…) việc tham gia các thiết chế này còn đem lại cho cá nhân trong phường, hội sự thoả mãn nhu cầu về tính thần, đó là sự khẳng định, vì thế bản thân trong quan hệ với những người khác tại cộngđồng, sao cho bất kỳ người nào dù hèn kém đến mấy thì trong đời mình, ít nhất cũng phải được người khác tôn trọng một lần. Điều này giúp cá nhân lấy lại thăng bằng và phát triển một cách ổn định trong những quan hệ rất chằng chịt, hà khắc của làng người Việt ĐBBB.
Việc tham gia các mối liên kết khác nhau chính là một hình thức phân chia ngôi thứ, thang bậc xã hội của mỗi cá nhân trong làng, mặc dù không liên quan trực tiếp tới các hoạt động kinh tế, nhưng việc phân chia ngôi thứ lại trở thành một vấn đề trung tâm, bao trùm đời sống xã hội, làng xã Việt Nam. Bởi vì, mỗi thang bậc xã hội thể hiện qua ngôi thứ ở đình không chỉ liên quan đến quyền lợi của mối người mà còn danh dự, uy tín, vị thế, là cả niềm tự hào của bản thân và con cháu họ, thậm chí cả gia tộc. Vì vậy, có thể nói, không có một cá nhân nào trong quá trình sống của mình lại không tham gia vào một liên kết nào của làng.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, đất nước ta trải qua hàng nghìn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm gìn giữ và bảo vệ đất nước là nhờ một phần vào sức mạnh cộng đồng của dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng sẻ chia nhau là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tuy nhiên, chính tính cộng đồng đó nó có 2 mặt . Bên cạnh giá trị tích cực thì nó kéo theo những hạn chế như : chủ nghĩa bình quân, thói cào bằng, 1 phương thức quản lí hành chính, tập trung, một tác phong quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền “phép vua thua lệ làng”. Bệnh làm ăn kiểu sản xuất nhỏ (biểu hiện của nó là nạn hàng giả, hàng rởm, tệ nói thách một cách tuỷ tiện). Cung cách làm ăn theo kiểu phường hội, thương nhân liên kết nhau, chèm ép khách hàng nó khác với cung cách thương nhân phương Tây, cố gằng bằng mọi cách chiếm lòng tin khách hàng, đồng thời tìm cách loại trừ nhau theo quy luật cạnh tranh), bệnh gia đình chủ nghĩa, tật xuề xoà đại khái, thói ỷ lại. Một xã hội muốn được phát triển thì năng lực cá nhân phải được giải phóng, đòi hỏi đó đã đang gặp phải trở ngại rất lớn là con người của nền văn hoá nông nghiệp bị ràng buộc vào cộng đồng lớn. Mà hậu quả tệ hại nhất là bệnh đố kị cào bằng không muốn ai hơn mình. Ngoài ra biện “phép vua thua lệ làng” đã dẫn đến tình trạng thiếu thông suốt từ trên xuống dưới, từ trung ương xuống địa phương, thủ trưởng xuống nhân viên, thiếu đồng bộ giữa các bộ phận.
Để xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn, Đảng ta đưa nhiều giải pháp thích hợp nhằm khơi dậy cácgiá trị truyền thống, trong đó có tính cộng đồng của dân tộc ta.
Có thể nói rằng, ở phương Đông, đặc trưng lớn phân biệt với phương Tây là tính cộng đồng. Vì nếu ở phương Tây, người ta luôn đề cao vai trò của cá nhân, thì ở phương Đông, người ta đề cao vai trò của tính cộng đồng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, sự giao lưu văn hoá, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được mở rộng đòi hỏi chúng ta phải mở cửa, giao thoa và tiếp nhận những nền văn hoá của dân tộc khác. Tuy nhiên, để giữ gìn bản sắc của dân tộc ta, trong quá trình giao thoa, tiếp nhận chúng ta cần phải biết lựa chọn, chọn lọc nhữ
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- XHH (85).doc