Không phải bất cứ mẫu quảng cáo nào có thông tin, có sự so sánh với một doanh nghiệp hay hàng hóa, dịch vụ khác cũng đều trở thành quảng cáo so sánh. Mẫu quảng cáo đó phải có nội dung thông tin khẳng định bản chất so sánh và bản chất cạnh tranh của hoạt động quảng cáo thì mới được xem là quảng cáo so sánh. Điều này thể hiện dưới hai khía cạnh sau đây:
+ Thứ nhất: Sản phẩm được quảng cáo và sản phẩm bị so sánh phải là sản phẩm cùng loại. Lý luận về cạnh tranh đã chỉ rõ rằng các sản phẩm chỉ có thể được coi là cạnh tranh với nhau khi chúng cùng loại và các thông tin trong quảng cáo khi nói đến hai sản phẩm cùng loại của hai doanh nghiệp khác nhau thì mới là so sánh. Ngược lại, một sản phẩm quảng cáo đưa ra những thông tin nói về hai loại hàng hóa, dịch vụ không cùng loại thì hành vi ấy được coi là quảng cáo liên kết chứ không phải là so sánh.
4 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2464 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Trình bày hiểu biết của bản thân về quảng cáo so sánh theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ BÀI SỐ 8: TRÌNH BÀY HIỂU BIẾT CỦA EM VỀ QUẢNG CÁO SO SÁNH THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH CỦA VIỆT NAM
BÀI LÀM
Sự cạnh tranh trong quảng cáo là một điều tất yếu khi hiện nay hoạt động quảng cáo được coi như một chiến trường giữa các thương nhân. Quảng cáo so sánh (comparative advertising) là một trong những hoạt động, quan hệ cạnh tranh trong thương mại đó.
Các quy định của pháp luật hiện hành về quảng cáo so sánh:
Quảng cáo so sánh là một trong những quan hệ pháp luật cạnh tranh nhạy cảm nhất và được xử lý rất khác trong các hệ thống pháp luật khác nhau. Ở Việt Nam, chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra định nghĩa cụ thể về khái niệm quảng cáo so sánh, nghĩa là không nêu các yếu tố cấu thành để xác định như thế nào là quảng cáo so sánh. Đây là một thiếu sót cơ bản của pháp luật hiện hành về nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Bất cứ một hiện tượng pháp lý nào cũng cần được định nghĩa để xác định được bản chất pháp lý và các yếu tố cấu thành hiện tượng đó nhằm định hướng cho các quy định cụ thể cho hiện tượng đó trong các văn bản pháp luật. Có lẽ nguyên nhân lớn nhất dẫn đến điều này là do việc chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lĩnh vực chống cạnh tranh không lành mạnh của các nhà làm luật khi xây dựng Luật Cạnh tranh năm 2004 và Luật thương mại năm 2005. Hiểu theo cách thông thường thì quảng cáo so sánh là việc thương nhân trong quá trình quảng cáo đã đưa ra những thông tin về sản phẩm của mình có nội dung so sánh với sản phẩm cùng loại của thương nhân khác.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 109 Luật thương mại năm 2005, quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của mình với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác là một trong các hình thức quảng cáo thương mại bị cấm. Luật cạnh tranh năm 2004 coi việc quảng cáo bằng hình thức “So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác” là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và cấm thực hiện được quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật này. Tại Điều 5 Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo, không thấy có quy định nào cấm quảng cáo so sánh nhưng quảng cáo so sánh lại bị cấm theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 24/2003/NĐ – CP của Chính phủ ban hành ngày 13/03/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.
Tuy nhiên theo Điều 22 Nghị định 37/2006/NĐ – CP quy định chi tiết Luật thương mại năm 2005 về hoạt động xúc tiến thương mại, đã đưa ra trường hợp ngoại lệ cho quảng cáo so sánh khi quy định “thương nhân có quyền so sánh hàng hóa của mình với hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong sản phẩm quảng cáo thương mại sau khi có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để so sánh”.
Về mức phạt đối với hành vi quảng cáo so sánh được quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 120/2005/NĐ – CP quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, theo đó, hành vi so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhằm cạnh tranh không lành mạnh bị phạt tiền từ 15 triệu đến 25 triệu Việt Nam đồng. Có thế thấy rằng mức phạt như vậy là quá ít so với chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp, vì chỉ cần dựng đoạn phim quảng cáo khoảng 30 giây đã tốn đến vài trăm triệu đồng.
Như vậy, có thể thấy hiện nay hành vi quảng cáo so sánh ở Việt Nam được điều chỉnh bởi khá nhiều văn bản của pháp luật thương mại và pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh năm 2004 vẫn là văn bản điều chỉnh có tính chất chuyên ngành nhất.
Bản chất cạnh tranh và bản chất so sánh của quảng cáo so sánh:
Không phải bất cứ mẫu quảng cáo nào có thông tin, có sự so sánh với một doanh nghiệp hay hàng hóa, dịch vụ khác cũng đều trở thành quảng cáo so sánh. Mẫu quảng cáo đó phải có nội dung thông tin khẳng định bản chất so sánh và bản chất cạnh tranh của hoạt động quảng cáo thì mới được xem là quảng cáo so sánh. Điều này thể hiện dưới hai khía cạnh sau đây:
+ Thứ nhất: Sản phẩm được quảng cáo và sản phẩm bị so sánh phải là sản phẩm cùng loại. Lý luận về cạnh tranh đã chỉ rõ rằng các sản phẩm chỉ có thể được coi là cạnh tranh với nhau khi chúng cùng loại và các thông tin trong quảng cáo khi nói đến hai sản phẩm cùng loại của hai doanh nghiệp khác nhau thì mới là so sánh. Ngược lại, một sản phẩm quảng cáo đưa ra những thông tin nói về hai loại hàng hóa, dịch vụ không cùng loại thì hành vi ấy được coi là quảng cáo liên kết chứ không phải là so sánh.
+ Thứ hai: Sản phẩm bị so sánh phải là sản phẩm do doanh nghiệp khác sản xuất hoặc kinh doanh. Nếu nội dung quảng cáo so sánh các sản phẩm cùng loại do doanh nghiệp thực hiện việc quảng cáo kinh doanh như: so sánh sản phẩm mới và sản phẩm trước đây để cho khách hàng thấy được tính năng của sản phẩm mới thì việc quảng cáo đó không coi là quảng cáo so sánh.
Phân loại quảng cáo so sánh:
- Quảng cáo so sánh bằng là hình thức quảng cáo cho rằng sản phẩm của mình tốt hoặc đạt chất lượng ngang bằng sản phẩm hoặc có cung cách phục vụ,tính năng giống như sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác. Đây là kiểu quảng cáo mang tính chất “dựa dẫm” thường được các doanh nghiệp sử dụng khi mới thâm nhập thị trường. Hình thức quảng cáo này ít được sử dụng vì kém hiệu quả, không gây được ấn tượng và dễ gặp phản ứng của đối thủ cạnh tranh.
- Quảng cáo so sánh hơn là hình thức quảng cáo cho rằng sản phẩm của người quảng cáo có chất lượng tốt hơn, cung cách phục vụ, hình thức… tốt hơn sản phẩm của doanh nghiệp khác. Hình thức này diễn ra một cách tràn lan và dễ bắt gặp trong hoạt động quảng cáo.
- Quảng cáo so sánh nhất là hình thức quảng cáo khẳng định vị trí số một của sản phẩm của mình trên thị trường bằng cách cho rằng chất lượng, mẫu mã, phương thức cung ứng… của mình là tốt nhất hoặc khẳng định rằng không có bất cứ sản phẩm cùng loại nào trên thị trường có được những tiêu chuẩn nói trên như sản phẩm của mình.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình luật thương mại (tập 2) – Trường Đại học Luật Hà Nội – Nxb.CAND, năm 2006.
Hỏi & đáp luật thương mại – Nguyễn Thị Dung (chủ biên) – Nxb. Chính trị - hành chính, năm 2011.
Một số vấn đề về hành vi quảng cáo so sánh theo pháp luật Việt Nam hiện nay – Trương Hồng Quang – Tạp chí Nhà nước và pháp luật số tháng 8/2010.
Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn – Hà Thị Hằng - Khóa luận tốt nghiệp năm 2009.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Trình bày hiểu biết của em về quảng cáo so sánh theo pháp luật hiện hành của Việt Nam.doc