Tiểu luận Tổ chức và hình thức hoạt động của ủy ban nhân dân

Hoạt động của chủ tịch ủy ban nhân dân được xác định là hình thức hoạt động thường xuyên và có tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của ủy ban nhân dân. Trước đây, trong Hiến pháp năm 1980 và Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 1989, nhiệm vụ và quyền hạn của ủy ban nhân dân nói chung và chủ tịch ủy ban nhân dân chưa được quy định một cách cụ thể. Kể từ Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các năm 1994 và 2003, theo xu hướng kết hợp chế độ tập thể lãnh đạo với chế độ thủ trưởng trong quản lý nhà nước, nhiệm vụ và quyền hạn của cá nhân chủ tịch ủy ban nhân dân ngày càng được quy định rạch ròi và tách bạch riêng khỏi những nhiệm vụ, quyền hạn chung của tập thể ủy ban nhân dân.

doc10 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 12595 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Tổ chức và hình thức hoạt động của ủy ban nhân dân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1. Tổ chức của ủy ban nhân dân : Theo Điều 119 Luật tổ chức hội đồng nhân và ủy ban nhân dân thì: “ủy ban nhân dân do hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra gồm có chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên”. 1.1 Chủ tịch ủy ban nhân dân : Điều 124 Hiến pháp 1992 đã khẳng định: “chủ tịch ủy ban nhân dân lãnh đạo, điều hành hoạt động của ủy ban nhân dân”. Quy định này tiếp tục được cụ thể hóa tại Điều 126 Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân 2003: “chủ tịch ủy ban nhân dân là người lãnh đạo và điều hành công việc của ủy ban nhân dân, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định tại Điều 127 của Luật này, cùng với tập thể ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm về hoạt động của ủy ban nhân dân trước hội đồng nhân dân cùng cấp và trước cơ quan nhà nước cấp trên”. Qua các quy định trên có thể thấy, đối với ủy ban nhân dân là một cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của hội đồng nhân dân, đưa những quy định trong các nghị quyết đó vào thực tế, thì việc lãnh đạo của chủ tịch ủy ban nhân dân là rất quan trọng. Là người lãnh đạo, điều hành công việc của ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra công tác của ủy ban nhân dân cấp mình và cấp dưới trực tiếp; phân công công tác cho phó chủ tịch và các thành viên ủy ban nhân dân; quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân cấp mình, trừ các vấn đề quy định tại Điều 124 của Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân 2003. Các phó chủ tịch và các thành viên khác của ủy ban nhân dân phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do chủ tịch ủy ban nhân dân phân công và phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch ủy ban nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao. 1.2. Phó chủ tịch ủy ban nhân dân : Phó chủ tịch ủy ban nhân dân là người giúp việc cho chủ tịch, được chủ tịch phân công phụ trách, thực hiện công việc nhất định hoặc mảng công việc nhất định như kinh tế, tài chính, thương mại,... Điều 122 Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân quy định số lượng phó chủ tịch mỗi cấp do Chính phủ quy định. Cũng trong văn bản luật này, tại Điều 126 có quy định phó chủ tịch ủy ban nhân phải thực hiện nhiệm vụ do chủ tịch ủy ban nhân dân phân công và phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch ủy ban nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đã được giao. Như vậy, các phó chủ tịch ủy ban nhân sẽ trực tiếp tham gia phụ trách công việc, từ đó hiểu sâu sắc công việc được giao và kịp thời đưa ra các báo cáo chính xác nhất về tình hình thực tế cho chủ tịch ủy ban nhân dân, giúp cho chủ tịch ủy ban nhân dân có thể khái quát, điều hành công việc một cách nhanh nhạy, hiệu quả nhất. 1.3 Ủy viên ủy ban nhân dân : Ủy viên ủy ban nhân được chủ tịch phân công phụ trách quản lí những ngành, lĩnh vực chuyên môn nhất định như: công an, quân sự, tổ chức, thanh tra, kế hoạch, tài chính,... và theo quy định tại Điều 126 Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân 2003 thì các ủy viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về phần công tác của mình trước hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp và cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của ủy ban nhân dân trước hội đồng nhân dân cấp mình và trước cơ quan nhà nước cấp trên. 1.4 Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân : Có thể nói rằng, các cơ quan chuyên môn là một chủ thể cấu thành rất quan trọng của ủy ban nhân dân. Bởi lẽ, hoạt động của những cơ quan này là những hoạt động mang tính chuyên môn rất cao, do đó, chúng là những cơ quan chính của ủy ban nhân dân trong việc thực thi những chủ trương, chính sách của ủy ban nhân dân, cũng như của Đảng và Nhà nước, tại địa phương. Chính vì thế, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân là một chức danh vô cùng quan trọng. Thủ trưởng được giao phụ trách quản lí ngành, lĩnh vực chuyên môn phải chịu trách nhiệm lãnh đạo hoạt động của các sở, phòng, ban, định kì mỗi tháng một lần phải báo cáo hoạt động của ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách trước ủy ban nhân dân và cơ quan quản lí chuyên môn cấp trên, trong trường hợp cần thiết thì báo cáo công tác trước hội đồng nhân dân cùng cấp. Việc báo cáo thường xuyên như vậy sẽ giúp cho các cơ quan cấp trên nắm bắt được tình hình thực tế một cách chính xác, toàn diện nhất, từ đó giúp cho việc hoạch định các đường lối, chủ trương kịp thời và phù hợp hơn với thực tiễn, nhờ đó tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Số lượng các sở, phòng, ban (các cơ quan chuyên môn) thuộc ủy ban nhân dân phụ thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ công tác trong mỗi giai. Về vấn đề này, các Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và 172/2004/NĐ-CP của Chính phủ đã có những quy định khá cụ thể. Theo đó, các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân ở cấp tỉnh và huyện được chia thành 2 loại: loại được tổ chức thống nhất ở các địa phương và loại được tổ chức theo đặc thù riêng của từng địa phương. Hiện nay, tổng số các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có khoảng từ 20 đến 26 sở, ban, ngành,… Ngoài ra, cấp tỉnh còn một số đầu mối nữa không trực thuộc ủy ban nhân dân mà trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên. Chẳng hạn như ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có thêm kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước,…; tổng số các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện thường có từ 10 đến 12 phòng ban; Đối với ủy ban nhân dân xã thì thường có cơ cấu khoảng 5 ban. Khác với trước đây, theo Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003, cùng với việc thành lập thường trực hội đồng nhân dân (ở cấp tỉnh, huyện và xã) thì thường trực ủy ban nhân dân và chức danh ủy viên thư kí của ủy ban đã được lược bỏ. Quy định này một mặt làm cho bộ máy trở nên gọn nhẹ hơn, đồng thời tăng cường hơn trách nhiệm của mỗi thành viên và cả tập thể ủy ban nhân dân. Nhờ đó đảm bảo được tính nhanh nhạy, khả năng hoạt động hiệu quả hơn của ủy ban nhân dân _ một trong những yêu cầu rất quan trọng theo tinh thần của Nghị quyết trung ương 3 khóa VIII của Đảng ta về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 2. Những hình thức hoạt động chủ yếu của ủy ban nhân dân : 2.1. Phiên họp của ủy ban nhân dân : Phiên họp của ủy ban nhân dân là hình thức hoạt động quan trọng nhất của ủy ban nhân dân. Bởi thông qua các phiên họp, ủy ban nhân dân đã thực hiện được phần lớn những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền do luật định. Theo quy định của các Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các năm 1989, 1994 và 2003, ủy ban nhân dân mỗi tháng họp ít nhất một lần do chủ tịch ủy ban nhân dân triệu tập và chủ tọa. Khi chủ tịch vắng mặt, phó chủ tịch có thể thay chủ tịch chủ tọa phiên họp. Trong trường hợp nếu xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân triệu tập phiên họp bất thường. Về thành phần dự phiên họp ủy ban nhân dân, thành viên ủy ban nhân dân có trách nhiệm phải tham dự đầy đủ các phiên họp ủy ban nhân dân, nếu vắng mặt phải được chủ tịch ủy ban nhân dân đồng ý. Ngoài ra, theo các quyết định số 53/2006/QĐ-TTg và 75/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì phiên họp ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc huyện) chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên ủy ban nhân dân tỉnh (hoặc huyện) tham dự. Ngoài các thành viên của ủy ban nhân dân phải tham dự kỳ họp, từ những năm 1980 trở lại đây, Quốc hội còn quy định trách nhiệm của ủy ban nhân dân trong việc mời chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc và những người phụ trách các đoàn thể nhân dân cùng cấp; trưởng ban, phó trưởng ban các ban của hội đồng nhân dân; thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân nhưng không phải là thành viên của ủy ban nhân dân, cùng một số người khác (tùy vào cấp của ủy ban nhân dân (theo các quyết định số 53/2006/QĐ-TTg, 75/2006/QĐ-TTg và 77/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)) tham dự các phiên họp khi bàn những vấn đề có liên quan. Cũng theo các quyết định trên, chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người được mời tham dự các phiên họp thường kỳ của ủy ban nhân dân. Các đại biểu được mời chỉ được phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết những vấn đề nằm trong phiên họp. Như vậy, chính những quy định này đã góp phần tăng tính hiệt quả của phiên họp, giúp cho ủy ban nhân dân nắm vững thực tế, ra các quyết định, chỉ thị đúng đắn, đồng thời thể hiện tính dân chủ cao của phiên họp. Tại các phiên họp, ủy ban nhân dân thảo luận tập thể và quyết định theo đa số các vấn đề được quy định tại Điều 124 Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, bao gồm: chương trình làm việc của ủy ban nhân dân; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách hàng năm và quỹ dự trữ của địa phương trình hội đồng nhân dân quyết định; kế hoạch đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm ở địa phương trình hội đồng nhân dân quyết định; kế hoạch huy động nhân lực, tài chính để giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương trình hội đồng nhân dân quyết định; các biện pháp thực hiện nghị quyết của hội đồng nhân dân về kinh tế - xã hội; thông qua báo cáo của ủy ban nhân dân trước khi trình hội đồng nhân dân; đề án thành lập mới, sáp nhập, giải thể các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân và việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính ở địa phương. Các quyết định của ủy ban nhân dân được thể hiện dưới hình thức văn bản đó là quyết định, chỉ thị. 2.2. Hoạt động của chủ tịch ủy ban nhân dân : Hoạt động của chủ tịch ủy ban nhân dân được xác định là hình thức hoạt động thường xuyên và có tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của ủy ban nhân dân. Trước đây, trong Hiến pháp năm 1980 và Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 1989, nhiệm vụ và quyền hạn của ủy ban nhân dân nói chung và chủ tịch ủy ban nhân dân chưa được quy định một cách cụ thể. Kể từ Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các năm 1994 và 2003, theo xu hướng kết hợp chế độ tập thể lãnh đạo với chế độ thủ trưởng trong quản lý nhà nước, nhiệm vụ và quyền hạn của cá nhân chủ tịch ủy ban nhân dân ngày càng được quy định rạch ròi và tách bạch riêng khỏi những nhiệm vụ, quyền hạn chung của tập thể ủy ban nhân dân. Từ trước đến nay, trong các luật về Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân luôn được quy định là người lãnh đạo và điều hành công việc của ủy ban nhân dân; có quyền triệu tập và chủ tọa các kỳ họp của ủy ban nhân dân (kể cả phiên họp thường lệ và bất thường). Về vấn đề này, Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các năm 1994 và 2003 đã quy định rất cụ thể, theo đó, sự lãnh đạo và điều hành công việc của ủy ban nhân dân của chủ tịch được quy định trên các phương diện sau: - Đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp mình và ủy ban nhân dân cấp dưới trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của hội đồng nhân dân và quyết định, chỉ thị của ủy ban nhân dân cùng cấp; - Quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân cấp mình, trừ các vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn chung của ủy ban nhân dân. - Áp dụng các biện pháp nhằm cải tiến lề lối làm việc; quản lý và điều hành bộ máy hành chính hoạt động có hiệu quả; ngăn ngừa và đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, vô trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, công chức và trong bộ máy chính quyền địa phương; - Tổ chức việc tiếp dân, xét và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Một điểm mới rất quan trọng kể từ Hiến pháp 1992 nhằm tăng cường sự quản lí tập trung theo chiều học đó là: Quyền hạn và trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân đối với chính quyền cấp dưới trực tiếp được quy định cụ thể, theo đó, chủ tịch ủy ban nhân dân có quyền: - Phê chuẩn kết quả bầu các thành viên của ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; điều động, đình chỉ công tác, miễn nhiệm, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên của ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức nhà nước theo sự phân cấp quản lý; - Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp mình và văn bản trái pháp luật của ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; - Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và đề nghị hội đồng nhân dân cấp mình bãi bỏ. Quyền hạn của chủ tịch ủy ban nhân dân càng được đề cao và quy định cụ thể hơn ở Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân nhân năm 2003 với hai điểm mới: - Chủ tịch ủy ban nhân dân có quyền chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, dịch bệnh, an ninh, trật tự và báo cáo ủy ban nhân dân trong phiên họp gần nhất; - Chủ tịch ủy ban nhân dân ra quyết định, chỉ thị để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Như vậy, là người lãnh đạo ủy ban nhân dân, để hoàn thành tốt những công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ tịch ủy ban nhân dân phải nắm được những yếu kém trong bộ máy chính quyền, cũng như các cán bộ, công chức để từ đó có những biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh và khắc phục để tiến trình hoạt động thực hiện công việc nhanh chóng, hiệu quả và hoàn thiện hơn. Ngoài ra, chủ tịch ủy ban nhân dân còn phải thường xuyên gặp gỡ trao đổi với nhân dân để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và khi nhận được khiếu nại tố cáo thì phải có trách nhiệm giải quyết, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết, báo cáo cho đương sự biết khi giải quyết,… Điều này nếu giải quyết tốt sẽ giúp nhân dân tin yêu và gắn bó hơn với các cơ quan nhà nước, với chính quyền, đúng với bản chất “nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” của Nhà nước ta. Như vậy có thể thấy, những quy định trên về nhiệm vụ, quyền hạn, cũng như hoạt động của chủ tịch ủy ban nhân dân đều nhằm đề cao vị trí, vai trò của chủ tịch trong hoạt động quản lí cũng như bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước. 2.3. Hoạt động của các phó chủ tịch, các ủy viên ủy ban nhân dân và các thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân : Theo điều 126 Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân 2003 thì phó chủ tịch và các thành viên khác của ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do chủ tịch ủy ban nhân dân phân công theo các ngành và lĩnh vực nhất định. Thông thường, chủ tịch phân công 1 phó chủ tịch phụ trách kinh tế, tài chính, thương mại; 1 phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội và, với những thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thể có thêm 1 phó chủ tịch phụ trách công tác quản lí nhà đô thị,… Về nhiệm vụ và quyền hạn, phó chủ tịch có thể thay mặt chủ tịch để thực hiện một số nhiệm vụ quyền hạn của chủ tịch khi được yêu cầu và có trách nhiệm báo cáo lại với chủ tịch; ngoài ra, phó chủ tịch còn được phân công quản lí chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân để giải quyết các vấn đề tại địa phương, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các quyết định, chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực mình phụ trách và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung,… Các ủy viên ủy ban nhân dân được chủ tịch phân công phụ trách các sở, ban, ngành như công an, quân đội, thanh tra, kế hoạch, tài chính,văn hóa, xây dựng, tổ chức,… trực tiếp thực hiện công tác quản lí ngành, lĩnh vực dưới danh nghĩa giám đốc sở, trưởng phòng, trưởng ban thuộc ủy ban nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân cùng cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn được chủ tịch phân công quản lí phụ trách đối với một số lĩnh vực chuyên môn nhất định và phải đảm bảo tính thống nhất quản lí của ngành đó từ trung ương đến cơ sở. Các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân là cơ quan tham mưu, giúp ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của ủy ban nhân dân cùng cấp và theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn phải chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác với ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn cấp trên trực tiếp. Trường hợp cần thiết phải báo cáo cả với hội đồng nhân dân khi được yêu cầu. Hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân là vô cùng quan trọng, vì như đã đề cập ở phần trước, chính nhờ thông qua hoạt động của các cơ quan này mà các chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân mới được thực hiện trên thực tế. Vì vậy cần tổ chức sắp xếp công việc giữa các cơ quan đó sao cho có hiệu quả, thống nhất, tránh việc chồng chéo, mâu thuẫn, đồng thời cần tách bạch rõ ràng hơn chức năng quản lí nhà nước của cơ quan nhà nước ở địa phương với chức năng quản lí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất để chuyên môn hóa các hoạt động quản lí và phù hợp với địa phương mình. 3. Thực trạng tổ chức và hoạt động của ủy ban nhân dân hiện nay : Trong thời gian qua, ủy ban nhân dân đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; có nhiều đổi mới trong tổ chức, góp phần phát huy được quyền chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương trong việc xử lý các vấn đề của địa phương theo quy định của pháp luật; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Hiện nay, các ủy ban nhân dân đang triển khai các phương thức mới trong việc theo dõi, phát hiện và chỉ đạo khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Cụ thể như tại thành phố Đà Nẵng năm 2009, cùng với cả nước, kinh tế - xã hội của thành phố gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trước tình hình đó, ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, hội đồng nhân dân thành phố, kịp thời đề ra những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; triển khai thực hiện quyết liệt chính sách kích cầu, chính sách an sinh xã hội của Chính phủ… Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhân dân,…, kinh tế - xã hội của thành phố đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, đồng thời tốc độ tăng trưởng GDP đã đạt 11,2%. Chưa hết, Đà Nẵng đã được xếp thứ nhất về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2009 và là năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI);… Tuy nhiên trong công tác tổ chức và hoạt động ủy ban nhân dân cũng đã và đang nảy sinh rất nhiều vấn đề bức xúc. Cụ thể như việc lập quy hoạch chi tiết sau khi có quy hoạch tổng thể được phê duyệt thực hiện còn chậm, nhiều quy hoạch chi tiết được công bố không còn đủ yếu tố đưa vào thực hiện nhưng chưa được điều chỉnh; việc quản lí quy hoạch xây dựng và kế hoạch sử dụng đất không gắn kết đồng bộ và không cụ thể, dẫn tới xây dựng tràn lan, không đảm bảo mỹ quan và môi trường sống. Bên cạnh đó, việc quản lý lỏng lẻo của ủy ban nhân dân đã làm nhiều dự án đầu tư gặp phải những trở ngại về hồ sơ thủ tục, công tác bồi thường giải tỏa mặt bằng,… do gặp phải một số vướng mắc về việc thu hồi đất, giá tiền thuê,…, dẫn đến chậm tiến độ của dự án, gây ra những thiệt hại lớn về vật chất (ví dụ như khu đô thị Linh Đàm theo quy hoạch thì sẽ có đất dành cho xây dựng trường học, nhưng đến giờ vẫn chỉ trong quy hoạch). Việc quản lý sử dụng đất thời gian qua bộc lộ nhiều yếu kém dẫn đến tình trạng lấn chiếm, cho thuê đất, sử dụng sai mục đích tràn lan. Ngoài ra, vẫn còn không ít những biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí,… trong cán bộ, công thuộc bộ máy chính quyền địa phương,… ( liên quan đến vụ án sai phạm trong quản lý đất đai tại Hóc Môn, cơ quan điều tra đã khởi tố sáu bị can trong đó bao gồm cả Nguyễn Văn Khỏe (chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn), Dương Minh Trung (nguyên trưởng phòng tài chính kế hoạch ủy ban nhân dân huyện));… Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng hoạt động kém hiệu quả của ủy ban nhân dân hiện nay như các nguyên nhân về kinh tế, về ý thức công việc,… Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm thì có 2 nguyên nhân cơ bản và quan trọng hàng đầu, đó là bản thân hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, dễ gây sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước với nhau; bên cạnh đó là những biểu hiện của tham nhũng, quan liêu,… đang xuất hiện ngày một nhiều ở không ít cán bộ ủy ban nhân dân. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới, Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp đúng đắn và kịp thời để khắc phục những hạn chế này, qua đó giúp cho ủy ban nhân dân hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTổ chức của ủy ban nhân dân.doc
Tài liệu liên quan